Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống ĐỊA GIỚI HÀNH nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của địa giới hành là gì?
Giới đức địa giới hành là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh Nghiệp.
Giới hạnh địa giới hành là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua những hành động như đất khi nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh nghiệp.
Địa giới hành nghĩa là gì?
Địa giới hành có nghĩa là hành động như đất. Người tu theo Phật phải giữ gìn tâm mình như đất. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy La Hầu La giữ gìn tâm như đất:
“Vào một buổi chiều sau khi từ thiền định đứng dậy đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Tôn giả La Hầu La bạch Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn! niệm hơi thở ra hơi thở vô được tu tập như thế nào? Làm cho sung mãn như thế nào để được quả lớn, lợi ích lớn?”.
Trong khi được hỏi như vậy đức Phật không trực tiếp trả lời về hơi thở mà lại trả lời nghe như không ăn nhập gì với câu hỏi. Nếu các bạn không bền lòng, bền chí ngồi nghe hết bài pháp thì chắc chắn các bạn sẽ không hiểu bài pháp này chút nào cả. Vì bài pháp này có nhiều giới chứ không phải có một giới đất không, mà hơi thở ra, vô cũng là một giới hành đấy các bạn ạ!
Địa Giới Hành Đức Thánh Sa Di. Muốn thực hiện địa giới hành đức Thánh Tăng, Thánh Ni, Thánh Sa Di thì phải thực hiện theo những lời dạy dưới đây:
“Này La Hầu La cái gì thuộc về nội thân, thuộc về cá nhân, kiên cứng thô phù, bị chấp thủ như tóc, lông, móng, răng, da thịt, gân, xương, tuỷ, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, ruột, màng ruột, bao tử, phân và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân như vậy, này La Hầu La được gọi là nội địa giới, những gì thuộc nội địa giới và những gì thuộc địa ngoại giới đều thuộc về địa giới. Địa giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta”, sau khi thật quán sát địa giới với chánh trí tuệ như vậy thì con sẽ sanh yểm ly đối với địa giới, tâm từ bỏ địa giới”.
Qua những lời dạy của đức Phật trên đây, chúng ta nhận xét về lời dạy này đâu có liên quan đến hơi thở vô, hơi thở ra phải không các bạn?
Thưa các bạn! Các bạn nên đọc lại đoạn kinh dưới đây thì rõ: “Này các Tỳ Kheo, nếu các Tỳ Kheo muốn rằng các niệm tư duy được đoạn tận thì định niệm hơi thở vô hơi thở ra này phải được khéo tác ý”. Các bạn hiểu rõ lời dạy này chứ.
Theo lời dạy trên đây chúng ta cần phải nương theo hơi thở vô và hơi thở ra để tu tập giới đất, nhờ nương theo hơi thở vô và hơi thở ra nên tâm ta được an trú và tĩnh lặng; khi tâm được an trú và tĩnh lặng thì ta đưa đề tài địa giới quán sát với chánh trí tuệ của mình. Vì thế ông Xá Lợi Phất khi thấy La Hầu La chuyên tâm tu tập nên cố ý nhắc khéo: “Này La Hầu La hãy tu tập niệm hơi thở vô, hơi thở ra, làm cho sung mãn được quả lớn, được lợi ích lớn”.
Do lời nhắc khéo này, nên La Hầu La đến thưa hỏi Phật. Và bây giờ chúng ta mới có những bài giới hành để học và tu tập với pháp môn hơi thở.
Theo những đề tài tu tập nào cũng phải nương vào hơi thở vô và hơi thở ra thì ta mới có đề tài quán tác ý theo hơi thở tu tập theo Giới hành.
Ví dụ: Khi ta quan sát địa giới, không phải là của ta, là ta, là bản ngã của ta thì chúng ta không cần quan sát nữa mà cứ theo định niệm hơi thở này khéo tac ý như lời dạy trong kinh.
Chúng tôi cho một ví dụ để các bạn tu tập sau khi quán sát một pháp nào như thật với chánh trí tuệ. Ví như có một người cha vừa mới mất khiến tâm ta đau khổ, nhớ thương, ta nên đưa đề tài này ra quán xét và tư duy: “Thân tứ đại của cha ta là do duyên hợp, nó là dụng cụ của nhân quả chứ nó đâu phải là thân của cha ta, cớ sao ta lại ngu si như vậy, lầm chấp nó là thân của cha ta, lại đi khóc cái thân nô lệ của nhân quả, có ích lợi gì cho ta, cho mọi người”. Đó là cách thức tư duy quán xét dùng tri kiến để xả tâm ly dục ly ác pháp. Còn quán thân này “không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra” đó là phương pháp thực hành vô ngã của địa giới hành mà ông Xá Lợi Phất khéo nhắc nhở La Hầu La đấy các bạn ạ!
Xin nhắc lại câu trên: “địa giới này không phải là của ta, không phải là ta, không phải bản ngã của ta, hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Đây là câu Trạch Pháp Giác Chi dùng để tác ý kết hợp với hơi thở, biến thành một pháp môn độc đáo tuyệt vời. Chúng ta cứ theo câu tác ý này và nương vào hơi thở vô, hơi thở ra khéo tu tập như vậy thì kết quả sẽ mang đến vô ngã như thật. Trên đây là địa giới hành thứ sáu tu tập tâm vô ngã các bạn nên ghi nhớ.
No comments:
Post a Comment