Sunday, March 30, 2014

VƯỢT QUA 6 LOẠI TƯỞNG

(...)
Còn bây giờ thì Thầy sẽ trả lời cho quý thầy qua cái chỗ thưa hỏi của thầy Thiện Thuận:
Hỏi:
Kính bạch Thầy, xin Thầy hoan hỷ hướng dẫn dạy cho chúng con vài câu trạch pháp để hướng tâm xả các loại Tưởng?
Đáp:
Ở đây thì Thầy đã từng dạy qua cái bài mà “Tẩu hoả nhập ma”. Vừa rồi Thầy có phân tích cho quý thầy thấy đó, nó có 16 cái loại Tưởng chứ không phải là 6 loại Tưởng. Nhưng hôm nay trên bước đường mà chúng ta tu tập, thường thường là chúng ta gặp sáu cái loại tưởng. Vì vậy mà khi cái người tu nhập được Nhị thiền, diệt được tầm tứ rồi, mà tiến bước ở trên con đường này để nhập tới Tam thiền, thì cái quãng đường này để mà nhập được Tam thiền thì sáu cái loại Tưởng này thường hay xuất hiện, do sáu cái loại Tưởng này xuất hiện làm cho cái người tu khó mà nhập được Tam thiền. Thường là rơi vào trong các loại tưởng này. Vì vậy mà thầy Thiện Thuận xin Thầy cho một cái câu pháp hướng để loại trừ, xả các cái loại Tưởng đó. Do Thầy thấy cái câu hỏi thích nghi, hợp thời, giúp cho những người tu Thiền sau này. Vì vậy mà Thầy ghi lại cho những cái Pháp hướng này.
1. Sắc tưởng
Sắc tưởng thì như là hào quang, ảnh Phật và các hình ảnh Tổ, cũng như là các cảnh giới núi non rừng rú hoặc là hang động mà chúng ta ở đây mà chúng ta ngồi thiền mà chúng ta thấy hiện ra những cảnh giới đó hoặc là thấy cảnh cõi trời Đâu Xuất, hoặc là thấy cảnh Cực Lạc, hoặc là thấy Đức Phật Di Đà, hoặc là thấy hào quang ánh sáng hoặc thấy hoa sen...v.v. À, tất cả những cái Sắc tướng đó mà trong khi chúng ta ngồi đây mà chúng ta thấy được những cái hình ảnh đó, thì đó gọi là Sắc tưởng.
“Sắc tưởng là hình ảnh của ảo giác thể hiện ra không phải là chánh pháp, phải đi đi, đừng ở trong ta, đừng ngự trị trong khi ta đang luyện tập tu thiền”.
Đó là cái câu Pháp hướng thứ nhất để chúng ta đuổi cái Sắc tưởng ra khỏi cái nơi mà chúng ta tu tập, nhưng khi mà chúng ta đuổi nó đi như vậy đó, thì chúng ta phải hướng tâm: “Sáu cái Thức phải bám chặt vào tụ điểm, ôm chặt hơi thở, không được tách lìa ra, không được theo sắc tướng đó”. Thì mình phải hướng tâm nhắc nó. Mặc dù là nhắc Sắc tưởng phải đuổi đi mà cũng phải nhắc tâm mình - sáu thức phải bám chặt tụ điểm, ôm chặt chứ không khéo sáu thức của mình nó sẽ duyên theo cái Sắc tưởng mà nó cho đó là đúng, rồi chừng đó chúng ta sẽ lạc vào tà thiền chứ không có chánh đạo được. Và cũng vì thế mà hầu hết số người mà tu thiền định gặp những cái nơi này, gặp những cái Sắc tưởng này họ cho đó là cảnh giới mà họ đã đạt được, rồi họ sẽ rơi vào cái cảnh giới ma chứ không phải là nhập được mà Tam Thiền.
2. Thinh tưởng
Về cái phần thứ hai gọi là Thinh tưởng, là âm thanh do ảo giác sanh ra không phải là chánh pháp mà là tà pháp. Ta đừng lưu ý đến âm thanh ấy, đây là câu ám thị đây:
“Thanh tưởng là một loại âm thanh do tưởng uẩn sanh ra, nó là loại ma khiến ta mất Chánh định, hãy đi đi.  Tâm không được chú ý đến nó, hãy bám chặt tụ điểm và hơi thở”.
Đó là cái câu ám thị để chúng ta nhắc để mà chúng ta bám cho chặt cái hơi thở để mà lìa xa cái âm thanh đó. À, hầu hết là có một số quý sư như nhà sư Ajahn Chah  đã nghe âm thanh nổ ở trong đầu của mình và nghe những cái trạng thái mà thay đổi ở trong thân tâm của mình rút vào và nhả ra. Đó là những cái trạng thái thuộc về Thinh tưởng cũng như là những cái trạng thái đó gọi là Xúc tưởng mà Ngài tưởng đó là cái chỗ nhập định của Ngài. Cho nên cuối cùng thay vì Ngài tu theo bốn Thiền của Phật thì Ngài phải nhập Tam Thiền, Tứ Thiền. Đằng này ngài tới đó Ngài tưởng ngài đã thành tựu được Đạo, cho nên Ngài mới đem ra Ngài quán đi, Ngài dùng cái quán đi. Và Ngài dạy người ta ở trên cái cuốn sách “Mặt hồ tĩnh lặng” đó. Thì Ngài dạy người ta tu Thiền để tự nhiên mà vào mà trong khi Phật dạy chúng ta: Phải thiện xảo mà nhập Định, mà thiện xảo an trú trong Định, thiện xảo sống trong Định, rồi thiện xảo xuất Định, chứ không phải để tự nhiên mà vào. Cho nên qua những cái bài mà Ngài dạy ở trong cái cuốn sách của Ngài và cái hồi ký tu hành của Ngài thì đương nhiên là Ngài chỉ mới có ở trong cái chỗ là diệt tầm tứ, chưa được đi qua cái lộ trình của Tam thiền mà Ngài đã cho rằng mình đã nhập được Thiền định.
Cho nên đó là cái sai của người sau, không thấy được cái lộ trình của Bốn Thiền nó rõ ràng và cụ thể. Cho nên cứ tưởng rằng mình đã đạt được. Vì vậy có một nhà sư ở bên Miến Điện, Ngài tu nương vào cái hơi thở, thấy cái bụng mình phình lên xẹp xuống rồi cứ theo đó mà nhắc phình lên xẹp xuống. Thế rồi sau thời gian nhiếp tâm ức chế vọng tưởng bằng cách mà dùng cái hơi thở như vậy rồi Ngài sanh ra một cái pháp gọi là ‘Minh sát tuệ’, để rồi từ đó hướng dẫn người sau này cũng chẳng ai biết Thiền định của Phật như thế nào đúng, như thế nào sai?
Bởi vì ngay từ lúc đầu mà chúng ta tu hành để ly dục ly ác pháp thì chúng ta đã dùng những cái Pháp quán, chúng ta đã suy tư thấu triệt để dùng những cái tri kiến và đến cái tri kiến giải thoát để phá dỡ Ngũ triền cái và Thất kiết sử, đặt xuống tất cả để cho lậu hoặc không còn nữa. Do thế chúng ta mới ly dục, ly ác pháp mà chúng ta mới nhập được Sơ Thiền.
Chứ không phải đợi khi mà có Định rồi thì bắt đầu từ cái chỗ hết tầm tứ rồi thì mới dùng cái pháp quán, điều đó là cái sai của đạo Phật.
Ngay từ lúc đầu chúng ta đã thân cận bậc Thánh, thân cận các pháp Thánh, thân cận các bậc Chơn nhơn, thân cận các Pháp chơn nhơn, do đó chúng ta có một cái tri kiến chúng ta hiểu biết cái pháp của chơn nhơn, cái pháp của bậc thánh như thế nào? Chừng đó mà chúng ta mới đem những cái Pháp này ra để chúng ta quán trạch về cái Thân – Thọ - Tâm - Pháp của mình, thân ngũ uẩn của mình, tất cả các Pháp ở trong thế gian này vô thường, khổ, không, vô ngã như thế nào? Từ đó chúng ta phát triển thêm cái tri kiến giải thoát của chúng ta, làm chúng ta thấu suốt được cái lý vô thường vô ngã của nó, cái lý mà khổ của nó rất là sự thật, không còn sai nữa. Do đó mà chúng ta mới phá dỡ cái lậu hoặc của tâm của mình. Chừng đó chúng ta mới thấy rằng cái con đường mà quán xét không phải đợi chúng ta diệt tầm tứ ức chế tâm mình hết vọng tưởng rồi mới là quán xét, không phải điều đó đâu.
Cho nên một cái nhà Thiền học ở Trung Hoa, Ngài Thiên Thai ngài mới đẻ ra cái pháp môn “Lục diệu pháp môn”. Ngài mới nghĩ rằng Sổ, Tuỳ, Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh. Nghĩa là Ngài phải sổ tức để mà ức chế cái tâm của Ngài rồi bắt đầu Ngài nương theo hơi thở để mà chỉ tầm và tứ. Do đó Ngài được chỉ, từ cái chỗ chỉ đó Ngài mời quán ra, do đó Ngài cũng đi sai.
Vì do cái sự ức chế tâm mà quán ra thì chúng ta sẽ trở thành, cái ức chế tâm đó nó sẽ trở thành cái Pháp tưởng và cái Pháp tưởng quán ra tưởng là mình xong.
Không ngờ ngay từ lúc đầu mà cái vị tu sĩ của đạo Phật, đức Phật đã bảo đi ra cái đồng mã xem cái thây ma xình hôi thối rồi mới trở về đặt cái Niệm thây ma đó trước mặt rồi tưởng ra, quán cái thây ma đó để mà lật bề trái của cái thân của chúng ta. Cái thân và cái tâm của chúng ta xem nó là Bất tịnh thật sự như vậy. Như vậy làm cho chúng ta mới xa lìa cái ngã, làm chúng ta mới không còn chấp cái thân này là thật, cho nên chúng ta mới xả bỏ nó đi, làm cho Lậu Hoặc chúng ta mới quét sạch.
Chứ đâu phải là Phật dạy chúng ta phải ức chế tâm cho hết vọng tưởng rồi, chỉ rồi bắt đầu mới quán, thì như vậy các ngài mới đẻ ra cái Thiền minh sát tuệ này thì đúng. Nhưng mà bây giờ đẻ ra như vậy là chúng ta đã thấy lệch lạc cái con đường của Phật pháp rồi. Và thiền sư của Trung Hoa - ngài Thiên Thai cũng đã đi làm lệch lạc mất cái con đường của đạo Phật rồi, không đúng.
Ngay từ lúc đầu Thầy sẽ dạy cho quý thầy tu phải đặt cái niệm để mà quán, từ cái Tỉnh thức để cho quý vị đặt cái niệm nó mơi sáng suốt ra. Nó làm cho quý vị phá đi từng cái mảnh nhỏ của lậu hoặc ở trong thân tâm của quý vị. Từ đó quý vị mới có ly dục ly ác pháp. Cho nên tâm quý vị mới được thanh thản, mới được vô sự. Tiến tới thì quý vị mới tịnh chỉ tầm tứ, mới nhập Nhị Thiền. Ở đây thì chưa có gì thì quý vị cứ lo tịnh chỉ tầm tứ để nhập Nhị thiền mà trong khi Sơ thiền thì ê chề. Nhìn cuộc sống của quý vị thì chạy theo dục lạc ăn uống, một ngày hai ba bữa, ngủ nghỉ thì không đúng giờ giấc. Còn tham ăn tham ngủ, còn tham Chùa to Tháp lớn. Thì thử hỏi quý vị làm sao mà ly dục ly ác pháp được, mà gọi là ức chế tâm mình để rồi minh sát ra để làm cho sự giải thoát. Thì như vậy là đi ngược lại con đường giải thoát của đạo Phật mất rồi, đâu có đúng cái hạnh của đạo Phật.
Cho nên nhìn chung, Phật giáo trên thế giới bây giờ không có ai chứng đạt được sự giải thoát thực sự là tại vì sống không đúng cách, sống không đúng cách của giới hạnh của Phật, của giới đức của Phật. Cho nên cái người tu nó đã lệch mất, vì vậy mà con đường giải thoát nó cũng bị chôn vùi.
Do cái sự Thinh tưởng này mà người ta tưởng mình đã chứng Đạo, do ngồi Thiền nghe âm thanh, nghe trong đầu có tiếng nổ, nghe cả vũ trụ này như tan tành. Tất cả những cái sự thay đổi trong thân của chúng ta trong thân của chúng ta như là vừa rồi như thầy Thiện Thuận có nói là nó sôi lụp bụp ở trong thân, nó sôi lụp bụp như vậy, tất cả những cái điều này hoàn toàn thuộc về Thinh tưởng.
Khi mà chúng ta nghe có những cái tiếng động mà trong thân của chúng ta xảy ra điều này, thế kia thì chúng ta biết nó là Thinh tưởng. Khi ngồi thiền nhiếp tâm không còn vọng tưởng mà lại nghe cái tiếng động ve ve trong tai chúng ta, hoặc nghe tiếng đức Phật Quán Thế Âm dạy pháp chúng ta phải tu như thế này, phải phản văn tự tánh như thế kia, thì cái này toàn là cái loại ma, không phải thật là Quan Âm hay là Tổ hay là ai dạy chúng ta hết, đó toàn là Thinh tưởng, do cái Tưởng, cái Thinh tưởng của chúng ta mà phát ra âm thanh đó mà thôi, chúng ta hãy dẹp đi.
Có nhiều người họ lại còn dùng cái Pháp tưởng họ ngồi im lặng rồi họ đặt một cái câu kinh nào đó mà họ không hiểu, họ mới tự hỏi vậy câu kinh này cái nghĩa như thế nào? Rồi họ ngồi im lặng đó, bắt đầu từ ở trong cái Pháp tưởng xuất hiện ra, do đó họ hiểu được cái lý của câu này hoặc là Công án của câu đó. Do đó họ nói rằng họ đã ngộ và có một cái trí tuệ. Đây là cái trí tuệ ma, cái trí tuệ của Pháp tưởng, chứ không phải là của cái người mà có trí tuệ thật của đạo Phật.
Đó thì gặp cái trường hợp mà Thinh tưởng đó, thì quý thầy dùng cái pháp này mà đuổi nó đi, tống cổ cho nó ra khỏi, đừng có theo nghe âm thanh đó mà ngồi đó mà hưởng cái âm thanh đó thì nó sai. Đừng có cho âm thanh đó là đúng mà đó là cái loại ma mà chúng ta cần phải vượt qua. Vì vậy mà Phật gọi là “ly hỷ mà trú xả”. Bây giờ chúng ta trú xả là trú ở đâu? Tức là chúng ta phải trú ở cái hơi thở của chúng ta để mà bám chặt đó để mà vượt qua tất cả những cái trạng thái mà trạng thái xảy ra của sáu cái loại Tưởng này. Nó làm cho mỗi trạng thái đến, nó làm cho chúng ta có cái tâm vui mừng ở trong đó. Vì có những cái sự vui mừng đó, cho nên Phật gọi là ly hỷ, ly cái trạng thái mừng đó, tức là Sắc Thinh Hương Vị Xúc Pháp đó, chứ không phải ly cái mừng mà ly cái trạng thái Tưởng đó, cái trạng thái nó làm cho chúng ta có cái niềm vui mừng ở trong đó. Cho nên đức Phật gọi là ly hỷ mà nhập Tam thiền.
Đó, mà ly hết cái trạng thái này thì chúng ta đã nhập Tam thiền. Còn nếu mà ly chưa hết thì chưa có nhập Tam thiền. Cho đến khi mà chúng ta ly, ly đến cái mức cuối cùng mà chúng ta không còn chiêm bao nữa thì như vậy đó là chúng ta mới trọn vẹn mà nhập Tam thiền. Còn một người tu sĩ mà còn chiêm bao thì đừng có mong mà rớ tới Tam thiền.
3. Hương tưởng
À, Bây giờ chúng ta tiếp tục tới cái Hương tưởng. Hương tưởng là một cái loại mùi thơm của Tưởng uẩn sanh ra, nó không phải là chơn pháp, toàn là tà pháp. Người tu sĩ cần phải đề cao cảnh giác và dùng Pháp hướng, để mà tiêu diệt nó, để mà dứt trừ nó. Một cái người ngồi thiền ở xung quanh chúng ta không có cái mùi thơm, không có một cái bông hoa nào hết, bỗng nhiên nghe cái mùi thơm phảng phất, rồi chúng ta nói: à, như vậy thì mình nói chắc có lẽ là có Chư thiên rồi, có Phật xuống chứng rồi, cho nên mình ngồi thiền không có vọng tưởng đây chắc là có trời Phật có Chư thiên xuống chứng minh rồi đó. Cho nên cái mùi thơm này là mùi thơm của Chư thiên đây, do cái chỗ đó là cái chỗ bị ma gạt chúng ta rồi. Cho nên nghe cái mùi thơm mà ở đây không có hoa, không có bông, không có nước hoa, không có gì hết mà lại có mùi thơm này, thì chúng ta biết đó là cái Hương tưởng.
Cho nên chúng ta cảnh giác, từ đó chúng ta bám chặt cái tụ điểm hơn và nương vào cái hơi thở mạnh hơn để không cho cái tâm của chúng ta duyên qua cái mùi thơm đó. Vì cái mùi hương đó nó sẽ tác động làm cho tâm chúng ta duyên theo nó, mà làm cho chúng ta mất Định đi, do vì vậy mà nó dẫn chúng ta đi vào một cái Định của Tưởng, không còn là ở trong cái Định chơn thật của cái Định mà chúng ta đang tu tập. Đây là cái câu trạch pháp:
“Hương tưởng là mùi thơm của ảo tưởng sanh ra khiến tâm ta mất chánh định, hương tưởng hãy đi đi, tâm không được chú ý theo nó, hãy bám chặt vào tụ điểm và hơi thở, nhất là tỷ thức (lỗ mũi) phải nằm yên lặng, không có được nghe cái mùi hương đó nữa”.
Chúng ta phải hướng tâm mà nhắc nó và đồng thời cũng kêu gọi cái tỷ thức của chúng ta phải nằm cho yên ở trên cái tụ điểm, và đồng thời khi mà chúng ta hướng tâm như vậy mà không nghe cái mùi hương nữa, tức là chúng ta đã chiến thắng được cái loại ma đó rồi.
Đó, như vậy là chúng ta đã thành tựu được, đuổi được cái loại ma này, còn nếu không thì chúng ta bị nó dẫn chúng ta đi, nó xỏ mũi chúng ta đi.
4. Vị tưởng
Thứ tư là Vị tưởng, là do một vị ngon ngọt xuất hiện nơi vị căn của chúng ta, đây là một loại ảo giác tà pháp, không phải là chánh pháp, ta hãy xa lìa, không nên lưu ý nó.
Có nhiều người nói tôi ngồi thiền bắt đầu sao tôi ra nước miếng (nước bọt) mà nuốt vào sao nghe nó ngọt, nó ngọn như nước Cam lồ vậy. Có lẽ là hôm nay ta tu nó sanh ra Cam lồ rồi. Nuốt ba cái thứ này vô chắc có lẽ nó trường thọ đó, cho nên ráng mà nuốt nước miếng, nuốt riết cho nên cái bụng chang bang ra, mà cuối cùng thì nó chẳng phải là cam lồ gì hết, mà ba cái Vị tưởng mà nó xuất hiện. Cho nên cái vị này ngồi riết, ngồi riết rồi nuốt ba cái nước miếng dơ bẩn đó mà đầy bụng của mình, tưởng là ngon, nhưng mà cuối cùng thì bị cái ma cái Vị tưởng này nó đã gạt lướt.
Cho nên cuối thì cũng có nhiều người về đây nói với Thầy, sau cái thời gian mà con ngồi con tụng kinh Pháp Hoa, sao lại có lúc nước miếng ở trong con, con nuốt sao nghe nó ngọt quá chừng. Như vậy là trong kinh Pháp Hoa nói là Cam Lồ đã xuất hiện rồi, người mà tụng kinh Pháp Hoa đến cái mức mà cái nước miếng ngọt. Đó là cái người đó sắp sửa được sanh về cái cõi trời hoặc là cái cõi Phật nào đó chứ không phải là còn thường nữa. Đó là những cái vị mà người ta đã tụng kinh Pháp Hoa mà người ta đã có những cái kết quả đó. Còn gặp Thầy thì cái loại này là cái loại ma, nó gạt người ta chứ chưa có thực sự là được sanh lên cõi nào hết. Cho nên cuối cùng thì những vị này, khi mà bỏ thân họ, Thầy thấy dường như họ cũng quá đau khổ, không có cái sự giải thoát nào, cũng không có sự làm chủ nào cho cái sự tưởng tượng của họ như vậy.
Cho nên ở đây chúng ta phải dùng cái câu pháp hướng này để mà trị cái Vị tưởng:
“Vị tưởng là một ảo giác sanh ra ngon ngọt nơi lưỡi khiến cho chúng ta thích thú, ưa mến, khiến cho ta mất Thiền định. Vì thế Vị tưởng hãy đi đi, tâm ta không được lưu ý đến nó nữa. Hãy bám chặt tụ điểm và hơi thở, không được lơ lỏng theo Vị tưởng”.
Đó là chúng ta phải ra lệnh và cấm sáu thức của chúng ta phải bám cho chặt, không có được theo cái chỗ đó nữa. Mặc dù bây giờ nước miếng chúng ta đang tiết ra cái mùi ngon ngọt như thế nào chúng ta cũng chẳng lưu ý đến nó nữa. Đó là cái phần mà chúng ta diệt cái Vị tưởng. Đó là cái phần thứ tư.
5. Xúc tưởng
Xúc tưởng là phần thứ năm, là một cảm giác khinh an hỷ lạc, khiến ta thích thú ưa mến và khiến ta mất Định. Xúc tưởng là một loại tà pháp gây mê thích say đắm cho người tọa thiền. Cho nên cái người mà gặp cái trạng thái hỷ lạc hay khinh an thì họ thường là nhúc nhích thân, họ động hoặc là ngước ngước lên như này, hoặc là họ động cúi cúi xuống như này. Mỗi lần mà có cái hành động ngước lên hay cúi xuống như vậy đó, họ nghe cái trạng thái nó làm cho thích thú họ. Tức là một cái người tu thiền mà gọi là ly dục mà sanh hỷ lạc thì không có nghĩa là có một cái trạng thái nào thích thú nào ở trong đó hết thì mới gọi là ly dục. Còn cái này nó làm cho chúng ta thích thú, làm chúng ta thấy nó sảng khoái, êm ả, làm chúng ta rất là ham thích. Mỗi lần ngồi thiền mà có những cái trạng thái đó thì chúng ta nói khoái thiệt, ngồi thiền như vậy là thích thiệt. Vậy thì thôi đi ra tiệm kia ăn hủ tiếu đi cho nó còn thích hơn, còn sướng hơn là ngồi thiền. Ngồi thiền chi cho đau chân mà đi tìm cái chuyện cực khổ như vậy.
Cho nên ở đây Thầy nói thực sự ở thế gian người ta cũng có những cái dục lạc như vậy. Mà bây giờ ngồi thiền mà cứ đi tìm cái đó, thì cái người này thiệt là chưa có biết cái chỗ mà ly dục, ly ác pháp để mà chúng ta có một cái trạng thái do ly dục sanh cái hỷ lạc. Cái hỷ lạc của những bậc Thánh, của những bậc chơn nhân thì nó đâu phải là cái hỷ lạc của cái phàm phu tục tử như vậy. Ngồi đó mà gục gù gục gù cũng như con cu mà gáy để mà thưởng thức những cái an lạc đó thì có thấm nhò gì với cái chuyện mà ở đời người ta chạy theo cái dục lạc thế gian đâu. Người ta uống cái ly rượu người ta cũng gật gù, người ta hút cái điếu thuốc người ta cũng gật gù, người ta kéo một cái điếu thuốc phiện người ta cũng gật gù người ta cũng sảng khoái người ta, thì mình ngồi thiền cũng gật gù gật gù thì thử hỏi có phải giống như vậy không?
Cho nên có một Nhà sư viết ở trong một cái bài báo làm cái người ngồi thiền cũng như là một cái người mà hút thuốc phiện, nó cũng là sảng khoải như vậy hết, thiền nó cũng thích thú như vậy. Thiệt ra đó là cái thứ thiền dục lạc, cái thiền tà chứ đâu phải cái thiền của Phật. Thiền của Phật thì phải ly tất cả những trạng thái làm chúng ta thích thú đó chứ. Thế mà vị Thiền sư đó cũng gọi là Thiền, thì thật ra cả thế giới đăng cái bài báo đó mà Việt Nam chúng ta cũng trích dịch ra mà đăng trong cái báo Giác Ngộ. Thầy đọc Thầy thấy mắc tức cười, cái chuyện mấy ông thiệt là chưa biết thiền định, cho nên ông này đạp cứt thì ông nào ông nấy cũng đạp theo thối cả đám hết mà không thấy thối.
Đó là cái sai, mà cái sai của người này dẫn dắt tới người kia cũng là cái sai, tưởng đâu là ngồi thiền cũng như hút thuốc á phiện vậy đó. Khoái như vậy đó, lâng lâng cũng như đi vào cõi tiên như vậy đó, thì cái đó là cái tầm bậy. Ở đây là bị cái Xúc tưởng hỷ lạc sanh ra những cái trạng thái điên khùng đó cho nên tưởng đâu là đúng. Ai ngờ đâu chỉ ức chế tâm không vọng tưởng rồi bắt đầu từ đó nó sanh ra những cái trạng thái điên khùng đó. Chạy theo những cái tâm ham muốn phàm phu tục tử chứ đâu phải là thiền của những bậc Thánh.
Cho nên ở đây chúng ta nên làm cái câu pháp hướng này để mà chúng ta đuổi cái Xúc tưởng này ra khỏi cái tâm chúng ta để chúng ta tiến tới con đường nhập Tam thiền:
“Xúc tưởng là một loại hỷ lạc ma, ta hãy đuổi nó đi ra khỏi tâm ta, xúc tưởng hãy đi đi ta không chấp nhận ngươi. Ta phải bám chặt tụ điểm và hơi thở đoạn dứt chúng tức khắc, không được theo trạng thái này nữa”.
Đó thì chúng ta phải dùng pháp hướng đó và nhắc cái tâm của chúng ta. Thỉnh thoảng chúng ta còn nghe cái cảm giác hỷ lạc, cái thân chúng ta còn hơi rung động theo cái kiểu gật gù cũng như người hút thuốc phiện cũng như cái thằng uống rượu mà nó gật gù gật gù cái kiểu nó thấy thích thú đó, thì chúng ta cũng nên chấm dứt cái đó đi. Còn không thì đứng dậy mà đi kinh hành chứ đừng có ở đó mà thưởng thức theo cái kiểu thế gian đó.
6. Pháp tưởng
Sáu là Pháp tưởng. Đây là cái Pháp mà hầu hết là thiên hạ vỗ ngực xưng tên tưởng mình là tiểu ngộ, đại ngộ đây, đó là cái Pháp tưởng đây. Pháp tưởng là một cái loại tà pháp do tưởng giải tạo ra, người ngu si mê muội cho đó là trí tuệ phát triển, nên ngộ lần lần những câu kinh tưởng, những câu công án của thiền Đông độ. Họ cho sự hiểu biết đó là tiểu ngộ, khi nào họ ngộ hết những công án là họ cho đó là triệt ngộ. Không ngờ họ bị Pháp tưởng lường gạt, biến họ thành ma hí luận trong đạo Phật. Bởi vì những cái này đều là họ dùng những công án họ hỏi tới hỏi lui họ hét họ la như Lâm Tế chẳng hạn. Họ bị cái ma hí luận của họ rồi, bởi vì Phật nói đó là cái thứ hí luận nói cái này nói cái kia làm như là Trời là Phật vậy đó. Coi như người ta không hiểu, biết cái ý mình muốn gì hết. Chứ sự thật ra cái điều đó là cái điều hí luận ở trong cái đạo Phật, đức Phật đã chỉ cho chúng ta biết. Cái điều đó là cái điều giả dối gạt người chứ không phải thật là cái chỗ Phật pháp. Cái chỗ Phật pháp phải đơn giản, cụ thể, thực tế; biết áp dụng vào là có sự giải thoát ở nơi thân tâm của người ta. Chứ đâu phải hí luận trên trời mây xanh đó, mà để la, để hét, để đập, để bằng những cái lời mắng đó để mà nói những ý gì sâu xa ở trong đó, gọi là Phật, gọi là pháp, gọi là Thánh gì ở trong đó. Đó là những cái lí luận của những kẻ hí luận chơi, chứ không phải là cái chỗ giải thoát.
À, thuyết giảng mơ hồ, đời sống thì phá phạm hạnh, phạm Giới luật, họ thì họ nói triệt ngộ, họ nói công án này công án kia. Họ thầy trò đối đáp nhau như là, coi như là không có cần mà phải dùng cái trí suy nghĩ. Người này nói người kia đáp, kẻ hỏi đông người đáp tây, kẻ hỏi bắc người đáp nam. Nó không ăn nhập vào đích mà thế mà họ cười họ nói đó là ngộ đạo. Bảo họ xách cái thùng thì họ xách cái rổ, gọi là vô phân biệt. Tất cả những cái này, nhìn vào cái đời sống của họ thì họ hí luận cái kiểu làm cái trò cười cho thiên hạ như vậy. Thế mà cái phạm hạnh của họ thì phạm giới luật, ngày thì ăn phi thời, tối thì ngủ ngáy khò khò chẳng có lo gì là giải thoát. Sống thì ở trên nhung lụa, sang cả như những nhà giàu có, thì nhìn cái cuộc sống của họ qua cái hí luận của họ thì chúng ta đã biết họ thuộc cái loại có giải thoát hay là không giải thoát.
Ăn, uống, ngủ nghỉ, danh lợi, sắc họ không có bỏ một cái thứ nào hết trong năm thứ dục lạc của thế gian. Pháp tưởng là thứ pháp tà ác, độc hại đã lường gạt người mà còn lường gạt chính bản thân của người ngộ Pháp tưởng. Nghĩa là chính cái người ngộ Pháp tưởng đó, tưởng mình là Thánh rồi, tưởng mình là Phật rồi tưởng mình thấy Phật tánh được rồi, tức là kiến tánh thành Phật được rồi. Nhưng mà cuối cùng thì thật sự ra họ chẳng có làm chủ được cái sống chết của họ chút nào được hết. Cho nên đến giờ phút ra đi thì ngài Thường Chiếu, Ngài cũng đã nói: “Ta chết như người thường chứ không thể nào mà như người khác được”. Ngài Pháp Loa khi sắp sửa chết Ngài rên hừ hừ hừ, ngài Huyền Quang mới hỏi: “Sao Hòa Thượng lại rên vậy? ” Thì Ngài biết nói làm sao cho đỡ mắc cỡ đây, nói: “Gió thổi qua khe trúc”. Gió thổi qua khe trúc là tại gió thổi qua cái bụi trúc, hai cây trúc nó nghiến nhau nó kêu chứ Ông đâu có đau. Không đau mà rên à? Không có thọ, không tưởng mà rên được sao? Cái điều đó là cái điều che mặt người ta, lấy vải thưa che mắt Thánh. Chứ nếu mà không thọ thì ai làm sao rên, còn ông có thọ ông mới rên chứ, còn gió thổi qua cái bụi trúc làm sao có thọ ở trong đó. Mà hai cây trúc nó cọ nó kêu két két, thì ông cũng nói giống như ông rên cũng giống như là hai cây trúc kêu như vậy. Thì đó là ông che mặt người ta chứ, đâu có thực. Cho nên làm chủ được thì nói làm chủ, không làm chủ được thì nói không làm chủ, đừng có gạt người sau, để bịt con mắt người ngu chứ còn người trí thì không thể nào gạt được. Đó là những cái hình ảnh mà các Tổ Sư gọi là ngộ, mà cuối cùng trong cuộc đời của họ rất là đau khổ.
Pháp tưởng là một tà pháp, ở đây là câu trạch pháp đây:
“Pháp tưởng là một tà pháp không phải trí tuệ chơn thật của người tu sĩ chơn chánh. Nó là một loại ma hí luận, tranh chấp hơn thua cao thấp. Phải xa lìa nó, không chấp nhận nó. Pháp tưởng hãy đi đi, ta không tin ngươi là trí tuệ của đạo Phật. Ngươi hãy đi đi.”
Đó là chúng ta hãy đuổi nó đi, nó không phải trí tuệ của đạo Phật đâu. Cho nên cái người mà đã ngộ cái lí thiền, đã thấy Phật tánh luôn luôn họ gặp với nhau họ rống cái họng họ lên, họ nổi cái gân cổ họ lên họ cãi với nhau, họ tranh hơn tranh thua với nhau, không có chịu thua ai hết. Họ thậm chí như thấy cái người giữ Giới luật họ nói là cố chấp, họ còn chê bai người ta nữa. Nhưng mà họ có sống được không? Họ chưa ăn một bữa được, họ thấy người ta ăn một bữa họ nói cái đó là chấp giới. Rồi có nghe người ta nói cái người đó nhập được Định, làm chủ được cái sống chết nhập Tứ thiền tịnh chỉ được hơi thở, thì họ bảo rằng sở đắc. Người ta tu hành vô sở đắc còn cái thứ tu sở đắc đó mà ra cái gì.
Đó là những cái người ta khinh bỉ, khi một kẻ mà người ta làm được, mình chưa làm được thì mình lại, do là mình khinh bỉ. Cũng như cái ngài Hoàng Bá đi với một vị tu sĩ, khi vị tu sĩ đó đi ở trên mặt nước đi qua sông. Khi qua sông rồi thì vị đó mới quay lại kêu Hoàng Bá: “Anh hãy đi qua bên đây với tôi”.  Ông này đâu có dám lội xuống, lội xuống uống nước chết sao, cho nên nói: “Tôi biết anh mà đi được trên (mặt nước) tôi chặt chân anh rồi.”  Thì ông này quay lại ông cười mũi mà ông khen một cách rất là mỉa mai: “Thiệt là, anh là pháp khí Đại Thừa chứ Tiểu Thừa thì chắc chắn là tụi tôi phải đi ở trên nước được. Còn anh là pháp khí Đại Thừa không dám thọt chân xuống, sợ thọt chân xuống uống nước.”
Đó rõ ràng mà, cái câu chuyện này thật sự chứ đâu phải không. Ông đâu dám thọt chân xuống, sợ nó lút xuống dưới uống nước chết đi. Cho nên mới nói tôi biết anh bước vậy tôi chặt chân anh hồi nãy rồi. Ông này mới nói: “Thiệt là anh pháp khí Đại Thừa chớ còn người thường thì hông có dám vậy đâu”.  Đúng vậy đó, thật sự là mình tu chẳng ra gì hết, nói cái họng của mình thật là pháp khí Đại Thừa, khí đó thật là khí ở trên mây xanh chứ không phải khí ở dưới đất.
Đó là hôm nay Thầy nói như vậy để chúng ta biết những cái Pháp tưởng nó nguy hiểm lắm, mà cái người nào mà lọt trong cái vòng này, rống cái họng mà tranh với nhau dữ lắm chứ không phải thường đâu. Còn chúng ta là những người tu theo Phật phải tránh những cái hí luận này, ai có nói hơn nói thua gì, thì thôi chắp tay, tôi thua chứ tôi không có hơn đâu, tôi ráng mà tôi giải thoát cái tâm của tôi đây mà còn không được. Cho nên có lần Thầy về Thường Chiếu, các thầy bảo Thầy thị hiện thần thông Thầy nói: “Tôi tu hơi thở chưa xong ở đó thần thông gì? Hơi thở tôi nhiếp còn chưa hết, ở đó mà thần thông cái khỉ gì mà thần thông. Bởi vì tôi thua mấy ông hết rồi, tôi chỉ có nương hơi thở thôi, còn mấy ông thì hí luận quá trời rồi”. Thành ra, do đó mà Thầy chịu thua quý thầy hết. Vậy mà không có hí luận với ai hết.
Đó là một con đường tu tập, do vì vậy mà quý thầy phải sáng suốt để lìa xa sáu cái loại Tưởng này. Sau khi mà dạy đến tất cả những cái loại Tưởng khác Thầy sẽ nhắc nhở, vì thời gian chúng ta không còn có nhiều, cho nên chúng ta phải ráng mà cố gắng để học cho nó hết cái giới hành. 

(...)
__________________

Trích từ băng số 55, Giáo án đường lối tu tập đạo Phật, Trưởng lão Thích Thông Lạc giảng cho quý tu sinh Tu viện Chơn Như. 

Toàn bộ giáo án này sẽ lần được đăng tại địa chỉ: http://61cuonbang.blogspot.com/

No comments:

Post a Comment