Saturday, November 23, 2013

Tâm thư Đức Trưởng lão gửi cô Liên Tâm

TÂM THƯ GỬI LIÊN TÂM
Ngày 17 tháng 11 năm 2008


          Kính gửi: Liên Tâm!

          Vợ chồng, con cái là nợ nhân quả của nhau trong tiền kiếp, nên kiếp này phải gặp nhau để trả quả, để đòi nợ nhau. Cớ sao các con lại không thấy nhân quả mà cho đó là chồng, là vợ, là con của các con. Nếu là chồng, là vợ, là con của các con sao họ lại đối xử với các con quá tệ bạc, quá bạo lực, đánh các con, chửi mắng các con thậm tệ v.v..

Các con có thấy chăng? Biết bao nhiêu gia đình trong xã hội này, có gia đình nào không xung đột, không cãi cọ, không mắng chửi nhau và họ còn dùng những lời lẽ thô tục, kém văn hoá mạt sát nhau như những người thù địch, họ lại còn đánh đập nhau, gây thương tích, để lại một vết thương tinh thần muôn đời khó quên. Trong khi đó họ là chồng, là vợ, là con là những người thân thương cùng sống trong một mái nhà, cùng nhau chia vui xẻ buồn lúc trở trời trái tiết, cùng nhau chia cay xẻ đắng lúc bệnh tật tai nạn, lúc nào đều cũng có bên nhau.Thế sao họ lại đối xử với nhau như vậy, thật là cay đắng trăm phần. Phải không hỡi các con?

Chính vì các con đang mê mờ, mù ám không thấy biết nhân quả trong ba thời gian: quá khứ, vị lai và hiện tại. Do không thấy biết nhân quả nên không sợ nhân quả quá khứ, không sợ nhân quả hiện tại và không sợ nhân quả tương lai, nên tạo cảnh bất an cho mình, cho người và cho cả hai. Bởi vậy kiếp trước vay như thế nào thì kiếp này phải trả như thế nấy, không ai tránh khỏi qui luật nhân quả này.

Đường đi của nhân quả có ba nơi trên thân người, nó luôn ở đó để thực hiện vay trả, trả vay từ kiếp này sang kiếp khác. Ba nơi này gồm có:

1-  Ý hành là bộ tham mưu của nhân quả, nó tính toán tư duy theo tưởng tri nên tạo ra muôn ngàn nhân, khi nhân đã tạo thì ngay đó liền có quả, đó là nhân hiện tại quả hiên tại, nhưng cũng có khi nhân hiên tại mà quả tương lai. Thường con người sinh ra trên cuộc đời này đều do nhân quá khứ, đó là nhân quá khứ thì quả hiện tại. Vì nhân quá khứ quả hiện tại nên mới thọ lấy thân người. Thọ lấy thân người nên mới trả quả khổ đau vô cùng, vô tận. Nhưng con người đâu biết các pháp là nhân qủa nên cứ đam mê ham thích những cái gì trên đời này cho nó là thật có, nó là ta, là của ta. Vì lầm chấp như vậy nên con người đã tạo biết bao nhân mới để rồi phải gặt biết bao quả khổ đau.
2- Khẩu hành là nơi xuất phát hành động ngôn ngữ do ý hành chỉ đạo để tạo ra nhân quả thiện hay ác. Trên đời này khổ đau vì khẩu hành không sao kể hết, nếu không mở miệng ra thì thôi mà mở miệng ra là có việc, không việc này thì việc khác, việc vui cũng có, nhưng việc buồn cũng không sao kể siết. Do nhân quả như vậy chúng ta làm người cần phải cẩn thận khẩu hành khi nói ra phải toàn lời nói thiện thì mới mong thoát khỏi mọi sự khổ đau trong cuộc đời này.

3- Thân hành là nơi xuất phát ra những hành động nhân quả tay chân do ý hành chỉ huy để tạo ra nhân quả thiện ác, cho nên hãy cẩn thận lúc nào cũng tỉnh giác khi làm một điều gì nên tránh không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai. Người tu sĩ Phật giáo những oai nghi chánh hạnh đi, đứng, nằm, ngồi phải nhẹ nhàng êm ái, không vội vàng, không hấp tấp, thường khoan thai, ôn tồn, êm dịu đối xử với mọi người mọi vật như nhau.

Do từ ba nơi này mà nhân quả theo đó điều khiển con người trả vay, vay trả mãi mãi từ đời này sang đời khác không bao giờ dứt. Cho nên các con hãy cẩn thận lời nói, hãy cẩn thận hành động tay chân, khi nói ra coi chừng trả quả khổ đau, khi nói ra coi chừng gieo nhân không lành. Về hành động tay chân cũng vậy, vì thế đức Phật dạy: “Chánh Ngữ và Chánh Nghiệp”.

Khi trả quả các con hãy vui vẻ chấp nhận trả nợ nhân quả thì có việc gì làm cho các con buồn lo được. Phải không hỡi các con?

Các con có biết không? Họ là chồng, là vợ, là con của biết bao nhiêu người khác, chứ đâu phải của riêng của các con mà các con ghen tuông nói thế này, nói thế khác, các con lại muốn chiếm hữu làm sao chiếm hữu được khi đang sống trong qui luật nhân quả. Có vay thì có trả, vay đâu thì trả đó. Cho nên mọi việc xảy ra trên đời này đều theo nghiệp nhân quả, thế sao các con không hiểu mà khư khư chấp có, chấp không để rồi lại buồn rầu than khóc khổ đau. Cái gì làm cho các con đau khổ? Chính các con không hiểu nhân quả nên cuộc đời các con mới khổ đau không bao giờ dứt.

Hãy cứu mình ra biển khổ, không ai cứu các con bằng chính các con, như đức Phật đã dạy: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi”. Đời toàn nhân quả khổ đau có vật gì trên đời này đáng cho các con tiếc rẻ. Phải không hỡi các con?

Tất cả các pháp trên đời này đều vô thường, có pháp nào vĩnh viễn thường hằng đâu? Có pháp nào là của các con đâu? Có pháp nào là bản ngã của các con? Rồi đây ngày mai các con chết thì chồng hay vợ và con của các con có còn là chồng, là vợ, là con của các con nữa đâu? Các con chết đi có mang họ theo được không? Hay chỉ chết một mình… Ôi thật là đau thương!

Nhân quả! Nhân quả! Sao người công bằng đến đổi không còn ai tránh né trốn chạy người được. Tạo nhân nào thì phải gặt quả nấy các con hãy cẩn thận, trước khi nói hay làm phải suy nghĩ cho thật kỹ rồi mới nói, mới làm, đừng vội vàng nói ra hay làm hấp tấp rồi sẽ gặt lấy quả mình khổ, người khác khổ hoặc cả hai cùng khổ. Đó là hành động nhân quả ác thiếu suy nghĩ chín chắn, thiếu cẩn thân trong lời nói hay trong hành động làm. Nếu các con bình tĩnh, cẩn thận, dè dặt suy tư chín chắn trước khi nói hay trước khi làm thì sẽ mang lại sự an vui cho mình, cho người hoặc cho cả hai, thì đó là các con thực hiện nhân quả thiện mà tránh được nhân quả ác.

Chỉ vì con người không sợ nhân quả nên nói và làm không cân nhắc kỹ lưỡng, vì thế nên luôn làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai thật là đáng trách.

Cuối cùng chúc các con vượt qua nghiệp lực và làm chủ nhân quả, đừng để nhân quả làm chủ các con.

                                      Kính thư,
                             Thầy của các con
                       Trưởng lão. Thích Thông Lạc


Friday, November 8, 2013

LY TRẦN VÔ CẤU


III. Phẩm Bệnh

74.I. Bệnh (1) (S.iv,46)

1) Nhân duyên ở Sàvatthi...

2) Rồi một Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn...

3) Ngồi xuống một bên, Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- Trong tịnh xá của chúng con, bạch Thế Tôn, có một tân Tỷ-kheo ít người biết đến, bị bệnh hoạn, đau đớn, bị trọng bệnh. Lành thay, bạch Thế Tôn, nếu Thế Tôn đi đến Tỷ-kheo ấy vì lòng từ mẫn.

4) Rồi Thế Tôn sau khi nghe tiếng "Mới", nghe tiếng "Bệnh", khi biết được: 

"Tỷ-kheo ấy ít được người biết đến" liền đi đến Tỷ-kheo ấy.

5) Tỷ-kheo ấy thấy đức Phật từ xa đi đến, sau khi thấy, liền gượng dậy trên giường.

6) Thế Tôn liền nói với Tỷ-kheo ấy:

-- Thôi! Này Tỷ-kheo, Ông chớ có gượng dậy trên giường. Có những chỗ ngồi đã soạn sẵn, tại đấy Ta sẽ ngồi.

Rồi Thế Tôn ngồi trên chỗ ngồi đã soạn sẵn.

7) Sau khi ngồi, Thế Tôn nói với Tỷ-kheo ấy:

-- Này Tỷ-kheo, Ông có kham nhẫn được không? Ông có chịu đựng được không? Có phải khổ thọ giảm thiểu, không tăng trưởng? Có phải có triệu chứng giảm thiểu, không phải tăng trưởng?

-- Bạch Thế Tôn, con không thể kham nhẫn, không thể chịu đựng. Mãnh liệt là khổ thọ con cảm giác! Chúng tăng trưởng, không có giảm thiểu. Có triệu chứng tăng trưởng, không phải giảm thiểu.

8) -- Này Tỷ-kheo, mong rằng Ông không có gì nghi ngờ, không có gì hối hận.

-- Bạch Thế Tôn, chắc chắn con không có gì nghi ngờ, không có gì hối hận.

9) -- Nhưng đối với giới của mình, Ông có gì tự khiển trách không?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

10) -- Này Tỷ-kheo, nếu đối với giới của mình Ông không có gì để khiển trách, thời này Tỷ-kheo, Ông thế nào cũng có nghi ngờ đối với vấn đề gì, cũng có hối hận gì.

-- Bạch Thế Tôn, con không hiểu pháp Thế Tôn dạy về mục đích thanh tịnh trì giới.

11) -- Này Tỷ-kheo, nếu Ông không hiểu pháp Ta dạy về mục đích thanh tịnh trì giới, thời này Tỷ-kheo, Ông hiểu pháp Ta dạy như thế nào?

-- Bạch Thế Tôn, con hiểu pháp do Thế Tôn dạy là tham và đoạn tham.

12) -- Lành thay, lành thay, này Tỷ-kheo! Lành thay, này Tỷ-kheo! Ông hiểu pháp Ta dạy là tham và đoạn tham. Với mục đích tham và đoạn tham, này Tỷ-kheo, là pháp Ta dạy.

13) Ông nghĩ thế nào, này Tỷ-kheo, mắt là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn...

-- Tai... Mũi... Lưỡi... Thân... Ý là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu quán cái ấy là: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

14) -- Thấy vậy, này Tỷ-kheo, bậc Ða văn Thánh đệ tử nhàm chán đối với mắt... "... không còn trở lui trạng thái này nữa".

15) Thế Tôn thuyết như vậy, Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy. Và trong khi lời dạy này được nói lên, Tỷ-kheo ấy khởi lên pháp nhãn ly trần vô cấu: "Phàm cái gì sanh khởi, tất cả đều chịu sự đoạn diệt".

(Tương Ưng - Tập IV - Thiên Sáu Xứ)

Thursday, November 7, 2013

Tiểu kinh Người chăn bò

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở giữa các bộ lạc Vajji (Bạt-kỳ) tại Ukkacela, trên bờ sông Hằng. Tại đây Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Những Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:

-- Ngày xưa, này các Tỷ-kheo, tại Magadha có người chăn bò vô trí, vào cuối tháng mùa mưa, trong mùa gặt hái, không quan sát bờ bên này sông Hằng, không quan sát bờ bên kia sông Hằng, đuổi đàn bò qua bờ bên kia tại Suvideha, tại chỗ không có thể lội qua được. Này các Tỷ-kheo, những con bò xô nhau tụ lại giữa dòng sông Hằng và gặp tai nạn tại nơi đây. Vì cớ sao? Này các Tỷ-kheo, vì người chăn bò ở Magadha là vô trí, vào cuối tháng mùa mưa, trong mùa gặt hái, không quán sát bờ bên này sông Hằng, không quán sát bờ bên kia sông Hằng, đuổi đàn bò qua bờ bên kia tại Suvideha, tại chỗ không thể lội qua được.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có những Sa-môn hay Bà-la-môn không khéo biết đời này, không khéo biết đời sau, không khéo biết ma giới, không khéo biết phi ma giới, không khéo biết tử thần giới, không khéo biết phi tử thần giới, những ai nghĩ rằng cần phải nghe, cần phải tin những vị này, thì họ sẽ gặp bất hạnh đau khổ lâu dài.

Ngày xưa, này các Tỷ-kheo, tại Magadha có người chăn bò có trí, vào cuối tháng mùa mưa, trong mùa gặt hái, sau khi quán sát bờ bên này sông Hằng, sau khi quán sát bờ bên kia sông Hằng, đuổi đàn bò qua bờ bên kia tại Suvideha, tại chỗ có thể lội qua được. Người đó đuổi đi đầu những con bò đực già, những con đầu đàn. Những con này sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, qua bờ bên kia một cách an toàn. Rồi người đó đưa qua những con bò đực lớn mạnh, những con bò đực có được huấn luyện. Những con này sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, qua bờ bên kia một cách an toàn. Rồi người đó đuổi qua những con bò đực con, lớn, những con bò cái con, lớn. Những con này sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, qua bờ bên kia một cách an toàn. Rồi người đó đuổi qua những con bò con nhỏ, những con bò con còn bú. Những con này sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, qua bờ bên kia một cách an toàn. Này các Tỷ-kheo thời xưa ấy có con bò còn nhỏ mới sanh, con bò này nhờ chạy theo con bò mẹ, vừa chạy, vừa kêu, sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, cũng qua bờ bên kia một cách an toàn. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, vì người chăn bò ở Magadha là người có trí, vào cuối tháng mùa mưa, trong mùa gặt hái, sau khi quán sát bờ bên này sông Hằng, sau khi quán sát bờ bên kia sông Hằng, đuổi đàn bò qua bờ bên kia tại Suvideha, tại chỗ có thể lội qua được.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, có những Sa-môn hay Bà-la-môn khéo biết đối với đời này, khéo biết đối với đời sau, khéo biết ma giới, khéo biết phi ma giới, khéo biết tử thần giới, khéo biết phi tử thần giới. Những ai nghĩ rằng, cần phải nghe, cần phải tin những vị này, thì họ sẽ được hạnh phúc, an lạc lâu dài.

Này các Tỷ-kheo, ví như những con bò đực già, đầu đàn, chúng đã lội cắt ngang dòng sông Hằng và qua bờ bên kia một cách an toàn (1). Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo là những bậc A-la-hán, đã đoạn trừ các lậu hoặc, tu hành thành mãn, các việc nên làm đã làm, đã đặt gánh nặng xuống, đã đạt được mục đích, các hữu kiết sử đã hoàn toàn bị đoạn diệt, đã được giải thoát nhờ chánh trí. Những vị này, sau khi lội cắt ngang dòng sông của Ma vương, đã qua bờ bên kia một cách an toàn.

Này các Tỷ-kheo, ví như những con bò đực lớn mạnh, những con bò đực có huấn luyện, sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, qua bờ bên kia một cách an toàn.(2) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh, ở tại đấy nhập Niết-bàn, không còn phải trở lại thế giới này nữa. Những vị ấy, sau khi lội cắt ngang dòng sông Ma vương sẽ qua bờ bên kia một cách an toàn.

Ví như, này các Tỷ-kheo, những con bò đực con, lớn, những con bò cái con, lớn, những con này sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, đã qua bờ bên kia một cách an toàn.(3) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo đã diệt trừ ba kiết sử, làm giảm thiểu tham, sân, si, chứng quả Nhất lai, sau khi trở lại đời này một lần nữa, sẽ diệt tận khổ đau. Những vị ấy, sau khi lội cắt ngang dòng sông Ma vương sẽ qua bờ bên kia một cách an toàn.

Ví như, này các Tỷ-kheo, những con bò con, nhỏ, những con bò con còn bú, những con này sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, đã qua bờ bên kia một cách an toàn. (4) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo diệt trừ ba kiết sử, chứng quả Dự lưu, nhất định không còn đọa vào ác đạo, đạt đến chánh giác. Những vị này lội cắt ngang dòng sông Ma vương và sẽ qua bờ bên kia một cách an toàn.

Ví như, này các Tỷ-kheo, con bò con còn nhỏ, mới sanh, con bò này nhờ chạy theo con bò mẹ, vừa chạy, vừa kêu, sau khi lội cắt ngang dòng sông Hằng, đã qua bờ bên kia một cách an toàn. (5) Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, những Tỷ-kheo tùy pháp hành, tùy tín hành, những vị này sau khi lội cắt ngang dòng sông của Ma vương sẽ qua bờ bên kia một cách an toàn.

Này các Tỷ-kheo, nay Ta khéo biết đối với đời này, khéo biết đối với đời sau, khéo biết đối với ma giới, khéo biết đối với phi ma giới, khéo biết đối với tử thần giới, khéo biết đối với phi tử thần giới. Những ai nghĩ rằng, cần phải nghe, cần phải tin nơi Ta, thì họ sẽ được hạnh phúc, an lạc lâu dài. (6)

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Sau khi Thiện Thệ nói vậy, bậc Ðạo Sư lại nói thêm bài kệ như sau:


Ðời này và đời sau,

Bậc Trí khéo trình bày,

Cảnh giới Ma đạt được, 

Cảnh Tử Thần không đạt.



Bậc Chánh Giác, Trí Giả, 

Biết rõ mọi thế giới,

Cửa bất tử rộng mở,

Ðạt an ổn Niết-bàn.



Dòng Ma bị chặt ngang, 

Nát tan và hư hoại,

Hãy sống sung mãn hỷ, 

Ðạt an ổn Niết-bàn,

(Này các Tỷ-kheo).

Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt


Ðại kinh Người chăn bò

Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở tại Savatthi (Xá-vệ), Jetavana (Kỳ-đà Lâm), vườn ông Anathapindika (Cấp Cô Ðộc). Ở tại đây, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo.

-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn thuyết giảng như sau:

-- Này các Tỷ-kheo, nếu không đầy đủ mười một đức tánh này, một người chăn bò không thể chăn giữ đàn bò, không thể khiến đàn bò được hưng thịnh. Thế nào là mười một? Ở đây, này các Tỷ-kheo, một người chăn bò không biết rõ sắc (1), không khéo (phân biệt) các tướng (2), không từ bỏ trứng con bò chét (3), không băng bó vết thương (4), không có xông khói (5),  không biết chỗ nước có thể lội qua (6), không biết chỗ nước uống (7), không biết con đường (8), không khéo léo đối với các chỗ đàn bò có thể ăn cỏ (9), là người vắt sữa cho đến khô kiệt (10), là người không chú ý, không săn sóc đặc biệt những con bò đực già và đầu đàn (11). Này các Tỷ-kheo, người chăn bò nào không đầy đủ mười một đức tánh như vậy, không thể chăn giữ đàn bò, không thể khiến đàn bò được hưng thịnh.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không đầy đủ mười một pháp, không thể lớn mạnh, tăng thịnh, thành mãn trong Pháp và Luật này. Thế nào là mười một? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không biết sắc, không khéo (phân biệt) các tướng, không từ bỏ trứng con bò chét, không băng bó vết thương, không có xông khói, không biết chỗ nước có thể lội qua, không biết chỗ nước uống, không biết con đường, không khéo léo đối với các chỗ đàn bò có thể ăn cỏ, là người vắt sữa cho đến khô kiệt, đối với những Thượng Tọa trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, không có sự tôn kính, tôn trọng đặc biệt.

Chư Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không biết rõ các sắc? (1) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đối với sắc pháp không như thật biết tất cả loại sắc thuộc bốn đại và sắc do bốn đại hợp thành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không biết rõ các sắc.

Chư Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không khéo (phân biệt) các tướng? (2) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không như thật biết kẻ ngu và nghiệp tướng của người đó, kẻ trí và nghiệp tướng của người đó. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không khéo (phân biệt) các tướng.

Chư Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không trừ bỏ trứng con bò chét? (3) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thọ dụng dục tầm khởi lên, không từ bỏ, không tránh né, không chấm dứt, không làm cho không tồn tại,. Tỷ kheo thọ dụng sân tầm khởi lên ... thọ dụng hại tầm khởi lên ... thọ dụng các ác, bất thiện pháp khởi lên, không từ bỏ, không tránh né, không chấm dứt, không làm cho không tồn tại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không trừ bỏ trứng con bò chét.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không băng bó vết thương? (4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, khi mắt thấy sắc, nắm giữ tướng chung, nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì làm con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên; Tỷ-kheo không tự chế ngự nguyên nhân ấy, không hộ trì con mắt, không thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy nắm giữ tướng chung, nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên; Tỷ-kheo không chế ngự nguyên nhân ấy, không hộ trì ý căn, không thực hành sự hộ trì ý căn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không băng bó vết thương.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không xông khói? (5) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không có thuyết giảng rộng rãi cho các người khác biết Chánh pháp mình được nghe, được thọ trì. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không xông khói.

Và này, các Tỷ-kheo, như thế nào là Tỷ-kheo không biết chỗ nước có thể lội qua? (6) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thỉnh thoảng có đến gặp những Tỷ-kheo đa văn được trao cho truyền thống giáo điển, những bậc trì Pháp, trì Luật, trì matika (các bản tóm tắt) nhưng không hỏi, không trả lời các vị ấy: "Thưa Tôn giả, điểm này là thế nào? ý nghĩa này là gì?" Những bậc Tôn giả ấy không làm cho hiển lộ những điều chưa hiển lộ, không làm cho rõ ràng những điều chưa được rõ ràng, và đối với những nghi vấn về Chánh pháp, các vị ấy không đoạn trừ nghi hoặc. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không biết chỗ nước có thể lội qua.

Và chư Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không biết rõ chỗ nước uống? (7) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, trong khi Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết được giảng dạy, không chứng đạt nghĩa tín thọ, pháp tín thọ, không chứng đạt sự hân hoan liên hệ đến Pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không biết chỗ nước uống.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không biết về con đường?(8)  Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không như thật biết con đường Thánh đạo Tám ngành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không biết đến con đường.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không khéo léo với các chỗ đàn bò có thể ăn cỏ? (9) Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không như thật biết về Bốn Niệm xứ. Như vậy này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không khéo léo với các chỗ đàn bò có thể ăn cỏ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo vắt sữa cho đến khô kiệt? (10)  Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi các vị tại gia vì lòng tin cúng dường các vật dụng, như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, Tỷ-kheo không biết nhận lãnh cho được vừa đủ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo vắt sữa cho đến khô kiệt.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo, đối với những Thượng tọa trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, không có sự tôn kính, sự tôn trọng đặc biệt? (11) Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với Thượng tọa, trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, không có thân nghiệp đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng, không có khẩu nghiệp đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng, không có ý nghiệp đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đối với những Thượng tọa, trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, không có sự tôn kính, sự tôn trọng đặc biệt.

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào không đầy đủ mười một pháp này, thì không thể lớn mạnh, tăng thịnh, thành mãn trong Pháp và Luật này.

Này các Tỷ-kheo, người chăn bò đầy đủ mười một đức tánh này có thể chăn giữ đàn bò, khiến đàn bò trở thành hưng thịnh. Thế nào là mười một? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người chăn bò biết rõ sắc, khéo (phân biệt) các tướng, trừ bỏ trứng con bò chét, băng bó vết thương, có xông khói, biết chỗ nước có thể lội qua, biết chỗ nước uống, biết con đường, khéo léo đối với các chỗ đàn bò có thể ăn cỏ, không vắt sữa cho đến khô kiệt, là người chú ý săn sóc đặc biệt, những con bò đực già và đầu đàn. Này các Tỷ-kheo, người chăn bò đầy đủ mười một đức tánh này có thể chăn giữ đàn bò và làm cho đàn bò trở thành hưng thịnh.

Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo đầy đủ mười một pháp này có thể lớn mạnh, tăng thịnh, thành mãn trong Pháp và Luật này. Thế nào là mười một? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo, biết rõ sắc, khéo (phân biệt) các tướng, trừ bỏ trứng con bò chét, băng bó vết thương, có xông khói, biết chỗ nước có thể lội qua, biết chỗ nước uống, biết con đường khéo léo đối với các chỗ đàn bò có thể ăn cỏ, không phải là người vắt sữa cho đến khô kiệt, đối với những Thượng tọa, trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, có sự tôn kính, tôn trọng đặc biệt.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết rõ các sắc? Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với sắc pháp như thật biết tất cả loại sắc thuộc bốn đại và sắc do bốn đại hợp thành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo biết rõ các sắc.

Chư Tỷ-kheo thế nào là Tỷ-kheo khéo (phân biệt) các tướng? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật biết kẻ ngu và nghiệp tướng kẻ ngu, kẻ trí và nghiệp tướng kẻ trí. Như vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo khéo (phân biệt) các tướng.

Này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo trừ bỏ trứng con bò chét? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo không thọ dụng dục tầm khởi lên, từ bỏ, tránh né, chấm dứt, làm cho không tồn tại. Tỷ kheo không thọ dụng sân tầm khởi lên ... không thọ dụng hại tầm khởi lên ... không thọ dụng các ác, bất thiện pháp khởi lên, từ bỏ, tránh né, chấm dứt, làm cho không tồn tại. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo trừ bỏ trứng con bò chét.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo băng bó vết thương? Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi mắt thấy sắc, không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến con mắt không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên; Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì con mắt, thực hành sự hộ trì con mắt. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... lưỡi nếm vị... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên; Tỷ-kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo băng bó vết thương.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo có xông khói? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo có thuyết giảng rộng rãi cho các người khác biết Chánh pháp mình được nghe, được thọ trì. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo có xông khói.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết chỗ nước có thể lội qua? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo thỉnh thoảng có đến gặp những Tỷ-kheo đa văn, được trao cho truyền thống giáo điển, những bậc trì Pháp, trì Luật, trì matika (các bản tóm tắt) có hỏi, có trả lời các vị ấy: "Thưa Tôn giả, điểm này là thế nào? Ý nghĩa này là gì? Những bậc Tôn giả ấy làm cho hiển lộ những điều chưa được hiển lộ, làm cho rõ ràng những điều chưa được rõ ràng, và đối với những nghi vấn về Chánh pháp, các vị đoạn trừ nghi hoặc. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết rõ chỗ nước có thể lội qua.

Và chư Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết rõ chỗ nước uống? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo trong khi Pháp và Luật do Như Lai tuyên thuyết, giảng dạy, chứng đạt nghĩa tín thọ, chứng đạt pháp tín thọ, chứng đạt sự hân hoan liên hệ đến Pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết chỗ nước uống.

Và các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo biết rõ về con đường? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật biết con đường Thánh đạo Tám ngành. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo biết rõ con đường.

Và này, các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo khéo léo đối với các chỗ đàn bò có thể ăn cỏ? Ở đây, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo như thật biết về Bốn Niệm xứ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo khéo léo đối với các chỗ đàn bò có thể ăn cỏ.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo không vắt sữa cho đến khô kiệt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, khi các vị tại gia vì lòng tin cúng dường các vật dụng như y áo, đồ ăn khất thực, sàng tọa, dược phẩm trị bệnh, Tỷ-kheo biết nhận lãnh cho được vừa đủ. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo không vắt sữa cho đến khô kiệt.

Và này các Tỷ-kheo, thế nào là Tỷ-kheo, đối với những Thượng tọa trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, có sự tôn kính, sự tôn trọng đặc biệt? Ở đây, này các Tỷ-kheo, đối với các Thượng tọa trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, có thân nghiệp đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng, có khẩu nghiệp, đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng, có ý nghiệp đầy lòng từ đối với các vị ấy, trước mặt và sau lưng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là Tỷ-kheo đối với những Thượng tọa trưởng lão, xuất gia đã lâu ngày, bậc tôn túc trong Tăng giới, bậc lãnh đạo trong Tăng giới, có sự tôn kính, có sự tôn trọng đặc biệt.

Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo nào đầy đủ mười một pháp này, thì có thể lớn mạnh, tăng thịnh, thành mãn trong Pháp và Luật này.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy, các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ, tín thọ lời Thế Tôn dạy.


Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt
Link: http://buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-trungbo/trung33.htm

Friday, November 1, 2013

7 GIÁC CHI


  • Phương cách thứ bảy, tu tập tâm vô lậu bằng pháp Như Lý Tác Ý. Đức Phật đã dạy:“Có những lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ”.Như vậy, pháp thứ bảy là phải dùng tác ý “tu tập” để diệt trừ lậu hoặc. Vậy tu tập nghĩa là gì?
Tu tập là dùng ý thức tư duy, suy nghĩ cái đúng, cái sai, cái thiện, cái ác, v.v.. Chọn lựa từng câu tác ý cho hợp với đặc tướng của mình, hoặc chọn lựa những hành động nội ngoại của thân, để tạo thành niệm. Nhờ nương niệm ấy tu tập tỉnh giác, nhờ tỉnh giác an trú thân tâm, nhờ an trú thân tâm mới xả ly tham, sân, si, mạn, nghi được.
Thưa các bạn! Muốn tu tập để đoạn diệt lậu hoặc thì các bạn phải biết các pháp nào tu tập trước tiên. Vậy, pháp môn trước tiên để các bạn tu tập là pháp nào, các bạn có biết chăng? Có lẽ các bạn sẽ trả lời: Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, hay Định Niệm Hơi Thở, v.v.. Không phải đâu các bạn ạ! Pháp các bạn đầu tiên mới vào tu tập là pháp môn Bảy Giác Chi[1]. Vậy Bảy Giác Chi là gì? Bảy Giác Chi gồm có là:
1-      Trạch Pháp Giác Chi
2-      Niệm Giác Chi
3-      Tinh Tấn Giác Chi
4-      Khinh An Giác Chi
5-      Hỷ Giác Chi
6-      Định Giác Chi
7-      Xả Giác Chi
Muốn tu tập đoạn diệt lậu hoặc thì Trạch Pháp Giác Chi là pháp môn tu tập thứ nhất. Tại sao nó là pháp môn tu tập thứ nhất? Muốn biết tại sao nó là pháp môn tu tập thứ nhất thì phải hiểu nghĩa.
Vậy Trạch Pháp Giác Chi là gì? Trạch Pháp Giác Chi có nghĩa là chọn lựa pháp môn tu tập để được giác ngộ giải thoát. Người tu tập mà không biết chọn pháp môn tu hành là người thiếu cân nhắc, thiếu tư duy, thiếu sáng suốt, thường nhẹ dạ, yếu lòng, dễ bị người khác lừa đảo. Những người như vậy là những người mê tín, cuồng tín trong tôn giáo. Hầu hết một số người chỉ tin theo pháp môn Đại Thừa và Thiền Tông nên không chịu nghiên cứu, vì thế tu gần chết mà chẳng giải thoát được những gì, suốt đời chỉ tu tập, nhưng cuối cùng tay trắng cũng là tay trắng.
Bởi vậy, muốn tu tập thì phải chọn lựa pháp, chứ không lẽ muốn tu mà đụng pháp nào cũng tu tập pháp nấy sao? Tu như vậy là tu trong ngu si, dễ bị người khác lừa đảo pháp giả. Do không trạch pháp, dễ rơi vào cạm bẫy của tà pháp ngoại đạo. Vì không biết trạch pháp nên tín đồ Phật giáo đã rơi vào rọ lưới của Đại Thừa và Thiền Đông Độ. Biết bao nhiêu công sức và tiền của đồng bào Phật tử đổ vào nơiđây như núi như rừng, nhưng xét cho cùng thìchẳng cóích lợi gì, chỉ là một tâm lý thư giãn của những người cuồng tín.
Phật giáo Nguyên Thủy dạy chúng ta bắt đầu vào pháp tu tập là phải biết chọn lựa pháp. Chọn lựa pháp tức là Trạch Pháp Giác Chi. Vì qua kinh nghiệm tu hành của đức Phật ngày xưa, khi đi tu Ngài chỉ biết tin mù quáng theo lời dạy của các vị Bà La Môn, cho nên sáu năm khổ hạnh nơi rừng già, thân mình tiều tụy đi hết muốn nổi như sắp chết, mà chẳng được lợi ích gì cho kiếp đời khổ đau.
Sau khi tự tìm ra đường lối tu tập thì Ngài cảm thấy như không có gì khó khăn và mệt nhọc, chỉ cần biết cách xả tâm đúng như bảy trường hợp trên đây. Và trường hợp cuối cùng để xả tâm bằng những pháp môn tu tập, nhưng phải dùng pháp như lý tác ý đi song hành theo bảy trường hợp xả tâm.
Khi bắt đầu vào pháp tu tập thì phải sử dụng pháp Bảy Giác Chi, dù là sống đời sống Phạm hạnh vẫn phải sử dụng Giác Chi cho đến pháp tu cuối cùng để nhập các định và thực hiện Tam Minh cũng phải dùng Bảy Giác Chi, nhưng nó không phải là Bảy Phá pGiác Chi mà là bảy năng lực Giác Chi. Đây,chúng ta hãy đọc đoạn kinh này thì thấy rõ ràng là đức Phật đã dạy:
1/ “Này các Tỳ Kheo, ở đây, Tỳ Kheo như lý giác sát tu tập Niệm Giác Chi, Niệm Giác Chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, y hướng đến từ bỏ”.
2/ “Này các Tỳ Kheo, ở đây, Tỳ Kheo như lý giác sát tu tập Trạch Pháp Giác Chi, Trạch Pháp Giác Chi này y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, y hướng đến từ bỏ”.
3“Này các Tỳ Kheo, nếu vị ấy không tu tập như lý giác sát tu tập Tinh Tấn GiácChi, Tinh Tấn Giác Chi này không y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, y hướng đến từ bỏ”.
4/ “Này các Tỳ Kheo, nếu vị ấy không tu tập như lý giác sát tu tập Khinh an Giác Chi, Khinh an Giác Chi này không y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, y hướng đến từ bỏ”.
5/ “Này các Tỳ Kheo, nếu vị ấy không tu tập như lý giác sát tu tập Hỷ Giác Chi, Hỷ Giác Chi này không y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, y hướng đến từ bỏ”.
6/ “Này các Tỳ Kheo, nếu vị ấy không tu tập như lý giác sát tu tập Định Giác Chi, Định Giác Chi này không y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, y hướng đến từ bỏ”.
7/ “Này các Tỳ Kheo, nếu vị ấy không tu tập như lý giác sát tu tập Xả Giác Chi, Xả Giác Chi này không y viễn ly, y ly tham, y đoạn diệt, y hướng đến từ bỏ”.
“Này các Tỳ Kheo, nếu vị ấy không tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy có thể khởi lên. Nếu vị ấy tu tập như vậy, các lậu hoặc tàn hại và nhiệt não ấy không còn nữa”.
“Này các Tỳ Kheo, các pháp ấy được gọi là các lậu hoặc phải do tu tập được đoạn trừ”.
 Đọc bài kinh trên, chúng ta thấy đức Phật dạy tu tập xả tâm rất tỉ mỉ. Mỗi tâm niệm trong ta khởi lên ở nhiều góc độ ác pháp khác nhau. Do đó, đức Phật đã chia làm bảy cách đoạn diệt lậu hoặc, tùy theo mỗi lậu hoặc dùng pháp tác ý mà diệt chúng. Có pháp môn tu tập trực tiếp diệt lậu hoặc như vậy, thế mà trên đường tu tập chúng ta còn gặp biết bao thứ lậu hoặc rất cứng đầu và khó trị. Cho nên, nhìn lại pháp tu tập của các Tổ sư thấy rõ chỉ Đại Thừa và Thiền Tông là những loại pháp môn tránh né, trốn chạy lậu hoặc. Tu như vậy, dù có tu muôn kiếp cũng chẳng đi đến đâu, chỉ uổng phí một đời tu mà thôi. Các bạn cứ suy ngẫm lại xem có đúng không?
Bài kinh trên đây là một bài kinh rất tuyệt vời giúp cho mỗi hành giả đoạn trừ lậu hoặc tận gốc.



[1] - Chúng ta phải hiểu và phân biệt cho rõ ràng Bảy Giác Chi có hai phần: 1- Bảy pháp Giác Chi; 2- Bảy năng lực Giác Chi.

(Trưởng lão Thích Thông Lạc. Những Lời Gốc Phật Dạy, tập 3, Nxb. Tôn Giáo, 2010)