Sunday, August 16, 2020

Kinh Girimānanda - Phật dạy cho người bị bệnh




Một thời, Thế Tôn trú ở Sāvatthī, tại Jetavana, khu vườn của ông Anāthapiṇḍika. Lúc bấy giờ, Tôn giả Girimānanda bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Rồi Tôn giả Ānanda đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, Tôn giả Ānanda bạch Thế Tôn:

- Tôn giả Girimānanda, bạch Thế Tôn, bị bệnh, khổ đau, bị trọng bệnh. Lành thay, nếu Thế Tôn đi đến Tôn giả Girimānanda, vì lòng từ mẫn.

- Này Ānanda, nếu Thầy đi đến tỳ-khưu Girimānanda và đọc lên mười tưởng, thời sự kiện này có thể xảy ra: tỳ-khưu Girimānanda sau khi được nghe mười tưởng, bệnh của vị ấy có thể được thuyên giảm ngay lập tức. Thế nào là mười?

(1) Tưởng vô thường, (2) tưởng vô ngã, (3) tưởng bất tịnh, (4) tưởng nguy hại, (5) tưởng từ bỏ, (6) tưởng ly tham, (7) tưởng đoạn diệt, (8) tưởng nhàm chán đối với tất cả thế giới, (9) tưởng vô thường trong tất cả hành, (10) tưởng niệm hơi thở vô hơi thở ra.

(1) Và này Ānanda, thế nào là tưởng vô thường? Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu đi đến ngôi rừng, hay đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: "Sắc là vô thường, thọ là vô thường, tưởng là vô thường, hành là vô thường, thức là vô thường." Như vậy vị ấy trú, tùy quán vô thường, trong năm thủ uẩn này. Này Ānanda, đây gọi là tưởng vô thường.

(2) Và này Ānanda, thế nào là tưởng vô ngã? Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu đi đến khu rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: "Mắt là vô ngã, các sắc là vô ngã; tai là vô ngã, các tiếng là vô ngã; mũi là vô ngã, các hương là vô ngã; lưỡi là vô ngã, các vị là vô ngã; thân là vô ngã, xúc là vô ngã; ý là vô ngã, các pháp là vô ngã." Này Ānanda, đây gọi là tưởng vô ngã.

(3) Và này, Ānanda thế nào là tưởng bất tịnh? Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu quán sát thân này từ bàn chân trở lên, từ đỉnh tóc trở xuống, được da bao bọc, đầy những vật bất tịnh sai biệt như: "Trong thân này có tóc, lông, móng, răng, da, thịt, dây gân, xương, tủy, thận, quả tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bụng, phân, mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước mũi, nước ở khớp xương, nước tiểu". Như vậy, vị ấy trú quán bất tịnh trong thân này. Này Ānanda, đây gọi là tưởng bất tịnh.

(4) Và này Ānanda, thế nào là tưởng nguy hại? Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, quán sát như sau: "Nhiều khổ là thân này, nhiều sự nguy hại. Như vậy trong thân này, nhiều loại bệnh khởi lên. Ví như bệnh đau mắt, bệnh đau về tai, bệnh đau mũi, bệnh đau lưỡi, bệnh đau thân, bệnh đau đầu, bệnh đau vành tai, bệnh đau miệng, bệnh đau răng, bệnh ho, bệnh suyễn, bệnh sổ mũi, bệnh sốt, bệnh già yếu, bệnh đau yếu, bệnh đau bụng, bất tỉnh, kiết lỵ, bệnh đau bụng quặn, bệnh thổ tả, bệnh hủi, bệnh ung nhọt, bệnh ghẻ lở, bệnh ho lao, bệnh trúng gió, bệnh da, bệnh ngứa, bệnh da đóng vảy, bệnh hắc lào lang ben, bệnh ghẻ, bệnh huyết đảm (mật trong máu), bệnh đái đường, bệnh trĩ, bệnh mụt nhọt, bệnh ung nhọt ung loét, các bệnh khởi lên do mật, bệnh khởi lên từ đàm, niêm dịch, các bệnh khởi lên từ gió; bệnh do hòa hợp các thể dịch sinh ra; các bệnh do thời tiết sinh ra, các bệnh do làm việc quá độ sinh, các bệnh do sự trùng hợp các sự kiêng; các bệnh do nghiệp thuần thục, lạnh, nóng, đói, khát, đại tiện, tiểu tiện". Như vậy, vị ấy sống, quán sự nguy hại trong thân này. Này Ānanda, đây gọi là các tưởng nguy hại.

(5) Và này Ānanda, thế nào là tưởng từ bỏ? Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu, không có chấp nhận dục tầm đã sinh, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sinh trưởng; không có chấp nhận sân tầm đã sinh, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sinh trưởng; không có chấp nhận hại tầm đã sinh, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sinh trưởng; không có chấp nhận các ác bất thiện pháp tiếp tục khởi lên, từ bỏ, tẩy sạch, chấm dứt, đi đến không sinh trưởng. Này Ānanda, đây được gọi tưởng từ bỏ.

(6) Và này Ānanda, thế nào là ly tham? Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, suy xét như sau: ”Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sinh y, ái diệt, ly tham, Niết bàn”. Này Ānanda, đây được gọi tưởng ly tham.

(7) Và này Ānanda, thế nào là tưởng đoạn diệt? Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu đi đến khu rừng, hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, suy xét như sau: "Ðây là an tịnh, đây là thù thắng, tức là sự an chỉ tất cả hành, sự từ bỏ tất cả sinh y, ái diệt, đoạn diệt, Niết bàn". Này Ānanda, đây được gọi tưởng đoạn diệt.

(8) Và này Ānanda, thế nào là tưởng không ưa thích đối với tất cả thế giới? Ở đây, này Ānanda, phàm ở đời có những chấp thủ phương tiện, tâm quyết định, thiên kiến, tùy miên nào, tỳ-khưu từ bỏ chúng, không ưa thích, không chấp thủ. Này Ānanda, đây gọi là tưởng không hoan hỷ đối với tất cả thế giới.

(9) Và này các tỳ-khưu, thế nào là tưởng vô thường trong tất cả hành? Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu bực phiền, xấu hổ, nhàm chán đối với tất cả hành. Này Ānanda, đây gọi là tưởng vô thường trong tất cả hành.

(10) Và này Ānanda, thế nào là tưởng niệm hơi thở vào, hơi thở ra? Ở đây, này Ānanda, tỳ-khưu đi đến khu rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, ngồi kiết-già, lưng thẳng, để niệm trước mặt. Chánh niệm, vị ấy thở vô; chánh niệm, vị ấy thở ra.
Thở vô dài, vị ấy rõ biết: "Tôi thở vô dài". Thở ra dài, vị ấy rõ biết: "Tôi thở ra dài", Hay thở vô ngắn, vị ấy rõ biết "Tôi thở vô ngắn"; hay thở ra ngắn, vị ấy rõ biết: "Tôi thở ra ngắn". "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
"Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra," vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
"Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.
"Quán vô thường, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán vô thường, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập.

Này Ānanda, đó là niệm hơi thở vô, hơi thở ra.

Này Ānanda, nếu thầy đi đến tỳ-khưu Girimānanda và đọc lên mười tưởng này, sự kiện này có xảy ra: tỳ-khưu Girimānanda, sau khi nghe mười tưởng này, bệnh của vị ấy được thuyên giảm ngay lập tức".

Rồi Tôn giả Ānanda, sau khi học thuộc từ Thế Tôn mười tưởng này, đi đến Tôn giả Girimānanda, sau khi đến, nói lên với Tôn giả Girimānanda mười tưởng này. Tôn giả Girimānanda, sau khi nghe mười tưởng này, bệnh của vị ấy được thuyên giảm ngay lập tức. Tôn giả Girimānanda, được thoát khỏi bệnh ấy. Ðược đoạn tận như vậy là chứng bệnh ấy của Tôn giả Girimānanda.

Kinh Girimānanda (AN 10.60) Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt

No comments:

Post a Comment