Friday, October 31, 2014

XÁC ĐỊNH CÁC PHÁP TU TẬP

LỜI PHẬT DẠY
1- Nhất tâm là định.
2- Bốn niệm xứ là định tưởng.
3- Bốn tinh cần là định tư cụ.
4- Sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là tu tập định ở đây vậy.
5- Thở vô và thở ra là thân hành.
6- Tầm tứ là khẩu hành.
7- Tưởng thọ là tâm hành.
(Tăng Nhất A Hàm tập 3)

CHÚ GIẢI:
Trên đây là sự xác định rất rõ ràng của đức Phật trong các pháp môn tu hành về thiền định phải tu pháp nào và tu tập như thế nào, nhất là đức Phật chỉ cho chúng ta thấy phải dùng thân hành nào trong thân để nhập các loại định và nhập định nào làm chủ được sanh tử luân hồi.
 Vậy, muốn thấu hiểu rõ thì chúng ta phải thông hiểu từng câu, từng lời dạy của đức Phật như dưới đây:
1- Nhất tâm là gì? Nhất tâm là “tâm ly dục ly ác pháp”, chứ không phải nhất tâm là tâm “không vọng tưởng, tâm không niệm thiện niệm ác”. Tâm ly dục ly ác pháp là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, cho nên đức Phật gọi là “Bất Động Tâm Định”. Do vậy nên câu này đức Phật dạy: “Nhất tâm là định”. Ở đây các bạn phải khéo hiểu, nếu hiểu không đúng nghĩa thì các bạn sẽ hiểu theo kiểu kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông. Hiểu theo kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông thì dù các bạn có tu muôn ngàn kiếp cũng chẳng bao giờ có giải thoát.
2- Bốn Niệm Xứ là gì? Bốn Niệm Xứ là một phương pháp tu tập trên bốn chỗ của thân ngũ uẩn là: thân, thọ, tâm và pháp để đạt được ý thức ly dục ly bất thiện pháp, tức là ý thức không phóng dật (không khởi niệm).
Sao lại gọi:“Bốn Niệm Xứ là định tưởng”? Khi mới bước chân vào tu tập Bốn Niệm Xứ thì phải tu tập 16 loại tưởngNhờ tu tập 16 loại tưởng này nên tâm mới sinh ra nhàm chán các pháp thế gian vì thấu suốt lý các pháp là vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh, uế trược, do qui luật nhân quả duyên hợp tạo thành chẳng có gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Do ý nghĩa này mà Bốn Niệm Xứ là Định Tưởng. Các bạn nên hiểu: “Định Tưởng chứ không phải Tưởng Định”.
3- Bốn Tinh Cần là gì? Bốn Tinh Cần là một tên khác của Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần là một phương pháp tu tập dùng ý thức ngăn ác và diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Một pháp môn dùng cho mọi người tu tập lúc mới bắt đầu theo Đạo Phật. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà mọi người mới giữ gìn giới luật trọn vẹn. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà giới luật không bao giờ vi phạm. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà tâm hồn mới được thanh thản, an lạc và vô sự. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà cuộc sống gia đình mới được an vui và hạnh phúc. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà không còn nạn trộm cắp cướp giựt giết người, làm mất trật tự, an ninh. Do tu tập Tứ Chánh Cần mà các tệ nạn xã hội không còn nữa, tạo nên một xã hội có trật tự, một đất nước phồn vinh, thịnh trị, v.v..
Sao lại gọi Bốn Tinh Cần là Định Tư Cụ? Bốn tinh cần là pháp môn tu tập làm cho giới luật thanh tịnh như trên chúng tôi đã nói. Vì giới luật thanh tịnh là tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh là tâm định, nên đức Phật dạy: “Giới sinh định”. Muốn có thiền định thì chỉ cần tu tập giới luật cho thanh tịnh. Giới luật thanh tịnh tức là tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh là tâm ly dục ly ác pháp; tâm ly dục ly ác pháp thì ngay đó là thiền định, nên đức Phật dạy: “ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền”.
Đọc đến đây các bạn thấy rất rõ thiền định của Đạo Phật là thiền định từ giới luật sinh ra. Nó không giống bất cứ một loại thiền định nào của Đại Thừa và Thiền Tông. Phải không các bạn?
Nếu các bạn tu tập thiền định mà loại thiền định đó không lấy giới luật làm tiêu chuẩn, sống không đúng Phạm hạnh, thường phạm giới, phá giới mà cứ bảo đó là thiền định của Phật giáo thì các bạn đừng có tin.
Khi biết rõ pháp môn thiền định của Phật do từ giới luật sinh ra thì không ai còn đưa ra một pháp môn nào khác để lừa đảo chúng ta được nữa. Vì lý do này nên lời dạy trong bài kinh nói:“Bốn Tinh Cần Là Định Tư Cụ”. Đúng vậy. Pháp môn tu tập thiền định của Phật giáo Nguyên Thủy chỉ có Định Tư Cụ (Tứ Chánh Cần), ngoài Tứ Chánh Cần ra thì không còn pháp môn nào khác nữa để tu tập thiền định đúng chánh pháp. Nếu có pháp môn nào khác nữa để tu tập thiền định thì chúng ta phải biết đó không phải là pháp môn của Phật giáo, mà chính là pháp môn của ngoại đạo Bà La Môn.
4- Sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là tu tập định ở đây vậy.
Chúng ta hãy lắng nghe lời đức Phật xác định những pháp môn đức Phật đã dạy ở trên đây là những pháp môn tu tập thiền định của Đạo Phật. Vì vậy, quán niệm hơi thở có đúng là pháp môn tu tập thiền định của Đạo Phật không? Không đúng đâu các bạn ạ, nó chỉ là một phương pháp tu tập tỉnh thức mà thôi, chứ nó không phải thiền định. Tu hơi thở không thể nhập định được, tu hơi thở là để an trú thân tâm. An trú thân tâm trong hơi thở là để đẩy lùi các chướng ngại pháp.
Quý Sư, Thầy hiện giờ dạy người tu tập thiền định bằng quán niệm hơi thở, quán phình xệp cơ bụng (Minh Sát Tuệ), quán niệm Phật nhất tâm (Tịnh Độ), quán tri vọng (biết vọng liền buông), niệm chú bắt ấn (Mật Tông), tham công án, tham thoại đầu (Thiền Tông), v.v.. Các bạn hãy xem các pháp trên đây có phải từ giới luật mà thành định không? Nếu không phải từ giới luật sinh ra định thì những pháp thiền định này là thiền tưởng, thiền của Bà La Môn, thiền của các nhà học giả nặn ra.
Tóm lại, muốn tu tập thiền định của Phật giáo là phải tu tập giới luật. Tu tập giới luật là có giải thoát ngay liền; tu tập giới luật là tu tập đạo đức làm Người, làm Thánh; tu tập giới luật là xây dựng cho mình một cảnh giới Cực lạc, Thiên đàng ngay tại thế gian; tu tập giới luật là tu tập giúp cho thân tâm luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự; tu tập giới luật là tu tập tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, một trạng thái Niết bàn thật sự hiện tiền mà mọi người không ai ngờ được.
 5- Thở vô và thở ra là thân hành. Tại sao hơi thở ra, vô gọi là thân hành?
Hơi thở ra, vô là sự hoạt động tự động của thân để tạo thành sức sống của cơ thể để tiếp nhận dưỡng khí (gió) bên ngoài. Có thở mới có sống, hết thở là chết. Hơi thở là sự hoạt động của thân cũng giống như sự hoạt động đưa tay, đưa chân hay là chúng ta bước đi kinh hành. Về thân chúng ta có thể chia ra làm hai phần hoạt động:
a) Hoạt động bên trong thân gồm có: hơi thở, đó là sự hoạt động về hô hấp (phổi). Mạch máu khắp châu thân đang chuyển tải máu đi, máu về. Đó là sự hoạt động về tuần hoàn (tim) gan, bao tử, ruột bộ óc và các tế bào đều đang hoạt động trong thân. Tất cả những sự hoạt động đó gọi là thân hành nội.
b)Thân hành ngoại gồm có: đi, đứng, nằm, ngồi, co tay, duỗi chân, nói nín, cúi, gật, v.v..
Cho nên, sử dụng thân hành nội cũng như thân hành ngoại chỉ tu tập cho tâm được tỉnh thức mà thôi, chứ nó không phải thiền định gì cả. Nếu lấy hơi thở nhập định được thì đi kinh hành cũng nhập định được, hay làm tất cả các công việc cũng đều nhập định được sao? Điều này không thể xảy ra được. Do hiểu rõ điều này nên chúng tôi khẳng định: Đại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông và tất cả các loại thiền định ức chế tâm đều không nhập chánh định được, chỉ nhập vào định tưởng, định điên khùng rối loạn thần kinh.
Tóm lại, hơi thở ra, vô chỉ là một thân hành trong nhiều thân hành. Vì trong thân có rất nhiều hành động mà Đạo Phật lấy đó làm niệm để tu tập tỉnh thức gọi là Thân Hành Niệm. Người tu nương vào thân hành niệm là mục đích để tu tập tỉnh giác mà thôi. Đừng nghĩ rằng: quán niệm hơi thở theo Sổ Tức Quán của Đại Thừa hay Lục Diệu Pháp môn của Ngài Trí Khải Đại Sư (sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh), tu tập như vậy là để nhập định. Đó là quan niệm sai lầm, không đúng pháp môn của Phật dạy.
Sao các Tổ tự đặt ra nhiều pháp môn quá vậy để làm gì trong khi mọi người tu tập chỉ tìm cầu sự thoát khổ: sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, chứ không cầu thần thông, không cầu vãng sanh Cực lạc, không cầu Phật tánh, bản thể chân như vô phân biệt? Chính vì các Tổ sản sinh thần quyền và thêu dệt thần thông huyễn hoặc quá nhiều. Các Tổ dựa vào hơi thở Yoga sinh ra lắm thiền định, khiến người tu hành điên đảo chẳng biết tu pháp nào, họ như lọt vào rừng hơi thở.
6- Tầm, tứ là khẩu hành. Có nghĩa là gì? Câu này đức Phật xác định để chúng ta nhận xét khi nhập Nhị Thiền để thấy và hiểu biết cho rõ ràng.
Khi nhập Nhị Thiền tầm tứ diệt. Tầm tứ là ý thức, thuộc trong nhóm sáu thức: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Khi tầm tứ diệt thì mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý đều diệt. Sao ở đây đức Phật dạy: “Tầm tứ là khẩu hành”? Khẩu hành là sự hoạt động của miệng. Sự hoạt động của miệng có hai phần:
a) Ăn
b) Nói
Khi nhập Nhị Thiền thì miệng không còn ăn và nói chuyện. Nếu còn ăn và nói chuyện là không nhập Nhị Thiền. Hiển nhiên đúng như vậy các bạn ạ!
Cho nên câu nói: “Tầm, tứ là khẩu hành” là để chúng ta biết rõ khi nhập Nhị Thiền là không nói chuyện, không ăn uống được, có nghĩa là miệng không còn hoạt động. Do từ chỗ Tầm tứ diệt là khẩu hành diệt ta suy ra và biết ngay tầm tứ diệt là sáu thức diệt, có nghĩa là khi nhập Nhị Thiền thì người nhập định không phải giống như cây đá vô tri, vô giác, không phải giống như thây ma người chết. Khi nhập Nhị Thiền đức Phật còn xác định rõ ràng: “Định sinh hỷ lạc”. Vậy, cái gì còn biết hỷ lạc khi sáu thức bị ngưng hoạt động. Cái biết trong Nhị Thiền là cái biết của tưởng thức. Tưởng thức biết là nhờ thức uẩn hoạt động.
Thưa các bạn! Khi các bạn ngủ thì sáu thức không hoạt động nên bạn mới có chiêm bao. Trong chiêm bao cái gì biết, nghe, thấy và cảm nhận, các bạn có biết không? Đó là tưởng thức các bạn ạ!
Nhập Nhị Thiền, nói cho dễ hiểu là nhập vào thế giới chiêm bao. Thế giới chiêm bao là thế giới tưởng. Cho nên, nhập Nhị Thiền là nhập vào trạng thái của tưởng căn (nhóm tế bào tưởng) do tưởng uẩn hoạt động.
Tóm lại “Tầm, tứ là khẩu hành”, là chỉ cho trạng thái Nhị Thiền cần phải diệt.
7- Tưởng, thọ là tâm hành. Vậy tưởng, thọ là tâm hành, là gì? Tưởng là tưởng uẩn; thọ là thọ uẩn. Khi tưởng uẩn và thọ uẩn còn hoạt động thì không bao giờ nhập diệt thọ tưởng định được. Ở đây đức Phật nêu: “Tưởng, thọ là tâm hành” để nhắc khéo cho chúng ta biết khi nhập Tam Thiền thì phải ly tưởng dục (ly hỷ trú xả nhập Tam Thiền), nếu còn một chút xíu tưởng hỷ dục thì không bao giờ nhập Tam Thiền được. Khi nhập Tứ Thiền thì phải xả hết cảm thọ, còn một chút cảm thọ nơi thân tâm thì không nhập được Tứ Thiền.
Ở đây, chúng tôi xin nhắc lại các bạn cần lưu ý: Khi muốn nhập Sơ Thiền thì các bạn cần ly dục, ly ác pháp. Muốn ly dục ly ác pháp thì các bạn cần phải tịnh chỉ ngôn ngữ (lời nói) tức là sống độc cư trầm lặng một mình mà tâm không phóng dật thì mới có thể nhập được Sơ Thiền. Khi tâm không phóng dật là tâm bất động. Tâm bất động là tâm có đầy đủ bảy năng lực Giác Chi, do đó mới nhập được Sơ Thiền.
Khi muốn nhập Nhị Thiền thì các bạn phải diệt tầm tứ. Muốn diệt tầm tứ thì các bạn phải tịnh chỉ khẩu hành. Muốn tịnh chỉ khẩu hành thì phải có đủ bảy năng lực Giác Chi, nếu không có đủ bảy năng lực Giác Chi thì không bao giờ tịnh chỉ khẩu hành được. Và như vậy, các bạn cũng không bao giờ nhập Nhị Thiền được.
Khi muốn nhập Tam Thiền thì các bạn phải ly các trạng thái hỷ tưởng. Ly các trạng thái hỷ tưởng tức là tịnh chỉ mộng tưởng, có nghĩa là người nhập Tam Thiền thì thoát ra khỏi thế giới mộng tưởng. Muốn thoát ra khỏi thế giới mộng tưởng thì phải dùng bảy năng lực của Giác Chi, nếu không có bảy năng lực Giác Chi thì không bao giờ ly hỷ được.
Khi muốn nhập Tứ Thiền thì phải xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh tức là xả thọ. Muốn xả thọ thì phải tịnh chỉ hơi thở ra, hơi thở vô. Muốn tịnh chỉ hơi thở ra, hơi thở vô thì phải có đủ bảy năng lực của Giác Chi, nếu không có đủ bảy năng lực Giác Chi thì khó mà nhập được Tứ Thiền.
Khi muốn nhập Diệt Thọ Tưởng Định thì phải có đủ bảy năng lực Giác Chi mới nhập Diệt Thọ Tưởng, nếu không có bảy năng lực Giác Chi thì không bao giờ nhập Diệt Thọ Tưởng được.
Tóm lại, bảy lời dạy trên đây của đức Phật là chỉ thẳng mục đích tu tập từ con người phàm phu để trở thành những bậc Thánh nhân A La Hán vô lậu, làm chủ sự sống chết hoàn toàn và chấm dứt luân hồi, không còn trở lui trạng thái này nữa.
 ________
Trưởng lão Thích Thông Lạc. NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY, Nxb. Tôn Giáo, 2011, tập 1.

Thursday, October 30, 2014

THIỀN ĐỊNH


LỜI PHẬT DẠY
“Dân chúng Mạt La bảo nhau: “Ngọn lửa cháy mạnh quá, khó dặp tắt e cháy tiêu hết xá lợi! Chúng ta hãy lấy nước ở đâu để tưới?”.
(Kinh Trường A Hàm tập I trang 228,
kinh Du Hành)

CHÚ GIẢI:


Đoạn kinh này đã xác định xá lợi của Phật chỉ là những mảnh xương vụn, cháy chưa hết, chứ không phải do tu tập thiền định mới có xá lợi.

Kính thưa các bạn! Trong cuộc đời ác trược này, người tu sĩ khi chết mà còn lừa đảo thiên hạ thì không bằng người thế tục sống lương thiện không lường gạt lừa đảo ai hết. Lợi dụng sự không biết của tín đồ, bịa đặt ra: do tu thiền tinh tủy kết tinh lại thành xá lợi lửa đốt không cháy. Người Phật tử nghe đâu tin đó chứ không xem xét kỹ nên sự tin như vậy là tin mù quáng. Từ lòng tin này Phật tử người ít kẻ nhiều góp nhau xây tháp to lớn đồ sộ để thờ xá lợi.

Chỉ có xá lợi mà đã lường gạt biết bao nhiêu người trên thế gian này. Họ bảo rằng: Do tu thiền định mới có xá lợi. Trong khi mọi người chưa có ai biết thiền định và nhập như thế nào? Vậy mà dám bảo do tu thiền định mới có xá lợi.

Kính thưa các bạn! Các bạn cứ hỏi các vị Sư, Thầy: “Thiền định như thế nào? Tu thiền định là tu như thế nào?”.

Họ sẽ trả lời các bạn: “Tu thiền định là phải điều thân, điều tâm, điều tức, Sổ tức quán, Lục diệu pháp môn, chăn trâu, giữ ông chủ, biết vọng liền buông, phồng xẹp v.v.. Đó là tu thiền”.

Người mà đã chứng đạt chân lí, có đủ Tứ Thần Túc, họ đã nhập định và biết rõ thiền định như thế nào? Vì thế, khi nghe quý vị trình bày những pháp môn tu thiền định như vậy, thì họ biết ngay là quý vị chưa bao giờ biết thiền định, chưa bao giờ nhập định. Những pháp tu tập trên đây làm sao nhập định được. Định mà quý vị tu tập là những pháp môn ức chế tâm, định này mà nhập là các bạn đã bị rơi vào định tưởng, chứ không phải nhập thiền định như vậy. Vì lối tu tập của quý vị là lối tu tập ức chế ý thức cho hết niệm khởi, chứ không phải thiền định gì cả, đó là một loại thiền tưởng.

Xin các bạn hãy đọc lại đoạn kinh Nguyên Thủy này thì sẽ rõ: “ Thưa Ni Sư thế nào là định? Thế nào là định tướng? Thế nào là định tư cụ? Thế nào là định tu tập?

“ – Này Hiền giả Visaka, nhất tâm là định, bốn niệm xứ là định tướng, bốn tinh cần là định tư cụ, sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là định tu tập ở đây vậy”.

Muốn thấu rõ thiền định thì phải hiểu rõ những cụm từ này:

1.    Định

2.    Định tướng

3.    Định tư cụ

4.    Định tu tập

Như trong đoạn kinh Nguyên Thủy này Ni Sư Dhammadinna đã trả lời ngắn gọn, nhưng rất đầy đủ cho những ai muốn tìm hiểu thiền định của Phật giáo. Vậy nghĩa lý của những cụm từ trên đây là gì?

1- Định là nhất tâm. Vậy nhất tâm là gì? Từ xưa đến nay nhiều người chưa biết thiền định nên họ đều nghĩ nhất tâm là tâm không có vọng tưởng hay nói cách khác là tâm không có niệm khởi, “Chẳng niệm thiện niệm ác” hoặc “Thất nhật nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật”. Định nghĩa nhất tâm như vậy là các bạn đều nhai lại bã mía của Đại Thừa và các giáo phái Bà La Môn.

Chữ nhất tâm của Ni Sư Dhammadinna quá ngắn gọn làm cho người ta không hiểu rõ. Định là nhất tâm. Thì họ lại càng điên đầu suy diễn theo định kiến của mỗi kiến giải, càng suy diễn theo tưởng giải khiến cho người ta lại không hiểu định là gì nữa.

Thậm chí các nhà khoa học đem máy móc ra đo để tìm hiểu những người nhập định, thấy bộ óc có sự rung động thay đổi hoặc ngưng một vài bộ phận nào trên não là vội kết luận cho những người này nhập định.

Kính thưa các bạn! Các bạn nên biết: Định mà các Sư Thầy đã nhập đó là một loại thiền định tưởng như đã nói ở trên, do ức chế ý thức để tưởng thức hoạt động. Cho nên, máy móc các nhà khoa học đo đạc cho biết trên bộ óc có phần bị ức chế, có phần hưng phấn. 

Nhưng những loại định này là thiền định của ngoại đạo, chứ không phải là thiền định của Phật giáo. Muốn định nghĩa chữ “định” theo nghĩa của ngoại đạo chứ nghĩa của Phật giáo thì định là chỗ tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ. Định của Phật còn có tên là bất động tâm, còn có tên là vô tướng tâm tức không có ba tướng làm tâm động, đó là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Cho nên, chữ nhất tâm của Ni Sư Dhammadinna có nghĩa là bất động tâm, chứ không phải chỗ tâm không niệm khởi, chỗ tâm không vọng tưởng.

Các bạn có bao giờ nghe Phật dạy: “giới sinh định” chưa? Giới là pháp môn ly dục ly ác pháp, vì thế khi tâm ly dục ly ác pháp thì tâm nhập Bất Động Tâm Định. Bất Động Tâm Định không phải chỉ biết hít vô thở ra không có vọng tưởng. Các bạn hiểu như vậy là các bạn hiểu sai lạc.

Chỗ ly dục ly ác pháp là chỗ tâm bất động, chứ không phải chỗ hơi thở ra vào.

Khi tâm bất động, tâm định trên thân hành tức là thân động dụng chỗ nào là tâm biết ngay chỗ ấy như hơi thở ra vô, chứ không phải như người tu theo pháp Hơi Thở dùng hơi thở để tập trung tâm, chế ngự tâm, ức chế tâm, nhiếp phục tâm, làm cho tâm không khởi niệm. Đó là một sự hiểu sai lầm. Do sự hiểu sai lầm thành ra tu sai lầm. Cho nên, định là do sống không làm khổ mình, khổ người có nghĩa là sống mà không tham sân si, mạn, nghi là định. Người sống giới luật nghiêm chỉnh không hề vi phạm những lỗi nhỏ nhặt nào, thì người ấy nhập định. Do đó mà Ni Sư Dhammadinna xác định, định tướng là Tứ Niệm Xứ.

Kính thưa các bạn! Tứ Niệm Xứ là một trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự đó là tướng của định bất động tâm như Ni Sư nói: “Bốn Niệm Xứ là định tướng”. Như vậy kinh sách Nguyên Thủy đã xác định rõ ràng về thiền định. Vậy ai nói sai hoặc kinh sách nào nói không đúng định tướng của Phật là kinh sách và người nói ấy đã nói về thiền định của ngoại đạo, chứ không phải nói về thiền của Phật giáo.

Ông Visakha hỏi:“Tu thiền định là pháp môn nào?”.

Ni sư Dhammadinna đáp:“Bốn chánh cần là định tư cụ”.

Tứ chánh cần là định tư cụ tức là phương pháp dùng để tu tập thiền định. Như vậy rõ ràng tu tập thiền định là ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp chứ không phải tu thiền định là ngồi kiết già, lưng thẳng, hít vô thở ra, tập trung tâm ở tại mũi, ở trán, ở bụng phình xẹp, hay ở đan điền v.v.. Người tu tập phải hết sức cố gắng tập trung tâm như vậy, làm cho vọng tưởng không sanh khởi. Vọng tưởng không sanh khởi, họ cho đó là tu thiền, nhập định. Tu thiền, nhập định như vậy là sai không đúng thiền của Phật giáo như Ni sư Dhammadinna dạy: “Bốn chánh cần là định tư cụ”.

Ở đây chúng tôi xin nói với các bạn: Nếu cứ tập trung hít thở thì “Đó là loại thiền định tưởng của ngoại đạo, tu như vậy chẳng có ích lợi gì. Tâm tham, sân, si của các bạn vẫn còn nguyên, cho nên các bạn không làm chủ bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết và không chấm dứt tái sinh luân hồi”.

Kính thưa các bạn! các bạn có biết phương pháp tu tập Tứ Chánh Cần chưa? Đó là phương pháp ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiên tăng trưởng thiện pháp mà các bạn phải tu tập trong bốn oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi, để xả tâm ly dục ly ác pháp và từ bỏ từ niệm tham, sân, si, mạn, nghi chứ không phải ngồi kiết già cho hết niệm khởi. Cho nên, khi nào tâm các bạn hết tham, sân, si, là các bạn nhập định. Các bạn có biết chưa?

Như vậy các bạn đã hiểu định là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Cho nên Ni Sư Dhammadinna dạy: “Định tướng là Tứ Niệm Xứ”, tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Còn pháp tu tập thiền định thì hằng ngày thì Ni Sư Dhammadinna dạy: “Sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là định tu tập ở đây vậy”. Các bạn có nghe lời dạy này không? Hằng ngày luyện tập, tu tập, tái tu tập ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp là các bạn đã tu tập thiền định của Phật giáo, chứ không phải ngồi kiết già lưng thẳng, hít thở hoặc giữ tâm không vọng tưởng v.v..

Xét qua trong kinh sách Nguyên Thủy, các bạn mới thấy kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ dạy tu thiền không giống như Phật dạy. Có đúng như vậy không các bạn?

Vậy mà các Tổ Sư Đại Thừa bảo rằng: kinh sách Đại Thừa do Phật thuyết, thật là oan cho đức Phật. Đức Phật không dạy mà các Tổ gán cho Phật dạy những pháp thiền định tu tập điên khùng khiến cho những người có nhiệt tâm tu hành thành bệnh thần kinh; khiến cho những người có lòng tin Phật pháp trở thành những người mê tín dị đoan; khiến cho những người có lòng tin Phật pháp trở thành những người tin mù quáng. Thật đáng thương! Họ còn cho rằng: “Người tu thiền khi chết để lại xá lợi rất nhiều. Đó là mánh khoé lừa đảo người tu hành, khiến cho người ta nghĩ sai về Phật giáo.

Với thân tứ đại duyên hợp bất tịnh này là vô thường, có gì quan trọng, khi chết sẽ thành cát bụi, còn có gì quý báu nữa đâu, thế mà lừa đảo để làm tiền thiên hạ thật là một hành động đáng chê trách.

Tóm lại, khi tin theo một tôn giáo nào thì các bạn phải xem xét cho thật kỹ, tôn giáo ấy có phải là một chân lí không?

Kính thưa các bạn! Chân lí là một sự thật mà mọi người ai cũng phải nhận ra được. Nếu một tôn giáo không phải là sự thật mà là một ảo tưởng thì xin các bạn hãy tránh xa, nếu các bạn tin thì đó là các bạn tin mù quáng, các bạn sẽ trở thành những người mê tín, lạc hậu v.v.. Vì đó là một tôn giáo lừa đảo, chẳng có lợi ích gì cho các bạn về trí tuệ nhân quả, hay về sự giải thoát bốn nỗi khổ: sanh, già, bệnh chết.

Trên đời này các tôn giáo thường hay lừa đảo con người bằng Thánh khải, cơ bút giáng v.v.. hoặc tạo ra những thần thông tưởng, nói chuyện quá khứ vị lai, trị bệnh bùa chú, từ trường tưởng v.v.. Các bạn đừng vội tin vì tất cả những hiện tượng đó, nó không phải là chân lí, nó lưu xuất từ tưởng uẩn của các bạn.


(Trích từ bài "Xá Lợi" trong sách "Những Lời Gốc Phật Dạy tập 4" trang 327)

Monday, October 6, 2014

Kinh Mật hoàn

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Thế Tôn sống giữa các vị dòng họ Sakka (Thích-ca), tại Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ), ở vườn Nigrodharama.

Rồi Thế Tôn vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát vào thành Kapilavatthu để khất thực. Sau khi khất thực ở Kapilavatthu, khi ăn xong, trên đường khất thực trở về, Thế Tôn đi đến Ðại Lâm để nghỉ trưa. Sau khi vào rừng Ðại Lâm, Ngài ngồi nghỉ trưa dưới gốc cây beluvalatthika.

Có vị Gậy cầm tay (Dandapani) Sakka (Thích-ca), kéo bộ khắp nơi, ngao du thiên hạ, đến tại rừng Ðại Lâm, đi sâu vào ngôi rừng, đến tại Beluvalatthika chỗ Thế Tôn ở, khi đến xong nói lên những lời hỏi thăm xã giao thân hữu, rồi đứng một bên, dựa trên cây gậy, đứng một bên. Gậy cầm tay Sakka nói với Thế Tôn: "Sa-môn có quan điểm thế nào, giảng thuyết những gì?"

--"Này Hiền giả, theo lời dạy của Ta, trong thế giới với chư Thiên, Mara và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận một ai ở đời; các tưởng sẽ không ám ảnh vị Bà-la-môn sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu. Này Hiền giả, như vậy là quan điểm của Ta, như vậy là lời Ta giảng dạy".

Khi nghe nói vậy, Gậy cầm tay Sakka lắc đầu, liếm lưỡi, với trán nổi lên ba đường nhăn, chống gậy rồi đi.

Rồi Thế Tôn vào buổi chiều từ Thiền tịnh độc cư đứng dậy, đi đến vườn Nigrodha, khi đến xong, ngồi trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo:

-- Chư Tỷ-kheo, ở đây, Ta vào buổi sáng, đắp y, cầm y bát vào thành Kapilavatthu để khất thực. Sau khi khất thực ở Kapilavatthu, ăn xong, trên đường khất thực trở về, Ta đi đến Ðại Lâm để nghỉ trưa. Sau khi vào rừng Ðại Lâm, Ta ngồi nghỉ trưa dưới gốc cây beluvalatthika. Có vị Gậy cầm tay Sakka kéo bộ khắp nơi, ngao du thiên hạ, đến tại rừng Ðại Lâm, đi sâu vào ngôi rừng, đến tại Beluvalatthika chỗ Ta ở, khi đến xong, nói lên những lời hỏi thăm xã giao thân hữu, rồi đứng một bên, dựa trên cây gậy. Ðứng một bên, Gậy cầm tay Sakka nói với Ta như sau: "Sa-môn có quan điểm thế nào, giảng thuyết những gì?" Chư Tỷ-kheo, được nói vậy, Ta trả lời Gậy cầm tay Sakka: "Này Hiền giả, theo lời Ta dạy trong thế giới với chư Thiên, Mara, và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận một ai ở đời. Các tưởng sẽ không ám ảnh vị Bà-la-môn sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu. Này Hiền giả, như vậy là quan điểm của Ta, như vậy là lời Ta giảng dạy". Khi nghe nói vậy, Gậy cầm tay Sakka lắc đầu, liếm lưỡi, với trán nổi lên ba đường nhăn, chống gậy rồi đi.

Khi nghe nói vậy, một Tỷ-kheo bạch Thế Tôn:

-- Nhưng bạch Thế Tôn, lời dạy ấy là gì mà Thế Tôn, trong thế giới với chư Thiên, Mara và Phạm thiên, với các chúng Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên và loài Người, không có tranh luận một ai ở đời? Các tưởng sẽ không ám ảnh Thế Tôn, vị đã sống không bị dục triền phược, không có nghi ngờ do dự, với mọi hối quá đoạn diệt, không có tham ái đối với hữu và phi hữu?

-- Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người. Nếu ở đây không có gì đáng tùy hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận kiến tùy miên, sự đoạn tận nghi tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận hữu tham tùy miên, sự đoạn tận vô minh tùy miên, sự đoạn tận chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Chính ở đây, những ác, bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không còn dư tàn.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Sau khi nói vậy, Thiện Thệ từ chỗ ngồi đứng dậy bước vào tịnh xá.

Sau khi Thế Tôn đi chẳng bao lâu, các Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: "Chư Hiền, Thế Tôn sau khi nói lên lời dạy tóm tắt này cho chúng ta, không giải thích rộng rãi ý nghĩa, từ chỗ ngồi đứng dậy và đã đi vào tịnh xá: "Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì... không còn dư tàn". Nay ai có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, và không giải thích rõ ràng ý nghĩa". 

Rồi những Tỷ-kheo ấy suy nghĩ: "Nay có Tôn giả Mahakaccana (Ðại Ca-chiên-diên) là vị được Thế Tôn tán dương và được các vị đồng phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Mahakaccana có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, và không giải thích rõ ràng ý nghĩa. Vậy chúng ta hãy đi đến chỗ Tôn giả Mahakaccana ở, sau khi đến, sẽ hỏi Tôn giả Mahakaccana ý nghĩa này".

Rồi những Tỷ-kheo ấy đến chỗ Tôn giả Mahakaccana ở, sau khi đến, nói lên những lời chúc tụng, hỏi thăm xã giao với Tôn giả Mahakaccana rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, những Tỷ-kheo ấy thưa với Tôn giả Mahakaccana:

-- "Này Hiền giả, Thế Tôn sau khi nói lên lời dạy tóm tắt này và không giải thích rõ ràng ý nghĩa, từ chỗ ngồi đứng dậy và đã đi vào tịnh xá: "Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì... không còn dư tàn".

Này Hiền giả Mahakaccana, khi Thế Tôn đi chưa bao lâu, chúng tôi suy nghĩ: "Chư Hiền, Thế Tôn sau khi nói lên lời dạy vắn tắt này cho chúng ta... đã đi vào tịnh xá:" Do bất cứ nhân duyên gì... không còn dư tàn". Ai có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy mà Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt... không giải thích rõ ràng ý nghĩa?" Này Hiền giả Mahakaccana, rồi chúng tôi suy nghĩ: "Nay Tôn giả Mahakaccana được Thế Tôn tán thán và được các vị đồng phạm hạnh có trí kính trọng, Tôn giả Mahakaccana có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt và không giải thích rõ ràng ý nghĩa. Vậy chúng ta hãy đi đến chỗ Tôn giả Mahakaccana ở, sau khi đến, chúng ta hỏi Tôn giả Mahakaccana ý nghĩa này. Tôn giả Mahakaccana sẽ giải thích cho".

-- Chư Hiền, cũng như một người ưa thích lõi cây, tìm tòi lõi cây, đi khắp mọi nơi tìm lõi cây, đến một cây to lớn, đứng thẳng và có lõi cây. Người này bỏ qua rễ, bỏ qua thân cây, nghĩ rằng phải tìm lõi cây ở nơi cành lá. Cũng vậy là hành động của chư Tôn giả, đứng trước mặt Thế Tôn, quý vị bỏ qua Thế Tôn, nghĩ rằng phải hỏi tôi về ý nghĩa này. Chư Hiền, Thế Tôn biết những gì cần phải biết, thấy những gì cần phải thấy, Ngài đã trở thành vị có mắt, trở thành vị có trí, trở thành Chánh pháp, trở thành Brahma, vị thuyết giả, vị diễn giả, vị đem lại mục tiêu, vị trao cho bất tử, vị Pháp Chủ, Như Lai. Quý vị phải tùy thời hỏi Thế Tôn ý nghĩa này. Những gì Thế Tôn giải thích cho quý vị, quý vị hãy như vậy thọ trì.

-- Hiền giả Mahakaccana, chắc chắn Thế Tôn biết những gì cần phải biết, thấy những gì cần phải thấy, Ngài đã trở thành vị có mắt, trở thành vị có trí, trở thành Chánh pháp, trở thành Brahma, vị thuyết giả, vị diễn giả, vị đem lại mục tiêu, vị trao cho bất tử, vị Pháp Chủ, Như Lai. Chúng tôi phải tùy thời hỏi Thế Tôn ý nghĩa này. Những gì Thế Tôn giải thích cho chúng tôi, chúng tôi sẽ như vậy thọ trì. Nhưng Tôn giả Mahakaccana được Thế Tôn tán thán, được các vị đồng phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Mahakaccana có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt và không giải thích rõ ràng ý nghĩa. Mong Tôn giả Mahakaccana hãy giải thích không có sự gì bất kính.

-- Vậy chư Hiền hãy nghe và khéo tác ý, tôi sẽ giảng.

-- Thưa vâng, Hiền giả.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Tôn giả Mahakaccana. Tôn giả Mahakaccana giảng như sau:

-- Chư Hiền, Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt lời dạy này... và đã đi vào tịnh xá: "Này Tỷ-kheo bất cứ vì nhân duyên gì... không còn dư tàn". Chư Hiền, với lời dạy được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt, và không giải thích rõ ràng ý nghĩa. Tôi hiểu ý nghĩa một cách đầy đủ như sau:

Chư Hiền, do nhơn con mắt và các sắc pháp, nhãn thức khởi lên. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc nên có cảm thọ. Những gì có cảm thọ thời có tưởng, những gì có tưởng thời có suy tầm, những gì có suy tầm thì có hý luận. Do hý luận ấy làm nhơn, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, đối với các sắc pháp do con mắt nhận thức, quá khứ, tương lai và hiện tại.

Chư Hiền, do nhơn lỗ tai và các tiếng, nhĩ thức khởi lên, do nhơn lỗ mũi và các hương, tỷ thức khởi lên, do nhơn lưỡi và các vị, thiệt thức khởi lên, do nhơn thân và xúc, thân thức khởi lên; do nhơn ý và các pháp, ý thức khởi lên. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do duyên xúc nên có các cảm thọ. Những gì có cảm thọ thời có tưởng. Những gì có tưởng thời có suy tầm. Những gì có suy tầm thời có hý luận. Do hý luận ấy làm nhơn, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, đối với các pháp do ý thức nhận thức, quá khứ, tương lai và hiện tại.

Chư Hiền, sự kiện này xảy ra: khi nào có mắt, khi nào có sắc pháp, khi nào có nhãn thức, thời sự thi thiết của xúc được hiển lộ. Sự kiện này xảy ra: khi nào có sự thi thiết của xúc thời sự thi thiết của thọ được hiển lộ. Sự kiện này xảy ra: khi nào có thi thiết của thọ thời sự thi thiết của tưởng được hiển lộ. Sự kiện này xảy ra: khi nào có sự thi thiết của tưởng, thời sự thi thiết của suy tầm được hiển lộ. Sự kiện này xảy ra: khi nào có sự thi thiết của suy tầm thời sự thi thiết của sự ám ảnh một số hý luận vọng tưởng được hiển lộ.

Sự kiện này xảy ra: khi nào có tai, khi nào có các tiếng, khi nào có nhĩ thức... Sự kiện này xảy ra: khi nào có lỗ mũi, khi nào có các hương, khi nào có tỷ thức... Sự kiện này xảy ra, khi nào có lưỡi, khi nào có các vị, khi nào có thiệt thức... Sự kiện này xảy ra: khi nào có thân, khi nào có các xúc, khi nào có thân thức... Sự kiện này xảy ra: khi nào có ý, khi nào có các pháp, khi nào có ý thức thời sự thi thiết của xúc được hiển lộ.

Chư Hiền, sự kiện này không xảy ra: khi nào không có mắt, khi nào không có các sắc, khi nào không có nhãn thức, sự thi thiết của xúc được hiển lộ. Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có sự thi thiết của xúc, sự thi thiết của thọ được hiển lộ. Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có sự thi thiết của thọ, sự thi thiết của tưởng được hiển lộ. Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có sự thi thiết của tưởng, sự thi thiết của suy tầm được hiển lộ. Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có sự thi thiết của suy tầm, thời sự thi thiết của sự ám ảnh một số hý luận vọng tưởng được hiển lộ.

Chư Hiền, sự kiện này không xảy ra: khi nào không có tai, khi nào không có các tiếng... khi nào không có mũi, khi nào không có các hương... khi nào không có lưỡi, khi nào không có các vị... khi nào không có thân, khi nào không có các xúc ... Sự kiện này không xảy ra: khi nào không có ý, khi nào không có các pháp, khi nào không có ý thức, sự thi thiết của xúc được hiển lộ...

Chư Hiền, Thế Tôn, sau khi nói lên lời dạy một cách vắn tắt... đã đi vào tịnh xá: "Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì... không dư tàn". Chư Hiền, đối với lời dạy Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt này, và nghĩa lý không được giải thích một cách rộng rãi, tôi đã hiểu ý nghĩa một cách rộng rãi như vậy. Nếu quý vị muốn, hãy đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, hãy hỏi ý nghĩa này. Thế Tôn giải đáp như thế nào, hãy như vậy thọ trì.

Rồi những Tỷ-kheo ấy, hoan hỷ, tùy hỷ lời Tôn giả Mahakaccana nói, từ chỗ ngồi đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến đảnh lễ Ngài và ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, Thế Tôn nói lên lời dạy này một cách vắn tắt cho chúng con... đã vào tịnh xá. "Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì... không còn dư tàn". Khi Thế Tôn đi chẳng bao lâu, chúng con suy nghĩ như sau: "Chư Hiền, Thế Tôn sau khi nói cho chúng ta lời dạy tóm tắt này, không giải thích ý nghĩa một cách rộng rãi, từ chỗ ngồi đứng dậy và đã đi vào tịnh xá: "Này Tỷ-kheo, do bất cứ nhân duyên gì, một số hý luận vọng tưởng ám ảnh một người, nếu ở đây không có gì đáng tùy hỷ, đáng đón mừng, đáng chấp thủ, thời như vậy là sự đoạn tận tham tùy miên, sự đoạn tận sân tùy miên, sự đoạn tận kiến tùy miên, sự đoạn tận nghi tùy miên, sự đoạn tận mạn tùy miên, sự đoạn tận hữu tham tùy miên, sự đoạn tận vô minh tùy miên, sự đoạn tận chấp trượng, chấp kiếm, đấu tranh, tránh tranh, luận tranh, kháng tranh, ly gián ngữ, vọng ngữ. Chính ở đây, những ác, bất thiện pháp này đều được tiêu diệt, không còn dư tàn". Nay ai có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt và không giải thích rõ ràng ý nghĩa?" Bạch Thế Tôn, và chúng con suy nghĩ: "Nay có Tôn giả Mahakaccana là vị được Thế Tôn tán dương và được các vị đồng phạm hạnh có trí kính trọng. Tôn giả Mahakaccana có thể giải thích rộng rãi ý nghĩa lời giảng dạy này được Thế Tôn nói lên một cách vắn tắt và không giải thích rõ ràng ý nghĩa. Vậy chúng ta hãy đi đến chỗ Tôn giả Mahakaccana ở, sau khi đến sẽ hỏi Tôn giả Mahakaccana ý nghĩa này". Bạch Thế Tôn, rồi chúng con đi đến chỗ Tôn giả Mahakaccana ở, sau khi đến, chúng con hỏi Tôn giả Mahakaccana ý nghĩa này. Bạch Thế Tôn, Tôn giả Mahakaccana đã giải thích ý nghĩa ấy cho chúng con với những phương pháp này, với những văn cú này, với những văn tự này.

-- Chư Tỷ-kheo, Tôn giả Mahakaccana là bậc Hiền trí. Chư Tỷ-kheo, Tôn giả Mahakaccana là bậc Ðại tuệ. Chư Tỷ-kheo, nếu các Người hỏi Ta ý nghĩa này, Ta cũng trả lời như Mahakaccana đã trả lời. Như vậy là chính nghĩa lời dạy ấy, hãy như vậy thọ trì.

Khi nghe nói vậy, Tôn giả Ananda bạch Thế Tôn:

-- Bạch Thế Tôn, như một người bị đói lả và mệt mỏi, tìm được một bánh mật, cứ mỗi miếng vị ấy được nếm, cứ mỗi miếng vị ấy được thưởng thức vị ngọt thuần nhất. Bạch Thế Tôn, cũng vậy, Tỷ-kheo có tri thức biệt tài, cứ mỗi phần suy tư đến ý nghĩa pháp môn này với trí tuệ, cứ mỗi phần vị ấy được thưởng thức sự hoan hỷ, được thưởng thức sự thoải mái tâm trí. Bạch Thế Tôn, pháp môn này tên gọi là gì?

-- Do vậy, này Ananda, pháp môn này được gọi là pháp môn bánh mật (Mật hoàn). Hãy như vậy thọ trì!

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Ananda hoan hỷ, tín thọ lời dạy của Thế Tôn.
Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt