Saturday, September 23, 2017

Các bài kinh về bệnh

TP sẽ trích đăng các bài pháp mà đức Phật dạy cho các đệ tử bị bệnh đối diện với sự thật trong tạng Kinh Nikaya.

1. Kinh Giáo giới Cấp Cô Độc



-- Do vậy, này Cư sĩ hãy học tập như sau: " Tôi sẽ không chấp thủ con mắt, và tôi sẽ không có thức y cứ vào con mắt". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ tai, và tôi sẽ không có thức y cứ vào tai". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ mũi... y cứ vào mũi... hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ lưỡi... y cứ vào lưỡi.... hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ thân... y cứ vào thân... hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ ý... y cứ vào ý... hãy học tập như vậy.

Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ hình dạng, và tôi sẽ không có thức y cứ vào hình dạng". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ tiếng... y cứ vào tiếng... hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ hương... y cứ vào hương... hãy học tập như vậy. Do vậy.... không chấp thủ vị... y cứ vào vị... hãy học tập như vậy. Do vậy... không chấp thủ xúc... y cứ vào xúc... hãy học tập như vậy. Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ pháp, và tôi sẽ không có thức y cứ vào pháp". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy.

Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ nhãn thức, và tôi sẽ không có thức y cứ vào nhãn thức". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy... "Tôi sẽ không chấp thủ nhĩ thức... Tôi sẽ không chấp thủ tỷ thức... Tôi sẽ không chấp thủ thiệt thức... Tôi sẽ không chấp thủ thân thức... Tôi sẽ không chấp thủ ý thức, và tôi sẽ không có thức y cứ vào ý thức". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy.

Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ nhãn xúc, và tôi sẽ không có thức y cứ vào nhãn xúc". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy... "Tôi sẽ không chấp thủ nhĩ xúc... Tôi sẽ không chấp thủ tỷ xúc... Tôi sẽ không chấp thủ thiệt xúc... Tôi sẽ không chấp thủ thân xúc.. Tôi sẽ không chấp thủ ý xúc, và tôi sẽ không có thức y cứ vào ý xúc". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy.

Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ thọ do nhãn xúc sanh khởi, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thọ do nhãn xúc sanh khởi". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy... "Tôi sẽ không chấp thủ thọ do nhĩ xúc sanh khởi... Tôi sẽ không chấp thủ thọ do tỷ xúc sanh khởi... Tôi sẽ không chấp thủ thọ do thiệt xúc sanh khởi... Tôi sẽ không chấp thủ thọ do thân xúc sanh khởi... Tôi sẽ không chấp thủ thọ do ý xúc sanh khởi và tôi sẽ không có thức y cứ vào thọ do ý xúc sanh khởi". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy.

Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ địa giới, và tôi sẽ không có thức y cứ vào địa giới". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy... "Tôi sẽ không chấp thủ thủy giới... Tôi sẽ không chấp thủ hỏa giới... Tôi sẽ không chấp thủ phong giới... Tôi sẽ không chấp thủ hư không giới... Tôi sẽ không chấp thủ thức giới, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thức giới". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy.

Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ sắc, và tôi sẽ không có thức y cứ vào sắc". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy... "Tôi sẽ không chấp thủ thọ... Tôi sẽ không chấp thủ tưởng... Tôi sẽ không chấp thủ hành... Tôi sẽ không chấp thủ thức và tôi sẽ không có thức y cứ vào thức giới". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy.

Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ Hư không vô biên xứ, và tôi sẽ không có thức y cứ vào Hư không vô biên xứ". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy... "Tôi sẽ không chấp thủ Thức vô biên xứ... Tôi sẽ không chấp thủ Vô sở hữu xứ... Tôi sẽ không chấp thủ Phi tưởng phi phi tưởng xứ, và tôi sẽ không có thức y cứ vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy.

Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ thế giới ở đây và tôi sẽ không có thức y cứ vào thế giới ở đây". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy. Do vậy... "Tôi sẽ không chấp thủ thế giới khác, và tôi sẽ không có thức y cứ vào thế giới khác". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy.

Do vậy, này Cư sĩ, hãy học tập như sau: "Tôi sẽ không chấp thủ những gì được thấy, được nghe, được cảm thọ, được nhận thức, được hy cầu, được tư sát với ý, và tôi sẽ không có thức y cứ vào các pháp (nói trên)". Này Cư sĩ, hãy học tập như vậy.

Bài 2: Phẩm bệnh - Tăng chi bộ

Người Bệnh

1. Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàlì, tạo Ðại Lâm, giảng đường có nóc nhọn. Rồi Thế Tôn vào buổi chiều, từ Thiền tịnh đứng dậy, đi đến hành lang người bệnh. Thế Tôn thấy một Tỷ-kheo ốm yếu bệnh hoạn, thấy vậy ngồi xuống trên chỗ đã soạn sẵn. Sau khi ngồi, Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo:

- Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát. Thế nào là năm?

2. Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo sống quán bất tịnh trên thân (1), với tưởng ghê tởm đối với các món ăn (2), với tưởng không thích thú đối với tất cả thế giới (3), quán vô thường trong tất cả hành (4), và nội tâm khéo an trú trong tưởng về chết (5).

- Này các Tỷ-kheo, nếu năm pháp này không rời bỏ một kẻ ốm yếu bệnh hoạn, thời người ấy được chờ đợi như sau: Không bao lâu, do đoạn diệt các lậu hoặc, ngay trong hiện tại, với thắng trí sẽ chứng ngộ, chứng đạt và an trú vô lậu tâm giải thoát, tuệ giải thoát.

(III) (123) Săn Sóc Bệnh

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người bị bệnh tự săn sóc bệnh không được tốt đẹp. Thế nào là năm?

2. Làm điều không thích đáng; không biết vừa phải trong khi chữa trị; không sử dụng thuốc; với người săn sóc bệnh muốn lợi ích (cho mình, cho người bệnh); không có như thật nói rõ bệnh hoạn: Khi tăng tiến là tăng tiến như vậy, khi giảm thiểu là giảm thiểu như vậy, khi đứng lại là đứng lại như vậy; đối với các khổ thọ thuộc về thân khởi lên, khốc liệt, cường liệt, mãnh liệt, không thích thú, không thích ý, đoạt mạng, khó lòng nhẫn thọ.

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, kẻ bị bệnh không săn sóc bệnh mình cho được tốt đẹp.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người bị bệnh là người săn sóc bệnh mình được tốt đẹp. Thế nào là năm?

4. Làm điều thích đáng; biết vừa phải trong khi chữa trị; có sử dụng thuốc; với người săn sóc bệnh muốn lợi ích (cho mình); như thật nói rõ bệnh hoạn: Khi tăng tiến là tăng tiến như vậy, khi giảm thiểu là giảm thiểu như vậy, khi đứng lại là đứng lại như vậy; đối với các khổ thọ thuộc về thân khởi lên khốc liệt, cường liệt, mãnh liệt, không thích thú, không thích ý, đoạt mạng, có thể nhẫn chịu.
Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người bị bệnh là người săn sóc bệnh mình được tốt đẹp.

(IV) (124) Săn Sóc Bệnh (2)

1. - Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người săn sóc bệnh không đủ khả năng để săn sóc người bệnh. Thế nào là năm?

2. Không có năng lực pha thuốc; không biết cái gì thích đáng, cái gì không thích đáng; đưa cái gì không thích đáng, không đưa cái gì thích đáng, vì muốn lợi ích vật chất, săn sóc người bệnh, không phải vì lòng từ, cảm thấy ghê tởm khi phải dọn phân, nước tiểu, đồ mửa ra, hay đờm; không có năng lực thỉnh thoảng với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ người bệnh.
Thành tựu năm pháp này, một người săn sóc bệnh không đủ khả năng để săn sóc người bệnh.

3. Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người săn sóc bệnh có đủ khả năng để săn sóc người bệnh. Thế nào là năm?

4. Có năng lực pha thuốc; biết cái gì thích đáng, cái gì không thích đáng; đưa cái gì thích đáng, không đưa cái gì không thích đáng, vì lòng từ săn sóc người bệnh, không vì lợi ích vật chất, không cảm thấy ghê tởm khi phải dọn phân, nước tiểu, đồ mửa ra, hay đờm; có năng lực thỉnh thoảng với pháp thoại trình bày, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ người bệnh.


Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một người săn sóc bệnh có đủ khả năng để săn sóc người bệnh.

Monday, September 18, 2017

Thầy Thích Bảo Nguyên: Pháp tu thiền xả tâm 01



CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC VÀ TỈNH THỨC
(Bài do Nhật Vy ghi chép từ pháp thoại của Thầy)


File pháp âm:
https://soundcloud.com/thichbaonguyen/chanh_niem_tinh_giac_va_tinh_thuc


Phật tử hỏi: 


Thưa Thầy, trong các bài pháp Thầy giảng mới đây, khi đối sánh với pháp Trưởng lão Thích Thông Lạc giảng trước kia thì thấy có mấy điều chúng con cần thưa hỏi lại về Chánh niệm Tỉnh giác và Tỉnh thức.

- Trưởng lão giảng Tỉnh giác Chánh niệm ở trên Tứ Chánh cần, còn Tỉnh thức ở trên Tứ Niệm xứ. Nhưng trong bài Thầy giảng Tỉnh thức ở trên Tứ Chánh cần, Tỉnh giác ở trên Tứ Niệm xứ. Mọi người thắc mắc sự khác nhau này nên chúng con xin Thầy giảng rõ thêm?

- Để xác định rõ hơn về vấn đề này, xin Thầy giảng cụ thể “Đối tượng của Tỉnh giác Chánh niệm là gì và đối tượng của Tỉnh thức là gì để lúc thực hành chúng con không bị nhầm lẫn nữa?.


Thầy trả lời:
 

Câu hỏi này là thắc mắc của nhiều người do họ chưa hiểu rõ pháp Trưởng lão dạy. Nói chung pháp Ngài dạy cho chúng ta rất kỹ, nhưng chúng ta hiểu sai các giai đoạn. Trưởng lão dạy chúng ta đầu tiên tu tập giai đoạn Tứ Chánh cần.

Tứ Chánh cần là pháp tu ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện.

Khi tu tập trên giai đoạn Tứ Chánh cần, chúng ta lấy gì để thấy được cái ác? Nếu hàng ngày chúng ta sống trong vô minh, thiếu tỉnh thức thì làm sao nhìn nhận ra các điều ác của mình được? Để nhận ra cái tâm ác, những chướng ngại trên thân tâm mình thì chúng ta phải Tỉnh thức trước. Khi chúng ta tỉnh thức, chúng ta nhận ra các niệm thì mình phải giác cái niệm đó. Giác có nghĩa là mình suy nghĩ điều này làm tổn hại cho mình, nếu mình sống trong điều ác thì sẽ đau khổ.

Sự “giác” chỉ mình nhận ra. Nhận ra niệm bất thiện thì đừng hành động theo nó. Trong bài kinh Thức Ăn đức Phật đã dạy điều này rất rõ: “Thức ăn của hộ trì các căn là gì? Đó là Chánh niệm Tỉnh giác”.
Hộ trì các căn đây có nghĩa là gì? Là chúng ta Tỉnh thức trên sáu căn của mình. Khi mình nhận thức ra các pháp xung quanh, lúc này mình mới “giác” ra sự thật của các pháp đó. Khi đã giác ra các pháp như thật, chúng ta mới có hành động không nên làm những điều ác. Đối với điều ác thì chúng ta phải diệt, đối với điều thiện thì phải tăng trưởng.

Vì vậy Chánh niệm Tỉnh giác là để thấy ra sự thật. Đối với điều ác thì hướng đến đoạn diệt, còn điều thiện thì hướng đến tăng trưởng. Chánh niệm Tỉnh giác là ở chỗ đó.

Như vậy, để Tỉnh giác thì chúng ta phải Tỉnh thức trước. Tỉnh thức rồi chúng ta mới Tỉnh giác sau, mới thấy được sự thật các hành nghiệp lực nhân quả của mình. Từ đó mình làm chủ nó, mình hướng tâm tác ý, mình xả.

Nói chung là Chánh niệm Tỉnh giác các giai đoạn đầu với Tỉnh thức khi chúng ta đang tu tập trên Tứ Chánh cần. Chúng ta phải nhận ra giai đoạn tu tập của mình ở vị trí nào trước đã. Ban đầu khi tu tập trên Tứ Chánh cần thì chúng ta phải Tỉnh thức trước. Tỉnh thức để nhận thấy rõ từng tâm niệm tham, sân, si của mình. Khi Tỉnh thức rồi mình mới “giác” hiểu ra các niệm này. Niệm này nếu mình sống theo nó thì nó đưa đến điều đau khổ, bất an cho mình trong hiện tại và trong tương lai.

Cho nên Chánh niệm Tỉnh giác là mình phải “giác” ra cái niệm ác rồi có hướng từ bỏ nó, đoạn diệt nó. Muốn đoạn diệt nó thì phải dùng pháp Như lý Tác ý nhắc tâm, tác ý để mình xả. Mình xả để giữ tâm mình bất động.

Khi đã giác rồi, đã hiểu được sự thật “đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ” bởi cái niệm dục tham, sân, si. Lúc này chúng ta mới dùng pháp Như lý Tác ý hướng tâm tác ý để xả.

Dùng pháp Như lý Tác ý, nếu tác ý mà mình không giác hiểu thì bị ức chế. Đức Phật đã dạy: “Thức ăn của Chánh niệm Tỉnh giác là gì? Đó là Như lý Tác ý.”

Mình phải Tỉnh giác, phải hiểu được sự thật “À, đây là cái niệm bất thiện, đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ. Nếu mình hành động những điều bất thiện này, những ác pháp này thì nó sẽ đưa đến đau khổ”.

Khi đã giác ra thì mình phải biết “Thôi đừng làm theo cái niệm này”. Câu: “Thôi đừng làm theo cái niệm này” là nhắc tâm Như lý Tác ý.

Trong bài pháp về Tầm Tứ, Tầm có nghĩa là suy tầm, mình tư duy để hiểu được sự thật đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ. Tứ là làm chủ các hành động của mình, tức là Như lý Tác ý.

Đức Phật dạy: “Thức ăn của Chánh niệm Tỉnh giác là Như lý Tác ý”. Khi hiểu rõ các hành động, mình quyết định “À, đừng có làm” đó là Tứ, là Như lý Tác ý.

Trưởng lão dạy nương vào Như lý Tác ý để dẫn tâm vào đạo, để tâm mình bất động trên trạng thái thiện pháp, đừng sống theo ác pháp. Dẫn tâm vào đạo là như vậy để mình làm chủ tâm mình.
Như vậy, khi tu tập giai đoạn Tứ Chánh cần là pháp ngăn ác diệt ác thì chúng ta phải Tỉnh thức trên từng tâm niệm của mình. Sau đó mình mới “giác” ra từng tâm niệm này.

Chánh niệm Tỉnh giác thì chúng ta phải hiểu rằng mình giác từng tâm niệm, từng hành động trên ba nơi thân, khẩu, ý của mình. Nếu hành động một điều nào trên ba nơi thân, khẩu, ý là mình nhận ra điều ấy là khổ, thấy ra được sự thật, đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ. Đó là Chánh niệm Tỉnh giác.

Khi đã giác ra sự thật thì phải dùng pháp Như lý Tác ý. Mình tác ý để giữ tâm mình đừng hành động theo nó. Khi mình không hành động theo nó thì thấy rõ nhân quả kia là pháp vô thường, nó đâu có thật. Khi nó sinh ra mà chúng ta không hành động theo thì cái nhân quả này, cái nghiệp lực này sẽ tự hoại diệt.
Nhân quả là pháp vô thường, khi nó sinh ra mình chạy theo, dính mắc rồi chấp thủ vào nó, từ đó mới có hành động. Khi hành động thì tạo nên nghiệp. Nếu mình không hành động theo điều ác thì làm gì có nghiệp.

Khi mình biết, mình làm chủ, mình không hành động theo thì từ từ nó muội lược cái nghiệp tham, sân, si của mình, mình xả dần dần rồi từ đó mới đưa đến giải thoát.


Chánh niệm Tỉnh giác để mình thấy rõ được sự thật hành động, nguyên nhân việc làm của mình. Khi biết rõ điều bất thiện như vậy thì mình không hành động theo nữa là ngay đó mình làm chủ nó.

Như vậy pháp của Phật tu có hai giai đoạn. Giai đoạn mình tu tập Tỉnh thức trên Tứ Chánh cần thì phải nhận ra từng cái niệm, sau đó mới giác cái niệm này: “Đây là khổ”, “Đây là nguyên nhân của khổ”. Từ đó mình mới không hành động theo nó. Thường xuyên tu tập, quan sát kỹ từng niệm khởi để ngăn và diệt ác thì gọi là Chánh Tinh tấn.

Hàng ngày mình siêng năng cần mẫn tinh tấn phòng hộ, hộ trì các căn giữ gìn cái thiện pháp này. Đó là Chánh niệm Tỉnh giác.

Hàng ngày mình tinh tấn để ngăn và diệt những ác pháp bằng đời sống Tứ Chánh cần, từ từ tâm tham, sân, si của mình sẽ muội lược.

Khi tâm tham, sân, si muội lược thì tự nhiên trong tâm mình, cái dục không còn tác động nữa. Lúc này ý thức mình đã thanh tịnh, ý thức thanh tịnh thì tự nhiên tâm định trên thân. Thân đi nó biết đi, nằm nó biết nằm, ngồi nó biết ngồi. Bấy giờ mình phải nương vào pháp trợ đạo “Định Niệm Hơi Thở”, “Thân Hành Niệm”, hoặc “Tứ Niệm xứ”, để tỉnh thức trên các hành động này nhằm khắc phục những ưu phiền vi tế như trong kinh Tứ Niệm Xứ đức Phật dạy: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu, Trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu,
Trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu, Trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu”.



“Trên thân quán thân” có nghĩa là mình Tỉnh thức trên mọi hành động của mình, trên trạng thái bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, đó là trạng thái Tứ Niệm Xứ. Không nên nhầm lẫn “quán” là mình suy niệm điều này, suy niệm việc kia.

Chữ “quán” trong “Trên thân quán thân”, là cái biết, nó là sự tỉnh thức của thân hành của mình. Đi mình biết mình đi, ngồi mình biết mình ngồi, nằm mình biết mình nằm. Đó là trạng thái của Tỉnh thức, của Thân Hành Niệm.

Trong thân này có cảm thọ, cái gì nó cũng đều biết hết, biết trong sự tỉnh thức. Lúc này là mình tỉnh thức trên thân hành của mình, gọi là Thân Hành Niệm. Kéo dài trạng thái này để khắc phục những ưu phiền vi tế, và khi khắc phục những lậu hoặc vi tế thì lần lượt Bảy Giác chi xuất hiện, Tứ Thần túc xuất hiện để hành giả thực hiện giai đoạn thiền định. Đến đây thì dễ rồi!

Điều khó khăn là ở giai đoạn Tứ Chánh Cần. Khi mình tu tập tỉnh thức trên Tứ Chánh cần là giai đoạn khó khăn nhất, cực khổ nhất.

Cho nên giai đoạn này mình phải siêng năng, cần mẫn. Khi tâm thanh tịnh rồi thì tự nó định trên thân. Lúc này mình không muốn nó cũng tự biết cái thân đi biết là đi, ngồi biết là ngồi, nằm biết là nằm. Tâm sáng suốt lắm! Đó là tâm Chánh niệm Tỉnh giác trên sáu cái biết của nó.
Trên Tứ Chánh Cần mình cũng Tỉnh giác, “giác” ra để thấy được “Đây là khổ”, “Đây là nguyên nhân của khổ” để mình dùng pháp Như lý Tác ý hướng tâm tác ý để Xả, mình phải làm chủ cái niệm này.

Khi tâm đã ly dục ly ác pháp thì tu tập trên giai đoạn Tứ Niệm Xứ. Lúc này mình Tỉnh thức với mọi hành động trên thân, gọi là Thân Hành Niệm. Khi ấy tâm sáng suốt lắm, sáu căn của mình nó Tỉnh giác, nó biết rất rõ. Nếu trên trạng thái Thân Hành Niệm này mà sáu căn không có Tỉnh giác như vậy là nó sống trong Không tưởng.

Trong bài Kinh Phương Quảng, ngài Xá Lợi Phất dạy: “Khi ý thức thanh tịnh, nếu không có liên hệ đến năm căn thì (hành giả) sẽ sống trong Không tưởng”.

Như vậy, khi ý thức thanh tịnh (tức là ý thức ly dục ly ác pháp) thì lúc này tâm định trên thân. Nhưng nếu không có Chánh niệm Tỉnh giác thì tâm sống trong Không tưởng, đó là thiền Vô Sắc.

Từ lâu nay Phật giáo phát triển không nhìn nhận ra điều này, người ta đã nhầm lẫn nên cố ức chế tâm để tâm rơi vào trạng thái “tĩnh lặng”. Từ đó họ tưởng rằng: trong cái tĩnh lặng đó không có cái gì hết, một trạng thái chỉ là yên lặng, như vậy là rớt vào Không tưởng.

Khi tu tập trên Tứ Niệm Xứ là mình Tỉnh thức trên mọi hành động của thân. Nhưng với điều kiện là sáu căn phải “giác” ra thì tâm mình mới thanh tịnh, mới không bị phóng dật. Nghĩa là trên sáu căn vẫn biết các pháp đang diễn ra như thật nhưng nó không phóng dật, không tương ưng vì dục của mình thanh tịnh rồi. Mình nghe mình biết, mình thấy hết và hoàn toàn làm chủ cái biết, cái thấy ấy nên tâm mình không bị phóng dật, ai làm gì thì làm, mặc kệ, không bám dính theo.

Có ý thức thanh tịnh do mình đã ly dục ly ác pháp rồi, lúc này mình mới ở trên trạng thái Chánh niệm Tỉnh giác. Đó là trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.
Như vậy Chánh niệm Tỉnh thức và Chánh niệm Tỉnh giác có hai giai đoạn để chúng ta tu tập. Khi chúng ta đang còn trên giai đoạn Tứ Chánh Cần thì tu tập Chánh niệm Tỉnh thức Chánh niệm Tỉnh giác.

Trong bài kinh Phương Qu
ảng, ngài tỳ-kheo Dhammadinna nói rằng Định ở đây là Định Tư Cụ tức là Tứ Chánh Cần, là pháp tu ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện.

Trong bài giảng về “Ngũ căn, ngũ lực” Thầy có nói rõ: đức Phật dạy Định căn (phần thứ 3, tín căn, tấn căn và định căn).

Định căn là chỉ cho Định Tư Cụ. Do có Niệm căn, do hàng ngày mình sống trong niệm thiện, từ đó tâm ly dục ly ác pháp. Khi tâm ly dục ly ác pháp thì sáu căn thanh tịnh, khi tâm thanh tịnh đó là Định căn.

Định căn là chỉ cho Định Tư Cụ. Do hàng ngày mình tu tập pháp Tứ Chánh Cần là ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện. Từ đó ba hành động thân, khẩu, ý của mình thanh tịnh. Khi thân, khẩu, ý thanh tịnh thì đó là Định, định của ý thức, định của tâm.

Vì có hai cái Định chúng ta thường nghe Trưởng lão dạy: Định của tâm và Định của thân.

- Tâm định trên thân là Định của Ý thức, định của Sơ thiền, đó là gốc Định.
- Thân định trên tâm là Định của Tứ Thần túc, từ Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền.


Như vậy chúng ta phải hiểu rõ chỗ này để không bị nhầm lẫn. Trong bài kinh Phương Quảng ngài tỳ-kheo Dhammadinna  nói rằng Định ở đây là chỉ cho Định Tư Cụ, là chỉ cho Định căn thuộc giai đoạn tu tập Tứ Chánh Cần để hàng ngày chúng ta Tỉnh thức Chánh niệm Tỉnh giác, sau mới “giác” ra từng tâm niệm tham, sân, si, lậu hoặc của mình và triển khai tri kiến. Mình hiểu rằng: “Đây là khổ”, “Đây là nguyên nhân của khổ”, nếu sống theo nó thì nó làm cho mình đau khổ.

Do hàng ngày Tỉnh thức như vậy rồi, mình dùng pháp Như lý Tác ý để hướng tâm, tác ý làm chủ để không hành động theo nó thì cái nhân quả tham, sân, si từ từ nó muội lược.

Đến đây Thầy nhắc lại, từ trước tới giờ mọi người đều hiểu lầm lạc chỗ này, hết sức lầm lạc. Trong kinh đức Phật dạy rằng: “Với Như lý Tác ý, lậu hoặc chưa sanh thì đừng để cho nó sanh, nó đã sanh rồi thì phải diệt”.

Trưởng lão cũng dạy chúng ta pháp Như lý Tác ý này. Khi có ác pháp đến thì dùng pháp Như lý Tác ý để mình Xả. Nhưng trước khi mình tác ý thì phải “giác” nó ra, phải hiểu ra sự thật thì mới hành động theo. Đó gọi là Như lý Tác ý để mình hành động làm chủ thân.

Khi mình tác ý để làm chủ tâm, để diệt tâm ác, có nghĩa là không hành động ác, mình không theo cái ác tức là diệt ác rồi. Nhờ pháp Như lý Tác ý mà tâm làm chủ, chứ không phải là mình dùng pháp Như lý Tác ý để đuổi nó, diệt nó.

Pháp Như lý Tác ý mình Tác ý để giữ tâm bất động trước các pháp, trước các nhân quả. Khi không hành động theo ác pháp thì nhân quả này tự nó sinh ra, nó sẽ tự diệt.
Nhận rõ ra điều này mới thấy từ trước tới giờ mọi người đã hiểu nhầm phải không?

Đức Phật đã dạy: “Thức ăn của Chánh niệm Tỉnh giác là gì? Đó là Như lý Tác ý.” Mình phải tỉnh giác, phải hiểu được sự thật: “À, đây là niệm bất thiện, đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, nếu mà mình hành động những điều bất thiện này, điều ác này thì sẽ đưa đến đau khổ.” Khi đã giác ra thì mình biết: “Thôi, đừng có theo cái niệm này”. Câu “Đừng có theo cái niệm này” là Như lý Tác ý.

Phật tử hỏi: 


Định căn là Định Tư cụ. Vậy còn Định lực là gì thưa thầy?
Thầy trả lời: 


Định lực ở đây là khi chúng ta đã có Định căn. Chúng ta phải hiểu nó, hiểu sự thật rồi từ nay phải hộ trì nó, phải bất động trước những ác pháp và cảm thọ.

Như Thầy đã nói ở trên, pháp Phật có hai giai đoạn: Khi chúng ta tu tập trên Tứ Chánh Cần thì nhờ sự siêng năng, cần mẫn, hàng ngày chúng ta phải sống với thiện pháp, quyết tâm sống với nó, đừng để cho các ác pháp tác động vào tâm mình. Đó là Định lực.

Định căn là cái hiểu biết để làm chủ tâm. Khi tâm làm chủ thì từ từ muội lược tham, sân, si làm cho tâm thanh tịnh. Đó là Định căn.

Định lực thì chúng ta phải siêng năng, cần mẫn để mình sống với thiện pháp, quyết tâm hộ trì chân lý này. Dù chuyện gì xảy ra mình sống chết với nó, sống chết với giặc sinh tử. Đó là Định lực.

Khi chúng ta tu tập trên Tứ Chánh Cần đòi hỏi phải nhiệt tâm, mình phải có nhiệt huyết mới xả được dục. Đó là Định lực.

Lực này hàng ngày mình huân tập, từ đó tạo ra lực để diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp. Khi trên Tứ Chánh Cần thì chúng ta tu tập như vậy.

Khi tu tập trên Tứ Niệm Xứ, định lực trên Tứ Niệm Xứ là cái định của Tứ Thần túc.

Trước là định lực trên Tứ Chánh Cần của tâm, trên trạng thái ý thức của mình để mình hoàn toàn bất động trước ác pháp và các cảm thọ, còn gọi là tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Đó là định bất động tâm.

Sau là định lực trên Tứ Niệm Xứ, khi đã sung mãn Tứ Niệm Xứ, đầy đủ Bảy Giác chi, Tứ Thần túc thì lúc này hành giả mới dùng Định Như ý túc để nhập các thiền. Định này khác với định của Tứ Chánh Cần. Cũng là Định lực nhưng định này thuộc về định của Tứ Thần túc. Bấy giờ hành giả dùng định Như ý túc để nhập các định lúc nào cũng được; ngồi, nằm, đều được; Như lời Trưởng lão dạy nhập các định “dễ như trở bàn tay, như lấy đồ trong túi”.

Phật tử hỏi: 


Nếu con nhớ không lầm thì có một đoạn trong kinh Nikaya nói về định lực, đại khái như thế này: “Định lực thì phải tìm ở đâu? Trả lời là Định lực phải tìm ở trong Bốn thiền”. Con nghĩ Bốn thiền này nó nằm ở giai đoạn sau Tứ Niệm Xứ. Có nghĩa khi mình có Tứ Thần túc rồi thì lúc đó mình mới sử dụng Định Như ý túc để nhập Bốn thiền. Như vậy khác với giai đoạn ở trên Tứ Chánh Cần, cũng là định lực nhưng định lực này là Định Tư cụ.

Thầy trả lời: 


Đúng! Con đã hiểu chính xác, nó là Định Tư cụ. Nhờ Định Tư cụ mới giúp cho mình ly dục ly ác pháp hoàn toàn. Nếu mình muốn có định lực của Tứ Thần túc mà không có Định Tư cụ thì không thể thực hiện được. Tức là có hai giai đoạn (như đã giảng ở trên), pháp Phật rõ ràng lắm.

Khi mình nghe bài Kinh Thức Ăn là hiểu ngay pháp tu của Phật có từng giai đoạn từ thấp đến cao rất rõ ràng: Sơ thiện, Trung thiện và Hậu thiện. Nếu chúng ta không hiểu chỗ này là chúng ta tu tập không đúng, sẽ bị ức chế tâm.

Phật tử hỏi: 


Bây giờ người ta có một sự nhầm lẫn khi nói về định. Người ta hiểu phải có thiền thì mới có định, nhưng người ta không hiểu pháp của Phật. Thiền Phật dạy là thiền xả tâm ly dục ly ác pháp, nhờ ly dục ly ác pháp mới có định, mà định ở đây như Thầy vừa giảng: Nó có hai giai đoạn:

- Nếu ở trên Tứ Chánh Cần thì là Định Tư Cụ
- Nếu ở trên Tứ Niệm Xứ (sung mãn) thì là Định Như Ý túc (hay Bốn thiền).


Thầy trả lời: 


Đúng! Pháp tu tập thiền xả tâm có hai giai đoạn rõ ràng, dễ hiểu và rất căn bản, Thầy vừa nói ở trên. Từ trước tới giờ người học và tu tập theo Phật hầu hết đã hiểu lầm lạc về pháp này.

Phật tử thưa hỏi:


Pháp Như lý Tác ý Thầy vừa giảng ở trên, nhờ đó mà con mới nhận ra được. Con hiểu ra mục đích Như lý Tác ý là để bảo vệ thân tâm mình chứ không phải mình đuổi đi. Tác ý để gìữ gìn chân lý chứ không phải tác ý để đuổi nhân quả của mình.
Ví dụ: khi nhân quả ác đến mình phải “giác” ra để nhận rõ sự thật “Đây là khổ” và “Đây là nguyên nhân của khổ”. Khi rõ rồi, mình hướng tâm tác ý để không sợ hãi nhân quả này, không làm theo ác pháp kia… để tâm mình bất động trước các pháp chứ không phải mình đuổi.

Từ những bài giảng của Thầy: Giới Hạnh Cư sĩ, Thiền Xả Tâm 1, 2, 3… chúng phật tử trước kia đã nghe Trưởng lão giảng, nhưng nay Thầy giảng lại rõ ràng lắm, sáng tỏ lắm, chỉ có điều là còn thời gian để nghe được hết hay không!

Trước đây, khi nghe đĩa của Trưởng lão thì con có điều thắc mắc. Nay gặp Thầy con xin hỏi để Thầy giải thích. Trưởng lão dạy có hai pháp: pháp đóng sáu căn và pháp mở sáu căn. Chỉ nói vậy thôi nên con không hiểu đóng sáu căn và mở sáu căn là như thế nào? Lúc nào mình cần mở sáu căn, lúc nào mình đóng sáu căn?


Thầy trả lời: 


Ở đây mình phải hiểu cho rõ: đóng sáu căn và mở sáu căn.

Pháp Phật là pháp mở sáu căn. Nếu chúng ta đóng sáu căn lại khi mình chưa ly dục ly ác pháp thì sẽ rớt vào thiền Vô Sắc. Vì lúc này mình chưa có Định Như Ý Túc mà vội đóng sáu căn thì bị ức chế tâm.

Cho nên chúng ta phải nhớ kỹ lời dạy của Trưởng lão, có nhiều người thắc mắc mà họ chưa hiểu ra. Trưởng lão dạy: “Tâm chưa ly dục mà đòi ly ác pháp là ức chế tâm.”

Tâm mình chưa ly dục mà dùng những pháp để đóng sáu căn lại, đó là ức chế tâm. Sáu căn hiện nay của chúng ta còn bị tác động bởi nhân quả rất nhiều, nó chưa muội lược tham, sân, si. Nếu ham đóng sáu căn thì hoặc là rơi vào thiền Vô Sắc hay nặng hơn thì bị điên khùng, tảu hỏa nhập ma.

Hiện nay Phật giáo phát triển (Đại Thừa và Thiền tông, Thiền Minh sát…) đều tu tập các pháp để ức chế như: niệm Phật, niệm chú, sổ tức quan, biết vọng liền buông, thiền công án, quán phồng xẹp… để đóng sáu căn thì đó không phải thiền đạo Phật. Họ nghĩ nương vào các pháp này thì nó giúp tâm mình định được. Họ nói ngồi thiền mà muốn tâm định thì phải có pháp hành đó, nương vào những pháp này để có định.

Nhưng vì không hiểu Định của đạo Phật, họ hiểu một cách hết sức lầm lạc chỗ này, như khi ngồi thiền, muốn có định thì phải nhiếp tâm, an trú tâm bằng pháp sổ tức quan hoặc quán phồng xẹp. Tất cả những pháp đó để nó đóng sáu căn lại thì cho là có định. Họ hiểu rằng định chỉ cho sự tĩnh lặng, chừng nào tâm mình không còn niệm thì nó định. Định này nó diệt ý thức mất rồi.

Mới đây cũng có một vài người hỏi Thầy cái này, Thầy đã trả lời rất rõ. Khi chúng ta đang sống trên giai đoạn ban đầu, còn đang ly dục ly ác pháp thì Phật dạy phải sống Hộ Trì các căn, Chánh niệm Tỉnh giác. Ai tinh ý đọc được kinh Phật thì dễ hiểu.
Đức Phật thường dạy: khi đi kinh hành hoặc ngồi đặt niệm trước mặt để quan sát tâm mình có còn nghĩ đến những gì ở trên đời không; xem tâm mình có còn phiền não không rồi mình dùng pháp Như lý Tác ý để mình làm chủ nó, đừng có chạy theo nó.

Hàng ngày Phật dạy đệ tử của Ngài tu tập Tứ Chánh Cần để ly dục ly ác pháp, từ đó khắc phục những tham ưu thô, những lậu hoặc thô của tham sân si. Nhờ tu tập như vậy, nó giúp tâm mình thanh tịnh dần dần, khi tâm thanh tịnh thì đó là định của tâm. Người ta nhiếc mắng mình, mình không giận, không phiền não. Đó là định.

Trước những cảm thọ và ác pháp đến, nó không tác động vào thân tâm của mình được. Đó là định của tâm, tâm mình bất động trước ác pháp và các cảm thọ. Do chúng ta tu tập pháp này mà nó xả đi những dục tham, sân, si.

Còn những pháp như: Định Niệm Hơi Thở, Thân Hành Niệm, Tứ Niệm Xứ là những pháp ngày xưa đức Phật sau khi xem xét đặc tướng của mỗi vị đệ tử; xem vị này đã ly dục ly ác pháp chưa; tâm đã thanh tịnh chưa; rồi đức Phật mới dạy phương pháp hành trì là Định Niệm Hơi Thở để tỉnh thức trên mọi hành động, để khắc phục những ưu phiền vi tế, để sung mãn Tứ Niệm Xứ, Bảy Giác chi, Tứ Thần túc.

Nói chung những pháp tu Định Niệm Hơi Thở, Thân Hành Niệm, Tứ Niệm Xứ là những pháp tu tập Tỉnh Thức trên mọi hành động nhằm để khắc phục những ưu phiền vi tế. Khi khắc phục đến đâu thì lần lượt Bảy Giác chi xuất hiện, rồi Tứ Thần túc xuất hiện.

Theo đó đức Phật dạy: “Thức ăn của Bảy Giác chi là gì? Đó là Tứ Niệm Xứ” hoặc Thân Hành Niệm hay Định Niệm Hơi Thở, nó là thức ăn của Bảy Giác chi. Tu tập đến đây (tâm đã ly dục ly ác pháp) thì hành giả mới ở trên mấy pháp này tu tập để rèn luyện thần lực. Nhờ đó mới sung mãn Bảy Giác chi và Tứ Thần túc rồi mới nhập Bốn thiền hướng đến Tam Minh.

Bây giờ mình tu tập chưa ly dục ly ác pháp mà hàng ngày vội nương vào những pháp này để tu thì không ngờ là mình diệt ý thức, nguy hiểm lắm. Bởi Ý thức của mình là trí tuệ. Những niệm tham, sân, si của mình là cái hiểu biết gọi là ý thức.

Cho nên, khi mình sống, nếu tham, sân, si còn thì nó sẽ tác động trên ý thức. Nếu ý thức này vô minh, không có trí tuệ thì nó chạy theo cái dục rồi nó hành động. Khi hành động theo dục thì từ đó tạo nên nghiệp lực nhân quả để mà đau khổ, từ đó mới có duyên hợp để tái sinh mãi mãi.

Cho nên, khi ý thức mình còn Vô minh, không hiểu biết về nhân quả, về sự vô thường của các pháp nên mình duyên theo nghiệp lực nhân quả và hành động theo nó. Do hành động theo mà tạo nên thế giới đau khổ cho mình.

Khi ý thức mình có Minh, có trí tuệ rồi, khi các niệm ác, niệm bất thiện khởi lên thì mình “giác” nó ra, nhận rõ sự thật, mình không hành động theo nó thì khổ đau chấm dứt.
Vì lẽ đó mà đức Phật dạy: “Đạo đế là con đường đưa đến Diệt đế”. Nếu mình không có Đạo đế, không có Bát Chánh đạo thì không có cách nào để diệt được tâm ác, nguyên nhân gây ra mọi điều đau khổ cho mình.

Vì vậy ý thức của mình quan trọng lắm. Nó là trí tuệ. Khi Vô minh thì mình sống trong tà kiến, tà tư duy; từ đó mình hành động theo nghiệp. Nếu có Minh, có trí tuệ, có sự hiểu biết thì ý thức làm chủ các niệm.

Vi dụ: Có một niệm ác, niệm phiền não vừa khởi lên, mình hiểu rằng: “Đây là nhân quả của tôi do nhiều đời vì vô minh tôi đã tạo nên những điều bất thiện; bây giờ gặp duyên tương ưng thì quả trổ”.

Đức Phật đã dạy rất rõ: “Chúng sinh sinh ra từ nhân quả, sống trong nhân quả, chết trở về nhân quả”. Như vậy, khi mình đang thọ quả báo là do mình đã tạo ra (ở hiện tại hoặc trong quá khứ), và khi hiểu được sự thật “đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ” thì ý thức mình làm chủ, nó dùng pháp Tác ý làm chủ và không hành động theo điều bất thiện nữa, từ đó mới diệt ác. Đó là Chân lý thứ ba: Diệt đế.

Khi mình đã thấy sự thật này rồi, mình không hành động theo nó. Đó là Diệt đế.

Để hiểu biết được sự thật này từ đâu mà có, đó là ý thức của mình. Nếu ý thức mình có Minh, có trí tuệ thì mới làm chủ được dục, làm chủ tâm tham, sân, si. Chính vì lẽ đó mà trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy: “Ý làm chủ, ý tạo tác, ý dẫn đầu các pháp”.

Nhờ ý thức mới tu tập được, nhờ ý thức mới nhắc tâm mình hướng về chân lý Diệt đế được. Nếu không có ý thức thì mình sẽ bị vô minh, vì không có ý thức thì không có pháp hành.

So với các loài thú, con người và con thú đều có thân ngũ uẩn giống nhau, cũng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức giống nhau. Nhưng điều đặc biệt khác các loài thú là con người có ý thức, con người có ý thức thì mới có pháp hành.

Đức Phật có nói những loài thú – còn gọi là bàng sanh – chỉ cho những loài bốn chân thì nó không có pháp hành vì nó không có ý thức. Còn con người có ý thức, nhờ có ý thức con người mới làm chủ được tâm của mình. Nhưng ý thức con người phải được soi sáng bởi Minh, bởi trí tuệ của đức Phật: trí Lậu Tận Minh.

Hiện nay chúng ta nhờ trí tuệ Lậu tận minh của Phật mới tu tập giải thoát được, và ngày xưa các đệ tử của đức Phật cũng nhờ trí tuệ Lậu tận minh này mới đưa đến diệt ngã xả tâm, ly dục ly bất thiện pháp.

Trí tuệ Lậu tận minh là gì?
Đó là sự hiểu biết về sự sinh diệt của các pháp, hiểu biết về nhân quả, hiểu biết về sự vô thường, sự giả tạo của các pháp. Đó là trí tuệ Lậu tận minh.

Trí Lậu tận minh đức Phật đã dạy hết cho chúng ta, Ngài đã chỉ cho chúng ta sự thật này rồi. Vì vậy hàng ngày chúng ta phải dùng ý thức để tu tập thì mới ly dục ly ác pháp được.

Từ trước tới giờ, do không hiểu rõ chỗ này nên người ta tu những pháp ức chế ý thức.
Cứ niệm gì khởi lên là bỏ ngang (buông), niệm thiện khởi lên: bỏ; niệm ác cũng bỏ; niệm gì họ cũng gạt đi hết.

Trong khi đức Phật đã dạy “vô minh là gì?” Vô minh có nghĩa là người này không biết “Đây là khổ”, không biết “Đây là nguyên nhân của khổ”, không biết “Đây là trạng thái khổ Diệt và Con đường đưa đến Diệt khổ”. Đó là Vô minh.

Như vậy, hàng ngày trước mọi hoàn cảnh, nghiệp lực nhân quả, các pháp đang chi phối, tác động; chúng ta không có ý thức hiểu rõ sự thật của nó: “Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là trạng thái diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ”. Đó là Vô minh. Cho nên từ trước tới giờ người ta tu pháp diệt ý thức là diệt trí tuệ luôn.

Ý thức mình là trí tuệ. Trí tuệ do đức Phật đã dạy cho chúng ta rõ ràng: Đó là Lậu tận minh.

Khi có các niệm gì đến thì chúng ta hiểu nó như thật: Đây là nhân quả của mình, do trước đó vì vô minh mình đã tạo; Bây giờ mình biết rồi, mình không hành động theo điều bất thiện này nữa. Rồi mình dùng pháp Như lý Tác ý làm chủ nó.

Khi làm chủ nó, mình không hành động theo nó. Đó là Chân lý thứ ba: Diệt đế.

Pháp Phật quá cụ thể! Hết sức thiết thực và cụ thể. Nhờ tu tập như vậy mà lần lượt tham, sân, si của mình từ từ nó diệt.


Nguồn: Giotnangchonnhu.org

Saturday, September 16, 2017

THÁNH CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC 1

Bài do Nhật Vy ghi chép pháp thoại của Thầy có đường dẫn sau: 
(https://soundcloud.com/thichbaonguyen/thanh-chanh-niem-tinh-giac-1

Chúng ta đang học phần thánh hộ trì các căn. Hộ trì nhãn căn (mắt) nhìn, nhĩ căn (tai) nghe, tỉ căn (mũi) ngửi mùi thơm mùi thúi, thiệt căn (lưỡi) nếm, thân căn là thân xúc. Ý căn là những suy nghĩ, hiểu biết của chúng ta. Phật dạy đó là các căn.
Chúng ta phải phòng hộ các căn. Phòng hộ các căn nó có thêm một ý nghĩa là chúng ta sống tỉnh thức. Chúng ta thường nghe từ tu tập tỉnh thức phải không? Khi có niệm gì đến với tâm của chúng ta là chúng ta phải nhận ra cái niệm ấy, dù là niệm thiện hay niệm ác, đó là tỉnh thức. Chúng ta phải hiểu tỉnh thức là pháp phòng hộ. Nếu chúng ta không tỉnh thức thì không có phòng hộ các căn của mình được.
Ví dụ, trong ý mình vừa khởi lên một niệm tham, niệm sân, niệm si, niệm kiêu mạn và niệm nghi. Người nào sống không nhận ra cái tâm này thì người ấy không có tỉnh thức. Cho nên pháp phòng hộ các căn chỉ cho các căn này khi tiếp xúc với 6 pháp trần mà nó sinh ra những tâm tham, sân, si, mạn, nghi ấy. Để tu tập đoạn trừ các tâm tham, sân, si, mạn, nghi này thì chúng ta phải giác nó ra, phải tỉnh giác.
Đến đây đức Phật dạy chúng ta tiếp tục tu tập pháp Thánh Chánh niệm Tỉnh giác. Đức Phật dạy: “Đại vương, thế nào là tỳ-kheo chánh niệm tỉnh giác? Ở đây các tỳ-kheo khi đi tới, đi lui đều tỉnh giác, khi nhìn thẳng, nhìn quanh đều tỉnh giác, khi co tay, duỗi tay đều tỉnh giác, khi mang y kép (y kép tức là y hạ, y trung ta mặc bên trong gọi là y kép, còn y thượng là chỉ tấm y mình đắp bên ngoài, khi đi khất thực mình phải đắp y), khi ăn uống, nhai nuốt đều tỉnh giác, khi đại tiện, tiểu tiện đều tỉnh giác, khi đi, đứng, ngồi, nằm, thức, nói, im lặng đều tỉnh giác. Như vậy, này đại vương, tỳ-kheo chánh niệm tỉnh giác”.
Do chúng ta tu tập pháp phòng hộ chánh niệm tỉnh thức nhận ra suy nghĩ của mình, nhận ra cái tâm tham, sân, si, mạn, nghi của mình. Khi nhận ra cái tâm đó thì mình phải giác ra. Trong bài kinh Thức Ăn, đức Phật dạy: “Thức ăn của hộ trì các căn là gì? Đó là chánh niệm tỉnh giác”.
Muốn hộ trì các căn, chúng ta phải thấy rõ sự thật của các pháp bất thiện, nhận rõ nó để giác nó ra. Khi giác nó ra thì mình hiểu nó như thật. Nếu chúng ta không hiểu, không có giác thì không xả được. Ví dụ có con muỗi vừa cắn trên tay chúng ta, thân ta nhận biết đau do con muỗi cắn. Đó là thân nhận biết, và khi nhận biết như vậy chúng ta biết con muỗi nó đang cắn thì mình giác ra như thật: “À, con muỗi này nó có duyên nhân quả với mình. Thôi, mình phải biết thương yêu tha thứ nó. Vì vô minh nên nghiệp sống của nó như vậy, nó lỡ cắn rồi, mình đừng giết nó. Nếu mình giết nó là mình phạm vào giới sát. Mình tạo nhân đau khổ cho mình sau này.”
Lúc mình giác là chỉ cho tri kiến của mình biết rõ sự thật khổ và nguyên nhân của khổ để từ đó không có hành động đập con muỗi. Khi chúng ta hiểu biết như vậy và nói rằng: “Thôi, hãy biết thương yêu và tha thứ nó, đừng đập nó”, đó là tác ý.
Tiếp theo bài kinh Thức Ăn, đức Phật dạy: “Thức ăn của chánh niệm tỉnh giác là gì? Đó là như lý tác ý”.
Khi giác ra rồi thì mình phải hành động, hành động có nghĩa là tác ý (hồi sáng Thầy có nói nghĩa là tứ đó). Tứ là mình tác ý ra, chỉ cho hành động mình thực hiện việc làm, việc làm là ngăn, diệt ác pháp. Khi con muỗi nó cắn mà chúng ta ngăn, chúng ta giác ra nhân quả này, ngăn hành động ác của mình không được đập con muỗi. Vì chúng ta giác ra và ngăn, không cho hành động ác, đó là chánh niệm tỉnh giác. Và khi giác rồi thì chúng ta quyết tâm không làm theo, đó là như lý tác ý thì hành động bất thiện này mới đoạn diệt được. Pháp Phật dạy rất là cặn kẽ như vậy.
Đầu tiên là Ngài dạy mình pháp phòng hộ các căn, nhờ có chánh niệm tỉnh giác mà chúng ta nhìn ra sự thật các lậu hoặc, các căn đưa đến đoạn diệt thì ngay đó là thân tâm chúng ta an lành liền. Ví dụ có người đến làm những điều bất thiện cho mình, người ta nói ra nói vào đủ thứ mà mình cứ kham nhẫn, vui vẻ, hoan hỷ xả hết, không có chấp thì ngay cái tâm đó chúng ta không có đau khổ. Khi mình xả cái tâm chấp, cái tâm dính mắc đó thì ngay liền không còn khổ nữa.
Khi cái nhân không gieo thì cái quả có không? Không có.
Chánh niệm tỉnh giác là như vậy, khi mình giác ra hành động bất thiện và không có hành động theo nó, thì dần dần những lậu hoặc này nó bị diệt. Chúng ta yên tâm, từ từ nó bị diệt hết, và lúc này chúng ta cứ kiên nhẫn, đừng có thối lui.
Chính vì lý do đó, đức Phật mới dạy: “Khi tâm chúng ta còn tham, sân, si, mạn, nghi thì gánh nặng thiện pháp không được bỏ”. Gánh nặng thiện pháp chỉ cho đời sống đạo đức nhân bản nhân quả, chỉ cho những giới luật và đức hạnh mình gìn giữ. Ngài cũng dạy: “Dù cho thân này máu có khô, thịt có khô mà nếu sự tinh tấn này còn thì chúng ta cứ tinh tấn, nếu lỡ chúng ta có bệnh, chúng ta không đi lại nổi thì mình nằm mình vẫn tinh tấn được”.
Tinh tấn đến từ ý căn. Do có ý căn mà chúng ta hiểu các pháp như thật, mình tư duy, tác ý mình xả, làm sao cái ý mình sáng suốt nhìn ra các pháp để nó làm chủ, nó không có chấp trước và hướng đến đoạn diệt các phiền não, những cảm thọ trên thân này, đó là chúng ta đang chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn là như vậy.
Tinh tấn mang ý nghĩa siêng năng chánh niệm tỉnh giác để mình giác ra từng tâm niệm của mình. Khi có những chướng ngại, những lậu hoặc thì mình tác ý xả, đó là chánh tinh tấn. Chứ không phải là người siêng năng ngồi thiền nhập định 1 ngày, 2 ngày thì đó không phải là chánh tinh tấn.
Chánh tinh tấn Phật dạy chúng ta là pháp phòng hộ, tỉnh thức hộ trì các căn, chánh niệm tỉnh giác để chúng ta giác ra từng tâm niệm bất thiện, giác ra cái tâm tham, sân, si, mạn, nghi của mình, thấy ra sự thật khổ và nguyên nhân của khổ bởi những tâm niệm bất thiện này để mình quyết tâm xả nó, không có lơ là một chút xíu nào trong tâm. Phải phòng hộ hết sức, đó là chánh tinh tấn.
Nhờ có chánh tinh tấn này mới đoạn trừ những niệm bất thiện, các lậu hoặc thì ngay đó tâm mình giải thoát. Cho nên, giai đoạn đưa đến giải thoát, đoạn trừ mọi phiền não là giai đoạn mà chúng ta tu pháp phòng hộ, chánh niệm tỉnh giác trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi, lúc nào cũng tỉnh giác.
Ở đây đức Phật dạy: “Khi đi tới đi lui đều tỉnh giác…”, mà tỉnh giác là nó giác trên mọi hành động của nó, có ý của mình. Chánh niệm tỉnh giác là mình giác ra trên sáu căn, nên đức Phật dạy: “Thức ăn của hộ trì các căn, đó là chánh niệm tỉnh giác”. Mình phải giác trên sáu căn này: mắt thấy sắc, tai nghe ân thanh, mũi ngửi mùi, lưỡi nếm vị, thân xúc chạm, ý suy tư. Mọi pháp xung quanh mình phải giác nó ra trên bốn hành động đi, đứng, nằm, ngồi.
Phật dạy chánh niệm tỉnh giác là mình sống bình thường, cứ để cái tâm mình nó bình thường. Mà trên các căn này, cái gốc ngũ triền cái thuộc về tham, sân, si, mạn, nghi thì chúng ta giác nó ra. Và khi giác ra, hiểu nó như thật thì phải biết xả các niệm bất thiện này, đó là chánh niệm tỉnh giác. Pháp tu này là pháp tu Tứ Chánh Cần, là pháp phòng hộ nên chúng ta đừng có gom tâm tập trung ở một điểm, từ nào giờ nhiều người đã hiểu sai pháp tu này.
Trong tâm thường có những niệm khởi lên, những niệm lăng xăng đó là vọng tưởng, là đối tượng phải diệt, người ta cho rằng phải diệt cái niệm này thì từ từ tâm mình mới thanh tịnh. Nhưng không ngờ rằng, khi chúng ta diệt những vọng tưởng lăng xăng này là diệt luôn ý thức. Nhiều người tu họ diệt ý thức, họ rớt vào trạng thái tỉnh lặng. Trên trạng thái này có sự an lạc, nó cũng làm cho mình yên lặng, sâu lắng và có cảm giác an lạc, nhưng đó là rớt vào thiền vô sắc. Khi sống trong trạng thái thiền vô sắc (Không vô biên xứ tưởng) thì không giải quyết được sự khổ về cái sinh, cái già, cái bệnh, cái chết, tức là cái phiền não nơi tâm mình chưa diệt.
Ở đây, chánh niệm tỉnh giác Phật dạy là mình sống bình thường, sống hộ trì các căn để các căn này nó bình thường. Trên các căn này có những biến động nào thuộc về tham, sân, si, mạn, nghi thì mình nhìn ra cái tâm đó, hiểu nó như thật để tác ý xả. Chúng ta cứ sống như vậy thôi, đó là pháp phòng hộ các căn, chánh niệm tỉnh giác. Pháp tu này đức Phật tự khám phá ra.
Trước đó Ngài tu tập theo pháp ngoại đạo từ hai vị thầy đầu tiên là ngài Alàràma Kàlàma và Uddaka Ràmaputta. Ngài cũng tu những pháp ức chế như ngồi thiền nhiếp tâm, an trú tâm không để cho những niệm vọng động, những niệm lăng xăng khởi lên. Ngài tập trung vào một pháp nào đó, gom nó lại, nhiếp phục nó, không cho nó khởi niệm. Không ngờ tu pháp này một thời gian là diệt ý thức và rớt vào thiền vô sắc. Khi sống trong trạng thái thiền vô sắc (Không vô biên xứ tưởng) nó làm cho Ngài an lạc, hoan hỷ với trạng thái đó. Nhưng khi xả ra sống bình thường trở lại với hành động nhân quả của Ngài thì lúc này nghiệp lực tương ưng nó tác động trên sáu căn và ý thức còn đau khổ. Ngài nhận ra rằng pháp môn này không có kết quả gì hết, nó không giải quyết sự khổ về cái sinh, cái già, cái chết, tức là cái phiền não nơi tâm mình chưa bị diệt.
Lúc đó Ngài phải từ giã pháp tu này và kế tiếp là tu tập pháp khổ hạnh, mong rằng mình sẽ diệt hết phiền não. Ngài tu tập ức chế bằng pháp khổ hạnh làm cho thân thể tiều tụy đưa đến suy nhược, mất sức khỏe, không tập trung nên rất đau khổ. Thấy cuộc đời mình tu hành suốt sáu năm, tới đây không có kết quả, Ngài mất phương hướng về lòng tin đối với những pháp tu này, không còn tha thiết tu vì nó làm cho Ngài đau khổ. Nhớ lại khi 10 tuổi, Ngài theo vua cha làm lễ hạ điền. Trong khi mọi người đang làm lễ hạ điền, Ngài lặng lẽ đến gốc cây hồng táo ngồi chơi để cho tâm mình an lạc vô sự, trên tâm đó Ngài nhập trạng thái sơ thiền. Vì lúc còn thiếu thời, đức vua có mời tất cả các đạo sư, đạo sĩ đến để dạy bảo cho Thái tử nhiều học thuật, trong đó có học về thiền định. Những thiền này trước đó người ta có tu hết, nhưng mà tu bằng ức chế.
Thầy vừa nói trường hợp của đức Phật, Ngài tu cũng nhiếp tâm, an trú tâm, cuối cùng rớt vào các thiền vô sắc, không đưa đến kết quả ly dục ly ác pháp đoạn trừ các lậu hoặc. Từ thuở bé Ngài đã học và hiểu được những pháp tu này nhưng không có người hướng dẫn đúng con đường của nó. Lúc ngồi lặng lẽ dưới gốc cây hồng táo, Ngài để tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Trên tâm đó Ngài nhập trạng thái sơ thiền.
Sơ thiền là gì? Sơ thiền chỉ cho trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Cứ để nó bình thường, trên đó chúng ta không tu tập ức chế một pháp môn nào, đó là trạng thái của sơ thiền. Nhưng mà lúc này là Ngài nhập thôi, chưa có chứng. Mới có 10 tuổi làm gì biết pháp mà tu chứng được. Muốn chứng được sơ thiền phải đoạn trừ tham, sân, si, mạn, nghi, phải đoạn ngũ triền cái thì mới chứng được sơ thiền.
Ở đây Thầy nói ý nghĩa nhập sơ thiền, khi chúng ta ly dục ly ác pháp là chúng ta đang nhập sơ thiền, khi đang nhập sơ thiền là mình đang sống trên cái pháp tu. Hằng ngày chúng ta cứ để thân tâm mình bình thường ở trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự, chánh niệm tỉnh giác, đó là trạng thái sơ thiền. Khi nhớ lại cách tu này, đức Phật thấy rằng có thể giúp cho sự tu tập đoạn trừ các lậu hoặc đưa đến giải thoát, đây là con đường sẽ giúp ta đi đúng nên Ngài quyết định sẽ sống theo phương pháp tu tập này.
Ngài cứ để cho thân tâm này bình thường, hộ trì các căn, chánh niệm tỉnh giác. Để tu tập giai đoạn tứ chánh cần này cho đúng pháp, Ngài từ giã lối sống khổ hạnh và ăn uống bình thường trở lại thì lúc này trong tâm Ngài suy tư: Để mà sống và nhập vào trạng thái sơ thiền thì phải ăn trở lại bình thường. Nếu thân mình nó ốm o, bệnh tật, có những chướng ngại, có nhiều điều khó khăn xảy ra thì làm sao mà nhập sơ thiền được. Trạng thái sơ thiền là trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, nó ly các dục, các ác pháp trong đó, nó không còn dính mắc chuyện gì xung quanh, đó là trạng thái sơ thiền.
Đức Phật suy nghĩ, phải ăn uống bình thường trở lại, sống bình thường trở lại thì mới tu tập đúng con đường này. Rồi Ngài quyết định ăn 1 ngày 1 bữa.
Thời bấy giờ, có một tín nữ Sudata thấy một vị Sa-môn (là đức Phật) rất là ốm, khổ hạnh, tín nữ này mới dâng cúng bát sữa cho Ngài. Người ta nói đức Phật dùng bát sữa đó thì sức khỏe mới được phục hồi. Thật sự là lúc đó đức Phật ăn uống bình thường trở lại. Bát sữa nói lên rằng Ngài sẽ ăn uống bình thường trở lại cho phục hồi sức khỏe chứ không thể một bát sữa uống vào là tự nhiên có sức khỏe đầy đủ. Cần phải có thời gian để sức khỏe phục hồi, nên lúc đó đức Phật nói rằng Ngài phải ăn thô thực trở lại.
Khi đó năm anh em Kiều Trần Như biết đức Phật ăn thô thực trở lại thì cho rằng đức Phật chạy theo dục lạc, rồi họ không có lòng tin và họ bỏ luôn không theo đức Phật nữa. Không ngờ đó là cái duyên để đức Phật sống độc cư một mình. Lúc này không còn ai thân cận nữa, Ngài tự tu tập theo pháp mà mình đã tự tìm ra được.
Đức Phật lặng lẽ đi tìm đến một gốc cây (bây giờ chúng ta gọi là cây bồ đề), ngày ấy là cây đa, chưa có tên gọi cây bồ đề. Khi đức Phật thành Phật rồi thì cây ấy trở thành cây bồ đề. Nếu đức Phật ngồi tu tập dưới gốc cây bàng thì khi thành Phật, cây bàng này cũng trở thành cây bồ đề. Lịch sử đức Phật sinh ra và thành đạo gắn liền với quá trình tu tập giải thoát của Ngài, trở thành cái danh xưng riêng nên lúc đó Ngài lặng lẽ tới cội cây bồ đề.
Ở đây chúng ta nên nhớ rằng Ngài không ngồi luôn đâu. Trước đây mọi người tưởng rằng đức Phật tu tập ngồi kiết già nhập định liền 49 ngày đêm, người ta tưởng như vậy. Thực tế trong 49 ngày đêm này, đức Phật vẫn sống một trạng thái bình thường, không có ức chế, Ngài để tâm thanh thản, an lạc, vô sự, chánh niệm tỉnh giác. Trên cái tâm đó là Ngài nhập trạng thái sơ thiền đúng như lúc mới 10 tuổi. Ngài cứ để cho thân tâm này bình thường, gọi là hộ trì các căn, chánh niệm tỉnh giác.
Ngài cứ ngồi chơi vô sự, nếu ngồi có mỏi thì đứng dậy đi kinh hành. Cho nên trong khoảng thời gian 49 ngày đêm đó là Ngài tu tập pháp 4 Chánh cần trên 4 oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi tu tập pháp phòng hộ các căn, chánh niệm tỉnh giác. Ngài sống bình thường, hết sức bình thường, ngồi chơi vô sự thôi. Trên các căn này, những niệm nào thuộc về tham, sân, si, mạn, nghi, những niệm nào hại mình, hại người, hại chúng sinh thì Ngài tư duy hiểu nó như thật rồi hướng tâm tác ý xả. Ngài tu tập giai đoạn 4 Chánh cần này không có ức chế nữa.
Trước kia tu theo pháp môn của ngoại đạo, những niệm gì nó đến thì Ngài cứ tập trung nơi tâm thôi, không để cho niệm này khởi lên nơi tâm của mình. Giống như bây giờ có những pháp môn tu không cho vọng tưởng khởi niệm, gọi là gom tâm, nhiếp tâm, không để niệm này khởi lên trong tâm của mình. Cái hiểu biết đó là diệt ý thức đưa đến pháp tu ức chế tâm.
Còn ở đây, những niệm khởi trong tâm chưa phải là có lỗi, những niệm tham, sân, si, mạn, nghi khi nó khởi lên trong tâm của mình gọi là tâm ngũ triền cái. Nó vừa khởi cái niệm tham, sân, si, mạn, nghi ấy, nếu chúng ta sống trong vô minh rồi hành động theo những nghiệp này, mình chạy theo các dục của nó, cái lỗi là do dục, do kiết sử.
Ngài Xá Lợi Phất dạy: Kiết sử là do lòng dục, khi sáu căn tiếp xúc sáu pháp trần mà trên cái ý này nếu nó vô minh và hành động theo dục của nó, nó dính mắc, nó tham đắm mới gọi là kiết sử, mới gọi là có lỗi. Còn nếu những niệm này mình làm chủ nó, mình biết nó, mình hiểu nó như thật rồi hướng tâm tác ý xả thì những niệm này đi đến đoạn diệt. Mình diệt các lậu hoặc là do có trí.
Vì vậy pháp 4 Chánh cần là pháp tu để làm chủ tâm, tỉnh thức trên sáu căn, chánh niệm tỉnh giác để nhận ra mọi sự thật, mọi cái niệm. Niệm hại mình, hại người, hại chúng sinh thì tư duy tác ý xả, mình không hành động theo nó thì những niệm này tự nó diệt. Mình không hành động có nghĩa là tác ý, như lý tác ý ngăn, diệt nó, không hành động theo thì những niệm này tự diệt. Đức Phật dạy: “Các pháp tự duyên sinh, các pháp tự duyên diệt” là như vậy. Chỉ cần chúng ta giác hiểu nó, không hành động theo thì tự nó diệt mà không bị ức chế tâm.
Chúng ta luôn nhớ cái thức của mình là cái biết, là ông chủ, nhiệm vụ của ý thức là để suy tư, hiểu biết mọi pháp, cái nào đúng, cái nào sai, cái nào phải, cái nào trái và hành động là không nên làm việc này hoặc nên làm việc kia, ý thức của mình là như vậy.
Cái ý của chúng ta là cứ để cho nó bình thường. Khi chúng ta tu pháp 4 Chánh cần, giai đoạn tu tập xả tâm này là cứ để ý thức mình bình thường, đừng có gò ép, đừng có tập trung vào một đối tượng nào, một pháp môn nào. Cái ý của chúng ta nó biết mọi pháp để làm chủ thì chúng ta tu tập như vậy, không bị ức chế. Còn nếu chúng ta dùng ý thức để gom tâm, nhiếp tâm, an trú tâm, tập trung một chỗ nào trên thân thì đó là ức chế, tu tập như vậy là không đúng pháp 4 Chánh cần Phật dạy.
Lúc đức Phật bỏ hết các pháp môn tu trước đó, Ngài chỉ sống bình thường, ngồi chơi vô sự, hộ trì các căn, chánh niệm tỉnh giác. Trên cái niệm này có những pháp nào đến thì Ngài tư duy tác ý xả. Cho nên tu pháp 4 Chánh cần này suốt 49 ngày đêm, khi tâm Ngài vô lậu thanh tịnh, đoạn diệt sạch các tham, sân, si, mạn, nghi, đoạn diệt sạch ngũ triền cái thì trên cái tâm đó là 4 Niệm xứ đã thanh tịnh rồi, lúc này Ngài tự tỉnh thức trên mọi hành động của nó.
Nếu mà Ngài không tỉnh thức trên mọi hành động của nó (4 niệm xứ) khi đi, đứng, nằm, ngồi thì sẽ rớt vào không tưởng (tức là thiền vô sắc). Cho nên lúc này đức Phật thường nhắc tâm phải tỉnh thức trên mọi hành động của nó. Và trong suốt thời gian này (49 ngày đêm) là Ngài cứ tỉnh thức trên thân, đó là Thân hành niệm. Giai đoạn Ngài sung mãn 4 Niệm xứ, 7 Giác chi và 4 Thần túc chưa đầy một tuần lễ, thực hiện 4 Thiền và 3 Minh chỉ trong vòng một ngày đêm là xong.
Giai đoạn đức Phật tu pháp 4 Chánh cần 49 ngày đêm thì Ngài sống bằng pháp hộ trì các căn, chánh niệm tỉnh giác để cho thân tâm này bình thường. Trong kinh đức Phật diễn tả, khi Ngài đã phục hồi lại sức khỏe đầy đủ, Ngài sống bình thường trở lại, lúc đó Ngài hướng tâm ly dục ly ác pháp nhập sơ thiền.
Nhập sơ thiền có nghĩa rằng Ngài đang sống trên pháp 4 Chánh cần, Ngài đang hướng đến ly dục ly ác pháp, diệt ngã xả tâm để chứng được sơ thiền. Khi chứng được sơ thiền thì tất cả các lậu hoặc tham, sân, si, mạn, nghi phải đoạn diệt thì đó là chứng sơ thiền. Cho nên đức Phật dạy: “Khi Ta chứng sơ thiền, nếu mà Ta chưa có nhàm chán, ly tham và đoạn diệt các ác pháp và các cảm thọ trên thân này thì sơ thiền này chưa chứng đạt nơi Ta”.

Đức Phật cũng dạy: “Ta không sống theo pháp khổ hạnh này nữa, mà Ta phải sống bình thường, ăn ngày một bữa, không có ép xác, phải sống đúng giới luật này”. Do Ngài sống đúng như vậy mới an trú trong pháp tu tập 4 Chánh cần mà không bị ức chế. Và Ngài sống với pháp này suốt 49 ngày, thân tâm của Ngài hoàn toàn ly dục ly ác pháp chứng sơ thiền.