1) Như vầy tôi nghe.
Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi (Xá-vệ), Jetavana (Thắng
Lâm), tại vườn ông Anàthapindika (Cấp Cô Ðộc).
2) Ở đấy Thế Tôn gọi các Tỷ-kheo: "Này các
Tỷ-kheo". "Thưa vâng, bạch Thế Tôn". Các
Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn.
3) Thế Tôn nói như sau:
-- Này các Tỷ-kheo, các Tỷ-kheo tư lường, phải tư
lường như thế nào để chơn chánh diệt khổ một cách trọn vẹn?
-- Bạch Thế Tôn, các pháp lấy Thế Tôn làm căn bản, lấy
Thế Tôn làm lãnh đạo, lấy Thế Tôn làm điểm tựa. Lành thay, bạch
Thế Tôn, nếu Thế Tôn nói lên ý nghĩa của lời nói này. Sau khi
nghe Thế Tôn thuyết giảng, các Tỷ-kheo sẽ thọ trì.
4) -- Vậy này các Tỷ-kheo, hãy nghe và khéo suy nghiệm, Ta
sẽ nói.
-- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như
sau:
5) -- Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Tỷ-kheo đang tư
lường, tư lường như sau: "Sự đau khổ nhiều loại và đa dạng này
khởi lên trên đời như già và chết; sự đau khổ này lấy gì làm nhân,
lấy gì tập khởi, lấy gì tác sanh, lấy gì làm hiện hữu? Do cái gì có
mặt, già chết hiện hữu? Do cái gì không có mặt, già chết không
hiện hữu?"
6) Tư lường như vậy, vị ấy biết như sau: "Sự đau khổ
nhiều loại và đa dạng này khởi lên trên đời như già và chết, sự
đau khổ này lấy sanh làm nhân, lấy sanh làm tập khởi, lấy sanh làm tác sanh,
lấy sanh làm hiện hữu. Do sanh có mặt, già chết hiện hữu. Do sanh
không có mặt, già chết không hiện hữu".
7) Và vị ấy biết già chết, biết già chết tập
khởi, biết già chết đoạn diệt, và vị ấy biết con đường
thích ứng đưa đến già chết đoạn diệt. Do thực hành như vậy, vị
ấy trở thành vị Tùy pháp hành.
8) Này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị Tỷ-kheo
đã thực hành một cách trọn vẹn để chơn chánh đoạn tận khổ đau và
đoạn diệt già chết.
9) Tư lường thêm nữa, vị ấy tư lường như sau: "Còn hữu
này, do cái gì làm nhân? Còn thủ này, do cái gì làm nhân? Còn ái này, do
cái gì làm nhân? Còn thọ này, do cái gì làm nhân? Còn xúc này... Còn
sáu xứ này... Còn danh sắc này... Còn thức này... Còn các hành này, do cái
gì làm nhân, cái gì tập khởi, cái gì tác sanh, cái gì làm hiện hữu? Do
cái gì có mặt, các hành hiện hữu? Do cái gì không có mặt các hành
không hiện hữu?"
10) Tư lường như vậy, vị ấy biết như sau: "Các hành
lấy vô minh làm nhân, lấy vô minh làm tập khởi, lấy vô minh làm tác sanh,
lấy vô minh làm hiện hữu. Do vô minh có mặt, các hành hiện hữu. Do vô
minh không có mặt, các hành không hiện hữu".
11) Và vị ấy biết các hành, biết các hành tập khởi,
biết các hành đoạn diệt, và vị ấy biết con đường thích ứng
đưa đến các hành đoạn diệt. Do thực hành như vậy, vị ấy trở thành
vị Tùy pháp hành. Này các Tỷ-kheo, vị ấy được gọi là vị
Tỷ-kheo đã thực hành một cách trọn vẹn để chơn chánh đoạn tận
khổ đau và đoạn diệt các hành.
12) Này các Tỷ-kheo, nếu người nào bị vô minh chi phối,
dự tính làm phước hành, thức (của người ấy) đi đến phước. Nếu
người ấy dự tính làm phi phước hành, thức (của người ấy) đi đến phi
phước. Nếu người ấy dự tính làm bất động hành, thức (của người ấy)
đi đến bất động.
13) Này các Tỷ-kheo, khi nào vị Tỷ-kheo đoạn tận vô
minh, minh được sanh khởi. Vị ấy do vô minh đoạn tận, minh sanh khởi, không
dự tính làm phước hành, không dự tính làm phi phước hành, không dự tính
làm bất động hành.
14) Không có dự tính, không có dụng ý, vị ấy không chấp
thủ một sự gì ở đời. Không chấp thủ, vị ấy không sợ hãi. Không sợ hãi,
vị ấy hoàn toàn tịch tịnh. Vị ấy biết rõ: "Sanh đã tận, Phạm hạnh
đã thành, những việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này
nữa".
15) Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, vị ấy biết lạc
thọ ấy vô thường, vị ấy biết không nên tham đắm, vị ấy biết
không nên hoan hỷ. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, vị ấy biết
khổ thọ vô thường, vị ấy biết không nên tham đắm, vị ấy biết
không nên hoan hỷ. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất lạc thọ, vị
ấy biết thọ ấy vô thường, vị ấy biết không nên tham đắm, vị ấy
biết không nên hoan hỷ.
16) Nếu vị ấy cảm giác lạc thọ, thọ ấy được cảm
giác với niệm thoát ly. Nếu vị ấy cảm giác khổ thọ, thọ ấy
được cảm giác với niệm thoát ly. Nếu vị ấy cảm giác bất khổ bất
lạc thọ, thọ ấy được cảm giác với niệm thoát ly (visannutto).
17) Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân, vị
ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của thân". Khi vị
ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng, vị ấy biết: "Ta
cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh mạng". Vị ấy biết:
"Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây tất cả những cảm thọ không làm
cho có hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lặng, cái thân được bỏ qua một
bên".
18) Này các Tỷ-kheo, ví như một người từ trong lò nung của
người thợ gốm lấy ra một cái ghè nóng và đặt trên một khoảng đất bằng
phẳng để sức nóng ở đấy được nguội dần, và các miếng sành vụn
được gạt bỏ một bên. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, khi cảm giác một cảm
thọ tận cùng của thân, vị ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ
tận cùng của thân". Khi vị ấy cảm giác một cảm thọ tận cùng của
sinh mạng, vị ấy biết: "Ta cảm giác một cảm thọ tận cùng của sinh
mạng". Vị ấy biết: "Sau khi thân hoại mạng chung, ở đây tất cả
những cảm thọ không làm cho có hỷ lạc, sẽ trở thành vắng lặng, cái
thân được bỏ qua một bên".
19) Này các Tỷ-kheo, các Ông nghĩ thế nào? Vị
Tỷ-kheo đã đoạn trừ các lậu hoặc có dự tính làm các phước hành, hay
có dự tính làm các phi phước hành, hay có dự tính làm các bất động hành?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
20) -- Hay nếu các hành không có mặt một cách trọn vẹn,
do các hành đoạn diệt, thời thức có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
21) -- Hay nếu thức không có mặt một cách trọn vẹn, do
thức đoạn diệt, thời danh sắc có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
22) -- Hay nếu danh sắc không có mặt một cách trọn vẹn,
do danh sắc đoạn diệt, thời sáu xứ có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
23) -- Hay nếu sáu xứ không có mặt một cách trọn vẹn, do
sáu xứ đoạn diệt, thời xúc có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
24) -- Hay nếu xúc không có mặt một cách trọn vẹn, do
xúc đoạn diệt, thời thọ có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
25) -- Hay nếu thọ không có mặt một cách trọn vẹn, do
thọ đoạn diệt, thời ái có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
26) -- Hay nếu ái không có mặt một cách trọn vẹn, do ái
đoạn diệt, thời thủ có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
27) -- Hay nếu thủ không có mặt một cách trọn vẹn, do
thủ đoạn diệt, thời hữu có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
28) -- Hay nếu hữu không có mặt một cách trọn vẹn, do
hữu đoạn diệt, thời sanh có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
29) -- Hay nếu sanh không có mặt một cách trọn vẹn, do
sanh đoạn diệt, thời già chết có hiện hành không?
-- Thưa không, bạch Thế Tôn.
30) -- Lành thay, lành thay, này các Tỷ-kheo! Phải là như
vậy, này các Tỷ-kheo! Không thể khác vậy. Hãy tin ở Ta, này các
Tỷ-kheo! Hãy quyết định, chớ có nghi ngờ, chớ có phân vân! Ðây là
khổ được đoạn tận.
http://www.budsas.org/uni/u-kinh-tuongungbo/tu2-12b.htm
No comments:
Post a Comment