Friday, April 26, 2013

NHỮNG BÀI KỆ BUÔNG XUỐNG ĐI!


Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
Bất động, thanh thản, chẳng sầu bi
Buông xuống đi, còn lo chi nữa?
Giải thoát đây rồi, buông xuống đi!
                   --o0o--
Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì.
Thở ra chẳng lại còn chi nữa?
Vạn pháp vô thường, buông xuống đi!
                   --o0o--
Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
Tâm hồn thanh thản, chẳng sầu bi.
Cuộc đời ngắn ngủi trong chớp mắt,
Còn có vui gì chẳng bỏ đi!
                   --o0o--
Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
Trò đời như mộng có còn chi.
Tứ đại trả về cho tứ đại
Thanh thản, an nhàn lúc phân ly!
                   --o0o--
Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì?
Ôm vào đau khổ vô cùng tận
Buông xuống ngay liền vạn khổ đi!
                   --o0o--
Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
Chấp giữ thân tâm có ích gì?
Thở ra chẳng lại còn chi nữa,
Thân tâm vô thường buông xuống đi!
                   --o0o--
Buông xuống đi, hãy buông xuống đi!
Chớ diệt ý thức có ích gì?
Ý làm chủ, dẫn đầu các pháp
Lợi ích vô cùng, sao bỏ đi!
                   --o0o--
Tác ý đi, hãy tác ý đi!
Bất động, thanh thản, chẳng sầu bi.
Tác ý đi, còn lo chi nữa?
Giải thoát đây rồi, tác ý đi!
          Trưởng lão Thích Thông Lạc

Monday, April 22, 2013

"Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?"


1) Một thời Thế Tôn ở Kosambi, tại vườn Ghosita.

2) Rồi Thế Tôn, vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Kosambi để khất thực. Khất thực xong, sau buổi ăn, trên con đường khất thực trở về, Ngài dọn dẹp chỗ nằm của mình, cầm y bát, không gọi thị giả, không tin cho chúng Tăng biết, một mình, không có người đi theo, ra đi du hành.

3) Rồi một Tỷ-kheo, khi Thế Tôn đi chưa bao lâu, liền đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, nói với Tôn giả Ananda:

-- Này Hiền giả Ananda, Thế Tôn tự sắp xếp sàng tọa của mình, cầm y bát, không gọi thị giả, không tin cho chúng Tăng biết, một mình, không có người đi theo, ra đi du hành.

4) -- Này Hiền giả, trong khi Thế Tôn tự sắp xếp sàng tọa của mình, cầm y bát, không gọi thị giả, không tin cho chúng Tăng biết, một mình, không có người đi theo, ra đi du hành; trong khi ấy, Thế Tôn ưa sống một mình; trong khi ấy, Thế Tôn không muốn ai đi theo Ngài.

5) Rồi Thế Tôn tuần tự du hành, đi đến Pàlileyyaka. Tại đây, Thế Tôn trú ở Pàlileyyaka, dưới gốc cây bhaddasàla.

6) Rồi nhiều Tỷ-kheo đi đến Tôn giả Ananda; sau khi đến, nói lên với Tôn giả Ananda những lời chào đón hỏi thăm; sau khi nói lên những lời chào đón hỏi thăm thân hữu liền ngồi xuống một bên.

7) Ngồi xuống một bên, các Tỷ-kheo ấy nói với Tôn giả Ananda:

-- Ðã lâu lắm, này Hiền giả Ananda, chúng tôi chưa được tận mặt nghe Thế Tôn thuyết pháp. Chúng tôi muốn, này Hiền giả Ananda, được tận mặt nghe Thế Tôn thuyết pháp.

8) Rồi Tôn giả Ananda cùng với các Tỷ-kheo ấy đi đến Pàlileyyaka, gốc cây bhaddasàla, chỗ Thế Tôn ở; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.

9) Rồi Thế Tôn thuyết pháp cho các Tỷ-kheo ấy, giảng giải, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ.

10) Lúc bấy giờ, một Tỷ-kheo sanh khởi suy nghĩ như sau: "Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?"

11) Thế Tôn với tâm của mình biết được suy nghĩ của Tỷ-kheo ấy, liền nói với các Tỷ-kheo:

-- Này các Tỷ-kheo, pháp đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn niệm xứ đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn chánh cần đã được giải thích, thuyết giảng. Bốn như ý túc đã được giải thích, thuyết giảng. Năm căn đã được giải thích, thuyết giảng. Năm lực đã được giải thích, thuyết giảng. Bảy bồ-đề phần đã được giải thích, thuyết giảng. Thánh đạo Tám ngành đã được giải thích, thuyết giảng. Như vậy, này các Tỷ-kheo, pháp được Ta giải thích, thuyết giảng.

12) Dầu cho, này các Tỷ-kheo, các pháp được Ta giải thích, thuyết giảng như vậy, nhưng ở đây có Tỷ-kheo khởi lên suy nghĩ sau đây: "Biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức?"

13-16) Này các Tỷ-kheo, biết như thế nào, thấy như thế nào, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức? Ở đây, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu không thấy rõ các bậc Thánh, không thuần thục pháp các bậc Thánh, không tu tập pháp các bậc Thánh, không thấy rõ các bậc Chân nhân, không thuần thục pháp các bậc Chân nhân, không tu tập pháp các bậc Chân nhân, quán sắc như là tự ngã, sự quán như vầy là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Từ khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Thọ ấy... xúc ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, do thấy vậy, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.

17) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, nhưng có thể quán tự ngã như là có sắc. Sự quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.

18) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, không quán tự ngã như là có sắc, nhưng có thể quán sắc ở trong tự ngã. Quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.
19) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, có thể không quán tự ngã như là có sắc, có thể không quán sắc ở trong tự ngã, nhưng có thể quán tự ngã ở trong sắc. Sự quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.

20-21) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã, có thể không quán tự ngã như là có sắc, có thể không quán sắc ở trong tự ngã, có thể không quán tự ngã ở trong sắc. Nhưng có thể quán thọ như là tự ngã, và có thể quán tự ngã như là có thọ, có thể quán thọ ở trong tự ngã, và có thể quán tự ngã ở trong thọ.

22-23). .. có thể quán tưởng... có thể quán các hành...

24). .. có thể quán thức như là tự ngã, có thể quán tự ngã như là có thức; có thể quán thức ở trong tự ngã; và có thể quán tự ngã ở trong thức. Sự quán ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... xúc ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.

25) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã; có thể không quán thọ như là tự ngã; có thể không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức như là tự ngã. Nhưng có thể có (tà) kiến như sau: "Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết, tôi sẽ trở thành thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại". Nhưng thường kiến ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi... Do biết như vậy, thấy như vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.

26) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã; không quán thọ... không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức là tự ngã; có thể không có (tà) kiến như sau: "Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết, tôi sẽ trở thành thường còn, thường hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại". Nhưng vị ấy có thể có (tà) kiến như sau: "Nếu trước ta không có, thời nay không có của ta. Nếu ta sẽ không có, thời sẽ không có của ta".

27) Ðoạn kiến ấy, này các Tỷ-kheo, là hành. Nhưng hành ấy, lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh khởi, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy... thọ ấy... vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Do biết vậy, thấy vậy, này các Tỷ-kheo, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.

28) Vị ấy có thể không quán sắc như là tự ngã... không quán thọ... không quán tưởng... không quán các hành... không quán thức như là tự ngã... không quán tự ngã ở trong thức; không có (tà) kiến như sau: "Ðây là tự ngã, đây là thế giới; sau khi chết tôi sẽ thường còn, thườg hằng, thường trú, không chịu sự biến hoại" ; có thể không có (tà) kiến như sau: "Nếu trước ta không có, thời nay không có của ta. Nếu ta sẽ không có, thời sẽ không có của ta". Nhưng vị ấy có thể nghi hoặc, do dự, không đạt được cứu cánh trong Chánh pháp này.

29) Nhưng này các Tỷ-kheo, sự nghi hoặc, do dự, không đạt được cứu cánh trong Chánh pháp này là hành. Hành ấy lấy gì làm nhân, lấy gì làm tập khởi, lấy gì sanh, lấy gì làm hiện hữu? Ðối với kẻ vô văn phàm phu, này các Tỷ-kheo, do cảm xúc bởi thọ sanh ra do xúc chạm với vô minh, khát ái sanh. Do khát ái ấy, hành ấy sanh. Như vậy, này các Tỷ-kheo, hành ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Khát ái ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Thọ ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Xúc ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh. Vô minh ấy là vô thường, hữu vi, do duyên sanh.

30) Này các Tỷ-kheo, do biết như vậy, thấy như vậy, các lậu hoặc được đoạn tận lập tức.

IX. Pàrileyya (Tạp 2, Ðại 2,13c) (S.iii,94) http://buddhanet.net/budsas/uni/u-kinh-tuongungbo/tu3-22d.htm

Cái thấy, cái biết, cái nghe không phải là ta,...


Hỏi 1: Xưa đức Phật có dạy: “Cái thấy, cái biết, cái nghe không phải là ta, không phải là của ta và cũng không  phải là bản ngã của ta”.

Vậy cái thấy ở đây có phải là cái biết của cái thấy hay không?

Cái nghe ở đây có phải là cái biết của cái nghe hay không?

Cái biết ở đây có phải là cái biết của cái ý thức hay không?  

Nếu phải thì có thể gọp chung là cái biết không phải là ta, không phải là của ta và không  phải là bản ngã của ta? Cái biết ở đây là cái biết của 6 thức. Vậy tại sao không thấy đức Phật nói về cái biết của mùi, vị và xúc?

Xin Thầy giải thích rõ hơn cho con hiểu về điều này.

Đáp: Đức Phật đã dạy rất đúng: “Cái thấy, cái biết, cái nghe không phải ta, không phải là của ta và không phải là bản ngã của ta”, Còn ngược lại Thiền tông dạy: “Cái Thấy, cái Biết, cái Nghe  là “PHẬT TÁNH”. Cái BIẾT của Phật tánh không có do các nhà thiền tông sống trong ảo tưởng rồi tưởng tượng ra mà đặt tên cái TÍNH BIẾT là PHẬT TÁNH.

Do đó chúng ta nên hiểu:

* Cái THẤY ở đây là cái BIẾT của cái THẤY mà cái BIÊT của cái THẤY là NHÃN THỨC, chứ không phải PHẬT TÁNH.

* Cái NGHE ở đây là cái BIẾT của NGHE mà cái BIẾT của cái NGHE là NHĨ THỨC, chứ không phải PHẬT TÁNH.

* Cái BIẾT ở đây là cái BIẾT của cái THỨC mà cái BIẾT của cái THỨC là cái BIẾT của Ý THỨC, chứ không phải là PHẬT TÁNH.

Cái MÙI, cái VỊ, cái XÚC cũng vậy v.v…Tất cả sáu thức trên đây đều thuộc về thân TỨ ĐẠI. Thân tứ đại gồm có sáu căn, sáu trần và sáu thức,. Có sáu căn, sáu trần sáu thức mới có cái biết của sắc, thinh, hương, vị, xúc, vị,  pháp.

Trong lúc còn đang mang thân tứ đại này tu tập giới luật đức hạnh, Định Vô Lậu chúng ta phải dùng sáu căn, sáu trần và sáu thức. Sau khi chúng ta chứng đạt chân lý và vào Niết Bàn thì căn, trần, thức này đều bỏ luôn vì nó không phải là ta, không phải là của ta và không phải là bản ngã của ta. Nó là các pháp hữu vi nên vô thường và hoại diệt, trong đó không một vật gì còn tồn tại gọi là Phật Tánh. Phật Tánh chẳng qua chỉ là ảo tưỏng mà thôi.

(trích Những Bức Tâm Thư của Trưởng lão Thích Thông Lạc)

Friday, April 19, 2013

Năm Thủ Uẩn

NĂM THỦ UẨN

Mỗi thân người gồm có đầy đủ năm thủ uẩn. Vậy năm thủ uẩn là gì? Năm thủ uẩn là năm duyên hợp lại tạo thành thân người:

1- Sắc thủ uẩn: là phần hữu hình của thân ngũ uẩn, nó gồm có bốn đại: đất, nước, gió, lửa. Thân tứ đại sử dụng sáu căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý và sáu thức: nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức, ý thức tiếp xúc với sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

2- Thọ uẩn: là phần vô hình của thân ngũ uẩn. Thọ uẩn có ba thọ: thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ. Có ba thức sử dụng thọ này: sắc thức, tưởng thức, thức thức. Thọ là cảm giác nhận ra: an lạc, mừng vui, đau khổ, phiền não, tức giận v.v…

3- Tưởng uẩn: là phần vô hình của thân ngũ uẩn. Tưởng uẩn hoạt động mà người đời và tất cả tôn giáo đều hiểu lầm lạc, cho sự hoạt động của tưởng là thế giới siêu hình. Chiêm bao cũng là một dạng tưởng uẩn hoạt động, nhưng nó thuộc về ý thức tưởng.

4- Hành uẩn: là phần vô hình của thân ngũ uẩn. Hành uẩn là những hành động của sắc uẩn, tưởng uẩn, thức uẩn. Nếu thân ngũ uẩn không có hành uẩn là không thành thân ngũ uẩn là thành một vật bất động vô tri, vô giác.

5- Thức uẩn: là phần vô hình của thân ngũ uẩn. Thức uẩn là phần hoạt động siêu không gian và thời gian. Nó thuộc về trí tuệ Tam Minh, Lục Thông của những người đã tu chứng quả A La Hán, còn người tu chưa chứng quả A La Hán thì không bao giờ sử dụng được nó. Thức uẩn đối với mọi người bình thường thì nó đang bất động không hề hoạt động một chút nào cả. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy:

“Này các TỳKheo có năm thủ uẩn. Thế nào là năm? Sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn”.
Trên đường tu tập theo Phật giáo thì năm thủ uẩn này cần phải đoạn diệt. Muốn đoạn diệt được năm thủ uẩn này thì chỉ có pháp môn Tứ Niệm Xứ. Vì thế đức Phật dạy:

“Này các Tỳ Kheo, để đoạn tận năm thủ uẩn này. Bốn Niệm Xứ cần phải tu tập”. (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương chín pháp, Phẩm Niệm Xứ, kinh (IV) (66))

(Trưởng lão Thích Thông Lạc. Những Lời Gốc Phật Dạy, tập 3, Nxb Tôn giáo, 2010)

Wednesday, April 17, 2013

“Tất cả pháp lấy dục làm căn bản”.


Muốn hiểu biết cho thấu đáo thì cần phải hiểu các từ trước tiên. Vậy tất cả pháp nghĩa là gì? Tất cả thì các bạn đều hiểu nghĩa rồi, còn danh từ pháp thì các bạn phải hiểu như sau đây: Pháp gồm có ba phần:
1/ Về vật chất
2/ Về tinh thần
3/ Về cảm thọ
Về vật chất chỉ cho vạn hữu; về tinh thần chỉ cho tâm niệm; về các cảm thọ chỉ cho sự đau khổ của thân.
Trong đoạn kinh này đức Phật đã xác định các pháp lấy gì làm gốc? Và biết gốc của các pháp để làm gì? Như câu thứ nhất Phật dạy: “Tất cả pháp lấy dục làm căn bản”. Vậy dục và căn bản là gì? Dục là lòng ham muốn, sự ham muốn; căn bản là gốc rễ, cội nguồn. Giải nghĩa chung của cụm từ này là: Tất cả các pháp đều do gốc ham muốn sinh ra.
Chân lý Ðạo Phật đã xác định và thấm nhuần lý “dục” này (Tập Ðế) nên Ngài chủtrương ly dục, diệt dục. Vì dục là nguyên nhân sanh ra muôn thứ khổ đau trong cuộc đời này hay nói cách khác là nơi tập hợp mọi sự khổ đau.
Chữ pháp ở đây nghĩa quá rộng rãi, nên các bạn nghi ngờ và tự hỏi: “Gốc cây kia cũng có dục nữa sao?”. Hỏi như vậy, các bạn đã lầm, chỉ biết có loài động vật là có dục, còn loài thảo mộc là không dục. Loài thảo mộc vẫn có dục như loài động vật vậy. Các bạn có thấy một cây to lớn tàn lá che phủ cây nhỏ không? Cây nhỏ nghiêng mình tránh tàn cây lớn. Ðó không phải là dục sao? Ðổ một đống phân gần gốc cây, bao nhiêu rễ ớng về đống phân, như vậy cây cũng có dục chứ! Vì thế, đức Phật nói: “Tất cả pháp lấy dục làm căn bản”.
Vì vậy, nghĩa chữ “pháp” rất rộng rãi, mênh mông, vô cùng, vô tận, nó chỉ cho vạn hữu và mọi sự việc, mọi tâm niệm đã khởi, mọi cảm thọ đang xảy ra trong đời sống hằng ngày của các bạn như trên đã nói. Bạn có biết chăng?
Tất cả pháp ở đây, còn có nghĩa là tâm niệm, là các cảm thọ, là các pháp trần của bạn, mỗi tâm niệm của bạn dù thiện (Thiện hữu lậu) hay ác khởi lên đều do dục cả. Vì vậy, đức Phật xác định: “Tất cả pháp lấy dục làm căn bản”. Thấu hiểu nghĩa như vậy, nên lúc tu tập Tứ Niệm Xứ giai đoạn đầu, khi có một niệm khởi thì chúng ta dùng Chánh Tư Duy quán xét niệm ấy tận cùng và biết ngay niệm ấy sinh ra đều do gốc dục. Mục đích tư duy quán sát là để không làm theo dục. Không làm theo dục, tức là ly dục.
Thưa các bn! Như các bạn đã biết “dục” là nguyên nhân sinh ra muôn thứ đau khổ (Tập Ðế). Vì thế, khi có một niệm khởi lên trong tâm là mau mau quán sát tư duy đuổi ra cho khỏi tâm, nói cách khác là không làm theo tâm dục là ly dục.
Các bạn nên lưu ý: Chỉ có tâm thanh thản, an lạc và vô sự (Thiện vô lậu), hay nói cách khác là tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm không có dục, ngoài ra tất cả mọi pháp nào dù thiện hữu lậu hay ác đều do gốc dục sinh ra cả.
Cho nên, ngưi tu sĩ và ngưi cư sĩ lúc nào cũng cần đề cao cảnh giác từng tâm niệm,cũng như lúc tâm không niệm, vì tâm không niệm nhưng thân lại có niệm.
Vậy niệm của thân là gì? Như đã nói ở trên: đau nhức, ngứa ngáy, mệt mỏi, tức lói, v.v... là niệm của thân các bạn ạ! Những pháp này xảy ra trên thân cũng đều do gốc dục cả.
Khi thân bị đau nhức thì các bạn đừng sợ hãi. Bởi vì đức Phật bảo: Tất cả các cảm thọ đều vô thường, vô ngã, không phải là ta, không phải của ta. Vậy cảm thọ không phải là ta, là của ta, tính chất của nó vô thường vô ngã thì ta sợ gì. Phải không hỡi các bạn?
Khi chúng ta biết rõ được gốc của các pháp là dục, nhưng gốc dục không phải là ta, là của ta thì ta làm gì mà sợ hãi, mặc kệ nó, nó có làm gì được ta đâu mà sợ. Vì ta với nó là hai kẻ xa lạ.
Khi hiểu rõ được gốc dục như vậy thì tất cả sự đau khổ trong ta đều được hóa giải khiến cho ta hoàn toàn sống an vui và hạnh phúc.
Vậy, biết gốc của các pháp thì đỡ chúng ta biết mấy. Nhưng chúng ta cũng phải biết cách đuổi các pháp ác đó đi để thân tâm chúng ta lúc nào cũng được an vui thanh thản. Vậy đuổi nó bằng cách nào đây?
Chúng ta chỉ cần tác ý: “Tâm thanh thản, an lạc và vô sự, đừng sợ cảm thọ, nó không phải là ta, của ta, nó là người xa lạ hãy đi, đi! Không được ở trong thân ta” hoặc ta tác ý như sau: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra” hoặc “Thọ phải đi, đi! Thân phải an tịnh. Tôi biết tôi đang đi kinh hành”.
Các bạn cứ nhớ kỹ, luôn bám cho thật chặt vào hơi thở hoặc thân hành ngoại thì cảm thọ sẽ đi mất. Cảm thọ đi mất tức là dục đi mất. Cảm thọ dục ở chỗ nào? Dục ở chỗ đau gọi là dục đau. Cho nên, hết dục là hết đau, tức là lìa gốc dục của các pháp. Cho nên “Tất cả pháp lấy dục làm căn bản”.
( Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC, trích NLGPD.2, TG.2010, tr.123-149)

Tuesday, April 16, 2013

Vị Giữ Giới


1) Một thời, Tôn giả Sàriputta (Xá-lợi-phất) và Tôn giả Mahà Kotthika trú ở Bàrànasi (Ba-la-nại), tại Isipatana (Chư Tiên đọa xứ), vườn Lộc Uyển.

2-3) Rồi Tôn giả Mahà Kotthika, vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến Tôn giả Sàriputta... thưa như sau:
-- Thưa Hiền giả Sàriputta, những pháp gì Tỷ-kheo giữ giới cần phải như lý tác ý?

4) -- Này Hiền giả Kotthika, Tỷ-kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

5) Thế nào là năm? Tức là sắc thủ uẩn, thọ thủ uẩn, tưởng thủ uẩn, hành thủ uẩn, thức thủ uẩn. Này Hiền giả Kotthika, vị Tỷ-kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

6) Này Hiền giả, sự kiện này xảy ra: Tỷ-kheo giữ giới do như tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả Dự lưu.

7) -- Với Tỷ-kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Sàriputta, những pháp gì cần phải như lý tác ý?

8-9) -- Với Tỷ-kheo đã chứng quả Dự lưu, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỷ-kheo Dự lưu, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả Nhứt lai.

10) -- Nhưng Tỷ-kheo Nhứt lai, này Hiền giả Sàriputta, phải như lý tác ý các pháp gì?

11) -- Tỷ-kheo Nhứt lai, này Hiền giả Kotthika, phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỷ-kheo Nhứt lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả Bất lai.

12) -- Nhưng Tỷ-kheo Bất lai, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý những pháp gì?

13-15) -- Tỷ-kheo Bất lai, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã. Sự kiện này có thể xảy ra, này Hiền giả, Tỷ-kheo Bất lai, do như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường... vô ngã, có thể chứng được quả A-la-hán.

16) -- Nhưng vị A-la-hán, này Hiền giả Sàriputta, cần phải như lý tác ý các pháp gì?

17) -- Vị A-la-hán, này Hiền giả Kotthika, cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn này là vô thường, khổ, bệnh hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô ngã.

18) Với vị A-la-hán, này Hiền giả, không có gì phải làm nữa, hay không có phải thêm gì nữa trong công việc làm. Nhưng sự tu tập, làm cho sung mãn những pháp này sẽ đưa đến hiện tại lạc trú và chánh niệm tỉnh giác.

Thân - Khẩu - Ý hành đúng pháp


- Này các Gia chủ, có ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo, có bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo, có ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo. Này các Gia chủ, thế nào là ba loại thân hành đúng pháp, đúng thánh đạo? 

1. Ở đây, này các Gia chủ, có người từ bỏ sát sanh, tránh xa sát sanh, bỏ trượng, bỏ kiếm, biết tàm quý, có lòng từ, sống thương xót đến hạnh phúc tất cả chúng sanh và loài hữu tình; 

2. Từ bỏ lấy của không cho, tránh xa lấy của không cho, bất cứ tài vật gì của người khác, hoặc tại thôn làng, hoặc tại rừng núi không cho người ấy, người ấy không lấy trộm tài vật ấy; 

3. Từ bỏ sống theo tà hạnh trong các dục với các hạng nữ nhân hay nam nhân có mẹ cha che chở, có anh chị che chở, có bà con che chở, có chồng vợ che chở, được luật pháp bảo vệ, cho đến những nữ nhân hay nam nhân được trang sức bằng vòng hoa. Như vậy, này các Gia chủ, là ba loại thân hành đúng pháp, đúng chánh đạo. 
Và này các Gia chủ, thế nào là bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo? 

4. Ở đây, này các Gia chủ, có người từ bỏ vọng ngữ, tránh xa vọng ngữ, đến chỗ tập hội, hay đến chỗ chúng hội, hay đến giữa các thân tộc, hay đến giữa các tổ hợp, hay đến giữa vương tộc, khi được dẫn ra làm chứng và được hỏi: "Này người kia, hãy nói những gì Ông biết", nếu biết, người ấy nói: "Tôi biết"; nếu không biết, người ấy nói: "Tôi không biết"; hay nếu không thấy, người ấy nói: "Tôi không thấy"; nếu thấy, người ấy nói: "Tôi thấy". Như vậy, lời nói của người ấy không trở thành cố ý vọng ngữ, hoặc vì nguyên nhân tự kỷ, hoặc vì nguyên nhân tha nhân, hoặc vì nguyên nhân một vài quyền lợi gì.

5. Từ bỏ nói hai lưỡi, tránh xa nói hai lưỡi, nghe điều gì ở chỗ này, không đi đến chỗ kia nói để sanh chia rẽ ở những người này, nghe điều gì ở chỗ kia không đi nói với những người này để sanh chia rẽ ở những người kia; như vậy, người ấy sống hòa hợp những kẻ ly gián, tăng trưởng những kẻ hòa hợp, ưa thích hòa hợp, vui thích hòa hợp, thích thú hòa hợp, nói những lời đưa đến hòa hợp. 

6. Từ bỏ lời nói độc ác, tránh xa lời nói độc ác, những lời nói nhu hòa, đẹp tai, dễ thương, thông cảm đến tâm, tao nhã, đẹp lòng nhiều người, vui lòng nhiều người, người ấy nói những lời như vậy. 

7. Từ bỏ lời nói phù phiếm, tránh xa lời nói phù phiếm, nói đúng thời, người ấy nói những lời chân thật, nói những lời có ý nghĩa, nói những lời về Chánh pháp, nói những lời về Luật, nói những lời đáng được gìn giữ. Vì nói hợp thời, nên lời nói thuận lý, có mạch lạc, hệ thống, có ích lợi. Như vậy, này các Gia chủ, có bốn loại khẩu hành đúng pháp, đúng chánh đạo. 
Và này các Gia chủ, thế nào là ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo? 

8. Ở đây, này các Gia chủ, có người không có tham ái, không tham lam tài vật của kẻ khác, không nghĩ rằng: "Ôi, mong rằng mọi tài vật của người khác trở thành của mình!".

9. Lại có người không có tâm sân, không có khởi lên hại ý, hại niệm, nhưng nghĩ rằng: "Mong rằng những loài hữu tình này sống không thù hận, không oán thù, không nhiễu loạn, được an lạc, lo nghĩ tự thân!".

10. Người ấy có chánh kiến, không có tưởng điên đảo, nghĩ rằng: "Có bố thí, có kết quả của bố thí, có tế lễ, có cúng dường, các hành vi thiện ác có kết quả dị thục, có đời này, có đời sau, có mẹ, có cha, có các loại hóa sanh, trong đời, có các Sa-môn, Bà-la-môn chân chánh hành trì, chân chánh thành tựu, sau khi tự tri, tự chứng lại tuyên bố cho đời này và cho đời sau". Như vậy, này các Gia chủ, có ba loại ý hành đúng pháp, đúng chánh đạo. 

Như vậy, do nhân hành đúng pháp, hành đúng chánh đạo, này các Gia chủ, ở đây, một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới, đời này. (Kinh Sàleyyaka - Trung Bộ Kinh)

Friday, April 12, 2013

CÓ BẢY PHÁP HẰNG NGÀY CẦN TU TẬP



LỜI PHẬT DẠY
1- Quán thân bất tịnh.
2- Quán thức ăn bất tịnh.
3- Không say đắm thế gian.
4- Thường nghĩ đến sự chết.
5- Luôn nghĩ đến vô thường.
6- Nghĩ đến đời sống là khổ và vô thường.
7- Luôn nghĩ đến khổ và vô ngã.


 
CHÚ GIẢI:
Câu thứ nhất Phật dạy:“Quán thân bất tịnh. Quán thân bất tịnh là một pháp môn triển khai tri kiến như thật về cơ thể con người. Cơ thể con người uế trược, bất tịnh, hôi thối mà con người thường lầm tưởng cơ thể con người là thanh tịnh, là trong sạch. Vì thế, mọi người đều lao vào tâm sắc dục, tưởng nơi đó trong sạch lắm, nhưng không ngờ nơi đó là nơi bất tịnh và khổ đau nhất, là con đường tái sanh luân hồi cũng tại nơi đó. Cho nên, đức Phật muốn vạch trần một sự thật để mọi người đừng lầm lạc, đừng say mê sắc dục. Vì thế, mục đích quán thân bất tịnh là đối trị tâm sắc dục của con người. Bệnh tâm sắc dục thì trên đời này không ai tránh khỏi. Muốn thoát khỏi bệnh này thì đức Phật dạy chúng ta phương thuốc đối trị, đó là quán thân người nam cũng như người nữ đều bất tịnh, hôi thối, bẩn thỉu, uế trược, gờm nhớp v.v.. Nhờ quán như vậy tâm mới không đắm nhiễm; mới nhàm chán; mới ghê tởm sắc dục; mới xa lìa từ bỏ; mới không còn ham thích giữa nam nữ gần nhau; mới thấu rõ tâm sắc dục mang đến mọi sự khổ đau bất tận. Vì có hiểu như vậy mới đoạn tận tâm sắc dục.
Nếu người nào siêng năng chuyên cần quán tưởng thân bất tịnh đến thấu suốt sự bất tịnh như thật thì chắc chắn tâm sắc dục sẽ bị đoạn tuyệt. Tâm sắc dục đoạn tuyệt thì con đường sanh tử luân hồi mới chấm dứt và không còn tái sinh nữa. Tâm sắc dục đoạn diệt thì người tu mới có đủ đạo lực làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Nếu tâm sắc dục còn dù như đất trong tay ta thì không bao giờ có Tứ Thần Túc và Tam Minh.
Con đường tu theo Phật giáo để đạt được bốn thần lực giải thoát; để chứng đạt chân lí thì tâm sắc dục phải được đoạn trừ tận gốc. Nếu tâm sắc dục chỉ còn một chút như trên đã nói thì con đường giải thoát ấy không bao giờ dẫn đến mục đích tối hậu, cứu kính hoàn toàn.
Cho nên, sự tu tập để diệt trừ tâm sắc dục là một điều cần thiết cho con đường tu hành giải thoát của Phật giáo.
Câu thứ hai Phật dạy: Quán thức ăn bất tịnh”. Quán thức ăn bất tịnh là một phương pháp triển khai tri kiến hiểu biết về thực phẩm bất tịnh như thật. Đúng vậy thực phẩm bất tịnh là một sự thật, không ai còn chối cãi được. Nếu quán thực phẩm bất tịnh biết rõ như thật thì sẽ đối trị được tâm ưa thích ăn uống, ưa thích chạy theo dục lạc về ăn uống. Thường người ở đời không nhận rõ thực phẩm bất tịnh, thiếu sự sáng suốt nhận định thực phẩm bất tịnh, vì thế họ còn cho thực phẩm là những chất ngon béo, bổ dưỡng cơ thể nên luôn luôn ăn uống để nuôi dưỡng cơ thể cho mập. Họ đâu biết rằng cơ thể này không là họ, là của họ nên họ sai lầm kiến chấp thân này là của họ, là họ, vì thế nên đem hết sức lực của mình ra làm việc để phục vụ cho ăn, ngủ, v.v.. phục vụ như vậy chẳng có ý nghĩa gì cao đẹp cho cuộc sống của mình cả.
Muốn đối trị tâm tham ăn thì phải quán thực phẩm bất tịnh như trên đã nói. Quán thực phẩm bất tịnh như thế nào để nhàm chán, nếu quán thực phẩm bất tịnh sơ sơ không thấu triệt, không thấy thực phẩm bất tịnh như thật thì làm sao tâm chúng ta sanh ra nhàm chán thực phẩm cho được mà không nhàm chán thực phẩm thì làm sao ly tham dục về ăn uống được. Phải không quý vị?
Nhờ quán thực phẩm bất tịnh thâm sâu và thấu triệt sự bất tịnh của thực phẩm như thật thì tâm chúng ta sinh ra nhàm chán thực phẩm. Nhờ đó chúng ta ăn ngày một bữa rất là tự tại an nhiên, không thấy đói khát, không còn thèm ăn uống gì nữa.
Người không quán thực phẩm bất tịnh, khi gặp thực phẩm thì cũng giống như con mèo gặp chuột, tâm sinh ra ham thích ăn thịt, muốn chộp bắt ngay liền, còn người quán thực phẩm bất tịnh sanh ra tâm nhàm chán thực phẩm, khi thấy thực phẩm giống như thấy chất bẩn của người bài tiết, nhờ đó tâm tham ăn bị diệt. Cho nên đức Phật dạy: “người mới tu thì phải quán thực phẩm bất tịnh”, để giữ gìn giới đức ly tham về ăn uống, không bị phạm giới ăn uống phi thời. Quán thực phẩm bất tịnh là một phương pháp tuyệt vời trong Phật giáo. Nhờ đó chúng ta sẽ xa lìa tâm tham đắm ăn uống của mình. Vì thế, người tu sĩ Phật giáo hằng ngày chỉ nên ăn một bữa mà thôi. Sáng chiều thảnh thơi không còn bận tâm lo ăn uống gì cả. Thật là một đời sống nhàn nhã, an vui, thanh thản, yên ổn mà người thế tục không bao giờ có được. Có đúng như vậy không quý vị?
Câu thứ ba Phật dạy: “Không say đắm thế gian”. Thế gian là một trường danh lợi, tiền tài, vật chất và sắc đẹp cám dỗ mọi người. Vì thế đức Phật khuyên dạy: “Không say đắm thế gian”. Bởi vì trong thế gian có nhiều sự cám dỗ như trên đã nói, sự cám dỗ này dẫn chúng ta vào chỗ khổ đau và khổ đau mãi mãi không biết đường nào ra, nhất là tiếp tục tái sanh luân hồi không bao giờ dứt. Người mới tu tập phải cảnh giác tâm mình, tránh xa những pháp cám dỗ của thế gian, đừng say mê nó, hãy lìa xa nó, hãy từ bỏ nó, hãy đoạn trừ nó v.v.. Nó là ác pháp thường dẫn mọi người đi vào chỗ tối tăm, tội lỗi.
Thế gian là một trường tranh đấu vì danh lợi, vì tiền của tài sản vật chất, vì sắc đẹp phụ nữ cho nên cuộc tranh đấu ấy triền miên bất tận. Mục đích tranh đấu của người thế gian là tranh đấu để sống vì ích kỷ cá nhân, để bảo vệ sự sống của riêng mình, vì thế họ chà đạp lên sự sống của người khác, loài vật khác; tranh đấu để đạt danh lợi hơn mọi người, tức là đạt được quyền uy thế lực; đạt được giàu sang tột cùng, nhà cao cửa rộng, của cải, tiền bạc, châu báu, vàng vòng nhiều; đạt được sắc đẹp; đạt được ăn ngon mặc đẹp, cao lương mỹ vị, hàng lụa đắt tiền, ngủ nghỉ giường cao rộng lớn niệm êm. Đó là sự cám dỗ ngũ dục lạc thế gian mà người đời thường hay dính mắc, vì thế đức Phật dạy: “Không say đắm thế gian”. Người tu sĩ Phật giáo nên lưu ý lời dạy này và thường nhắc tâm: “Không nên say đắm các pháp thế gian”.Nhờ có tác ý như vậy tâm mới luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự. Cho nên tâm còn say đắm thì không bao giờ có sự giải thoát chân thật.
Câu thứ tư Phật dạy:“Thường nghĩ đến sự chết”Muốn cho sự tinh tấn siêng năng không biếng trễ trên đường tu tập thì thường quán niệm chết. Thường quán niệm chết cho chúng ta biết rằng: “Ngày nay chúng ta còn sống nhưng ngày mai sẽ chết”Điều đó chắc chắn trong tất cả chúng ta ai cũng biết, nhưng trong chúng ta nào ai biết được ngày mai phải rời bỏ thế gian này vào lúc nào? Chắc không ai biết. Phải không quý vị?
Vì các pháp vô thường, thân chúng ta cũng vậy, sự vô thường không chờ đợi một ai, một khi nó đã đến thì không từ bỏ một người nào cả. Cho nên, thường quán niệm chết khiến cho chúng ta tinh cần siêng năng tu tập lại càng tinh tấn siêng năng tu tập hơn. Nếu chúng ta không chịu tu tập quán tưởng niệm chết thì sự siêng năng tinh cần mất đi, chỉ để lại cho chúng ta một sự lười biếng, một sự dễ dãi biếng nhác, tu tập cầm chừng lấy có thì sự tu tập chẳng tới đâu cả.
Vả lại, nếu chúng ta không tu tập khi chết rồi còn biết có được thân người nữa hay không? Bởi vậy quán niệm chết rất cần thiết cho người tu theo Phật giáo. Nếu không quán niệm chết thì chúng ta dễ sanh ra tâm dễ dãi, lười biếng thì con đường tu sẽ không bao giờ đạt tới đích giải thoát của Phật giáo.
Cuộc đời tu hành của chúng ta theo Phật giáo nếu không quán niệm chết là chúng ta sẽ sinh tâm lười biếng như trên đã nói, tu cầm chừng, tu lấy có thì một đời tu hành chỉ có hình tướng mà thôi, còn sự giải thoát thì không bao giờ có, đó là một sự thiệt thòi rất lớn.
Câu thứ năm Phật dạy:“Luôn nghĩ đến vô thường”. Trong thế gian này không có một vật gì là thường hằng bất biến, luôn luôn biến đổi từng phút từng giây, vì vậy sinh, già, bệnh, chết là lẽ đương nhiêncủa một con người sinh ra trong thế gian này.Nếu chúng ta không thấy các pháp vô thường thì tâm chúng ta dễ sanh ra dính mắc và chấp đắm các pháp, do dính mắc và chấp đắm các pháp nên làm sao tâm chúng ta ly dục ly ác pháp được, không ly dục ly ác pháp được thì làm sao có được sự giải thoát. Không có được sự giải thoát thì chúng ta sống sẽ làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Phải không quý vị?
Vì thế, đức Phật dạy“Luôn nghĩ đến vô thường”. Luôn nghĩ đến các pháp vô thường thì tâm chúng ta buông xả sạch. Tâm buông xả sạch thì ngay đó là chân lí của đạo Phật; thì ngay đó là một thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự; thì ngay đó là cực lạc, thiên đàng tại thế gian này.
Trong cuộc đời tu hành của chúng ta theo Phật giáo, chỉ cần quán xét hiểu biết và thấu rõ các pháp thật sự là vô thường, là khổ đau. Do các pháp vô thường nên không có pháp nào là ta, không có pháp nào là của ta, không có pháp nào là bản ngã của ta. Nhờ hiểu thấu như vậy chúng ta mới hoàn toàn giải thoát, tuy còn sống trong thế gian, còn sống trong qui luật nhân quả, nhưng đã ra ngoài qui luật nhân qua, tức là ra ngoài vũ trụ, đứng ở một góc trời thênh thang, chẳng còn bị bất cứ một qui luật nào chi phối thân tâm được.
Bởi vậy, “Luôn nghĩ đến vô thường” là lợi ích rất lớn cho kiếp làm người, vì nghĩ đến các pháp vô thường nên tâm chẳng còn dính mắc, chẳng còn sợ hãi buồn rầu thương nhớ v.v.. Đạo Phật chỉ tu tập có bấy nhiêu pháp quán như vậy mà cứu kính giải thoát rõ ràng và cụ thể.
Câu thứ sáu Phật dạy:“Nghĩ đến đời sống là khổ và vô thường”. Đời người là vô thường, là khổ đau. Đó là một sự thật mà không thể có ai phủ nhận được. Vì thế chúng ta thường quán xét thì tâm chúng ta sẽ sanh ra nhàm chán. Và khi nhàm chán thế gian thì chúng ta mới có tinh tấn tu hành. Nếu không thấy đời là vô thường là khổ đau thì chúng ta khó mà lìa nó được, mà không lìa các pháp thế gian thì tu hành chẳng đến nơi đến chốn.
Đời sống con người là khổ, là vô thường, đó là một sự thật, nhưng trên đời này có mấy ai hiểu được như vậy. Vì không hiểu được như vậy nên mọi người đều cho đời sống là hằng còn, là hạnh phúc. Cho nên, mọi người lầm tưởng các pháp là thật rồi đua nhau chạy theo ngũ dục lạc: lợi, danh, sắc, thực, thùy, mong đạt cho được nó, nhưng nào ngờ các pháp vô thường, vì các pháp vô thường nên càng chạy theo chúng thì càng gặp nhiều khổ đau. Sống trong đau khổ mà không biết, do đó sống trong tâm điên đảo, tưởng điên đảo, tình điên đảo mà không hay, cứ loanh quanh bám mãi trong tham vọng, chạy theo ngũ dục lạc mà muốn tìm chân hạnh phúc thì làm sao có được. Phải không quý vị? Ngũ dục lạc là ảo ảnh hạnh phúc, là bóng dáng của tâm tham, sân, si. Cho nên, chỉ có những người không thấu rõ đời sống con người là khổ đau, các pháp là vô thường nên mới còn say mê và đắm đuối ham thích chạy theo nó.
Đức Phật xác định: “Con người vì vô minh không thấy các pháp vô thường như thật nên sinh tâm chấp đắm, dính mắc, do chấp đắm, dính mắc nên tâm tham, sân, si lẫy lừng khó ngăn và khó diệt”. Từ tâm tham, sân, si đó mà con người sống trong ác pháp luôn làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Chính vì người ta không thấu rõ như thật đời sống con người là khổ đau và thường thay đổi như mây giữa trời, như sương buổi sáng vì thế mà khổ đau lại chồng chất lên khổ đau của kiếp làm người.
Chỉ có những người nào luôn quán chiếu “Nghĩ đến đời sống là khổ và vô thường” và thấy biết rõ như thật thì người ấy thoát mọi khổ đau. Vậy chúng ta luôn luôn ghi khắc lời dạy này của Phật thì cuộc đời này mới tìm ra chân hạnh phúc.
Câu thứ bảy đức Phật dạy:“Luôn nghĩ đến khổ và vô ngã”. Hằng ngày chúng ta luôn nghĩ đến sự khổ đau của kiếp làm người và sự vô ngã của thân tâm và các pháp. Vì thân tâm con người và các pháp không có vật gì tồn tại mãi, tất cả có sinh thì phải có diệt, do đó chúng ta đừng để tâm dính mắc chấp đắm thân tâm và các pháp thì mới có sự giải thoát, mới có sự ra khỏi biển đời đầy khổ đau, chừng đó chúng ta mới hiểu ra đời người chẳng có gì cả, chỉ là một trò ảo ảnh của nhân quả dựng lên, hết tuồng này đến tuồng nọ.
Lời đức Phật dạy:“Luôn nghĩ đến khổ và vô ngã”. Chúng ta nên ghi nhớ mãi đừng quên lời dạy này. Phải không quý vị? Vì có ghi nhớ lời dạy này chúng ta mới cố gắng buông xả sạch thế gian chỉ còn lại một tâm thanh thản, an lạc và vô sự mà không có một ác pháp nào động được tâm ta. Luôn nghĩ đến khổ và vô ngã thì chúng ta buông xuống và sạch tất cả lòng dục và các ác pháp.
“Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì?
Thở ra chẳng lại còn chi nữa,
Vạn pháp vô thường buông xuống đi!”
(Trưởng lão Thích Thông Lạc. Những Lời Gốc Phật Dạy, tập 4, Nxb. Tôn Giáo, 2011)

Wednesday, April 10, 2013

NGHĨA CỦA CÁC PHÁP



LỜI PHẬT DẠY
1-      “Nói trì giới là chỉ cho tâm ly dục, ly ác pháp.
2-      Nói dục là chỉ cho bất tịnh.
3-      Nói lậu hoặc là chỉ cho đau khổ.
4-      Nói tịnh chỉ các hành trong thân là chỉ cho làm chủ sự sống chết.
5-      Nói Tam Minh là chỉ cho tâm vô lậu, chấm dứt luân hồi tái sinh.
6-      Nói Niết Bàn là chỉ cho tâm vô dục, bất động giải thoát”.


 
CHÚ GIẢI:
Trên đây là sáu điều mà người tu sĩ Phật giáo cần phải ghi nhớ canh cánh bên lòng:
  • Điều thứ nhất: “Nói trì giới”thì chúng ta phải hiểu nghĩa là giữ gìn giới luật cho nghiêm chỉnh, không được vi phạm một lỗi lầm nhỏ nhặt nào. Thấy sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt. Đó là vì mục đích ly dục ly ác pháp để tâm bất động hoàn toàn không bị các ác pháp tác động. Có như vậy mới gọi là tâm thanh tịnh giải thoát. Và chúng ta còn phải hiểu khi tâm ly dục ly ác pháp, thì chúng ta mới nhập được Sơ Thiền. Một loại thiền trong Tứ Thánh Định của Phật giáo mà trên hành tinh này không có một tôn giáo nào có pháp môn thiền định như vậy được.

  • Điều thứ hai: “Nói dục” thì chúng ta phải hiểu nghĩa là lòng ham muốn. Nếu không xa lìa, từ bỏ lòng ham muốn thì cuộc đời tu hành của chúng ta chỉ hoài công vô ích mà thôi. Nếu không ly dục thì không bao giờ tâm thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh thì khó cho chúng ta có đủ bảy năng lực Giác Chi để nhập các định chứng Tam Minh. Cho nên, tâm còn ham muốn dù sự ham muốn ấy nhỏ như hạt cát thì chúng ta cũng khó mà tìm thấy sự giải thoát thân tâm mình.

Lời Phật dạy ngắn gọn, cô đọng: “Nói dục là chỉ cho tâm bất tịnh”. Còn dục là tâm không thanh tịnh. Tâm không thanh tịnh dù có ngồi thiền năm, bảy ngày, một tháng, hai tháng, một năm… thì thiền định ấy vẫn là tà thiền, tà định. Còn tâm ly dục ly ác pháp dù không ngồi thiền nhập định năm, bảy ngày thì tâm ấy cũng vẫn là tâm nhập định. Xin các bạn lưu ý ở điểm sai khác thiền định của Phật và thiền định của ngoại đạo là ở điểm này. Cho nên, Phật giáo lấy giới luật tu tập mà thành thiền định. Còn những ai tu pháp môn nào mà Đại Thừa và Thiền Tông phá giới, phạm giới, bẻ vụn giới nên dù ngồi thiền năm bảy ngày, một tháng hai tháng... vẫn là thiền tưởng mà thôi.
  • Điều thứ ba: “Nói lậu hoặc” thì chúng ta phải hiểu nghĩa là sự đau khổ, chứ đừng hiểu theo nghĩa của Đại Thừa là rò rỉ. Theo tự điển Phật Học Việt Nam thì lậu hoặc có nghĩa là phiền não. Nghĩa phiền não là chỉ cho tâm đau khổ thì chưa đủ nghĩa, còn thiếu phần thân. Cho nên, ý của đoạn kinh này, lậu hoặc là chỉ cho sự đau khổ của thân và tâm. Mục đích tu hành theo Phật giáo là làm cho hết sự đau khổ của thân tâm. Hết sự đau khổ của thân tâm mới được gọi là vô lậu.

Ví dụ: Thân bị bệnh tật, đau nhức khổ sở cũng gọi là lậu hoặc, chứ không phải chỉ riêng có tâm phiền não. Cho nên, nói lậu hoặc là chỉ chung cho sự đau khổ của thân và tâm. Vì thế, khi một vị chứng quả A La Hán gọi là bậc vô lậu, là bậc không còn đau khổ thân tâm, bậc bất động trước các pháp ác (phiền não) và các cảm thọ (sự đau nhức).
Người còn phiền não giận hờn thương ghét..., người còn bệnh tật khổ đau, rên rỉ thì không thể gọi là vô lậu. Cho nên, đức Phật xác định một câu ngắn gọn: “Nói lậu hoặc là chỉ đau khổ”. Hết lậu hoặc là hết đau khổ. Con đường tu theo Phật giáo là phải hết lậu hoặc. Bậc vô lậu là bậc giải thoát của Phật giáo. Xin các bạn lưu ý lời dạy này để thấy rõ mục đích của Phật giáo.
  • Điều thứ tư: “Nói tịnh chỉ các hành”thì chúng ta phải hiểu nghĩa là các sự hoạt động trong thân đều ngơi nghỉ, ngưng hoạt động. Tịnh chỉ các hành tức là đình chỉ hơi thở ra, vô.

Người có đủ năng lực làm ngừng hơi thở là người làm chủ sự sống chết. Người làm chủ được sự sống chết là người nhập Tứ Thiền.
Lời dạy này rất rõ ràng, đây là nhập Tứ thiền làm chủ sự sống chết. Tại sao chúng tôi biết đây là lời dạy nhập Tứ Thiền? Vì trong kinh đức Phật có dạy: “Tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền”. Và ở đây câu này Phật dạy: “Nói tịnh chỉ các hành trong thân”. Các hành trong thân, tức là hơi thở vô và hơi thở ra. Do kinh dạy tịnh chỉ các hành trong thân, nên chúng tôi biết là tịnh chỉ hơi thở. Tịnh chỉ hơi thở là nhập Tứ Thiền. Qua lời dạy này chúng tôi biết chắc chắn đây là nhập Tứ Thiền làm chủ sự sống chết. Các bạn cứ suy nghĩ xem lập luận như vậy có đúng không?
Theo nghĩa lời dạy trên của đức Phật, khi muốn làm chủ sự sống chết thì phải nhập Tứ thiền. Tứ Thiền là một loại thiền định với mục đích của nó là giúp chúng ta tịnh chỉ hơi thở. Ngoài thiền định này ra thì không còn có một thứ thiền định nào làm chủ sống chết được. Đó là một sự xác quyết chắc chắn không thay đổi của Phật giáo. Thiền mà làm chủ được sự sống chết như vậy, nên được gọi là Tứ Thánh Định. Tứ Thánh Định không hổ danh là loại thiền định của các bậc Thánh.
Một người tu hành muốn làm chủ sanh tử luân hồi thì phải tu tập Tứ Thánh Định. Tứ Thánh Định gồm có bốn Thiền:
1-      Sơ Thiền.
2-      Nhị Thiền.
3-      Tam Thiền.
4-      Tứ Thiền.
Muốn tu tập bốn thiền này thì phải tu tập ly dục ly ác pháp. Và chúng ta ai cũng biết ly dục ly ác pháp là giới luật, là thiện pháp.
Tóm lại, muốn tu tập làm chủ sự sống chết thì phải sống nghiêm chỉnh Giới luật và tu tập Tứ Niệm Xứ để tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thánh Định.
  • Điều thứ năm: “Nói Tam Minh là chỉ cho tâm vô lậu”.

Tam Minh nghĩa là gì? Tam Minh nghĩa là trí tuệ hiểu biết vượt ra khỏi không gian và thời gian, tức là sự hiểu biết vũ trụ như thật, chứ không phải sự hiểu biết hạn hẹp của ý thức. Sự hiểu biết như vậy còn được gọi một cái tên khác là liễu tri. Trí thức bị hạn chế trong không gian và thời gian nên thấy và hiểu biết mọi sự vật bằng tưởng, không như thật. Ví dụ: Thấy thế giới hữu hình này là thật. Thấy thế giới siêu hình là thật, linh hồn người chết, Thần Thánh, quỷ, ma... là có thật. Đó là cái hiểu biết của tưởng tri.
Người tu hành mà có được trí tuệ Tam Minh thì thấy thế giới hữu hình và vô hình là không có thật, chỉ là những thế giới ảo tưởng. Do thấy 2 thế giới không thật có nên không thấy có ta, của ta, bản ngã của ta. Do thật thấy không phải của ta như vậy, nên không thể tương ưng trong hai thế giới này. Không tương ưng tức là vô lậu, vô lậu nên chấm dứt tái sanh luân hồi. Cho nên Phật dạy:“Nói Tam Minh là chỉ tâm vô lậu”. Tâm vô lậu tức là tâm chấm dứt luân hồi tái sinh.
Như vậy, chúng ta đã hiểu rõ: nhập được Tứ Thiền là làm chủ sự sống chết. Còn đạt được trí tuệ Tam Minh thì chấm dứt luân hồi tái sanh. Những lời dạy này các bạn cứ suy ngẫm rồi mới tin. Và khi tin thì các bạn hãy nên sống và tập luyện đúng pháp. Khi sống và tu tập đúng pháp thì chừng đó các bạn mới chứng minh lời Phật dạy là như thật.
  • Điều thứ sáu: “Nói Niết bàn là chỉ cho tâm vô dục, bất động giải thoát”.Lời dạy này chúng ta phải hiểu nghĩa những từ vô dục, bất động. Vậy vô dục và bất động nghĩa là gì?

Vô dục nghĩa là không còn ham muốn, còn bất động nghĩa là không bị lay động. Niết Bàn của Phật là ở chỗ trạng thái tâm không còn ham muốn và không bị lay động.
Với mục đích muốn được tâm vô dục và bất động thì phải tu tập tâm ly dục ly ác pháp. Vậy tu tập như thế nào để tâm ly dục ly ác pháp?
Ly dục tức là không làm theo lòng ham muốn của mình; ly ác pháp là lìa xa, không làm theo các pháp ác, ngăn chặn các pháp ác không cho xâm chiếm vào tâm. Khi tâm không còn ham muốn (vô dục) và tâm bất động trước các ác pháp, đó là mục đích Niết Bàn của Đạo Phật.
Niết Bàn của Đạo Phật là một sự thật, chứ không phải là một cảnh giới siêu hình. Bởi vậy Đạo Phật là đạo như thật, nên trong Đạo Phật không có một điều gì trừu tượng, ảo giác khiến cho mọi người khó hiểu. Khi Phật giáo bị dìm mất thì Bà La Môn phát triển biến giáo pháp của mình thành giáo pháp của Đạo Phật. Vì thế, Đạo Phật trở thành một tôn giáo mê tín, lạc hậu, đạo đức thì mất hết chỉ còn những việc làm mê tín như cúng bái cầu siêu, cầu an, cúng sao giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu, xin xăm bói quẻ, v.v.. Những việc làm này, hôm nay đã trở thành một nghề nghiệp cúng bái tụng niệm trong các chùa. Một nghề nghiệp lừa đảo mọi người, làm mọi người mất trí tuệ, mất sức tự lực, chỉ còn lại với tinh thần yếu đuối cầu cúng van xin thật là đau lòng. Phải không các bạn?
(Những Lời Gốc Phật Dạy, tập 3)