Saturday, June 29, 2019

Hiểu Về Niết Bàn



Niết Bàn là trạng thái tâm bất động giải thoát, chấm dứt phiền não nghiệp khổ luân hồi. Vậy tu tập như thế nào để có được trạng thái Niết Bàn? Dưới đây là những lời Đức Phật dạy trong Kinh Pháp Cú, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Niết Bàn.

Người hằng tu thiền định
Thường kiên trì tinh tấn
Bậc trí hưởng Niết Bàn
Đạt an tịnh vô thượng.

📝 Người hằng tu thiền định chỉ cho hành giả siêng năng tu chánh niệm tỉnh giác, kiểm soát thân - khẩu - ý, và dùng pháp như lý tác ý để xả tâm phiền não tham - sân - si - mạn - nghi. Khi hết tham - sân - si - mạn - nghi thì chứng được tâm vô lậu Niết Bàn. ( Để hiểu rõ về cách thức tu tập diệt tham tham – sân – si - mạn – nghi, quý phật tử nghe thêm pháp thoại PHÁP HÀNH TỨ NIỆM XỨ ).

Trong Phẩm Không Phóng Dật, Phật dạy:

Tỳ kheo sợ phóng dật
Ưa thích không phóng dật
Nhất định gần Niết Bàn
Không còn bị đọa lạc.

📝 Phóng dật là trạng thái tâm bị dao động và phiền não. Ví dụ, khi nghe ai nói lời xúc phạm ta thì trong tâm mình cảm thấy khó chịu bực dọc, tâm khó chịu bực dọc thuộc về sân phóng dật. 


Hoặc nghe người khác khen mình mà trong lòng thích thú vui mừng và mong được khen nữa, tâm đó thuộc về tham phóng dật. 

Hoặc khi ta thành tựu điều gì tốt mà hay tự mãn khoe khoang, tâm đó là mạn phóng dật. 

Tâm hay nghi kỵ, thiệt hơn, đúng sai, phải trái chuyện xấu tốt của mọi người xung quanh mình, tâm đó là nghi phóng dật. 

Tu tập các pháp sai mà cho là đúng, hoặc tin theo những điều tà mà cho là chánh, tâm đó là si phóng dật. 

Nếu hành giả tu tập đoạt diệt năm phóng dật phiền não tham - sân - si - mạn - nghi thì tâm chứng được vô lậu Niết Bàn, không còn bị đọa lạc sinh tử luân hồi. Vì vậy Đức Phật nói:

“Ta thành tựu Chánh Đẳng Giác là nhờ tâm không phóng dật, muôn pháp lành từ đó mà sinh”.


( Để hiểu rõ hơn về cách thức tu tập tâm không phóng dật, quý Phật tử nghe thêm pháp thoại KHÔNG PHÓNG DẬT BẤT TỬ ).


Khác thay duyên thế lợi
Khác thay đường Niết Bàn
Tỷ kheo, đệ tử Phật
Hãy như vậy thắng tri
Chớ ưa thích cung kính
Hãy tu hạnh viễn ly.

📝 Viễn ly là tâm không còn tham chấp lợi đắc, cung kính và danh vọng. Ai sống theo lợi đắc, cung kính và danh vọng thì tâm bị mất Niết Bàn. Cho nên, để tâm không bị mất Niết Bàn thì phải tu hạnh viễn ly.

Hãy cầu vui Niết Bàn
Bỏ dục, không nhiễm uế
Kẻ trí tự rửa sạch
Mọi cấu uế nội tâm.

📝 Tâm giống như miếng vải dơ bẩn, nếu chúng ta biết giặt sạch chúng thì chúng trở nên sạch sẽ và hữu dụng. Cũng vậy tâm chúng ta hàng ngày siêng năng tu tập, bỏ dần mọi tham đắm dục lạc (danh, lợi, sắc, thực, thùy) thì tâm ấy sẽ đạt được giải thoát Niết Bàn. (Quý Phật tử nghe thêm pháp thoại TÂM CẤU UẾ PHIỀN NÃO ).

Những ai thường chánh tâm
Tu tập pháp giác chi
Xa lìa mọi chấp trước
Hoan hỷ không nhiễm ái
Sẽ sống không lậu hoặc
Sáng chói, chứng Niết Bàn
Ngay trong đời hiện tại.

📝 Tham ái là trạng thái ưa thích dục lạc trong tâm. Ví dụ tâm mình còn tham chấp được người khác yêu quý mình, đó là tham ái. Tâm còn tham chấp ăn ngon, mặc đẹp, đó là tham ái... Hoặc khi ta đạt được thành công gì mà tâm còn tự mãn, vui thích khoe khoang, đó là tham ái. Hoặc một vị tu tập chứng đạt thiền định, tâm có khinh an hỷ lạc mà còn chấp thủ, khoe khoang, đó là tham ái… Để tâm không còn tham ái, Đức Phật dạy chúng ta hãy tu tập Bảy Pháp Giác Chi, hướng tâm đến Xả Giác Chi để xả ly tham ái, chứng ngộ Niết Bàn. ( Quý Phật tử nghe thêm pháp thoại PHÁP HÀNH BẢY GIÁC CHI và BỐN QUẢ CHỨNG THIỀN ĐỊNH ).

Một số sinh bào thai
Kẻ ác sinh địa ngục
Người thiện lên cõi trời
Vộ lậu chứng Niết Bàn.

📝 Đức Phật dạy có bốn thế giới tâm thức ở trong thân tâm của chúng ta. Nếu thân - khẩu - ý còn tạo nghiệp tham - sân - si thì sẽ dẫn đến tái sinh luân hồi của thân đời sau. Nếu thân - khẩu - ý tạo nghiệp sát sinh, gian tham trộm cắp… thì thân đời này và đời sau chịu nhiều quả khổ địa ngục. Nếu thân - khẩu - ý giữ gìn các giới hạnh thanh tịnh, tu tập các pháp quán Từ Bi Hỷ Xả thì sẽ được sống trong thiên giới, cõi trời. Còn nếu thân - khẩu - ý đoạn diệt tham - sân - si - mạn - nghi sẽ được hóa sinh vào Niết Bàn, chấm dứt sinh tử, luân hồi. ( Quý Phật tử nghe thêm pháp thoại TÂM VÔ LẬU CHỨNG NIẾT BÀN ).

Như chiếc chuông bị bể
Tự mình giữ yên lặng
Người đã chứng Niết Bàn
Tự mình không sân hận.

📝 Chiếc chuông bị bể không còn nghe được tiếng. Cũng vậy, người có tâm bất động giải thoát Niết Bàn thì không còn phiền não than vãn khổ với ai điều gì.

Chư Phật thường giảng dạy
Nhẫn, khổ hạnh tối thượng
Niết Bàn, quả tối thượng
Xuất gia không phá người
Sa môn không hại người.

📝 Đức Phật dạy chúng ta có bốn điều lợi ích:

+ Người tu tập đức kham nhẫn, dù thân này chịu nhiều khổ đau bệnh tật, nhưng tâm vẫn hoan hỷ bất động.

+ Niết Bàn là trạng thái bất động giải thoát hạnh phúc nhất, không còn tái sinh luân hồi

+ Người xuất gia không còn ràng buộc nhân quả gia đình, đời sống trắng bạch như vỏ óc, phóng khoáng như hư không, nên không còn làm cho ai đau khổ nữa.

+ Sa môn là bậc sống Phạm hạnh, giữ gìn các giới luật thanh tịnh, nên không còn làm khổ mình, khổ người và khổ muôn loài chúng sinh.

Đói khát, bệnh tối thượng
Các hành, khổ tối thượng
Hiểu chơn thực như vậy
Niết Bàn, lạc tối thượng.

📝 Đói khát là một trong những khổ đau lớn nhất của thân bệnh. Đói khát có thể làm cho con người đánh mất những đức tính cao đẹp và tạo ra nhiều nghiệp xấu như giành giật, trộm cắp và giết hại lẫn nhau.

📝 Đức Phật dạy các hành là vô thường, vô thường phải chịu khổ. Ví như lúc chúng ta còn trẻ, thân ta được nhiều sức khỏe và sắc đẹp, nhưng theo năm tháng vô thường thì thân này già yếu, xấu xí, phải chịu nhiều vất vả, khổ sở. Hoặc ta sống với người thân yêu hạnh phúc, khi vô thường hết duyên, họ không còn ở bên ta nữa, lúc ấy chúng ta đối diện sự đau khổ bị mất người thân… Tất cả vạn vật trong vũ trụ này đều thuận theo quy luật vô thường mà dẫn đến khổ đau.

📝 Chỉ có Niết Bàn là trạng thái bất động giải thoát bất diệt, không còn bị ràng buộc nhân quả vô thường khổ đau nữa.

Vô bệnh, lạc tối thượng
Biết đủ, tiền tối thượng
Thành tín, bạn tối thượng
Niết Bàn, lạc tối thượng.

+ Người không có bệnh tật thì thân tâm luôn an lạc. Nên có câu “sức khỏe là vàng”.

+ Người sống biết đủ thì đồng tiền trở nên cao thượng, biết làm những việc tốt, chia sẻ vật chất đến với những người kém may mắn.

+ Người có uy tín trung thực luôn là người bạn lành cho ta tin tưởng.

+ Tất cả những hạnh phúc niềm vui ở đời là tương đối, hữu hạn, vui ít khổ nhiều. Còn Niết Bàn là trạng thái hạnh phúc vĩnh hằng, dù sống trong cảnh khổ mà tâm vẫn an nhiên giải thoát, giống như hoa sen tinh khiết giữa bùn nhơ.

Những người thường giác tỉnh
Ngày đêm siêng tu học
Chuyên tâm hướng Niết Bàn
Mọi lậu hoặc được tiêu.

📝 Người siêng năng trong chánh niệm tỉnh giác là người luôn kiểm soát thân, khẩu, ý của mình, nếu có bị ai mắng chửi, đối xử không tốt với mình, nhưng tâm mình luôn hỷ xả cho họ, không buồn khổ, oán trách họ. Ai có tâm buông xả như vậy thì tâm đó là Niết Bàn. Người đó không còn bị lậu hoặc tham – sân – si - mạn - nghi chi phối nữa.


Tự cắt dây tình ái
Như tay bẻ sen thu
Hãy tu đạo tịch tịnh
Niết Bàn, Thiện Thệ dạy.

📝 Đức Phật dạy ái dục là nguyên nhân tạo ra nhân quả sinh tử luân hồi. Ai đoạn dứt được ái dục thì nghiệp khổ luân hồi chấm dứt.

Biết rõ ý nghĩa này
Bậc trí lo trì giới
Mau lẹ làm thanh tịnh
Con đường đến Niết Bàn.

📝 Người giác ngộ ra ý nghĩa này thì tâm trở nên nhàm chán ái dục ở đời, và luôn tầm cầu con đường giác ngộ giải thoát Niết Bàn.

Tỷ kheo tát thuyền này
Thuyền không, nhẹ đi mau
Trừ tham, diệt sân hận
Tất chứng đạt Niết Bàn. 

📝 Tỳ kheo tát thuyền là người siêng năng tu tập Từ Bi Hỷ Xả, nhằm diệt trừ nghiệp khổ như: sinh khổ, già khổ, bệnh khổ, chết khổ, ái biệt ly khổ, cầu bắt đắc khổ, oán tăng hội khổ, và ngũ uẩn xí thạnh khổ. Hằng ngày tinh tấn tác ý xả tâm tham - sân - si thì hiện tại được an lạc Niết Bàn.

Không trí tuệ, không thiền
Không thiền, không trí tuệ
Người có thiền có tuệ
Nhất định gần Niết Bàn.

📝 Người có trí là người giác ngộ Chân lý Tứ Diệu Đế, các pháp hành trợ đạo (trong 37 phẩm trợ đạo), và ba pháp quán Vô Thường, Khổ và Vô Ngã.

📝 Người có thiền là người tinh tấn chánh niệm, tu tập như lý tác ý theo các pháp hành trợ đạo để đoạn diệt phiền não tham sân si mạn nghi.

📝 Pháp Phật không khó tu, nếu biết giác ngộ ra ba pháp quán: vô thường, khổ và vô ngã, thì dù nhân quả tốt xấu nào có xảy ra, hành giả nương theo ba pháp quán trên để tác ý xả tâm thì ngay đó được giải thoát Niết bàn. Cho nên, Phật nói “Pháp Ta thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu". Tất cả pháp đều do tâm tạo, tâm thanh tịnh rồi thì phiền não sạch trong.


Thích Bảo Nguyên


P/S: Để hiểu rõ hơn về bài viết này, quý Phật tử nghe thêm pháp thoại TÂM BẤT ĐỘNG LÀ NIẾT BÀN


Nguồn: www.facebook.com/ThichBaoNguyen.Info