LỜI PHẬT DẠY
“Dân chúng Mạt La bảo nhau: “Ngọn lửa cháy mạnh quá, khó dặp tắt e cháy tiêu hết xá lợi! Chúng ta hãy lấy nước ở đâu để tưới?”.
(Kinh Trường A Hàm tập I trang 228,
kinh Du Hành) |
CHÚ GIẢI:
Đoạn kinh này đã xác định xá lợi của Phật chỉ là những mảnh xương vụn, cháy chưa hết, chứ không phải do tu tập thiền định mới có xá lợi.
Kính thưa các bạn! Trong cuộc đời ác trược này, người tu sĩ khi chết mà còn lừa đảo thiên hạ thì không bằng người thế tục sống lương thiện không lường gạt lừa đảo ai hết. Lợi dụng sự không biết của tín đồ, bịa đặt ra: do tu thiền tinh tủy kết tinh lại thành xá lợi lửa đốt không cháy. Người Phật tử nghe đâu tin đó chứ không xem xét kỹ nên sự tin như vậy là tin mù quáng. Từ lòng tin này Phật tử người ít kẻ nhiều góp nhau xây tháp to lớn đồ sộ để thờ xá lợi.
Chỉ có xá lợi mà đã lường gạt biết bao nhiêu người trên thế gian này. Họ bảo rằng: Do tu thiền định mới có xá lợi. Trong khi mọi người chưa có ai biết thiền định và nhập như thế nào? Vậy mà dám bảo do tu thiền định mới có xá lợi.
Kính thưa các bạn! Các bạn cứ hỏi các vị Sư, Thầy: “Thiền định như thế nào? Tu thiền định là tu như thế nào?”.
Họ sẽ trả lời các bạn: “Tu thiền định là phải điều thân, điều tâm, điều tức, Sổ tức quán, Lục diệu pháp môn, chăn trâu, giữ ông chủ, biết vọng liền buông, phồng xẹp v.v.. Đó là tu thiền”.
Người mà đã chứng đạt chân lí, có đủ Tứ Thần Túc, họ đã nhập định và biết rõ thiền định như thế nào? Vì thế, khi nghe quý vị trình bày những pháp môn tu thiền định như vậy, thì họ biết ngay là quý vị chưa bao giờ biết thiền định, chưa bao giờ nhập định. Những pháp tu tập trên đây làm sao nhập định được. Định mà quý vị tu tập là những pháp môn ức chế tâm, định này mà nhập là các bạn đã bị rơi vào định tưởng, chứ không phải nhập thiền định như vậy. Vì lối tu tập của quý vị là lối tu tập ức chế ý thức cho hết niệm khởi, chứ không phải thiền định gì cả, đó là một loại thiền tưởng.
Xin các bạn hãy đọc lại đoạn kinh Nguyên Thủy này thì sẽ rõ: “ Thưa Ni Sư thế nào là định? Thế nào là định tướng? Thế nào là định tư cụ? Thế nào là định tu tập?
“ – Này Hiền giả Visaka, nhất tâm là định, bốn niệm xứ là định tướng, bốn tinh cần là định tư cụ, sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là định tu tập ở đây vậy”.
Muốn thấu rõ thiền định thì phải hiểu rõ những cụm từ này:
1. Định
2. Định tướng
3. Định tư cụ
4. Định tu tập
Như trong đoạn kinh Nguyên Thủy này Ni Sư Dhammadinna đã trả lời ngắn gọn, nhưng rất đầy đủ cho những ai muốn tìm hiểu thiền định của Phật giáo. Vậy nghĩa lý của những cụm từ trên đây là gì?
1- Định là nhất tâm. Vậy nhất tâm là gì? Từ xưa đến nay nhiều người chưa biết thiền định nên họ đều nghĩ nhất tâm là tâm không có vọng tưởng hay nói cách khác là tâm không có niệm khởi, “Chẳng niệm thiện niệm ác” hoặc “Thất nhật nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật”. Định nghĩa nhất tâm như vậy là các bạn đều nhai lại bã mía của Đại Thừa và các giáo phái Bà La Môn.
Chữ nhất tâm của Ni Sư Dhammadinna quá ngắn gọn làm cho người ta không hiểu rõ. Định là nhất tâm. Thì họ lại càng điên đầu suy diễn theo định kiến của mỗi kiến giải, càng suy diễn theo tưởng giải khiến cho người ta lại không hiểu định là gì nữa.
Thậm chí các nhà khoa học đem máy móc ra đo để tìm hiểu những người nhập định, thấy bộ óc có sự rung động thay đổi hoặc ngưng một vài bộ phận nào trên não là vội kết luận cho những người này nhập định.
Kính thưa các bạn! Các bạn nên biết: Định mà các Sư Thầy đã nhập đó là một loại thiền định tưởng như đã nói ở trên, do ức chế ý thức để tưởng thức hoạt động. Cho nên, máy móc các nhà khoa học đo đạc cho biết trên bộ óc có phần bị ức chế, có phần hưng phấn.
Nhưng những loại định này là thiền định của ngoại đạo, chứ không phải là thiền định của Phật giáo. Muốn định nghĩa chữ “định” theo nghĩa của ngoại đạo chứ nghĩa của Phật giáo thì định là chỗ tâm bất động trước các pháp ác và các cảm thọ. Định của Phật còn có tên là bất động tâm, còn có tên là vô tướng tâm tức không có ba tướng làm tâm động, đó là dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Cho nên, chữ nhất tâm của Ni Sư Dhammadinna có nghĩa là bất động tâm, chứ không phải chỗ tâm không niệm khởi, chỗ tâm không vọng tưởng.
Các bạn có bao giờ nghe Phật dạy: “giới sinh định” chưa? Giới là pháp môn ly dục ly ác pháp, vì thế khi tâm ly dục ly ác pháp thì tâm nhập Bất Động Tâm Định. Bất Động Tâm Định không phải chỉ biết hít vô thở ra không có vọng tưởng. Các bạn hiểu như vậy là các bạn hiểu sai lạc.
Chỗ ly dục ly ác pháp là chỗ tâm bất động, chứ không phải chỗ hơi thở ra vào.
Khi tâm bất động, tâm định trên thân hành tức là thân động dụng chỗ nào là tâm biết ngay chỗ ấy như hơi thở ra vô, chứ không phải như người tu theo pháp Hơi Thở dùng hơi thở để tập trung tâm, chế ngự tâm, ức chế tâm, nhiếp phục tâm, làm cho tâm không khởi niệm. Đó là một sự hiểu sai lầm. Do sự hiểu sai lầm thành ra tu sai lầm. Cho nên, định là do sống không làm khổ mình, khổ người có nghĩa là sống mà không tham sân si, mạn, nghi là định. Người sống giới luật nghiêm chỉnh không hề vi phạm những lỗi nhỏ nhặt nào, thì người ấy nhập định. Do đó mà Ni Sư Dhammadinna xác định, định tướng là Tứ Niệm Xứ.
Kính thưa các bạn! Tứ Niệm Xứ là một trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự đó là tướng của định bất động tâm như Ni Sư nói: “Bốn Niệm Xứ là định tướng”. Như vậy kinh sách Nguyên Thủy đã xác định rõ ràng về thiền định. Vậy ai nói sai hoặc kinh sách nào nói không đúng định tướng của Phật là kinh sách và người nói ấy đã nói về thiền định của ngoại đạo, chứ không phải nói về thiền của Phật giáo.
Ông Visakha hỏi:“Tu thiền định là pháp môn nào?”.
Ni sư Dhammadinna đáp:“Bốn chánh cần là định tư cụ”.
Tứ chánh cần là định tư cụ tức là phương pháp dùng để tu tập thiền định. Như vậy rõ ràng tu tập thiền định là ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp chứ không phải tu thiền định là ngồi kiết già, lưng thẳng, hít vô thở ra, tập trung tâm ở tại mũi, ở trán, ở bụng phình xẹp, hay ở đan điền v.v.. Người tu tập phải hết sức cố gắng tập trung tâm như vậy, làm cho vọng tưởng không sanh khởi. Vọng tưởng không sanh khởi, họ cho đó là tu thiền, nhập định. Tu thiền, nhập định như vậy là sai không đúng thiền của Phật giáo như Ni sư Dhammadinna dạy: “Bốn chánh cần là định tư cụ”.
Ở đây chúng tôi xin nói với các bạn: Nếu cứ tập trung hít thở thì “Đó là loại thiền định tưởng của ngoại đạo, tu như vậy chẳng có ích lợi gì. Tâm tham, sân, si của các bạn vẫn còn nguyên, cho nên các bạn không làm chủ bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết và không chấm dứt tái sinh luân hồi”.
Kính thưa các bạn! các bạn có biết phương pháp tu tập Tứ Chánh Cần chưa? Đó là phương pháp ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiên tăng trưởng thiện pháp mà các bạn phải tu tập trong bốn oai nghi, đi, đứng, nằm, ngồi, để xả tâm ly dục ly ác pháp và từ bỏ từ niệm tham, sân, si, mạn, nghi chứ không phải ngồi kiết già cho hết niệm khởi. Cho nên, khi nào tâm các bạn hết tham, sân, si, là các bạn nhập định. Các bạn có biết chưa?
Như vậy các bạn đã hiểu định là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ. Cho nên Ni Sư Dhammadinna dạy: “Định tướng là Tứ Niệm Xứ”, tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Còn pháp tu tập thiền định thì hằng ngày thì Ni Sư Dhammadinna dạy: “Sự luyện tập, sự tu tập, sự tái tu tập của những pháp ấy là định tu tập ở đây vậy”. Các bạn có nghe lời dạy này không? Hằng ngày luyện tập, tu tập, tái tu tập ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp là các bạn đã tu tập thiền định của Phật giáo, chứ không phải ngồi kiết già lưng thẳng, hít thở hoặc giữ tâm không vọng tưởng v.v..
Xét qua trong kinh sách Nguyên Thủy, các bạn mới thấy kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ dạy tu thiền không giống như Phật dạy. Có đúng như vậy không các bạn?
Vậy mà các Tổ Sư Đại Thừa bảo rằng: kinh sách Đại Thừa do Phật thuyết, thật là oan cho đức Phật. Đức Phật không dạy mà các Tổ gán cho Phật dạy những pháp thiền định tu tập điên khùng khiến cho những người có nhiệt tâm tu hành thành bệnh thần kinh; khiến cho những người có lòng tin Phật pháp trở thành những người mê tín dị đoan; khiến cho những người có lòng tin Phật pháp trở thành những người tin mù quáng. Thật đáng thương! Họ còn cho rằng: “Người tu thiền khi chết để lại xá lợi rất nhiều. Đó là mánh khoé lừa đảo người tu hành, khiến cho người ta nghĩ sai về Phật giáo.
Với thân tứ đại duyên hợp bất tịnh này là vô thường, có gì quan trọng, khi chết sẽ thành cát bụi, còn có gì quý báu nữa đâu, thế mà lừa đảo để làm tiền thiên hạ thật là một hành động đáng chê trách.
Tóm lại, khi tin theo một tôn giáo nào thì các bạn phải xem xét cho thật kỹ, tôn giáo ấy có phải là một chân lí không?
Kính thưa các bạn! Chân lí là một sự thật mà mọi người ai cũng phải nhận ra được. Nếu một tôn giáo không phải là sự thật mà là một ảo tưởng thì xin các bạn hãy tránh xa, nếu các bạn tin thì đó là các bạn tin mù quáng, các bạn sẽ trở thành những người mê tín, lạc hậu v.v.. Vì đó là một tôn giáo lừa đảo, chẳng có lợi ích gì cho các bạn về trí tuệ nhân quả, hay về sự giải thoát bốn nỗi khổ: sanh, già, bệnh chết.
Trên đời này các tôn giáo thường hay lừa đảo con người bằng Thánh khải, cơ bút giáng v.v.. hoặc tạo ra những thần thông tưởng, nói chuyện quá khứ vị lai, trị bệnh bùa chú, từ trường tưởng v.v.. Các bạn đừng vội tin vì tất cả những hiện tượng đó, nó không phải là chân lí, nó lưu xuất từ tưởng uẩn của các bạn.
(Trích từ bài "Xá Lợi" trong sách "Những Lời Gốc Phật Dạy tập 4" trang 327)
No comments:
Post a Comment