Monday, March 31, 2014

THẮNG TRÍ ĐOẠN TRỪ BA CẢM THỌ ĐI VÀO CỨU CÁNH


LỜI PHẬT DẠY
“Này Aggivessana, có ba thọ này: thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ. Này Aggivessana, trong khi cảm giác lạc thọ, chính khi ấy không cảm giác khổ thọ, không cảm giác bất lạc, bất khổ thọ, chỉ cảm giác lạc thọ mà thôi. Này Aggivessana, trong khi cảm giác khổ thọ thì không có hai cảm giác kia, này Aggivessana, trong khi cảm giác bất khổ bất lạc thọ, chính khi ấy không có hai cảm giác kia. Này Aggivessana, lạc thọ là vô thường, là hữu vi do duyên sanh, là đoạn diệt bị hủy hoại, bị suy tàn, bị tiêu diệt. Này Aggivessana, khổ thọ và bất khổ bất lạc thọ là vô thường, hữu vi do duyên sinh, bị đoạn diệt, bị hủy hoại bị suy tàn, bị tiêu diệt. Như vậy này Aggivessana, vị đa văn Thánh đệ tử yểm ly lạc thọ, yểm ly khổ thọ và yểm ly bất khổ bất lạc thọ. Do yểm ly vị ấy không có tham dục. Do không tham dục. Vị ấy được giải thoát”.
“Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát” vị ấy biết: “Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm. Sau thời hiện tại, không có đời sống nào khác nữa”.
Này Aggivessana, Tỳ kheo không nói thuận theo một ai, không tranh luận với một ai, chỉ nói theo từ ngữ đã được dùng ở đời không có chấp thủ”.
(Kinh Trung Bộ tập II trang 351,
kinh Trường Trảo)

 
CHÚ GIẢI:
Đọc đoạn kinh này các bạn thấy rất rõ ràng đạo Phật dạy chúng ta tu tập ngay trên các đối tượng của nó tức là trên các cảm thọ. Như vậy các bạn đã biết rõ có 3 cảm thọ:
1-     Thọ lạc.
2-     Thọ khổ.
3-     Thọ bất lạc bất khổ.
Ba cảm thọ này cần phải quán xét kỹ lưỡng để thấu rõ chúng là các pháp hữu vi do duyên sanh mà có, nên bản chất vô thường, bị đoạn diệt, bị tiêu diệt. Khi hiểu rõ lạc thọ như thật thì các bạn không còn sợ hãi và lo lắng khi chúng đến thăm các bạn. Nhưng muốn giữ tâm bất động với chúng không phải dễ đâu. Dù các bạn đã hiểu biết chúng như thật, nhưng khi chúng đến viếng thăm các bạn thì thọ lạc sẽ cám dỗ khiến các bạn khó dừng lại được tâm tham đắm. Nên đức Phật dạy:“Ta không thấy một pháp nào khác, này các Tỳ kheo xâm chiếm và ngự trị tâm người đàn ông như sắc người đàn bà”. Bởi vì, dục lạc người đàn ông và người đàn bà tạo ra thọ lạc, làm cho họ không bỏ được, không quên được, đó là thọ lạc. Còn thọ khổ thì sao?
Kính thưa các bạn! Thọ lạc thì ai cũng thích, nhưng đến thọ khổ thì mọi người ai cũng sợ. Khi một cơn đau như dao cắt ruột thì ai cũng rên la, kêu khóc. Muốn bất động tâm được các cảm thọ khổ này thì các bạn phải nhiếp tâm và an trú cho được trạng thái thân tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Do nhiếp tâm và an trú như vậy các bạn mới có được tâm bất động.
Đây, các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy tiếp: “Thật vậy, này Aggivessana, vị đa văn Thánh đệ tử yểm ly lạc thọ, yểm ly khổ thọ, yểm ly bất lạc bất thọ khổ, do yểm ly vị ấy không có tham dục. Do không tham dục vị ấy được giải thoát”.
Kính thưa các bạn! Đoạn kinh này rất khó hiểu là hai danh từ yểm ly. Vậy yểm ly nghĩa là gì?
Chữ yểm ở đây có nghĩa là ếm hay ém, làm cho không ngóc đầu dậy. Như yểm bùa, yểm chú, ếm tà, ếm ma v.v..
Yểm ly các cảm thọ nghĩa là làm không cho các cảm thọ tác động vào thân tâm được. Vậy làm cho các thọ không còn tác động vào thân tâm được, là phải làm sao?
Muốn yểm ly các thọ, các bạn nhiếp tâm và an trú tâm vào thân hành nội hay thân hành ngoại.
Khi nói đến hai chữ yểm ly thì các bạn nhớ đến Định Niệm Hơi Thở: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, An tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Đó là phương pháp yểm ly các cảm thọ tuyệt vời.
Khi các bạn yểm ly được các cảm thọ tức là các bạn làm chủ được các cảm thọ. Khi làm chủ được các cảm thọ thì tham dục bị diệt trừ, do tham dục được diệt trừ thì các bạn đã được giải thoát.
Chúng tôi xin nhắc lại để các bạn rõ người ngộ được 12 nhân duyên là bậc duyên giác, người này tu tập ngay trên các cảm thọ. Theo kinh Thập Nhị Nhân duyên thì thọ sinh ra ái dục. Do muốn bẻ gẫy ái dục thì nên yểm ly ba thọ. Muốn yểm ly ba thọ thì Định Niệm Hơi Thở phải tu tập nhiếp phục và an trú tâm cho được nhuần nhuyễn trong hơi thở.
Như vậy, bài kinh này dạy các bạn chỉ cần tu có một pháp để diệt trừ tâm tham dục. Một pháp để diệt trừ tâm tham dục, đó là pháp môn yểm ly ba thọ. Khi yểm ly ba thọ được thì tham dục đoạn diệt. Tham dục đoạn diệt là tự thân đã giải thoát và giải thoát hoàn toàn nên đức phật dạy: “Do yểm ly các thọ, vị ấy không có tham dục, do không có tham dục vị ấy được giải thoát. Đối với tự thân đã được giải thoát như vậy, khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát!”, vị ấy biết “Sanh đã diệt, Phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm. Sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”.
Kính thưa các bạn! người tu theo Phật giáo đến đây là tu xong, không còn tu tập gì nữa cả.
Đọc đoạn kinh này các bạn thấy sự tu tập của Phật giáo rất đơn giản. Chỉ cần có sự quyết tâm muốn tìm đường ra khỏi cuộc đời đầy ô trược và ác pháp; đầy khổ đau và phiền toái, thì nỗ lực tu tập cho đạt được chân lí, nhiếp tâm và an trú tâm cho được trong thân hành niệm nội hay ngoại. Đó là những pháp yểm ly các thọ. Vậy các bạn hãy cố gắng, con đường tu tập không có khó khăn, nó đang chờ đợi sự quyết định và nhiệt tâm của các bạn.
Phật pháp là một sự thật, sự thật trong đời sống của các bạn. Nó giúp cho các bạn vượt qua bao nhiêu sự khổ đau của cuộc đời mình; nó giúp cho các bạn trở thành một con người toàn thiện, sống đầy đủ đạo đức làm người làm Thánh.
Rất mong thay! Các bạn hãy tìm về nơi đạo đức nhân bản - nhân quả, nơi ấy là ngôi nhà an trú vĩnh viễn của các bạn.
Vì yểm ly các thọ là một hành động đạo đức tự thân tâm của các bạn. Nó sẽ làm hết khổ cho các bạn và những người khác. Biến cuộc sống của mọi người trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc, Thiên Đàng. Vay chúc các bạn thành công!
______
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 4.

6.VI. Kundaliya (Người đeo vòng tai) (S.v,73)

1) Một thời Thế Tôn trú ở Sàketa, tại rừng Ancana, vườn Lộc Uyển.

2) Rồi du sĩ Kundaliya đi đến Thế Tôn; sau khi đến, nói lên với Thế Tôn những lời chào đón hỏi thăm, sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên. Ngồi một bên, du sĩ Kundaliya bạch Thế Tôn:

3) -- Thưa Tôn giả Gotama, tôi sống gần khu vườn, giao du với hội chúng. Sau khi ăn buổi sáng xong, thưa Tôn giả Gotama, như sau là sở hành (àcàra) của tôi. Tôi bộ hành, tôi du hành, từ khóm vườn này qua khóm vườn khác, từ khu vườn này qua khu vườn khác. Tại đấy, tôi thấy một số Sa-môn, Bà-la-môn luận bàn về lợi ích thoát ly các tranh luận (itivàdapamokkànisamsam) và lợi ích cật vấn (upàrambhànisamsam). Còn Tôn giả Gotama sống có lợi ích gì?

-- Này Kundaliya, Như Lai có quả lợi ích của minh và giải thoát (vịjjàvimuttiphalà- nisamsam).

4) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn khiến cho minh và giải thoát được viên mãn?

-- Này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn.

5) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn?

-- Này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bảy giác chi được viên mãn.

6) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn?

-- Này Kundaliya, ba thiện hành (sucaritàni) được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.

7) -- Nhưng thưa Tôn giả Gotama, những pháp nào được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn?

-- Này Kundaliya, hộ trì căn được tu tập, được làm cho sung mãn, khiến cho ba thiện hành được viên mãn. Nhưng này Kundaliya, hộ trì căn tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho ba thiện hành được viên mãn?

8) Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi mắt thấy sắc khả ý không có tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục (ràga) khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát. Và khi mắt thấy sắc không khả ý, không có tuyệt vọng (manku), tâm không có dao động, ý không có chán nản (àdìnamànaso), tâm không có tức tối (avyàpannàcetaso). Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.

9-12) Lại nữa, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc...

13) Lại nữa, này Kundaliya, Tỷ-kheo khi ý biết pháp khả ý, không tham trước, không có hoan hỷ, không để tham dục khởi lên. Thân của vị ấy được an trú, tâm an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát. Và Tỷ-kheo khi ý biết pháp không khả ý, không có tuyệt vọng, tâm không có dao động, ý không có chán nản, tâm không có tức tối. Thân của vị ấy được an trú, tâm được an trú, nội phần khéo an trú, khéo giải thoát.

14) Này Kundaliya, khi nào Tỷ-kheo, mắt thấy sắc, đối với sắc khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát... khi tai nghe tiếng... khi mũi ngửi hương... khi lưỡi nếm vị... khi thân cảm xúc... khi ý biết pháp, đối với các pháp khả ý hay không khả ý, thân được an trú, tâm được an trú, nội phần được khéo an trú, khéo giải thoát. Này Kundaliya, hộ trì căn được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho ba thiện hành được viên mãn.

15) Và này Kundaliya, ba thiện hành được tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn? 

Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo đoạn tận thân ác hành, tu tập thân thiện hành; đoạn tận khẩu ác hành, tu tập khẩu thiện hành; đoạn tận ý ác hành, tu tập ý thiện hành. Này Kundaliya, ba thiện hành được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho bốn niệm xứ được viên mãn.

16) Và này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập như thế nào, làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho bảy giác chi được viên mãn? Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo sống quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời, quán thọ trên các thọ... quán tâm trên các tâm... quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Này Kundaliya, bốn niệm xứ được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy khiến cho bảy giác chi được viên mãn.

17) Và này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập như thế nào, được làm cho sung mãn như thế nào, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn? Ở đây, này Kundaliya, Tỷ-kheo tu tập niệm giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ... tu tập xả giác chi liên hệ đến viễn ly, liên hệ đến ly tham, liên hệ đến đoạn diệt, hướng đến từ bỏ. Này Kundaliya, bảy giác chi được tu tập như vậy, được làm cho sung mãn như vậy, khiến cho minh và giải thoát được viên mãn.

18) Khi được nói vậy, du sĩ Kundaliya bạch Thế Tôn :

-- Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama... từ nay cho đến trọn đời con xin quy ngưỡng.



Tương Ưng Bộ - Samyutta Nikaya
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

Tập V - Thiên Ðại Phẩm


  
[46] Chương II

Tương Ưng Giác Chi (a)

Sunday, March 30, 2014

(CCLVI) Anuruddha (Thera. 83)

Trong thời đức Phật hiện tại, ngài được sanh ở Kapilavatthu, trong nhà dòng họ Sakya Amitodana và được đặt tên là Anuruddha.Anh của ngài là Thích-ca Mahànàma, con người cậu của đức Phật. Ngài được nuôi dưỡng rất tế nhị, mỗi mùa ở mỗi nhà khác nhau, có các vũ nữ vũ sư đoanh vây, thọ hưởng sự giàu sang thần tiên. Khi được gọi làm người bảo vệ cho bậc Ðạo Sư, ngài đi đến đức Phật, trong rừng xoài ở Anupiyà, thọ giới xuất gia, và trong mùa an cư mùa mưa, ngài chứng Thiên nhãn. Nhận được đề tài thiền quán từ ngài Xá-lợi-phất. Ngài đi đến rừng trúc ở phương Ðông, hành thiền quán, và chứng được bảy tư duy của một vị Ðại nhân, nhưng chưa chứng được tư duy thứ tám. Bậc Ðạo Sư nhận thấy vậy liền dạy cho ngài quá trình tu chứng của bậc Thánh. Nhớ lại lời dạy này, Anuruddha phát triển thiền quán và chứng quả A-la-hán cùng với thắng trí và vô ngại giải thù thắng. Ngài được Thế Tôn xác nhận là bậc Thiên nhãn đệ nhất. Và ngài sống trong an lạc giải thoát. Một hôm ôn lại quá trình tu chứng của mình, ngài hoan hỷ phấn khởi, và nói lên bài kệ sau đây:
892. Bỏ cha mẹ, bà con,
Bỏ anh em, chị em,
Bỏ năm dục trưởng dưỡng,
A-na-luật tu thiền.

893. Sống hệ lụy múa, ca,
Dạy với tiếng xập xỏa,
Sống vậy không đạt được,
Cảnh giới đạo thanh tịnh,
Vì rằng ta ưa thích,
Trong giới vực của Ma.

894. Và ta vượt tất cả,
Vui thích lời Phật dạy,
Vượt mọi loại bộc lưu,
A-na-luật tu thiền.

895. Sắc, thanh, vị, hương, xúc,
Hấp dẫn, rất thích ý,
Vượt qua tất cả chúng,
A-na-luật tu thiền.

896. Ði khất thực trở về,
Ðơn độc, vị ẩn sĩ,
Tìm vải từ đống rác,
A-na-luật đạt được,
Không còn các lậu hoặc.

897. ẩn sĩ thâu, lượm lấy,
Giặt, nhuộm, và đắp mặc,
Các vải từ đống rác,
Sáng suốt, A-na-luật,
Không còn các lậu hoặc.

898. Nhiều dục, không biết đủ,
Ưa giao du, tháo động,
Những pháp này có mặt,
Thuộc tà ác, uế nhiễm,

899. Chánh niệm và ít dục,
Biết đủ, không não loạn,
Thích viễn ly, hân hoan,
Thường tinh cần tinh tấn.

900. Những pháp này có mặt,
Thuần thiện Bồ đề phần,
Vị ấy không lậu hoặc,
Bậc Ðại tiên nói vậy.

901. Biết tâm tư ta vậy,
Thế gian Vô Thượng Sư,
Với thân do ý tạo,
Thần thông đến với ta.

902. Tùy theo ta nghĩ gì,
Ngài thuyết rõ tất cả,
Phật không ưa hý luận,
Ngài thuyết không hý luận.

903. Ngộ pháp ta hoan hỷ,
Trú trong giáo pháp Ngài,
Ba minh chứng đạt được,
Lời Phật dạy làm xong.

904. Suốt năm mươi lăm năm,
Ta không bao giờ nằm,
Trong hai mươi lăm năm,
Ðoạn dứt được ngủ nghỉ.

905. Không thở vô thở ra,
Bậc như vậy trú tâm,
Không tham dục, tịch tịnh,
Bậc có mắt Niết-bàn.

906. Với tâm không dao động,
Sống cảm thọ cuối cùng,
Như ngọn lửa diệt tắt,
Tâm Ngài được giải thoát.

907. Nay chính những pháp này,
Là những pháp cuối cùng,
Những cảm xúc thứ năm,
Của bậc Ðại Mâu-ni,
Sẽ không còn pháp khác,
Bậc Chánh giác Niết-bàn.
Rồi một Thiên nhân, trước kia là người hầu cận ngài, thấy ngài già và ốm, vì lòng thương ngài, yêu cầu ngài tái sanh ở chư Thiên. Ngài trả lời như sau:
908. Nay không còn tái sanh
Trong thế giới chư Thiên,
Này kẻ gieo cạm bẫy.
Dòng sanh tử, đoạn tận,
Nay không còn tái sanh.
Rồi vị Tỷ-kheo khác, không thấy vị Thiên nhân, không hiểu bậc Trưởng lão nói với ai. Ðể nói lên thần thông của mình, ngài nói câu kệ:
909. Ai trong thời gian ngắn
Biết thế giới ngàn cõi,
Vị ấy thật xứng đáng,
Ðược sống giới Phạm thiên,
Nhưng nay Tỷ-kheo ấy,
Ðầy đủ thần thông lực,
Thấy được thời gian nào,
Chư Thiên chết và sanh.
Rồi ngài nói lên nghiệp trước của ngài:
910. Ðời trước ta đã sống,
Tên Annabhara,
Bần cùng, phải làm lụng,
Lo nuôi sống tự thân,
Rồi ta đến cúng dường,
Bậc Sa-môn danh tiếng,
Sa-môn với xưng danh,
Ngài Uparittha.

911. Rồi ta được sanh trưởng,
Trong dòng họ Thích-ca,
Ta được biết với tên,
Là Anuruddha,
Sống hệ lụy múa ca,
Dạy với tiếng xập xỏa.

912. Ta thấy bậc Chánh giác,
Bậc Ðạo Sư vô úy,
Tín tâm khởi nơi Ngài,
Ta xuất gia không nhà.

913. Ta biết các đời trước,
Trước ta sống chỗ nào,
Giữa cõi Ba mươi ba,
Ta sanh làm Ðế Thích.

914. Bảy lần làm Nhân chủ,
Ta trị vì quốc độ,
Ta chinh phục bốn phương,
Làm chúa châu Diêm phù,
Không dùng gậy dùng gươm,
Trị vì với Chánh pháp.

915. Từ đây bảy bảy lần,
Mười bốn lần luân hồi,
Ta biết được đời sống,
Khi ta trú thiên giới.

916. Trong thiền định năm chi,
Tâm an tịnh nhất tâm,
Tâm ta được khinh an,
Thiên nhãn ta thanh tịnh.

917. Ta biết sanh và chết,
Chỗ đến đi hữu tình,
Ðời này và đời khác,
Ta trú thiền năm chi.

918. Ta hầu hạ Ðạo Sư,
Lời Phật dạy làm xong,
Gánh nặng đã đặt xuống,
Gốc sanh hữu nhổ sạch.

919. Tại làng Vê-lu-va,
Giữa dân tộc Vajji,
Ta đi đến đoạn diệt,
Chấm dứt dòng sanh tử,
Dưới bóng của khóm trúc,
Ta sẽ nhập Niết-bàn,
Không còn có lậu hoặc.

http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tieubo3/tb3-ta07.htm 

VƯỢT QUA 6 LOẠI TƯỞNG

(...)
Còn bây giờ thì Thầy sẽ trả lời cho quý thầy qua cái chỗ thưa hỏi của thầy Thiện Thuận:
Hỏi:
Kính bạch Thầy, xin Thầy hoan hỷ hướng dẫn dạy cho chúng con vài câu trạch pháp để hướng tâm xả các loại Tưởng?
Đáp:
Ở đây thì Thầy đã từng dạy qua cái bài mà “Tẩu hoả nhập ma”. Vừa rồi Thầy có phân tích cho quý thầy thấy đó, nó có 16 cái loại Tưởng chứ không phải là 6 loại Tưởng. Nhưng hôm nay trên bước đường mà chúng ta tu tập, thường thường là chúng ta gặp sáu cái loại tưởng. Vì vậy mà khi cái người tu nhập được Nhị thiền, diệt được tầm tứ rồi, mà tiến bước ở trên con đường này để nhập tới Tam thiền, thì cái quãng đường này để mà nhập được Tam thiền thì sáu cái loại Tưởng này thường hay xuất hiện, do sáu cái loại Tưởng này xuất hiện làm cho cái người tu khó mà nhập được Tam thiền. Thường là rơi vào trong các loại tưởng này. Vì vậy mà thầy Thiện Thuận xin Thầy cho một cái câu pháp hướng để loại trừ, xả các cái loại Tưởng đó. Do Thầy thấy cái câu hỏi thích nghi, hợp thời, giúp cho những người tu Thiền sau này. Vì vậy mà Thầy ghi lại cho những cái Pháp hướng này.
1. Sắc tưởng
Sắc tưởng thì như là hào quang, ảnh Phật và các hình ảnh Tổ, cũng như là các cảnh giới núi non rừng rú hoặc là hang động mà chúng ta ở đây mà chúng ta ngồi thiền mà chúng ta thấy hiện ra những cảnh giới đó hoặc là thấy cảnh cõi trời Đâu Xuất, hoặc là thấy cảnh Cực Lạc, hoặc là thấy Đức Phật Di Đà, hoặc là thấy hào quang ánh sáng hoặc thấy hoa sen...v.v. À, tất cả những cái Sắc tướng đó mà trong khi chúng ta ngồi đây mà chúng ta thấy được những cái hình ảnh đó, thì đó gọi là Sắc tưởng.
“Sắc tưởng là hình ảnh của ảo giác thể hiện ra không phải là chánh pháp, phải đi đi, đừng ở trong ta, đừng ngự trị trong khi ta đang luyện tập tu thiền”.
Đó là cái câu Pháp hướng thứ nhất để chúng ta đuổi cái Sắc tưởng ra khỏi cái nơi mà chúng ta tu tập, nhưng khi mà chúng ta đuổi nó đi như vậy đó, thì chúng ta phải hướng tâm: “Sáu cái Thức phải bám chặt vào tụ điểm, ôm chặt hơi thở, không được tách lìa ra, không được theo sắc tướng đó”. Thì mình phải hướng tâm nhắc nó. Mặc dù là nhắc Sắc tưởng phải đuổi đi mà cũng phải nhắc tâm mình - sáu thức phải bám chặt tụ điểm, ôm chặt chứ không khéo sáu thức của mình nó sẽ duyên theo cái Sắc tưởng mà nó cho đó là đúng, rồi chừng đó chúng ta sẽ lạc vào tà thiền chứ không có chánh đạo được. Và cũng vì thế mà hầu hết số người mà tu thiền định gặp những cái nơi này, gặp những cái Sắc tưởng này họ cho đó là cảnh giới mà họ đã đạt được, rồi họ sẽ rơi vào cái cảnh giới ma chứ không phải là nhập được mà Tam Thiền.
2. Thinh tưởng
Về cái phần thứ hai gọi là Thinh tưởng, là âm thanh do ảo giác sanh ra không phải là chánh pháp mà là tà pháp. Ta đừng lưu ý đến âm thanh ấy, đây là câu ám thị đây:
“Thanh tưởng là một loại âm thanh do tưởng uẩn sanh ra, nó là loại ma khiến ta mất Chánh định, hãy đi đi.  Tâm không được chú ý đến nó, hãy bám chặt tụ điểm và hơi thở”.
Đó là cái câu ám thị để chúng ta nhắc để mà chúng ta bám cho chặt cái hơi thở để mà lìa xa cái âm thanh đó. À, hầu hết là có một số quý sư như nhà sư Ajahn Chah  đã nghe âm thanh nổ ở trong đầu của mình và nghe những cái trạng thái mà thay đổi ở trong thân tâm của mình rút vào và nhả ra. Đó là những cái trạng thái thuộc về Thinh tưởng cũng như là những cái trạng thái đó gọi là Xúc tưởng mà Ngài tưởng đó là cái chỗ nhập định của Ngài. Cho nên cuối cùng thay vì Ngài tu theo bốn Thiền của Phật thì Ngài phải nhập Tam Thiền, Tứ Thiền. Đằng này ngài tới đó Ngài tưởng ngài đã thành tựu được Đạo, cho nên Ngài mới đem ra Ngài quán đi, Ngài dùng cái quán đi. Và Ngài dạy người ta ở trên cái cuốn sách “Mặt hồ tĩnh lặng” đó. Thì Ngài dạy người ta tu Thiền để tự nhiên mà vào mà trong khi Phật dạy chúng ta: Phải thiện xảo mà nhập Định, mà thiện xảo an trú trong Định, thiện xảo sống trong Định, rồi thiện xảo xuất Định, chứ không phải để tự nhiên mà vào. Cho nên qua những cái bài mà Ngài dạy ở trong cái cuốn sách của Ngài và cái hồi ký tu hành của Ngài thì đương nhiên là Ngài chỉ mới có ở trong cái chỗ là diệt tầm tứ, chưa được đi qua cái lộ trình của Tam thiền mà Ngài đã cho rằng mình đã nhập được Thiền định.
Cho nên đó là cái sai của người sau, không thấy được cái lộ trình của Bốn Thiền nó rõ ràng và cụ thể. Cho nên cứ tưởng rằng mình đã đạt được. Vì vậy có một nhà sư ở bên Miến Điện, Ngài tu nương vào cái hơi thở, thấy cái bụng mình phình lên xẹp xuống rồi cứ theo đó mà nhắc phình lên xẹp xuống. Thế rồi sau thời gian nhiếp tâm ức chế vọng tưởng bằng cách mà dùng cái hơi thở như vậy rồi Ngài sanh ra một cái pháp gọi là ‘Minh sát tuệ’, để rồi từ đó hướng dẫn người sau này cũng chẳng ai biết Thiền định của Phật như thế nào đúng, như thế nào sai?
Bởi vì ngay từ lúc đầu mà chúng ta tu hành để ly dục ly ác pháp thì chúng ta đã dùng những cái Pháp quán, chúng ta đã suy tư thấu triệt để dùng những cái tri kiến và đến cái tri kiến giải thoát để phá dỡ Ngũ triền cái và Thất kiết sử, đặt xuống tất cả để cho lậu hoặc không còn nữa. Do thế chúng ta mới ly dục, ly ác pháp mà chúng ta mới nhập được Sơ Thiền.
Chứ không phải đợi khi mà có Định rồi thì bắt đầu từ cái chỗ hết tầm tứ rồi thì mới dùng cái pháp quán, điều đó là cái sai của đạo Phật.
Ngay từ lúc đầu chúng ta đã thân cận bậc Thánh, thân cận các pháp Thánh, thân cận các bậc Chơn nhơn, thân cận các Pháp chơn nhơn, do đó chúng ta có một cái tri kiến chúng ta hiểu biết cái pháp của chơn nhơn, cái pháp của bậc thánh như thế nào? Chừng đó mà chúng ta mới đem những cái Pháp này ra để chúng ta quán trạch về cái Thân – Thọ - Tâm - Pháp của mình, thân ngũ uẩn của mình, tất cả các Pháp ở trong thế gian này vô thường, khổ, không, vô ngã như thế nào? Từ đó chúng ta phát triển thêm cái tri kiến giải thoát của chúng ta, làm chúng ta thấu suốt được cái lý vô thường vô ngã của nó, cái lý mà khổ của nó rất là sự thật, không còn sai nữa. Do đó mà chúng ta mới phá dỡ cái lậu hoặc của tâm của mình. Chừng đó chúng ta mới thấy rằng cái con đường mà quán xét không phải đợi chúng ta diệt tầm tứ ức chế tâm mình hết vọng tưởng rồi mới là quán xét, không phải điều đó đâu.
Cho nên một cái nhà Thiền học ở Trung Hoa, Ngài Thiên Thai ngài mới đẻ ra cái pháp môn “Lục diệu pháp môn”. Ngài mới nghĩ rằng Sổ, Tuỳ, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh. Nghĩa là Ngài phải sổ tức để mà ức chế cái tâm của Ngài rồi bắt đầu Ngài nương theo hơi thở để mà chỉ tầm và tứ. Do đó Ngài được chỉ, từ cái chỗ chỉ đó Ngài mời quán ra, do đó Ngài cũng đi sai.
Vì do cái sự ức chế tâm mà quán ra thì chúng ta sẽ trở thành, cái ức chế tâm đó nó sẽ trở thành cái Pháp tưởng và cái Pháp tưởng quán ra tưởng là mình xong.
Không ngờ ngay từ lúc đầu mà cái vị tu sĩ của đạo Phật, đức Phật đã bảo đi ra cái đồng mã xem cái thây ma xình hôi thối rồi mới trở về đặt cái Niệm thây ma đó trước mặt rồi tưởng ra, quán cái thây ma đó để mà lật bề trái của cái thân của chúng ta. Cái thân và cái tâm của chúng ta xem nó là Bất tịnh thật sự như vậy. Như vậy làm cho chúng ta mới xa lìa cái ngã, làm chúng ta mới không còn chấp cái thân này là thật, cho nên chúng ta mới xả bỏ nó đi, làm cho Lậu Hoặc chúng ta mới quét sạch.
Chứ đâu phải là Phật dạy chúng ta phải ức chế tâm cho hết vọng tưởng rồi, chỉ rồi bắt đầu mới quán, thì như vậy các ngài mới đẻ ra cái Thiền minh sát tuệ này thì đúng. Nhưng mà bây giờ đẻ ra như vậy là chúng ta đã thấy lệch lạc cái con đường của Phật pháp rồi. Và thiền sư của Trung Hoa - ngài Thiên Thai cũng đã đi làm lệch lạc mất cái con đường của đạo Phật rồi, không đúng.
Ngay từ lúc đầu Thầy sẽ dạy cho quý thầy tu phải đặt cái niệm để mà quán, từ cái Tỉnh thức để cho quý vị đặt cái niệm nó mơi sáng suốt ra. Nó làm cho quý vị phá đi từng cái mảnh nhỏ của lậu hoặc ở trong thân tâm của quý vị. Từ đó quý vị mới có ly dục ly ác pháp. Cho nên tâm quý vị mới được thanh thản, mới được vô sự. Tiến tới thì quý vị mới tịnh chỉ tầm tứ, mới nhập Nhị Thiền. Ở đây thì chưa có gì thì quý vị cứ lo tịnh chỉ tầm tứ để nhập Nhị thiền mà trong khi Sơ thiền thì ê chề. Nhìn cuộc sống của quý vị thì chạy theo dục lạc ăn uống, một ngày hai ba bữa, ngủ nghỉ thì không đúng giờ giấc. Còn tham ăn tham ngủ, còn tham Chùa to Tháp lớn. Thì thử hỏi quý vị làm sao mà ly dục ly ác pháp được, mà gọi là ức chế tâm mình để rồi minh sát ra để làm cho sự giải thoát. Thì như vậy là đi ngược lại con đường giải thoát của đạo Phật mất rồi, đâu có đúng cái hạnh của đạo Phật.
Cho nên nhìn chung, Phật giáo trên thế giới bây giờ không có ai chứng đạt được sự giải thoát thực sự là tại vì sống không đúng cách, sống không đúng cách của giới hạnh của Phật, của giới đức của Phật. Cho nên cái người tu nó đã lệch mất, vì vậy mà con đường giải thoát nó cũng bị chôn vùi.
Do cái sự Thinh tưởng này mà người ta tưởng mình đã chứng Đạo, do ngồi Thiền nghe âm thanh, nghe trong đầu có tiếng nổ, nghe cả vũ trụ này như tan tành. Tất cả những cái sự thay đổi trong thân của chúng ta trong thân của chúng ta như là vừa rồi như thầy Thiện Thuận có nói là nó sôi lụp bụp ở trong thân, nó sôi lụp bụp như vậy, tất cả những cái điều này hoàn toàn thuộc về Thinh tưởng.
Khi mà chúng ta nghe có những cái tiếng động mà trong thân của chúng ta xảy ra điều này, thế kia thì chúng ta biết nó là Thinh tưởng. Khi ngồi thiền nhiếp tâm không còn vọng tưởng mà lại nghe cái tiếng động ve ve trong tai chúng ta, hoặc nghe tiếng đức Phật Quán Thế Âm dạy pháp chúng ta phải tu như thế này, phải phản văn tự tánh như thế kia, thì cái này toàn là cái loại ma, không phải thật là Quan Âm hay là Tổ hay là ai dạy chúng ta hết, đó toàn là Thinh tưởng, do cái Tưởng, cái Thinh tưởng của chúng ta mà phát ra âm thanh đó mà thôi, chúng ta hãy dẹp đi.
Có nhiều người họ lại còn dùng cái Pháp tưởng họ ngồi im lặng rồi họ đặt một cái câu kinh nào đó mà họ không hiểu, họ mới tự hỏi vậy câu kinh này cái nghĩa như thế nào? Rồi họ ngồi im lặng đó, bắt đầu từ ở trong cái Pháp tưởng xuất hiện ra, do đó họ hiểu được cái lý của câu này hoặc là Công án của câu đó. Do đó họ nói rằng họ đã ngộ và có một cái trí tuệ. Đây là cái trí tuệ ma, cái trí tuệ của Pháp tưởng, chứ không phải là của cái người mà có trí tuệ thật của đạo Phật.
Đó thì gặp cái trường hợp mà Thinh tưởng đó, thì quý thầy dùng cái pháp này mà đuổi nó đi, tống cổ cho nó ra khỏi, đừng có theo nghe âm thanh đó mà ngồi đó mà hưởng cái âm thanh đó thì nó sai. Đừng có cho âm thanh đó là đúng mà đó là cái loại ma mà chúng ta cần phải vượt qua. Vì vậy mà Phật gọi là “ly hỷ mà trú xả”. Bây giờ chúng ta trú xả là trú ở đâu? Tức là chúng ta phải trú ở cái hơi thở của chúng ta để mà bám chặt đó để mà vượt qua tất cả những cái trạng thái mà trạng thái xảy ra của sáu cái loại Tưởng này. Nó làm cho mỗi trạng thái đến, nó làm cho chúng ta có cái tâm vui mừng ở trong đó. Vì có những cái sự vui mừng đó, cho nên Phật gọi là ly hỷ, ly cái trạng thái mừng đó, tức là Sắc Thinh Hương Vị Xúc Pháp đó, chứ không phải ly cái mừng mà ly cái trạng thái Tưởng đó, cái trạng thái nó làm cho chúng ta có cái niềm vui mừng ở trong đó. Cho nên đức Phật gọi là ly hỷ mà nhập Tam thiền.
Đó, mà ly hết cái trạng thái này thì chúng ta đã nhập Tam thiền. Còn nếu mà ly chưa hết thì chưa có nhập Tam thiền. Cho đến khi mà chúng ta ly, ly đến cái mức cuối cùng mà chúng ta không còn chiêm bao nữa thì như vậy đó là chúng ta mới trọn vẹn mà nhập Tam thiền. Còn một người tu sĩ mà còn chiêm bao thì đừng có mong mà rớ tới Tam thiền.
3. Hương tưởng
À, Bây giờ chúng ta tiếp tục tới cái Hương tưởng. Hương tưởng là một cái loại mùi thơm của Tưởng uẩn sanh ra, nó không phải là chơn pháp, toàn là tà pháp. Người tu sĩ cần phải đề cao cảnh giác và dùng Pháp hướng, để mà tiêu diệt nó, để mà dứt trừ nó. Một cái người ngồi thiền ở xung quanh chúng ta không có cái mùi thơm, không có một cái bông hoa nào hết, bỗng nhiên nghe cái mùi thơm phảng phất, rồi chúng ta nói: à, như vậy thì mình nói chắc có lẽ là có Chư thiên rồi, có Phật xuống chứng rồi, cho nên mình ngồi thiền không có vọng tưởng đây chắc là có trời Phật có Chư thiên xuống chứng minh rồi đó. Cho nên cái mùi thơm này là mùi thơm của Chư thiên đây, do cái chỗ đó là cái chỗ bị ma gạt chúng ta rồi. Cho nên nghe cái mùi thơm mà ở đây không có hoa, không có bông, không có nước hoa, không có gì hết mà lại có mùi thơm này, thì chúng ta biết đó là cái Hương tưởng.
Cho nên chúng ta cảnh giác, từ đó chúng ta bám chặt cái tụ điểm hơn và nương vào cái hơi thở mạnh hơn để không cho cái tâm của chúng ta duyên qua cái mùi thơm đó. Vì cái mùi hương đó nó sẽ tác động làm cho tâm chúng ta duyên theo nó, mà làm cho chúng ta mất Định đi, do vì vậy mà nó dẫn chúng ta đi vào một cái Định của Tưởng, không còn là ở trong cái Định chơn thật của cái Định mà chúng ta đang tu tập. Đây là cái câu trạch pháp:
“Hương tưởng là mùi thơm của ảo tưởng sanh ra khiến tâm ta mất chánh định, hương tưởng hãy đi đi, tâm không được chú ý theo nó, hãy bám chặt vào tụ điểm và hơi thở, nhất là tỷ thức (lỗ mũi) phải nằm yên lặng, không có được nghe cái mùi hương đó nữa”.
Chúng ta phải hướng tâm mà nhắc nó và đồng thời cũng kêu gọi cái tỷ thức của chúng ta phải nằm cho yên ở trên cái tụ điểm, và đồng thời khi mà chúng ta hướng tâm như vậy mà không nghe cái mùi hương nữa, tức là chúng ta đã chiến thắng được cái loại ma đó rồi.
Đó, như vậy là chúng ta đã thành tựu được, đuổi được cái loại ma này, còn nếu không thì chúng ta bị nó dẫn chúng ta đi, nó xỏ mũi chúng ta đi.
4. Vị tưởng
Thứ tư là Vị tưởng, là do một vị ngon ngọt xuất hiện nơi vị căn của chúng ta, đây là một loại ảo giác tà pháp, không phải là chánh pháp, ta hãy xa lìa, không nên lưu ý nó.
Có nhiều người nói tôi ngồi thiền bắt đầu sao tôi ra nước miếng (nước bọt) mà nuốt vào sao nghe nó ngọt, nó ngọn như nước Cam lồ vậy. Có lẽ là hôm nay ta tu nó sanh ra Cam lồ rồi. Nuốt ba cái thứ này vô chắc có lẽ nó trường thọ đó, cho nên ráng mà nuốt nước miếng, nuốt riết cho nên cái bụng chang bang ra, mà cuối cùng thì nó chẳng phải là cam lồ gì hết, mà ba cái Vị tưởng mà nó xuất hiện. Cho nên cái vị này ngồi riết, ngồi riết rồi nuốt ba cái nước miếng dơ bẩn đó mà đầy bụng của mình, tưởng là ngon, nhưng mà cuối cùng thì bị cái ma cái Vị tưởng này nó đã gạt lướt.
Cho nên cuối thì cũng có nhiều người về đây nói với Thầy, sau cái thời gian mà con ngồi con tụng kinh Pháp Hoa, sao lại có lúc nước miếng ở trong con, con nuốt sao nghe nó ngọt quá chừng. Như vậy là trong kinh Pháp Hoa nói là Cam Lồ đã xuất hiện rồi, người mà tụng kinh Pháp Hoa đến cái mức mà cái nước miếng ngọt. Đó là cái người đó sắp sửa được sanh về cái cõi trời hoặc là cái cõi Phật nào đó chứ không phải là còn thường nữa. Đó là những cái vị mà người ta đã tụng kinh Pháp Hoa mà người ta đã có những cái kết quả đó. Còn gặp Thầy thì cái loại này là cái loại ma, nó gạt người ta chứ chưa có thực sự là được sanh lên cõi nào hết. Cho nên cuối cùng thì những vị này, khi mà bỏ thân họ, Thầy thấy dường như họ cũng quá đau khổ, không có cái sự giải thoát nào, cũng không có sự làm chủ nào cho cái sự tưởng tượng của họ như vậy.
Cho nên ở đây chúng ta phải dùng cái câu pháp hướng này để mà trị cái Vị tưởng:
“Vị tưởng là một ảo giác sanh ra ngon ngọt nơi lưỡi khiến cho chúng ta thích thú, ưa mến, khiến cho ta mất Thiền định. Vì thế Vị tưởng hãy đi đi, tâm ta không được lưu ý đến nó nữa. Hãy bám chặt tụ điểm và hơi thở, không được lơ lỏng theo Vị tưởng”.
Đó là chúng ta phải ra lệnh và cấm sáu thức của chúng ta phải bám cho chặt, không có được theo cái chỗ đó nữa. Mặc dù bây giờ nước miếng chúng ta đang tiết ra cái mùi ngon ngọt như thế nào chúng ta cũng chẳng lưu ý đến nó nữa. Đó là cái phần mà chúng ta diệt cái Vị tưởng. Đó là cái phần thứ tư.
5. Xúc tưởng
Xúc tưởng là phần thứ năm, là một cảm giác khinh an hỷ lạc, khiến ta thích thú ưa mến và khiến ta mất Định. Xúc tưởng là một loại tà pháp gây mê thích say đắm cho người tọa thiền. Cho nên cái người mà gặp cái trạng thái hỷ lạc hay khinh an thì họ thường là nhúc nhích thân, họ động hoặc là ngước ngước lên như này, hoặc là họ động cúi cúi xuống như này. Mỗi lần mà có cái hành động ngước lên hay cúi xuống như vậy đó, họ nghe cái trạng thái nó làm cho thích thú họ. Tức là một cái người tu thiền mà gọi là ly dục mà sanh hỷ lạc thì không có nghĩa là có một cái trạng thái nào thích thú nào ở trong đó hết thì mới gọi là ly dục. Còn cái này nó làm cho chúng ta thích thú, làm chúng ta thấy nó sảng khoái, êm ả, làm chúng ta rất là ham thích. Mỗi lần ngồi thiền mà có những cái trạng thái đó thì chúng ta nói khoái thiệt, ngồi thiền như vậy là thích thiệt. Vậy thì thôi đi ra tiệm kia ăn hủ tiếu đi cho nó còn thích hơn, còn sướng hơn là ngồi thiền. Ngồi thiền chi cho đau chân mà đi tìm cái chuyện cực khổ như vậy.
Cho nên ở đây Thầy nói thực sự ở thế gian người ta cũng có những cái dục lạc như vậy. Mà bây giờ ngồi thiền mà cứ đi tìm cái đó, thì cái người này thiệt là chưa có biết cái chỗ mà ly dục, ly ác pháp để mà chúng ta có một cái trạng thái do ly dục sanh cái hỷ lạc. Cái hỷ lạc của những bậc Thánh, của những bậc chơn nhân thì nó đâu phải là cái hỷ lạc của cái phàm phu tục tử như vậy. Ngồi đó mà gục gù gục gù cũng như con cu mà gáy để mà thưởng thức những cái an lạc đó thì có thấm nhò gì với cái chuyện mà ở đời người ta chạy theo cái dục lạc thế gian đâu. Người ta uống cái ly rượu người ta cũng gật gù, người ta hút cái điếu thuốc người ta cũng gật gù, người ta kéo một cái điếu thuốc phiện người ta cũng gật gù người ta cũng sảng khoái người ta, thì mình ngồi thiền cũng gật gù gật gù thì thử hỏi có phải giống như vậy không?
Cho nên có một Nhà sư viết ở trong một cái bài báo làm cái người ngồi thiền cũng như là một cái người mà hút thuốc phiện, nó cũng là sảng khoải như vậy hết, thiền nó cũng thích thú như vậy. Thiệt ra đó là cái thứ thiền dục lạc, cái thiền tà chứ đâu phải cái thiền của Phật. Thiền của Phật thì phải ly tất cả những trạng thái làm chúng ta thích thú đó chứ. Thế mà vị Thiền sư đó cũng gọi là Thiền, thì thật ra cả thế giới đăng cái bài báo đó mà Việt Nam chúng ta cũng trích dịch ra mà đăng trong cái báo Giác Ngộ. Thầy đọc Thầy thấy mắc tức cười, cái chuyện mấy ông thiệt là chưa biết thiền định, cho nên ông này đạp cứt thì ông nào ông nấy cũng đạp theo thối cả đám hết mà không thấy thối.
Đó là cái sai, mà cái sai của người này dẫn dắt tới người kia cũng là cái sai, tưởng đâu là ngồi thiền cũng như hút thuốc á phiện vậy đó. Khoái như vậy đó, lâng lâng cũng như đi vào cõi tiên như vậy đó, thì cái đó là cái tầm bậy. Ở đây là bị cái Xúc tưởng hỷ lạc sanh ra những cái trạng thái điên khùng đó cho nên tưởng đâu là đúng. Ai ngờ đâu chỉ ức chế tâm không vọng tưởng rồi bắt đầu từ đó nó sanh ra những cái trạng thái điên khùng đó. Chạy theo những cái tâm ham muốn phàm phu tục tử chứ đâu phải là thiền của những bậc Thánh.
Cho nên ở đây chúng ta nên làm cái câu pháp hướng này để mà chúng ta đuổi cái Xúc tưởng này ra khỏi cái tâm chúng ta để chúng ta tiến tới con đường nhập Tam thiền:
“Xúc tưởng là một loại hỷ lạc ma, ta hãy đuổi nó đi ra khỏi tâm ta, xúc tưởng hãy đi đi ta không chấp nhận ngươi. Ta phải bám chặt tụ điểm và hơi thở đoạn dứt chúng tức khắc, không được theo trạng thái này nữa”.
Đó thì chúng ta phải dùng pháp hướng đó và nhắc cái tâm của chúng ta. Thỉnh thoảng chúng ta còn nghe cái cảm giác hỷ lạc, cái thân chúng ta còn hơi rung động theo cái kiểu gật gù cũng như người hút thuốc phiện cũng như cái thằng uống rượu mà nó gật gù gật gù cái kiểu nó thấy thích thú đó, thì chúng ta cũng nên chấm dứt cái đó đi. Còn không thì đứng dậy mà đi kinh hành chứ đừng có ở đó mà thưởng thức theo cái kiểu thế gian đó.
6. Pháp tưởng
Sáu là Pháp tưởng. Đây là cái Pháp mà hầu hết là thiên hạ vỗ ngực xưng tên tưởng mình là tiểu ngộ, đại ngộ đây, đó là cái Pháp tưởng đây. Pháp tưởng là một cái loại tà pháp do tưởng giải tạo ra, người ngu si mê muội cho đó là trí tuệ phát triển, nên ngộ lần lần những câu kinh tưởng, những câu công án của thiền Đông độ. Họ cho sự hiểu biết đó là tiểu ngộ, khi nào họ ngộ hết những công án là họ cho đó là triệt ngộ. Không ngờ họ bị Pháp tưởng lường gạt, biến họ thành ma hí luận trong đạo Phật. Bởi vì những cái này đều là họ dùng những công án họ hỏi tới hỏi lui họ hét họ la như Lâm Tế chẳng hạn. Họ bị cái ma hí luận của họ rồi, bởi vì Phật nói đó là cái thứ hí luận nói cái này nói cái kia làm như là Trời là Phật vậy đó. Coi như người ta không hiểu, biết cái ý mình muốn gì hết. Chứ sự thật ra cái điều đó là cái điều hí luận ở trong cái đạo Phật, đức Phật đã chỉ cho chúng ta biết. Cái điều đó là cái điều giả dối gạt người chứ không phải thật là cái chỗ Phật pháp. Cái chỗ Phật pháp phải đơn giản, cụ thể, thực tế; biết áp dụng vào là có sự giải thoát ở nơi thân tâm của người ta. Chứ đâu phải hí luận trên trời mây xanh đó, mà để la, để hét, để đập, để bằng những cái lời mắng đó để mà nói những ý gì sâu xa ở trong đó, gọi là Phật, gọi là pháp, gọi là Thánh gì ở trong đó. Đó là những cái lí luận của những kẻ hí luận chơi, chứ không phải là cái chỗ giải thoát.
À, thuyết giảng mơ hồ, đời sống thì phá phạm hạnh, phạm Giới luật, họ thì họ nói triệt ngộ, họ nói công án này công án kia. Họ thầy trò đối đáp nhau như là, coi như là không có cần mà phải dùng cái trí suy nghĩ. Người này nói người kia đáp, kẻ hỏi đông người đáp tây, kẻ hỏi bắc người đáp nam. Nó không ăn nhập vào đích mà thế mà họ cười họ nói đó là ngộ đạo. Bảo họ xách cái thùng thì họ xách cái rổ, gọi là vô phân biệt. Tất cả những cái này, nhìn vào cái đời sống của họ thì họ hí luận cái kiểu làm cái trò cười cho thiên hạ như vậy. Thế mà cái phạm hạnh của họ thì phạm giới luật, ngày thì ăn phi thời, tối thì ngủ ngáy khò khò chẳng có lo gì là giải thoát. Sống thì ở trên nhung lụa, sang cả như những nhà giàu có, thì nhìn cái cuộc sống của họ qua cái hí luận của họ thì chúng ta đã biết họ thuộc cái loại có giải thoát hay là không giải thoát.
Ăn, uống, ngủ nghỉ, danh lợi, sắc họ không có bỏ một cái thứ nào hết trong năm thứ dục lạc của thế gian. Pháp tưởng là thứ pháp tà ác, độc hại đã lường gạt người mà còn lường gạt chính bản thân của người ngộ Pháp tưởng. Nghĩa là chính cái người ngộ Pháp tưởng đó, tưởng mình là Thánh rồi, tưởng mình là Phật rồi tưởng mình thấy Phật tánh được rồi, tức là kiến tánh thành Phật được rồi. Nhưng mà cuối cùng thì thật sự ra họ chẳng có làm chủ được cái sống chết của họ chút nào được hết. Cho nên đến giờ phút ra đi thì ngài Thường Chiếu, Ngài cũng đã nói: “Ta chết như người thường chứ không thể nào mà như người khác được”. Ngài Pháp Loa khi sắp sửa chết Ngài rên hừ hừ hừ, ngài Huyền Quang mới hỏi: “Sao Hòa Thượng lại rên vậy? ” Thì Ngài biết nói làm sao cho đỡ mắc cỡ đây, nói: “Gió thổi qua khe trúc”. Gió thổi qua khe trúc là tại gió thổi qua cái bụi trúc, hai cây trúc nó nghiến nhau nó kêu chứ Ông đâu có đau. Không đau mà rên à? Không có thọ, không tưởng mà rên được sao? Cái điều đó là cái điều che mặt người ta, lấy vải thưa che mắt Thánh. Chứ nếu mà không thọ thì ai làm sao rên, còn ông có thọ ông mới rên chứ, còn gió thổi qua cái bụi trúc làm sao có thọ ở trong đó. Mà hai cây trúc nó cọ nó kêu két két, thì ông cũng nói giống như ông rên cũng giống như là hai cây trúc kêu như vậy. Thì đó là ông che mặt người ta chứ, đâu có thực. Cho nên làm chủ được thì nói làm chủ, không làm chủ được thì nói không làm chủ, đừng có gạt người sau, để bịt con mắt người ngu chứ còn người trí thì không thể nào gạt được. Đó là những cái hình ảnh mà các Tổ Sư gọi là ngộ, mà cuối cùng trong cuộc đời của họ rất là đau khổ.
Pháp tưởng là một tà pháp, ở đây là câu trạch pháp đây:
“Pháp tưởng là một tà pháp không phải trí tuệ chơn thật của người tu sĩ chơn chánh. Nó là một loại ma hí luận, tranh chấp hơn thua cao thấp. Phải xa lìa nó, không chấp nhận nó. Pháp tưởng hãy đi đi, ta không tin ngươi là trí tuệ của đạo Phật. Ngươi hãy đi đi.”
Đó là chúng ta hãy đuổi nó đi, nó không phải trí tuệ của đạo Phật đâu. Cho nên cái người mà đã ngộ cái lí thiền, đã thấy Phật tánh luôn luôn họ gặp với nhau họ rống cái họng họ lên, họ nổi cái gân cổ họ lên họ cãi với nhau, họ tranh hơn tranh thua với nhau, không có chịu thua ai hết. Họ thậm chí như thấy cái người giữ Giới luật họ nói là cố chấp, họ còn chê bai người ta nữa. Nhưng mà họ có sống được không? Họ chưa ăn một bữa được, họ thấy người ta ăn một bữa họ nói cái đó là chấp giới. Rồi có nghe người ta nói cái người đó nhập được Định, làm chủ được cái sống chết nhập Tứ thiền tịnh chỉ được hơi thở, thì họ bảo rằng sở đắc. Người ta tu hành vô sở đắc còn cái thứ tu sở đắc đó mà ra cái gì.
Đó là những cái người ta khinh bỉ, khi một kẻ mà người ta làm được, mình chưa làm được thì mình lại, do là mình khinh bỉ. Cũng như cái ngài Hoàng Bá đi với một vị tu sĩ, khi vị tu sĩ đó đi ở trên mặt nước đi qua sông. Khi qua sông rồi thì vị đó mới quay lại kêu Hoàng Bá: “Anh hãy đi qua bên đây với tôi”.  Ông này đâu có dám lội xuống, lội xuống uống nước chết sao, cho nên nói: “Tôi biết anh mà đi được trên (mặt nước) tôi chặt chân anh rồi.”  Thì ông này quay lại ông cười mũi mà ông khen một cách rất là mỉa mai: “Thiệt là, anh là pháp khí Đại Thừa chứ Tiểu Thừa thì chắc chắn là tụi tôi phải đi ở trên nước được. Còn anh là pháp khí Đại Thừa không dám thọt chân xuống, sợ thọt chân xuống uống nước.”
Đó rõ ràng mà, cái câu chuyện này thật sự chứ đâu phải không. Ông đâu dám thọt chân xuống, sợ nó lút xuống dưới uống nước chết đi. Cho nên mới nói tôi biết anh bước vậy tôi chặt chân anh hồi nãy rồi. Ông này mới nói: “Thiệt là anh pháp khí Đại Thừa chớ còn người thường thì hông có dám vậy đâu”.  Đúng vậy đó, thật sự là mình tu chẳng ra gì hết, nói cái họng của mình thật là pháp khí Đại Thừa, khí đó thật là khí ở trên mây xanh chứ không phải khí ở dưới đất.
Đó là hôm nay Thầy nói như vậy để chúng ta biết những cái Pháp tưởng nó nguy hiểm lắm, mà cái người nào mà lọt trong cái vòng này, rống cái họng mà tranh với nhau dữ lắm chứ không phải thường đâu. Còn chúng ta là những người tu theo Phật phải tránh những cái hí luận này, ai có nói hơn nói thua gì, thì thôi chắp tay, tôi thua chứ tôi không có hơn đâu, tôi ráng mà tôi giải thoát cái tâm của tôi đây mà còn không được. Cho nên có lần Thầy về Thường Chiếu, các thầy bảo Thầy thị hiện thần thông Thầy nói: “Tôi tu hơi thở chưa xong ở đó thần thông gì? Hơi thở tôi nhiếp còn chưa hết, ở đó mà thần thông cái khỉ gì mà thần thông. Bởi vì tôi thua mấy ông hết rồi, tôi chỉ có nương hơi thở thôi, còn mấy ông thì hí luận quá trời rồi”. Thành ra, do đó mà Thầy chịu thua quý thầy hết. Vậy mà không có hí luận với ai hết.
Đó là một con đường tu tập, do vì vậy mà quý thầy phải sáng suốt để lìa xa sáu cái loại Tưởng này. Sau khi mà dạy đến tất cả những cái loại Tưởng khác Thầy sẽ nhắc nhở, vì thời gian chúng ta không còn có nhiều, cho nên chúng ta phải ráng mà cố gắng để học cho nó hết cái giới hành. 

(...)
__________________

Trích từ băng số 55, Giáo án đường lối tu tập đạo Phật, Trưởng lão Thích Thông Lạc giảng cho quý tu sinh Tu viện Chơn Như. 

Toàn bộ giáo án này sẽ lần được đăng tại địa chỉ: http://61cuonbang.blogspot.com/

Wednesday, March 26, 2014

TỨ BẤT HOẠI TỊNH

TỨ BẤT HOẠI TỊNH

1. Thân Phật thường hay phòng hộ sáu căn. Vậy thân ta niệm Phật thì thân ta cũng phải phòng hộ sáu căn, mắt nhìn xuống đất, không nhìn qua nhìn lại, luôn luôn ý tứ từng bước đi tránh không làm đau khổ chúng sanh và giết hại chúng sanh.
2. Lấy thọ lạc niệm Phật, ta phải giống như Phật, không ưa thích, không vui mừng, không khen ngợi, không cầu mong, không ước muốn, không tưởng nhớ, nhờ thế thọ của ta không tác đụng được ta, không lôi cuốn, không làm  cho ta đắm mê.
3. Phật đi không ngó qua ngó lại, chỉ nhìn xuống đất quan sát từng bước đi của mình để tránh vô tình làm đau khổ chúng sinh. Thân ta niệm Phật phải thực hiện đi giống như Phật.
4. Sáu căn tiếp xúc với 6 trần dính mắc các pháp, tạo biết bao nhiêu điều khổ cho kiếp người. Thân ta niệm Phật thì phải giống như thân Phật, phòng hộ 6 căn đi, đứng, nằm, ngồi, ý tứ từng hành động, nhẹ nhàng, thanh thản, không mong cầu, không ước muốn. Chỉ biết khoan thai bước đi mà thôi.
5. Thong thả mà đi, thanh thản mà đi, mắt nhìn xuống bước đi, tai lắng nghe bước đi, không nhìn ngó đôi bên.
6. Các pháp xung quanh ta là vô thường, là khổ, là tai hại, ta hãy nhìn và nghe từng bước đi của ta.
7. Các pháp luôn luôn có sự lôi cuốn, cám dỗ, thu hút, dễ khiến ta dính mắc khả hỷ, khả lạc, khả ái. Tâm ta phải bất động trước các pháp. Mắt ta nhìn xuống, tai nghe tiếng bước chân đi.
8. Các pháp thế gian vô thường, khổ, vô ngã, có nhiều tai ương, có nhiều nguy hiểm, ta phải buông xuống hết, không để 6 căn dính mắc 6 trần.
9. Sáu căn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý phải tập trung dưới bước đi không được phóng dật theo 6 trần, sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.
10. Thân Phật thường đi kinh hành, thân ta niệm Phật cũng vậy phải thường đi kinh hành như Phật.
Đi kinh hành thư giản:
11. Ta đi kinh hành thư giản thân tâm, thân tâm phải thanh thản, nhẹ nhàng, vô sự không được ức chế tâm, không được ghìm tâm, không được tập trung tâm, mà hãy vô sự, tự nhiên như người nhàn du.
Đi kinh hành Chánh niệm tỉnh thức:
12. Ta đi kinh hành, ta biết ta đi kinh hành.
13. Ta đi kinh hành, ta phải tỉnh thức mỗi bước chân ta đi.
Đi kinh hành trau dồi lòng từ:
14. Dưới chân ta bước đi có nhiều côn trùng nhỏ nhít, ta hãy thương yêu chúng nên phải ý tứ từng bước đi, tránh không làm đau khổ và chết chóc chúng sanh.
Đi kinh hành pháp hôn trầm:
15. Tâm phải tỉnh thức, thân phải tỉnh táo. 
16. Tâm phải tỉnh thức, thân phải tỉnh táo, không có được lừ đừ nữa.
17. Tâm phải tỉnh thức, thân phải tỉnh táo, không được buồn ngủ nữa.
18. Thân tâm phải tỉnh thức trong bước đi rõ ràng.
19. Chân mặt bước, chân trái bước.
20. Thân Phật không làm hại chúng sanh, thường thương xót chúng sanh. 
21. Thân ta niệm Phật phải giống thân Phật, bắt đầu từ đây về sau không làm hại chúng sanh, không ăn thịt chúng sanh, hằng ngày phải thương xót chúng sanh như con mình.
22. Thân Phật không làm khổ chúng sanh, thân ta niệm Phật cũng không được làm khổ ai hết.
23. Thân ta niệm Phật từ đây về sau ai có chửi mắng, mạ lị, mình không được chửi mắng lại, không được giận hờn, thù oán họ, phải thương yêu họ, hết sức thương yêu họ vì họ là người đã thọ khổ, vì họ sân hận.
24. Thân Phật không bao giờ lấy trộm của ai, thân ta niệm Phật cũng vậy không bao giờ lấy trộm của ai.
25. Người mất của đau khổ, thân ta niệm Phật giống như thân Phật, há mà ta lấy của người không cho để làm cho người đau khổ.
26. Thân Phật đã tuyệt đường dâm dục, thân ta niệm Phật cũng vậy, ta cũng phải tuyệt đường dâm dục, vì con đường dâm dục là con đường tái sinh luân hồi, con đường đau khổ, là con đường bất tịnh.
27. Thân ta niệm Phật phải tránh xa đường dâm dục, xem dâm dục là hôi thối, dơ bẩn hãy xa lìa như xa lìa hầm phẩn.
28. Thân Phật không ăn uống phi thời, thân ta niệm Phật cũng vậy, phải phải ăn uống không phi thời.
29. Món ăn là bất tịnh, hôi thối, không có gì ngon dở, chỉ là một ảo giác của dục lạc tầm thường vị giác mà thôi, ta hãy thấu suốt lý bất tịnh của thực phẩm mà xa lìa, từ bỏ xem ăn uống là thứ thuốc trị bệnh đói mà thôi.
30. Thân Phật thường tỉnh thức không ngủ, không bao giờ có hôn trầm, thùy miên, thân ta niệm Phật cũng vậy phải thường tu tập tỉnh thức trong giấc ngủ.
31. Thân ngủ đi, tâm tỉnh thức trong hơi thở, không được quên.
32. Thân ngủ đi, tâm tỉnh thức trong hơi thở, không được quên nha.
33. Thân Phật không nằm giường cao, rộng lớn thường ở chòi tranh, vách lá, giường tre, trên tảng đá hoặc trên đất.
34. Thân nằm trên giường cao, rộng lớn êm ấm là tâm dễ đắm nhiễm sanh dục lạc ưa mến, ta phải xa lìa không được béng mảng tới.
35. Thân Phật không trang sức vòng hoa, chuỗi hạt, thân ta niệm Phật cũng vậy không trang sức vòng hoa, chuỗi hạt.
36. Thân là vô thường, thân là bất tịnh hôi thúi, nay còn mai mất có gì tốt đẹp mà trang sức vòng hoa, chuỗi hạt, ta hãy từ bỏ, xa lìa nó đi.
37. Thân Phật không cất giữ tiền bạc, của báu, thân ta niệm Phật cũng vậy không cất giữ tiền bạc, của báu.
38. Tiền bạc, của báu là rắn độc sẽ giết chết chúng ta, sẽ làm chúng ta đau khổ.
39. Tiền bạc, của báu là vật nguy hiểm nếu ta cất giữ nó, ta sẽ trở thành nô lệ, đầy tớ trung thành cho nó.
40. Tiền bạc, của báu là vật nguy hiểm lắm, là ông chủ nếu chúng ta cất giữ nó, chúng ta sẽ trở thành một tên nô lệ, tên đầy tớ trung thành cho nó.
41. Thân Phật nằm nghiêng theo kiểu kiết tường, thân ta niệm Phật cũng nằm theo kiểu kiết tường như Phật.
42. Thân ta hằng ngày cũng nên nằm kiết tường để dễ tâm tỉnh thức không bị mê muội, dễ đặt niệm hơi thở nhiếp tâm tỉnh thức trong lúc ngủ không bị chiêm bao.
43. Nằm kiết tường, tâm dễ tỉnh thức, không bị mê muội dễ đặt niệm hơi thở nhiếp tâm tỉnh thức trong lúc ngủ không bị chiêm bao.
44. Phật thọ lạc không làm tâm Phật ưa thích, không vui mừng, không ca ngợi, không cầu mong, không ước muốn, không tưởng nhớ. Thọ ta niệm Phật cũng vậy giống như Phật không ưa thích, không vui mừng, không ca ngợi, không cầu mong, không ước muốn, không tưởng nhớ, nhờ thế thọ ta không tác dụng được, không lôi cuốn được, không làm cho ta đắm đuối mê mờ.
45. Thọ lạc là vô thường khi có sanh ra khả ái, khả hỷ, khả lạc nhưng chỉ chốc thời không được lâu dài, vì thế thọ là nguy hiểm, là tai họa, là khổ đau ta phải đoạn dứt, không được ham thích, say đắm, không được để chúng lôi cuốn, không được để tâm ta sa ngã theo chúng.
Ta lấy thọ niệm Phật cũng vậy giống như Phật phải gan dạ, phải kiên trì, phải đầy đủ nghị lực, phải dũng cảm, phải chiến đấu với thọ không sợ hãi, không chán ghét, không lo lắng, không buồn rầu, không ưu não luôn luôn giữ tâm bất động các thọ khổ.
46.Thọ khổ không từ đâu đến, không từ đâu đi, toàn là do duyên ác mà có thọ khổ, do quả ác mà kết trái mà có thọ khổ, ta cứ giữ tâm bất động. Thọ đến thọ đi mặc thọ, chẳng tác dụng ta được, do thế thọ sẽ tịnh chỉ hoàn toàn.

47. Thọ là vô thường, không có ngã, ta chẳng hề sợ hãi và nao núng. Thọ khổ hãy đi đi.
48. Thọ là vô thường, không có ngã, ta chẳng hề sợ hãi và nao núng. Thọ khổ hãy đi đi.
49. Thọ khổ là vô chủ, không phải của ta, không phải của ai hết, của nhân quả duyên hợp, vậy thọ hãy đi đi.
50. Thọ khổ không phải trong ta, không phải ngoài ta, thọ là duyên hợp của nhân quả mà có, không phải của ta, không phải của ai. Vậy thọ khổ hãy đi đi đừng có ở đây, đừng có làm khổ ta.
51. Thọ bất lạc bất khổ không phải là cứu cánh Niết bàn, nó là một trạng thái không lạc, không khổ của phàm phu, vì thế chưa phải là cứu cánh, nên ta hãy từ bỏ, buông xuống không được chấp trước nó, không được trụ ở nó mà phải bỏ đi, nó hãy đi đi đừng có ở trong ta nữa, đừng ở trong cái trạng thái bất lạc bất thọ khổ này ở trong ta nữa.
52. Thọ bất lạc bất khổ không phải là cứu cánh Niết bàn, ta hãy từ bỏ, buông xuống, không được trụ ở trạng thái này nữa.
53. Tâm Phật không có ham muốn, tâm ta niệm Phật cũng vậy không có ham muốn các pháp thế gian.
54. Các pháp thế gian là vô thường, là khổ, ta không nên tham muốn nó mà phải từ bỏ, xa lánh nó, đừng có bén mảng đến những cái pháp thế gian, nó là khổ.
55. Các pháp thế gian là pháp vô thường, là khổ, ta không nên tham muốn, hãy từ bỏ, hãy xa lánh cái lòng tham muốn đó đi.
56. Tâm Phật không tham đắm một vật gì ở trong cái thế gian, thì tâm ta niệm Phật cũng vậy không tham đắm một vật gì ở trong thế gian.
57. Các pháp thế gian có sự cám dỗ và sự lôi cuốn, ta không nên tham đắm, vì tham đắm là khổ và làm hại nguy đến bản thân ta.
58. Tâm Phật không sân, tâm ta niệm Phật cũng vậy không sân hận đối với một ai. 
59. Sân hận là pháp khổ đau, làm cho mình khổ mà còn khiến cho người khác khổ, ta hãy dứt bỏ không được sân hận với dù bất cứ với một ai hết.

60. Sân hận là cái pháp ác, một cái pháp rất ác, phải dứt bỏ ngay, không được lưu lại ở trong tâm ta một chút nào.
61. Tâm Phật thì không có nghi ngờ, tâm ta niệm Phật cũng vậy, không nghi ngờ ai cả, vì nghi ngờ là một tánh xấu ác làm cho tâm ta bất an, làm cho ta nghi kỵ đối với người khác, không có thân tình, làm cho người khác cũng đau khổ. 
62. Nghi là một ác pháp làm khổ mình, khổ người, từ đây ta phải dứt bỏ, ta phải từ giã, lìa xa tất cả những gì mà nghi nan, nghi ngờ người khác. Cái lòng nghi hãy đi đi, đừng ở trong ta nữa.
63. Tâm Phật không tị hiềm, tâm ta niệm Phật cũng vậy, không có tị hiềm ai hết.
64. Tị hiềm là một cái tánh xấu ác làm khổ mình, khổ người, ta hãy dứt bỏ, xa lánh, từ khước, viễn ly đừng để nó bén mãn ở trong tâm ta.
65. Tị hiềm là một tâm rất ác, nó luôn luôn tìm cách để hại người, tìm cách để nói xấu người. Nhưng cũng chính nó đã làm khổ cho ta và cũng đưa ta đến vào những thú hướng để đọa vào ác đạo, để sanh làm ác thú hoặc là những kẻ hung dữ mà không phải ở trong một kiếp này mà nó nhiều kiếp, nhiều đời. Rõ biết như vậy đó, ta phải luôn luôn cảnh giác và từ giã, xa lìa, viễn ly cái tâm tị hiềm, không để cho nó ở trong tâm ta nữa.
66. Tâm Phật không ngã mạn, tâm ta niệm Phật cũng không bao giờ có ngã mạn, cống cao, kiêu căng, tự đắc vì cống cao, kiêu căng, tự đắc là tánh xấu và ác. 
67. Ngã mạn, cống cao là một trong năm pháp ác của Ngũ triền cái, ta phải dứt bỏ tánh này. Vì cuộc sống con người do nhân quả hợp lập thành, nên có người xấu, kẻ tốt, người sang, kẻ hèn chứ đâu phải ta hơn ai. Ta như mọi người, bình đẳng như mọi người, chỉ có kẻ ngu si mới không thấy nhân quả, cho mình hơn người. Sự thật chẳng ai hơn ai.
68. Ngã mạn, cống cao là một trong năm pháp ác của Ngũ triền cái, ta phải dứt bỏ tánh này. Vì cuộc sống con người do nhân quả lập thành, nên có người xấu, kẻ tốt, người sang, kẻ hèn chứ đâu phải ta hơn ai, ta như mọi người, bình đẳng như mọi người. Chỉ có kẻ ngu si mới không thấy nhân quả cho mình hơn người, sự thật chẳng ai hơn ai cả.
69. Tâm Phật không khoe khoang, tâm ta niệm Phật cũng vậy phải giống như Phật không khoe khoang, khoe khoang là bản chất của ngã mạn, kiêu căng. Mọi pháp trên thế gian này đều do nhân quả chi phối diễn biến kẻ hơn, người kém, kẻ hay người giỏi đều do nhân quả, không có ai hơn ai cả, có cái gì mà phải khoe khoang. 
70. Khoe khoang là tánh xấu ác làm cho người khác tủi thân, buồn khổ. Ta hãy dứt trừ, xa lìa không bao giờ còn cái tánh khoe khoang nữa.
71. Tâm Phật không phẩn nộ, tâm ta phải giống như Phật không có phẩn nộ, phẩn nộ là một cơn giận dữ có thể giết người mà chẳng hề sợ ai hết. Phẩn nộ giống như một con thú dữ hung ác, người có tánh hay phẩn nộ, thú hướng phẩn nộ sẽ sanh ra ác thú, ác cầm, những loài độc dữ. Người phẩn nộ không thể sanh cõi trời được, không thể làm người được, chỉ có sanh vào ác thú và địa ngục mà thôi.
72. Phẩn nộ là tánh hung ác làm khổ mình, khổ người. Ta hãy dứt bỏ, tránh xa, từ khước, từ đây về sau ta không còn cái tánh phẩn nộ nữa.
73. Tâm Phật không hiềm hận, vậy tâm ta niệm Phật thì cũng vậy, cũng giống như Phật không bao giờ hiềm hận, nghĩa là không có bao giờ mà hận thù ai hết. Hiềm hận tức là hận thù và hiềm nghi. Hận thù và hiềm nghi là pháp ác, pháp làm cho khổ mình, khổ người.
74. Hiềm hận và hận thù nghi kỵ là pháp ác, làm đau khổ mình, đau khổ người, ta phải từ bỏ đoạn dứt không bao giờ có tâm hiềm hận ai hết.

75. Tâm Phật không giả dối. Tâm ta niệm Phật cũng vậy, cũng giống như Phật, không giả dối, không lường gạt, không bịp bợm ai, luôn luôn thành thật, biết sao nói vậy, biết sao làm vậy.
76. Giả dối, lường gạt, bịp người là một pháp cực ác, làm khổ mình và trạo hối, làm khổ người vì bị lường gạt, vì thế ta phải xa lìa, từ bỏ, luôn luôn ngay thẳng, chân thật.
77. Tâm Phật không tật đố. Tâm ta niệm Phật cũng vậy, giống như Phật, không tật đố ai hết. Tật đố là lòng ganh tỵ nhỏ nhen, ích kỷ, thường hay làm khổ mình.
78. Tật đố là lòng ganh tỵ ích kỷ nhỏ mọn xấu xa đê tiện, khiến cho tâm ta đau khổ phiền não. Ta phải dứt trừ, từ bỏ đối với bất cứ một ai để cứu mình ra khỏi biển khổ của tâm tật đố xấu xa đê tiện hèn hạ. Từ đây phải dứt bỏ, dứt bỏ đi.
79.Tâm Phật không gian lận. Tâm ta niệm Phật cũng vậy, cũng giống như Phật không gian lận. Gian lận là một tánh tham lam, gian xảo cực ác, đã lường, gạt biết bao nhiêu người, đã làm khổ biết bao nhiêu người.
80. Gian lận là tâm tham lam, gian xảo đê tiện hèn hạ, làm khổ người, tàn nhẫn.
81. Tâm Phật không phản bội. Tâm ta niệm Phật cũng vậy, không phản bội. Phản bội là một pháp môn rất ác, phản bội làm hại biết bao nhiêu người đau khổ.
82. Phản bội là một pháp cực ác, nhất là người đệ tử của Phật, phản bội lại giáo lý của Phật thì còn tệ hại hơn là súc sanh. Tội phản bội ấy phải đọa địa ngục vô lượng kiếp. Ta phải dứt trừ, xa lìa tâm phản bội ấy, hành động phản bội ấy, cuộc sống phản bội ấy.
83. Một tu sĩ Phật giáo mà sống phá giới luật, sống không đúng phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo là phản bội lại Phật giáo, mọi người biết được, hiểu được sẽ khinh chê, không còn cung kính và cúng dường nữa. Vậy chúng ta là tu sĩ Phật giáo là phải sống đúng giới hạnh, không phản bội lại Phật giáo, luôn luôn phải xa lìa tâm phản bội ấy.
84. Tâm ta niệm Phật cũng vậy không ngoan cố, ngoan cố là một tánh cố chấp biết sai mà không chịu sửa, biết tội mà không chịu chừa, khăng khăng giữ đến cùng, không chịu từ bỏ kiến chấp sai lệch.
85. Ngoan cố là một pháp cực ác khiến cho ta khó buông xả, khiến cho ta sống phá giới, sống phi phạm hạnh, sống theo dục lạc thế gian và không chịu buông bỏ, ta phải đoạn dứt, ta phải từ bỏ nó. Ngoan cố hãy đi đi, đi để cho ta sống đúng đời sống phạm hạnh, sống không phạm giới, sống ly dục ly ác pháp. Một lần nữa ngoan cố hãy đi đi, đừng có ở đây, không được ở đây, không được bén mảng với chúng ta nữa, đi đi.
86. Tâm Phật không nông nổi. Tâm ta niệm Phật cũng vậy, không nông nổi. Nông nỗi là nông cạn, hời hợt, thiếu cân nhắc suy nghĩ trước khi hành động, đó là một tánh tình bộp chộp. Bởi vậy Phật dạy chúng ta ý tứ, tư duy. Khi muốn làm một điều gì, hầu hết là quý vị quý thầy ở đây phải có suy nghĩ kĩ lưỡng, phải tư duy cân nhắc để rồi khi làm nó không có bị thất bại. Còn nếu mà quý thầy nông nỗi bộp chộp thì quý thầy sẽ gặp những thất bại khi mà làm những công việc gì.
87. Tánh nông nổi là một tánh bộp chộp, rất xấu, thường đưa người ta đến thất bại trong mọi việc làm cũng như trong sự tu hành. Từ đây làm việc gì hay tu tập ta thường nhắc nhở không được hời hợt nông cạn, suy tính cho kĩ lưỡng rồi mới hành. Tánh nông nổi phải đi không được ở nơi ta nữa, nông nổi việc gì cũng thất bại, hãy đi đi đừng ở đây nữa.
88. Phóng dật là một pháp môn rất ác nối tiếp sự đau khổ từ kiếp này sang kiếp khác không bao giờ dứt. Là tu sĩ phật giáo ta phải thấy rõ, quyết tâm dũng cảm, gan dạ, kiên trì dứt bỏ tâm phóng dật, từ giã từ khước, xa lìa tâm phóng dật, phóng dật là tai họa là nguy hiểm. Hãy đi đi đừng ở trong ta nữa.
89. Pháp tham dục. Vì Phật không bao giờ có tham dục, tham ái một cái vật gì hết cho nên chúng ta bắt cái pháp đó phải niệm Phật. Khi một pháp đến khiến cho tâm ta khởi nên tham muốn, ta liền lấy pháp đó niệm Phật. Phật thì không còn tham muốn, lấy pháp niệm Phật thì pháp đó vô tham.

90. Đây là pháp tham dục, tham dục là một pháp ác khiến cho mình khổ người khác khổ. Vì vậy chúng ta phải đoạn dứt pháp này, xa lìa pháp này trong tâm ta và pháp tham dục này phải rời khỏi tâm ta, phải đi đi đừng ở trong tâm ta nữa.
91. Đây là cái pháp tham dục, tham dục là một pháp ác khiến cho mình khổ người khác khổ vậy ta phải đoạn dứt pháp này, xa lìa pháp này trong tâm ta. Và pháp tham dục này phải rời khỏi tâm ta, phải đi đi đừng ở trong tâm ta nữa.
92. Pháp tham ái là một pháp cực ác nó mang đến cho con người muôn vàn sự đau khổ sau này. Ta phải dứt và viễn ly pháp ác này. Tham ái hãy đi đi đừng ở trong tâm ta nữa. Từ đây về sau pháp tham ái này phải dứt trừ nơi tâm ta vĩnh viễn.
93. Pháp tham ưu là pháp đem đến cho ta những tham muốn, bất toại nguyện nên ta sanh tâm sầu khổ, ưu bi. Nó là một pháp ác không phải là pháp thiện. Lấy pháp ác niệm Phật biến pháp ác thành pháp thiện. Vậy từ đây pháp tham ưu sẽ trở thành pháp không tham ưu. Và ta luôn luôn cảnh giác pháp tham ưu xa lìa, từ khước, đoạn dứt pháp tham ưu trong tâm ta.
94. Pháp tham ăn là pháp chạy theo dục lạc thế gian khiến ta phải chịu thọ khổ trong biển sanh tử luân hồi. Đó là một pháp ác, ta phải viễn ly, từ giả, đoạn dứt. Thấy tất cả các thực phẩm, ăn uống là thứ thuốc trị bệnh đói. Các pháp thực phẩm là pháp bất tịnh, hôi thúc, bẩn thỉu, ghê tởm như đống rác thúi, như đóng phẩn hôi, nuốt vô khỏi cổ là không còn khả hỷ khả lạc khả ái nữa. Chỉ toàn là một thứ ảo giác gạt người ngu si, mới tham mới ham thích cái ăn của thực phẩm. Từ đây ta phải xa lìa, không chạy theo cái ưa thích ăn ngon nữa, giống như Phật.
95. Pháp tham mặc là một pháp xấu ác, làm mất phạm hạnh của người tu. Người ngoài nhìn vào chê cười phỉ báng Phật pháp. Và nếu còn sanh ưa thích mặc đẹp, mặc y áo tốt đẹp đó là ta chưa ly dục ly ác pháp được thì làm sao mà chúng ta dự vào dòng Thánh được. Biết vậy ta phải lìa xa pháp tham mặc, từ giã viễn ly sống đúng đời sống phạm hạnh để ly dục ly ác pháp cho trọn vẹn. Pháp y tốt y xấu phải viễn ly nơi đây ta không chấp nhận ác pháp này.
96. Pháp mà tham tiền bạc là rắn độc, là ông chủ độc tài đầy gian ác. Ta hãy tránh xa, từ bỏ, từ khước, không bao giờ nhận tiền bạc của ai hết. Tiền bạc hãy đi đi ta không nhận ngươi đâu, ngươi hãy đi đi cho khỏi nơi tâm ta.
97. Ngày đêm Phật tỉnh thức không bao giờ có như kẻ phàm phu. Do thế mà bắt cái pháp này niệm Phật ta phải đi kinh hành như Phật. Mình thấy trong cái đời sống của đức Phật là ông Phật ổng đi kinh hành nhiều chứ đâu phải ổng đi kinh hành ít.
98. Cái thứ hai phải tập tỉnh thức như Phật.
99. Ta phải tập tỉnh thức trong giấc ngủ.
100. Pháp tham ngủ là cái pháp vô minh, si mê. Người đệ tử của Phật phải quyết tâm xa lìa pháp này vĩnh viễn, từ khước và chiến thắng pháp này không để ở trong thân tâm ta nữa. Pháp tham ngủ là một pháp cực ác với người tu sĩ của đạo Phật. Từ đây pháp này hãy đi đi không được ở trong tâm ta nữa. Pháp tham ngủ phải lìa xa thân tâm ta, phải đi đi không được ở đây.
101. Danh là một pháp khiến cho người ta ham mê thích thú, hãnh diện. Dù ít dù nhiều con người dễ bị pháp danh lôi cuốn và cám dỗ khiến cho họ lạc mất đường tu hành giải thoát, trở lại đắm chìm trong biển khổ sanh tử luân hồi mà họ không hay biết.
102. Phật thì danh lợi đã xả hết, đã thắng hết rồi. Nên khi pháp này niệm Phật thì tâm Phật bất động trước nó, do thế tâm ta cũng bất động không bị pháp danh xỏ mũi. Nghĩa là chúng ta, khi mà chúng ta biết nó rồi thì cái danh nó không xỏ mũi chúng ta được, nó không dắt chúng ta được.
103. Pháp tham danh là một pháp cực ác cám dỗ tu sĩ xa lìa phạm hạnh, xa lìa con đường giải thoát. Pháp này dẫn dắt những tu sĩ háo danh háo lợi đi dần xuống địa ngục thọ biết bao tai ương khổ não từ đời này sang đời khác. Những tu sĩ hiện tại đang phá hủy giáo pháp và giới luật của đức Phật. Họ đang xuống dốc theo đà dục lạc thế gian. Biết vậy ta hãy ngăn ngừa nó và tận diệt nó để không dính mắc nơi tâm ta để ta thật sự đi trên con đường giải thoát của đạo Phật. Pháp tham danh hãy đi đi không được ngự trị nơi tâm ta, hãy đi đi xa lìa những vị tu hành phạm hạnh.
104. Lợi là một pháp cực ác cám dỗ tất cả mọi người, làm mờ mắt những kẻ trí.
105. Cái pháp mà tham lợi nó là pháp ác, nó khiến cho người tu mất phạm hạnh, khiến cho người tu phá giới, nó khiến cho người tu sĩ xa lìa con đường giải thoát, khiến cho người tu phải xa cách Phật. Vì thế gặp pháp lợi này thì ta hãy mạnh dạn đoạn dứt xa lìa từ khước, không chấp nhận, cho nó ở ngoài ta đừng cho nó ở trong ta. Ta luôn luôn lấy hạnh thiểu dục tri túc mà làm đầu. Có cái pháp lợi đến ta hãy đuổi nó đi. 
106. Pháp lợi độc ác kia ngươi hãy đi đi, ta không chấp nhận ngươi, ngươi phải lìa nơi tu hành của ta, đừng có ở đây nữa, đi đi.
107. Pháp tham sân là một pháp rất ác nó làm cho tâm ta đau khổ, người cũng đau khổ. Pháp tham sân là cái pháp hung dữ.
108. Pháp sân là một pháp rất ác, làm cho khổ mình khổ người. Người tu sĩ đạo Phật có tâm sân thì mất hết oai nghi tế hạnh, từ bi không còn xứng đáng là người tu sĩ của đạo Phật nữa, không còn sống đúng phạm hạnh của đạo Phật. Pháp sân hãy đi đi đừng ở đây với người tu hành- tu hành đạo từ bi. Pháp sân hãy đi đi, đi cho khỏi nơi đây đừng ở đây nữa.
109. Quả đúng thật là cái thân vô thường, nên cái sự vô thường này đã đưa con người đến chỗ khổ đau muôn vàn. Vì thế ta biết rõ thân không phải là của ta, không phải là bản ngã của ta. Từ đây về sau ta đừng dại dột lầm chấp ngã là của ta nữa. Ai có chửi mắng mạ nhục thân này ta không được giận hờn thù oán họ.
110. Hận là lòng căm giận oán hờn sâu sắc đối với kẻ đã làm hại mình. Hận là giận hoài không nguôi, ôm ấp trong người, thấy cái người hại mình, sanh ra căm tức và oán ghét, thấy không muốn nói chuyện, không muốn gần họ. Hận là một pháp rất ác khiến cho người ôm hận phải triền miên, phải tùy miên là liên tục ở trong lòng của mình luôn luôn nó không có lúc nào có khoảnh khắt nào mà chúng ta an vui được mà tìm mọi cách mà để hại người đó cho được, giết người đó cho được, phải rửa hận mới được, mới thấy được an vui, chứ còn không thì nó còn tùy miên ở trong đó, nó kéo dài dài cái hận hoài ở trong lòng, đau khổ mãi mãi trong tâm, không nhớ thì thôi mà nhớ đến thì căm tức vô cùng.
111. Hận thù là một pháp cực ác, khiến tâm ta luôn luôn bất an và căm ghét. Ta phải từ dã, viễn li, dứt bỏ không được mang nó ở trong lòng, trong tâm ta phải hận thù. Lòng hận hãy đi đi, hãy xa lìa nơi tâm ta vĩnh viễn.
112. Thù là một pháp cực ác khiến cho tâm ta bất an, khổ sở vô cùng, lúc nào cũng tìm cách trả thù, đầu óc tối tăm không còn sáng suốt phân biệt đâu thiện. đâu ác, đâu chơn, đâu giả, do thế tâm càng khổ sở hơn. Thù là một pháp ác, hãy đi đi ra khỏi nơi tâm ta, đi đi không được ở nơi đây nữa. 
113. Lòng thương yêu nhỏ hẹp khiến ta nhiều đau khổ, vậy từ đây ta phải thương yêu tất cả chúng sanh như cha mẹ, anh em, chị em ruột thịt của ta, như chồng vợ, con cái và con cháu. Ta đối với những người thân cũng như những người không thân, bình đẳng như nhau, không được xem người này hơn người kia, không được xem người kia kém người nọ. Phải luôn luôn xót thương chúng sanh như con ta vậy.

114. Pháp ghét là Pháp đối đãi với Pháp thương, thương thì cũng khổ, mà ghét thì cũng khổ. Do thế, Pháp ghét là Pháp làm khổ người làm khổ mình. Người tu sĩ đạo Phật khi gặp pháp này bắt nó niệm Phật liền. Pháp thương thì biến nó thành từ bi, mà pháp ghét thì bắt nó niệm Phật biến nó thành pháp hỷ và pháp xả.
115. Pháp ghét là một pháp cực ác khiến cho tâm ta đau khổ và người khác đau khổ từ kiếp này sang kiếp khác. Pháp ghét phải đi đi. Tâm ta luôn luôn phải đề cao cảnh giác, không được ghét ai hết, dù kẻ đó có giết chết ta ta cũng không được ghét.
116. Pháp ghét phải đi đi. Tâm ta luôn luôn phải đề cao cảnh giác, không được ghét ai hết, dù kẻ đó có giết chết ta ta cũng không được ghét.