Tuesday, April 29, 2014

103. X. Uddaka (S.iv,83)

1) ...

2) -- Uddaka Ràmaputta, này các Tỷ-kheo, có nói như sau:
"Ta là bậc minh trí,
Ta chiến thắng tất cả,
Ta đào lên khổ căn,
Trước kia chưa từng đào".

Này các Tỷ-kheo, Uddaka Ràmaputta không phải bậc minh trí, lại tự nói: "Ta là bậc minh trí"; không chiến thắng tất cả, lại nói: "Ta chiến thắng tất cả"; không đào lên khổ căn, lại nói: "Ðã đào lên khổ căn".
3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo nói một cách chân chánh, có thể nói như sau:
Ta là bậc minh trí,
Ta chiến thắng tất cả,
Ta đào lên khổ căn,
Trước kia, chưa từng đào.

4) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo minh trí (vedagù)? Này các Tỷ-kheo, khi nào một Tỷ-kheo đối với sáu xúc xứ như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly; như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo minh trí.

5) Và này các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo chiến thắng tất cả? Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đối với sáu xúc xứ, sau khi như thật biết rõ sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly, được giải thoát không có chấp thủ; như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo chiến thắng tất cả.

6) Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo đã đào lên khổ căn trước kia chưa được đào? Mụt nhọt, này các Tỷ-kheo, là một danh từ chỉ cho cái thân do bốn đại tạo thành này, sanh ra từ cha mẹ, do cơm cháo nuôi dưỡng, tự tánh là vô thường, biến hoại, mai một, hủy hoại, hủy diệt. Gốc rễ của mụt nhọt, này các Tỷ-kheo, là đồng nghĩa với khát ái. Này các Tỷ-kheo, khi nào Tỷ-kheo đoạn tận khát ái, chặt đứt đến gốc rễ, làm cho như thân cây ta-la, làm cho không thể tái sanh, không có thể sanh khởi trong tương lai; như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đã đào lên khổ căn từ trước chưa được đào lên.

7) Này các Tỷ-kheo, chính là Uddaka Ràmaputta đã nói lên lời nói như sau:
Ta là bậc minh trí,
Ta chiến thắng tất cả,
Ta đào lên khổ căn,
Trước kia chưa từng đào.

Này các Tỷ-kheo, Uddaka không phải là bậc minh trí, lại tự nói: "Ta là bậc minh trí"; không chiến thắng tất cả, lại nói: "Ta chiến thắng tất cả"; không đào lên khổ căn, lại nói: "Ðã đào lên khổ căn".
8) Ở đây, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo nói một cách chân chánh, có thể nói như sau:
Ta là bậc minh trí,
Ta chiến thắng tất cả,
Ta đào lên khổ căn,
Trước kia chưa từng đào.


Tương Ưng Bộ - Samyutta Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tập IV - Thiên Sáu Xứ


  
[35] Chương I

Tương Ưng Sáu Xứ (c)

Saturday, April 19, 2014

Cách Tu Thất Giác Chi

Hỏi: 
Kính bạch Thầy, xin Thầy chỉ dạy cách tu 7 Giác Chi và cho ví dụ để con được rõ hơn.
Đáp: 
Muốn tu tập Thất Giác Chi thì con phải hiểu nghĩa Thất Giác Chi cho rõ ràng rồi mới tu tập. Trong kinh Tứ Niệm Xứ đức Phật có dạy trên pháp quán pháp: “Lại nữa này các tỳ-kheo, tỳ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với bảy Giác Chi. Này các tỳ-kheo, thế nào là tỳ-kheo sống quán pháp trên các pháp đối với Bảy Giác Chi? Này các tỳ-kheo, ở đây tỳ-kheo có Niệm Giác Chi, tuệ tri: “Nội tâm tôi có niệm giác chi”; hay nội tâm tôi không có niệm giác chi, tuệ tri: “Nội tâm tôi không có niệm giác chi”. Và với niệm giác chi chưa sanh nay sanh khởi, vị ấy tuệ tri như vậy, và với niệm giác chi đã sanh, nay được tu tập viên thành, vị ấy tuệ tri như vậy”. Đoạn kinh này trong bài kinh Tứ Niệm Xứ trong kinh Trung Bộ, tạng kinh Pali thuộc Nikaya trang 146 (10. KINH NIỆM XỨ, Satipatthàna Sutta, MN-10).
Đoạn kinh này nếu một người không có kinh nghiệm tu hành thì khó giảng giải nổi. Bây giờ chúng ta trở lại bài kinh Thất Giác Chi, từ lâu chưa có ai hỏi Thầy về Thất Giác Chi, đến nay mới có một nhân duyên tốt, con hỏi Thầy cách thức tu tập nó.
Thất Giác Chi có nghĩa là bảy chi phần giác ngộ giải thoát hay là bảy pháp dùng trí tuệ hiểu biết tu tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết chấm dứt tái sanh luân hồi. Thất Giác Chi còn gọi là Thất Bồ Đề Phần. Thất Bồ Đề Phần thuộc về Hán tạng Tiểu Thừa kinh A Hàm.
Thất có nghĩa là bảy.
Bồ Đề có nghĩa là giải thoát.
Phần có nghĩa là chi phần, mỗi phần, mỗi pháp môn
Mỗi pháp môn trong một chùm bảy pháp có sự liên hệ mật thiết với nhau trong sự tu tập đi đến giải thoát hoàn toàn, mà mỗi phần tu tập đều có sự giải thoát của mỗi phần, nên gọi là Bồ đề phần hay là Giác chi.
Chi phần đầu tiên của Thất Giác Chi là Niệm Giác Chi. Vậy niệm giác chi có nghĩa là gì?
1- Niệm Giác Chi có nghĩa là niệm giải thoát, niệm giải thoát có nghĩa là Chánh Niệm như Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo, Chánh Niệm trong Bát Chánh Đạo tức là Tứ Niệm Xứ, nên đoạn kinh Thất Giác Chi trên đã có trong bài kinh Tứ Niệm Xứ. Nhưng chúng ta nên biết Chánh Niệm tức là niệm thiện. Muốn tu tập niệm thiện thì bắt đầu tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần. Mục đích của Tứ Chánh Cần là chấp nhận niệm thiện, loại trừ niệm ác. Cho nên toàn bộ chúng tỳ-kheo đệ tử của đức Phật đều phải tu Tứ Chánh Cần, rồi sau đó tùy theo căn cơ mỗi người, có người còn tiếp tu Tứ Chánh Cần; có người tu Tứ Niệm Xư; có người tu Tứ Như Ý Túc; có người tu Tứ Vô Lượng Tâm v.v… đều nhắm vào ngăn ác diệt ác pháp để tâm ly dục ly ác pháp:
“Này các tỳ-kheo, trong chúng tỳ-kheo này, có những vị tỳ-kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Bốn Niệm Xứ. Các bậc tỳ-kheo như vậy, này các tỳ-kheo, có mặt trong chúng tỳ-kheo này. Này các tỳ-kheo, trong chúng tỳ-kheo này, có những vị tỳ-kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Bốn Chánh Cần. Các bậc tỳ-kheo như vậy, này các tỳ-kheo, có mặt trong chúng tỳ-kheo này. Này các tỳ-kheo, trong chúng tỳ-kheo này, có những vị tỳ-kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Bốn Như Ý Túc. Các bậc tỳ-kheo như vậy, này các tỳ-kheo, có mặt trong chúng tỳ-kheo này. Này các tỳ-kheo, trong chúng tỳ-kheo này, có những vị tỳ-kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Năm Căn. Các bậc tỳ-kheo như vậy, này các tỳ-kheo, có mặt trong chúng tỳ-kheo này. Này các tỳ-kheo, trong chúng tỳ-kheo này, có những vị tỳ-kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Năm Lực. Các bậc tỳ-kheo như vậy, này các tỳ-kheo, có mặt trong chúng tỳ-kheo này. Này các tỳ-kheo, trong chúng tỳ-kheo này, có những vị tỳ-kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Bảy Giác Chi. Các bậc tỳ-kheo như vậy, này các tỳ-kheo, có mặt trong chúng tỳ-kheo này. Này các tỳ-kheo, trong chúng tỳ-kheo này, có những vị tỳ-kheo là những vị sống chuyên tâm, chú tâm, tu tập Thánh Đạo Tám Ngành…”. (Đoạn kinh trên đây trong kinh Trung Bộ tập 3 trang 253 thuộc tạng Pali Nguyên Thủy. 118. KINH NHẬP TỨC, XUẤT TỨC NIỆM. Kinh Quán Niệm Hơi Thở,Anàpànasati Sutta, MN-118).
Mặc dù trong chúng tỳ-kheo, có người tu pháp này kẻ tu pháp khác nhưng chúng ta nên lưu ý 37 phẩm trợ đạo của đạo Phật không ra ngoài Đạo Đế và mục đích của các pháp môn này không ngoài sự ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp để ly dục ly ác pháp, cho nên pháp môn tuy nhiều tên nhưng tùy theo sở thích của mọi người hợp với pháp môn nào thì tu pháp môn nấy với đặc tướng của mình, chứ không phải mỗi pháp môn có sự riêng biệt nhau, khác nhau, các pháp môn có sự hỗ tương cho nhau, như tu pháp này thì nó làm cho sung mãn pháp khác như kinh dạy:
“Nhập tức xuất tức niệm, được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho Bốn Niệm Xứ được viên mãn, Bốn Niệm Xứ được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho Bảy Giác Chi được viên mãn. Bảy Giác Chi được tu tập, làm cho sung mãn, khiến cho minh giải thoát (vijjavimutti) được viên mãn”. (Trung Bộ tập 3 trang 255. 118. KINH NHẬP TỨC, XUẤT TỨC NIỆM. Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Anàpànasati Sutta, MN-118).
Những lời dạy trên đây chúng ta nhận xét: tu tập Niệm Giác Chi tức là tu tập Tứ Chánh Cần, bởi vì, ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp tức là có giải thoát ngay liền, chỉ có người ở trong ác pháp thì mới không có giải thoát, còn sống trong thiện pháp thì muôn người, vạn người đều có sự giải thoát như nhau cả không có người nào là không có giải thoát. Cho nên Niệm Giác Chi là một tên khác của Chánh Niệm, Chánh Niệm tức là Tứ Niệm Xứ mà Tứ Chánh Cần là pháp môn tu tập trên Tứ Niệm Xứ, vì thế nói đến Chánh Niệm, là nói đến Tứ Chánh Cần, Chánh Tinh Tấn, Tấn lực, Tấn căn đều là Niệm Giác Chi cả.
Muốn tu tập Tứ Chánh Cần thì Định Niệm Hơi Thở khéo tác ý. Định Niệm Hơi Thở tức là pháp môn Nhập Tức Xuất Tức Niệm, pháp môn Nhập tức Xuất Tức Niệm là pháp môn ngăn ác diệt ác pháp rất hiệu quả, cho nên người tu tập Nhập Tức Xuất Tức Niệm, làm cho xung mãn khiến cho Bốn Niệm Xứ được viên mãn; khi Bốn Niệm Xứ được viên mãn tức là Bảy Giác Chi sung mãn; Bảy Giác Chi sung mãn khiến cho Minh giải thoát được viên mãn. Do đoạn kinh đức Phật dạy trên, chúng ta suy ra: Tu tập Niệm Giác Chi tức là tu tập Tứ Niệm Xứ, tu tập Tứ Niệm Xứ tức là tu tập Chánh Niệm, tu tập Chánh Niệm tức là trên Bốn Niệm Xứ tu tập Tứ Chánh Cần, trên Bốn Niệm Xứ tu Tập Tứ Chánh Cần tức là tu tập Chánh Tinh Tấn, tu tập Chánh Tinh Tấn tức là tu tập gồm có: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng. Tu tập Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng tức là tu tập Thân Hành Niệm. Tu tập Thân Hành Niệm tức là tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định tức là tu tập Định Niệm Hơi Thở và đi kinh hành. Tu tập Định Niệm Hơi Thở và đi kinh hành tức là tu tập Tứ Niệm Xứ. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy:
“Này các tỳ-kheo, trong khi tùy quán thân trên thân, tỳ-kheo an trú, nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời, trong khi ấy, niệm không hôn mê của vị ấy cũng được an trú. Trong khi Niệm không hôn mê của vị ấy cũng được an trú, này các tỳ-kheo, trong khi ấy Niệm Giác Chi được bắt đầu khởi lên với tỳ-kheo”. (Niệm không hôn mê có nghĩa là tâm tỉnh thức hoàn toàn lúc nào cũng tự nhiên biết hơi thở ra, vô mà không cần phải gom tâm ức chế, nói cách khác là tâm không phóng dật của vị ấy được an trú. 118. KINH NHẬP TỨC, XUẤT TỨC NIỆM. Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Anàpànasati Sutta, MN-118).
Vậy Niệm Giác Chi là gì?
Như trên chúng tôi đã định nghĩa, Niệm Giác Chi là niệm thiện, niệm thiện tức là niệm không tham, không sân, không si, không mạn, không nghi. Niệm không tham, sân, si, mạn, nghi là niệm tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Niệm tâm thanh thản, an lạc và vô sự là Niệm Giác Chi hay là Niệm Bồ Đề.
Ở trong Niệm Giác Chi này chúng ta suy tư, tư duy, thẩm sát các pháp thì chúng ta thấy rõ pháp ác và pháp thiện rất cụ thể rõ ràng không còn bị vô minh che đậy khiến chúng ta không lầm chấp ác pháp là thiện pháp. Khi suy tư, tư duy, thẩm sát các pháp tức đó là Trạch Pháp Giác Chi.
Trạch Pháp Giác Chi là gì?
2- Trạch Pháp Giác Chi có nghĩa là chọn lựa pháp giải thoát, chọn lựa pháp giải thoát tức là chọn lựa pháp thiện. Trong kinh Trung Bộ tập 3 bài kinh Đại Kinh Bốn Mươi trang 260 đức Phật dạy: “Này các tỳ-kheo, trong khi trú chánh niệm như vậy, tỳ-kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, trong khi ấy Trạch Pháp Giác Chi bắt đầu khởi lên với vị tỳ-kheo”. (117. ÐẠI KINH BỐN MƯƠI. Mahàcattàrìsaka Sutta, MN-117). Ở đây có nghĩa là chọn lựa pháp thiện là lúc tâm chúng ta đang ở trong trạng thái chánh niệm, chánh niệm tức là tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm thanh thản, an lạc và vô sự, từ trạng thái tâm này chúng ta chọn lựa pháp thiện cũng như dùng câu pháp hướng tâm một cách dễ dàng không sợ bị sự lừa đảo của tâm mình. Chọn lựa pháp thiện có hai cách:
a. Chọn lựa pháp thiện loại trừ pháp ác tức là tu tập Định Vô Lậu, mà trong kinh dạy“Với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy trong khi ấy Trạch Pháp Giác Chi bắt đầu khởi lên. Khi Trạch Pháp Giác Chi bắt đầu khởi lên tức là chúng ta biết rất rõ pháp nào thiện và pháp nào ác rất cụ thể, và chúng ta không còn lầm lạc nên diệt trừ các ác pháp và lòng ham muốn của mình rất dễ dàng, tức là đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm.
Người muốn tu Trạch Pháp Giác Chi thì giữ gìn tâm thanh thản, an lạc và vô sự tức là tâm tỉnh giác, ở tâm tỉnh giác đó mà Trạch Pháp Giác chi thì rất hiệu quả, có nghĩa là ngăn ác và diệt ác pháp rất dễ dàng và dùng pháp hướng tâm điều khiển không mấy khó khăn. Cho nên kinh dạy:
“Trong khi ấy Trạch Pháp Giác Chi được tỳ-kheo tu tập đi đến viên mãn”, có nghĩa là chúng ta thường tu tập chọn lựa pháp nào thiện và pháp nào ác để loại trừ và thường hướng tâm đuổi ác pháp đi thì tâm của chúng ta thanh thản, an lạc, và vô sự, nhờ tâm thanh thản an lạc và vô sự chúng ta cảm thấy sự giải thoát an lạc rất rõ ràng và cụ thể, do đó tự động chúng ta thích tu tập Trạch Pháp Giác Chi vì tu tập Trạch Pháp Giác Chi có lợi ích thật sự cho cuộc sống của chúng ta mà trong kinh dạy:
“Này các tỳ-kheo, trong khi tỳ-kheo với trí tuệ suy tư, tư duy, thẩm sát pháp ấy, sự tinh tấn không thụ động bắt đầu khởi lên với tỳ-kheo ấy”. (118. KINH NHẬP TỨC, XUẤT TỨC NIỆM. Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Anàpànasati Sutta, MN-118). Sự tinh tấn không có thụ động tức là tự động siêng năng có nghĩa là ham thích, thích thú tu tập Trạch Pháp Giác Chi vì cảm thấy có một kết quả giải thoát an lạc rõ ràng trong thân và tâm của mình.
b. Chọn lựa câu pháp thiện dùng làm pháp hướng tâm cho đúng đối tượng pháp môn của mình đang tu. Ví dụ: đang tu định Sơ Thiền mà dùng câu pháp hướng tâm “diệt âm thanh hay tịnh chỉ tầm tứ” là không đúng, mà phải dùng câu pháp hướng tâm “Tâm ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền”. Sự lựa chọn như vậy gọi là Trạch Pháp Giác Chi. Trạch Pháp Giác Chi là sự chọn lựa một câu pháp để tâm mình huân tập sự giải thoát như ý muốn của mình trong ý nghĩa của câu ấy.
Vì cảm thấy sự giải thoát an lạc thật sự nên chúng ta thích thú siêng năng tu tập; sự thích thú siêng năng tu tập đó là Tinh Tấn Giác Chi.
Vậy Tinh Tấn Giác Chi là gì?
3- Tinh Tấn Giác Chi có nghĩa là siêng năng tu tập Niệm Giác Chi và Trạch Pháp Giác Chi, Niệm Giác Chi và Trạch Pháp Giác Chi như trên đã dạy là chọn lựa niệm thiện, niệm thiện tức là niệm bồ đề, niệm bồ đề tức là niệm giải thoát, cho nên siêng năng tu tập niệm giải thoát tức là Tinh Tấn Giác Chi. Người siêng năng tu tập Tinh Tấn Giác Chi tức là người sống trong thiện pháp tức là người ly dục ly ác pháp, người ly dục ly ác pháp do ly dục sanh hỷ lạc, vì thế trong kinh dạy:
“Trong khi ấy tỳ-kheo tu tập Tinh Tấn Giác Chi đi đến viên mãn. Hỷ không liên hệ đến vật chất được khởi lên nơi vị tinh tấn tinh cần. Này các tỳ-kheo, trong khi hỷ không liên hệ đến vật chất khởi lên nơi tỳ-kheo tinh tấn tinh cần, trong khi ấy Hỷ Giác Chi bắt đầu khởi lên nơi tỳ-kheo”. (118. KINH NHẬP TỨC, XUẤT TỨC NIỆM. Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Anàpànasati Sutta, MN-118). Bây giờ tâm chúng ta có hỷ, hỷ giải thoát là hỷ không liên hệ với vật chất tức là hỷ do ly dục ly ác pháp như trên chúng tôi đã giảng trạch, như vậy hỷ do ly dục ly ác pháp là Hỷ Giác Chi.
Vậy hỷ Giác Chi là gì?
4- Hỷ Giác Chi có nghĩa là sự vui trong giải thoát, sự vui trong giải thoát là như thế nào? Ví dụ: Có một người chửi mình mà mình không giận người đó, thấy người tức giận quá khổ, mình không ghét họ mà lại tội nghiệp cho họ, thương họ thì lúc bấy giờ nội tâm chúng ta có một niềm vui thanh thản nhẹ nhàng, niềm vui ấy gọi là Hỷ Giác Chi.
Muốn tu tập Hỷ Giác Chi thì chúng ta hãy nhập vào trạng thái tâm ly dục ly ác pháp, hay nói cách khác dễ hiểu hơn là nhập vào Bất Động Tâm Định tức là chúng ta tu tập Hỷ Giác Chi. Hỷ Giác Chi thuộc về tâm. Khi tâm mới có Hỷ Giác Chi và được làm cho sung mãn thì Khinh An Giác Chi phát khởi, như trong kinh đã dạy:
“Trong khi Hỷ Giác Chi được tỳ-kheo tu tập đi đến viên mãn. Thân của vị ấy được tâm hoan hỷ trở thành khinh an, tâm cũng được khinh an. Này các tỳ-kheo, trong khi tỳ-kheo với ý hoan hỷ được thân Khinh An, được tâm cũng khinh an, trong khi ấy, Khinh An Giác Chi bắt đầu khởi lên nơi tỳ-kheo”. (118. KINH NHẬP TỨC, XUẤT TỨC NIỆM. Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Anàpànasati Sutta, MN-118).
Như vậy Khinh An Giác Chi là gì?
5- Khinh An Giác Chi có nghĩa là một trạng thái an lạc giải thoát của thân, bởi vì Khinh An Giác Chi thuộc về thân. Khi một người nhập Bất Động Tâm do ly dục sanh hỷ và lạc, hỷ và lạc do Bất Động Tâm sanh ra là Hỷ Giác Chi và Khinh An Giác Chi, muốn tu tập Khinh An Giác Chi thì chỉ có nhập vào Bất Động tâm Định, cho nên nói Hỷ Giác Chi và Khinh An Giác Chi tức là nói Định Bất Động Tâm, mà nói ly dục ly ác pháp cũng là nói Hỷ Giác Chi và Khinh An Giác Chi. Nói Hỷ Giác Chi và Khinh An Giác Chi là nói kết quả của Bất Động Tâm, kết quả của Bất Động Tâm là kết quả của Tứ Niệm Xứ, kết quả của Tứ Niệm Xứ là kết quả của Niệm Giác Chi, Trạch Pháp Giác Chi và Tinh Tấn Giác Chi, vì thế trong kinh dạy:
“Và Bốn Niệm Xứ, này các tỳ-kheo, tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho bảy giác chi được viên mãn? Này các tỳ-kheo, trong khi tùy quán thân trên thân, tỳ-kheo an trú, nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, để chế ngự tham ưu ở đời, trong khi ấy, niệm không hôn mê. Trong khi niệm không hôn mê của vị ấy cũng được an trú, này các tỳ-kheo, trong khi ấy Niệm Giác Chi được bắt đầu khởi lên với tỳ-kheo”. (118. KINH NHẬP TỨC, XUẤT TỨC NIỆM. Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Anàpànasati Sutta, MN-118). (Niệm không hôn mê có nghĩa là tâm tỉnh thức hoàn toàn lúc nào cũng tự nhiên biết hơi thở ra, vô mà không cần phải gom tâm ức chế, nói cách khác là tâm không phóng dật của vị ấy được an trú).
Niệm không hôn mê tức là sự tỉnh thức một cách tự nhiên, sự tỉnh thức một cách tự nhiên chính là tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là Bất Động Tâm Định, Bất Động Tâm Định là tâm ly dục ly ác pháp, do đó lúc nào chúng ta cũng sống trong tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là Niệm Giác Chi hiện tiền, Niệm Giác Chi hiện tiền là Trạch Pháp Giác Chi hiện tiền, Trạch Pháp Giác Chi hiện tiền là Tinh Tấn Giác Chi hiện tiền, Tinh Tấn Giác Chi hiện tiền là Hỷ Giác Chi hiện tiền, Hỷ Giác Chi hiển tiền là Khinh An Giác Chi hiện tiền, Khinh An Giác Chi hiện tiền là Định Giác Chi hiện tiền, nên kinh dạy:
“Trong khi ấy Khinh An Giác Chi được tỳ-kheo tu tập. Trong khi ấy, Khinh An Giác Chi được tỳ-kheo làm cho đi đến sung mãn. Một vị có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tỉnh. Này các tỳ-kheo, trong khi tỳ-kheo có thân khinh an, an lạc, tâm vị ấy được định tỉnh, trong khi ấy Định Giác Chi bắt đầu khởi lên nơi tỳ-kheo”. (118. KINH NHẬP TỨC, XUẤT TỨC NIỆM. Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Anàpànasati Sutta, MN-118).
Vậy Định Giác Chi là gì?
6- Định Giác Chi gồm có Bốn Thánh Định. Bốn Thánh Định là: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền. Khi tâm nhập được bốn loại thiền định này là nhờ pháp hướng tâm có hiệu quả tịnh chỉ các hành trong thân, nên thân tâm đều định vào nhau tức là Tâm định trên thân, thân định trên tâm. Tâm định trên thân thân định trên tâm là một nội lực của tâm rất lớn và vi diệu, khiến cho tâm nhu nhuyến, định tỉnh, dễ sử dụng. Lúc bấy giờ hành giả điều khiển tâm mình bằng pháp hướng Xả Giác Chi.
Vậy Xả Giác Chi là gì?
7- Xả Giác Chi có hai cách:
a. Xả Giác Chi thứ nhất, chúng ta không cần nhập định Tứ Thiền mà chỉ với tâm định tỉnh chúng ta nhìn các pháp với ý niệm xả ly, không một pháp nào còn dính mắc trong thân tâm của chúng ta nữa. Toàn cả vật chất thế gian này chúng ta đã buông bỏ xuống sạch, như trong kinh dạy: “Trong khi Định Giác Chi được tỳ-kheo tu tập. Trong khi Định Giác Chi được tỳ-kheo làm cho đi đến sung mãn. Vị ấy với tâm định tỉnh như vậy, khéo nhìn sự vật với ý niệm xả ly, trong khi ấy Xả Giác Chi bắt đầu khởi lên nơi tỳ-kheo”. (118. KINH NHẬP TỨC, XUẤT TỨC NIỆM. Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Anàpànasati Sutta, MN-118). Đây là trong giai đoạn chúng ta sống bình thường trong tâm định tỉnh, nhu nhuyến như lúc chuẩn bị nhập Tứ Thiền, nhưng không nhập Tứ Thiền mà ở trạng thái đó, thực hiện Xả Giác Chi.
b. Xả Giác Chi thứ hai tức là hướng tâm đến Tam Minh. Lúc bấy giờ chúng ta chứng và trú Thiền Thứ Tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh có nghĩa là tịnh chỉ hơi thở hoàn toàn. Khi nhập định này tâm chúng ta định tỉnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản vì thế chúng ta hướng tâm đến Tam Minh một cách dễ dàng, không có mệt nhọc không có khó khăn, như trong kinh dạy: “Với tâm thuần tịnh không cấu nhiễm, không phiền não nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tôi dẫn tâm hướng đến lậu tận trí. Tôi biết như thật: “Đây là khổ”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Đây là khổ diệt”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”, biết như thật: “Đây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là các lậu hoặc được diệt trừ”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến các lậu hoặc được diệt trừ”. (112. KINH SÁU THANH TỊNH. Chabbisodhana Sutta, MN-112)
Đoạn kinh trên đây dạy chúng ta xả lậu hoặc bằng Xả Giác Chi một cách cụ thể và rõ ràng, như trong kinh đã dạy: “Trong khi ấy Xả Giác Chi được tỳ-kheo tu tập. Trong khi ấy Xả Giác Chi được tỳ-kheo làm cho đi đến sung mãn”. (118. KINH NHẬP TỨC, XUẤT TỨC NIỆM. Kinh Quán Niệm Hơi Thở, Anàpànasati Sutta, MN-118).
Khi Xả Giác Chi được sung mãn thì tâm vị ấy biết mình đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt sanh tử luân hồi một cách rõ ràng, như lời đức Phật đã dạy: “Tôi nhờ biết như vậy, thấy như vậy, tâm của tôi thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, tôi khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”, Tôi biết: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm; không còn trở lui trạng thái này nữa”. (112. KINH SÁU THANH TỊNH. Chabbisodhana Sutta, MN-112)
Đến đây sự tu hành Bảy Giác Chi của chúng ta đã hoàn thành xong.
(Trưởng lão Thích Thông Lạc, trích ĐVXP.9, TG.2011, tr.250-267)


THẦY DẠY BÀI PHÁP CẬN TỬ NGHIỆP CHO CÁC VỊ TU SĨ VÀ CƯ SĨ ĐỒNG THÁP CHƠN NHƯ

Kính gửi các con, các con phải lắng nghe lời Thầy khuyên bảo.

Được sinh ra làm người là khó, được gặp Chính pháp lại còn khó hơn.

Hôm nay các con được gặp cả hai, cớ sao các con lại còn dễ vui? Không lo tu tập rèn luyện thân tâm để thoát khỏi vòng tay sinh tử luân hồi.

Các con có biết chăng? Thế giới này là thế giới của nhân quả, vì thế nhân quả làm chủ, nhân quả sai bảo các con, chúng thường giam cầm các con, biến các con thành nô lệ. Các con làm sao thoát khỏi ngục tù nhân quả này? Chúng bảo các con giận hờn là các con giận hờn, bảo tham muốn là các con tham muốn, bảo lo rầu phiền não là các con lo rầu phiền não, bảo các con bệnh là các con bệnh, bảo các con chết là các con chết...
Những điều này các con có biết chăng?

Các con đang sống trong vô minh điên đảo cứ mãi khư khư cho rằng thân tâm này là của con, cha mẹ vợ con anh chị em là của con, nhà cửa tài sản danh vọng là của con?

Các con điển đảo đã hiểu sai lầm. Các con có biết không? Thân này là vô thường, là nơi tập trung muôn sự đau khổ, là ổ bệnh tật, nó không phải là của con. Vì thế trước giờ phút lâm trung thân này tan rã con phải giữ tâm bất động đừng sợ hãi, gan dạ kiên cường, dù cho cơn đau xé ruột xé gan con phải bình tĩnh trước lúc chia tay với mọi người để đi vào lòng đất.

Thầy trao cho các con một thanh gươm thư hùng kiếm, các con phải nắm chắc trong tay đừng bao giờ lìa xa nó các con ạ, lúc nào con cũng nhớ câu như lý tác ý: Tâm phải thanh thản, an lạc vô sự, không được dao động, không được sợ hãi, phải bình tĩnh. Tất cả các pháp trên thế gian này đều vô thường, không có gì là của ta cả, con phải buông xuống đi, buông xuống cho thật sạch...

Trên giường bệnh con nên tác ý câu trên, nó sẽ giúp con vượt qua biển cả, sóng to bão tố... và khi bỏ thân này các con sẽ ở bên Thầy.

Cố nhớ lời Thầy dạy các con ạ. Chỉ có tâm thanh thản an lạc vô sự mới tương ưng với tâm Phật, tâm Thầy. Còn các tâm khác đều bị cảnh trầm luân trong vòng sáu nẻo luân hồi khổ đau.

Thầy chúc các con hãy gan dạ, vững mạnh, lúc nào tâm cũng thanh thản an lạc và vô sự!

Chơn Như ngày 10 – 04 -2004


Thầy của các con

Thursday, April 10, 2014

(III) (33) Uggaha, Người Gia Chủ

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Bhaddiya, trong rừng Jàti. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Uggaha, cháu trai của Mendaka bạch Thế Tôn:

2. - Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy nhận lời mời của con, ngày mai đến dùng bữa ăn, với Thế Tôn là người thứ tư.

Thế Tôn im lặng nhận lời. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka biết được Thế Tôn đã nhận lời, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài rồi ra đi.

3. Rồi Thế Tôn, sau khi đêm ấy đã mãn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi đến trú xứ của Uggaha, cháu trai của Mendaka; sau khi đến, ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka, với tay của mình thân mời và làm cho thỏa mãn Thế Tôn với các món ăn thượng vị loại cứng và loại mềm. Rồi Uggaha, cháu trai của Mendaka, sau khi Thế Tôn dùng bữa ăn xong, tay rời khỏi bát, liền ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Uggaha, cháu trai của Mendaka bạch Thế Tôn:

- Những đứa con gái này của con, bạch Thế Tôn, sẽ đi về nhà chồng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy giáo giới chúng. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy khuyên dạy chúng, để chúng được hạnh phúc an lạc lâu dài.

4. Rồi Thế Tôn nói với các người con gái ấy:

- Này các thiếu nữ, các Con hãy học tập như sau: "Ðối với những người chồng nào, mẹ cha cho các con, vì muốn lợi ích, vì tìm hạnh phúc, vì lòng thương tưởng, vì lòng từ mẫn khởi lên, đối với vị ấy, chúng ta sẽ thức dậy trước, chúng ta sẽ đi ngủ sau cùng, vui lòng nhận làm mọi công việc, xử sự đẹp lòng, lời nói dễ thương." Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.

5. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Những ai, chồng ta kính trọng, như mẹ, cha, Sa-môn, Bà-la-môn, chúng ta sẽ tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường và khi họ đến, chúng ta sẽ dâng hiến họ chỗ ngồi và nước." Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.

6. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Phàm có những công nghiệp trong nhà, hoặc thuộc về len vải hay vải bông, ở đây, chúng ta sẽ phải thông thạo, không được biếng nhác, tự tìm hiểu phương pháp làm, vừa đủ để tự mình làm, vừa đủ để sắp đặt người làm." Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.

7. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Trong nhà người chồng, phàm có nô tỳ nào, hay người đưa tin, hay người công thợ, chúng ta sẽ phải biết công việc của họ với công việc đã làm; chúng ta sẽ phải biết sự thiếu sót của họ với công việc không làm. Chúng ta sẽ biết sức mạnh hay sức không mạnh của những người đau bệnh. Chúng ta sẽ chia các đồ ăn, loại cứng và loại mềm, mỗi người tùy theo phần của mình". Như vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập.

8. Do vậy, này các Thiếu nữ, các Con cần phải học tập như sau: "Phàm có tiền bạc, lúa gạo, bạc và vàng người chồng đem về, chúng ta cần phải phòng hộ, bảo vệ chúng, và sẽ gìn giữ để khỏi ăn trộm, ăn cắp, kẻ uống rượu, kẻ phá hoại". Như vậy, này các Thiếu nữ, các con cần phải học tập. Thành tựu năm pháp này, này các Thiếu nữ, người đàn bà, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh cộng trú với chư Thiên có thân khả ái.
Hãy thường thương yêu chồng,
Luôn nỗ lực cố gắng,
Người đem lại lạc thú,
Chớ khinh thường người chồng,
Chớ làm chồng không vui,
Chớ làm chồng tức tối,
Với những lời ganh tị.
Chồng cung kính những ai,
Hãy đảnh lễ tất cả,
Vì nàng, người có trí.
Hoạt động thật nhanh nhẹn,
Giữa các người làm việc,
Xử sự thật khả ái,
Biết giữ tài sản chồng.
Người vợ xử như vậy,
Làm thỏa mãn ước vọng,
Ưa thích của người chồng,
Sẽ được sanh tại chỗ,
Các chư thiên khả ái.

Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Chương V - Năm Pháp

(VIII) (198) Tự Hành Hạ Mình

1.- Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người hành khổ mình, chuyên tâm hành khổ mình, và hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người. Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người không hành khổ mình, không chuyên tâm hành khổ mình, không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người. Hạng người ấy không hành khổ mình, không hành khổ người, hiện tại sống không tham ái, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm giác lạc thọ, tự ngã trú vào phạm thể.

2. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người sống lõa thể, sống phóng túng không theo lễ nghi, liếm tay cho sạch, đi khất thực không chịu bước tới, đi khất thực không chịu đứng một chỗ, không nhận đồ ăn mang đến, không nhận đồ ăn dành riêng, không nhận mời đi ăn, không nhận từ nơi miệng nồi, không nhận từ nơi miệng chảo, không nhận tại ngưỡng cửa, không nhận giữa những cây gậy, không nhận giữa những cối giã gạo, không nhận từ hai người đang ăn, không nhận từ người đàn bà có thai, không nhận từ người đàn bà đang cho con bú, không nhận từ người đàn bà đang đi đến giữa người đàn ông, không nhận đồ ăn đi quyên, không nhận tại chỗ có chó đứng, không nhận tại chỗ có ruồi bu, không ăn cá, không ăn thịt, không uống rượu nấu, rượu men, không uống nước cháo. Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà hay chỉ nhận ăn một miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại hai nhà hay chỉ nhận ăn hai miếng, ... hay vị ấy chỉ nhận ăn tại bảy nhà hay chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy nuôi sống chỉ với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát ... nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy, vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống, cho đến nửa tháng mới ăn một lần. Vị ấy chỉ ăn cỏ hoang, ăn lúa tắc, ăn lúa hoang, ăn da vụn, ăn rong nước, ăn bọt tấm, ăn váng gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ hay ăn phân bò. Vị ấy ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống. Vị ấy mặc vải gai thô, vải gai thô lẫn các vải khác, mặc vải tẩn liệm, rồi quăng đi, mặc vải phấn tảo y, mặc vải vỏ cây tirita làm áo, mặc áo da con sơn dương đen, mặc áo bện từ từng mảnh da con sơn dương đen, mặc áo bằng vỏ cát tường, mặc áo bằng vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo bằng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú. Vị ấy là người sống nhổ râu tóc, là người chuyên sống theo hạnh nhổ râu tóc, là người theo hạnh thường đứng, từ bỏ chỗ ngồi, là người ngồi chò hỏ, chuyên sống theo hạnh ngồi chò hỏ một cách tinh tấn, là người dùng gai làm giường, thường nằm ngủ trên giường gai, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm (để gột sạch tội lỗi). Như vậy, dưới nhiều hình thức, vị ấy sống tự hành khổ mình. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người tự hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình.

3. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người là người giết trâu, bò, là người giết heo, là người giết vịt, săn thú, là thợ săn, người đánh cá, ăn trộm, người xử tử các người ăn trộm, cai ngục và các người làm các nghề ác độc khác. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người.

4. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người vừa hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người?

Ở đây, này các Tỷ-kheo, có người làm vua, thuộc giai cấp Sát-đế-lỵ đã làm lễ quán đảnh, hay một vị Bà-la-môn triệu phú. Vị này cho xây một giảng đường mới về phía đông thành phố, cạo bỏ râu tóc, đắp áo da khô, toàn thân bôi thục tô và dầu, gãi lưng với một sừng nai, đi vào giảng đường với người vợ chính và một Bà-la-môn tế tự. Rồi vị ấy nằm xuống dưới đất trống trơn chỉ có lá cỏ. Vị vua sống với sữa từ vú một con bò cái, có con bò con cùng một màu sắc. Bà vợ chính sống với sữa từ vú thứ hai; và Bà-la-môn tế tự sống với sữa từ vú thứ ba, sữa từ vú thứ tư thường dùng để tế lửa. Còn con nghé con sống với đồ còn lại. Vua nói như sau: "Hãy giết một số bò đực để tế lễ, hãy giết một số nghé đực để tế lễ, hãy giết một số nghé cái để tế lễ, hãy giết một số dê để tế lễ, hãy giết một số cừu để tế lễ, hãy giết một số ngựa để tế lễ, hãy chặt một số thân cây để làm cột tế lễ, hãy thâu lượm một số cỏ dabbhà để làm chỗ tế lễ. Và những người nô tỳ, những người phục vụ, những người làm công, những người này vì sợ đòn gậy, vì sợ nguy hiểm, với mặt tràn đầy nước mắt, khóc lóc làm các công việc. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đây gọi là hạng người vừa hành khổ mình, chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa hành khổ người, chuyên tâm hành khổ người.

5. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là hạng người vừa không hành khổ mình, không chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người? Hạng người này không tự hành khổ mình, không hành khổ người, hiện tại sống không tham ái, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm thấy lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể.

6. Ở đây, Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều ngự Trượng phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi tự mình chứng ngộ với thắng trí, thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhơn, lại tuyên bố bốn điều Ngài đã chứng ngộ. Ngài thuyết pháp sơ thiện, trung thiện, hậu thiện đầy đủ văn, đầy đủ nghĩa. Ngài truyền dạy Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ thanh tịnh. Người gia trưởng hay con của người gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp hạ tiện nghe pháp ấy. Sau khi nghe pháp, người ấy sanh lòng tin ở Như Lai.

7. Khi có được lòng tin ấy, người ấy suy nghĩ: "Gò bó là đời sống gia đình, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật không dễ gì cho một người sống ở gia đình có thể sống theo Phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình". Một thời gian sau, người ấy từ bỏ tài sản nhỏ hay từ bỏ tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ hay bỏ bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, và xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

8. Vị ấy xuất gia như vậy, hành trì các học giới và hạnh sống của các vị Tỷ-kheo, đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. Vị ấy đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, tự sống thanh tịnh, không có trộm cướp. Vị ấy đoạn tận đời sống không Phạm hạnh, sống theo Phạm hạnh, sống đời sống viễn ly, tránh xa dâm dục hạ liệt. Vị ấy đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, liên hệ đến sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt đời. Vị ấy đoạn tận nói hai lưỡi, từ bỏ nói hai lưỡi., nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia, không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở nhũng người kia. Như vậy, vị này sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hoà hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thích thú trong hòa hợp hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. Vị ấy đoạn tận lời nói độc ác, từ bỏ lời nói độc ác, nói những lời nói dịu hiền, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vị ấy nói những lời nói như vậy. Vị ấy từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói chân thật, nói liên hệ đến nghĩa, nói Pháp, nói Luật, nói những lời đáng giữ gìn, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi.

9. Vị ấy từ bỏ không làm hại đến các loại hạt giống và các kloài cây cỏ, dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ các món ăn phi thời; từ bỏ không đi xem múa, hát, nhạc, các cuộc trình diễn; từ bỏ không dùng giường cao và giường lớn; từ bỏ không nhận vàng và bạc; từ bỏ không nhận các hạt sống; từ bỏ không nhận thịt sống; từ bỏ không nhận đàn bà con gái; từ bỏ không nhận nô tỳ gái và trai; từ bỏ không nhận cừu và dê; từ bỏ không nhận gia cầm và heo; từ bỏ không nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái;; từ bỏ không nhận ruộng nương đất đai;; từ bỏ không dùng người làm môi giới, hoặc tự mình làm người đưa tin; từ bỏ không buôn bán; từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc và đo lường; từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo, gạt lường; từ bỏ không làm thương tổn, sát hại, câu thúc, cướp đường, cướp giật, cưỡng đoạt.

10. Vị ấy sống biết đủ, bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát), như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh. Cũng vậy, Tỷ-kheo bằng lòng với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo. Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, nội tâm hưởng lạc không có lỗi lầm.

11. Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Do nguyên nhân gì khiến nhãn căn này không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng..., mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc.. ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Do nguyên nhân gì không được chế ngự khiến tham ái ưu bi, các ác bất thiện pháp khởi lên, vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy thành tựu Thánh hộ trì các căn này, nội tâm hưởng vô uế lạc.

12. Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác; khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác; khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác; khi mang y dép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác; khi ăn, uống, nhai, nếm đều tỉnh giác; khi đi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác; khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, yên lặng đều tỉnh giác.

13. Vị ấy thành tựu Thánh giới uẩn này, thành tựu Thánh hộ trì các căn này, thành tưu Thánh chánh niệm tỉnh giác này (thành tựu Thánh biết đủ này), lựa một trú xứ thanh vắng như khu rừng, gốc cây, đồi, núi, khe nước, hang đá, bãi tha ma, rừng rậm, ngoài trời, đống rơm. Sau khi ăn xong và đi khất thực trở về, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt. Vị ấy đoạn tận tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái. Ðoạn tận sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa tâm hết sân hận. Ðoạn tận hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên. Ðoạn tận trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử hối quá, nội tâm trầm lặng, gột rửa hết tâm trạo cử, hối quá. Ðoạn tận nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với pháp thiện.

14. Vị ấy, sau khi đoạn tận năm triền cái này, các pháp làm tâm cấu uế, làm trí tuệ trở thành yếu ớt, vị ấy ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Vị ấy diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tĩnh nhất tâm. Vị ấy ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và an trú Thiền thứ ba. Vị ấy xả lạc, xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và an trú Thiền thứ tư, không khổ, không lạc, xả niệm thanh tịnh.

15. Với tâm định tĩnh, thanh tịnh, tinh khiết, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyến, dễ sử dụng, vững chắc, bất động như vậy, vị ấy hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật: "Ðây là khổ"; biết như thật: "Ðây là khổ tập"; biết như thật: "Ðây là khổ diệt"; biết như thật: "Ðây là con đường đưa đến khổ diệt"; biết như thật: "Ðây là những lậu hoặc"; biết như thật: "Ðây là nguyên nhân của những lậu hoặc"; biết như thật: "Ðây là sự diệt trừ các lậu hoặc"; biết như thật: "Ðây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc". Nhờ biết như vậy, thấy như vậy, tâm vị ấy thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Ðối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: "Ta đã giải thoát". Vị ấy quán tri: "Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại, không có trở lui trạng thái này nữa".

16. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là hạng người vừa không hành khổ mình, không chuyên tâm tự hành khổ mình, vừa không hành khổ người, không chuyên tâm hành khổ người. Vị ấy không tự hành khổ mình, không hành khổ người, trong hiện tại sống không tham ái, tịch tịnh, cảm thấy mát lạnh, cảm thấy lạc thọ, tự ngã trú vào Phạm thể.

Này các Tỷ-kheo, có bốn hạng người này có mặt, hiện hữu ở đời.

Tăng Chi Bộ - Anguttara Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Chương IV - Bốn Pháp

(I) (61) Vô Minh

1. - Này các Tỷ-kheo, khởi điểm đầu tiên của vô minh không thể nêu rõ để có thể nói: "Trước điểm này, vô minh không có, rồi sau mới có." Như vậy, này các Tỷ-kheo, lời này được nói đến. Tuy vậy, sự việc này được nêu rõ: "Do duyên này, vô minh (có mặt)". Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng vô minh có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho vô minh? Năm triền cái, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng năm triền cái có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho năm triền cái? Ba ác hành, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng ba ác hành có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho ba ác hành? Các căn không chế ngự, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, các căn không chế ngự có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho các căn không chế ngự? Không chánh niệm tỉnh giác, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng không chánh niệm tỉnh giác có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho không chánh niệm tỉnh giác? Phi như lý tác ý, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng phi như lý tác ý có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho phi như lý tác ý? Không có lòng tin, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng không có lòng tin có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho không có lòng tin? Không nghe diệu pháp, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, không nghe diệu pháp có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho không nghe diệu pháp? Không giao thiệp với bậc Chân nhân, cần phải trả lời như vậy.

2. Như vậy, này các Tỷ-kheo, không giao thiệp với bậc Chân nhân được viên mãn, thời làm viên mãn không có nghe diệu pháp; không có nghe diệu pháp được viên mãn, thời làm viên mãn không có lòng tin; không có lòng tin được viên mãn, thời làm viên mãn phi như lý tác ý; phi như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn không chánh niệm tỉnh giác; không chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn không chế ngự; các căn không chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn ba ác hành; ba ác hành được viên mãn, thời làm viên mãn năm triền cái, năm triền cái được viên mãn, thời làm viên mãn vô minh.

Như vậy, đây là thức ăn cho vô minh này, và như vậy là sự viên mãn.

3. Ví như, này các Tỷ-kheo, trên một ngọn núi có mưa rơi nặng hột, nước mưa ấy chảy xuống theo sườn dốc; làm đầy các hang núi, các kẽ núi, các thung lũng; sau khi làm đầy các hang núi, các kẽ núi, các thung lụng, chúng làm đầy các hồ nhỏ. Sau khi làm đầy các hồ nhỏ, chúng làm đầy các hồ lớn; sau khi làm đầy các hồ lớn, chúng làm đầy các sông nhỏ; sau khi làm đầy các sông nhỏ, chúng làm đầy các sông lớn; sau khi làm đầy các sông lớn, chúng làm đầy biển cả. Như vậy là thức ăn của biển lớn, của đại dương và như vậy là viên mãn. 

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, không giao thiệp với các bậc Chân nhân được viên mãn, thời làm viên mãn không có nghe diệu pháp; không có nghe diệu pháp được viên mãn, thời làm viên mãn không có lòng tin; không có lòng tin được viên mãn, thời làm viên mãn phi như lý tác ý; phi như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn không chánh niệm tỉnh giác; không chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn không chế ngự; các căn không chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn ba ác hành; ba ác hành được viên mãn, thời làm viên mãn năm triền cái, năm triền cái được viên mãn, thời viên mãn vô minh.

Như vậy, đây là thức ăn của vô minh, và như vậy là sự viên mãn.

4. Và này các Tỷ-kheo, Ta nói minh giải thoát có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho minh giải thoát? Bảy giác chi, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng Bảy giác chi có thức ăn, không phải không có thức ăn. Và cái gì là thức ăn cho Bảy giác chi? Bốn niệm xứ, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng Bốn niệm xứ có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho Bốn niệm xứ ? Ba thiện hành, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ kheo, Ta nói như rằng ba thiện hành có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho ba thiện hành? Các căn được chế ngự, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng các căn được chế ngự có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho các căn được chế ngự? Chánh niệm tỉnh giác, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, chánh niệm tỉnh giác có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho chánh niệm tỉnh giác? Như lý tác ý, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng, như lý tác ý có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho như ý tác ý? Lòng tin, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói lòng tin có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho lòng tin? Nghe diệu pháp, cần phải trả lời như vậy. Này các Tỷ-kheo, Ta nói rằng nghe diệu pháp có thức ăn, không phải không có thức ăn. Cái gì là thức ăn cho nghe diệu pháp? Giao thiệp với bậc Chân nhân, cần phải trả lời như vậy.

5. Như vậy, này các Tỷ-kheo, giao thiệp với bậc Chân nhân được viên mãn thời làm viên mãn nghe diệu pháp; nghe diệu pháp được viên mãn thời làm viên mãn lòng tin; lòng tin được viên mãn, thời làm viên mãn như lý tác ý; như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn chánh niệm tỉnh giác; chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn được chế ngự; các căn được chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn ba thiện hành; ba thiện hành được viên mãn, thời làm viên mãn Bốn niệm xứ; Bốn niệm xứ được viên mãn, thời làm viên mãn Bảy giác chi; Bảy giác chi được viên mãn, thời làm viên mãn minh giải thoát.

Như vậy, đây là thức ăn của minh giải thoát, và như vậy là sự viên mãn.
6. Ví như, này các Tỷ-kheo, trên một ngọn núi có mưa rơi nặng hột, nước mưa chảy xuống theo sườn dốc, làm đầy các hang núi, các kẽ núi, các thung lũng; sau khi làm đầy đầy các hang núi, các kẽ núi, các thung lũng, chúng làm đầy các hồ nhỏ. Sau khi làm đầy các hồ nhỏ, chúng làm đầy các hồ lớn. Sau khi làm đầy các hồ lớn, chúng làm đầy các sông nhỏ. Sau khi làm đầy các sông nhỏ, chúng làm đầy các sông lớn. Sau khi làm đầy các sông lớn, chúng làm đầy biển cả. Như vậy, là thức ăn của biển lớn, của đại dương, và như vậy là sự viên mãn.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, giao thiệp với bậc Chân nhân được viên mãn, thời làm viên mãn nghe diệu pháp; nghe diệu pháp được viên mãn, thời làm viên mãn lòng tin; lòng tin được viên mãn thời làm viên mãn như lý tác ý; như lý tác ý được viên mãn, thời làm viên mãn chánh niệm tỉnh giác; chánh niệm tỉnh giác được viên mãn, thời làm viên mãn các căn được chế ngự; các căn chế ngự được viên mãn, thời làm viên mãn ba thiện hành; ba thiện hành được viên mãn, thời làm viên mãn Bốn niệm xứ; Bốn niệm xứ được viên mãn, thời làm viên mãn Bảy giác chi; Bảy giác chi được viên mãn, thời làm viên mãn minh giải thoát.

Như vậy là thức ăn của minh giải thoát, và như vậy là viên mãn.

Wednesday, April 9, 2014

DIỆT TRỪ BẢN NGÃ

Câu hỏi của Diệu Thanh

Hỏi:

Kính thưa Thầy! Con có vài điều chưa hiểu, xin Thầy từ bi chỉ dạy cho chúng con được rõ:

Con hiểu diệt trừ bản ngã là tầm quan trọng của việc tu. Có phải vậy không thưa Thầy?

Đáp:

Đúng vậy, diệt trừ bản ngã là điều quan trọng trong Phật giáo. Nếu không diệt bản ngã thì không bao giờ có giải thoát.

Nói diệt ngã thì dễ mà hành diệt ngã thì khó, hành diệt ngã còn phải hành đúng pháp, đúng pháp như thế nào?

Đúng pháp là phải đúng Bát Chánh Đạo, ngoài Bát Chánh Đạo ra thì không có pháp nào tu tập diệt ngã được.

Các con nên lưu ý: đức Phật đã xác định trên Bát Chánh Đạo có những pháp môn tu tập rõ ràng và cụ thể. Đừng nên nghe ngoại đạo lừa đảo đưa những tà pháp không đúng chánh pháp như lời Phật dạy trong kinh sách Nguyên Thủy.

Đức Phật thường dạy chúng ta tu tập: “Thân này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta” hoặc dạy về thân ngũ uẩn: “Sắc uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Thọ uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Tưởng uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Hành uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Thức uẩn này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta”. Khi chúng ta thường tác ý quán như vậy thì bản ngã của chúng bị diệt.

Khi Bàhiya tha thiết cầu Phật dạy pháp trên đường Phật đang đi khất thực. Ba lần Phật từ chối, nhưng ba lần Ông cầu thỉnh với lòng tha thiết. Vì thế, đức Phật dạy ngay bài kinh diệt ngã trên đường đang đi xin ăn: “Này Bàhiya, Ông cần phải học như sau: “Trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri”. Như vậy, này Bàhiya, Ông cần phải học tập. Vì rằng này Bàhiya, nếu Ông, trong cái thấy sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri sẽ chỉ là cái thức tri”. Do vậy, này Bàhiya. Ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bàhiya, Ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau”.(Tiểu Bộ kinh tập 1 Trang 128).

Khi nhận ra sáu căn, sáu thức này không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì ngay đó bản ngã đã được diệt và bản ngã đã được diệt thì sự giải thoát ở chỗ đó.

http://chonnhu.drupalgardens.com/book/export/html/1701

Sunday, April 6, 2014

I. Nakulapità (Tạp, 5.5 Trưởng Giả, Ðại 2,33a) (Tăng 13.4, Ðại 2,573a) (S.iii,1)


1) Như vầy tôi nghe.


Một thời Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhayga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesaka, vườn Nai.



2) Rồi gia chủ Nakulapità đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.



3) Ngồi xuống một bên, gia chủ Nakulapità bạch Thế Tôn:



-- Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bịnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các vị Tỷ-kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giảng dạy cho con! Nhờ vậy, con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.



4) -- Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bịnh hoạn, ốm đau, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bịnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: "Dầu cho thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị bịnh". Như vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập.



5) Rồi gia chủ Nakulapità sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Sàriputta rồi ngồi xuống một bên.



6) Tôn giả Sàriputta nói với gia chủ Nakulapità đang ngồi một bên:



-- Này Gia chủ, tịch tịnh là các căn của Gia chủthanh tịnh và trong sáng là sắc diện của Gia chủ. Có phải hôm nay Gia chủ đối diện với Thế Tôn, được nghe pháp thoại?



-- Làm sao không thể như vậy được, thưa Tôn giả? Hôm nay, thưa Tôn giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại!



-- Như thế nào, này Gia chủ, Gia chủ được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại?



7) -- Ở đây, thưa Tôn giả, con đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thưa Tôn giả, con bạch Thế Tôn:



"-- Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bịnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các Tỷ-kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn giảng dạy cho con! Nhờ vậy con được hạnh phúc, an lạc lâu dài!"



Ðược nghe nói vậy, thưa Tôn giả, Thế Tôn nói với con:



"-- Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bịnh hoạn, ốm yếu, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bịnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: 'Dầu thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị bịnh!"



Như vậy, thưa Tôn giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại.



8) -- Nhưng này Gia chủ, Gia chủ có hỏi thêm Thế Tôn như sau: "Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là thân bị bịnh và tâm cũng bị bịnh? Cho đến như thế nào là thân bị bịnh, nhưng tâm không bị bịnh không?"



9) -- Thưa Tôn giả, con có thể đi đến thật xa để nghe tận mặt Tôn giả Sàriputta ý nghĩa của lời nói này. Lành thay, nếu được Tôn giả Sàriputta giải thích ý nghĩa của lời nói này!



10) -- Vậy này Gia chủ, hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, ta sẽ nói.



-- Thưa vâng, Tôn giả.



Gia chủ Nakulapità vâng đáp Tôn giả Sàriputta.



11) Tôn giả Sàriputta nói như sau:



-- Thế nào, này Gia chủ, là thân bịnh và tâm bịnh?



12) Ở đây, này Gia chủ, có kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta". Do bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta." khi sắc biến hoại, đổi khác; do sắc biến hoại, đổi khác, nên vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!



13) Vị ấy quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta". Do bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta" khi thọ biến hoại, đổi khác; nên do thọ biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!



14) Vị ấy quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta". Do bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta" khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên do tưởng biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!



15) Vị ấy quán các hành như là tự ngã hay tự ngã như là có các hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta". Do bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta" khi các hành biến hoại, đổi khác; do các hành biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!



16) Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta" khi thức biến hoại, đổi khác; nên do thức biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!



17) Như vậy, này Gia chủ, là thân có bịnh và tâm có bịnh.



18) Thế nào, này Gia chủ, là thân có bịnh nhưng tâm không có bịnh?



19) Ở đây, này Gia chủ, vị đa văn Thánh đệ tử hiểu rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, hiểu rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy không bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta" khi sắc biến hoại, đổi khác; nên không do sắc biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!



20) Không quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy không bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta" khi thọ biến hoại, đổi khác; nên không do thọ biến hoại, đổi khác, mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!



21) Không quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy không bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta" khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên không do tưởng biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!



22) Không quán các hành như là tự ngã, hay tự ngã như là có hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy không bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta" khi các hành biến hoại, đổi khác; nên không do các hành biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!



23) Không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta" khi thức biến hoại, đổi khác; nên không do thức biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!



24) Như vậy, này Gia chủ, là thân có bịnh, nhưng tâm không có bịnh.



25) Tôn giả Sàriputta thuyết như vậy, gia chủ Nakulapità hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Sàriputta thuyết.