Thursday, May 31, 2018

Tóm tắt kinh Hạnh Phúc




1) Không gần kẻ ngu si, 
Thân cận người hiền trí, 
Cúng dường bậc xứng đáng, 
Là điềm lành tối thượng

Đầu tiên là 3 điềm lành: tránh xa kẻ ngu (bāla, fool, ignorant), thân cận người hiền trí, thiện tri thức (pandita), cúng dường (pūjā) những bậc xứng đáng để được cúng dường. Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Người ngu ở đây là người không biết phân biệt thiện ác và có khuynh hướng theo các điều xấu ác. Bậc trí hiền là những người có đạo đức, tinh cần học và hành trong giáo pháp. Tôn kính và dâng tặng phẩm vật đến các bậc tôn túc, phẩm hạnh thanh cao là một điều quý nên làm.

2) Ở trú xứ thích hợp,
Quá khứ tạo nhân lành,
Hướng tâm theo lẽ chánh,
Là điềm lành tối thượng

Có 3 điềm lành:

- Trú xứ (desa) thích hợp (patirūpa) là những nơi có môi trường văn hóa xã hội tốt cho sự tu tập. Ở bầu thì dài, ở ống thì tròn. Chúng ta thường bị tác động bởi hoàn cảnh xã hội. Ở những nơi chỉ chuộng hình thức hào nhoáng bên ngoài, hưởng thụ vật chất, chạy theo nhu cầu dục lạc, lễ nghi rườm rà, chuộng các lời hoa mỹ rỗng tuếch thì cũng khó tu tập.

- Nếu trong quá khứ của đời này, hay trong các đời trước, đã tạo các công đức (katapuññatā), nay, quả phước lành sẽ được gặt hái trong hiện tại. Đây là một điềm lành. Bằng không, hãy nỗ lực làm việc thiện, để tạo nhân lành cho tương lai.

- Một điềm lành khác là tâm ta có định hướng chân chánh, đúng đắn (sammāpanidhi), hiệp theo lẽ đạo. Đây là điều quan trọng, phải có tác ý đúng.

3) Học nhiều, nghề nghiệp giỏi,
Giới luật biết tu tập,
Có những lời khéo nói,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành ở đây: được học và có nhiều hiểu biết (bāhu-saccam) , có nghề nghiệp tốt (sippam), biết hành trì các nguyên tắc giới luật đạo đức (vinayo), và biết dùng ngôn từ hòa ái, chân thật.

4) Hiếu dưỡng mẹ và cha,
Biết nuôi nấng vợ con.
Việc làm không xung khắc,
Là điềm lành tối thượng

Có 3 điềm lành: phụng dưỡng cha mẹ (mātāpitu), nuôi nấng gia đình (puttadārassa), có công việc làm không gây xung đột (anākulā) với người khác.

5) Bố thí, hành đúng pháp,
Giúp quyến thuộc họ hàng,
Hành xử không tỳ vết,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: có lòng bố thí rộng rãi (dānā), có phẩm hạnh trong sạch theo giáo pháp (dhammacariyā), biết giúp đỡ bà con họ hàng (ñātakā), có những hành động giao tiếp trong sạch, không bị chê trách (anavajjā).

6) Ghê sợ, tránh điều ác
Không nghiện ngập rượu chè,
Tinh tấn hành thiện pháp,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: biết ghê sợ (āratī) tội lỗi, biết tránh xa (viratī) tội lỗi (viratī pāpā), không rượu chè say sưa làm u mê (majjapānā), tinh tấn (appamādo) làm các điều lành, thiện pháp (dhammesu).

7) Sống lễ độ, khiêm cung,
Tri túc và tri ân,
Đúng thời, nghe giảng Pháp,
Là điềm lành tối thượng.

Có 5 điềm lành: thái độ lễ phép có văn hóa (gāravo), tính khiêm hạ (nivāto), biết sống đủ, tri túc (santutthī), biết nhớ ơn, tri ân (kataññutā), và biết đến nghe Pháp (dhammassavanam) đúng thời, đúng lúc (kālena).

8) Kham nhẫn, biết phục thiện,
Thường đến gặp Sa-môn,
Ðúng thời, đàm luận Pháp,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: biết kiên nhẫn (khantī) và chịu đựng, biết phục thiện dễ dạy (sovacassatā), thường thân cận các bậc tu hành (samana), và đàm luận, trao đổi học Pháp (dhammasākacchā).

9) Tự chế, sống phạm hạnh,
Thấy chân lý nhiệm mầu.
Thực chứng quả Niết Bàn
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: sống tinh cần tự chế (tapo), sống đời sống phạm hạnh (brahmacariya), thẩm thấu chân lý nhiệm mầu (ariyasaccā) – tức là tứ thánh đế, thực chứng Niết bàn (nibbāna sacchikiriyā).

10) Khi xúc chạm việc đời,
Tâm không động, không sầu,
An nhiên, không uế não,
Là điềm lành tối thượng

Có 4 điềm lành: Tâm bất động, không lay chuyển khi bị gió đời hay pháp thế gian (lokadhamma) – khen chê, được mất, vinh nhục, buồn vui – thổi đến. Ba điềm lành khác: không còn sầu não (asoka), sống an nhiên (khema), không còn uế nhiễm (virajam).

*
11) Kết luận:
Ai sống được như thế,
Đến đâu không thối thất,
Đến đâu cũng an toàn,
Những điềm lành tối thượng.

Được như thế là đã nhập dòng thánh giải thoát. Khi ấy, cho dù sống trong dòng đời, đi đến đâu cũng không bao giờ bị tham sân si đánh bại (sabbattha aparājitā), đi đến đâu cũng bình an tự tại, an toàn (sabbattha sotthim gacchanti). Đó là điềm lành cao quý nhất.

– Bình Anson,
Perth, Tây Úc, 16/04/2017


Kinh Điềm Lành (Mangala Sutta, Kinh Hạnh Phúc) - Tiến trình tu tập

Nguồn: Life's Highest Blessings - The Maha Mangala Sutta
Translation and Commentary by Dr. R.L. Soni
Revised by Bhikkhu Khantipalo
Buddhist Publication Society, Sri Lanka (2013).

Hình này Copy trên FB Cư sĩ Bình Anson


Saturday, May 12, 2018

Con Ðường Ði Ðến Bờ Bên Kia


Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Bàrànasi, tại Isipatana, vườn Lộc Uyển. Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ-kheo trưởng lão, sau bữa ăn, trên con đường đi khất thực trở về, ngồi tụ họp tại ngôi nhà hình tròn, và câu chuyện sau đây được khởi lên:
—Này chư Hiền, Thế Tôn đã nói như sau trong “Con đường đến bờ bên kia” trong câu hỏi của Metteyya:
Ai biết hai cực đoan,
Giữa bậc Trí không nhiễm,
Ta gọi bậc Ðại nhân,
Ðây, vượt người dệt vải.
—Thưa Hiền giả, thế nào là một cực đoan? Thế nào là cực đoan thứ hai? Thế nào là chặng giữa? Thế nào là người dệt vải?
Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:
—Thưa chư Hiền, xúc là một cực đoan. Xúc tập khởi là cực đoan thứ hai. Xúc diệt là chặng giữa. Ái là người thợ dệt; vì rằng ái dệt, nên khiến cho vị ấy phải sanh ở hữu này. Cho đến như vậy, thưa chư Hiền, Tỷ-kheo thắng tri được điều có thể thắng tri, liễu tri được điều có thể liễu tri. Do thắng tri được điều có thể thắng tri, do liễu tri được điều có thể liễu tri, ngay trong hiện tại, vị ấy có thể chấm dứt khổ đau.
Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:
—Quá khứ, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Tương lai là cực đoan thứ hai. Hiện tại là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt, nên khiến cho vị ấy phải sanh ở hữu này. Cho đến như vậy, thưa chư Hiền, Tỷ-kheo thắng tri được điều có thể thắng tri... vị ấy có thể chấm dứt khổ đau.
Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:
—Lạc, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Khổ là cực đoan thứ hai. Không khổ không lạc là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt, nên khiến cho vị ấy phải sanh ở hữu này... có thể chấm dứt khổ đau.
Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:
—Danh, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Sắc là cực đoan thứ hai. Thức là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt... có thể chấm dứt khổ đau.
Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:
—Sáu nội xứ, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Sáu ngoại xứ là cực đoan thứ hai. Thức là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt... có thể chấm dứt khổ đau.
Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:
—Thân, thưa chư Hiền, là một cực đoan. Thân kiến tập khởi là cực đoan thứ hai. Thân kiến diệt là chặng giữa. Ái là người dệt vải. Do ái dệt... có thể chấm dứt khổ đau.
Ðược nói vậy, một Tỷ-kheo khác thưa với các Tỷ-kheo trưởng lão:
—Thưa chư Hiền, tất cả chúng tôi đã trả lời tùy theo sự hiểu biết của chúng tôi. Thưa chư Hiền, chúng ta sẽ đi đến Thế Tôn, sau khi đến, chúng ta sẽ hỏi Thế Tôn về ý nghĩa này. Thế Tôn trả lời cho chúng ta như thế nào, chúng ta sẽ thọ trì như vậy.
—Thưa vâng, thưa Hiền giả.
Các Tỷ-kheo trưởng lão vâng đáp Tỷ-kheo ấy. Rồi các trưởng lão đi đến Thế Tôn, sau khi đi đến, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các Tỷ—kheo trưởng lão thuật lại với Thế Tôn tất cả câu chuyện đã xảy ra và thưa:
—Bạch Thế Tôn, ai là người đã khéo nói?
—Tất cả các Thầy, này các Tỷ-kheo, đều khéo nói theo phương pháp của mình. Nhưng, đây là vấn đề Ta nói về con đường đi đến bờ bên kia trong các câu hỏi của Metteyya.
Ai biết hai cực đoan,
Giữa bậc Trí không nhiễm,
Ta gọi bậc Ðại nhân,
Ðây, vượt người dệt vải.
Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ nói:
—Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các vị Tỷ-kheo trưởng lão vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:
—Xúc, này các Tỷ-kheo, là cực đoan. Xúc tập khởi là cực đoan thứ hai. Xúc diệt là chặng giữa. Ái là người dệt vải; vì rằng ái dệt nên khiến cho vị ấy phải sanh ở hữu này. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thắng tri được điều có thể thắng tri, liễu tri được điều có thể liễu tri. Do thắng tri được điều có thể thắng tri, liễu tri được điều có thể liễu tri, ngay trong hiện tại, vị ấy có thể chấm dứt khổ đau.

Thursday, May 10, 2018

Giới thiệu phần mềm tra cứu kinh Phật giáo nguyên thủy



Phần mềm này do bạn Huy Bãi Cháy làm, hồi khi ở nhóm Pali Chuyên đề. Mình thấy hữu ích nên đăng chia sẻ.

Cách dùng: Chỉ cần cài vào máy tính, sau đó muốn tìm bài kinh có từ khóa nào thì "search" đúng từ đó là ra ngay. 

Xin cảm ơn bạn Huy nhiều.

Chúc các bạn có nhiều lợi lạc.

Wednesday, May 9, 2018

Không ăn tối giúp chúng ta khỏe hơn


Chiều nay, tôi nghe bạn nói “đúng là bỏ ăn tối sướng ghê”, và tôi chợt nhớ có mấy người hỏi tôi cách làm sao bỏ ăn tối, không biết vì bận hay vì thấy người hỏi chưa thành tâm mong muốn nên tôi chỉ cười và nói dễ lắm, bỏ được ngay ấy mà…Cũng lâu rồi…

Và hôm nay tôi viết, và hy vọng bài viết này sẽ giúp những người chưa bỏ được ăn tối sẽ bỏ được, và ai bỏ được thì có thêm thông tin để hướng dẫn người khác cũng bỏ được và được hưởng những lợi ích thiết thực của việc bỏ ăn tối…
Tại sao không nên ăn tối?
Tôi đã không hỏi câu hỏi này trước khi bỏ ăn tối, chỉ đơn giản xuất phát từ lòng tin vào Đức Phật mà tôi bỏ. Bỏ xong tôi mới nghiên cứu, hơi ngược nhưng dù sao thì cũng có thể trả lời thế này:


- Không ăn tối giúp chúng ta khỏe hơn.

- Không ăn tối giúp chúng ta đẹp hơn, không bị tích mỡ.

- Không ăn tối giúp chúng ta minh mẫn hơn.

- Không ăn tối giúp chúng ta hướng thượng hơn.

- Không ăn tối giúp chúng ta có nhiều thời gian hơn.

- Không ăn tối giúp chúng ta tiết kiệm được tiền bạc.

- Với người tu, không ăn tối là điều bắt buộc.





Đây là điều mà bao giờ tôi cũng bị phản đối khi người khác biết tôi không ăn tối.., ít nhất trong đầu mọi người thì tôi là người không bình thường. Bữa tối vốn là bữa ăn chính, là lúc mà cả gia đình quần tụ, cả ngày làm việc mệt mỏi, tối là lúc nạp năng lượng, thế mà không ăn thì lấy đâu ra năng lượng. Chưa kể tới chuyện, bỏ ăn tối thì nhà hàng, khách sạn, quán ăn “nó chết hết à”.


Thực ra, nếu phải trả lời cho câu hỏi “tại sao?” thì đa số những người đưa ra những ý trên sẽ nhanh chóng đi vào ngõ cụt. Ví dụ tại sao lại phải ăn tối, tại sao ăn tối lại mang lại năng lượng, tại sao ăn lại mang lại năng lượng, quá trình tiêu hóa, dị hóa thế nào để có năng lượng.. năng lượng nhận được và năng lượng mất đi để tiêu hóa thức ăn thế nào…


Ăn là cả một quá trình vô cùng phức tạp, từ việc nhai thức ăn đã được chế biến, việc tiết nước bọt để “tiền xử lý” thức ăn; việc nuốt và đưa thức ăn xuống dạ dầy; việc thức ăn đã được nhai nhỏ và thấm nước bọt được “ đốt” bằng axit trong dạ dầy và được nghiền, bóp; việc thức ăn được đẩy xuống tá tràng để được thấm mật , dịch tụy và các enzim ( men) tiêu hóa khác rồi đẩy vào ruột non, tiếp tục được nghiền mịn bằng cơ chế tinh vi trong ruột; việc các chất bổ được chuyển qua các mao mạch vào máu, đẩy lên gan để tảy độc và về tim, từ đó theo động mạch đi nuôi cơ thể; việc chất bã được đẩy xuống ruột già rồi chuyển xuống tích lại thành phân, rồi đẩy ra ngoài…


Đây là cả một quá trình vô cùng phức tạp, và cơ thể rất cần có năng lượng để chuyển hóa thức ăn thô thành chất bổ dưỡng. Và không chỉ cần năng lượng, một loạt tuyến nội tiết được kích hoạt để thực hiện quá trình tiêu hóa và dị hóa, bắt đầu từ các tuyến gan, tụy, mật, thượng thận cho tới các tuyến cao cấp hơn như tuyến tùng rồi vùng dưới đồi. Cả một bộ máy khổng lồ được huy động để ăn. Rồi sao? Rõ ràng là bạn đã làm xong hết việc vào ban ngày rồi mà, tại sao không nạp trước và trong khi làm việc, trong ngày làm việc, mà làm xong rồi lại cần năng lượng?


Rồi chưa hết, đã mệt mà còn cần năng lượng để tiêu hóa, còn năng lượng làm ra thì lại chưa cần dùng tới. Rõ ràng tối nếu bạn nghỉ và ngủ, thì đâu cần nhiều năng lượng thế. Sáng mai mới cần, còn tối ngủ rồi đâu cần, không cần mà cứ ăn vào thì nó sẽ ra cái gì?


Đấy là chỗ cần phải bình tĩnh đặt câu hỏi tại sao?


Bất hợp lý thứ nhất là đang mệt mà lại làm mệt hơn vì phải ăn…


Bất hợp lý thứ hai là chưa cần năng lượng mà lại nạp…


Bạn sẽ nói là chưa cần thì mai cần… tôi sẽ nói là nếu mai cần thì sao không ăn vào buổi sáng ??? Bạn sẽ nói là sáng tôi bận , không ăn đủ… tôi sẽ hỏi là tại sao bạn lại bận..bạn sẽ nói là tôi muốn ngủ nhiều hơn… tôi sẽ hỏi tại sao bạn lại phải ngủ nhiều ??? Bạn sẽ trả lời là tôi phải ngủ đủ 8 tiếng.. và tôi sẽ hỏi là tại sao 8 tiếng mới là đủ mà không phải là 7 là 6 hay là 5? Câu trả lời của bạn là gì? Tôi chắc là bạn sẽ rất khó mà trả lời câu hỏi này…


Tại sao phải ngủ nhiều thế nhỉ , hay là …


Đúng, do ăn tối nên phải ngủ nhiều.


Do ăn tối nên cơ thể không thể đi vào trạng thái nghỉ ngơi và tập trung xử lý các phần việc mà chỉ có thể làm được khi cơ thể được ngủ. Do phải hoạt động, mà là một hoạt động nặng nhọc là tiêu hóa thức ăn thô, nên giấc ngủ không ngon, mà giấc ngủ không tốt, thể hiện qua mơ nhiều, ngủ dậy miệng đắng và mệt mỏi sẽ khiến giấc ngủ phải kéo dài thêm.


Do ăn tối nên phải ngủ nhiều hơn, tốn thời gian hơn và ngay bản thân giấc ngủ cũng không mang lại sự thoải mái mong muốn. Đó là chúng ta chưa bàn sâu về khía cạnh tinh thần của một giấc ngủ không chất lượng.


Không chỉ có thể, thức ăn được nạp vào buổi tối và chỉ được sử dụng vào ngày hôm sau, sẽ buộc phải dự trữ ở dạng mỡ… và bạn sẽ có một cái kho để chứa “nguyên liệu tinh” ở bụng, ở đùi… nôm na là bạn sẽ béo.. sẽ tăng cân. Và ăn tối càng muộn thì càng nhiều mỡ.


Trước khi đi vào phân tích tại sao không ăn tối khiến người ta thông minh hơn, chúng ta hãy thử nghiên cứu cơ chế này một chút.


Bạn có để ý là ăn no xong thường thấy mí mắt nặng xuống, đặc biệt là nếu không bận làm gì ngay, thì chúng ta rất dễ buồn ngủ. Tại sao vậy? Nếu để ý thêm chút nữa, thì ăn càng no, thì càng dễ buồn ngủ.


Cũng không phải khó hiểu lắm nếu chúng ta có ít kiến thức về nội tiết. Buồn ngủ là do do tuyến tùng, một tuyến nội tiết nằm trong đầu, tiết ra một loại hormone tên là melatonin, chất này sẽ tác động tới các tế bào đích trong não và cơ thể, khiến các tế bào này giảm khả năng hoạt động. Nôm na là ép các tế bào này nghỉ, để dồn năng lượng cho hệ thống tiêu hóa, vốn đang rất cần năng lượng để tiêu hóa thức ăn thô. Melatonine sẽ khiến chúng ta buồn ngủ, giảm trương lực cơ, mí mắt trùng xuống.


Khi buồn ngủ chúng ta có nghĩ được không, có minh mẫn không?


Nếu thường xuyên nhận một liều lượng chất an thần như vậy, liệu có thông minh không


Bạn ăn tối, sau khi ăn, bạn nhận được một liều melatonin, mà đúng ra không phải nhận… Vài tiếng sau, khi bạn đi ngủ, bạn sẽ nhận được thêm một liều melatonin nữa..


Lý do phải cho cơ thể “uống thuốc” an thần, là hệ thống vệ sinh nội tạng không thể hoạt động tốt, khi cơ thể còn hoạt động nặng nhọc như tiêu hóa thức ăn thô, hoặc phải suy nghĩ , làm việc trí óc. Như hệ thống vệ sinh công cộng chỉ có thể làm việc vào ban đêm , khi không có ai đi lại trên đường hoặc rất ít người đi lại trên đường. Chúng ta chỉ cần hình dung Hà Nội hoặc Sài Gòn một ngày mà không được dọn vệ sinh? Rất nhiều thông tin rác mà chúng ta tiếp nhận trong ngày, khi ngủ cơ thể cần phải xử lý, cái nào cho vào đâu, cái nào lưu trữ, cái nào bỏ… rất nhiều chất độc tiếp nhận trong ngày qua thức ăn, qua không khí cần được xử lý, thanh lọc ( tại sao nước tiểu vào buổi sáng bao giờ cũng có màu đậm và rất khai?)


Chúng ta đã hiểu phần nào giá trị của giấc ngủ .. vậy hãy làm sao để mình có một giấc ngủ tốt hơn. Và bỏ ăn tối là một giải pháp rất hiệu quả.


Nếu bạn còn lo không ăn tối sẽ thiếu năng lượng, thì hãy suy nghĩ thêm… thứ nhất, tôi bỏ cả ăn sáng lẫn ăn tối, tôi vẫn sống và làm việc bình thường, thậm chí còn nhiều hơn nhiều người. Và rất nhiều người bỏ ăn tối, họ vẫn khỏe mạnh, thanh thoát, nước da sáng và hoạt động cả thể lực và trí tuệ đều hiệu quả.


Thứ nhì, nhiều người đã bỏ ăn sáng, thay vào đó ăn tối rất no. Sao không đổi lại, ăn sáng cho đầy đủ và bỏ ăn tối. Cùng một số lượng thức ăn thô được nạp vào, thay vì tích mỡ khi ăn tối muộn, sẽ được sử dụng ngay nếu được ăn vào sáng sớm, khiến cơ thể làm việc được hiệu quả hơn. Hãy ăn sáng cho đủ, và bạn sẽ không thiếu năng lượng để làm việc và nghỉ ngơi.


Kết thúc phần này, nếu bạn có thể tự đặt câu hỏi “ Ăn để làm gì, ngủ để làm gì”, và nghĩ thật kỹ câu trả lời, tự mình trả lời chứ đừng trả lời kiểu “ vì sách họ viết là phải thế”. Chỉ cần nghĩ kỹ, thế là thành công lớn.


Tiếp theo , tôi sẽ giải thích thêm về cơ chế “đói”, để chúng ta có thể bỏ ăn tối mà không bị đói cồn ruột. Về năng lượng thì bạn có thể yên tâm rồi, vì chúng ta sẽ vẫn có đủ năng lượng, bằng cách sử dụng nhiên liệu vào đúng lúc cần, và tiêu thụ năng lượng ít đi. Cái vướng sẽ là cơn đói.


Tại sao người ta lại đói?


Cũng ít khi chúng ta tự hỏi mình câu hỏi đó, cứ thấy đói là ăn cho hết đói.


Bạn sẽ nghĩ là tôi đang làm phức tạp hóa vấn đề đơn giản, đó là đói thì ăn chứ sao. Không phải vậy, chính vì chúng ta bỏ qua ý nghĩa, nguyên nhân, mà chỉ lo giải quyết cái hiện tượng, nên vấn đề không được giải quyết. Ví như người bị bệnh đau đầu, chỉ lo uống Paracetamol để cắt cơn đau, mà không chịu tìm hiểu do đâu mà đầu nó phải đau, và trị ở gốc, cái nguyên nhân gây ra đau.


Đói, tôi thấy đói, đó là một cảm giác… Ban đầu nó là một cảm giác đúng, báo hiệu cơ thể cần được bổ sung thức ăn, làm nhiên liệu cho việc tái tạo ra năng lượng và dưỡng chất cho các hoạt động của nó. Ban đầu là như vậy, ở trẻ em là như vậy..


Cơ chế nó là: Tùy thuộc vào loại thức ăn , tính toán thời gian cần thiết để chuyển hóa thức ăn thô thành năng lượng.


Tùy vào nhu cầu năng lượng, tính toán thời điểm cần bắt đầu tiếp nhận thức ăn.


Khi có dấu hiệu bắt đầu tiếp nhận thức ăn, ví dụ như theo thói quen tới giờ ăn, như mắt thấy thức ăn đã được chuẩn bị, như mũi ngửi thấy mùi thức ăn được nấu chín, cơ thể bắt đầu tiết ra các hóa chất cần thiết. tuyến nước bọt được chuẩn bị; axit HCL trong dạ dầy bắt đầu tiết ra, tuyến mật và tuyến tụy bắt đầu hoạt động, tiết ra mật, ra các enzim cần thiết, bộ máy tiêu hóa được khởi động từ từ….


Và nếu được ăn vào lúc này, người ta sẽ không có cảm giác đói…


Và nếu không được ăn vào lúc này… khi bộ máy tiêu hóa đã được kích hoạt… thì cảm giác đói sẽ xuất hiện. Nó càng mãnh liệt khi bộ máy được kích hoạt mạnh, chứ nó không phụ thuộc vào việc có được ăn thật hay không. Đói chỉ là phản ứng của cơ thể khi bộ máy tiêu hóa đã được kích hoạt mà không nhận được thức ăn – một phản xạ có điều kiện.


Chúng ta chắc có nhiều kinh nghiệm về việc không ăn mà không thấy đói… hoặc chỉ nghĩ tới ăn mà thấy đói … hoặc cồn cào ruột gan vì phải chờ ăn…. Điều đó nói lên rằng đói chỉ là hiện tượng, không phải bản chất. Và không phải cứ đói là thiếu năng lượng, mặc dù thiếu năng lượng thì sẽ đói.


Đây là một điểm khá tế nhị, vì một người cố tình lờ cơn đói khi thiếu năng lượng, sẽ làm cơ thể kiệt quệ và sinh bệnh. Còn chúng ta sẽ cắt cơn đói khi đó là tín hiệu giả, là khi bộ máy tiêu hóa được khởi động do thói quen ăn tối hàng ngày. Đây là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nhịn đói là phản khoa học. Chúng ta sẽ không nhịn đói, thay vào đó, chúng ta đang tìm hiểu cơ chế của việc ăn, tiêu hóa, và từ đó có cách ăn đúng, đúng thức ăn, đúng thời điểm.


Sau khi đã hiểu cơ chế tạo ra cảm giác đói, đã hiểu những hệ quả của việc ăn tối, chúng ta sẽ làm sao để không phải ăn tối mà không bị đói. Việc đó hoàn toàn không khó.


Chúng ta có cái đầu… Ý thức quyết định mọi thứ


Nếu ý quyết là không ăn, ý nhắc cơ thể là tối sẽ không ăn…sẽ từ bỏ việc ăn tối. Nhắc càng rõ ràng, càng quyết tâm, thì tới giờ ăn tối thường lệ, cơ thể sẽ ngưng, sẽ giảm việc khởi động bộ máy tiêu hóa…. Nhất là axit HCL, chất cần thiết để tiêu hóa thức ăn thô trong dạ dày sẽ ngưng, hoặc giảm tiết ra.


Ngày đầu, bộ máy đã quen chạy hàng chục năm sẽ khó mà tuân lệnh ngay. Nó sẽ vẫn vận hành, và chúng ta sẽ đói. Cách tốt nhất để hủy hoại dạ dày, làm thủng dạ dày là “lờ” cơn đói, dùng ý chí áp bức cơ thể. HCL không có thức ăn thô để tạo phản ứng hóa học, nó sẽ tác động mạnh tới lớp “đờm” bảo vệ thành trong của dạ dày, và làm lớp này mòn đi nhanh chóng… trong điều kiện thông thường, lớp này sẽ thay hoàn toàn sau mỗi ba ngày… còn trong điều kiện bị lờ như thế, tôi nghĩ chúng sẽ phải thay chỉ trong một tới hai ngày… Vì lý do nào đó mà chúng không kịp tái tạo? thế thì sẽ loét dạ dày…. Đó là còn nhẹ… Đó mới chỉ nói về dạ dầy…


- Ngày đầu, nó sẽ vận hành, và nó sẽ đói… chúng ta sẽ làm gì? Chỉ uống nước, và uống nước sạch , nước trắng… nó vừa làm loãng axit, vừa làm đầy dạ dầy , làm giảm việc gửi tín hiệu đói do dạ dầy rỗng….


- Ngày thứ hai, bộ máy tiêu hóa sẽ giảm hoạt động so với ngày đầu, nó đã biết là bạn nói là bạn làm, tín hiệu bạn gửi nó trưa hôm qua là đúng. Bạn đã nói là bỏ ăn tối, và quả thực là tới bữa tối, nó chẳng nhận được loại thức ăn nào ngoài nước trắng.


- Ngày thứ ba, nó sẽ giảm nữa… vì nó thấy là thay vì thức ăn, nó vẫn chỉ nhận được nước, và để tiêu hóa nước, thì nó không cần phải khởi động bộ máy phức tạp như vậy. Nó bắt đầu tin bạn, nói cách khác, bạn bắt đầu hòa nhập được với cơ thể nhiều hơn.


- Ngày thứ tư, nó sẽ hầu như không khởi động…


- Vài ngày sau, bạn sẽ thấy cảm giác yên bình, sung sướng khôn tả của việc không ăn tối..


Đã thành công?


Không, chưa đâu, chúng ta còn phải ăn sáng cho tốt hơn để có năng lượng trong ngày lao động


Chúng ta phải tiết kiệm năng lượng trong sinh hoạt….


Đó là một vấn đề khác, tôi sẽ trình bày ở một lần nào đó, chỉ biết rằng, nếu làm được tốt, thì ăn một bữa là đủ. Các học trò của Đức Phật ngày xưa cũng chỉ ăn một bữa… và không ăn quá ngọ…” vị ấy chỉ ăn ngày một bữa, từ bỏ ăn phi thời, không ăn quá ngọ”


Chúng ta còn nhiều việc phải quan tâm, chưa biết cách bảo vệ cơ thể khỏi việc lãng phí năng lượng, thì việc chỉ bỏ ăn tối và ăn tốt hơn vào buổi sáng là hoàn toàn đủ….Hãy ăn ngày hai bữa sáng và trưa, đặc biệt để ý tới bữa sáng…


Tóm tắt lại thế này:


Bỏ được ăn tối thì sẽ khỏe và đầu óc minh mẫn hơn, bỏ được là tốt


Muốn bỏ được thì ngoài quyết tâm, phải có hiểu biết


Đừng sợ thiếu năng lượng


Dùng nước sạch thay thức ăn vào bữa tối ở những ngày đầu


Tác ý sau giờ ăn trưa, là tối sẽ không ăn. Điều này rất quan trọng, không tác ý trước thì sẽ rất đói.


Thành công rồi thì đừng ăn lại…từ bỏ là như vậy, nếu ăn lại thì sẽ khó mà bắt cơ thể nghe theo.


“Con người ta tồn tại được là nhờ thức ăn….”


Ngày 2/5/2011


Trương Hồng Hạnh

Sunday, May 6, 2018

GIỚI HÀNH NIỆM HƠI THỞ VÔ, HƠI THỞ RA

Trước tiên chúng ta tìm nơi vắng vẻ, yên tịnh, rồi tập ngồi kiết già lưng thẳng, sau khi tập ngồi kiết già lưng thẳng được có nghĩa là ngồi tréo chân mà không thấy khó chịu, hoặc đau hoặc tê chân chừng nửa tiếng đồng hồ. Khi ngồi được nửa tiếng đồng hồ yên ổn thì mới đặt niệm hơi thở vô, hơi thở ra trước mặt và tác ý như sau: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Khi tác ý xong câu này ta truyền lệnh: “Hít”, truyền lệnh xong ta mới hít vô, tĩnh giác rất kỹ theo hơi thở vô. Sau khi hơi thở vô hết ta truyền lệnh: “Thở”, khi truyền lệnh xong ta mới thở ra và phải sáng suốt tĩnh giác theo hơi thở ra. Cứ như vậy mà tu tập 1 phút. Nếu tu tập 1 phút sức tĩnh giác rất tốt không quên hơi thở nào, có nghĩa là trong một phút không bao giờ ta quên hơi thở, mà cũng có nghĩa là trong một phút không có một niệm vọng tưởng nào xen vào được.
Nếu một phút tu tập tốt, ta tăng lên 2 phút, rồi 3 phút, rồi 4, 5 phút. Sau khi đạt được 5 phút rất tĩnh giác hơi thở ra vô, ta tăng 6, 7, 8, 9, 10. Sau khi tăng lên 10 phút ta soát xét xem lại toàn bộ cơ thể có xảy ra trạng thái gì không?

Wednesday, May 2, 2018

Kinh Chấp trượng



(XV) Kinh Chấp trượng (Sn 182)
Thế Tôn:
935. Từ người cầm các trượng,
Sợ hãi được sanh ra,
Hãy xem các loài người,
Trong khi đấu tranh nhau,
Ta sẽ nói sợ hãi,
Như Ta đã được biết.
936. Thấy loài, người vùng vẫy,
Như cá trong nước cạn,
Thấy họ chống đối nhau,
Ta rơi vào sợ hãi.
937. Ðời toàn không lõi cây,
Mọi phương đều dao động
Muốn cho mình ngôi nhà,
Ta không thấy nhà ở.
938. Cuối cùng là xung đột,
Thấy vậy Ta chán ngắt,
Ðây Ta thấy mũi tên,
Khó thấy, gắn vào tim.
939. Ai bị mũi tên đâm,
Chạy khắp mọi phương hướng,
Ai rút mũi tên ra,
Không chạy, liền ngồi xuống.
940. Ở đây sự học tập,
Ðã được nói rõ lên,
Phàm triền phược ở đời,
Chớ liên hệ với chúng,
Ðâm thủng dục hoàn toàn,
Tự học tập Niết-bàn.
941. Chân thật không xông xáo,
Không man trá, hai lưỡi,
Không phẫn nộ, ẩn sĩ,
Vượt tham ác, xan tham.
942. Người nghĩ đến Niết-bàn,
Bỏ ngủ, nhác, thụy miên,
Không sống với phóng dật,
Không an trú, quá mạn.
943. Không rơi vào nói láo,
Không tham ái các sắc,
Cần liễu tri quá mạn,
Sống từ bỏ bạo ác.
944. Không hoan hỷ việc cũ,
Không nhẫn chịu sự mới,
Trong tổn giảm không sầu,
Không liên hệ tham ái,
945. Ái, Ta gọi bộc lưu,
Mong cầu gọi bọt nước,
Sở duyên gọi biến kể,
Bùn dục khó vượt qua.
946. ẩn sĩ không rời chân,
Phạm chí trú đất liền,
Vị từ bỏ tất cả,
Thật được gọi an tịnh.
947. Biết vậy, gọi người biết,
Biết rồi không y pháp,
Chơn chánh sống ở đời,
Không tham ái một ai.
948. Ai ở đây vượt dục,
Ái khó vượt ở đời,
Không sầu, không tham muốn,
Cắt dòng không trói buộc.
949. Trước Ông làm khô cạn
Sau Ông không vật gì,
Ở giữa không nắm giữ,
Ông sẽ sống an tịnh.
950. Toàn diện đối danh sắc,
Không gì nghĩ "của ta"
Không có gì không sầu,
Không có già ở đời.
951. Không nghĩ "đây của tôi ",
Không nghĩ "đây của người ",
Người không có tự ngã,
Không sầu vì không ngã.
952. Không tàn bạo, không tham,
Không dục, thường đồng đẳng,
Ðược hỏi Ta nói lên,
Lợi ích bậc bất động.
953. Bậc ly dục rõ biết,
Vị ấy không sở hành,
Thoát ly, không tinh cần,
Thấy an ổn khắp nơi.
954. Bậc ẩn sĩ, không nói,
Bằng nhau, thua, hơn nhau,
An tịnh, ly xan tham,
Không nhận, không bác bỏ.
Thế Tôn giảng như vậy.

8 ĐẦY ĐỦ - THIỆN PHÁP CỦA NGƯỜI CƯ SĨ


1. - Này các Tỷ-kheo, có tám đầy đủ này. Thế nào là tám?
2. Đầy đủ tháo vát, đầy đủ phòng hộ, làm bạn với thiện, sống thăng bằng điều hòa, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ. 
Này các Tỷ-kheo, có tám đầy đủ này.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đầy đủ về tháo vát?
3. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử phàm làm nghề gì để sinh sống, hoặc nghề nông, hoặc đi buôn, hoặc nuôi bò, hoặc làm người bắn cung, hoặc làm việc cho vua, hoặc bất cứ nghề gì, trong nghề ấy, người ấy thiện xảo, không biết mệt, biết suy tư phương tiện vừa đủ để tự làm và điều khiển người khác làm. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đầy đủ tháo vát.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đầy đủ phòng hộ?
4. Ở đây, này các Tỷ-kheo, những tài sản của Thiện nam tử, do tháo vát tinh tấn thâu hoạch được, do sức mạnh cánh tay chất chứa được, do mồ hôi đổ ra đúng pháp, thâu hoạch được đúng pháp, vị ấy gìn giữ chúng, phòng hộ và bảo vệ. Làm thế nào các tài sản này của ta không bị vua mang đi, không bị trộm cướp mang đi, không bị lửa đốt, không bị nước cuốn trôi, không bị các người con thừa tự không khả ái cướp đoạt. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đầy đủ phòng hộ. 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là làm bạn với thiện?
5. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử sống tại làng hay tại thị trấn. Tại đấy có những Gia chủ, hay con người Gia chủ, những người trẻ được nuôi lớn trong giới đức, hay những người lớn tuổi được lớn lên trong giới đức, đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới đức, đầy đủ bố thí, đầy đủ trí tuệ, vị ấy giao thiệp, nói chuyện, thảo luận với những người ấy. Với những người đầy đủ lòng tin, vị ấy theo học đầy đủ lòng tin; với những người đầy đủ giới đức, theo học đầy đủ giới đức; với những người đầy đủ bố thí, theo học đầy đủ bố thí; với những người đầy đủ trí tuệ, theo học đầy đủ trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là làm bạn với thiện.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là sống thăng bằng điều hòa?
6. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập, sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách thăng bằng điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn. Người ấy suy nghĩ: “Đây là tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như sau; không phải là tiền xuất của ta, sau khi trừ tiền nhập, còn lại như vậy”. Ví như, này các Tỷ-kheo, người cầm cân hay đệ tử người cầm cân, sau khi cầm cân, biết rằng: “Với chừng ấy, cân nặng xuống; hay với chừng ấy, cân bổng lên”. 

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử sau khi biết tài sản nhập, sau khi biết tài sản xuất, sinh sống một cách điều hỏa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn, người ấy nghĩ rằng: “Đây là tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất còn lại như vậy; không phải là tiền xuất của ta, sau khi trừ đi tiền nhập, còn lại như vậy. 

Này các Tỷ-kheo, nếu Thiện nam tử này, tiền nhập vào ít, nhưng sống nếp sống rộng rãi (hoang phí), thời người ta nói về người ấy như sau: “Người Thiện nam tử này ăn tài sản của người ấy như người ăn trái cây sung”. 

Này các Tỷ-kheo, nếu người Thiện nam tử này có tiền nhập lớn, nhưng sống nếp sống cơ cực, thời người ta sẽ nói về người ấy như sau: “Người Thiện nam tử này sẽ chết như người chết đói”. Khi nào, này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử này sau khi biết tài sản nhập, sau khi biết tài sản xuất, sống nếp sống thăng bằng điều hòa, không quá phung phí, không quá bỏn xẻn, nghĩ rằng: “Như vậy, tiền nhập của ta, sau khi trừ đi tiền xuất, còn lại như vậy; không phải là tiền xuất, sau khi trừ tiền nhập, còn lại như vậy”. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là nếp sống thăng bằng, điều hòa. 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đầy đủ lòng tin?
7. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử có lòng tin, tin tưởng ở sự giác ngộ Của Như Lai: “Đây là Thế Tôn... bậc Đạo sư của chư Thiên và loài Người, Phật, Thế Tôn”. Này các Tỷ-kheo, gọi là đầy đủ lòng tin. 

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đầy đủ giới?
8. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử từ bỏ sát sanh... từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đầy đủ giới.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đầy đủ bố thí?
9. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử sống ở gia đình, với tâm không bị cấu uế xan tham chi phối, bố thí rộng rãi, với bàn tay rộng mở, vui thích từ bỏ, sẵn sàng để được yêu cầu, vui thích chia sẻ vật bố thí. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đầy đủ bố thí.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là đầy đủ, trí tuệ?
10. Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thiện nam tử có trí tuệ, thành tựu trí tuệ về sanh diệt, với Thánh thể nhập (quyết trạch), chơn chánh, chấm dứt khổ đau. Này các Tỷ-kheo, đây gọi là đầy đủ trí tuệ.
Tháo vát trong công việc,
Không phóng dật, nhanh nhẹn,
Sống đời sống thăng bằng,
Giữ tài sản thâu được,
Có tín, đầy đủ giới,
Bố thí không xan tham,
Rửa sạch đường thượng đạo,
An toàn trong tương lai,
Đây chính là tám pháp,
Bậc tín chủ tầm cầu,
Bậc chân thật tuyên bố,
Đưa đến lạc hai đời,
Hạnh phúc cho hiện tại,
Và an lạc tương lai,
Đây trú xứ Gia chủ,
Bố thí tăng công đức.

(Kinh Tăng Chi Bộ - HT Thích Minh Châu dịch)


Tuesday, May 1, 2018

SỢI DÂY TÁI SANH

SỢI DÂY TÁI SANH

(Tương Ưng Bộ III, Chương II. Tương Ưng RADHA, I. Phẩm Thứ Nhất, III. Sợi Dây Tái Sanh (S.iii,190), Trang 333)
-- "Ðoạn diệt sợi dây tái sanh. Ðoạn diệt sợi dây tái sanh", bạch Thế Tôn, được nói đến như vậy. Thế nào là sợi dây tái sanh, bạch Thế Tôn? Thế nào là sự đoạn diệt sợi dây tái sanh?

4) -- Này Ràdha, phàm dục gì, tham gì, hỷ gì, khát ái gì, phàm những chấp thủ phương tiện, tâm kiên trú, thiên chấp tùy miên gì đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức; như vậy gọi là sợi dây tái sanh. Sự đoạn diệt chúng là sự đoạn diệt sợi dây tái sanh.