Thursday, August 28, 2014

Thầy trả lời cho cô Phượng

Và đây là tiếp tục cái phần của cô Phượng.
Kính bạch Thầy, con có duyên lành và phước báu nhiều đời nên con mới được gặp Thầy và cô Út cưu mang dạy con pháp tu của Thầy. Nhưng vì nghiệp của con nặng quá nên con bị bệnh tim mạch nặng con phải tạm về nhà.
Do trong cái vấn đề đó thì con nhớ kĩ về cái Định vô lậu. Cô Phượng, con nhớ kĩ là con phải đặt cái niệm thân của con, con mới quán xét tức là suy tư, có sự tư duy ở trong cái sự vô thường của thân con hiện giờ, rồi tất cả những cái thọ, cái bệnh đau của con con cũng quán xét như thế nào để con thấu rõ được cái vô thường đó. Thì càng ngày, cứ mỗi ngày con tu một lần, hai lần, ba lần, hay bốn lần thì mỗi ngày hai ba lần, bốn lần đó thì nhiều ngày nó sẽ thấm nhuần và nó chứng được cái lý vô thường. Cái lý mà khổ không vô ngã của nó rất là rõ ràng và cụ thể. Và từ đó con cũng sẽ thấy thanh thản trước khi mà cái thân này nó sẽ hủy hoại, tức là nó hoại diệt nó không còn nữa mà con vẫn thấy không còn bận tâm lo lắng nữa. Trước là con sẽ thấy cái tâm nó bất động ở trong các đối tượng, người ta nói nặng nói nhẹ hoặc làm cho con, cái thân của con phiền não, hoặc cái sự đau nhức ở trong thân con mà con thấy cái tâm nó thản nhiên, nó không còn bận tâm nữa thì tức là mình biết là cái tâm vô lậu. Nó cụ thể và nó rõ ràng nó thấy cái tâm của mình nó bất động là mình biết nó bất động hẳn hoài đàng hoàng.
Còn về cái phần mà con tìm cái nơi mà yên tịnh để tu thì ở đây nó tùy theo cái nhân duyên. Nó có nhân duyên thì mình mới tu được còn nó không có nhân duyên thì mình không tu được. Thật ra thì Thầy đã ẩn bóng rồi thì Thầy giao lại cái phần này cho cô Út tất cả. Cho nên Thầy, cô Út tùy theo các con thấy mà cái sự điều hành của cô Út quá vất vả, Thầy cũng không có cái ý gì ở trong cái vấn đề này được.
Do vì vậy đó thì con thấy rằng trong cái vấn đề mà tìm một cái nơi yên tịnh thì tu nó mới tốt chứ không thể nào mà sống trong một cái gia đình nhỏ rất nhỏ mà tám chín người ở mà tu hành rất là khó. Đó là cái duyên con không có đủ. Vì vậy mà nên tìm cái nơi nào cho nó yên tịnh rồi thường đặt cái niệm tu cái Định vô lậu thì may ra mới quét sạch trong những cái thân mà bệnh tật của con. Đó là những cái pháp mà con đặt để mà con tu để mà con giải quyết các lậu hoặc mà con đã thọ lấy cái nghiệp thân con quá nặng trong hiện giờ. Nếu mà có được cái nơi yên tịnh tốt mà nỗ lực tu hành thì trong 5 tháng hoặc 6 tháng mà chứng.
Nếu mà có cái nơi yên tịnh tốt mà nỗ lực tu hành mà trong năm tháng hoặc sáu tháng mà chứng được cái lý vô thường của cái thân rồi thì đương nhiên là con thấy cái tâm hồn của con thanh thản vô cùng, không còn sợ hãi trước cái thọ, trước cái bệnh tật của con. Nó lên máu hoặc là nó như thế nào con cũng chẳng ngại. Tất cả những cái điều đó làm cho thân tâm con rất an ổn.
Cho nên ở đây theo Thầy thiết nghĩ thì đó là cái duyên mà thôi. Tùy theo cái nhân duyên mà mình thực hiện trên con đường tu hành. Mà thiếu duyên thì chắc chắn là rất khó chớ không phải dễ. Muốn tu mà không có duyên thì chắc cũng không tu được. Cũng như bây giờ các con muốn gần Thầy nhưng mà cái giờ phút mà Thầy đã ẩn bóng thay vì Thầy sẽ nhập diệt chứ Thầy cũng không muốn sống thêm một ngày nào cho nó quá cực khổ. Do vì vậy, nhưng vì có một vài người tu hành, đệ tử của Thầy chưa tới nơi, họ chưa đủ khả năng mà có thể thay thế Thầy mà lãnh đạo để thắp lại cái ngọn đuốc của Phật pháp. Giáo án của Thầy tuy ra đời biết nói lên cái đúng cái sai của đạo Phật để cho người ta tỉnh táo biết được cái đường lối nào tu được và đường lối nào tu không được. Nhưng không có kinh nghiệm của một con người thực thì khi nhắm đến cái đường hướng này nhiều khi chúng ta rất là mờ mịt, cũng khó lắm chứ không phải dễ. Cho nên dù sao đi nữa Thầy ẩn bóng có nghĩa là Thầy luôn luôn chăm sóc cho những người đệ tử của Thầy. Họ đang còn một vài bước nữa mà họ sẽ hoàn tất được con đường tu hành của họ. Do vì vậy mà tiếp đến khi mà họ đã làm xong thì Thầy mới ra đi vĩnh viễn. Chứ còn bây giờ mà bỏ như vậy thì Phật pháp nó cũng mai một. Công lao của Thầy dựng lại, rốt cuộc rồi không có người có kinh nghiệm để cho mấy con thừa kế thì quá là uổng. Do vì vậy mà Thầy còn nán nán lại đây trong một vài năm để giúp cho các con tu hành thêm được một cái bước khá sâu hơn và có thể dạy người, đưa người khác đi đến cái chỗ an ổn nhất là làm chủ cái sống chết được - thì đó mới là đường lối của Phật.
Dù Thầy biết rằng cơ thể của mình mỗi ngày là một suy yếu. Vì nó là cái thân vô thường, nó là tứ đại thì không thể nào mà giữ nó được. Nếu mà giữ được thì Thầy sống cũng như chết. Nghĩa là Thầy muốn giữ nó bây giờ sống bao lâu đi nữa thì ít ra thì Thầy cũng phải có thời gian phải ngồi thiền nhập định, phải có thời gian dài. Chẳng hạn bây giờ Thầy tiếp các con trong một tuần lễ thì ít ra Thầy cũng phải nhập định ở trong một tuần. Còn đằng này ngày nào Thầy cũng nói, cũng thuyết giảng, cũng tiếp xúc với các con thế này thì cái thân của Thầy càng ngày nó lại hoại diệt mau hơn, nhanh hơn. Thầy phải hao tốn cái lực lượng nhiều hơn cho nên cái thân của Thầy nó mòn, nó tàn tạ mau hơn. Còn Thầy ngồi làm thinh từ ngày này sang ngày khác thì nó không có mòn. Cũng như một cái vật, một cái máy mà nó không có chạy mà nó nằm yên thì cái máy đó nó không mòn. Còn cái máy gì mà nó chạy thôi suốt ngày suốt đêm, nó chạy hoài thì thử hỏi nó phải mau mòn chứ.
Các con thấy như ban ngày thì sáng Thầy phải thuyết giảng cho quý thầy, chiều thì trả lời cho các con rồi nghe các con thu băng. Rồi tối thì Thầy phải soạn giáo án không lúc nào ngơi nghỉ. Cái máy của Thầy chạy nhiều quá thì nó phải hao, nó hư đi. Còn khi mà ngồi thiền nhập định thì như cái máy nó không có chạy, nó nằm yên. Cho nên một cái người có thể nói rằng họ ngủ suốt hai mươi năm thì họ không có già, hai mươi năm đó họ không có thay đổi. Cũng như một người nhập định suốt hai mươi năm thì cái cơ thể họ không có thay đổi, chỉ còn ở mức trong bắt đầu mới nhập định mà thôi.
Đó thì các con thấy rằng trong cái sự mà kéo dài cái tuổi thọ của người đó thì bằng cái cách thức thiền định thì nó phải phục hồi như vậy. Ít ra thì Thầy làm việc trong cái thời gian một ngày thì ít ra Thầy cũng phải nhập cái định tương ưng với nó là phải một ngày thì mới phục hồi lại cái sức khỏe Thầy được. Đằng này Thầy thì cái làm việc thì nó gấp năm mười lần, mà cái lúc ngồi lại yên tịnh để mà giữ cái thân của mình thì nó có một hai giờ hoặc ba mươi phút là cùng. Như vậy cái thân nó dễ mòn mỏi lắm. Và đồng thời Thầy thấy cái sức khỏe của mình cũng kém nhiều lắm. Nếu mà không cố gắng thì giờ này chắc Thầy không nói chuyện với mấy con được nhiều. Do bữa hôm nay Thầy sẽ trả lời cho mấy con. Các con còn cái chỗ nào nữa mà hỏi, đây cũng là những cái lúc mà trả lời những cái lời cuối cùng đối với các con.
(Băng số 57)

BẢNG TÓM LƯỢC CHO SỰ TU TẬP BAN ĐẦU

Trước khi học cái Giới bổn thì hôm nay Thầy nhắc lại. Vì có một thầy đến xin Thầy ghi lại cái bảng tóm tắt cho cái sự tu tập mình ở cái lúc ban đầu. Nhân cái dịp thì Thầy ghi rồi Thầy cũng ghi lại ở trong băng để cho nó không có quên.
Quý thầy nhớ kỹ:
Người mới tu tập phải sống ba hạnh, nghĩa là mới vào tu tập thì phải sống đúng ba cái hạnh: Một là Ăn, hai là Ngủ, ba là Độc Cư sống trầm lặng. Kế đến phải lập ba cái đức: Một là Nhẫn Nhục, hai là Tùy Thuận, ba là Bằng Lòng. Hằng ngày thì quán xét thân tâm, xa lìa các ác pháp, tăng trưởng các pháp lành. Cái người mới tu thì chúng ta phải thường xuyên học Thập Thiện, biết Thập Ác để mà chúng ta xa lìa các pháp ác mà tăng trưởng các pháp lành. Kế đến thì chúng ta hãy dứt bỏ các thói quen, tật xấu Tứ đổ tường như rượu, chè, bài, bạc hay hút sách... Tất cả những cái tật xấu đó, hay hoặc là cái tâm mà hay thích dâm dục thì phải từ bỏ tất cả các tật xấu đó hết thì mới có thể đi vào con đường của Đạo Phật mới được.
Kế đến thì tu tập các loại định:
- Một là Định Sáng Suốt - giữ tâm thanh thản, tâm vô sự. Đó là cái thứ nhất mà cái người mới tu nên tu tập cái Định Sáng Suốt giữ tâm thanh thản, tâm vô sự.
- Cái thứ hai là Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, tu tập cái Định Chánh Niệm Tỉnh Thức á, đó là cái thứ hai, nhưng mà phải đi kinh hành, tức là nương vào cái đi kinh hành mà tu tập.
- Cái thứ ba đó, Chánh Niệm Tỉnh Giác ở trên bốn Tâm Vô Lượng, phải thực hiện ở trên cái bốn Tâm Vô Lượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả. Mà tu tập cái Chánh Niệm Tỉnh Giác ở trên bốn cái Tâm Vô Lượng đó. Nghĩa là hàng ngày chúng ta, lúc nào chúng ta cũng phải tập Tỉnh Giác ở trên bốn Tâm Vô Lượng Từ Bi Hỷ Xả của chúng ta.
- Bốn, Chánh Niệm Tỉnh Giác trong hơi thở, quý thầy chắc biết Chánh Niệm Tỉnh Giác ở trong hơi thở chứ gì? Tức là lấy cái hơi thở bình thường, không được thở dài thở ngắn mà phải dụng cái hơi thở bình thường đó, rồi cái sức Tỉnh Thức của chúng ta ở trên hơi thở, cái niệm của hơi thở: Hơi thở vô tôi biết vô, mà hơi thở ra tôi biết ra đó. Đó là cái Chánh Niệm Tỉnh Giác ở trên cái hơi thở.
- Năm, Chánh Niệm Tình Giác ở trong mọi công việc làm. Chúng ta làm cái gì thì chúng ta phải ý tứ ở trong công việc đó. Thường thường thì chúng ta phải nhắc cái tâm của mình trên cái pháp hướng, nhắc cái việc làm mình đang làm đó để cho cái nó tâm nhớ cái việc làm đó mà nó không có quên, không có sinh ra cái vọng tưởng, hoặc là vô ký.
- Sáu, Chánh Niệm Tỉnh Giác trong ăn cơm. Trong khi mà đang ăn cơm á, chúng ta cũng phải tập Chánh Niệm Tỉnh Giác ở trong khi đang ăn cơm chứ không phải là tỉnh giác ở trong các hành động khác rồi ăn cơm ngồi đó ăn cứ lo ăn mà không có Tỉnh Giác là sai, hoặc là ngồi đó đi tìm món ngon, món ăn dở thì sai. Mà phải tỉnh giác từng cái món ăn mà chúng ta bỏ từng ở trong miệng, khi nhai, khi nuốt đều là phải tỉnh giác hết. Đó là tỉnh giác trong khi ăn cơm.
- Bảy, Chánh Niệm Tỉnh Giác ở trong giấc ngủ. Chúng ta cũng phải tập tỉnh giác ở trong giấc ngủ như vừa rồi Thầy dạy, ngủ mà không mộng mị đó là tỉnh giác ở trong giấc ngủ đó.
- Tám là Chánh Niệm Tỉnh Giác đối với các pháp. Đối với các pháp như người ta mắng, người ta chửi mình hoặc là các cái pháp đến làm cho tâm chúng ta ham muốn, lôi cuốn tâm chúng ta đi vào cái chỗ mà say mê đó, thì chúng ta phải tỉnh giác các pháp để chúng ta ngăn chặn cái tâm ham muốn của chúng ta, để chúng ta tránh được sự tham ưu đau khổ của cuộc đời. Vì các pháp nó sẽ đem đến cho chúng ta nhiều sự đau khổ cho nên chúng ta cũng phải tập Chánh Niệm Tỉnh Giác ờ trên các pháp.
- Chín, Chánh Niệm Tỉnh Giác khi tiếp chuyện. Nghĩa là khi mà nói chuyện với ai thì chúng ta nên Chánh Niệm Tỉnh Giác khi tiếp chuyện. Người đó nói đúng, nói sai chúng ta cũng phải Tỉnh Giác chứ không phải là nghe người ta nói có lý rồi chấp nhận rồi thành ra cái kiến chấp, thành ra cái tà kiến mất đi. Cho nên chúng ta không còn thấy cái đúng cái sai nữa. Cho nên khi mà tiếp chuyện á, thì cũng ta cũng phải Tỉnh Giác ở trong khi tiếp chuyện với người khác.
- Mười, Chánh Niệm Tỉnh Giác khi tu tất cả các loại định. Nghĩa là chúng ta tu cái gì chúng ta cũng phải tập Chánh Niệm Tỉnh Giác ở trên cái hành động đang tu. Chứ không phải là nó tôi tu cái đó rồi tôi chỉ biết cái đó thôi, chẳng phải. Chúng ta phải Tỉnh Giác, coi cái sự tu đó nó có xảy ra cái gì. Thí dụ như bây giờ mình đang dùng cái hơi thở, mình hướng để mình tịnh chỉ Tầm Tứ để mình nhập Nhị Thiền, mà bây giờ cái hơi thở đó nó sẽ đứng đó mà nó mà nó không chậm nữa hay hoặc là nó không nhẹ nữa thì mình phải Tỉnh Giác ở trong những cái đó để cho mình thiện xảo, mình vận dụng như thế nào hoặc là mình hướng tâm như thế nào để cho nó đi sâu hơn hoặc là nó phải đi ra như thế nào.
Đó là Chánh Niệm Tỉnh Giác ở trong khi tu các loại pháp như Định Vô Lậu, Định Sáng Suốt, hoặc là cái Định Hiện Tại An Lạc Trú - nhập từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền - chúng ta đều phải Tỉnh Giác hết.
Đó là cái Chánh Niệm Tỉnh Giác Định là cái vấn đề rất là quan trọng mà người tu, mới tu thì phải tu tập cái này rất nhiều.
Kế đến chúng ta tu tập cái Định Vô Lậu:
- Cái Định Vô Lậu, thứ nhất, đặt niệm thân trước mặt, quán vô thường, khổ, vô ngã, bất tịnh. Lấy cái thân của chúng ta đặt rồi chúng ta xem xét, quán xét từ đầu đến chân, từ chân đến đầu coi nó bất tịnh như thế nào, coi nó vô thường như thế nào, coi nó khổ như thế nào, coi nó vô ngã như thế nào, để cho nó thấu suốt, nó chứng được cái lý vô thường, khổ, không, vô ngã của nó, và bất tịnh.
- Hai, đặt niệm thực phẩm ăn trước mặt, quán bất tịnh. Hằng ngày chúng ta vì cái ăn mà chúng ta có sự tham đắm ở trong đó, do đó chúng ta hãy đặt cái niệm thực phẩm trước mặt của chúng ta mà quán xét. Chừng nào mà thấu cái lý chúng ta thấy thực phẩm bất tịnh, chúng ta không còn thích ăn nó nữa, ăn để sống như một cái liều thuốc thì chừng đó chúng ta không có tu nữa. Nhưng mà bây giờ chúng ta còn thấy thèm, thấy muốn ăn cái ngon, cái dở, thì lúc bấy giờ đó chúng ta phải cần đặt niệm để mà quán triệt, để mà xả cái lậu hoặc vì cái ăn.
- Ba, đặt niệm sắc dục trước mắt, quán bất tịnh, quán rắn độc, quán khổ. Tức là chúng ta sẽ đặt cái niệm sắc dục trước mặt của chúng ta để chúng ta quán nó bất tịnh, quán rắn độc, quán khổ. Chừng nào nó thấm cái lý, nó làm cho cái thân chúng ta không tràn tinh, không xuất tinh, không mộng mị nữa thì đó là chúng ta đã đạt cái quán vô lậu của sắc dục.
- Bốn, đặt niệm danh trước mặt, quán vô thường, khổ, nguy hại, như cọp dữ. Chúng ta thấy cái danh, coi vậy chứ nó cũng rất khó vì nghe người ta khen là mình mừng, nghe người ta chê là mình buồn. Đó là cái danh chứ chưa nói là cái sự mà chúng ta làm ông này bà kia hoặc là đỗ cấp bằng này, cấp bằng kia, nó đều làm cho chúng ta có cái chạy theo của cái danh. Cho nên, do đó mà chúng ta đặt cái niệm danh trước mặt để chúng ta quán, thấy nó vô thường, nó đem đến sự khổ, nó nguy hại cho đời sống chúng ta, nó giống như là cọp dữ. Đó thì chúng ta phải đặt cái niệm đó để quán xét cho thấu suốt để cái danh nó được xả đi, nó không còn được ở trong tâm chúng ta nữa.
- Năm, đặt niệm lợi trước mặt, quán vô thường, khổ, nguy hại như thuốc độc, như rắn độc. Chúng ta phải đặt cái niệm lợi như tiền bạc, châu báu, hoặc là nhà cửa, xe cộ, chùa chiền, tháp to, tháp lớn gì đó, tất cả mọi cái chúng ta đặt rồi chúng ta quán xét để chúng ta thấy nó là như thuốc độc, nó có thể giết chúng ta hồi nào cũng có thể được. Nó như rắn độc, nó có thể cắn chúng ta hồi nào cũng được.
- Sáu, đặt niệm hôn trầm, thùy miên, quán tối tăm u mê, ngu muội, lười biếng, hèn nhát. Chúng ta phải đặt cái niệm hôn trầm vì hầu hết là Thầy thấy cái vần đề mà hôn trầm thùy miên rất là khó. Phải đặt cái niệm đó, rồi quán xét, rồi tu tập cái Chánh Niệm Tình Thức. Trong khi ngủ phải tỉnh thức, do đó nó mới phá được cái hôn trầm thùy miên, chứ không khéo thì cái bệnh hôn trầm thùy miên là bệnh si này rất là nguy hiểm, nó làm chúng ta không có cái tri kiến, không có cái tri kiến giải thoát được.
- Bảy, đặt niệm tham trước mặt, quán khổ, nguy hiểm, tai hại, nghèo khổ, bần cùng. Cái niệm tham của chúng ta thì chúng ta đặt nó trước mặt để chúng ta quán xét, quán cái tham coi từ đâu đến, nó do đâu mà có mà làm chúng ta khổ suốt cả đời chúng ta. Rồi từ cái tham đó, nó hễ có cái này rồi nó đòi hỏi tới cái khác, nó tham tới cái khác. Một đồng nó muốn mười đồng, mười đồng nó muốn trăm đồng đó. Thì cái tham nó cứ từng bước nó lên, nó leo thang lên chứ nó không có dừng lại. Do đó chúng ta thấy càng tham thì càng khổ, vì vậy mà chúng ta phải quán xét để phá cái tâm tham của chúng ta nó trở thành vô lậu.
- Tám, đặt niệm sân trước mặt, quán khổ, hung dữ như cọp, như rắn độc, hại mình, hại người. Chúng ta phải đặt cái niệm sân, vì cái niệm sân nó làm chúng ta rất khổ đó, do đó chúng ta phải quán xét cái niệm sân và dùng cái pháp hướng để đoạn dứt nó đi. Nói chung là mỗi cái niệm mà chúng ta đặt đây đều là chúng ta phải có cái pháp hướng, pháp hướng sau khi chúng ta quán xét xong rồi thì chúng ta kế tiếp bồi một cái lệnh truyền tạo thành một cái lực để mà đoạn dứt nó, đoạn dứt những cái tâm đó. Do đó, nó nhờ cái pháp hướng đó mà nó sẽ đoạn dứt nhanh chóng hơn. Quán là chúng ta thông suốt, thấu suốt được cái lý của nó đúng để chúng ta không còn cái tâm đó nữa nhưng dù sao chúng ta phải có cái sự truyền lệnh làm chủ, thì cái pháp hướng đó nó giúp chúng ta sẽ làm chủ được.
- Chín, đặt niệm kiêu mạn trước mặt, quán vô thường, khổ, vô ngã. Thì cái tâm kiêu mạn, cái tâm ngã mạn của chúng ta thường thường là ai cũng có cái ngã, thấy mình hơn người một chút là mình thấy có cái ngã rồi. Nghe người ta khen mình là mình nở mũi rồi, đó là cái ngã, nghe người ta chê mình, mình buồn đó là cái ngã của mình. Vì vậy mà tất cả những cái này chúng ta phải đặt cái niệm đó trước mặt để từng dùng cái Định Vô Lậu mà quét sạch cái tâm kiêu mạn của chúng ta ra khỏi cái tâm của chúng ta.
- Mười, đặt niệm nghi trước mặt, quán về cái niệm nghi đó, quán cái tâm nghi của mình đó, nó hay sinh những tội lỗi và do đó mà đời sống của chúng ta - cái nghi đó nó sẽ làm cho chúng ta nhức đầu. Ví dụ như mình nghi vị thầy mình tu chưa chứng, nghi vị thầy mình như thế này thế khác mà mình không có đủ sức mà mình dò xét vị thầy mình, coi như thế nào là người giới hạnh, giới đức, giới tuệ như thế nào, mình chưa đủ sức quán xét. Nhưng mà mình sống gần một vị thầy mình mà mình vội vàng mình nghi thì chưa đúng, mình hãy còn xem xét. Cho nên nghi không phải là nghi thầy mình không, mà nghi tất ...

Đây là cái sự tóm lược của Thầy, chứ nó còn biết bao nhiêu, có thể nó từ cả trăm cái điều kiện mà chúng ta có thể chúng ta đặt cái niệm trước mặt mà chúng ta tu tập. Hằng ngày, nếu chúng ta hằng ngày chúng ta thấy cái tâm của mình ở cái góc độ nào thì mình nên lấy ở cái góc độ đó, mình đặt cái niệm ra mình tu, mình thấu triệt được cái độ đó thì nó sẽ phá được cái tâm vô lậu của mình. Và hàng ngày mình làm những công việc hoặc có những duyên sự gì đó thì mình lấy cái định Chánh Niệm Tỉnh Giác, mình đặt cái sự hành động của mình ngay cái chỗ đó mình tu tập thì nó sẽ ngay cái đặc tướng riêng biệt của mình thì nó đem lại cái kết quả tốt cho cái sự tu tập của mình, nhanh chóng và tỉnh táo nhất. Và đồng thời thì Thầy thấy qua cái sự tu tập đó, thì Thầy thấy các thầy nên tập tỉnh thức ngay ở  trong giấc ngủ của mình, phá cái niệm si trước tiên để chúng ta không còn có Vô Minh thì cái Minh nó thể hiện được, thì cái trí tuệ mà thể hiện được thì tu cái Định Vô Lậu rất là nhanh chóng. Vì cái tri kiến giải thoát chúng ta phát hiện chứ không phải là cái tri kiến suông, vì cái tri kiến suông là cái tri kiến được huân học của kinh sách, của các thầy nhờ đó mà chúng ta làm cái điểm tựa thôi. Còn trái lại cái tri kiến giải thoát của chúng ta được phóng ra được á thì đó là phải nhờ cái sức tỉnh thức mới có phóng ra được. Như vậy là quý thầy ghi tạm thời có mười cái điều kiện để tu tập cái Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, và mười cái điều kiện mà tu tập cái Định Vô Lậu. Bây giờ Thầy xin trả lại cuốn tập cho cư sĩ.
(Lời Thầy dạy trong băng 39 - Giáo án đường lối tu tập đạo Phật)

Saturday, August 23, 2014

NHƯ LÝ TÁC Ý

Pháp hướng tâm như thế nào? Pháp hướng tâm là pháp dẫn tâm vào một lý chân chính, giải thoát của đạo. Pháp chân chính giải thoát của đạo là gì? Pháp chân chính giải thoát của đạo là chỉ thẳng vào mọi duyên, mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, mọi sự việc xảy ra đều hiểu biết rõ nó là vô thường, khổ, và không có thực thể bản ngã trong đó; do các duyên hợp lại mà thành, và duyên tan là mất hết, không còn có cái gì tồn tại. Khi đã hiểu rõ như vậy và thấy rõ như thật, thì dùng Pháp hướng mà nhắc tâm như vầy:
1. “Cái tâm từ đây về sau không được kiến chấp các duyên là thật, mà phải thấy nó vô thường, khổ, vô ngã". Nên không còn phiền não, đau khổ trong tâm không còn nữa.
2. “Các duyên tan hợp theo nhân quả, diễn biến luân hồi nên không có thật thể bản ngã, toàn là vô thường, khổ, vô ngã. Vậy từ đây về sau cái tâm không được chấp duyên là ngã, mà hãy bỏ xuống đi, không còn được giận hờn, phiền não, đau khổ."
3. “Đời sống của con người là duyên tan hợp của nhân quả, cho nên không có bản ngã chân thật, toàn là vô thường và đau khổ. Vậy từ đây cái tâm phải bỏ xuống, không được chấp cái ta nữa, vì chấp cái ta là tạo thêm đau khổ và ác pháp trong tâm”.
4. “Ai theo các duyên nhân quả, tạo ác, là phải thọ lấy cái quả khổ, ta không dại gì đem khổ vào thân. Từ nay, cái tâm hãy bỏ xuống đi để được an vui, thanh thản”.
Các con hãy cố gắng động não, triển khai những trí tuệ nhân quả, duyên tan hợp để thấu rõ lý Vô Thường, Khổ, Vô Ngã của đạo thì chừng đó các con mới nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng được. Đây là pháp dẫn tâm, lập đức nhẫn nhục, dẫn tâm vào tam ấn của Đức Phật theo duyên tan hợp, diễn biến luân hồi của nhân quả. Khi có một niệm khởi ra trong đầu thì các con mau dẫn tâm vào lý giải thoát, giữ tâm thanh thản. Muốn giữ tâm cho được thanh thản các con phải nhắc tâm như thế này khi có một niệm tào lao khởi lên:
1. “Cái tâm phải thanh thản, không được nghĩ ngợi tào lao,vì nghĩ ngợi tào lao thì tâm bị phân chia ra tan nát khó mà vào thiền định được”.
2. Khi biết tâm mình thường dễ giận hờn, phiền não, đau khổ thì phải dẫn tâm như thế này: “Cái tâm phải thanh thản, không được giận hờn, đau khổ, phiền não nữa, vì đau khổ, phiền não là các pháp ác.
3. Khi có một niệm thương nhớ, lo sợ thì phải dẫn tâm như thế này: “Cái tâm thanh thản, không được thương nhớ, lo sợ vì các pháp đều là do duyên tan hợp theo nhân quả nên không có gì là của mình. Vậy hãy bỏ xuống, đừng thương nhớ lo sợ, vì thương nhớ lo sợ là ác pháp, là pháp làm đau khổ trong tâm hồn của mình”.
4. Khi tâm không có niệm khởi, đang ở trong trạng thái thanh thản, thì hãy dẫn tâm như thế này: Cái tâm phải thanh thản trong trạng thái thanh thản, vì có thanh thản thì tâm mới có nội lực. Tâm có nội lực thì mới nhập thiền định”.
Trên đây là pháp hướng tâm thanh thản để giữ tâm thanh thản. Muốn giữ tâm thanh thản thì phải nương vào hơi thở tuỳ tức, thỉnh thoảng lại nhắc tâm thanh thản một lần. Trên đây là giữ tâm thanh thản trong hơi thở. Lúc nào, giờ nào, ngày nào, hễ có rảnh là dẫn tâm vào thanh thản. Đó là tu pháp hỷ, mà cũng là chính cách thức dẫn tâm trong trạng thái thanh thản này là dẫn tâm tập nhập Sơ thiền, để lập đức nhẫn nhục, ly ác pháp. Tâm có thanh thản thì tâm mới có bình tĩnh, sáng suốt. Tâm có bình tĩnh sáng suốt thì tâm mới có nhẫn nhục được. Tâm nhẫn nhục được thì tâm mới có tuỳ thuận. Tâm có tùy thuận được thì tâm mới có bằng lòng. Tâm có bằng lòng được thì tâm mới xả được. Tâm có xả được thì tâm mới được ly ác pháp. Tâm có ly được ác pháp thì tâm mới có an vui, hạnh phúc. Tâm có an vui hạnh phúc là tâm nhập Sơ thiền. 
Trên đây là pháp hướng dẫn tâm thanh thản để ly các ác pháp, nhập Sơ thiền lập đức nhẫn nhục.[1]

Phần sau là trích từ Bức Tâm thư Đức Trưởng lão Thích Thông Lạc gửi tu sinh Thiện Tâm năm 2011:
2. PHÁP NHƯ LÝ TÁC Ý: Mục đích tu hành theo Phật giáo là để trở về lý giải thoát (ly dục, ly ác pháp).
A.   Niệm ác: Thường có từ 3 lậu hoặc sau đây:
a.    Dục lậu: Lòng ham muốn.
b.    Hữu lậu: Do huân tập sẳn có.
c.    Vô minh lậu: Không hiểu biết, thiếu tri kiến.
Vậy khi niệm ác từ những lậu hoặc này sanh khởi thì chúng ta chuyên cần quán tâm vô lậu và tác ý để trở về tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.
B.   Niệm thiện: Thường xảy ra ở ba thời điểm:
a.    Quá khứ: Là những việc đã làm trong quá khứ nhưng hiện tại đang sinh khởi thì TA nên hiểu rằng “Chính những việc làm đó ta có được như ngày hôm nay và từ nay về sau nếu có đủ duyên TA lại càng tăng trưởng thiện. Còn bây giờ hãy thiện với ngay chính tâm mình, thiện với chính tâm mình là sống với tâm “BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ”.
b.    Hiện tại: Chánh niệm (Tâm bất động, Thanh Thản, An Lạc, Vô Sự). Ta nên hằng sống với tâm niệm này.
c.    Tương lai: Nghĩ tưởng về việc sắp tới hay về sau…. TA nên nhắc tâm “Chỉ có thành tựu trong hiện tại thì mới thực hiện được trong tương lai, còn ngược lại cứ lo nghĩ về tương lai thì chỉ hoài công vô ích”.
C.   Niệm không thiện không ác: Có ba trường hợp:
a.    Ý thức: Bằng sự hiểu biết trong chánh niệm có sự phân biệt.
b.    Ức chế ý thức: Dùng đối tượng để ức chế ý thức (Tham thoại đầu, Biết vọng liền buông, nương hơi thở như Thiền Đông Độ).
c.    Diệt ý thức: Dẫn tâm vào Không (vạn vật như Huyễn, như Vô).
Ở đây chỉ chấp nhận trường hợp thứ nhất (a. Ý thức)
3. Ý nghĩa “Tâm Bất Động, Thanh thản, An lạc, Vô sự”.
Muốn hiểu được câu này, chúng ta phải hiểu được chữ Tâm. Tâm ở đây có nghĩa là 6 cái Biết của 6 căn.
- Mắt: (Nhãn căn, Nhãn thức, Nhãn trần). Thấy Biết được bằng nhãn thức.
-Tai: (Nhĩ căn, Nhĩ thức, Nhĩ trần). Nghe Biết được bằng nhĩ thức.
- Mũi: (Tỹ căn, Tỹ thức, Tỹ trần). Ngửi Biết được bằng mùi thơm, mùi thúi.
- Miệng: (Thiệt căn, Thiệt thức, Thiệt trần). Nếm Biết được bằng lưỡi vị chua, cay, ngọt, đắng, mặn, lạt.
- Thân: (Thân căn, Thân thức, Thân trần). Cảm giác Biết được bằng Thân thức nóng, lạnh.
- Ý: (Ý căn, Ý thức, Ý trần). Sinh khởi Biết được bằng Ý thức.
·        Trong 6 căn này Ý căn làm chủ điều khiển 5 căn còn lại.
(Ý làm chủ, Ý tạo tác, Ý dẫn đầu các pháp).
Mà 6 căn này luôn luôn tiếp xúc với 6 trần như:
- Sắc: Hình tướng.
- Thinh: Âm thanh.
- Hương: Mùi.
- Vị: Vị (ngọt, cay, chua, chát…).
- Xúc: Va chạm.
- Pháp: Vạn pháp.
Vốn Tâm thường bị chi phối và dính mắc bởi 6 trần này. Do đó Tâm hay bị dao động.
Cho nên ta tác ý Tâm Bất Động có nghĩa là tâm không bị chi phối, không bị dính mắc, không chạy theo và không bị dao động. Chứ không phải Tâm không niệm, không biết hay không ngơ. Bởi vì Tâm luôn có 6 cái Biết như trên đã nói nên Tâm luôn sáng suốt và hiểu biết đầy đủ.
Từ chỗ Tâm Bất Động nên 6 thức (Tâm thức) cảu 6 căn không mệt mỏi, nhẹ nhàng, Thanh Thản làm cho thân được An Lạc. Đó chính là nhờ 6 thức hoàn toàn Vô Sự.
4. Thân, Khẩu, Ý độc cư trọn vẹn.
a. Thân vô sự.
b. Khẩu im lặng như Thánh.
c. Ý bất động.
          Khi chúng ta đã làm chủ được 6 căn bằng Tri Kiến Giải Thoát thì lúc đó 6 căn không còn phóng dật hay dính mắc cho nên Tâm Quay Vô một cách tự nhiên và Định Trên Thân. Đây mới chính là độc cư trọn vẹn của Thân, Khẩu, Ý. (Bây giờ mới bắt đầu bước qua giai đoạn Tứ Niệm Xứ).
5. Trong giờ tu tập có những niệm sai khiến. Làm lặt vặt hoặc có đối tượng…thì chúng ta cần xem xét đó là dục ác hay thiện.
Ví dụ: Một con Rết bò vào thất nơi ta đang tu tập, thì ta thường có 2 tâm niệm sanh khởi để xử lý:
a.    Đưa con Rết ra khỏi thất để nhanh chóng trở lại an ổn.
b.    Giữ Thân, Tâm bất động mặc kệ nó bò đến đâu cũng được. Nhưng thật chất mình có Bất Động được không? Hay mình phải mất thời gian dài để dính mắc với nó? Điều này đòi hỏi Tâm phải thiện xảo và trí tuệ.
6. Cách thọ thựcĂn trong Chánh Niệm Tỉnh Giác.
Để ly dục về ăn uống ta nên quán Thân Bất Tịnh và Thực Phẩm Bất Tịnh đồng thời nhắc Tâm “Ăn để sống – Sống để tu”.
7. Vào khu chuyên Tu (cấp 2) thì không được ghi chép sổ tay hay nhật ký tu tập.Trừ khi cần thiết thưa hỏi pháp tu.
“Hãy sống với Chánh Niệm ngay thực trong Hiện Tại”.
Kính thư,
Tu Viện Chơn Như
______________

Wednesday, August 6, 2014

Tương Ưng Ràhula

I. Phẩm Thứ Nhất
I. Mắt (S.ii,244)

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi (Xá-vệ), tại Jetavana (Thắng Lâm), vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).

2) Rồi Tôn giả Ràhula đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

3) Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ràahula bạch Thế Tôn:

-- Lành thay, bạch Thế Tôn! Thế Tôn hãy thuyết pháp cho con để sau khi nghe, con có thể sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần!


4)-- Này Ràhula, Ông nghĩ thế nào? Mắt là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng nếu xem cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này tự ngã của tôi"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

5) -- Tai là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn...

6) -- Mũi là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn...

7) -- Lưỡi là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn...

8) Thân là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn...

9) Ý là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn...

-- Cái gì vô thường là khổ hay lạc?

-- Là khổ, bạch Thế Tôn.

-- Cái gì vô thường, khổ, chịu sự biến hoại, có hợp lý chăng, khi xem cái ấy: "Cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi"?

-- Thưa không, bạch Thế Tôn.

10) -- Thấy vậy, này Ràhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán mắt, nhàm chán tai, nhàm chán mũi, nhàm chán lưỡi, nhàm chán thân, nhàm chán ý.

11) Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành; những gì nên làm đã làm; không còn trở lui trạng thái này nữa".


II. Sắc (S.ii,245)

1) ... Tại Sàvatthi.

2) -- Này Ràhula, Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

3-6) Thanh.... Hương... Vị... Xúc...

7) -- Này Ràhula, Ông nghĩ thế nào? Pháp là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn. ..., ...

8) -- Thấy vậy, này Ràhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán sắc... nhàm chán pháp.

9) Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát... "...không còn trở lui trạng thái này nữa".


III. Thức (S.ii,246)

1) ... Tại Sàvatthi.

2) -- Này Ràhula, Ông nghĩ thế nào? Nhãn thức là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn...

3-6) -- Nhĩ thức... Tỷ thức...Thiệt thức... Thân thức...

7) -- Này Ràhula, Ông nghĩ thế nào? Ý thức là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn...

8) -- Thấy vậy, này Ràhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán nhãn thức, nhàm chán nhĩ thức, nhàm chán tỷ thức, nhàm chán thiệt thức, nhàm chán thân thức, nhàm chán ý thức.

9) Do nhàm chán, vị ấy ly tham... "...không còn trở lui trạng thái này nữa".


IV. Xúc (S.ii,246)

1) ... Tại Sàvatthi.

2) -- Này Ràhula, Ông nghĩ thế nào? Nhãn xúc là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn. ..., ...

3-7) -- Này Ràhula, Ông nghĩ thế nào? Nhĩ xúc... Tỷ xúc... Thiệt xúc... Thân xúc... Ý xúc là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn. ..., ...

8) -- Thấy vậy, này Ràhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán nhãn xúc, nhàm chán nhĩ xúc, nhàm chán tỷ xúc, nhàm chán thiệt xúc, nhàm chán thân xúc, nhàm chán ý xúc...

9) Do nhàm chán, vị ấy ly tham... "...không còn trở lui trạng thái này nữa".


V. Thọ (S.ii,247)

1) ... Tại Sàvatthi.

2) -- Này Ràhula, Ông nghĩ thế nào? Thọ do nhãn xúc sanh là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

3-6) -- Thọ do nhĩ xúc sanh... Thọ do tỷ xúc sanh... Thọ do thiệt xúc sanh... Thọ do thân xúc sanh... Thọ do ý xúc sanh là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn. ..., ...

7-8) -- Thấy vậy, này Ràhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán thọ do nhãn xúc sanh, nhàm chán thọ do nhĩ xúc sanh, nhàm chán thọ do tỷ xúc sanh, nhàm chán thọ do thiệt xúc sanh, nhàm chán thọ do thân xúc sanh, nhàm chán thọ do ý xúc sanh...

Do nhàm chán, vị ấy ly tham... "...không còn trở lui trạng thái này nữa".


VI. Tưởng (S.ii,247)

1) ... Tại Sàvatthi.

2) -- Này Ràhula, Ông nghĩ thế nào? Sắc tưởng là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

3-7) -- Thanh tưởng... Hương tưởng... Vị tưởng... Xúc tưởng... Pháp tưởng là thường hay vô thường?
-- Là vô thường, bạch Thế Tôn. ..., ...

8-9) -- Thấy vậy, này Ràhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán sắc tưởng, nhàm chán thanh tưởng, nhàm chán hương tưởng, nhàm chán vị tưởng, nhàm chán xúc tưởng, nhàm chán pháp tưởng...

Do nhàm chán, vị ấy ly tham... "...không còn trở lui trạng thái này nữa".


VII. Tư (S.ii,247)

1) ... Tại Sàvatthi.

2) -- Này Ràhula, Ông nghĩ thế nào? Sắc tư là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

3-7) -- Thanh tư... Hương tư... Vị tư... Xúc tư... Pháp tư là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn. ..., ...

8-9) -- Thấy vậy, này Ràhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán sắc tư, nhàm chán thanh tư, nhàm chán hương tư, nhàm chán vị tư, nhàm chán xúc tư, nhàm chán pháp tư.

Do nhàm chán, vị ấy ly tham... "...không còn trở lui trạng thái này nữa".


VIII. Ái (S.ii,248)

1) ... Tại Sàvatthi.

2) -- Này Ràhula, Ông nghĩ thế nào? Sắc ái là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

3-7) -- Thanh ái... Hương ái... Vị ái... Xúc ái... Pháp ái là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn. ..., ...

8-9) -- Thấy vậy, này Ràhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán sắc ái, nhàm chán thanh ái, nhàm chán hương ái, nhàm chán vị ái, nhàm chán xúc ái, nhàm chán pháp ái.

Do nhàm chán, vị ấy ly tham... "...không còn trở lui trạng thái này nữa".


IX. Giới (S.ii,248)

1) ... Tại Sàvatthi.

2) -- Này Ràhula, Ông nghĩ thế nào? Ðịa giới là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn...

3-7) -- Thủy giới... Hỏa giới... Phong giới... Không giới... Thức giới là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn. ..., ...

8-9) -- Thấy vậy, này Ràhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán địa giới, nhàm chán thủy giới, nhàm chán hỏa giới, nhàm chán phong giới, nhàm chán không giới, nhàm chán thức giới.

Do nhàm chán, vị ấy ly tham... "...không còn trở lui trạng thái này nữa".


X. Uẩn (S.ii,249)

1) ... Tại Sàvatthi.

2) -- Này Ràhula, Ông nghĩ thế nào? Sắc là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn.

3-6) -- Thọ... Tưởng... Hành... Thức là thường hay vô thường?

-- Là vô thường, bạch Thế Tôn. ..., ...

7) -- Thấy vậy, này Ràhula, bậc Thánh đệ tử nghe nhiều, nhàm chán sắc, nhàm chán thọ, nhàm chán tưởng, nhàm chán hành, nhàm chán thức.


8) Do nhàm chán, vị ấy ly tham. Do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát, trí khởi lên: "Ta đã giải thoát". Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành; những gì nên làm đã làm; không còn trở lui trạng thái này nữa".