Thursday, June 9, 2022

KHI CHẾT NÊN THIÊU HAY NÊN CHÔN?




Chúng ta cùng đọc lời dạy này của Ngài Sariputta giảng cho Tôn giả Maha Kotthita ở Đại kinh Phương quảng - MN.43 Trung bộ kinh:

"-- Này Hiền giả, đối với thân này, khi nào có bao nhiêu pháp được từ bỏ, thì thân này được nằm xuống, quăng đi, vất bỏ, như một khúc gỗ vô tri?

-- Này Hiền giả, đối với thân này, khi nào ba pháp được từ bỏ: Tuổi thọ, hơi nóng và thức, thì thân này nằm xuống, được quăng đi, vất bỏ, như một khúc gỗ vô tri."

Hoặc bài kinh Pháp cú:

"Không bao lâu thân này,
Sẽ nằm dài trên đất,
Bị vất bỏ, vô thức,
Như khúc cây vô dụng."

(Kinh Pháp cú, 41)

Khi bác sĩ đã xác nhận chết và thân chúng ta lạnh hoàn toàn thì khi đó thân này bỏ qua một bên, người nhà có thể đem chôn hay thiêu đều được cả.

Tùy theo phong tục, tập quán của địa phương mà chúng ta thực hành việc chôn hoặc thiêu. Và nếu đã chôn rồi thì đừng có đào mộ lên như một số vùng quê, như vậy rất mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường và độc hại cho người đào mộ. Và nếu thiêu thì đem tro cốt rải xuống sông, xuống biển chứ không nên đem vào chùa để thờ cúng như hiện nay, đó là những điều mê lầm mà Đức Phật không có dạy. Chúng ta không nên biến ngôi chùa thành cái nhà kho lưu trữ những lọ hài cốt bất tịnh, chùa là nơi để mọi người đến học đạo đức giải thoát, học những điều lành.

Việc ma chay, cúng điếu thì nên thực hành trong yên tĩnh, người thân không nên khóc lóc, than vãn vì chúng ta cần hiểu đó là quy luật tất yếu của tất cả mọi chúng sanh. Người nhà hiểu Pháp nên từ bỏ những hủ tục mê tin như: cúng vàng mã, giết hại chúng sanh để làm mâm cơm cúng; không nên thắp hương hoa, mở nhạc linh đình, v.v..

Hãy giữ một không khí bình thản, việc đưa đám cứ bình thường, đó là việc làm bình thường như hằng ngày vẫn ra đồng làm việc hay vào công sở làm việc, ai ở đâu ở yên ở đó, bà con anh em họ hàng ở xa không nên đi lại vất vả tốn kém.

Người đã mất hoặc là Niết bàn hoặc là đã tái sanh ngay liền theo nghiệp định. Những gì chúng ta cần làm là lo cho những người còn sống, tổ chức tang lễ sao cho văn minh, đỡ tốn kém, không có mê tín dị đoan, không mời thầy cúng về cúng, gõ mỏ, tụng kinh mê tín.

Khi đã chôn cất hoặc thiêu rồi, đến những ngày như Tết, ngày giỗ người thân không nên giết hại các con vật để cúng, những ngày này nên sống yên tĩnh, trầm lặng, nghe giáo Pháp để mọi người tâm được bình an, thanh thản. Khi người thân chết rồi cũng không nên cúng 49 ngày, rất mất thời gian, để thời gian đó mà làm công việc hữu ích, hay đơn giản chỉ là nghỉ ngơi, đi du lịch cho tâm hồn thanh thản. Thờ cúng trong đạo Phật đó là là lòng biết ơn, tưởng nhớ công lao người đã khuất chớ không phải thắp hương hoa quả cho nhiều.

Cuối cùng, chúng tôi ước nguyện tất cả mọi người luôn bình an, thanh thản, và giải thoát.

(Bình An Ngay Hiện Tại)

Sunday, May 2, 2021

BẢY TÀI SẢN CAO QUÝ

 


1. - Này các Tỷ-kheo, có bảy tài sản này. Thế nào là bảy?

2. Tín tài, giới tài, tàm tài, quý tài, văn tài, thí tài, tuệ tài. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tín tài?

3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ của Như Lai: "Ðây là Thế Tôn, bậc A-la-hán... Phật, Thế Tôn". Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tín tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là giới tài?

4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là giới tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tàm tài?

5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có xấu hổ, xấu hổ đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ ác, xấu hổ vì đã thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tàm tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là quý tài?

6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có lòng sợ hãi, sợ hãi đối với thân làm ác, miệng nói ác, ý nghĩ sợ hãi vì thành tựu các pháp ác, bất thiện. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là quý tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là văn tài?

7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử nghe nhiều, gìn giữ những gì đã nghe, chất chứa những gì đã nghe, những pháp ấy, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, nghĩa văn đầy đủ, đề cao đời sống Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh; những pháp ấy, vị ấy nghe nhiều, đã nắm giữ, đã ghi nhớ tụng đọc nhiều lần, chuyên ý quán sát, khéo thành tựu nhờ chánh kiến. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là văn tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là thí tài?

8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử với tâm từ bỏ cấu uế của xan tham, sống tại gia phóng xả, với bàn tay rộng mở, ưa thích xả bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, ưa thích san sẻ vật bố thí. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là thí tài.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tuệ tài?

9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử có trí tuệ, có trí tuệ về sanh diệt, thành tựu Thánh thể nhập (quyết trạch) đưa đến chơn chánh đoạn diệt khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là tuệ tài.

Này các Tỷ-kheo, đây gọi là bảy tài sản.

Tín tài và giới tài,
Tàm tài và quý tài,
Văn tài và thí tài,
Và tuệ, tài thứ bảy;
Ai có những tài này,
Nữ nhân hay nam nhân,
Ðược gọi không nghèo khổ,
Mạng sống không trống rỗng,
Do vậy tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,
Bậc trí chuyên chú tâm,
Ức niệm lời Phật dạy.

(Kinh Tăng Chi Bộ, (VI) (6) Các Tài Sản Rộng Thuyết) 

Saturday, March 13, 2021

PHIỀN NÃO BẤT TOẠI NGUYỆN KHI MUỐN THAY ĐỔI NGƯỜI KHÁC MÀ KHÔNG ĐƯỢC


Muốn người ta cũng tu như mình, làm như ý mình; tu với "thầy mình"... cái muốn đó là tham ái.

Khi muốn mà không đạt thì sẽ bất toại nguyện, bất toại nguyện là KHỔ ĐẾ - CẦU BẤT ĐẮC KHỔ. Sở dĩ có khổ sanh khởi là do tập đế sanh khởi: tâm tham.
Có tham thì chắc chắn có sân, sân vì người ta không tu như ý mình, không thực hành như mình muốn ---> bất toại nguyện.
Có tham sân là do SI có mặt, do không hiểu nhân quả, không hiểu các hành vô thường, không hiểu các pháp vô ngã. Cái thân của mình ở đây mình cũng đâu điều khiển được, hết ý niệm này sanh khởi, đến các ý niệm khác; hết no lại đói; hết trẻ lại già; v.v.. đó là các hành vô thường vô ngã, cứ muốn các hành là thường thì điều đó không thể. Tâm vô thường, thân vô thường; danh vô thường, sắc vô thường, v.v..
Mỗi người chỉ lo được cho TÂM MÌNH thôi, còn duyên bên ngoài là tùy hỷ. Mình gieo duyên, làm những công đức chứ không có THÍCH ĐIỀU KHIỂN người khác, bắt người khác phải theo ý mình hoàn toàn, rặp khuôn.
Sư Tánh Trí viết:
"Sân là sự buồn phiền, sân giận, bực tức, bực bội, khó chịu, bất mãn, không vừa ý, không vừa lòng khi không được đáp ứng, thỏa mãn mọi sự mong muốn, ước muốn, mọi nhu cầu đòi hỏi trên cái sắc thân này.
Hoặc đối trước các hoàn cảnh nhân quả xấu, nghịch duyên, chướng duyên hoặc các cảm thọ khổ trên thân như bệnh hoạn, tai nạn chúng ta buồn khổ, phiền não, lo lắng, sợ hãi cũng gọi là sân.
Chúng ta sân giận, nóng nảy, bực tức, khó chịu nguyên do là từ lòng tham muốn, ước muốn không được đáp ứng, thỏa mãn mà sinh ra.
Ví dụ như ăn uống lạt lẽo, không hợp khẩu vị, ăn không ngon miệng; bị ai đó quấy rầy không ngủ được; chỗ ở chật chội, nóng nực, không đầy đủ tiện nghi hoặc dạy bảo, sai bảo ai điều gì người đó không nghe theo, không làm theo là bực tức, khó chịu.
Giác ngộ được sự thật chân lý, Diệt Đế, Niết Bàn là không có không gian, thời gian, biết tham là khổ, sân là khổ, sân là mình tự hại mình, mình đang ác với chính mình. Muôn ngàn thứ bệnh hoạn trên đời này cũng vì cái tâm tham, tâm sân này mà phát sinh ra như: tim mạch, tăng xông, huyết áp, đau đầu, mất ngủ, đột quỵ, tai biến mạch máu não, suy gan, suy thận, v.v..
Bản chất tất cả các pháp đều là vô thường, vô ngã, mà chúng ta mong muốn, ước muốn mọi điều như ý mình là không được, là VÔ MINH.
Chúng ta sống theo lời Phật dạy, vui vẻ, hoan hỷ sống đời phạm hạnh thanh tịnh, thiểu dục tri túc, ít muốn biết đủ, tự bằng lòng với tất cả mọi hoàn cảnh nhân quả khó khổ, nghịch duyên, chướng duyên đến với mình là chúng ta từ bỏ, trừ diệt, đoạn tận được kiết sử sân trên cái sắc thân ngũ uẩn này."
(Thích Tánh Trí, Lời Phật Dạy, Nxb. Hồng Đức, 2020, trang 241)

Sài-gòn, 11.12.2020

Wednesday, February 17, 2021

BÀI 1: DÒNG NƯỚC XOÁY

 


Bài viết này tôi kể về chính những phiền não của tôi. Bị cuốn trôi theo nghiệp lực tham sân si của chính mình, cuốn theo chuyện thiệt hơn phải trái. Những chuyện của tôi có lẽ chỉ xảy ra với mình tôi, các bạn không ở trên duyên nhân quả như tôi. Tuy vậy, biết đâu bài viết này cũng đem lại vài thông tin hữu ích với bạn.


🍎 Cuốn vào chuyện ăn chay - ăn mặn

Khi biết Phật Pháp, điều đầu tiên tôi bị cuốn vào ăn chay - ăn mặn của người khác, không phải của tôi. Tôi cho rằng Phật giáo ăn mặn là sai, tôi chỉ trích, bài bác.

Lẽ dĩ diên, việc ăn chay hay mặn, ăn như thế nào ngày ngay khoa học dinh dưỡng đã có những nghiên cứu sâu rộng và cụ thể. Nhưng khi đến với Đạo Phật, tôi bị dính mắc vào chuyện của người ta, tôi cũng muốn mọi người đều ăn chay, và sinh lòng chỉ trích người ăn mặn, chỉ trích những thầy dạy ăn mặn.

Điều người khác ăn gì đó là phước báu của họ, nhưng tôi sinh lòng dính mắc, chỉ trích đó là phiền não của tôi, tâm sân của tôi, tôi khi đó chính là A tu la. A tu la là những khi tâm chúng ta ở trạng thái bất toại nguyện, bất như ý, sinh lòng sân giận, căm phẫn, phẫn nộ.

Sự phẩn nộ thể hiện qua khẩu hành là viết bài nói này nói nọ, đó là khẩu hành không thanh tịnh, do ý hành si mê, muốn thay đổi người đó là tham ái. Tham sân si hiện diện thì mất trạng thái thanh thản của tâm, đó là tâm phóng dật.

"Không phóng dật, đường sống,
Phóng dật là đường chết.
Không phóng dật, không chết,
Phóng dật như chết rồi."
(Kinh Pháp cú, 21)

🍎 Cuốn vào chuyện thế giới siêu hình không có

Khoảng 2006 - 2007, tôi có có duyên lên chùa P.Q, được nghe Thầy C.Q giảng Pháp và đọc sách thầy. Bộ sách đạo đức của Thầy dạy với tôi khi đó là quá tuyệt vời, tôi tin đây là Chánh pháp rồi. Tôi nghe hầu như gần hết các bài giảng của thầy, khi đó là khoảng 700 bài giảng; tôi đi tham dự các khóa thiền ở chùa T. T (quận Tân Bình), v.v.. Lẽ dĩ nhiên, khi đó tôi tin có linh hồn.

Cũng dịp này năm 2008 âm lịch, tôi cùng nhóm HL, HĐ lên Tu viện CN, tôi có duyên được gặp Thầy Thông Lạc ở bên khu cũ. Tôi thỉnh sách của Thầy về và đọc ngấu nghiến không ăn, không ngủ. Tôi vỡ lẻ ra những điều mình tin, mình học lại không phải. Đặc biệt là vấn đề thế giới siêu hình không có. Tôi bắt đầu hiểu ra và chỉ trích thầy C.Q trên mạng, dù gì thầy ấy cũng từng học với Thầy TL, sao lại dạy những điều phi Phật Pháp như vậy để rồi tôi đã tin đó là thực - một niềm tin không chân chánh - tà tín. Đó là sự hiềm hận, oán trách, chê bai. Tất cả đều là bất thiện nơi tôi, tôi sống với điều bất thiện mà đâu có biết đâu! Cứ cho mình làm là đúng! Tôi trích đăng các bài giảng của Thầy Thông Lạc về thế giới siêu hình không có với TÂM THẾ muốn thay đổi thế giới, muốn mọi người phải biết: à, mấy ông kia dạy sai rồi, hãy từ bỏ mê tín đi. Quả là vô minh, tâm phi thường quá, muốn thay đổi cả thế giới cơ đấy!

Chúng ta khi nhận ra cái sai, chỉ có thể tự mình từ bỏ mà thôi. Biết đây là sai, đây là tà kiến, đây là bất thiện ta không tin theo. Chỉ có vậy thôi. Chuyện bên ngoài là nhân quả người ta, mình làm sao mà đòi thay đổi người khác được.

Tuy vậy, vấn đề thế giới siêu hình không có cũng làm cho tôi phải suy tư rất nhiều vì Thầy Thông Lạc thường dẫn chứng bài kinh Pháp môn căn bản - Trung bộ kinh. Tôi đọc vào bài kinh đó không thấy chỗ nào Phật nói là thế giới siêu hình không có cả. Phật chỉ nói tưởng tri địa đại, tưởng tri niết bàn, v.v.. Khi đó tôi không có hiểu tưởng tri địa đại là gì, tưởng tri niết bàn là gì. Tôi đọc và suy tư đến bài kinh Tương ưng uẩn - Kinh Tương ưng bộ và đọc các bài viết trên Budsas thì mới hiểu và tin được. Dù sao, từ một người tin có linh hồn, có thế giới siêu hình mà đoạn nghi liền thì cũng khó, tôi khi đó chưa đoạn nghi được hẵn về vấn đề thế giới siêu hình.

Thế giới nhân quả xây dựng nên các cảnh giới ở ngay tâm của mỗi người, từ cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, người, trời và niết bàn. Ở nơi cái thân ngũ uẩn này thâu tóm các thế giới trên tâm thức do chính thân khẩu ý của chúng ta tạo tác mà có, do vô minh mà hình thành.

Dính mắc vào cái sai của người, rồi gây đau khổ cho mình, đó là tâm phiền não. Đó là hữu kiết sử, là vô minh, là không tỉnh giác, là mê ngủ.

🍎 Cuốn vào chuyện tông phái, thầy tổ - chánh pháp - tà pháp

Khi đến với Phật Pháp, nhận ra một số điều sai lầm từ những lời dạy của các bậc thầy ở quá khứ và hiện tại, tôi sinh lòng chỉ trích. Cho rằng người khác sai hết, chỉ có thầy Thông Lạc dạy là đúng. Tôi cứ muốn mọi người phải theo thầy, phải tu như thầy dạy, phải hiểu đúng như thầy dạy, v.v.. Tôi chỉ trích PG Đại thừa, Nam tông, v.v..

Đó là tâm dính mắc vào chuyện sai đúng của người, tôi đã dính mắc vào đó và cho họ là tà pháp, còn tôi mới tu Chánh pháp, v.v..

Nhưng tôi đâu hiểu rằng, chính tâm phiền não của tôi mới là TÀ PHÁP. Thầy Thông Lạc chỉ là người vạch ra, chỉ ra cho người đệ tử thấy được: à như vậy là đúng Phật dạy, như vậy là sai Phật dạy. Còn tôi thì mượn lời thầy để đi chỉ trích người khác là sai, sự chỉ trích đó là TÀ NGỮ. Tà ngữ có mặt do TÂM SI có mặt, không nhìn được cái bất thiện đang hiện có nơi mình đó là mình đang sân, đang phiền não, đang bị dính mắc.

Người ta chỉ trích thầy Thông Lạc tôi cũng phiền não, tôi bị phóng dật theo tiếng khen - chê của người khác. Đó là do tâm si mê, do mê ngủ, do không tỉnh giấc, do thiếu tỉnh giác, do không thấy - biết các lậu hoặc nơi mình. Khen chê tôi tôi cũng phóng dật, mà khen chê Thầy tôi cũng phóng dật theo.

🍎 Chuyện thầy này tu chứng đạo - thầy kia không chứng

Một điều nữa tôi có chướng ngại là khi thấy vị này vị nọ, rõ ràng tôi biết vị đó dạy sai lời Phật dạy, hiểu sai lời Thầy Thông Lạc dạy mà cũng tuyên bố chứng đạo hay được cho là chứng đạo rồi tôi sinh lòng phiền não. Tôi mượn kinh, mượn lời Phật dạy để chứng minh cho sự sai quấy của người, đó là sự dính mắc của tôi chứ đâu có phải thiện pháp gì đâu. Tôi đã làm bạn với ác chứ không có làm bạn với thiện như Sư Tánh Trí dạy.

Thực ra chúng ta biết người chứng đạo dễ lắm, ít nhất người đó phải có trí tuệ về Tứ diệu đế, mười hai nhân duyên và người đó sống được với trí tuệ đó tức là sống với chính nhân quả của họ, họ không tham sân si mạn nghi trên cái nhân quả của mình của người, không khoe khoang, không chỉ trích, không khen mình chê người, v.v.. chứ không phải là chứng cái gì cao siêu thần thông biết quá khứ vị lai, biết chuyện người khác, v.v.. Thầy Thông Lạc dạy:

"Cho nên chứng đạo không có cái gì cao siêu vĩ đại cả, chỉ là một tâm bình thường như mọi người nhưng không có chướng ngại nào làm cho tâm người đó chướng ngại được." (Trích từ Yếu Chỉ Tu Tập).

Người chứng đạo không phải là chứng thần thông, biết quá khứ vị lai để khoe khoang, mà là người đã chấm dứt đau khổ; thoát ra khỏi trói buộc của tâm ái dục (bao gồm DỤC ÁI, SẮC ÁI, VÔ SẮC ÁI).

Người ta chứng đạo hay không là chuyện của người ta, còn mình đang ở đâu đây? Ở nơi bùn lầy, ở nơi đau khổ, ở nơi cảnh giới địa ngục a tu la chứ có phải người, trời gì đâu.

Giải thoát ít nhất phải thoát ra được địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la rồi mới cộng trú được người, trời. Tâm phiền não đâu phải là phẩm chất của người, trời.

Mình cứ phiền não, nghiệp phiền não còn đeo mang như trâu kéo xe đi trong đường bùn lầy lội mà cứ cho mình là Chánh Pháp. Ôi, vô minh!

Vô minh là do không nhận ra được ĐÂY LÀ KHỔ, rõ ràng cái tâm phiền não với chuyện của người đó là Khổ. Mà khổ này do tâm si mê, do tâm triền cái ngăn che, do ngã mạn, tật đố, hơn thua, v.v... Khổ và Nguyên nhân của khổ luôn đi liền với nhau, có nhân thì có quả ở chính nơi TÂM MÌNH.

🍎 Sati

Sati là Chánh niệm, tiếng Pali. Ý tôi muốn nói ở đây là tôi dính mắc vào khái niệm. Lẽ dĩ nhiên, bạn học Phật Pháp bạn phải có một nền tảng Pháp học căn bản và các khái niệm Phật học phải thuộc về giai đoạn học Pháp đầu tiên bạn phải học.

Tuy nhiên, các khái niệm Phật học tôi cố gắng hiểu và hiểu trên kinh sách, tìm và đối chứng giữa các vị thầy dạy ở các tông phái.

Ví dụ, Phật dạy Chánh niệm thì là như này (X), thầy A dạy thì là (X'), thầy B thì (X''), v.v.. tôi mất thời gian để đối chiếu từng khái niệm một như vậy.

Hay như khái niệm Như Lý Tác Ý là gì, cũng mất nhiều thời gian của tôi.

Thực ra, do không giác ngộ, do không có sự giác ngộ Tứ diệu đế nên tâm hoài nghi còn nhiều và còn tìm hiểu theo kiểu nghiên cứu.

Thầy Bảo Nguyên là người giúp tôi vượt ra khỏi các hoài nghi. Những gì không hiểu tôi đều hỏi thầy và được thầy giảng giải chi tiết.

Sài-gòn,
Tâm Phúc, 05.02.2021
(Bài 2: Những nút thắt được tháo)