Friday, July 31, 2020

NHẬN DIỆN NHỮNG ĐIỀU BẤT THIỆN LÀM CHÚNG TA KHỔ



Dưới đây xin tạm nêu ra một số những hình ảnh, những chướng ngại, những thói quen, tập khí bất thiện, xấu ác, mà mọi người chúng ta khi chưa giác ngộ, chưa biết tu hoặc đang tập tu, còn nhiều sai phạm, lầm lỗi. Thông qua đây để chúng ta dễ nhận diện, đối chiếu khi nhìn vào chính nội tâm mình, thấy mình có những thói hư, tật xấu hoặc khi gặp phải những hoàn cảnh nhân quả xấu, nghịch duyên, chướng duyên, những ý niệm, tư tưởng, cảm thọ, cảm xúc bất thiện, tiêu cực, xấu ác, chấp thủ, chấp ngã sinh khởi, có mặt nơi tâm thức, chúng ta nhanh chóng giác ngộ, biết đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, Chánh Niệm Tỉnh Giác, Như Lý tác ý ngăn và trừ diệt, từ bỏ, xả bỏ tức thời.

1. Vượt qua những thói hư tật xấu:
Sát sanh, đánh đập chúng sanh, ăn thịt chúng sanh.
Gian tham, trộm cắp, lấy của không cho, ích kỷ, keo kiết, bỏn xẻn.
Nói dối, nói láo, chửi thề, chửi tục, nói lời ác độc, nói những lời phù phiếm, đùa giởn, vô bổ, vô ích.
Nóng nảy, ăn nói cộc cằn, thô lỗ, chửi mắng, la hét, quát tháo người khác.
Hay cằn nhằn, càm ràm, lãi nhải về cái sai của người khác.
Tà hạnh trong các dục, tà dâm ngoại tình.
Nhậu nhẹt rượu bia, cờ bạc, hút chích, trai gái, thức đêm thức khuya.
Đua đòi chưng diện, trang phục kiểu cách, phấn son lòe loẹt.
Ăn uống không có tiết độ. Ăn uống lặt vặt, phi thời, đòi hỏi, chê khen ngon dở, thèm thích cái gì là ăn cái đó, ăn uống suốt ngày.
Ngủ nhiều, ngày ngủ đến 9 tiếng, 10 tiếng.
Giải đãi, hời hợt, dễ duôi, buông lung, phóng dật để cho đầu óc, tâm trí suy nghĩ lung tung, miên man.
Lười biếng, biếng nhác, thụ động, lánh nặng tìm nhẹ, sợ cực, sợ khổ.
Chấp giới, làm cái gì cũng sợ tội, tránh né, phó thác công việc, trách nhiệm cho người khác.
Ganh tỵ, đố kỵ, thấy người khác có điều gì hơn mình là trong lòng bực tức, khó chịu.
Đạo đức giả, ăn nói đãi bôi, bên trong không thật lòng.
Nịnh nọt, bợ đở, luồn cúi, lấy lòng, chiếm cảm tình ai đó để thu lợi, lấy lợi về cho mình.
Tự mãn, ngã mạn, phô trương, khoe khoang, khen mình, chê người.
Buồn tủi, tự ái, than thân trách phận, tự ty mặc cảm.
Ưa nhìn lỗi người, không nhìn lỗi mình. Nói nhiều, ưa thích thị phi, bao đồng, ưa thích bình phẩm, xoi mói, bươi móc, chê bai, chỉ trích nói lỗi người khác.
Khi quả khổ, hoàn cảnh nhân quả khổ đến, không nhận lỗi về mình, ưa đổ thừa, đổ lỗi cho người này, người nọ.
Phung phí, cẩu thả, hời hợt, lơ đễnh.
Nôn nóng, vụt chạc, đi đứng, nói năng, làm việc gì cũng vội vàng, hấp tấp không có điềm tĩnh, trầm tĩnh.
Không tập trung, nói trước quên sau, nói sau quên trước.
Hiềm hận, ghim gút những lầm lỗi, sai phạm, sai quấy của người khác vào lòng, không có hỷ xả.
Cố chấp, lì lợm, bướng bỉnh, chấp chặt vào tư tưởng, quan điểm, suy nghĩ sai quấy của mình, tánh khó hành xả.
Biết sai mà vẫn cố phạm, không có tàm quý, xấu hỗ.
Ỷ mạnh hiếp yếu, lấn lướt, chèn ép người khác, trù dập người khác.
Bốc lột, lợi dụng lòng tốt, lợi dụng sức lực, sức khỏe, tiền bạc, của cải công sức của người khác để thu lợi về cho mình.
Sợ hãi, khiếp nhược không dám đứng ra bảo vệ, bênh vực cho lẻ phải, điều tốt, điều đúng, điều thiện.
Ưa thích biện luận, tranh luận hơn thua, thiệt hơn, phải trái, đúng sai với mọi người.
Tạo lập phe nhóm, phe phái để cũng cố quan điểm, bảo vệ cái sai của mình.
Đa nghi, hay nghi kỵ, nghi ngờ nghĩ xấu người này, người nọ.
Không xem trọng lời hứa, thất tín, thất hứa, hứa, hẹn nói cho vui miệng, chứ không giữ lời.
Hữu sự, dính mắc, ưa thích can dự, can thiệp vào chuyện của người khác.
Bắt ép, áp đặt người khác, muốn người khác làm theo ý mình.
Háo danh, thích chứng tỏ, thích thể hiện, ta đây, thích dạy đời, muốn ăn trên ngồi trước, muốn làm thầy thiên hạ…
2. Vui vẻ, kham nhẫn vượt qua các cảm thọ khổ, các hoàn cảnh nhân quả khổ chướng duyên, nghịch duyên, không có buồn khổ, lo lắng, than vãn, sợ hãi:
Nghèo khổ, khó khăn, túng thiếu, làm ăn thất bại.
Bị trộm cắp, lừa gạt, lừa đảo, mất mát tài sản.
Thất nghiệp, không có việc làm, mất việc.
Hình thể thô kệch, gương mặt xấu xí, ăn nói vụng về
Con cái ngổ nghịch, bất hiếu, gia đình lục đục, bất hòa nói không ai nghe.
Sức khỏe kém, nay đau mai ốm, thân thể bệnh hoạn, đau đớn nhức nhói, tê mỏi, ngứa ngáy, nặng nề, mệt mỏi …
Tật nguyền, tai nạn thương tật, nằm một chỗ, đi lại khó khăn.
Ăn không ngon, ngủ không yên, trằn trọc, khó ngủ, mất ngủ.
Người tình phụ bạc, ngoại tình, chồng bỏ, vợ bỏ.
Trí não chậm lụt, ít học, không được minh mẫn, sáng suốt, tiếp thu chậm, trí nhớ kém.
Bị người chửi mắng xúc phạm, vu khống, chỉ trích, chê bai, nói xấu, mưu hại, hãm hại…
- Để cho tâm trí, đầu óc căng thẳng, lo lắng, sợ hãi, bất an, dằn vặt, nặng nề, buồn khổ, u uất. Không buồn phiền, thất vọng, bi quan, chán nản…

3. Vượt qua các cảm thọ lạc, các hoàn cảnh nhân quả tốt, thuận duyên, các trạng thái khinh an, hỷ lạc: (không có chấp trước, không ỷ lại, không có phung phí)
Có được sức khỏe tốt, ít bệnh tật.
Thông minh, học giỏi, có nhiều tài năng.
Có học vi, bằng cấp, có quyền cao, chức trọng.
Có nhiều tài sản, của cải vật chất đầy đủ.
Được mọi người khen ngợi, tán thán, thương yêu, quý mến, kính trọng.
Thân, tâm được nhẹ nhàng, khinh an, hỷ lạc.
Tu hành có được kết quả, tâm có định, có thần thông.
Có trí tuệ, có tri kiến, hiểu biết thông suốt…

Chiến thắng chính mình là chúng ta can đảm đối diện, lần lượt vượt qua tất cả những tập khí, những nghiệp chướng, những thói hư tật xấu, những hoàn cảnh nhân quả khó khổ, những cảm thọ, những cảm xúc tiêu cực buồn khổ, bất mãn, thất vọng, bi quan, chán chườn, chán nản … do bởi vô minh, si mê tà kiến chúng ta đã huân tập, tích tập, dung chứa, tích chứa trong tâm thức của chính mình trong nhiều đời, nhiều kiếp. 
Đức Phật dạy chúng ta đã đau khổ quá nhiều rồi, máu và nước mắt của chúng ta đã tuôn chảy ra trong các số kiếp luân hồi cộng lại, còn nhiều hơn nước trong bốn biển. Luân hồi sinh tử, đau khổ như vậy là vừa đủ để chúng ta dừng lại, sự si mê như vậy là vừa đủ để chúng ta bừng tỉnh, thức tỉnh. 
Hãy nhàm chán các thú vui dục lạc ở đời, hãy nhanh chóng dừng lại các hành động, suy nghĩ, lời nói bất thiện, xấu ác tự làm khổ mình, khổ người, làm khổ chúng sinh. 
Hãy vượt qua tất cả các kiết sử, không chấp thủ, chấp trước, dính mắc vào những thành quả tu tập có được, đạt được, không chấp thủ vào những công hạnh đạo đức, những việc làm lợi ích, đem lại hạnh phúc thiết thực, an vui cho cuộc đời, vượt qua những lời ca ngợi, xưng tụng, tán thán, được mọi người thương yêu, quý mến, kính trọng, vượt qua những sở tri sở đắc, những trạng thái thanh tịnh, những cảm thọ khinh an, hỷ lạc, thần thông, trí tuệ… Chiến thắng chính mình hơn chiến thắng ngàn quân địch. Chúng ta chiến thắng chính mình, vượt qua được chính mình là chiến công oanh liệt nhất.
     Giác ngộ được sự thật, chân lý, Pháp thiết thực hiện tại Diệt Đế Niết Bàn không có không gian, thời gian, có quả tức thời, chúng ta y cứ trên những lời Phật dạy, nương vào Bát Chánh Đạo và các Pháp Hành trợ đạo, dùng tri kiến, quyết tâm vượt qua tất cả, chiến thắng tất cả mọi chướng ngại, mọi hoàn cảnh nhân quả khó khổ, mọi cạm bẩy của cuộc đời giăng bủa để dẫn tâm mình, an trú tâm mình vào nơi chốn bình an, bất tử Diệt Đế, Niết Bàn. 
Ai đem tâm quán tưởng, 
sợ hãi tử vong này, 
hãy từ bỏ thế lợi, 
tâm trú vào tịch tịnh. 

Ý điều lời thận trọng, 
thân không làm điều ác, 
ba nghiệp này thanh tịnh, 
chứng đạo Thánh nhân dạy.

(Thích Tánh Trí, Lời Phật Dạy, Nxb. Hồng Đức, 2020, trang 431-437)

Link download 3 quyển sách của Sư Tánh Trí


____
Tựa Entry này do TP đặt.

Sunday, July 26, 2020

THIỀN XẢ TÂM

Thầy Thích Bảo Nguyên

Sau khi chứng đạt đạo quả giải thoát, đức Phật đã lấy kinh nghiệm tu tập của Người dựng thành lộ trình tu tập Giới – Định – Tuệ. Nhờ lộ trình tu tập này đã giúp các Thánh đệ tử của Phật chứng đạt chân lý, thành tựu quả vị A-la-hán, giải thoát hoàn toàn.

Giới luật, đức hạnh là nền tảng vững chắc, giúp hành giả tu tập diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp, chứng đạt tâm vô lậu tức là tâm không còn tham, sân, si nữa. Khi tâm không còn tham, sân, si thì tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là thiền định.

Vì vậy thiền định của đạo Phật nhằm vào đời sống thể hiện đức hạnh một cách nghiêm chỉnh để không phạm một lỗi nhỏ nhặt, để ly dục, ly bất thiện pháp.

Để sống đúng giới luật thì chúng ta phải thông hiểu Bát Chánh Đạo.

Sự tu tập giải thoát của đạo Phật không phải như từ nào giờ chúng ta hiểu là phải tu vô lượng kiếp. Giáo pháp của đức Phật là chân lý, là sự thật. Khi được hiểu và tu tập theo giáo pháp của Người thì ngay trong hiện tại chúng ta sẽ có được giá trị hạnh phúc an lạc. Pháp của đức Phật khi tu tập sẽ đoạn dứt dần các lậu hoặc tham, sân, si, mạn, nghi thì tâm được thanh tịnh. Thân tâm được thanh tịnh là trạng thái tâm vô lậu giải thoát.

Nếu trong tâm ta còn lậu hoặc thì thân tâm không thể thanh tịnh được. Ví dụ: khi ta đói bụng thèm ăn cái này, cái kia, hoặc khi nghe những điều trái ý nghịch lòng chúng ta lo lắng, sợ hãi, phiền não, nếu còn những việc này thì lậu hặc còn, như vậy thân tâm chưa thanh tịnh và chưa giải thoát được.

Do đó khi tu đúng pháp của Phật dạy thì nghiệp quả của thân không còn ý nghĩa gì cả, vì nghiệp quả khổ thành nghiệp quả phước báo nên thảnh thơi, an lạc, vô sự. Còn tu sai pháp thì muôn đời nghìn kiếp, nghiệp thân cứ tiếp tục mãi tái sanh luân hồi và phải chịu đựng thọ khổ vô lượng kiếp.

Thiền xả tâm giúp chúng ta có tiến bộ trong tu tập, tiến bộ từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày, chúng ta nhận thấy tâm thanh thản, an lạc và vô sự rất rõ ràng.

Để xả tâm được tốt thì phải giữ gìn giới luật, đức hạnh thật nghiêm chỉnh. Giới luật, đức hạnh là thiện pháp vô lậu.

Đức Phật dạy: “Muốn ước nguyện cầu một việc gì thì phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì ước nguyện ấy sẽ thành tựu”.

Người phật tử tu tập Tứ Chánh Cần để ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp. Phải phân biệt tăng trưởng thiện pháp vô lậu khác với thiện pháp hữu lậu.

Phân tích câu: “Ly dục, ly ác pháp”:
- Dục là lòng ham muốn đưa đến đắm nhiễm danh, lợi, sắc, thực, thụy.

- Ác pháp là trạng thái tâm phiền não như ích kỷ, giận hờn, hơn thua, nhỏ mọn, tham lam, tự ái, nghi ngờ…

- Để ly các dục này phải dùng tri kiến giải thoát (định vô lậu) để tu tập.

Đức Phật dạy các pháp thế gian là vô thường:

- Thân người là do nhân quả sinh ra. Sinh ra từ nhân quả, chết cũng trở về với nhân quả.

- Để giúp tâm mình xả bỏ ham muốn vật chất thế gian, hằng ngày chúng ta dùng pháp hướng tâm xả bỏ tâm đăm nhiễm. 

Ví dụ: tâm khởi muốn tiền nhiều, nhà cửa sang trọng, xe hơi, vàng bạc, giàu sang… mỗi khi tâm đối diện với vật chất ấy thì chúng ta biết nó là pháp vô thường, là khổ.

- Chỉ có đạo đức vô ngã, xả ly lòng ham muốn thì mới bảo vệ cho ước nguyện giải thoát của mình.
- Hằng ngày biết sửa sai những lỗi lầm của mình.

- Biết ngăn chặn không làm những điều ác.

- Biết xa lìa những cám dỗ vật chất thế gian.

- Biết tiết độ trong ăn uống ngủ nghỉ.

- Biết thiểu dục tri túc đối với đời sống.

- Biết phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình.

- Biết giữ chánh niệm để tâm được thanh thản, an lạc và vô sự.

Lời Trưởng Lão Thích Thông Lạc dạy:

…Tóm lại chỉ có hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng tháng, hằng năm, lúc nào, thời gian nào đều phải quan sát trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp để đẩy lui các chướng ngại pháp trên đó để bảo vệ chân lý. Khi nào các chướng ngại pháp không còn tác động đến bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp là con đã thành tựu viên mãn sự tu hành của con. Chừng đó con đã chứng đạt chân lý nghĩa là lúc nào con cũng sống với tâm bất động mà không một chướng ngại nào tác động được, đến đây con đường tu tập của con đã hoàn thành: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành. Không còn trở lui trạng thái này nữa”.
Thầy Thích Bảo Nguyên
___
Nguồn: Bài này tôi được đọc trong TRÍCH LƯỢC TẠNG KINH NIKAYA - Bản trích lược của Thầy Bảo Nguyên.

Monday, July 20, 2020

BÌNH AN NGAY HIỆN TẠI - CON ĐƯỜNG CỦA NGƯỜI CƯ SĨ



Link DOWNLOAD sách:
- Bình An Ngay Hiện Tại
- Món Ăn Giải Thoát

MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU

LỜI TRI ƠN

PHẦN 1

Bài 1: THÂN CẬN BẬC CHÂN NHÂN

1.1 Tầm quan trọng của việc thân cận bậc chân nhân.

1.2. Đọc kinh Nikaya.

1.3. Quay về nương tựa chính mình.

Bài 2: NIẾT BÀN - SÁU CÕI LUÂN HỒI - PHÁP THIẾT THỰC HIỆN TẠI 

2.1 Niết bàn và các khái niệm tương đương.

2.2 Sáu nẻo luân hồi – tái sanh ngay trong hiện tại.

2.3 Pháp thiết thực hiện tại.

Bài 3: GIÁC NGỘ TỨ DIỆU ĐẾ

3.1 Giác ngộ Tứ Diệu Đế

3.2 Tâm bất động

3.3 Tứ Diệu Đế và 12 Nhân Duyên

3.4 Hộ trì chân lý

Bài 4: KHỔ và NGUYÊN NHÂN CỦA KHỔ

4.1 Khổ Đế

4.2 Nguyên nhân của Khổ

4.3 Trình tự đoạn trừ các kiết sử

Bài 5: BÁT CHÁNH ĐẠO - ĐỜI SỐNG CỦA NGƯỜI CƯ SĨ 

5.1. Bát Chánh Đạo

5.2. Thông suốt những gì cần phải thông suốt 

5.3. Đời sống của người cư sĩ 

5.4 Thọ Bát Trai Giới 

Bài 6: TIẾN TRÌNH CỦA NGƯỜI CƯ SĨ  

Bài 7: “BUÔNG XUỐNG ĐI” LÀ BUÔNG XUỐNG CÁI GÌ?

7.1 Buông xuống đi 

7.2 Xả

7.3 Xây dựng lại đời sống

Bài 8. KHỔ VÌ NGHI KIẾT SỬ

8.1. Tâm nghi kiết sử là gì?

8.2. Cách nào để đoạn nghi kiết sử?

Bài 9: KHỔ VÌ GIỚI CẤM THỦ

9.1. Giới cấm thủ là gì?

9.2. Làm sao xả bỏ giới cấm thủ?

Bài 10. AI MỚI THUẬN DUYÊN SỐNG ĐỜI SỐNG BA Y MỘT BÁT? 

10.1. Pháp khất thực ba y một bát dành cho ai?

10.2 Có nhất thiết phải đi vào con đường sanh y?

10.3 Bốn chúng đồng tu.

Bài 11. KHỔ VÌ THÂN KIẾN KIẾT SỬ

11.1 Thân kiến kiết sử là gì?

11.2 Những biểu hiện của thân kiến.

11.3 Khen mình, chê người

11.4 Khiêm hạ và ngã mạn là tương đương. 

11.5 Xả bỏ thân kiến kiết sử.

11.6 Không tánh và Tánh không Bát Nhã khác nhau thế nào?

Bài 12. AI LÀ “NGƯỜI BỊ TƯỞNG”? 

12.1 Ai là người bị tưởng?. 56

12.2 Ai là người liễu tri?. 56

Bài 13. NHƯ LÝ TÁC Ý NHƯ THẾ NÀO LÀ ĐÚNG?

13.1 Như lý tác ý là gì?.

13.2 Các giai đoạn pháp như lý tác ý.

13.3 Nhìn các pháp như nó đang là?.

13.4 Kết quả như lý tác ý.

13.5 Phải nhìn được tâm mới xả được tâm.

Bài 14. PHÁP TRÍ và TÙY TRÍ 

Bài 15. NHÌN ĐỜI BẰNG ĐÔI MẮT NHÂN QUẢ

15.1 Đường đi nhân quả con người

15.2 Nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả - nhìn vào bên trong.

15.3 Nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả - nhìn ra ngoài 

15.4 Pháp câu hữu (liên kết) 

Bài 16: LÀM SAO ĐỂ THÀNH TỰU 10 ĐIỀU LÀNH?
 
16.1 Sống 10 điều lành.

16.2 Làm sao để thành tựu 10 điều lành?

Bài 17. ĂN, NGỦ, ĐI LẠI, TRÚ XỨ 

17. 1 Ăn. 

17.2 Ngủ. 

17.3 “Tôi đi tôi biết tôi đi” 

17.4 Trú xứ lành. 

17.5 Thời gian rảnh rỗi 

Bài 18. TÁM ĐẦY ĐỦ CHO NGƯỜI CƯ SĨ  

18.1 Đầy đủ tháo vát.

18.2 Đầy đủ phòng hộ. 

18.3 Làm bạn với thiện. 

18.4 Sống thăng bằng điều hòa. 

18.5 Có đầy đủ lòng tin.

18.6 Có đầy đủ giới.

18.7 Đầy đủ bố thí.

18.8 Đầy đủ trí tuệ. 

Bài 19. KHÔNG CHẤP THỦ HAI ĐỜI 

Bài 20. HƯỚNG VỀ BỐN THIỀN và BỐN QUẢ.

Bài 21. LỢI ĐẮC, CUNG KÍNH và DANH VỌNG.

PHẦN 2

Bài 1. GIÀ - BỆNH - CHẾT 

1.1 Già bệnh chết là một tiến trình tự nhiên.

1.2 Chết tái sanh về đâu?

Bài 2: LÀM CHỦ SINH, GIÀ, BỆNH, CHẾT LÀ GÌ?

2.1 Làm chủ sinh già bệnh chết là gì?

2.2 Như lý tác ý không phải để “đẩy bệnh”

2.3 Tham, sân, si 91

Bài 3: KHAM NHẪN TRƯỚC KHỔ BỆNH

3.1 Kham nhẫn trước khổ bệnh.

3.2 “Dầu thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị bịnh!”

3.3 Đứng lên trên vực thẳm.

Bài 4: NGƯỜI BỆNH và NGƯỜI CHĂM SÓC

4.1 Người bệnh.

4.2 Người chăm sóc bệnh.

Bài 5: NIỆM TĂNG

5.1 Niệm Tăng.

5.2 Mười điều quán tưởng.

Bài 6. ÔNG CẤP CÔ ĐỘC BỊ BỆNH

Bài 7. TÔN GIẢ KHEMAKA BỊ BỆNH

Bài 8. TÔN GIẢ VAKKALI BỊ BỆNH

Bài 9. TÔN GIẢ ASSAJI BỊ BỆNH.

Bài 10. CƯ SĨ DÌGHÀVU BỊ BỆNH.

Bài 11. THẦY THÍCH THÔNG LẠC TRẢ LỜI CHO CÔ PHƯỢNG.

Bài 12. TÂM THƯ THẦY THÍCH THÔNG LẠC GỬI CÔ LIỄU KIM. 

Bài 13. THẦY THÔNG LẠC DẠY BÀI PHÁP CẬN TỬ NGHIỆP.

Bài 14. SẴN SÀNG RA ĐI

14.1 Chuẩn bị bên ngoài

14.2 Chuẩn bị bên trong. 

 14.3 Nên thiêu hay chôn?

Sunday, July 12, 2020

Món Ăn Giải Thoát





Lời Nói Đầu

Bài 1: Thân Cận Bậc Thiện Tri Thức

Bài 2: Viên Mãn Lòng Tin

Bài 3: Như Lý Tác Ý

Bài 4: Chánh Niệm Tỉnh Giác

Bài 5: Hộ Trì Các Căn

Bài 6: Tu Tập Ba Thiện Hành

Monday, July 6, 2020

Hướng đi của tôi



Những chia sẻ này TP đã chia sẻ với các bạn trong Group Bát Chánh Đạo nhiều lần, nay TP đăng ở đây để các bạn có thể hiểu.

Nhờ nghe Pháp Thầy Thông Lạc, thầy Bảo Nguyên, các chư Tăng, Ni và đọc Kinh Nikaya mà TP tổng kết được hình này. Đây chính là kim chỉ nam cho TP thực hành Phật Pháp. TP chỉ nhìn vào đây là hình dung ra từng phần từng phần của Pháp, và suy tư về 12 nhân duyên, Tứ diệu đế, các kiết sử, các thế giới (nhân quả), v.v..

TP nghe nhiều ở các bài 12 nhân duyên mà Thầy giảng. 


Trình tự muội lược phiền não, sống hộ trì chân lý.

Các bạn học Phật Pháp và có thắc mắc gì thì liên hệ Sư Tánh Trí, Thầy Bảo Nguyên, Sư cô Nguyên Thanh hoặc các thầy/sư cô mà các bạn tin tưởng để hỏi. Cá nhân mình không phải là người dạy đạo. 

Mình là người chơi FB (FBker), mình chỉ chia sẻ những bài giảng của các chư Tăng, cũng như kinh Kinh Nikaya hoặc một số ý kiến cá nhân.

Qua việc học Pháp, mình thấy đọc kinh Nikaya rất quan trọng, đọc trực tiếp vào lời gốc Phật dạy qua bản dịch của HT Minh Châu giúp mình hiểu hơn. Chúng ta nên đọc những bài kinh đã đươc thầy Thông Lạc hay thầy Bảo Nguyên trích dẫn.

Một số quan điểm và pháp hành mình đọc - hiểu cho riêng mình thì mình có trình bày trong Bình An Ngay Hiện Tại và Món Ăn Giải Thoát, các bạn có thể tham khảo ở file đó.

TP cũng là người đang hộ trì chân lý, chớ không phải là người chứng đạt chân lý. TP đang trên đường hoàn thiện bản thân. Tuy nhiên, trong quá trình học đó TP thấy điều gì lợi lạc cho mọi người thì TP chia sẻ thêm. Các bạn nên thân cận các bậc thầy mà học, bản thân TP cũng học hỏi từ nhiều thầy để đúc rút những điều có lợi cho mình.

TP, Sài-gòn, chiều 3.7.2020

Friday, July 3, 2020

ĐOẠN DIỆT 12 NHÂN DUYÊN - Thầy Thích Bảo Nguyên



Tại vì con người khổ là do vô minh. Quá khứ mình vì vô minh mình khổ với nó. Trong kinh Phật gọi là người làm nhà sinh tử. Trong quá khứ anh tham sân si, lúc đó anh làm nhà. Khi cái thân quá khứ nó diệt hết thì anh có cái thân này. Hiện tại anh có cái thân hiện tại này là do nghiệp quá khứ. Còn cái thân quá khứ nó đã sinh và diệt rồi. Các hành nghiệp quá khứ nó đã sinh và diệt rồi thì cái thân hiện tại này nó là sự tiếp nối nghiệp quá khứ.


Cho nên trong kinh Phật nói chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, chúng sinh là thừa tự nghiệp, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là thai tạng. Nghĩa là mình có cái thân này là do quá khứ mình tham sân si, bây giờ mình thừa tự cái nghiệp này. Còn những khổ gì ở quá khứ Phật nói nó đã đoạn tận rồi, nó đã sinh diệt rồi. Nó chỉ còn cái nghiệp ở trong đời hiện tại. Mà nếu đời hiện tại mình tiếp tục vô minh nữa, tham sân si nữa thì đời hiện tại khổ. Ví dụ người ta chửi mình, mình giận lên, đó là khổ đế, mình vừa chụi cái quả khổ người ta chửi mình, đồng thời cái tâm mình giận người ta chấp giữ cái điều đó không xả thì nó khổ hoài.

Chính cái hành động con đang buồn thương giận ghét đó là cái cận tử nghiệp, nó là cái mắt xích để nó duyên hợp cho cái nhân quả tương lai, nó là chuỗi tiến trình duyên hợp cho cái nhân quả tương lai. Mà cái mắt xích để nó duyên hợp là do hiện tại này tạo ra. Hiện tại này vì mình vô minh, tham, sân, si, mình buồn thương, giận ghét, mình đau khổ hết mọi nhân quả. Chính cái hành động khổ và nguyên nhân khổ nó đang duyên hợp, nó đang xây ngôi nhà tương lai.

Cái thân vô thường này đến lúc nó hoại diệt và nó mất đi, khi mất là nó hết không còn để lại cái gì hết, rồi mình tương ương qua cái thân tương lai. Cho nên Phật nói chúng sinh là chủ nhân của nghiệp, chúng sinh là thừa tự nghiệp, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là thai tạng.

Cận tử nghiệp là ngay hiện tại này tạo ra. Hiện tại này nó vô minh, tham, sân, si thì nó duyên hợp tạo thành cái thân nhân quả mới. Khi cái thân nhân quả này nó hoại diệt là nghiệp tương ưng với cái thân mới, tiếp tục tái sinh, và nó cứ tiếp tục mãi theo vòng luân hồi sinh tử này, nhiều đời nhiều kiếp, không bao giờ dừng lại.

Cho nên khi đức Phật ngài chứng ngộ được cái nhân quả luân hồi sinh tử này Ngài mới thốt lên câu nói này: Ta đã tìm ra được người làm cái ngôi nhà sinh tử này. Người đó là ai? Chính là vô minh, tham sân si. Chính cái vô minh này mà nó chấp ngã, nó chấp khổ và nguyên nhân của khổ. Mọi cái khổ đến nó chấp, nó phiền não, không chịu xả. Do cái hành động khổ, nguyên nhân khổ đó mà duyên hợp tạo thành nhân quả trong tương lai. Đó là cái mắt xích cận tử nghiệp, tiến trình luân hồi sinh tử do hiện tại.

Cho nên khi đức Phật ngài thấy ra sự thật này thì Ngài hiểu được nếu ngay hiện tại này, mình biết dừng lại, không còn hành nữa, trong 12 nhân duyên, Phật nói nếu ngay hiện tại này mình diệt vô minh thì ngay đó là hành diệt. Vô minh diệt thì hành diệt.

Thí dụ như nếu thân mình bị bệnh tật thì mình nghĩ xem bệnh tật này là do nghiệp, nghiệp này cũng là vô thường, đủ duyên hợp hết duyên tan. Thôi mình hãy hoan hỉ bằng lòng không chấp cái khổ.

Khi mình có trí tuệ hiểu biết như vậy thì vô minh đoạn diệt. Khi vô minh đoạn diệt thì hành đoạn diệt, nghĩa là mình không còn chấp cái thân khổ bệnh này. Nghĩa là hành đoạn diệt. Khi hành đoạn diệt nó đoạn diệt 3 nơi; thân hành khẩu hành ý hành. Khẩu mình không còn than chấp gì, ý mình không còn chấp giữ cái khổ nào trong tâm. Đến đây là THÂN KIẾN đoạn diệt. Dù cái thân này có bệnh tật, có xấu thế nào đi nữa thì mình hiểu rằng nó là thân vô thường, không có gì là ta là của ta. Mình hãy hoan hỉ bằng lòng, không chấp thì ngay đó là khổ đoạn diệt. Khi khổ đoạn điệt thì không còn nhân quả sinh tử tác động vào tâm của ta. Thức diệt. Khi hành diệt là thức diệt.

Thức diệt là gì? Là tâm thức này nó không còn kiết sử: tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Nó không còn 5 triền cái. Trong thức mình, gọi là 6 thức, nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức, nó không còn 5 triền cái tham sân si mạn nghi chi phối trên đó. Gọi là thức diệt.

Phải nhớ cái này nha! Chứ không phải thức diệt là mình diệt 6 thức này: nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức. Tại vì 6 thức này nó đâu có ngã mà diệt. Phật nói đó, sắc thọ tưởng hành thức nó không có gì là ta là của ta là tự ngã của ta. Nó là cái biết cái thấy cái nghe, làm sao mình diệt nó. Nó là các pháp vô thường mà. Cho nên thức diệt là diệt NGŨ TRIỀN CÁI, NGŨ KIẾT SỬ, tham, sân, si, mạn, nghi.

Cho nên hành diệt thì thức diệt, mà thức diệt là 6 thức: nhãn thức, nhĩ thức, thiệt thức, thân thức và ý thức nó không còn triền cái tham sân si mạn nghi. Đó là thức diệt.

Khi thức diệt thì thế giới luân hồi sinh tử: trời, người, a tu la, địa ngục, ngạ quỷ, xúc sinh ngay đó là chấm dứt. Dù cái thân này nó có khổ, đau đớn, bệnh tật tột cùng nó không còn tương ưng cái cõi khổ nào cả. Dù cái thân này nó có an lạc hạnh phúc, mình diệt nó sạch. Mình không còn 5 thượng phần kiết sử: sắc tham, vô sắc tham, mạn, trạo cử và vô minh. Thì ngay đó các cõi giới: thiên giới và các cõi trời dừng lại hết. Nó không còn các hạ phần kiết sử và các thượng phần kiết sử. Gọi là thức diệt. Khi thức diệt là danh sắc diệt. Danh sắc là NGŨ UẨN: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. 

Cái thân ngũ uẩn này mình không còn khổ với nó. Đến đây là thân kiến đoạn diệt. Danh sắc đoạn diệt đồng nghĩa là thân kiến đoạn diệt. Thân kiến là thân ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Mình không còn chấp nó nữa, mình không còn phiền não nó nữa gọi là thân kiến đoạn diệt.

Và khi danh sắc đoạn diệt, lục nhập đoạn diệt. Nghĩa là đến đây sự tương tác 6 pháp trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp không còn tác động vào cái thân danh sắc. Dù mình ăn có ngon, thân này có lạc có khổ, tai có nghe các tiếng, mắt mình có nhìn các sắc, ý mình đang suy nghĩ chuyện này chuyện kia nó không còn tác động vào danh sắc này. Đến đây khái niệm khổ vui nó không còn chi phối vào cái danh sắc này, gọi là lục nhập đoạn diệt.

Cho nên khi mà vô minh đoạn diệt thì đến đây khái niệm nhân quả luân hồi đoạn diệt sạch. Mình không còn hành động đau khổ nhân quả, gọi là 3 hành động thân hành khẩu hành ý hành mình không còn hành động nhân quả. Khi lục nhập đoạn diệt là xúc đoạn diệt. Xúc là 6 xúc: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thân xúc và ý xúc. Dù cho 6 căn này mình tiếp xúc với các pháp trần, nó để lại những cảm giác của nó, mùi vị của nó, cảnh sắc hoặc là thân hoặc là ý, nó có xúc chạm với các pháp nào nhưng nó không còn làm cho ta khổ nữa. Gọi là xúc đoạn diệt, nó không làm cho mình khổ lạc, dù có lạc mình không có mừng; dù có khổ, mình không có buồn gọi là xúc đoạn diệt.

Xúc đoạn diệt là 6 xúc nha: nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thân xúc và ý xúc. Đến đây khái niệm khổ vui trên thức này nó diệt, nó diệt ngay cái duyên thức. Khi hành đoạn diệt là thức đoạn diệt, nghĩa là ngũ triền cái ngũ kiết sử, 5 hạ phần kiết sử, 5 thượng phần kiết sử nó diệt mất rồi. Gọi là thức đoạn diệt. Khi thức đonạ diệt, khái niệm khổ về thân danh sắc này nó đâu còn nữa, lục nhập 6 pháp trần nó đâu còn chi phối mình được, Xúc này nó tác động nó đâu còn làm mình khổ. Gọi là xúc đoạn diệt.

Khi xúc đoạn diệt thì thọ đoạn diệt. Khi lưỡi mình uống cái nước này gọi là xúc, cảm giác của nước. Khi có cảm giác của nước thì nó để lại cảm thọ. Thọ nó gồm có thọ lạc - thọ khổ - thọ bất lạc bất khổ. Dù cho cái cảm xúc này có cảm thọ gì mình cũng không có chấp. Mình biết rằng thọ này cũng vô thường; bây giờ ngon, lát hết ngon; bây giờ khổ, lát hết khổ. Thọ này cũng vô thường. Lúc khổ lúc lạc, tương đối lắm, không nên chấp nó. Gọi là thọ đoạn diệt.

Cho nên một vị đoạn diệt 12 nhân duyên, thì các ngài nhìn mọi sự thật bằng minh. Do cái minh nó mới dẫn tâm đến diệt các hành, rồi diệt thức diệt danh sắc, diệt lục nhập, diệt thức, diệt thọ. Tất cả là từ cái minh tạo ra. Khi phá vỡ vô minh, tiến trình của cái thân ngũ uẩn tạo nên thế giới khổ từ từ nó sụp đổ dần dần. Cho nên khi vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt. Thức diệt thì danh sắc diệt. Danh sắc diệt thì lục nhập diệt. Lục nhâp diệt là xúc diệt. Xúc diệt là thọ diệt. Thọ diệt là ái diệt.

Ái là cái tâm chấp. Thí dụ khi mình uống ly nước ngon, để lại cảm giác ngon, mình không chịu xả. Nó là cái sự trói buộc mình không xả nó. Thí dụ người ta khen mình, mình mừng, mình nhớ lời khen đó, mình muốn người ta khen. Ái là sợi dây ái kiết sử.

Nói đến ái thì nó có 3 cái ái, gồm có:

- Dục ái,
- Hữu ái,
- và Phi hữu ái.

Nó diệt 3 cái ái đó: dục ái, hữu ái và phi hữu ái. Dục ái là lòng muốn, ham muốn về cái pháp thế gian. Thứ 2, hữu ái: là trên ý thức này mình không còn dính mắc vào thọ, nó không còn chấp gì. Dù là mình ăn ngon nhưng mình còn không chấp nó ngon. Nó không còn kiết sử. Trên ý thức này nó buông xuống hết. Gọi là hữu ái diệt. Thứ 3 là phi hữu ái: có những điều không có mà trong tâm tưởng mình nó tưởng ra. Thí dụ trong tâm mình có sở thích gì, mình ngồi mình tưởng ra cái gì đó. Khi tưởng ra thì nó cũng hoan hỉ, ưa thích. Cái đó gọi là phi hữu ái.

Còn dục ái là mình bị trói buộc, mình thương ghét nó, mình muốn chiếm hữu nó, mình vui mừng cái điều này nó đang đến với mình là dục ái.

Còn hữu ái là tâm mình chấp nó rồi, ý thức mình kiết sử nó rồi.

Thứ 3 là phi hữu ái. Có nghĩa là cái điều này bây giờ nó không có nữa, ý thức mình không có trực diện quan sát thấy biết nó nữa. Nhưng ngồi đây mình tưởng ra, mình ưa thích trong cái tưởng của mình, dục trong cái tưởng của mình, cái đó gọi là phi hữu ái. Cái không có mình tưởng ra có. Hoặc có người vào chùa cúng dường Phật ít tiền mà van xin đủ thứ, xin Phật phù hộ cho gia đình con hạnh phúc, mua may bắn đắt, cho con con thi đỗ. Cái điều nó chưa có mà người ta cầu nguyện cho nó có, cái đó gọi là phi hữu ái. Cho nên nói về ái nó có 3 phần: dục ái, hữu ái và phi hữu ái.

Hiện nay con người ta nếu chưa đoạn diệt vô minh thì vẫn còn kẹt 3 cái ái này: dục ái, hữu ái và phi hữu ái. Cho nên mọi người đến với đạo Phật mà không giác ngộ ra sự thật này thì bị kẹt vào 3 cái ái này. Khi thọ diệt thì ái diệt. Khi ái diệt là 3 cái ái này không còn trong ta. Các niệm cầu mong cầu xin người thương mình, thương tôi, cuộc đời tôi hạnh phúc an lạc, hoặc mình đau khổ nhân quả không còn. Đến đây là ái diệt rồi. Sợi dây ái kiết sử ràng buộc nhân quả luân hồi dừng lại hết. Đến đây khái niệm thương ghét không còn, xấu tốt không còn, lạc khổ không còn, nó sống trở về không hết. Đức Phật gọi là an trú không. Trong khi Phật gọi là bất khổ lạc, bất khổ thọ. Nó trở về trạng thái trung tính không còn khổ và lạc, buồn thương giận ghét nữa, v.v.. gọi là ái diệt. Nó không còn mong cầu cái gì nữa. Khi ái diệt thì thủ diệt.

Nói đến thủ thì nó có 4 cái thủ:
- Dục thủ
- Kiến thủ
- Giới cấm thủ
- và Ngã luận thủ.

Dục thủ như thầy nói ý. Dục là cái lòng muốn, ham muốn về các pháp thế gian. Khi ái diệt thì ngay đó thủ diệt: Dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ.

Còn chúng ta chưa đoạn diệt vô minh, chưa đoạn diệt hành, thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ, ái thì nó còn thủ liền. Hiện nay mọi người tu tập còn thủ. Làm phước để mong cầu phước. Rồi tu những pháp sai mà cho là đúng. Đó là giới cấm thủ. Giới cấm thủ là gì? Mình hành những pháp sai mình cho là đúng, đó là giới cấm thủ. Mà hiện nay bị nhiều lắm. Sau này con nghe các bài pháp thoại của thầy, thầy giảng về giới cấm thủ chi tiết. Hôm nay thầy không có thời gian nhắc lại, con chịu khó nghe các bài giảng của thầy, con hiểu ra cái này thôi.

Khi ái diệt là thủ diệt, thì nó không còn 4 cái thủ: dục thủ, tiến thủ, giới cấm thủ và ngã luận thủ. Khi thủ diệt thì hữu diệt. Hữu là sở hữu.

Nói đến hữu thì nó có:

- Dục hữu,
- Sắc hữu
- và Vô sắc hữu.

Hữu là mình còn chấp giữ. Thí dụ như mình ăn ngon, mình cứ dính mắc cái ngon này, gọi là dục hữu. Còn sắc hữu là ý thức mình chấp vào nó, không chịu xả gọi là sắc hữu. Thứ 3 là vô sắc hữu, bây giờ cái món ngon này không có nữa mình ngồi đây mình tưởng ra, muốn nó, tầm cầu nó.

Hiện nay mắt mình đang thấy chai nước này ngon, mình sở hữu nó, chấp nó cái này là của tôi, tự ngã của tôi, gọi là sắc thủ. Còn dục thủ là mình thưởng thức cái ngon này, trực dưỡng vào tâm thân của mình. Còn vô sắc thủ là bây giờ cái nước này không còn mình ngồi đây mình mong mình có ly nước này mình uống. Đó là vô sắc thủ.

Hữu là mình không còn sở hữu cất giữ cái điều tốt xấu nào trong tâm, lạc cũng không chấp, khổ cũng không chấp, người ta khen mình cũng không chấp, chê mình cũng không chấp, mình buông hết, gọi là hữu diệt.

Khi hữu diệt thì sanh diệt. Sanh là cuộc sống tương quan nhân quả giữa mình với người, dù cho mình có ăn dở chăng nữa mình cũng không khổ, dù có ngon mình cũng không đắm nhiễm, là sanh diệt. Dù cho người này có thương mình, ghét mình, mình cũng không còn khổ nữa. Nghĩa là cái nhu cầu, đời sống vật chất, sự tương quan nhân quả giữa ta với mọi người, gọi là tâm sinh lý, nó không còn làm ta khổ. Nói chung là sanh diệt là tất cả cuộc sống nhân quả của ta, mình tiếp xúc nhận biết gọi là tâm sinh lý nó không còn tác động vào thân này. Sanh diệt là như vậy. Dù cho mình nghèo khổ, thiếu thốn đến mức độ nào mình cũng không khổ đó là sanh diệt.

Cho nên chúng ta thấy đức Phật ngài giải thoát rồi thì ngài đâu còn đau khổ về sanh. Dù người ta có cho ngài hay không cho ngài thì ngài cũng đâu có buồn khổ. Đó là sanh diệt. Khi sanh diệt thì lão tử sầu bi khổ ưa não đoạn diệt, nghĩa là sự sinh già chết này không làm ta khổ. Dù cho sinh già bệnh chết này có đến không làm ta khổ. Đến đây mình làm chủ sinh già bệnh chết, dù cái sinh già bệnh chết này có đến với ta, thân này có bệnh, thân này có già nua mình không còn đau khổ, mình không còn nuối tiếc. Vì thọ diệt, ái diệt, hữu diệt, thủ diệt sinh diệt lấy cái gì luyến tiếc. Chứ người đười người ta luyến tiếc lắm con. Trước khi chết mình sẽ mất người thân, mất tài sản, của cải, sự nghiệp, công danh. Trước cảnh tử biệt sinh ly, người ta khổ lắm. Đó là khổ về chết. Cái khổ về chết là như vậy.

Trong 4 cái khổ: khổ sinh, khổ, già khổ bệnh, khổ chết, cái khổ sinh trước, mà cái khổ sinh này diệt thì khổ bệnh cũng diệt, già chết nó cũng diệt theo. Hiện nay con người ta khổ bệnh già, chết, là do cái sinh này chưa diệt. Sinh là cuộc sống của ta, nhân quả giữa ta với người thân của ta. Mình chưa dứt cái sinh này, thì già chết vẫn còn khổ.

Cho nên cái người trước khi chết người ta bấn loạn, người ta biết rằng mình mất tất cả. Trong cái khổ đế Phật gọi là Ái biệt ly khổ. Đó là một trong những cái khổ của con người, mà trong đó cái khổ về chết, mất tất cả. Vì vậy khi mà hữu diệt, sanh diệt thì ngay đó lão tử, sầu bi khổ ưu não đoạn diệt sạch.

4 sự khổ, sinh già bệnh chết chấm dứt không còn chi phối trong tâm ta. Đồng nghĩa rằng cái nhân sinh tử, cận tử nghiệp ngay hiện tại sụp đổ tan tành. Cái nơi duyên hợp nhân quả sinh tử, cận tử nghiệp, cái duyên sanh nó không còn thì ngay đó nhân sinh tử luân hồi cho cái thân tương lai sụp đổ. Đến đây Phật nói lên rằng: Ta đã tìm ra người làm ngôi nhà sinh tử này. Từ nay ta không làm nữa, ta ra lệnh không làm nữa, ta quyết tâm buông hết. Khi ngài hiểu ra điều này thì vô minh đoạn diệt, ngay đó là hành đoạn diệt, thức đoạn diệt, danh sắc đoạn diệt, xúc đoạn diệt thọ ái thủ hữu đoạn diệt, sanh đoạn diệt, lão tử sầu khổ ưu bi não đoạn diệt. Nghĩa là cái mắt xích duyên khởi của 12 nhân duyên ngay đó sụp đổ tan tành, không còn một sát na khái niệm khổ nào trong tâm. Thì cận tử nghiệp duyên hợp tái sinh luân hồi không còn một cái nhân nào, một cái nghiệp hành nào để tiếp diễn cho cái thân tương lai, sụp đổ sạch.

Sư cô hỏi: Chỗ làm chủ sinh già bệnh chết đó thưa thầy, cái thái độ của mình, tâm mình không bị khổ, không bị tác động bởi sinh già bệnh tử đúng không thầy?

Đúng rồi. Thí dụ để cái thân này không còn bệnh mình biết ăn uống đúng cách, đừng ăn uống phi thời, ăn uống có chừng mực thì cái thân này làm gì có bệnh, đó là làm chủ bệnh đó. Hoặc cái thân này có bệnh thì mình bất động nó, mình hỉ xả nó. Mình biết rằng cái bệnh này là vô thường, thọ là vô thường. Bây giờ nó đau bệnh thì mai mốt nó hết. Khi hiểu ra như vậy thì tâm mình an trụ vào pháp Hỷ - hỷ tâm vô lượng giải thoát quả khổ. Khi mình hoan hỉ thì mình không còn khổ với bệnh đau. Đó là làm chủ bệnh.

Cho nên con thấy cái pháp Phật khi hiểu ra rồi tuyệt vời lắm. Khái niệm khổ, phiền não trong tâm mình từ từ nó muội lược.

Phật tử: Con thưa thầy, xin thầy trả lời cho con câu hỏi mà Trưởng Lão dạy về 7 giác chi, tâm được an trú, nhiếp tâm. Trưởng Lão dạy về 7 giác chi trên pháp đó là khi chỉ cần một nhiếp tâm hoặc an trú tâm được thì 7 giác chi nó cũng xuất hiện rồi.

Nhiếp tâm, an trú tâm là từ sau này Trưởng Lão dạy chúng ta. Thí dụ Trưởng Lão dạy nhiếp tâm, an trú tâm. Nhiếp tâm là mình chánh niệm, mình phải nhiếp phục cái tâm.

Trong Tứ Niệm Xứ, quán thân thọ tâm pháp để nhiếp phục tham ưu. Đó là NHIẾP TÂM đó. Tham ưu ở đâu, đó là tâm mình. Nó triền cái tham sân si mạn nghi. Mình nhiếp phục để hóa giải triền cái tham sân si mạn nghi. Đó là nhiếp tâm. Còn giờ người ta hiểu nhiếp tâm là bắt cái tâm này đừng suy nghĩ, ngồi thiền giữ tâm vắng lặng, không cho suy nghĩ thiện ác, ngồi thiền đếm hơi thở ra vô từ 1-100 mà không cho cái niệm nào sen vào. Cái hiểu này là sai, sai pháp của Phật.

Còn ngày xưa Phật dạy mình nhiếp tâm là mình chánh niệm tỉnh giác. Chánh niệm tỉnh giác ở đâu: đó là thân thọ tâm pháp để nhiếp phục tham ưu. Tham ưu ở đâu, là triền cái tham sân si mạn nghi. Mà muốn nhiếp phục nó thì mình phải như lý tác ý, mình tác ý mình xả thì cái tham ưu, triền cái này nó hết. Khi nó hết rồi thì mình an trú. An trú cái tâm thiện tâm giải thoát, tâm bất động, tâm an lạc vô sự. Đó là an trú tâm. An trú vào trạng thái bất động, trạng thái không có phiền não.

Vậy mà sau này người ta hiểu pháp nhiếp tâm an trú tâm theo bây giờ, cứ ngồi đó bắt cái tâm mình im lặng không suy nghĩ niệm thiện niệm ác. Họ hiểu rằng cái tâm yên lặng không suy nghĩ niệm thiện niệm ác là bất động, hiểu như vậy là sai rồi. Cái thức mình dù là niệm hay không niệm chẳng qua nó là thức thôi. Biết chỉ là biết, thấy chỉ là thấy, nghe chỉ là nghe, dù là niệm hay không niệm nó cũng chỉ là biết. Còn ở đây Phật dạy mình nhiếp tâm an trú tâm là mình nhiếp cái tâm kiết sử phiền não, mình tu tập, mình ngăn ác diệt ác cái tâm kiết sử phiền não tham sân si mạn nghi. Khi đó là nhiếp tâm đó. Thí dụ cái tâm mình đang phiền não điều gì thì mình nhiếp tâm. Mình quán: thôi nhân quả và vô thường, các pháp là vô thường, tâm này hãy hỉ xả đi, không nên chấp, chấp là khổ mình đó, buông đi.

Phật tử: Đinh Niệm Hơi Thở là mình nương vào cái Đinh Niệm Hơi Thở là mình nương vào đó để mình tác ý, nhiếp phục cái tâm phiền não đó, chứ không phải mình nương vào Đinh Niệm Hơi Thở để diệt, không theo vọng tưởng.

Đinh Niệm Hơi Thở là pháp an trú chánh niệm tỉnh giác hiện tai lạc trú. Có chánh niệm tỉnh giác thì mình mới nhiếp tâm được. Nếu mình không chánh niệm tỉnh giác thì mình sống trong tà niệm, niệm phiền não tham sân si. Người có Chánh Niệm Tỉnh Giác là họ luôn nhiếp tâm, một cái niệm phiền não nào khởi ra là nó thấy liền, nó biết liền, khi nó thấy nó biết nó sẽ tác ý xả gọi là nhiếp tâm. Khi nó xả hết tâm nó bất động đó là an trú tâm. Còn Đinh Niệm Hơi Thở là cái pháp để chánh niệm tỉnh giác.

Mà muốn có Chánh Niệm Tỉnh Giác mình phải tu pháp Tứ Chánh Cần trước: ngăn ác, diệt ác trước. Khi tâm mình thanh tịnh rồi, không còn loạn động lăng xăng điều gì nữa thì mình mới tu pháp Đinh Niệm Hơi Thở, tứ niệm xứ, tâm định trên thân. Nó sống hiện tại lạc trú, chánh niệm tỉnh giác định. Chỉ có hơi thở nó mới là cái điểm để mình Chánh Niệm Tỉnh Giác. Khi mình ngồi mình biết hơi thở ra vô, nó đang biết, nó đang thấy nó, đang cảm nhận hơi thở ra vô, đó là hiện tại lạc trú định.

Sư cô hỏi: Thưa thầy có nghĩa là mình dùng Chánh Niệm Tỉnh Giác là mình có sự chánh niệm, khi phiền não khởi lên mình quán sự việc đó xong mình buông nó ra.

Đúng rồi đó. Trong Định Niệm Hơi Thở Phật có dạy mình quán vô thường tôi biết tôi hít vô, quán vô thường tôi biết tôi thở ra. Nghĩa là trong thân tâm mình nó đang có cảm thọ nào, các hành nào của thân và tâm thì mình y trú trên đó mình tu tập.

Thí dụ mình đang ngồi đây cái cảm thọ nó đến, mình tác ý rằng: thọ này là vô thường tôi biết tôi hít vô, thọ này là vô thường tôi biết tôi thở ra. Nó là câu hướng để tác ý để mình Chánh Niệm Tỉnh Giác hiện tại, để tâm mình không có bị các nhân quả nghiệp nó chi phối, để mình bất động ngay hiện tại, để mình an trú pháp hiện tại.

Sư cô hỏi: Nếu như con nương vào hơi thở, khi vọng niệm nó đến thì con quan sát. Mình biết, mình tỉnh thức, nhưng cái biết nó không giải quyết, nó lặp đi lặp lại lần lần mình không có buông nó ra được, nó còn cái gốc rễ nó nằm bên trong.

Thầy có giảng cái pháp tu: Ba giai đoạn tu tập. Con nghe bài này là con hiểu ra liền. Sẵn đây thầy nhắc sơ lại. Khi mình mới tu thì cái niệm phiền não nó còn. Khi nó còn thì nó chi phối nó làm cho mình khổ, bất an này kia.

Giai đoạn này Phật dạy mình tu tập tầm và tứ, là mình hiểu ra Nhân quả, hiểu ra nghiệp, hiểu ra các pháp vô thường khổ vô ngã, thông suốt hết cái chân lý diệt khổ này của Phật. Mỗi khi các niệm khổ nào xả ra thì con tầm, con tư duy về điều Phật dạy, để con xả cái niệm phiền não của con, đó là giai đoạn tu tập tầm: tầm là con học con hiểu, con tư duy về những điều phật dạy, về chánh pháp Phật dạy. Đó là tu tập tầm.

Khi con hiểu rồi thì con phải tứ. Tứ là gì? Là con thực hành những điều Phật dạy.

Cái giai đoạn này con phải tu tập tầm và tứ. Con tu tập một thời gian những phiền não trong tâm con từ từ nó sẽ muội lược, từ từ nó sẽ lắng xuống, nó không làm con lo lắng sợ hãi đau khổ chuyện gì nữa.

Khi con đã thanh tịnh rồi, tâm con đã lắng rồi thì cái giai đoạn thứ 2 Phật dạy mình không tầm mà chỉ tứ. Đến đây con không có quán, không có tìm hiểu nữa mà con chỉ dẫn tâm về điều con hiểu. Tứ là mình giác ngộ pháp Phật dạy rồi. Thí dụ trước đây tâm con nó còn phiền não chuyện đó, bây giờ con không phiền não nưa, nhưng nó vẫn còn nhớ lại những chuyện đó, những kỉ niệm đó. Khi nó nhớ lại thì con tứ, con nói rằng thôi ta biết rồi ta hiểu rồi, chuyện này đã qua ta không còn chấp nữa. Tứ là con dẫn tâm con về cái điều con giác ngộ cái điều con đã hiểu. Khi con hiểu ra thì con buông nó đi, còn không còn chấp nữa, đến đây thì con không tầm nữa mà chỉ tứ thôi. Cũng như mình mới học toán, mình biết cách giải rồi. Khi mình biết cách giải rồi thì mình còn học nữa không, thì mình hành thôi. Đưa bài toán nào là mình làm được, đó là tứ. Tứ là mình thực hiện cái điều mình đã được học rồi.

Cũng vậy khi mình hiểu pháp Phật dạy thì từ nay giặc phiền não đến, con chỉ hướng tâm về điều đó, con hiểu nó con tác ý buông là xong. Đó là giai đoạn tu tập thứ 2: không tầm mà chỉ tứ thôi, nghĩa là mình không còn phải học nghiên cứu về cái đó. Mình chỉ hành.

Thứ 3 là tu tập không tầm và không tứ. Đến đây cái tâm con nó hoàn toàn hết phiền não rồi, nó không còn khổ lạc nữa, gọi là bất khổ bất lạc, con không cần phải quán để con tác ý xả nữa, mà tâm con tự nó bất động, nó sống bằng trạng thái Chánh Niệm Tỉnh Giác hiện tại lạc trú. Mọi nhân quả tốt xấu gì xảy ra con cứ dẫn tâm về trạng thái chánh niệm hiện tại lạc trú đó, tâm bất động. Cái đó gọi là tu tập không tầm và không tứ.

Dù cho những cái niệm trong đầu con nó cứ lặp đi lặp lại cái vấn đề đó thì con cứ dẫn tâm về trạng thái tâm không phiền não, trạng thái bất động là được rồi, chứ đừng tác ý đuổi cái niệm đó nha. Cái niệm trong đầu mình chẳng qua nó là thức, là các hành của thức. Cho nên mình còn sống cái thân ngũ uẩn này là nó còn cái đó. Vì vậy Phật nói đó, ngũ ấm xí hạch khổ, nó còn cái khổ đó, ngay cả Phật cũng vậy, dù cho ngài có thành Phật đi nữa thì những cái ngũ ấm này, những cái kỉ niệm nào quá khứ nó vẫn còn nguyên. Khi nó còn, lâu lâu nó khởi ra, khi nó khởi ra mình có trí rồi thì mình dẫn tâm về trạng thái bất động, mình không có dính mắc, phiền não nó nữa.

Chứ bây giờ tu mà diệt hết niệm, không cho niệm khởi ra thì nguy hiểm lắm đó, lấy đá đè cỏ, rất nguy hiểm. Tại sao. Vì cái tâm thức mình nó suy nghĩ chuyện này chuyện kia nó là các hành. Trong cái thân ngũ uẩn của mình có sắc thọ tưởng hành thức, trong đó nó có hành. Thí dụ như hơi thở mình lúc nào nó cũng thở, nó phải thở ra, thở vô. Hoặc là tim mình nó đang đập đó con, đó là hành. Hoặc máu mình đang hoạt động, nó hành. Hoặc não mình đang hoạt động, nó hành. Thì trong đó sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Cái thức này nó cũng giống như hơi thở của mình. Nó phải suy nghĩ, con bắt nó dừng suy nghĩ nó liệt đó. Hành nó có 3 nơi: thân hành, khẩu hành, ý hành. Ba nơi nào không vận động là nó liệt. Thân mình nằm một chỗ một thười gian nó liệt. Ý mình không suy nghĩ một thời gian nó liệt luôn, nó chỉ còn sống vô thức, còn ý thức mất. Cho nên 3 nơi này nó là hành, buộc mình phải hành, mình hành nó mới có sự sống. Ý thức mình nó phải suy nghĩ chuyện này chuyện kia, đó là tâm sinh lý bình thường.

Cho nên người ta không hiểu ra điều này, người ta tu bắt cái ý thức này dừng suy nghĩ rất nguy hiểm, vì mình bắt ý thức dừng suy nghĩ một thời gian, ý thức này liệt, không còn hoạt động thì người này không làm chủ, nó chỉ còn sống vô thức. Đến đây là sống trong vô thức, muốn nói, muốn cười, muốn la, muốn khóc thì người này bị tẩu hỏa nhập ma. Cho nên sở dĩ người ta tu thiền bị điên là lý do cứ bắt ý thức này không suy nghĩ không cho suy nghĩ, một thời gian nó liệt thôi. Cho nên sở dĩ người ta tu mà bị tẩu hỏa nhập ma điên khùng là do bắt ý thức dừng suy nghĩ, cứ tập trung vào cái biết hơi thở cái biết của thân, không cho vọng động suy nghĩ, vọng tưởng suy nghĩ, một thời gian là liệt hết, là mất ý thức, người này sống trong vô thức.

Còn ngày xưa Phật dạy mình sống Chánh Niệm Tỉnh Giác hiện tại trên Chánh niệm đó mình có như lý tác ý. Mình còn tham ưu nào thì mình tác ý xả, mình tác ý mình hiểu nó đó là trí tuệ của mình. Mình càng triển khai như lý tác ý thì trí tuệ mình càng sáng, ý thức lực mình càng mạnh hơn thì làm gì mà điên loạn được làm gì mà mất trí. Còn bây giờ tu bắt ý thức này không như lý tác cứ tập trung cái biết hơi thở, tập trung cái biết trên thân, không có suy nghĩ niệm thiện niệm ác một thời gian không còn ý thức, điên khùng tẩu hỏa nhập ma. Cho nên ý thức của ta là một trong cái biết của tâm thức, nó là hành của ta, giống như là hơi thở của ta. Buộc nó phải thở. Giống như là tim của ta, buộc nó phải đập. Ý thức của ta buộc nó phải suy nghĩ, bắt đừng suy nghĩ buộc nó dừng suy nghĩ là nguy hiểm. Giống như hơi thở của ta mình kêu nó dừng thở là nó chết đó.

Bây giờ con về con tập nha, xem như là con ở trong cái giai đoạn tu tập học pháp hành pháp. Tu là ngay hiện tại, con sống với hiện tại là con nhìn cái tâm của con, con biết cái tâm của con, tâm nào còn phiền não con quán, con tác ý con xả. Đó là tu đó. Khi đi khi đứng khi nằm ngồi đều chánh niệm tỉnh giác thường hằng xả tâm. Đó là tu đó.

Phật tử Phượng Nguyễn đánh máy bài giảng ĐOẠN DIỆT 12 NHÂN DUYÊN
- Thầy Thích Bảo Nguyên
Giảng ngày: 28/05/2017
Nơi giảng: Chùa Vạn An - Thôn Vạn Hạnh - Thị Trấn Phú Mỹ - Huyện Tân Thành, Bà Rịa - Vũng Tàu
Link bài giảng trên youtube: https://www.youtube.com/watch?v=6vGlwnL9rW8&t=1549s