A - Nãy mẹ em bảo, có bà có người con tuổi hợi, bảo tuổi này và tuổi mùi hợp nhau lắm. Nó cũng ăn chay một phần. May mà có câu đó, em mới bám vào đó mà nói, không thì không biết nói gì.
Em bảo mẹ em là: bảo bà ý bảo con bà ý bao giờ ăn chay toàn phần được thì hãy đến gặp con. Nói chung mẹ em vẫn chưa từ bỏ (tìm người giới thiệu cho em). Chỉ là không có người muốn giới thiệu nên im ắng thế thôi.
B - (vui) Hôm sau, người ta ăn được thì bảo là: khi nào sống mà người khác chửi không buồn, không phiền, không phẩn nộ, không oán trách … thì đến đây gặp con.
LỜI BÀN
"Nói chung mẹ em vẫn chưa từ bỏ (tìm người giới thiệu cho em). Chỉ là không có người muốn giới thiệu nên im ắng thế thôi." <=== THAM TÙY MIÊN, lòng tham kéo dài ngày này qua ngày khác, không thôi, không dứt.
Do lòng tham (muốn con lấy chồng/vợ) nên tâm người mẹ không có chút thảnh thơi, an lạc. Nếu buông bỏ được niệm tham này thì sẽ thảnh thơi, an vui, không có bất toại nguyện.
Muốn mà không được nên là bất toại nguyện khổ (tâm sân).
Sở dĩ có tham (muốn con lấy chồng/vợ) và sân (không được nên bất như ý) là do tâm SI. Do bị màn vô minh ngăn che không thấy khổ - nguyên nhân của khổ - trạng thái tâm hết khổ - và cách xả tâm khổ. Do không có Chánh kiến về cuộc đời gia đình đầy những triền phược, trói buộc, khổ đau, sinh tử luân hồi.
Cha mẹ muốn con cái có chồng/vợ, nhưng khi người con đã hiểu về cuộc đời là khổ, gia đình là trói buộc,... mà muốn con có gia đình là làm khổ con.
Sự dính mắc (kiết sử) giữa thành viên trong gia đình rất lớn lao, dính mắc vào việc của người này, người kia; dính mắc vào lời ăn tiếng nói của người này, người kia, v.v.. Để ĐỐT CHÁY những sợi dây dính mắc đó, cần phải được trau dồi CHÁNH KIẾN, trau dồi pháp như lý tác ý, trau dồi pháp tỉnh thức để đoạn trừ, làm muội lược các trói buộc dần dần.
Chúng ta vẫn sống trong gia đình, nhưng các kiết sử này phải được cắt bằng trí tuệ. Nếu không có dính mắc là giải thoát.
Ai có duyên xuất gia thì sẽ thuận lợi hơn trong việc hộ trì tâm thanh thản, an lạc, vì không có duyên sanh y (không phải lo chuyện gia đình, cơm nước, mưu sinh....) sẽ dễ xả hơn.
Hạnh phúc và bình an là khi không phải vướng bận những chuyện gia đình. Bởi có gia đình đó là sự trói buộc lớn lao. Nếu ở cùng một người không còn phiền não thì cũng đỡ, còn ở bên người nhiều phiền não, nhiều bệnh tham, sân si thì càng ngày càng khổ hơn. Thử nhìn xem người ta có chồng, vợ, con cái rồi thì có bao nhiêu thời gian để rảnh rỗi đọc bài kinh Nikaya, nghe bài Pháp hay đến gặp những bậc thầy thanh tịnh thưa hỏi giáo Pháp.
Đó là người Phật tử, có Pháp rồi mà còn cuốn vào dòng nghiệp lực như vậy, còn người chưa có sự thức tỉnh làm sao mà tránh khỏi phiền não cho nhau. Mà những nghiệp phiền não này thúc đẩy đi tái sanh muôn kiếp.
Ý nghĩa của cuộc đời không phải trói buộc trong giới hạn phải có gia đình, mà ý nghĩa của cuộc đời là sống mỗi ngày an vui, thanh thản, hướng đến vượt ra sự trói buộc của THÂN KIẾN, NGHI, GIỚI CẤM THỦ, THAM, SÂN để chấm dứt tái sanh ngay kiếp này.
Cuộc sống là sự lựa chọn, chọn cách sống thoát ra khỏi khổ đau ở hiện đời và chấm dứt tái sanh đó mới đích thực ý nghĩa.
"Ai sống trong đời này
Ái dục được hàng phục
Sầu rơi khỏi người ấy
Như giọt nước lá sen."
(Kinh Pháp cú)
Buổi sáng, 01/06/2020
No comments:
Post a Comment