Monday, September 18, 2017

Thầy Thích Bảo Nguyên: Pháp tu thiền xả tâm 01



CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC VÀ TỈNH THỨC
(Bài do Nhật Vy ghi chép từ pháp thoại của Thầy)


File pháp âm:
https://soundcloud.com/thichbaonguyen/chanh_niem_tinh_giac_va_tinh_thuc


Phật tử hỏi: 


Thưa Thầy, trong các bài pháp Thầy giảng mới đây, khi đối sánh với pháp Trưởng lão Thích Thông Lạc giảng trước kia thì thấy có mấy điều chúng con cần thưa hỏi lại về Chánh niệm Tỉnh giác và Tỉnh thức.

- Trưởng lão giảng Tỉnh giác Chánh niệm ở trên Tứ Chánh cần, còn Tỉnh thức ở trên Tứ Niệm xứ. Nhưng trong bài Thầy giảng Tỉnh thức ở trên Tứ Chánh cần, Tỉnh giác ở trên Tứ Niệm xứ. Mọi người thắc mắc sự khác nhau này nên chúng con xin Thầy giảng rõ thêm?

- Để xác định rõ hơn về vấn đề này, xin Thầy giảng cụ thể “Đối tượng của Tỉnh giác Chánh niệm là gì và đối tượng của Tỉnh thức là gì để lúc thực hành chúng con không bị nhầm lẫn nữa?.


Thầy trả lời:
 

Câu hỏi này là thắc mắc của nhiều người do họ chưa hiểu rõ pháp Trưởng lão dạy. Nói chung pháp Ngài dạy cho chúng ta rất kỹ, nhưng chúng ta hiểu sai các giai đoạn. Trưởng lão dạy chúng ta đầu tiên tu tập giai đoạn Tứ Chánh cần.

Tứ Chánh cần là pháp tu ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện.

Khi tu tập trên giai đoạn Tứ Chánh cần, chúng ta lấy gì để thấy được cái ác? Nếu hàng ngày chúng ta sống trong vô minh, thiếu tỉnh thức thì làm sao nhìn nhận ra các điều ác của mình được? Để nhận ra cái tâm ác, những chướng ngại trên thân tâm mình thì chúng ta phải Tỉnh thức trước. Khi chúng ta tỉnh thức, chúng ta nhận ra các niệm thì mình phải giác cái niệm đó. Giác có nghĩa là mình suy nghĩ điều này làm tổn hại cho mình, nếu mình sống trong điều ác thì sẽ đau khổ.

Sự “giác” chỉ mình nhận ra. Nhận ra niệm bất thiện thì đừng hành động theo nó. Trong bài kinh Thức Ăn đức Phật đã dạy điều này rất rõ: “Thức ăn của hộ trì các căn là gì? Đó là Chánh niệm Tỉnh giác”.
Hộ trì các căn đây có nghĩa là gì? Là chúng ta Tỉnh thức trên sáu căn của mình. Khi mình nhận thức ra các pháp xung quanh, lúc này mình mới “giác” ra sự thật của các pháp đó. Khi đã giác ra các pháp như thật, chúng ta mới có hành động không nên làm những điều ác. Đối với điều ác thì chúng ta phải diệt, đối với điều thiện thì phải tăng trưởng.

Vì vậy Chánh niệm Tỉnh giác là để thấy ra sự thật. Đối với điều ác thì hướng đến đoạn diệt, còn điều thiện thì hướng đến tăng trưởng. Chánh niệm Tỉnh giác là ở chỗ đó.

Như vậy, để Tỉnh giác thì chúng ta phải Tỉnh thức trước. Tỉnh thức rồi chúng ta mới Tỉnh giác sau, mới thấy được sự thật các hành nghiệp lực nhân quả của mình. Từ đó mình làm chủ nó, mình hướng tâm tác ý, mình xả.

Nói chung là Chánh niệm Tỉnh giác các giai đoạn đầu với Tỉnh thức khi chúng ta đang tu tập trên Tứ Chánh cần. Chúng ta phải nhận ra giai đoạn tu tập của mình ở vị trí nào trước đã. Ban đầu khi tu tập trên Tứ Chánh cần thì chúng ta phải Tỉnh thức trước. Tỉnh thức để nhận thấy rõ từng tâm niệm tham, sân, si của mình. Khi Tỉnh thức rồi mình mới “giác” hiểu ra các niệm này. Niệm này nếu mình sống theo nó thì nó đưa đến điều đau khổ, bất an cho mình trong hiện tại và trong tương lai.

Cho nên Chánh niệm Tỉnh giác là mình phải “giác” ra cái niệm ác rồi có hướng từ bỏ nó, đoạn diệt nó. Muốn đoạn diệt nó thì phải dùng pháp Như lý Tác ý nhắc tâm, tác ý để mình xả. Mình xả để giữ tâm mình bất động.

Khi đã giác rồi, đã hiểu được sự thật “đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ” bởi cái niệm dục tham, sân, si. Lúc này chúng ta mới dùng pháp Như lý Tác ý hướng tâm tác ý để xả.

Dùng pháp Như lý Tác ý, nếu tác ý mà mình không giác hiểu thì bị ức chế. Đức Phật đã dạy: “Thức ăn của Chánh niệm Tỉnh giác là gì? Đó là Như lý Tác ý.”

Mình phải Tỉnh giác, phải hiểu được sự thật “À, đây là cái niệm bất thiện, đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ. Nếu mình hành động những điều bất thiện này, những ác pháp này thì nó sẽ đưa đến đau khổ”.

Khi đã giác ra thì mình phải biết “Thôi đừng làm theo cái niệm này”. Câu: “Thôi đừng làm theo cái niệm này” là nhắc tâm Như lý Tác ý.

Trong bài pháp về Tầm Tứ, Tầm có nghĩa là suy tầm, mình tư duy để hiểu được sự thật đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ. Tứ là làm chủ các hành động của mình, tức là Như lý Tác ý.

Đức Phật dạy: “Thức ăn của Chánh niệm Tỉnh giác là Như lý Tác ý”. Khi hiểu rõ các hành động, mình quyết định “À, đừng có làm” đó là Tứ, là Như lý Tác ý.

Trưởng lão dạy nương vào Như lý Tác ý để dẫn tâm vào đạo, để tâm mình bất động trên trạng thái thiện pháp, đừng sống theo ác pháp. Dẫn tâm vào đạo là như vậy để mình làm chủ tâm mình.
Như vậy, khi tu tập giai đoạn Tứ Chánh cần là pháp ngăn ác diệt ác thì chúng ta phải Tỉnh thức trên từng tâm niệm của mình. Sau đó mình mới “giác” ra từng tâm niệm này.

Chánh niệm Tỉnh giác thì chúng ta phải hiểu rằng mình giác từng tâm niệm, từng hành động trên ba nơi thân, khẩu, ý của mình. Nếu hành động một điều nào trên ba nơi thân, khẩu, ý là mình nhận ra điều ấy là khổ, thấy ra được sự thật, đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ. Đó là Chánh niệm Tỉnh giác.

Khi đã giác ra sự thật thì phải dùng pháp Như lý Tác ý. Mình tác ý để giữ tâm mình đừng hành động theo nó. Khi mình không hành động theo nó thì thấy rõ nhân quả kia là pháp vô thường, nó đâu có thật. Khi nó sinh ra mà chúng ta không hành động theo thì cái nhân quả này, cái nghiệp lực này sẽ tự hoại diệt.
Nhân quả là pháp vô thường, khi nó sinh ra mình chạy theo, dính mắc rồi chấp thủ vào nó, từ đó mới có hành động. Khi hành động thì tạo nên nghiệp. Nếu mình không hành động theo điều ác thì làm gì có nghiệp.

Khi mình biết, mình làm chủ, mình không hành động theo thì từ từ nó muội lược cái nghiệp tham, sân, si của mình, mình xả dần dần rồi từ đó mới đưa đến giải thoát.


Chánh niệm Tỉnh giác để mình thấy rõ được sự thật hành động, nguyên nhân việc làm của mình. Khi biết rõ điều bất thiện như vậy thì mình không hành động theo nữa là ngay đó mình làm chủ nó.

Như vậy pháp của Phật tu có hai giai đoạn. Giai đoạn mình tu tập Tỉnh thức trên Tứ Chánh cần thì phải nhận ra từng cái niệm, sau đó mới giác cái niệm này: “Đây là khổ”, “Đây là nguyên nhân của khổ”. Từ đó mình mới không hành động theo nó. Thường xuyên tu tập, quan sát kỹ từng niệm khởi để ngăn và diệt ác thì gọi là Chánh Tinh tấn.

Hàng ngày mình siêng năng cần mẫn tinh tấn phòng hộ, hộ trì các căn giữ gìn cái thiện pháp này. Đó là Chánh niệm Tỉnh giác.

Hàng ngày mình tinh tấn để ngăn và diệt những ác pháp bằng đời sống Tứ Chánh cần, từ từ tâm tham, sân, si của mình sẽ muội lược.

Khi tâm tham, sân, si muội lược thì tự nhiên trong tâm mình, cái dục không còn tác động nữa. Lúc này ý thức mình đã thanh tịnh, ý thức thanh tịnh thì tự nhiên tâm định trên thân. Thân đi nó biết đi, nằm nó biết nằm, ngồi nó biết ngồi. Bấy giờ mình phải nương vào pháp trợ đạo “Định Niệm Hơi Thở”, “Thân Hành Niệm”, hoặc “Tứ Niệm xứ”, để tỉnh thức trên các hành động này nhằm khắc phục những ưu phiền vi tế như trong kinh Tứ Niệm Xứ đức Phật dạy: “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu, Trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu,
Trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu, Trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu”.



“Trên thân quán thân” có nghĩa là mình Tỉnh thức trên mọi hành động của mình, trên trạng thái bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, đó là trạng thái Tứ Niệm Xứ. Không nên nhầm lẫn “quán” là mình suy niệm điều này, suy niệm việc kia.

Chữ “quán” trong “Trên thân quán thân”, là cái biết, nó là sự tỉnh thức của thân hành của mình. Đi mình biết mình đi, ngồi mình biết mình ngồi, nằm mình biết mình nằm. Đó là trạng thái của Tỉnh thức, của Thân Hành Niệm.

Trong thân này có cảm thọ, cái gì nó cũng đều biết hết, biết trong sự tỉnh thức. Lúc này là mình tỉnh thức trên thân hành của mình, gọi là Thân Hành Niệm. Kéo dài trạng thái này để khắc phục những ưu phiền vi tế, và khi khắc phục những lậu hoặc vi tế thì lần lượt Bảy Giác chi xuất hiện, Tứ Thần túc xuất hiện để hành giả thực hiện giai đoạn thiền định. Đến đây thì dễ rồi!

Điều khó khăn là ở giai đoạn Tứ Chánh Cần. Khi mình tu tập tỉnh thức trên Tứ Chánh cần là giai đoạn khó khăn nhất, cực khổ nhất.

Cho nên giai đoạn này mình phải siêng năng, cần mẫn. Khi tâm thanh tịnh rồi thì tự nó định trên thân. Lúc này mình không muốn nó cũng tự biết cái thân đi biết là đi, ngồi biết là ngồi, nằm biết là nằm. Tâm sáng suốt lắm! Đó là tâm Chánh niệm Tỉnh giác trên sáu cái biết của nó.
Trên Tứ Chánh Cần mình cũng Tỉnh giác, “giác” ra để thấy được “Đây là khổ”, “Đây là nguyên nhân của khổ” để mình dùng pháp Như lý Tác ý hướng tâm tác ý để Xả, mình phải làm chủ cái niệm này.

Khi tâm đã ly dục ly ác pháp thì tu tập trên giai đoạn Tứ Niệm Xứ. Lúc này mình Tỉnh thức với mọi hành động trên thân, gọi là Thân Hành Niệm. Khi ấy tâm sáng suốt lắm, sáu căn của mình nó Tỉnh giác, nó biết rất rõ. Nếu trên trạng thái Thân Hành Niệm này mà sáu căn không có Tỉnh giác như vậy là nó sống trong Không tưởng.

Trong bài Kinh Phương Quảng, ngài Xá Lợi Phất dạy: “Khi ý thức thanh tịnh, nếu không có liên hệ đến năm căn thì (hành giả) sẽ sống trong Không tưởng”.

Như vậy, khi ý thức thanh tịnh (tức là ý thức ly dục ly ác pháp) thì lúc này tâm định trên thân. Nhưng nếu không có Chánh niệm Tỉnh giác thì tâm sống trong Không tưởng, đó là thiền Vô Sắc.

Từ lâu nay Phật giáo phát triển không nhìn nhận ra điều này, người ta đã nhầm lẫn nên cố ức chế tâm để tâm rơi vào trạng thái “tĩnh lặng”. Từ đó họ tưởng rằng: trong cái tĩnh lặng đó không có cái gì hết, một trạng thái chỉ là yên lặng, như vậy là rớt vào Không tưởng.

Khi tu tập trên Tứ Niệm Xứ là mình Tỉnh thức trên mọi hành động của thân. Nhưng với điều kiện là sáu căn phải “giác” ra thì tâm mình mới thanh tịnh, mới không bị phóng dật. Nghĩa là trên sáu căn vẫn biết các pháp đang diễn ra như thật nhưng nó không phóng dật, không tương ưng vì dục của mình thanh tịnh rồi. Mình nghe mình biết, mình thấy hết và hoàn toàn làm chủ cái biết, cái thấy ấy nên tâm mình không bị phóng dật, ai làm gì thì làm, mặc kệ, không bám dính theo.

Có ý thức thanh tịnh do mình đã ly dục ly ác pháp rồi, lúc này mình mới ở trên trạng thái Chánh niệm Tỉnh giác. Đó là trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.
Như vậy Chánh niệm Tỉnh thức và Chánh niệm Tỉnh giác có hai giai đoạn để chúng ta tu tập. Khi chúng ta đang còn trên giai đoạn Tứ Chánh Cần thì tu tập Chánh niệm Tỉnh thức Chánh niệm Tỉnh giác.

Trong bài kinh Phương Qu
ảng, ngài tỳ-kheo Dhammadinna nói rằng Định ở đây là Định Tư Cụ tức là Tứ Chánh Cần, là pháp tu ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện.

Trong bài giảng về “Ngũ căn, ngũ lực” Thầy có nói rõ: đức Phật dạy Định căn (phần thứ 3, tín căn, tấn căn và định căn).

Định căn là chỉ cho Định Tư Cụ. Do có Niệm căn, do hàng ngày mình sống trong niệm thiện, từ đó tâm ly dục ly ác pháp. Khi tâm ly dục ly ác pháp thì sáu căn thanh tịnh, khi tâm thanh tịnh đó là Định căn.

Định căn là chỉ cho Định Tư Cụ. Do hàng ngày mình tu tập pháp Tứ Chánh Cần là ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện. Từ đó ba hành động thân, khẩu, ý của mình thanh tịnh. Khi thân, khẩu, ý thanh tịnh thì đó là Định, định của ý thức, định của tâm.

Vì có hai cái Định chúng ta thường nghe Trưởng lão dạy: Định của tâm và Định của thân.

- Tâm định trên thân là Định của Ý thức, định của Sơ thiền, đó là gốc Định.
- Thân định trên tâm là Định của Tứ Thần túc, từ Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền.


Như vậy chúng ta phải hiểu rõ chỗ này để không bị nhầm lẫn. Trong bài kinh Phương Quảng ngài tỳ-kheo Dhammadinna  nói rằng Định ở đây là chỉ cho Định Tư Cụ, là chỉ cho Định căn thuộc giai đoạn tu tập Tứ Chánh Cần để hàng ngày chúng ta Tỉnh thức Chánh niệm Tỉnh giác, sau mới “giác” ra từng tâm niệm tham, sân, si, lậu hoặc của mình và triển khai tri kiến. Mình hiểu rằng: “Đây là khổ”, “Đây là nguyên nhân của khổ”, nếu sống theo nó thì nó làm cho mình đau khổ.

Do hàng ngày Tỉnh thức như vậy rồi, mình dùng pháp Như lý Tác ý để hướng tâm, tác ý làm chủ để không hành động theo nó thì cái nhân quả tham, sân, si từ từ nó muội lược.

Đến đây Thầy nhắc lại, từ trước tới giờ mọi người đều hiểu lầm lạc chỗ này, hết sức lầm lạc. Trong kinh đức Phật dạy rằng: “Với Như lý Tác ý, lậu hoặc chưa sanh thì đừng để cho nó sanh, nó đã sanh rồi thì phải diệt”.

Trưởng lão cũng dạy chúng ta pháp Như lý Tác ý này. Khi có ác pháp đến thì dùng pháp Như lý Tác ý để mình Xả. Nhưng trước khi mình tác ý thì phải “giác” nó ra, phải hiểu ra sự thật thì mới hành động theo. Đó gọi là Như lý Tác ý để mình hành động làm chủ thân.

Khi mình tác ý để làm chủ tâm, để diệt tâm ác, có nghĩa là không hành động ác, mình không theo cái ác tức là diệt ác rồi. Nhờ pháp Như lý Tác ý mà tâm làm chủ, chứ không phải là mình dùng pháp Như lý Tác ý để đuổi nó, diệt nó.

Pháp Như lý Tác ý mình Tác ý để giữ tâm bất động trước các pháp, trước các nhân quả. Khi không hành động theo ác pháp thì nhân quả này tự nó sinh ra, nó sẽ tự diệt.
Nhận rõ ra điều này mới thấy từ trước tới giờ mọi người đã hiểu nhầm phải không?

Đức Phật đã dạy: “Thức ăn của Chánh niệm Tỉnh giác là gì? Đó là Như lý Tác ý.” Mình phải tỉnh giác, phải hiểu được sự thật: “À, đây là niệm bất thiện, đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, nếu mà mình hành động những điều bất thiện này, điều ác này thì sẽ đưa đến đau khổ.” Khi đã giác ra thì mình biết: “Thôi, đừng có theo cái niệm này”. Câu “Đừng có theo cái niệm này” là Như lý Tác ý.

Phật tử hỏi: 


Định căn là Định Tư cụ. Vậy còn Định lực là gì thưa thầy?
Thầy trả lời: 


Định lực ở đây là khi chúng ta đã có Định căn. Chúng ta phải hiểu nó, hiểu sự thật rồi từ nay phải hộ trì nó, phải bất động trước những ác pháp và cảm thọ.

Như Thầy đã nói ở trên, pháp Phật có hai giai đoạn: Khi chúng ta tu tập trên Tứ Chánh Cần thì nhờ sự siêng năng, cần mẫn, hàng ngày chúng ta phải sống với thiện pháp, quyết tâm sống với nó, đừng để cho các ác pháp tác động vào tâm mình. Đó là Định lực.

Định căn là cái hiểu biết để làm chủ tâm. Khi tâm làm chủ thì từ từ muội lược tham, sân, si làm cho tâm thanh tịnh. Đó là Định căn.

Định lực thì chúng ta phải siêng năng, cần mẫn để mình sống với thiện pháp, quyết tâm hộ trì chân lý này. Dù chuyện gì xảy ra mình sống chết với nó, sống chết với giặc sinh tử. Đó là Định lực.

Khi chúng ta tu tập trên Tứ Chánh Cần đòi hỏi phải nhiệt tâm, mình phải có nhiệt huyết mới xả được dục. Đó là Định lực.

Lực này hàng ngày mình huân tập, từ đó tạo ra lực để diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp. Khi trên Tứ Chánh Cần thì chúng ta tu tập như vậy.

Khi tu tập trên Tứ Niệm Xứ, định lực trên Tứ Niệm Xứ là cái định của Tứ Thần túc.

Trước là định lực trên Tứ Chánh Cần của tâm, trên trạng thái ý thức của mình để mình hoàn toàn bất động trước ác pháp và các cảm thọ, còn gọi là tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Đó là định bất động tâm.

Sau là định lực trên Tứ Niệm Xứ, khi đã sung mãn Tứ Niệm Xứ, đầy đủ Bảy Giác chi, Tứ Thần túc thì lúc này hành giả mới dùng Định Như ý túc để nhập các thiền. Định này khác với định của Tứ Chánh Cần. Cũng là Định lực nhưng định này thuộc về định của Tứ Thần túc. Bấy giờ hành giả dùng định Như ý túc để nhập các định lúc nào cũng được; ngồi, nằm, đều được; Như lời Trưởng lão dạy nhập các định “dễ như trở bàn tay, như lấy đồ trong túi”.

Phật tử hỏi: 


Nếu con nhớ không lầm thì có một đoạn trong kinh Nikaya nói về định lực, đại khái như thế này: “Định lực thì phải tìm ở đâu? Trả lời là Định lực phải tìm ở trong Bốn thiền”. Con nghĩ Bốn thiền này nó nằm ở giai đoạn sau Tứ Niệm Xứ. Có nghĩa khi mình có Tứ Thần túc rồi thì lúc đó mình mới sử dụng Định Như ý túc để nhập Bốn thiền. Như vậy khác với giai đoạn ở trên Tứ Chánh Cần, cũng là định lực nhưng định lực này là Định Tư cụ.

Thầy trả lời: 


Đúng! Con đã hiểu chính xác, nó là Định Tư cụ. Nhờ Định Tư cụ mới giúp cho mình ly dục ly ác pháp hoàn toàn. Nếu mình muốn có định lực của Tứ Thần túc mà không có Định Tư cụ thì không thể thực hiện được. Tức là có hai giai đoạn (như đã giảng ở trên), pháp Phật rõ ràng lắm.

Khi mình nghe bài Kinh Thức Ăn là hiểu ngay pháp tu của Phật có từng giai đoạn từ thấp đến cao rất rõ ràng: Sơ thiện, Trung thiện và Hậu thiện. Nếu chúng ta không hiểu chỗ này là chúng ta tu tập không đúng, sẽ bị ức chế tâm.

Phật tử hỏi: 


Bây giờ người ta có một sự nhầm lẫn khi nói về định. Người ta hiểu phải có thiền thì mới có định, nhưng người ta không hiểu pháp của Phật. Thiền Phật dạy là thiền xả tâm ly dục ly ác pháp, nhờ ly dục ly ác pháp mới có định, mà định ở đây như Thầy vừa giảng: Nó có hai giai đoạn:

- Nếu ở trên Tứ Chánh Cần thì là Định Tư Cụ
- Nếu ở trên Tứ Niệm Xứ (sung mãn) thì là Định Như Ý túc (hay Bốn thiền).


Thầy trả lời: 


Đúng! Pháp tu tập thiền xả tâm có hai giai đoạn rõ ràng, dễ hiểu và rất căn bản, Thầy vừa nói ở trên. Từ trước tới giờ người học và tu tập theo Phật hầu hết đã hiểu lầm lạc về pháp này.

Phật tử thưa hỏi:


Pháp Như lý Tác ý Thầy vừa giảng ở trên, nhờ đó mà con mới nhận ra được. Con hiểu ra mục đích Như lý Tác ý là để bảo vệ thân tâm mình chứ không phải mình đuổi đi. Tác ý để gìữ gìn chân lý chứ không phải tác ý để đuổi nhân quả của mình.
Ví dụ: khi nhân quả ác đến mình phải “giác” ra để nhận rõ sự thật “Đây là khổ” và “Đây là nguyên nhân của khổ”. Khi rõ rồi, mình hướng tâm tác ý để không sợ hãi nhân quả này, không làm theo ác pháp kia… để tâm mình bất động trước các pháp chứ không phải mình đuổi.

Từ những bài giảng của Thầy: Giới Hạnh Cư sĩ, Thiền Xả Tâm 1, 2, 3… chúng phật tử trước kia đã nghe Trưởng lão giảng, nhưng nay Thầy giảng lại rõ ràng lắm, sáng tỏ lắm, chỉ có điều là còn thời gian để nghe được hết hay không!

Trước đây, khi nghe đĩa của Trưởng lão thì con có điều thắc mắc. Nay gặp Thầy con xin hỏi để Thầy giải thích. Trưởng lão dạy có hai pháp: pháp đóng sáu căn và pháp mở sáu căn. Chỉ nói vậy thôi nên con không hiểu đóng sáu căn và mở sáu căn là như thế nào? Lúc nào mình cần mở sáu căn, lúc nào mình đóng sáu căn?


Thầy trả lời: 


Ở đây mình phải hiểu cho rõ: đóng sáu căn và mở sáu căn.

Pháp Phật là pháp mở sáu căn. Nếu chúng ta đóng sáu căn lại khi mình chưa ly dục ly ác pháp thì sẽ rớt vào thiền Vô Sắc. Vì lúc này mình chưa có Định Như Ý Túc mà vội đóng sáu căn thì bị ức chế tâm.

Cho nên chúng ta phải nhớ kỹ lời dạy của Trưởng lão, có nhiều người thắc mắc mà họ chưa hiểu ra. Trưởng lão dạy: “Tâm chưa ly dục mà đòi ly ác pháp là ức chế tâm.”

Tâm mình chưa ly dục mà dùng những pháp để đóng sáu căn lại, đó là ức chế tâm. Sáu căn hiện nay của chúng ta còn bị tác động bởi nhân quả rất nhiều, nó chưa muội lược tham, sân, si. Nếu ham đóng sáu căn thì hoặc là rơi vào thiền Vô Sắc hay nặng hơn thì bị điên khùng, tảu hỏa nhập ma.

Hiện nay Phật giáo phát triển (Đại Thừa và Thiền tông, Thiền Minh sát…) đều tu tập các pháp để ức chế như: niệm Phật, niệm chú, sổ tức quan, biết vọng liền buông, thiền công án, quán phồng xẹp… để đóng sáu căn thì đó không phải thiền đạo Phật. Họ nghĩ nương vào các pháp này thì nó giúp tâm mình định được. Họ nói ngồi thiền mà muốn tâm định thì phải có pháp hành đó, nương vào những pháp này để có định.

Nhưng vì không hiểu Định của đạo Phật, họ hiểu một cách hết sức lầm lạc chỗ này, như khi ngồi thiền, muốn có định thì phải nhiếp tâm, an trú tâm bằng pháp sổ tức quan hoặc quán phồng xẹp. Tất cả những pháp đó để nó đóng sáu căn lại thì cho là có định. Họ hiểu rằng định chỉ cho sự tĩnh lặng, chừng nào tâm mình không còn niệm thì nó định. Định này nó diệt ý thức mất rồi.

Mới đây cũng có một vài người hỏi Thầy cái này, Thầy đã trả lời rất rõ. Khi chúng ta đang sống trên giai đoạn ban đầu, còn đang ly dục ly ác pháp thì Phật dạy phải sống Hộ Trì các căn, Chánh niệm Tỉnh giác. Ai tinh ý đọc được kinh Phật thì dễ hiểu.
Đức Phật thường dạy: khi đi kinh hành hoặc ngồi đặt niệm trước mặt để quan sát tâm mình có còn nghĩ đến những gì ở trên đời không; xem tâm mình có còn phiền não không rồi mình dùng pháp Như lý Tác ý để mình làm chủ nó, đừng có chạy theo nó.

Hàng ngày Phật dạy đệ tử của Ngài tu tập Tứ Chánh Cần để ly dục ly ác pháp, từ đó khắc phục những tham ưu thô, những lậu hoặc thô của tham sân si. Nhờ tu tập như vậy, nó giúp tâm mình thanh tịnh dần dần, khi tâm thanh tịnh thì đó là định của tâm. Người ta nhiếc mắng mình, mình không giận, không phiền não. Đó là định.

Trước những cảm thọ và ác pháp đến, nó không tác động vào thân tâm của mình được. Đó là định của tâm, tâm mình bất động trước ác pháp và các cảm thọ. Do chúng ta tu tập pháp này mà nó xả đi những dục tham, sân, si.

Còn những pháp như: Định Niệm Hơi Thở, Thân Hành Niệm, Tứ Niệm Xứ là những pháp ngày xưa đức Phật sau khi xem xét đặc tướng của mỗi vị đệ tử; xem vị này đã ly dục ly ác pháp chưa; tâm đã thanh tịnh chưa; rồi đức Phật mới dạy phương pháp hành trì là Định Niệm Hơi Thở để tỉnh thức trên mọi hành động, để khắc phục những ưu phiền vi tế, để sung mãn Tứ Niệm Xứ, Bảy Giác chi, Tứ Thần túc.

Nói chung những pháp tu Định Niệm Hơi Thở, Thân Hành Niệm, Tứ Niệm Xứ là những pháp tu tập Tỉnh Thức trên mọi hành động nhằm để khắc phục những ưu phiền vi tế. Khi khắc phục đến đâu thì lần lượt Bảy Giác chi xuất hiện, rồi Tứ Thần túc xuất hiện.

Theo đó đức Phật dạy: “Thức ăn của Bảy Giác chi là gì? Đó là Tứ Niệm Xứ” hoặc Thân Hành Niệm hay Định Niệm Hơi Thở, nó là thức ăn của Bảy Giác chi. Tu tập đến đây (tâm đã ly dục ly ác pháp) thì hành giả mới ở trên mấy pháp này tu tập để rèn luyện thần lực. Nhờ đó mới sung mãn Bảy Giác chi và Tứ Thần túc rồi mới nhập Bốn thiền hướng đến Tam Minh.

Bây giờ mình tu tập chưa ly dục ly ác pháp mà hàng ngày vội nương vào những pháp này để tu thì không ngờ là mình diệt ý thức, nguy hiểm lắm. Bởi Ý thức của mình là trí tuệ. Những niệm tham, sân, si của mình là cái hiểu biết gọi là ý thức.

Cho nên, khi mình sống, nếu tham, sân, si còn thì nó sẽ tác động trên ý thức. Nếu ý thức này vô minh, không có trí tuệ thì nó chạy theo cái dục rồi nó hành động. Khi hành động theo dục thì từ đó tạo nên nghiệp lực nhân quả để mà đau khổ, từ đó mới có duyên hợp để tái sinh mãi mãi.

Cho nên, khi ý thức mình còn Vô minh, không hiểu biết về nhân quả, về sự vô thường của các pháp nên mình duyên theo nghiệp lực nhân quả và hành động theo nó. Do hành động theo mà tạo nên thế giới đau khổ cho mình.

Khi ý thức mình có Minh, có trí tuệ rồi, khi các niệm ác, niệm bất thiện khởi lên thì mình “giác” nó ra, nhận rõ sự thật, mình không hành động theo nó thì khổ đau chấm dứt.
Vì lẽ đó mà đức Phật dạy: “Đạo đế là con đường đưa đến Diệt đế”. Nếu mình không có Đạo đế, không có Bát Chánh đạo thì không có cách nào để diệt được tâm ác, nguyên nhân gây ra mọi điều đau khổ cho mình.

Vì vậy ý thức của mình quan trọng lắm. Nó là trí tuệ. Khi Vô minh thì mình sống trong tà kiến, tà tư duy; từ đó mình hành động theo nghiệp. Nếu có Minh, có trí tuệ, có sự hiểu biết thì ý thức làm chủ các niệm.

Vi dụ: Có một niệm ác, niệm phiền não vừa khởi lên, mình hiểu rằng: “Đây là nhân quả của tôi do nhiều đời vì vô minh tôi đã tạo nên những điều bất thiện; bây giờ gặp duyên tương ưng thì quả trổ”.

Đức Phật đã dạy rất rõ: “Chúng sinh sinh ra từ nhân quả, sống trong nhân quả, chết trở về nhân quả”. Như vậy, khi mình đang thọ quả báo là do mình đã tạo ra (ở hiện tại hoặc trong quá khứ), và khi hiểu được sự thật “đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ” thì ý thức mình làm chủ, nó dùng pháp Tác ý làm chủ và không hành động theo điều bất thiện nữa, từ đó mới diệt ác. Đó là Chân lý thứ ba: Diệt đế.

Khi mình đã thấy sự thật này rồi, mình không hành động theo nó. Đó là Diệt đế.

Để hiểu biết được sự thật này từ đâu mà có, đó là ý thức của mình. Nếu ý thức mình có Minh, có trí tuệ thì mới làm chủ được dục, làm chủ tâm tham, sân, si. Chính vì lẽ đó mà trong kinh Pháp Cú đức Phật dạy: “Ý làm chủ, ý tạo tác, ý dẫn đầu các pháp”.

Nhờ ý thức mới tu tập được, nhờ ý thức mới nhắc tâm mình hướng về chân lý Diệt đế được. Nếu không có ý thức thì mình sẽ bị vô minh, vì không có ý thức thì không có pháp hành.

So với các loài thú, con người và con thú đều có thân ngũ uẩn giống nhau, cũng có sắc, thọ, tưởng, hành, thức giống nhau. Nhưng điều đặc biệt khác các loài thú là con người có ý thức, con người có ý thức thì mới có pháp hành.

Đức Phật có nói những loài thú – còn gọi là bàng sanh – chỉ cho những loài bốn chân thì nó không có pháp hành vì nó không có ý thức. Còn con người có ý thức, nhờ có ý thức con người mới làm chủ được tâm của mình. Nhưng ý thức con người phải được soi sáng bởi Minh, bởi trí tuệ của đức Phật: trí Lậu Tận Minh.

Hiện nay chúng ta nhờ trí tuệ Lậu tận minh của Phật mới tu tập giải thoát được, và ngày xưa các đệ tử của đức Phật cũng nhờ trí tuệ Lậu tận minh này mới đưa đến diệt ngã xả tâm, ly dục ly bất thiện pháp.

Trí tuệ Lậu tận minh là gì?
Đó là sự hiểu biết về sự sinh diệt của các pháp, hiểu biết về nhân quả, hiểu biết về sự vô thường, sự giả tạo của các pháp. Đó là trí tuệ Lậu tận minh.

Trí Lậu tận minh đức Phật đã dạy hết cho chúng ta, Ngài đã chỉ cho chúng ta sự thật này rồi. Vì vậy hàng ngày chúng ta phải dùng ý thức để tu tập thì mới ly dục ly ác pháp được.

Từ trước tới giờ, do không hiểu rõ chỗ này nên người ta tu những pháp ức chế ý thức.
Cứ niệm gì khởi lên là bỏ ngang (buông), niệm thiện khởi lên: bỏ; niệm ác cũng bỏ; niệm gì họ cũng gạt đi hết.

Trong khi đức Phật đã dạy “vô minh là gì?” Vô minh có nghĩa là người này không biết “Đây là khổ”, không biết “Đây là nguyên nhân của khổ”, không biết “Đây là trạng thái khổ Diệt và Con đường đưa đến Diệt khổ”. Đó là Vô minh.

Như vậy, hàng ngày trước mọi hoàn cảnh, nghiệp lực nhân quả, các pháp đang chi phối, tác động; chúng ta không có ý thức hiểu rõ sự thật của nó: “Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là trạng thái diệt khổ và con đường đưa đến diệt khổ”. Đó là Vô minh. Cho nên từ trước tới giờ người ta tu pháp diệt ý thức là diệt trí tuệ luôn.

Ý thức mình là trí tuệ. Trí tuệ do đức Phật đã dạy cho chúng ta rõ ràng: Đó là Lậu tận minh.

Khi có các niệm gì đến thì chúng ta hiểu nó như thật: Đây là nhân quả của mình, do trước đó vì vô minh mình đã tạo; Bây giờ mình biết rồi, mình không hành động theo điều bất thiện này nữa. Rồi mình dùng pháp Như lý Tác ý làm chủ nó.

Khi làm chủ nó, mình không hành động theo nó. Đó là Chân lý thứ ba: Diệt đế.

Pháp Phật quá cụ thể! Hết sức thiết thực và cụ thể. Nhờ tu tập như vậy mà lần lượt tham, sân, si của mình từ từ nó diệt.


Nguồn: Giotnangchonnhu.org

No comments:

Post a Comment