Friday, February 15, 2013

Chánh Mạng là gì?


Chánh Mạng là nẻo tu tập thứ năm còn gọi là lớp tu học thứ năm của Đạo Đế. Vậy Chánh Mạng là gì?
Chánh Mạng là mạng sống chân chánh của con người, là sự sống của cơ thể không huân tập vào thân những sự khổ đau của kẻ khác và của tất cả chúng sanh.
Chánh Mạng là nuôi sống thân mạng bằng những nghề nghiệp chân chánh tức là những nghề nghiệp lương thiện không tạo việc làm ác để nuôi thân mạng.
Chánh Mạng còn có nghĩa là sống đúng chánh pháp, không mê tín dị đoan, không sống trong tưởng giải, ảo giác, mơ hồ, trừu tượng.
Chánh Mạng còn có nghĩa là sống không chạy theo dục vọng và các ác pháp về ăn uống. Chúng ta hãy nghe đức Phật dạy: “Này chư Hiền, có bốn loại thức ăn này, khiến cho các loài chúng sanh đã sanh được an trú hay các loài hữu tình sẽ sanh được hộ trợ cho sanh. Thế nào là bốn?
1/ Đoàn thực loại thô hay loại tế.
2/ Xúc thực.
3/ Tư niệm thực.
4/ Thức thực.
Từ tập khởi của ái có tập khởi của thức ăn, từ đoạn diệt của ái có đoạn diệt của thức ăn. Thánh Đạo Tám Ngành này là con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn, tức là: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm, Chánh Định. Này chư Hiền khi nào Thánh đệ tử tuệ tri thức ăn như vậy, tuệ tri tập khởi thức ăn như vậy,tuệ tri đoạn diệt của thức ăn như vậy, tuệ tri con đường đưa đến đoạn diệt của thức ăn như vậy, vị ấy đoạn trừ tất cả tham tùy miên, tẩy sạch sân tùy miên, nhổ tận gốc kiến mạng tùy miên “Tôi là”, đoạn trừ vô minh, khiến minh sanh khởi, diệt tận gốc khổ đau ngay trong hiện tại. Này chư Hiền, như vậy Thánh đệ tử có Chánh Tri Kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này”.
Trên đây là lời dạy của đức Phật chúng ta nên lưu ý câu này “Từ tập khởi của ái có tập khởi của thức ăn, từ đoạn diệt của ái có đoạn diệt của thức ăn”. Chúng ta đảo ngược câu nói này lại, chúng ta có một pháp hành rất cụ thể “Từ tập khởi của thức ăn, có tập khởi của ái, từ đoạn diệt thức ăn, có đoạn diệt của ái”.
Cho nên, người tu học lớp Chánh Mạng tức là nuôi mạng sống thì không nên tập khởi theo ăn uống, vì chạy theo ăn uống tức là nuôi Tà Mạng, nuôi Tà Mạng tức là tập khởi thức ăn, tập khởi thức ăn tức là tập khởi ái dục. Ngược lại, ăn ngày một bữa để sống, tức là nuôi Chánh Mạng, còn người tu sĩ mà ăn hai ba bữa trong một ngày thì đó là nuôi Tà Mạng, nuôi Tà Mạng thì tâm dục sanh, bằng chứng quý vị cứ suy ngẫm lời đức Phật dạy có đúng không? Quý vị nên lấy đời sống của mình làm thí điểm thì sẽ thấy rất rõ ràng.
Một chúng sanh, phải thọ thực bằng bốn cách nuôi sống thân mạng như trên đức Phật đã dạy, nhưng người tu theo Bát Chánh Đạo, thực hiện lớp Chánh Mạng thì chỉ dùng có Đoàn thực dù thô hay tế để đủ nuôi sống thân mạng mà thôi, còn Xúc thực, Tư niệm thực và Thức thực thì ngăn chặn và đoạn dứt, không nên dùng ba cách thức ăn uống này, vì ba cách thức ăn uống này sanh ra dục như lời dạy ở trên “ăn uống tập khởi thì dục tập khởi”.
Người tu theo đạo Phật nên lưu ý: chúng ta là những người đến với đạo Phật là đi tìm sự giải thoát, làm chủ sự sống chết và luân hồi, chứ không phải đi tìm ăn uống hay tìm danh lợi hoặc tìm thần thông phép thuật, tàng hình biến hóa, v.v..
Chúng ta đến với đạo Phật là đi tìm sự làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người sanh, già, bệnh, chết chứ không phải ngồi thiền nhập định năm bảy ngày hoặc một tháng hai tháng hoặc chết để lại nhục thân hoặc tiếp tục tái sanh luân hồi làm Bồ Tát, để rồi vừa sanh ra là nhớ lại được tiền kiếp của mình. Chúng ta tu hành không có mục đích đó, nên chúng ta phải sống đúng những lời dạy trong Bát Chánh Đạo, vì lẽ đó chúng ta phải sống đúng Chánh Mạng, ăn ngày một bữa, đủ sống để nuôi thân, ăn không cần ngon, không cần thích, không cần tưởng.
Trong đạo Phật dạy có bốn cách nuôi Tà Mạng, người tu sĩ chân chánh của đạo Phật thì phải tránh bốn cách nuôi mạng sống không chân chánh này:
1/ Hạ khẩu thực, tức là đi khất thực phi thời và ăn uống phi thời, hạng tu sĩ này là những người nuôi Tà Mạng, nuôi Tà Mạng thì dù họ có tu pháp môn nào thì cũng tu tà pháp mà thôi.
Bởi Đạo Đế là con đường chân lý chắc thật của đạo Phật, nếu người nào tu đúng đường lối đó thì sẽ có giải thoát ngay liền, thế mà người tu nuôi mạng sống bằng Tà Mạng thì làm sao tìm giải thoát được.
2/ Ngưỡng khẩu thực, có nghĩa là không giữ gìn phạm hạnh đi xin ăn, mà lại đi làm nghề xem thiên văn như: nhìn xem hiện tượng trăng sao, đoán thời tiết, bói khoa, tiên tri chuyện quá khứ vị lai cho người, hoặc xem ngày giờ tốt xấu cất nhà cửa, xây mồ mả, dựng vợ gả chồng, coi sao hạn để rồi cúng sao giải hạn để cắt giá ăn tiền hoặc trao đổi sự cúng dường, đó là hành những nghề mê tín lường gạt người để nuôi sống Tà Mạng. Trong Trường Bộ Kinh, đức Phật dạy:“Như sắp đặt ngày lành để rước dâu hay rể, lựa ngày giờ tốt để hòa giải, lựa ngày giờ tốt để chia rẽ, lựa ngày giờ tốt để đòi nợ, lựa ngày giờ tốt để cho mượn hay tiêu tiền, dùng bùa chú để giúp người được may mắn, dùng bùa chú để khiến người bị rủi ro, dùng bùa chú để phá thai, dùng bùa chú để làm cóng lưỡi, dùng bùa chú khiến quai hàm không cử động, dùngbùa chú khiến cho người phải bỏ tay xuống, dùng bùa chú khiến cho tai bị điếc, hỏi gương soi, hỏi đồng cốt, hỏi Thiên Thần để biết họa phước, thờ Mặt Trời, thờ Thổ Địa, thờ Thần Tài Siri. Còn Sa Môn Gotama tránh xa các tà mạng kể trên”.(Kinh Phạm Võng trang 27 trong Trường Bộ Kinh tập 1 thuộc tạng kinh Nikaya).
Đức Phật chấp nhận cho người tu sĩ chỉ có một cái nghề duy nhất, đó là đi khất thực, ngoài ra các nghề khác, bất cứ một nghề nào đức Phật cũng không chấp nhận, vì mọi nghề khác đều nuôi thân mạng không chân chánh. Tại sao vậy?
Tại vì tất cả mọi nghề khác làm ra tiền để sống thì không thể nào xả tâm tham, sân, si được. Đạo Phật vốn là đạo buông xả sạch vật chất thế gian, vì thế còn làm ra tiền là còn nuôi dưỡng tâm tham dục, còn làm tất cả các nghề khác là còn vật sở hữu, dù là vật sở hữu có một chút vẫn không xả hết tâm dục và ác pháp.
Lớp tu tập về Chánh Mạng quý vị nên lưu ý: nó là một chân lý để tu tập đi đến giải thoát, thế mà một người đi tìm đạo giải thoát mà tu hành không đúng pháp tức là sống nuôi Tà Mạng, không đúng Chánh Mạng thì quý vị nghĩ sao? Họ có giải thoát được không? Chắc hẳn là không, phải không quý vị?
Quý vị Tu Định Vô Lậu câu hữu Tứ Diệu Đế, thì thấy rất rõ sự tu tập có giải thoát ngay liền và sự tu tập không có mệt nhọc, không có khó khăn gì cả, chỉ cần sống đúng những lời dạy này, tức là hằng ngày quý vị áp dụng vào Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Mạng, chỉ trong năm lớp tu học này thì quý vị cũng cảm thấy tâm bất động trước các pháp và luôn luôn lúc nào quý vị cũng sống trong thiện pháp đúng đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Đó là chân hạnh phúc của loài người trên hành tinh này.
Khi giảng Tứ Diệu Đế đến đây, chúng tôi cảm nhận bốn chân lý của đạo Phật thật là tuyệt vời, đúng là bốn chân lý của loài người. Một chương trình giáo dục đào tạo những bậc vô lậu chứng Thánh quả A La Hán.
Đạo Đế là một pháp môn giải thoát vi diệu mầu nhiệm, nhưng tại sao các bậc Thầy Tổ của chúng ta lại không thấy nó là một chân lý chân thật, một pháp môn giải thoát bốn sự đau khổ của kiếp người và chấm dứt luân hồi sanh tử mà không thể có một pháp môn nào hơn được, một pháp môn sống an lạc thanh thản và vô sự giải thoát cụ thể, thiết thực, lợi ích cho mình, cho người rất rõ ràng. Pháp thiết thực, cụ thể như vậy mà Thầy Tổ của chúng ta lại dạy những pháp mơ hồ, trừu tượng như: Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông, chúng ta tu tập chết người mà tâm tham, sân, si vẫn còn và nhiều khi còn mạnh hơn, những pháp môn này tu tập mãi chúng ta rơi vào cửa danh, cửa lợi khiến chúng ta chết chìm trong danh lợi của thế gian như: ăn uống, quần áo, xe cộ, ti vi, tủ lạnh, chùa to Phật lớn, v.v..
Chánh Nghiệp của đạo Phật dạy là như vậy mà Thầy Tổ của chúng ta biến chúng ta thành những người hành nghề nghiệp ác, mê tín lừa đảo, lường gạt người, khiến chúng ta mất cả lương tri Chánh Nghiệp của đạo Phật thật là đau lòng.
Còn năm lớp trong Bát Chánh Đạo chỉ cho chúng ta thấy rất rõ ràng các pháp, tức là các đối tượng đến với chúng ta thì ngay đó, chúng ta thấy biết liền chúng là ác pháp hay là thiện pháp, đó là chúng ta đang thấy chúng bằng Chánh Kiến, nếu Chánh Kiến không nhận ra chúng thiện hay ác được thì liền ngay đó chúng ta dùng Chánh Tư Duy, Chánh Tư Duy giúp chúng ta thông suốt ác pháp hay là thiện pháp. Khi đã biết rõ ràng, chúng ta mới dùng Chánh Ngữ thì lời nói của chúng ta không làm khổ mình, khổ người. Không làm khổ mình, khổ người, tức là chúng ta ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp tức là chúng ta sống đúng Chánh Nghiệp, sống đúng Chánh Nghiệp tức là hành động thân, miệng, ý toàn thiện, có nghĩa là không còn làm khổ mình, khổ người nữa. Không làm khổ mình, khổ người nữa, tức là sống đúng Chánh Mạng, sống đúng Chánh Mạng thì chỉ còn có đi xin ăn mà thôi.
Kết quả của năm lớp này đưa chúng ta đi đến con đường giải thoát thực tế cụ thể, hiện tại không có thời gian, nếu chúng ta là những người đã từng lăn lộn trong cuộc sống bảy nổi ba chìm thì làm sao không thấy đời là khổ, thật sự đời người sanh ra là khổ, khổ đủ mọi mặt và khi nghĩ như vậy chúng ta rất ngao ngán và chán chường cho kiếp sống của con người. Con người sanh ra để làm gì? Kết cuộc rồi cũng chẳng có gì, chỉ là một trò ảo ảnh. Nếu xét đi xét lại hết một kiếp người chỉ có bon chen vật lộn với cái ăn, cái mặc, cái ở cuối cùng cũng chẳng có nghĩa lý gì cả, lớp người trước chết mất đi, lớp người sau thừa kế cũng như vậy và cứ như vậy mãi mãi muôn đời muôn kiếp vô vị chẳng có nghĩa lý gì! Ôi thật là một trò huyễn mộng của kiếp người.
(Trưởng lão Thích Thông Lạc. Đường Về Xứ Phật, tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2010)

No comments:

Post a Comment