Wednesday, February 17, 2021

BÀI 1: DÒNG NƯỚC XOÁY

 


Bài viết này tôi kể về chính những phiền não của tôi. Bị cuốn trôi theo nghiệp lực tham sân si của chính mình, cuốn theo chuyện thiệt hơn phải trái. Những chuyện của tôi có lẽ chỉ xảy ra với mình tôi, các bạn không ở trên duyên nhân quả như tôi. Tuy vậy, biết đâu bài viết này cũng đem lại vài thông tin hữu ích với bạn.


🍎 Cuốn vào chuyện ăn chay - ăn mặn

Khi biết Phật Pháp, điều đầu tiên tôi bị cuốn vào ăn chay - ăn mặn của người khác, không phải của tôi. Tôi cho rằng Phật giáo ăn mặn là sai, tôi chỉ trích, bài bác.

Lẽ dĩ diên, việc ăn chay hay mặn, ăn như thế nào ngày ngay khoa học dinh dưỡng đã có những nghiên cứu sâu rộng và cụ thể. Nhưng khi đến với Đạo Phật, tôi bị dính mắc vào chuyện của người ta, tôi cũng muốn mọi người đều ăn chay, và sinh lòng chỉ trích người ăn mặn, chỉ trích những thầy dạy ăn mặn.

Điều người khác ăn gì đó là phước báu của họ, nhưng tôi sinh lòng dính mắc, chỉ trích đó là phiền não của tôi, tâm sân của tôi, tôi khi đó chính là A tu la. A tu la là những khi tâm chúng ta ở trạng thái bất toại nguyện, bất như ý, sinh lòng sân giận, căm phẫn, phẫn nộ.

Sự phẩn nộ thể hiện qua khẩu hành là viết bài nói này nói nọ, đó là khẩu hành không thanh tịnh, do ý hành si mê, muốn thay đổi người đó là tham ái. Tham sân si hiện diện thì mất trạng thái thanh thản của tâm, đó là tâm phóng dật.

"Không phóng dật, đường sống,
Phóng dật là đường chết.
Không phóng dật, không chết,
Phóng dật như chết rồi."
(Kinh Pháp cú, 21)

🍎 Cuốn vào chuyện thế giới siêu hình không có

Khoảng 2006 - 2007, tôi có có duyên lên chùa P.Q, được nghe Thầy C.Q giảng Pháp và đọc sách thầy. Bộ sách đạo đức của Thầy dạy với tôi khi đó là quá tuyệt vời, tôi tin đây là Chánh pháp rồi. Tôi nghe hầu như gần hết các bài giảng của thầy, khi đó là khoảng 700 bài giảng; tôi đi tham dự các khóa thiền ở chùa T. T (quận Tân Bình), v.v.. Lẽ dĩ nhiên, khi đó tôi tin có linh hồn.

Cũng dịp này năm 2008 âm lịch, tôi cùng nhóm HL, HĐ lên Tu viện CN, tôi có duyên được gặp Thầy Thông Lạc ở bên khu cũ. Tôi thỉnh sách của Thầy về và đọc ngấu nghiến không ăn, không ngủ. Tôi vỡ lẻ ra những điều mình tin, mình học lại không phải. Đặc biệt là vấn đề thế giới siêu hình không có. Tôi bắt đầu hiểu ra và chỉ trích thầy C.Q trên mạng, dù gì thầy ấy cũng từng học với Thầy TL, sao lại dạy những điều phi Phật Pháp như vậy để rồi tôi đã tin đó là thực - một niềm tin không chân chánh - tà tín. Đó là sự hiềm hận, oán trách, chê bai. Tất cả đều là bất thiện nơi tôi, tôi sống với điều bất thiện mà đâu có biết đâu! Cứ cho mình làm là đúng! Tôi trích đăng các bài giảng của Thầy Thông Lạc về thế giới siêu hình không có với TÂM THẾ muốn thay đổi thế giới, muốn mọi người phải biết: à, mấy ông kia dạy sai rồi, hãy từ bỏ mê tín đi. Quả là vô minh, tâm phi thường quá, muốn thay đổi cả thế giới cơ đấy!

Chúng ta khi nhận ra cái sai, chỉ có thể tự mình từ bỏ mà thôi. Biết đây là sai, đây là tà kiến, đây là bất thiện ta không tin theo. Chỉ có vậy thôi. Chuyện bên ngoài là nhân quả người ta, mình làm sao mà đòi thay đổi người khác được.

Tuy vậy, vấn đề thế giới siêu hình không có cũng làm cho tôi phải suy tư rất nhiều vì Thầy Thông Lạc thường dẫn chứng bài kinh Pháp môn căn bản - Trung bộ kinh. Tôi đọc vào bài kinh đó không thấy chỗ nào Phật nói là thế giới siêu hình không có cả. Phật chỉ nói tưởng tri địa đại, tưởng tri niết bàn, v.v.. Khi đó tôi không có hiểu tưởng tri địa đại là gì, tưởng tri niết bàn là gì. Tôi đọc và suy tư đến bài kinh Tương ưng uẩn - Kinh Tương ưng bộ và đọc các bài viết trên Budsas thì mới hiểu và tin được. Dù sao, từ một người tin có linh hồn, có thế giới siêu hình mà đoạn nghi liền thì cũng khó, tôi khi đó chưa đoạn nghi được hẵn về vấn đề thế giới siêu hình.

Thế giới nhân quả xây dựng nên các cảnh giới ở ngay tâm của mỗi người, từ cảnh giới địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la, người, trời và niết bàn. Ở nơi cái thân ngũ uẩn này thâu tóm các thế giới trên tâm thức do chính thân khẩu ý của chúng ta tạo tác mà có, do vô minh mà hình thành.

Dính mắc vào cái sai của người, rồi gây đau khổ cho mình, đó là tâm phiền não. Đó là hữu kiết sử, là vô minh, là không tỉnh giác, là mê ngủ.

🍎 Cuốn vào chuyện tông phái, thầy tổ - chánh pháp - tà pháp

Khi đến với Phật Pháp, nhận ra một số điều sai lầm từ những lời dạy của các bậc thầy ở quá khứ và hiện tại, tôi sinh lòng chỉ trích. Cho rằng người khác sai hết, chỉ có thầy Thông Lạc dạy là đúng. Tôi cứ muốn mọi người phải theo thầy, phải tu như thầy dạy, phải hiểu đúng như thầy dạy, v.v.. Tôi chỉ trích PG Đại thừa, Nam tông, v.v..

Đó là tâm dính mắc vào chuyện sai đúng của người, tôi đã dính mắc vào đó và cho họ là tà pháp, còn tôi mới tu Chánh pháp, v.v..

Nhưng tôi đâu hiểu rằng, chính tâm phiền não của tôi mới là TÀ PHÁP. Thầy Thông Lạc chỉ là người vạch ra, chỉ ra cho người đệ tử thấy được: à như vậy là đúng Phật dạy, như vậy là sai Phật dạy. Còn tôi thì mượn lời thầy để đi chỉ trích người khác là sai, sự chỉ trích đó là TÀ NGỮ. Tà ngữ có mặt do TÂM SI có mặt, không nhìn được cái bất thiện đang hiện có nơi mình đó là mình đang sân, đang phiền não, đang bị dính mắc.

Người ta chỉ trích thầy Thông Lạc tôi cũng phiền não, tôi bị phóng dật theo tiếng khen - chê của người khác. Đó là do tâm si mê, do mê ngủ, do không tỉnh giấc, do thiếu tỉnh giác, do không thấy - biết các lậu hoặc nơi mình. Khen chê tôi tôi cũng phóng dật, mà khen chê Thầy tôi cũng phóng dật theo.

🍎 Chuyện thầy này tu chứng đạo - thầy kia không chứng

Một điều nữa tôi có chướng ngại là khi thấy vị này vị nọ, rõ ràng tôi biết vị đó dạy sai lời Phật dạy, hiểu sai lời Thầy Thông Lạc dạy mà cũng tuyên bố chứng đạo hay được cho là chứng đạo rồi tôi sinh lòng phiền não. Tôi mượn kinh, mượn lời Phật dạy để chứng minh cho sự sai quấy của người, đó là sự dính mắc của tôi chứ đâu có phải thiện pháp gì đâu. Tôi đã làm bạn với ác chứ không có làm bạn với thiện như Sư Tánh Trí dạy.

Thực ra chúng ta biết người chứng đạo dễ lắm, ít nhất người đó phải có trí tuệ về Tứ diệu đế, mười hai nhân duyên và người đó sống được với trí tuệ đó tức là sống với chính nhân quả của họ, họ không tham sân si mạn nghi trên cái nhân quả của mình của người, không khoe khoang, không chỉ trích, không khen mình chê người, v.v.. chứ không phải là chứng cái gì cao siêu thần thông biết quá khứ vị lai, biết chuyện người khác, v.v.. Thầy Thông Lạc dạy:

"Cho nên chứng đạo không có cái gì cao siêu vĩ đại cả, chỉ là một tâm bình thường như mọi người nhưng không có chướng ngại nào làm cho tâm người đó chướng ngại được." (Trích từ Yếu Chỉ Tu Tập).

Người chứng đạo không phải là chứng thần thông, biết quá khứ vị lai để khoe khoang, mà là người đã chấm dứt đau khổ; thoát ra khỏi trói buộc của tâm ái dục (bao gồm DỤC ÁI, SẮC ÁI, VÔ SẮC ÁI).

Người ta chứng đạo hay không là chuyện của người ta, còn mình đang ở đâu đây? Ở nơi bùn lầy, ở nơi đau khổ, ở nơi cảnh giới địa ngục a tu la chứ có phải người, trời gì đâu.

Giải thoát ít nhất phải thoát ra được địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, a tu la rồi mới cộng trú được người, trời. Tâm phiền não đâu phải là phẩm chất của người, trời.

Mình cứ phiền não, nghiệp phiền não còn đeo mang như trâu kéo xe đi trong đường bùn lầy lội mà cứ cho mình là Chánh Pháp. Ôi, vô minh!

Vô minh là do không nhận ra được ĐÂY LÀ KHỔ, rõ ràng cái tâm phiền não với chuyện của người đó là Khổ. Mà khổ này do tâm si mê, do tâm triền cái ngăn che, do ngã mạn, tật đố, hơn thua, v.v... Khổ và Nguyên nhân của khổ luôn đi liền với nhau, có nhân thì có quả ở chính nơi TÂM MÌNH.

🍎 Sati

Sati là Chánh niệm, tiếng Pali. Ý tôi muốn nói ở đây là tôi dính mắc vào khái niệm. Lẽ dĩ nhiên, bạn học Phật Pháp bạn phải có một nền tảng Pháp học căn bản và các khái niệm Phật học phải thuộc về giai đoạn học Pháp đầu tiên bạn phải học.

Tuy nhiên, các khái niệm Phật học tôi cố gắng hiểu và hiểu trên kinh sách, tìm và đối chứng giữa các vị thầy dạy ở các tông phái.

Ví dụ, Phật dạy Chánh niệm thì là như này (X), thầy A dạy thì là (X'), thầy B thì (X''), v.v.. tôi mất thời gian để đối chiếu từng khái niệm một như vậy.

Hay như khái niệm Như Lý Tác Ý là gì, cũng mất nhiều thời gian của tôi.

Thực ra, do không giác ngộ, do không có sự giác ngộ Tứ diệu đế nên tâm hoài nghi còn nhiều và còn tìm hiểu theo kiểu nghiên cứu.

Thầy Bảo Nguyên là người giúp tôi vượt ra khỏi các hoài nghi. Những gì không hiểu tôi đều hỏi thầy và được thầy giảng giải chi tiết.

Sài-gòn,
Tâm Phúc, 05.02.2021
(Bài 2: Những nút thắt được tháo)

Tuesday, February 9, 2021

THIỀN QUÁN


 X. Vị Giữ Giới (Tạp 10, Ðại 2,65b) (S.iii,167)

1) Một thời, Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất) và Tôn giả Mahà Kotthika trú ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isipatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển.

2-3) Rồi Tôn giả Mahà Kotthika, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Sàriputta... thưa như sau:

-- Thưa Hiền giả Sàriputta, những pháp gì Tỷ-kheo giữ giới cần phải như lý tác ý?

4) -- Này Hiền giả Kotthika, Tỷ-kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

5) Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này Hiền giả Kotthika, vị Tỷ-kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

6) Này Hiền giả, sự kiện này xảy ra: Tỷ-kheo giữ giới do như tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả Dự lưu.

7) -- Với Tỷ-kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Sàriputta, những pháp gì cần phải như lý tác ý?

8-9) -- Với Tỷ-kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỷ-kheo Dự lưu, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả Nhứt lai.

10) -- Nhưng Tỷ-kheo Nhứt lai, này Hiền giả Sàriputta, phải như lý tác ý các pháp gì?

11) -- Tỷ-kheo Nhứt lai, này Hiền giả Kotthika, phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỷ-kheo Nhứt lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả Bất lai.

12) -- Nhưng Tỷ-kheo Bất lai, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?

13-15) -- Tỷ-kheo Bất lai, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỷ-kheo Bất lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả A-la-hán.

16) -- Nhưng vị A-la-hán, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý các pháp gì?

17) -- Vị A-la-hán, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

18) Với vị A-la-hán, này Hiền giả, không có gì phải làm nữa, hay không có phải thêm gì nữa trong công việc làm. Nhưng sự tu tập, làm cho sung mãn những pháp này sẽ đưa đến hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác.

Tương Ưng Uẩn

Sunday, February 7, 2021

PHÁP THIẾT THỰC HIỆN TẠI


 

Giác ngộ pháp thiết thực
Hiện tại không thời gian
Hộ trì sự thật này
Niết Bàn chân hạnh phúc.
Chỉ ngay nơi hiện tại
Diệt đế chính là đây
Nơi chính nội tâm này
Hộ trì chân hạnh phúc.
Thông suốt Tứ diệu đế
Thấu rõ Đạo - Phi Đạo
Giác ngộ Bát Niết Bàn
Chánh trí chân giải thoát.
Không chấp thủ đời này
Không chấp thủ đời sau
Không chấp thủ hai đời
Vị ấy được giải thoát.
(Sư Tánh Trí)