Sunday, August 4, 2019

KINH VÔ NGÃ TƯỚNG


KINH VÔ NGÃ TƯỚNG
Anatta-lakkhana Sutta (SN 22.59)

1) Một thời Thế Tôn ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isìpatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển.

2) Ở đây Thế Tôn nói với đoàn năm vị Tỳ-khưu: "Này các Tỳ-khưu". – "Thưa vâng bạch Thế Tôn". Các Tỳ-khưu ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
3) – Sắc, này các Tỳ-khưu, là vô ngã. Này các Tỳ-khưu, nếu sắc là ngã, thời sắc không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các sắc như sau: "Mong rằng sắc của tôi là như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"
Và này các Tỳ-khưu, vì sắc là vô ngã, sắc đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các sắc: "Mong rằng sắc của tôi như thế này! Mong rằng sắc của tôi chẳng phải như thế này!"
4) Thọ, này các Tỳ-khưu, là vô ngã. Này các Tỳ-khưu, nếu thọ là ngã, thời thọ không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được thọ như sau: "Mong rằng thọ của tôi như thế này! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!"
Và này các Tỳ-khưu, vì thọ là vô ngã, thọ đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các thọ: "Mong rằng thọ của tôi như thế này! Mong rằng thọ của tôi chẳng phải như thế này!"
5) Tưởng, này các Tỳ-khưu, là vô ngã. Này các Tỳ-khưu, nếu tưởng là ngã, thời tưởng không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể được tưởng như sau: "Mong rằng tưởng của tôi như thế này! Mong rằng ưởng của tôi chẳng phải như thế này!"
Và này các Tỳ-khưu, vì tưởng là vô ngã, tưởng đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các tưởng: "Mong rằng tưởng của tôi như thế này! Mong rằng tưởng của tôi chẳng phải như thế này!"
6) Các Hành là vô ngã, này các Tỳ-khưu, nếu các hành là ngã, thời các hành không thể đi đến bệnh hoạn và có thể được các hành như sau: "Mong rằng các hành của tôi như thế này! Mong rằng các hành của tôi chẳng phải như thế này!"
Và này các Tỳ-khưu, vì các hành là vô ngã, các hành đi đến bệnh hoạn, và không thể có được các hành: "Mong rằng các hành của tôi như thế này! Mong rằng các hành của tôi không phải như thế này!"
7) Thức là vô ngã, này các Tỳ-khưu, nếu thức là ngã, thời thức không thể đi đến bệnh hoạn, và có thể có được thức như sau: "Mong rằng thức của tôi như thế này! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!"
Và này các Tỳ-khưu, vì thức là vô ngã, thức đi đến bệnh hoạn, và không có thể có được thức: "Mong rằng thức của tôi như thế này! Mong rằng thức của tôi chẳng phải như thế này!"
8) 
– Này các Tỳ-khưu, các Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?
– Là vô thường, bạch Thế Tôn!
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
9) 
– Này các Tỳ-khưu, các Ông nghĩ thế nào? Thọ là thường hay vô thường?
– Là vô thường, bạch Thế Tôn!
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
10) 
– Này các Tỳ-khưu, các Ông nghĩ thế nào? Tưởng là thường hay vô thường?
– Là vô thường, bạch Thế Tôn!
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
11) 
– Này các Tỳ-khưu, các Ông nghĩ thế nào? các Hành là thường hay vô thường?
– Là vô thường, bạch Thế Tôn!
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
12) 
– Này các Tỳ-khưu, các Ông nghĩ thế nào? Thức là thường hay vô thường?
– Là vô thường, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
– Là khổ, bạch Thế Tôn.
– Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng khi quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?
– Thưa không, bạch Thế Tôn.
13) 
– Do vậy, này các Tỳ-khưu, phàm sắc gì quá khứvị laihiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
Phàm thọ gì quá khứvị laihiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
Phàm tưởng gì quá khứvị laihiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
Phàm các hành gì quá khứvị laihiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả sắc cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
Phàm thức gì quá khứvị laihiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần; tất cả thức cần phải như thật quán với chánh trí tuệ như sau: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi".
14) Thấy vậy, này các Tỳ-khưu, bậc Đa văn Thánh đệ tử yếm ly đối với sắc, yếm ly đối với thọ, yếm lyđối với tưởng, yếm y đối với các hành, yếm ly đối với thức. Do yếm ly, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã được giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa".
15) Thế Tôn thuyết như vậy. Nhóm năm vị Tỳ-khưu hoan hỷtín thọ lời Thế Tôn dạy. Trong khi lời dạy này được nói lên, tâm của nhóm năm vị Tỳ-khưu được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

Thursday, August 1, 2019

BÀI KINH BÀHIYA


- Vậy này Bāhiya, Ông cần phải học tập như sau: “Trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy. Trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe. Trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng. Trong cái thức tri, sẽ chỉ là các thức tri ". Như vậy, này Bāhiya, ông cần phải học tập. Vì rằng, này Bāhiya, nếu với ông, trong cái thấy, sẽ chỉ là cái thấy; trong cái nghe, sẽ chỉ là cái nghe; trong cái thọ tưởng, sẽ chỉ là cái thọ tưởng; trong cái thức tri, sẽ chỉ là cái thức tri. Do vậy, này Bàhiva, ông không là chỗ ấy. Vì rằng, này Bāhiya, ông không là đời này, không là đời sau, không là đời chặng giữa. Như vậy là đoạn tận khổ đau.”

Sunday, July 7, 2019

10 PHÁP QUÁN TƯỞNG - BÀI KINH GIRIMÀNANDA


Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn của ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Girimànanda bị bịnh, khổ đau, bị trọng bịnh. Rồi Tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:
—Tôn giả Girimànanda, bạch Thế Tôn, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Lành thay, nếu Thế Tôn đi đến Tôn giả Girimànanda, vì lòng từ mẫn.
—Này Ananda, nếu Thầy đi đến Tỷ-kheo Girimànanda và đọc lên mười tưởng, thời sự kiện này có thể xảy ra: Tỷ-kheo Girimànanda sau khi được nghe mười tưởng, bệnh của vị ấy có thể được thuyên giảm ngay lập tức! Thế nào là mười?
Tưởng vô thường, tưởng vô ngã, tưởng bất tịnh, tưởng nguy hại, tưởng đoạn tận, tưởng từ bỏ, tưởng đoạn diệt, tưởng nhàm chán đối với tất cả thế giới, tưởng vô thường trong tất cả hành, tưởng niệm hơi thở vô hơi thở ra. Và này Ananda, thế nào là tưởng vô thường?
Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến ngôi rừng, hay đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: “Sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường.” Như vậy vị ấy trú, tùy quán vô thường, trong năm thú uẩn này. Này Ananda, đây gọi là tưởng vô thường. Và này Ananda, thế nào là tưởng vô ngã?
Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: “Mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã; tai là vô ngã, các tiếng là vô ngã; mũi là vô ngã, các hương là vô ngã; lưỡi là vô ngã, các vị là vô ngã; thân là vô ngã, xúc là vô ngã; ý là vô ngã, các pháp là vô ngã.” Này Ananda, đây gọi là tưởng vô ngã. Và này, Ananda thế nào là tưởng bất tịnh?
Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo quán sát thân này từ bàn chân trở lên, từ đỉnh tóc trở xuống, được da bao bọc, đầy những vật bất tịnh sai biệt như: “Trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, dây gân, xương, tủy, thận, quả tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu”. Như vậy, vị ấy trú quán bất tịnh trong thân này. Này Ananda, đây gọi là tưởng bất tịnh. Và này Ananda, thế nào là tưởng nguy hại?
Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: “Nhiều khổ là thân này, nhiều sự nguy hại. Như vậy trong thân này, nhiều loại bệnh khởi lên. Ví như bệnh đau mắt, bệnh đau về tai, bệnh đau mũi, bệnh đau lưỡi, bệnh đau thân, bệnh đau đầu, bệnh đau vành tai, bệnh đau miệng, bệnh đau răng, bệnh ho, bệnh suyễn, bệnh sổ mũi, bệnh sốt, bệnh già yếu, bệnh đau yếu, bệnh đau bụng, bất tỉnh, kiết lỵ, bệnh đau bụng quặn, bệnh thổ tả, bệnh hủi, bệnh ung nhọt, bệnh ghẻ lở, bệnh ho lao, bệnh trúng gió, bệnh da, bệnh ngứa, bệnh da đóng vảy, bệnh hắc lào lang ben, bệnh ghẻ, bệnh huyết đảm (mật trong máu), bệnh đái đường, bệnh trĩ, bệnh mụt nhọt, bệnh ung nhọt ung loét, các bệnh khởi lên do mật, bệnh khởi lên từ đàm, niêm dịch, các bệnh khởi lên từ gió; bệnh do hòa hợp các thể dịch sinh ra; các bệnh do thời tiết sinh ra, các bệnh do làm việc quá độ sanh, các bệnh do sự trùng hợp các sự kiêng; các bệnh do nghiệp thuần thục, lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện”. Như vậy, vị ấy sống, quán sự nguy hại trong thân này. Này Ananda, đây gọi là các tưởng nguy hại. Và này Ananda, thế nào là tưởng đoạn tận?
Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo, không có chấp nhận dục tầm đã sanh, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sanh trưởng; không có chấp nhận sân tầm đã sanh, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sanh trưởng; không có chấp nhận hại tầm... đã sanh...; không có chấp nhận các ác bất thiện pháp tiếp tục khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sanh trưởng. Này Ananda, đây được gọi tưởng đoạn tận. Và này Ananda, thế nào là từ bỏ?
Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, suy xét như sau: “Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, Niết bàn. Và này Ananda, thế nào là tưởng đoạn diệt?
Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, suy xét như sau: “Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham, Niết bàn”. Và này Ananda, thế nào là tưởng không ưa thích trong tất cả thế giới?
Ở đây, này Ananda, phàm ở đời có những chấp thủ phương tiện, tâm quyết định, thiên kiến, tùy miên nào, Tỷ-kheo từ bỏ chúng, không ưa thích, không chấp thủ. Này Ananda, đây gọi là tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới. Và này các Tỷ-kheo, thế nào là tưởng vô thường trong tất cả hành?
Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo bực phiền, xấu hổ, nhàm chán đối với tất cả hành. Này Ananda, đây gọi là vô thường trong tất cả hành. Và này Ananda, thế nào là tưởng niệm hơi thở vào, hơi thở ra?
Ở đây, này Ananda, Tỷ-kheo đi đến khu rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm, vị ấy thở ra. Thở vô dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở vô dài”. Thở ra dài, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra dài”, Hay thở vô ngắn, vị ấy rõ biết “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, vị ấy rõ biết: “Tôi thở ra ngắn”. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra,” vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. Này Ananda, đó là niệm hơi thở vô, hơi thở ra.
Này Ananda, nếu Thầy đi đến Tỷ-kheo Girimànanda và đọc lên mười tưởng này, sự kiện này có xảy ra: Tỷ-kheo Girimànanda, sau khi nghe mười tưởng này, bệnh của vị ấy được thuyên giảm ngay lập tức”.
Rồi Tôn giả Ananda, sau khi học thuộc từ Thế Tôn mười tưởng này, đi đến Tôn giả Girimànanda, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Girimànanda mười tưởng này. Và Tôn giả Girimànanda, sau khi nghe mười tưởng này, bệnh của vị ấy được thuyên giảm ngay lập tức. Tôn giả Girimànanda, được thoát khỏi bệnh ấy. Ðược đoạn tận như vậy là chứng bệnh ấy của Tôn giả Girimànanda.


Saturday, June 29, 2019

Hiểu Về Niết Bàn



Niết Bàn là trạng thái tâm bất động giải thoát, chấm dứt phiền não nghiệp khổ luân hồi. Vậy tu tập như thế nào để có được trạng thái Niết Bàn? Dưới đây là những lời Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Niết Bàn.

Người hằng tu thiền định
Thường kiên trì tinh tấn
Bậc trí hưởng Niết Bàn
Đạt an tịnh vô thượng.

📝 Người hằng tu thiền định chỉ cho hành giả siêng năng tu chánh niệm tỉnh giác, kiểm soát thân - khẩu - ý, và dùng pháp như lý tác ý để xả tâm phiền não tham - sân - si - mạn - nghi. Khi hết tham - sân - si - mạn - nghi thì chứng được tâm vô lậu Niết Bàn. ( Để hiểu rõ về cách thức tu tập diệt tham tham – sân – si - mạn – nghi, quý phật tử nghe thêm pháp thoại PHÁP HÀNH TỨ NIỆM XỨ ).

Trong Phẩm Không Phóng Dật, Phật dạy:

Tỳ kheo sợ phóng dật
Ưa thích không phóng dật
Nhất định gần Niết Bàn
Không còn bị đọa lạc.

📝 Phóng dật là trạng thái tâm bị dao động và phiền não. Ví dụ, khi nghe ai nói lời xúc phạm ta thì trong tâm mình cảm thấy khó chịu bực dọc, tâm khó chịu bực dọc thuộc về sân phóng dật. 


Hoặc nghe người khác khen mình mà trong lòng thích thú vui mừng và mong được khen nữa, tâm đó thuộc về tham phóng dật. 

Hoặc khi ta thành tựu điều gì tốt mà hay tự mãn khoe khoang, tâm đó là mạn phóng dật. 

Tâm hay nghi kỵ, thiệt hơn, đúng sai, phải trái chuyện xấu tốt của mọi người xung quanh mình, tâm đó là nghi phóng dật. 

Tu tập các pháp sai mà cho là đúng, hoặc tin theo những điều tà mà cho là chánh, tâm đó là si phóng dật. 

Nếu hành giả tu tập đoạt diệt năm phóng dật phiền não tham - sân - si - mạn - nghi thì tâm chứng được vô lậu Niết Bàn, không còn bị đọa lạc sinh tử luân hồi. Vì vậy Đức Phật nói:

“Ta thành tựu Chánh Đẳng Giác là nhờ tâm không phóng dật, muôn pháp lành từ đó mà sinh”.


( Để hiểu rõ hơn về cách thức tu tập tâm không phóng dật, quý Phật tử nghe thêm pháp thoại KHÔNG PHÓNG DẬT BẤT TỬ ).


Khác thay duyên thế lợi
Khác thay đường Niết Bàn
Tỷ kheo, đệ tử Phật
Hãy như vậy thắng tri
Chớ ưa thích cung kính
Hãy tu hạnh viễn ly.

📝 Viễn ly là tâm không còn tham chấp lợi đắc, cung kính và danh vọng. Ai sống theo lợi đắc, cung kính và danh vọng thì tâm bị mất Niết Bàn. Cho nên, để tâm không bị mất Niết Bàn thì phải tu hạnh viễn ly.

Hãy cầu vui Niết Bàn
Bỏ dục, không nhiễm uế
Kẻ trí tự rửa sạch
Mọi cấu uế nội tâm.

📝 Tâm giống như miếng vải dơ bẩn, nếu chúng ta biết giặt sạch chúng thì chúng trở nên sạch sẽ và hữu dụng. Cũng vậy tâm chúng ta hàng ngày siêng năng tu tập, bỏ dần mọi tham đắm dục lạc (danh, lợi, sắc, thực, thùy) thì tâm ấy sẽ đạt được giải thoát Niết Bàn. (Quý Phật tử nghe thêm pháp thoại TÂM CẤU UẾ PHIỀN NÃO ).

Những ai thường chánh tâm
Tu tập pháp giác chi
Xa lìa mọi chấp trước
Hoan hỷ không nhiễm ái
Sẽ sống không lậu hoặc
Sáng chói, chứng Niết Bàn
Ngay trong đời hiện tại.

📝 Tham ái là trạng thái ưa thích dục lạc trong tâm. Ví dụ tâm mình còn tham chấp được người khác yêu quý mình, đó là tham ái. Tâm còn tham chấp ăn ngon, mặc đẹp, đó là tham ái... Hoặc khi ta đạt được thành công gì mà tâm còn tự mãn, vui thích khoe khoang, đó là tham ái. Hoặc một vị tu tập chứng đạt thiền định, tâm có khinh an hỷ lạc mà còn chấp thủ, khoe khoang, đó là tham ái… Để tâm không còn tham ái, Đức Phật dạy chúng ta hãy tu tập Bảy Pháp Giác Chi, hướng tâm đến Xả Giác Chi để xả ly tham ái, chứng ngộ Niết Bàn. ( Quý Phật tử nghe thêm pháp thoại PHÁP HÀNH BẢY GIÁC CHI và BỐN QUẢ CHỨNG THIỀN ĐỊNH ).

Một số sinh bào thai
Kẻ ác sinh địa ngục
Người thiện lên cõi trời
Vộ lậu chứng Niết Bàn.

📝 Đức Phật dạy có bốn thế giới tâm thức ở trong thân tâm của chúng ta. Nếu thân - khẩu - ý còn tạo nghiệp tham - sân - si thì sẽ dẫn đến tái sinh luân hồi của thân đời sau. Nếu thân - khẩu - ý tạo nghiệp sát sinh, gian tham trộm cắp… thì thân đời này và đời sau chịu nhiều quả khổ địa ngục. Nếu thân - khẩu - ý giữ gìn các giới hạnh thanh tịnh, tu tập các pháp quán Từ Bi Hỷ Xả thì sẽ được sống trong thiên giới, cõi trời. Còn nếu thân - khẩu - ý đoạn diệt tham - sân - si - mạn - nghi sẽ được hóa sinh vào Niết Bàn, chấm dứt sinh tử, luân hồi. ( Quý Phật tử nghe thêm pháp thoại TÂM VÔ LẬU CHỨNG NIẾT BÀN ).

Như chiếc chuông bị bể
Tự mình giữ yên lặng
Người đã chứng Niết Bàn
Tự mình không sân hận.

📝 Chiếc chuông bị bể không còn nghe được tiếng. Cũng vậy, người có tâm bất động giải thoát Niết Bàn thì không còn phiền não than vãn khổ với ai điều gì.

Chư Phật thường giảng dạy
Nhẫn, khổ hạnh tối thượng
Niết Bàn, quả tối thượng
Xuất gia không phá người
Sa môn không hại người.

📝 Đức Phật dạy chúng ta có bốn điều lợi ích:

+ Người tu tập đức kham nhẫn, dù thân này chịu nhiều khổ đau bệnh tật, nhưng tâm vẫn hoan hỷ bất động.

+ Niết Bàn là trạng thái bất động giải thoát hạnh phúc nhất, không còn tái sinh luân hồi

+ Người xuất gia không còn ràng buộc nhân quả gia đình, đời sống trắng bạch như vỏ óc, phóng khoáng như hư không, nên không còn làm cho ai đau khổ nữa.

+ Sa môn là bậc sống Phạm hạnh, giữ gìn các giới luật thanh tịnh, nên không còn làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài chúng sinh.

Đói khát, bệnh tối thượng
Các hành, khổ tối thượng
Hiểu chơn thực như vậy
Niết Bàn, lạc tối thượng.

📝 Đói khát là một trong những khổ đau lớn nhất của thân bệnh. Đói khát có thể làm cho con người đánh mất những đức tính cao đẹp và tạo ra nhiều nghiệp xấu như giành giật, trộm cắp và giết hại lẫn nhau.

📝 Đức Phật dạy các hành là vô thường, vô thường phải chịu khổ. Ví như lúc chúng ta còn trẻ, thân ta được nhiều sức khỏe và sắc đẹp, nhưng theo năm tháng vô thường thì thân này già yếu, xấu xí, phải chịu nhiều vất vả, khổ sở. Hoặc ta sống với người thân yêu hạnh phúc, khi vô thường hết duyên, họ không còn ở bên ta nữa, lúc ấy chúng ta đối diện sự đau khổ bị mất người thân… Tất cả vạn vật trong vũ trụ này đều thuận theo quy luật vô thường mà dẫn đến khổ đau.

📝 Chỉ có Niết Bàn là trạng thái bất động giải thoát bất diệt, không còn bị ràng buộc nhân quả vô thường khổ đau nữa.

Vô bệnh, lạc tối thượng
Biết đủ, tiền tối thượng
Thành tín, bạn tối thượng
Niết Bàn, lạc tối thượng.

+ Người không có bệnh tật thì thân tâm luôn an lạc. Nên có câu “sức khỏe là vàng”.

+ Người sống biết đủ thì đồng tiền trở nên cao thượng, biết làm những việc tốt, chia sẻ vật chất đến với những người kém may mắn.

+ Người có uy tín trung thực luôn là người bạn lành cho ta tin tưởng.

+ Tất cả những hạnh phúc niềm vui ở đời là tương đối, hữu hạn, vui ít khổ nhiều. Còn Niết Bàn là trạng thái hạnh phúc vĩnh hằng, dù sống trong cảnh khổ mà tâm vẫn an nhiên giải thoát, giống như hoa sen tinh khiết giữa bùn nhơ.

Những người thường giác tỉnh
Ngày đêm siêng tu học
Chuyên tâm hướng Niết Bàn
Mọi lậu hoặc được tiêu.

📝 Người siêng năng trong chánh niệm tỉnh giác là người luôn kiểm soát thân, khẩu, ý của mình, nếu có bị ai mắng chửi, đối xử không tốt với mình, nhưng tâm mình luôn hỷ xả cho họ, không buồn khổ, oán trách họ. Ai có tâm buông xả như vậy thì tâm đó là Niết Bàn. Người đó không còn bị lậu hoặc tham – sân – si - mạn - nghi chi phối nữa.


Tự cắt dây tình ái
Như tay bẻ sen thu
Hãy tu đạo tịch tịnh
Niết Bàn, Thiện Thệ dạy.

📝 Đức Phật dạy ái dục là nguyên nhân tạo ra nhân quả sinh tử luân hồi. Ai đoạn dứt được ái dục thì nghiệp khổ luân hồi chấm dứt.

Biết rõ ý nghĩa này
Bậc trí lo trì giới
Mau lẹ làm thanh tịnh
Con đường đến Niết Bàn.

📝 Người giác ngộ ra ý nghĩa này thì tâm trở nên nhàm chán ái dục ở đời, và luôn tầm cầu con đường giác ngộ giải thoát Niết Bàn.

Tỷ kheo tát thuyền này
Thuyền không, nhẹ đi mau
Trừ tham, diệt sân hận
Tất chứng đạt Niết Bàn. 

📝 Tỳ kheo tát thuyền là người siêng năng tu tập Từ Bi Hỷ Xả, nhằm diệt trừ nghiệp khổ như: sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái biệt ly khổ, cầu bắt đắc khổ, oán tăng hội khổ, và ngũ uẩn xí thạnh khổ. Hằng ngày tinh tấn tác ý xả tâm tham - sân - si thì hiện tại được an lạc Niết Bàn.

Không trí tuệ, không thiền
Không thiền, không trí tuệ
Người có thiền có tuệ
Nhất định gần Niết Bàn.

📝 Người có trí là người giác ngộ Chân lý Tứ Diệu Đế, các pháp hành trợ đạo (trong 37 phẩm trợ đạo), và ba pháp quán Vô Thường, Khổ và Vô Ngã.

📝 Người có thiền là người tinh tấn chánh niệm, tu tập như lý tác ý theo các pháp hành trợ đạo để đoạn diệt phiền não tham sân si mạn nghi.

📝 Pháp Phật không khó tu, nếu biết giác ngộ ra ba pháp quán: vô thường, khổ và vô ngã, thì dù nhân quả tốt xấu nào có xảy ra, hành giả nương theo ba pháp quán trên để tác ý xả tâm thì ngay đó được giải thoát Niết bàn. Cho nên, Phật nói “Pháp Ta thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu". Tất cả pháp đều do tâm tạo, tâm thanh tịnh rồi thì phiền não sạch trong.


Thích Bảo Nguyên


P/S: Để hiểu rõ hơn về bài viết này, quý Phật tử nghe thêm pháp thoại TÂM BẤT ĐỘNG LÀ NIẾT BÀN


Nguồn: www.facebook.com/ThichBaoNguyen.Info

Thursday, February 7, 2019

Chấm dứt tái sanh

Vòng luân hồi: từ sanh đến trưởng thành


Này các Tỷ-kheo, có ba sự hòa hợp mà một bào thai thành hình: 

ở đây, cha mẹ có giao hợp và người mẹ không trong thời có thể thụ thai, và hương ấm (*)(gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. 

Ở đây, cha và mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, nhưng hương ấm (gandhabba) không hiện tiền, như vậy bào thai không thể thành hình. 

Và này các Tỷ-kheo, khi nào cha mẹ có giao hợp, và người mẹ trong thời có thể thụ thai, và hương ấm có hiện tiền; có ba sự hòa hợp như vậy, thì bào thai mới thành hình.


Rồi này các Tỷ-kheo,

người mẹ trong chín hay mười tháng mang bào thai ấy, với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Rồi này các Tỷ-kheo, sau chín hay mười tháng, người mẹ sinh đẻ với sự lo âu lớn đối với gánh nặng ấy. Khi đã sinh, người mẹ nuôi hài nhi ấy với máu của mình. Này các Tỷ-kheo, trong luật của bậc Thánh, sữa của bà mẹ được xem là máu. 

Này các Tỷ-kheo, đứa trẻ ấy, sau khi lớn lên, sau khi các căn đã thuần thục, chơi với những trò chơi dành cho các đứa trẻ, như với cái cày nhỏ, chơi khăng, chơi nhảy lộn nhào, chơi chong chóng, chơi với đồ đong bằng lá, chơi xe con, chơi cung nhỏ. 



Này các Tỷ-kheo, đứa trẻ sau khi lớn lên, sau khi các căn do mắt nhận thức, được thuần thục, thọ hưởng đầy đủ năm món dục lạc; các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn; các tiếng do tai nhận thức... Các hương do mũi nhận thức... Các vị do lưỡi nhận thức... Các xúc do thân cảm xúc; các xúc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục. 

(Tiếp tục luân hồi)

Khi thấy sắc bằng mắt, người đó tham ái đối với sắc đẹp, người đó ghét bỏ đối với sắc xấu, người đó sống niệm không an trú trên thân, với một tâm nhỏ mọn.

Người đó không như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác bất thiện pháp của người đó được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy, đối diện với thân, sơ (thuận, nghịch) có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ, người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước thọ ấy.


Vì tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy, nên dục sanh hỷ, có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy nên dục hỷ sanh. 

Có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy, tức là chấp thủ.

Do duyên thủ nên hữu sanh; do duyên hữu nên sanh sinh khởi; do duyên sanh nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não, sanh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.



Khi người đó nghe tiếng với tai... 

khi người đó ngửi hương với mũi... 

khi người đó nếm vị với lưỡi... 

khi người đó cảm xúc với thân... 

khi người đó nhận thức pháp với ý, người đó tham ái đối với pháp tốt, ghét bỏ đối với pháp xấu. 

Người đó sống niệm không an trú trên thân, với một tâm nhỏ mọn. 

Người đó không như thật tuệ tri đến tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác, bất thiện pháp của người đó được trừ diệt, không còn dư tàn.

Như vậy, đối diện với thân, sơ (thuận, nghịch), có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ. Người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy. Vì người đó tùy hỷ, hoan nghênh, tham trước cảm thọ ấy nên dục hỷ sanh. Có tâm dục hỷ đối với những cảm thọ ấy, tức là chấp thủ. Do duyên thủ nên hữu sanh; do duyên hữu nên sanh sinh khởi; do duyên sanh nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sanh. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

Ðoạn tận luân hồi: Sự tu tập

Ở đời, này các Tỷ-kheo, Như Lai xuất hiện ở đời là bậc A-la-hán, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Như Lai sau khi tự chứng ngộ với thượng trí, thế giới này với Thiên giới, Ma giới, Phạm thiên giới, gồm cả thế giới này với Sa-môn, Bà-la-môn, Thiên, Nhơn, lại tuyên thuyết điều Như Lai đã chứng ngộ. Như Lai thuyết pháp, sơ thiện, trung thiện, hậu thiện, đầy đủ văn nghĩa. Như Lai truyền dạy phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, thanh tịnh.

Người gia trưởng hay con vị gia trưởng, hay một người sanh ở giai cấp (hạ tiện) nào nghe Pháp ấy. Sau khi nghe Pháp, người ấy sanh lòng kính ngưỡng Như Lai. Khi có lòng tín ngưỡng, vị ấy suy nghĩ:

"Ðời sống gia đình đầy những triền phược, con đường đầy những bụi đời. Ðời sống xuất gia phóng khoáng như hư không. Thật rất khó cho một người sống ở gia đình có thể sống theo phạm hạnh hoàn toàn đầy đủ, hoàn toàn thanh tịnh, trắng bạch như vỏ ốc. Vậy ta nên cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình".

Sau một thời gian, người ấy bỏ tài sản nhỏ hay bỏ tài sản lớn, bỏ bà con quyến thuộc nhỏ hay bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình.

Khi đã xuất gia như vậy, vị ấy sống thành tựu học pháp chánh hạnh, từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình. 

Vị ấy từ bỏ lấy của không cho, chỉ lấy những vật đã cho, chỉ mong những vật đã cho, sống thanh tịnh, không có trộm cắp, từ bỏ tà hạnh, sống theo phạm hạnh, sống hạnh viễn ly, từ bỏ dâm dục hèn hạ.

Từ bỏ nói láo, nói những lời chân thật, y chỉ trên sự thật, chắc chắn, đáng tin cậy, không lường gạt, không phản lại đối với đời, từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia, không đến nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia.

Như vậy, vị ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, khuyến khích những kẻ hòa hợp, hoan hỷ trong hòa hợp, thoải mái trong hòa hợp, hân hoan trong hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp, từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, nói những lời nói không lỗi lầm, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh Pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ, những lời hợp thời, thuận lý, có mạch lạc hệ thống, có ích lợi.

Vị ấy từ bỏ làm hại đến các hột giống và các loại cây cỏ, dùng một ngày một bữa, không ăn ban đêm, từ bỏ ăn phi thời, từ bỏ đi xem múa, hát, nhạc, trình diễn, từ bỏ trang sức bằng vòng hoa, hương liệu, dầu thơm và các thời trang, từ bỏ dùng giường cao và giường lớn, từ bỏ nhận vàng bạc, từ bỏ nhận các hạt sống, từ bỏ nhận thịt sống, từ bỏ nhận đàn bà, con gái, từ bỏ nhận nô tỳ, gái và trai, từ bỏ nhận cừu và dê, từ bỏ nhận gia cầm và heo, từ bỏ nhận voi, bò, ngựa và ngựa cái, từ bỏ nhận ruộng nương và đất đai, từ bỏ nhận người môi giới hoặc tự mình làm môi giới, từ bỏ buôn bán, từ bỏ các sự gian lận bằng cân, tiền bạc, đo lường, từ bỏ các tà hạnh như hối lộ, gian trá, lừa đảo, từ bỏ làm thương tổn, sát hại, câu thúc, bức đoạt, trộm cắp, cướp phá.

Vị ấy biết đủ với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát). Ví như con chim bay đến chỗ nào cũng mang theo hai cánh; cũng vậy, Tỷ-kheo biết đủ với tấm y để che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng, đi tại chỗ nào cũng mang theo (y và bình bát).

Vị ấy nhờ thành tựu Thánh giới uẩn này nên hưởng được lạc thọ, nội tâm không lỗi lầm. 

Khi mắt thấy sắc, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên; vị ấy tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp; vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu, bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên; vị ấy chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn.

Vị ấy nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ, nội tâm không lỗi lầm. 

Vị ấy khi đi tới, khi đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, khi nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, khi duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép, bình bát, thượng y đều tỉnh giác, khi ăn uống, nhai, nuốt đều tỉnh giác, khi đi đại tiểu tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, im lặng đều tỉnh giác.

Vị ấy với sự thành tựu Thánh giới uẩn này, với sự thành tựu Thánh hộ trì căn này, và với Thánh chánh niệm tỉnh giác này, lựa một chỗ thanh vắng, tịch mịch như khu rừng, gốc cây, khe núi, hang đá, bãi tha ma, lùm cây, ngoài trời, đống rơm.

Sau khi đi khất thực về và ăn xong, vị ấy ngồi kiết-già, lưng thẳng, tại chỗ nói trên, và an trú chánh niệm trước mặt.

Vị ấy từ bỏ tham ái ở đời, sống với tâm thoát ly tham ái, gột rửa tâm hết tham ái.

Từ bỏ sân hận, vị ấy sống với tâm không sân hận, lòng từ mẫn thương xót tất cả chúng hữu tình, gột rửa, tâm hết sân hận.

Từ bỏ hôn trầm thụy miên, vị ấy sống thoát ly hôn trầm thụy miên, với tâm tưởng hướng về ánh sáng, chánh niệm tỉnh giác, gột rửa tâm hết hôn trầm thụy miên.

Từ bỏ trạo cử hối quá, vị ấy sống không trạo cử, nội tâm trầm lặng, gột rửa tâm hết trạo cử, hối tiếc.

Từ bỏ nghi ngờ, vị ấy sống thoát khỏi nghi ngờ, không phân vân lưỡng lự, gột rửa tâm hết nghi ngờ đối với thiện pháp.

Sau khi từ bỏ năm triền cái làm ô nhiễm tâm, làm cho yếu ớt trí tuệ, vị ấy ly dục, ly pháp bất thiện, chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo diệt tầm và tứ, chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm, không tứ, nội tĩnh nhất tâm.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm giác sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là "xả niệm lạc trú", chứng và trú Thiền thứ ba.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh.




Ðoạn tận luân hồi: Giải thoát rốt ráo

Khi vị ấy thấy sắc bằng mắt, vị ấy không tham ái đối với sắc đẹp, không ghét bỏ đối với sắc xấu, vị ấy sống an trú niệm trên thân, với tâm vô lượng.

Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát, chính nhờ chúng mà các ác bất thiện pháp của vị ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy từ bỏ (thuận nghịch), có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ, hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy.

Vì vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy, nếu có dục hỷ nào đối với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt. Do dục hỷ của vị ấy diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

Khi vị ấy nghe tiếng bằng tai... khi vị ngửi hương bằng mũi... Khi vị ấy nếm vị bằng lưỡi... Khi vị ấy cảm xúc bằng thân... Khi vị ấy nhận thức pháp bằng ý, vị ấy không tham ái đối với pháp tốt, không ghét bỏ đối với pháp xấu. 

Vị ấy sống an trú niệm trên thân, với tâm vô lượng. 

Vị ấy như thật tuệ tri tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Chính nhờ chúng mà các ác, bất thiện pháp của vị ấy được trừ diệt, không có dư tàn. Như vậy, vị ấy đoạn trừ (thuận nghịch) có cảm thọ nào khởi lên: lạc thọ, khổ thọ hay bất khổ bất lạc thọ; vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy. 

Vì vị ấy không tùy hỷ, không hoan nghênh, không tham trước thọ ấy, nếu có dục hỷ nào đối với các cảm thọ, dục hỷ ấy được trừ diệt. Do dục hỷ của vị ấy diệt nên thủ diệt. Do thủ diệt nên hữu diệt. Do hữu diệt nên sanh diệt. Do sanh diệt nên già, chết, sầu, bi, khổ, ưu, não diệt. Như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

(Kinh Trung bộ - hình mang tính minh họa, do mình thêm vào.)

(*): Hương ấm chỉ cho trứng và tinh trùng, trứng và tinh trùng không đủ điều kiện để thụ thai, trứng và tinh trùng khi chưa gặp nhau chỉ là đơn bào vi sinh chưa có sự sống của một chủng loài.