Wednesday, December 23, 2020

THÂN CÓ BỆNH MÀ TÂM KHÔNG CÓ BỆNH

 



Trích Nakulapità - Phẩm Phẩm Nakulapità - Năm Mươi Kinh Căn Bản- TƯƠNG ƯNG UẨN - Thiên uẩn (Tập 3 chương 1) - Tương Ưng Bộ Kinh.


Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn sống giữa dân chúng Bhayga, tại núi Cá Sấu, rừng Bhesaka, vườn Nai.

Rồi gia chủ Nakulapità đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

Ngồi xuống một bên, gia chủ Nakulapità bạch Thế Tôn:

- Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bịnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các vị Tỷ-kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn hãy giảng dạy cho con! Nhờ vậy, con được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

- Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bịnh hoạn, ốm đau, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bịnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu!

Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: "Dầu cho thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị bịnh". Như vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập.

Rồi gia chủ Nakulapità sau khi hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân bên hữu hướng về Ngài, đi đến Tôn giả Sàriputta; sau khi đến, đảnh lễ Tôn giả Sàriputta rồi ngồi xuống một bên.

Tôn giả Sàriputta nói với gia chủ Nakulapità đang ngồi một bên:

- Này Gia chủ, tịch tịnh là các căn của Gia chủ; thanh tịnh và trong sáng là sắc diện của Gia chủ. Có phải hôm nay Gia chủ đối diện với Thế Tôn, được nghe pháp thoại?

- Làm sao không thể như vậy được, thưa Tôn giả? Hôm nay, thưa Tôn giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại!

- Như thế nào, này Gia chủ, Gia chủ được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại?

- Ở đây, thưa Tôn giả, con đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, thưa Tôn giả, con bạch Thế Tôn:

"- Bạch Thế Tôn, con đã già, tuổi lớn, trưởng lão, cao niên, đã đạt đến tuổi thọ, thân bịnh hoạn, luôn luôn ốm đau. Bạch Thế Tôn, con không được thường thấy Thế Tôn và các Tỷ-kheo đáng kính. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn giáo giới cho con! Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn giảng dạy cho con! Nhờ vậy con được hạnh phúc, an lạc lâu dài!"

Ðược nghe nói vậy, thưa Tôn giả, Thế Tôn nói với con:

"- Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thật sự là vậy, này Gia chủ. Thân của Gia chủ, này Gia chủ, là bịnh hoạn, ốm yếu, bị nhiễm ô che đậy. Ai mang cái thân này, này Gia chủ, lại tự cho là không bịnh, dầu chỉ trong một giây phút; người ấy phải là người ngu! Do vậy, này Gia chủ, Gia chủ cần phải học tập như sau: 'Dầu thân tôi có bịnh, tâm sẽ không bị bịnh!" Như vậy, thưa Tôn giả, con được rưới với nước bất tử, nhờ Thế Tôn giảng cho pháp thoại.

- Nhưng này Gia chủ, Gia chủ có hỏi thêm Thế Tôn như sau:

"Cho đến như thế nào, bạch Thế Tôn, là thân bị bịnh và tâm cũng bị bịnh? Cho đến như thế nào là thân bị bịnh, nhưng tâm không bị bịnh không?"

- Thưa Tôn giả, con có thể đi đến thật xa để nghe tận mặt Tôn giả Sàriputta ý nghĩa của lời nói này. Lành thay, nếu được Tôn giả Sàriputta giải thích ý nghĩa của lời nói này!

- Vậy này Gia chủ, hãy lắng nghe và khéo suy nghiệm, ta sẽ nói.

- Thưa vâng, Tôn giả.

Gia chủ Nakulapità vâng đáp Tôn giả Sàriputta.

Tôn giả Sàriputta nói như sau:

- Thế nào, này Gia chủ, là THÂN BỊNH VÀ TÂM BỊNH?

Ở đây, này Gia chủ, có kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta". Do bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta!" khi sắc biến hoại, đổi khác; do sắc biến hoại, đổi khác, nên vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu não!

Vị ấy quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta". Do bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta" khi thọ biến hoại, đổi khác; nên do thọ biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

Vị ấy quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta". Do bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta" khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên do tưởng biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

Vị ấy quán các hành như là tự ngã hay tự ngã như là có các hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta". Do bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta" khi các hành biến hoại, đổi khác; do các hành biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu não!

Vị ấy quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta" khi thức biến hoại, đổi khác; nên do thức biến hoại, đổi khác, vị ấy khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

Như vậy, này Gia chủ, là thân có bịnh và tâm có bịnh.

- Thế nào, này Gia chủ, là THÂN CÓ BỊNH MÀ TÂM KHÔNG CÓ BỊNH?

Ở đây, này Gia chủ, vị đa văn Thánh đệ tử hiểu rõ các bậc Thánh, thuần thục pháp các bậc Thánh, tu tập pháp các bậc Thánh, hiểu rõ các bậc Chân nhân, thuần thục pháp các bậc Chân nhân, tu tập pháp các bậc Chân nhân, không quán sắc như là tự ngã, hay tự ngã như là có sắc, hay sắc ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong sắc. Vị ấy không bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Sắc là ta, sắc là của ta" khi sắc biến hoại, đổi khác; nên không do sắc biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

Không quán thọ như là tự ngã, hay tự ngã như là có thọ, hay thọ ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thọ. Vị ấy không bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Thọ là ta, thọ là của ta" khi thọ biến hoại, đổi khác; nên không do thọ biến hoại, đổi khác, mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

Không quán tưởng như là tự ngã, hay tự ngã như là có tưởng, hay tưởng ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong tưởng. Vị ấy không bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Tưởng là ta, tưởng là của ta" khi tưởng biến hoại, đổi khác; nên không do tưởng biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

Không quán các hành như là tự ngã, hay tự ngã như là có hành, hay các hành ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong các hành. Vị ấy không bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Các hành là ta, các hành là của ta" khi các hành biến hoại, đổi khác; nên không do các hành biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não!

Không quán thức như là tự ngã, hay tự ngã như là có thức, hay thức ở trong tự ngã, hay tự ngã ở trong thức. Vị ấy không bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta". Do vị ấy không bị ám ảnh: "Thức là ta, thức là của ta" khi thức biến hoại, đổi khác; nên không do thức biến hoại, đổi khác mà khởi lên sầu, bi, khổ, ưu, não.

Như vậy, này Gia chủ, là thân có bịnh, nhưng tâm không có bịnh.

Tôn giả Sàriputta thuyết như vậy, gia chủ Nakulapità hoan hỷ, tín thọ lời Tôn giả Sàriputta thuyết. 

Monday, December 14, 2020

NGƯỜI HỘ TRÌ CHÁNH PHÁP

 



- Chánh pháp là trạng thái tâm thanh thản, an lạc, bình an.

- Tà pháp là trạng thái tâm phiền não.

Tâm bình thường chúng ta không có chướng ngại gì, không lo lắng, sợ hãi, bất an, bất toại nguyện, v.v.. đó là tâm thanh thản, an lạc. Đó là Chánh Pháp.

Nhưng các duyên bên ngoài tác động (vô thường, biến hoại, đổi khác) và duyên nội thân vô thường, thay đổi (bệnh, chết) sẽ làm cho chúng ta mất đi trạng thái tâm thanh thản, an lạc ban đầu.

Sở dĩ chúng ta bị mất tâm thanh thản đó khi có sự thay đổi của ngoại cảnh và nội thân là do sự trói buộc của THAM ÁI. Tham ái đối với cảnh trần và tham ái đối với sắc thân.

Hộ trì chánh pháp là chúng ta dùng trí tuệ để cắt bỏ tâm tham ái này thì mới có tâm thanh thản trở lại.

Chỉ có từ bỏ lòng tham ái, vô ngã với các pháp sanh diệt mới có được sự bình yên nơi tâm mình.

CHÁNH PHÁP là thiết thực, hiện tại và TÀ PHÁP cũng thiết thực, hiện tại ở nơi thân - khẩu - ý của mỗi người. 

"Vô thỉ là luân hồi này, này các Tỷ-kheo, khởi điểm không thể nêu rõ đối với sự lưu chuyển luân hồi của các chúng sanh bị VÔ MINH che đậy, bị THAM ÁI trói buộc".

"Này các Tỷ-kheo, do không giác ngộ, do không thông đạt Bốn Thánh Đế mà Ta và các Ông lâu ngày phải dong ruổi, lưu chuyển như thế này. Thế nào là bốn? Thánh đế về Khổ, Thánh đế về Khổ tập, Thánh đế về Khổ diệt, Thánh đế về Con Ðường đưa đến Khổ diệt".

(Kinh Tương Ưng Bộ)

Người hộ trì chánh pháp là người thực hành:

- Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu.
- Trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu.
- Trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu.
- Trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu. 

(Kinh Đại Niệm Xứ - Trường Bộ Kinh)

Hoặc: 

- Có những lậu hoặc phải do tri kiến được đoạn trừ.
- Có những lậu hoặc phải do phòng hộ được đoạn trừ.
- Có những lậu hoặc phải do thọ dụng được đoạn trừ.
- Có những lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ.
- Có những lậu hoặc phải do tránh né được đoạn trừ.
- Có những lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ.
- Có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ.

(Kinh Tất Cả Lậu Hoặc)

“Giác ngộ pháp thiết thực
Hiện tại không thời gian
Hộ trì sự thật này
Niết bàn chân hạnh phúc

***

Chỉ ngay nơi hiện tại
Diệt đế chính là đây
Nơi chính nội tâm này
Hộ trì chân hạnh phúc

***

Thông suốt Tứ diệu đế
Thấu rõ Đạo, Phi Đạo
Giác ngộ Bát Niết Bàn
Chánh trí chân giải thoát

***

Không chấp thủ đời này
Không chấp thủ đời sau
Không chấp thủ hai đời
Vị ấy được giải thoát.”

(Bài kệ của Sư Tánh Trí)

"Niết bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu".

(Kinh tăng chi bộ - Niết bàn)

Sài-gòn, 14.12.2020