Saturday, December 28, 2013

QUI LUẬT NHÂN QUẢ

QUI LUẬT NHÂN QUẢ
---Ø«×---
Kính gửi: Cháu Trang
Vạn vật được sinh ra đều phải theo qui luật của nhân quả, không có một vật nào ra khỏi qui luật này. Cho nên có những người hung ác thì cũng phải có những người hiền lành; có những người giàu sang thì cũng phải có những người nghèo hèn; có những người sung sướng thì cũng phải có những người khổ đau; có những người tốt thì cũng phải có những người xấu; có những người quyền cao chức trọng thì cũng phải có những người cùng đinh mạt hạng; có những người chung thủy không lỗi đạo, thì cũng phải có những người không chung thủy lỗi đạo v.v…
Trên đời này mọi sự xảy ra đều do nhân quả sắp xếp. Nhân quả sắp xếp là do tiền kiếp không khéo gieo duyên thiện nên đời này phải trả quả khổ, Nếu trả vay không khéo thì lại vay trả mãi mà không hết. Hoàn cảnh của con xảy ra cũng vậy. Con có biết không?
Cuộc đời quá éo le, tưởng đâu có chồng con để hôm sớm cùng nhau, khi tối lửa lúc tắt đèn, để chia vui sẻ buồn, để an ủi cho nhau khi khổ đau, khi tai nạn và chăm sóc nhau khi đau ốm, bệnh tật v.v..
Nhưng nào ngờ nhân quả quá khắc nghiệt con gặp phải nhân quả không tốt, nên đành phải chịu những nỗi khổ đau riêng mình, phải nuôi và dạy con, phải lo gia đình trước sau một thân mình, phải gánh chịu sự cô đơn, chỉ có một mình quạnh hiu, biết tâm sự cùng ai, biết ai hiểu mình mà tâm sự. Phải không con?
Người xưa bảo: “Làm thân con gái có 12 bến nước, gặp bến trong thì nhờ, gặp bến đục thì chịu”, biết than thở cùng ai!
Đời con là một bến đục, có chồng mà cũng như không. Chồng lo cho chồng, chẳng nghĩ gì đến vợ, chẳng đái hoài gì đến các con, chỉ lo cho bản thân mình, lo cho người khác, để lại một gánh nặng nuôi dạy hai trẻ thơ, khi bệnh tật, khi tai nạn, lúc tối lửa khi tắt đèn, chỉ có một mình thật là khổ đau vô cùng, vô tận. Trước sau chỉ một mình lo toan biết nói gì đây, nói với ai bây giờ? Nghẹn ngào nước mắt cứ tuôn tràn như dòng suối đời khổ đau chạy mãi về phương trời vô tận. Nếu không có hai trẻ thơ này là nguồn an ủi thì phỏng chừng con có sống được hay không? Đêm nằm nghĩ tới nghĩ lui; đời người sống thật vô vị chẳng có gì là nghĩa, là tình, là hạnh phúc cả? Sống mà như chết. Sao con người ở đời bạc bẻo và độc ác đến thế! Bạc bẻo và độc ác hơn lòai thú vật. Loài chim quốc khi chim đực mất chim cái kêu suốt thâu đêm tiếng kêu thương não nùng ai oán, chim cái không còn thiết tha ăn uống nữa, lần hồi chim cái chết theo chồng; chim đực cũng vậy khi chim cái bị lưới rập, bị bắn chết, chim đực cũng kêu suốt ngày đêm tiếng kêu thương từ trái tim chung thủy vang lên không gian một tình thương bất diệt, cho đến khi sức tàn, lực kiệt chim đực cũng chết theo chim cái. Ôi! Thật là lòai chim sống mà chung tình đến thế! Xét lại con người thì sao? Con người sao mà manh tâm giả dối lường gạt vợ con, lan chạ kẻ khác mà không biết xấu, mặt chai mày đá, nay người này, mai người khác như như loài gia súc v.v…
 Biết bao cảnh đời ngang trái, biết bao nhiêu thương đau, làm sao kể cho xiết. Ai làm ra? Lòng tham dục đấy con ạ!
 Ở đời ai là người hiểu đạo đức? Ai là người thấy trách nhiệm và bổn phận làm người sống không không làm khổ mình, khổ người? Ai là người biết hy sinh cá nhân mình để làm tròn bổn phận làm cha, làm mẹ. Tội nghiệp thay cho những đức trẻ mồ côi cha hoặc mồ côi mẹ hoặc mồ côi cả hai. Nhất là chúng ta cũng không thể cầm được những giọt nước mắt thương đau cho những đức trẻ vẫn còn cha lẫn mẹ, nhưng vì ích kỷ cá nhân, cha và mẹ chúng đắm đuối đam mê danh, lợi và sắc dục, đành ly dị bỏ vợ, bỏ chồng, bỏ con chạy theo nhân tình thế thái. Mặc cho những đứa trẻ thơ vô tội sống ra sao cũng mặc, họ vẫn thản nhiên như những người xa lạ, họ xa lìa nhau, đành đoạn bỏ mặc những đứa bé bơ vơ, thiếu tình cha chăm sóc, thiếu lòng mẹ thương âu yếm. Vậy tình thương chăm sóc của cha bây giờ ở đâu? Lòng thương âu yếm của mẹ ở chỗ nào? Những đức trẻ thơ đang chờ đợi, đang mong ngóng từng ngày!!! Nhưng vô cùng tuyệt vọng. Cha như cánh chim trời lộng gió, mẹ thì thui thủi một mình bên các con. Ai là người sinh ra chúng? Ai là người mang nặng đẻ đau? Ai là người nuôi nấng chúng lớn khôn nên người v.v… Tương lai của chúng ra sao? Mờ mịt đen tối. Tội nghiệp thay biết nói gì đây!
Nhìn những cháu bé, con của những người khác đang cấp sách đến trường đang tốt nghiệp Đại học, còn con mình hiện giờ thì ra sao? Mình có gánh vác nỗi hay không, hay để chúng thất học như những đứa trẻ khác. Ôi! Càng nghĩ, ruột đau như ai cắt từng đọan. Thương thân phận bạc phần vô phước. Sống mà tương lai một mầu đen tối, không có chút hy vọng nào mà hòan cảnh xảy ra còn khổ đau nhiều hơn, nhiều hơn nữa.
“Trách ai bẻ gánh cang thường,
Để cho phận thiếp giữa đường bơ vơ”
Đừng buồn nữa con ạ! Hãy vui lên để mà sống, sống xem cuộc đời tràn đầy ác pháp, sống để chuyển biến nhân quả, đừng để nhân quả chuyển biến tâm con, Phải không con?
Hãy can đảm, đầy đủ nghị lực, đứng lên bằng hai chân của mình, chiến đấu tận cùng với bao nhiêu nghịch cảnh, đừng sợ hãi con ạ! Bên con còn có những người cảm thông những nỗi khổ u hoài trong con, sẵn sàng an ủi, khích lệ giúp con dũng cảm tiến lên, vượt thoát đường đời đầy chông gai cay đắng.
Muốn chuyển đổi sự đau khổ không gì bằng là tâm phải an vui, tâm phải nhìn thẳng vào cuộc đời. Đời toàn là ác pháp, là đau khổ như vậy. Đời mấy ai thương ai chân thật, thương sao làm khổ nhau quá vậy? Thương sao tạo cảnh khổ cho nhau…
Hãy tha thứ cho những người làm con khổ đau, hãy buông xuống những gì đang đau khổ trong lòng con.
“Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì.
Thở ra chẳng lại còn chi nữa
Vạn sự vô thường buông xuống đi!”
Buông xuống tất cả mọi đau khổ trong lòng con thì ngay đó tâm con sẽ thấy an vui, thanh thản. Phải không con?
Còn nếu con không sáng suốt cứ ôm ắp mãi trong lòng những nỗi đau thương thì con phải chịu lấy sự khổ đau ấy, đấy là con bị qui luật của nhân quả chuyển biến và đang trả quả khổ đau. Còn nếu con xem đó là một điều hiển nhiên trong giai đoạn xã hội loài người đang bế tắt đạo đức nhân bản làm người. Vì thế con người ngày nay cứ mãi làm khổ cho nhau. Phải không con?
Chuyện đời có gì buồn đâu con ạ! Tất cả đều vô thường, nhà cửa, của cải, tài sản đều vô thường ngay cả bản thân của con cũng vô thường. Có ai giữ của cải, châu báu, ngọc ngà mãi đâu con! Khi xuôi tay trở về lòng đất thì có ai còn mang theo được những gì, ngay thân này còn phải bỏ, có gì giữ gìn được đâu mà không buông xuống phải không con?
Buông xuống để tâm hồn thanh thản, an vui; buông xuống để xem những người làm ác gây đau thương, rồi họ sẽ đi về đâu?
Buông xuống, buông xuống để giòng nước mắt con thôi chảy, để con còn đủ sức khỏe nuôi và dạy dỗ hai đứa con thơ dại đang nương vào đôi cánh tay yếu đuối của người mẹ thân thương, chúng còn biết trông cậy vào ai hỡi con?
Hãy nghe lời Thầy con ạ! Con hãy tự thắp đuốc lên, soi mà đường đi, con đường buông xả, con đường thanh thản, an lạc và vô sự, con đường hạnh phúc vô cùng con ạ! Ngoài con ra không còn ai giúp con được. Hãy mạnh dạn đứng lên con ạ! Đừng yếu đuối, hãy nhìn thẳng về phía trước. Dù đường đời có cay đắng khắc nghiệt bao nhiêu, con hãy xem nó như một tuồng cải lương trên sân khấu. Có gì thật đâu mà buồn khổ. Phải không con! Một trò diễn xuất của nhân quả có đáng gì cho con phải bận tâm đau lòng.
Cảnh đời đen bạc, đó là những việc thường xảy ra trong cuộc đời này, có gì mà phải bận tâm con ạ! Nó đến rồi nó sẽ đi, chỉ cần giữ gìn tâm bất động trước nó là nó chuyển đổi được sự khổ đau thành sự an vui ngay liền. Hãy nghe lời Thầy đi con!
Thăm và chúc con đầy đủ nghị lực vượt qua những điều cay đắng của cuộc đời.
Kính thư
Thầy của con .



Friday, December 27, 2013

THIỀN XẢ TÂM

Sau khi chứng đạt đạo quả giải thoát, đức Phật đã lấy kinh nghiệm tu tập của Người dựng thành lộ trình tu tập Giới – Định – Tuệ. Nhờ lộ trình tu tập này đã giúp các Thánh đệ tử của Phật chứng đạt chân lý, thành tựu quả vị A-la-hán, giải thoát hoàn toàn.

Giới luật, đức hạnh là nền tảng vững chắc, giúp hành giả tu tập diệt ngã, xả tâm, ly dục, ly ác pháp, chứng đạt tâm vô lậu tức là tâm không còn tham, sân, si nữa. Khi tâm không còn tham, sân, si thì tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là thiền định.

Vì vậy thiền định của đạo Phật nhằm vào đời sống thể hiện đức hạnh một cách nghiêm chỉnh để không phạm một lỗi nhỏ nhặt, để ly dục, ly bất thiện pháp.

Để sống đúng giới luật thì chúng ta phải thông hiểu Bát Chánh Đạo.

Sự tu tập giải thoát của đạo Phật không phải như từ nào giờ chúng ta hiểu là phải tu vô lượng kiếp. Giáo pháp của đức Phật là chân lý, là sự thật. Khi được hiểu và tu tập theo giáo pháp của Người thì ngay trong hiện tại chúng ta sẽ có được giá trị hạnh phúc an lạc. Pháp của đức Phật khi tu tập sẽ đoạn dứt dần các lậu hoặc tham, sân, si, mạn, nghi thì tâm được thanh tịnh. Thân tâm được thanh tịnh là trạng thái tâm vô lậu giải thoát.

Nếu trong tâm ta còn lậu hoặc thì thân tâm không thể thanh tịnh được. Ví dụ: khi ta đói bụng thèm ăn cái này, cái kia, hoặc khi nghe những điều trái ý nghịch lòng chúng ta lo lắng, sợ hãi, phiền não, nếu còn những việc này thì lậu hặc còn, như vậy thân tâm chưa thanh tịnh và chưa giải thoát được.

Do đó khi tu đúng pháp của Phật dạy thì nghiệp quả của thân không còn ý nghĩa gì cả, vì nghiệp quả khổ thành nghiệp quả phước báo nên thảnh thơi, an lạc, vô sự. Còn tu sai pháp thì muôn đời nghìn kiếp, nghiệp thân cứ tiếp tục mãi tái sanh luân hồi và phải chịu đựng thọ khổ vô lượng kiếp.

Thiền xả tâm giúp chúng ta có tiến bộ trong tu tập, tiến bộ từng giây, từng phút, từng giờ, từng ngày, chúng ta nhận thấy tâm thanh thản, an lạc và vô sự rất rõ ràng.

Để xả tâm được tốt thì phải giữ gìn giới luật, đức hạnh thật nghiêm chỉnh. Giới luật, đức hạnh là thiện pháp vô lậu.

Đức Phật dạy: “Muốn ước nguyện cầu một việc gì thì phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì ước nguyện ấy sẽ thành tựu”.

Người phật tử tu tập Tứ Chánh Cần để ngăn ác, diệt ác pháp, sanh thiện, tăng trưởng thiện pháp. Phải phân biệt tăng trưởng thiện pháp vô lậu khác với thiện pháp hữu lậu.

Phân tích câu: “Ly dục, ly ác pháp”:

- Dục là lòng ham muốn đưa đến đắm nhiễm danh, lợi, sắc, thực, thụy. 

-  Ác pháp là trạng thái tâm phiền não như ích kỷ, giận hờn, hơn thua, nhỏ mọn, tham lam, tự ái, nghi ngờ…       

- Để ly các dục này phải dùng tri kiến giải thoát (định vô lậu) để tu tập. 

Đức Phật dạy các pháp thế gian là vô thường:

- Thân người là do nhân quả sinh ra. Sinh ra từ nhân quả, chết cũng trở về với nhân quả.

- Để giúp tâm mình xả bỏ ham muốn vật chất thế gian, hằng ngày chúng ta dùng pháp hướng tâm xả bỏ tâm đăm nhiễm. Ví dụ: tâm khởi muốn tiền nhiều, nhà cửa sang trọng, xe hơi, vàng bạc, giàu sang… mỗi khi tâm đối diện với vật chất ấy thì chúng ta biết nó là pháp vô thường, là khổ.

- Chỉ có đạo đức vô ngã, xả ly lòng ham muốn thì mới bảo vệ cho ước nguyện giải thoát của mình.     

- Hằng ngày biết sửa sai những lỗi lầm của mình. 

- Biết ngăn chặn không làm những điều ác. 

- Biết xa lìa những cám dỗ vật chất thế gian.   

- Biết tiết độ trong ăn uống ngủ nghỉ.

- Biết thiểu dục tri túc đối với đời sống.  

- Biết phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý của mình.    

- Biết giữ chánh niệm để tâm được thanh thản, an lạc và vô sự. 

Lời Trưởng Lão Thích Thông Lạc dạy:

…Tóm lại chỉ có hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng tháng, hằng năm, lúc nào, thời gian nào đều phải quan sát trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp để đẩy lui các chướng ngại pháp trên đó để bảo vệ chân lý. Khi nào các chướng ngại pháp không còn tác động đến bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp là con đã thành tựu viên mãn sự tu hành của con. Chừng đó con đã chứng đạt chân lý nghĩa là lúc nào con cũng sống với tâm bất động mà không một chướng ngại nào tác động được, đến đây con đường tu tập của con đã hoàn thành: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành. Không còn trở lui trạng thái này nữa”.     

___
Nguồn: Bài này tôi được đọc trong TRÍCH LƯỢC TẠNG KINH NIKAYA - Bản trích lược của Thầy Bảo Nguyên.

Thursday, December 5, 2013

DI CHÚC CỦA LIỄU KIM GỬI LẠI CHO CHỒNG VÀ CÁC CON

Tâm nguyện của Liễu Kim
Con là Liễu Kim viết những dòng chữ này bên hành lang phòng xét nghiệm bệnh viện K – Hà Nội.
Trong lúc chờ đợt xếp hàng lần lượt, Liễu Kim con sợ phí uổng thời gian quí báu còn lại của cuộc đời, với thân bệnh nan y hiểm nghèo nên lúc này là lúc giành giật thời gian quí hiếm ở cõi đời còn lại.
Liễu Kim con vội chợt nghĩ đến công việc của người ra đi phải nói gì cho người còn ở lại?
Thân mến gửi anh và các con!
Hạnh phúc là cái gì?
Tìm được nó chúng ta phải tốn bao công lao?
Bảo tồn được nó chúng ta phải tốn bao công nhẫn nại?
Rồi đến khi mất nó! Chúng ta sẽ đau khổ biết chừng nào?
Vậy anh ơi! Biết được chân giá trị của nó, mỗi chúng ta phải biết trân trọng, giữ gìn nó từng phút, từng giây.
Có phải vậy không hỡi anh và các con? Năm mươi năm qua rồi, hạnh phúc vỏn vẹn được hơn 30 năm, với thời gian này quá ngắn ngủi đối với em, và sắp sửa chúng ta phải chia tay vĩnh viễn rồi.
Vì thế đức Phật mới dạy cho chúng sanh biết rõ hạnh phúc này là hạnh phúc giả không có thật, nó là vô thường, là vô ngã.
Bởi vậy, chính vì thế mà em khát khao đi tìm đến chân hạnh phúc, hạnh phúc vĩnh viễn, không còn bị chi phối vào không gian và thời gian. Đó là con đường đưa em đến cửa của đạo Phật.
Theo cách nhìn của thế gian thì chúng ta đã có một gia đình hạnh phúc lắm rồi phải không hỡi anh? Nhưng anh a! Chúng ta có yêu thương nhau bao nhiêu đi nữa, thì tình yêu ấy vẫn không thể che chở cho chúng ta khỏi những đau khổ của cuộc đời. Thực tế là như vậy, lúc này chúng ta đang phải chứng kiến cảnh sắp chia ly đau khổ.
Ngay bây giờ tuy có hơi muộn xong vẫn còn thời gian để chúng ta biến tình yêu thương này trở thành tình yêu thương cao thượng và thanh tịnh, đó là tình anh em, tình huynh đệ, tình đồng đạo để sách tấn nhau, để động viên tạo duyên lành cùng nhau tu hành theo pháp “Đường Về Xứ Phật” mà Thầy Thông Lạc đã dầy công tìm thấy. Nay để lại cho tất cả muôn người có pháp tu, để cuộc đời hết khổ. Trong đó có gia đình nhà mình phải không anh?
Em đã có đủ duyên phước gặp Thầy Chân Sư, Thầy đã quy y cho cả gia đình mình. Nay gia đình ta bảo nhau mà tu tập Tứ Chánh Cần, ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện, không làm khổ mình, không làm khổ người, sống theo mười điều thiện, luôn giữ gìn năm giới.
Em mong anh và các con lúc em ra đi về cõi vĩnh hằng rồi, thì hãy luôn nhớ đến lời di chúc này nhé!
Tủ sách quí “Đường Về Xứ Phật”, là kho báu vô giá anh và các con giữ gìn và bảo vệ hết đời này qua đời khác, lưu truyền đạo đức làm người, đạo đức nhân bản cho muôn đời sau không bao giờ mất. Đó là điều ước nguyện của em trước giờ phút ra đi mãi mãi không có ngày trở lại, mà có trở lại nữa thì điểm hẹn của chúng ta đó là quê hương của Đức Phật cùng các vị chư Hiền Thánh Tăng. Ở điểm hẹn là mùa xuân vĩnh cửu. Cả gia đình ta nhé!
Vắng em, anh và các con khéo thu xếp công việc gia đình, làm việc và học tập cho thật tốt.
Trong ngôi nhà nhỏ bé của chúng ta lúc nào cũng toát ra hương sắc của một mùi hoa thơm. Đó là hoa vô sắc của mùa xuân vô lậu vĩnh cửu thường hằng mãi mãi anh nhé!
Chào vĩnh biệt anh và các con, hẹn ngày gặp lại tại đất Thánh Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Đó là trụ xứ của vị Thầy của chúng ta. Nơi đó có Phật, có Thầy và có cô út Diệu Quang là biểu tượng của mùa xuân vĩnh cửu đó anh ạ! Nếu muốn tìm em thì đến đó là thấy liền.
Chào anh và các con.
Liễu Kim
TB: Trong lúc đứng ở hành lang chờ xét nghiệm con chợt nghĩ về Thầy và con viết:
Kính thưa Thầy!
Trải qua thời gian thân bệnh khổ. Thầy đã cứu con vượt qua từng cơn đau như ai cắt ruột gan.
Thầy không phải là giáo sư hay tiến sĩ y khoa, nhưng con thấy Thầy còn hơn thế nữa, là vì Thầy là y đức tuyệt vời nhất trên thế gian này, vì Thầy đã loại bỏ những ung nhọt trong tâm mà không cần phải phẫu thuật, không cần phải dùng thuốc (đó là các câu pháp hướng tâm để xả thọ khổ, xả đau, xả nhức...) mà con đã dùng hằng ngày, hằng giờ, hằng phút, hằng giây, là phao cho con đi biển trong cả thời gian con bị trả nghiệp thân đau đớn.
Con cúi xin cảm tạ ơn Thầy, ơn này đời sau con xin cố gắng tu hành để mau chóng đến ngày làm chủ bốn nỗi khổ của kiếp làm người. Con xin tri ân công đức Thầy.
Con của Thầy
Thích Nữ Liễu Kim