Monday, August 31, 2020

Trả lời câu hỏi về vị nào tu xong?



Thỉnh thoảng mình vẫn nhận được những câu hỏi như: "Sư cô/ thầy A, B, C tu xong chưa?". Hoặc như chỗ thầy/sc A, B, C tu có đúng pháp không? Hay sau khi Thầy Thông Lạc nhập diệt thì ai là người hướng dẫn tu tập? v.v.. nhiều câu hỏi đại loại như vậy, cùng một chủ đề: vị ABC đã chứng đạo chưa?

Trả lời:

Thực sự mình KHÔNG CÓ RẢNH và KHÔNG CÓ NHU CẦU để đi xem các vị ấy đã tu xong chưa nên cũng không biết là các vị ấy tu xong chưa hay không.

Điều quan trọng với mình là làm sao để đoạn trừ những khổ đau của CHÍNH MÌNH, việc ai tu như thế nào là nhân quả của các vị ấy.

Mình vẫn đọc và học từ rất nhiều quý thầy, sư cô và cư sĩ ở tất cả các tông phái, không chỉ có đọc sách thầy Thông Lạc. Mình suy nghĩ là HỌC ĐƯỢC GÌ TỪ CÁC VỊ ẤY, đem lại lợi ích cho mình.

Mình luôn hướng tâm tri ân TAM BẢO, tôn kính Tam Bảo.

Có thời gian tìm hiểu Kinh Nikaya, mình cũng biết đức Phật có dạy như thế nào là người TU XONG như phần trả lời của thầy Thích Bảo Nguyên: Thế Nào Là Tu Xong?

Điều này, tự người đó biết mình đã tu xong chưa, chứ không phải để cho người khác đánh giá (đo lường xem vị nào đã tu xong chưa). "VỊ ẤY tuệ tri sanh đã tận ... " chứ không phải người khác biết. Người tu chứng tâm thanh tịnh tự họ biết, và không có KHOE KHOANG, không khoe thần thông biết quá khứ, vị lai, cho mình là hơn người, nay chê người này, mai chê người khác, khen mình chê người. Các ngài không bao giờ làm vậy.

Chính vì các ngài KHÔNG KHOE KHOANG, sống hòa hợp, trầm lặng trong tăng chúng nên không thể biết vị nào la chứng đạo quả A la hán chưa, nên vua Pasenadi nước Kosala mới hỏi Phật[1]:

"- Bạch Thế Tôn, có phải những Tôn giả ấy là những vị A-la-hán trên đời này, hay là những vị đang đi trên con đường hướng đến đạo quả A-la-hán?

- Thưa Ðại vương, khi Ðại vương còn là cư sĩ trong khi còn sống với gia đình, thọ hưởng dục lạc, bị vợ con trói buộc, quen dùng các loại chiên đàn ở xứ Kàsi, trang sức với vòng hoa, hương thơm, dầu sáp, thọ hưởng vàng và bạc thời Ðại vương thật KHÓ BIẾT được các vị ấy là bậc A-la-hán hay là bậc đang đi con đường hướng đến A-la-hán quả."

Và đức Phật xác định cho phải có CỘNG TRÚ + VẤN ĐẠO + TRÍ TUỆ + TRẢI QUA THỜI GIAN mới biết được xem một vị thực sự đã hoàn toàn thanh tịnh hay chưa.

Duyên chúng ta sinh hoạt, làm việc cùng, thưa hỏi giáo pháp và qua thời gian có những thử thách bởi những nhân quả khắc nghiệt (như tai nạn, ốm đau, người chê bai, chửi rủa, v.v.. ) thì sẽ biết một người nào đó (cũng như CHÍNH MÌNH) tâm đã giải thoát thực sự chưa.

Khi bạn hiểu về 10 kiết sử thì bạn nghe Pháp, cộng trú, thưa hỏi bạn sẽ hiểu được ai tu xong, cũng như chính mình tu đến đâu?


Vị thầy truyền thừa đạo Phật?

Trong đạo Phật không có truyền thừa, kế thừa như người đời nghĩ. Pháp Phật không phải là mật giáo, không phải là bí mật mà đã được đức Phật trình bày đầy đủ qua 45 năm thuyết Pháp của Ngài. Ai có duyên nghe, giác hiểu và thực hành đều từ từ giải thoát (khỏi khổ đau của CHÍNH MÌNH).

Đức Phật KHÔNG dạy mình nương tựa một vị thầy nào cụ thể, cũng như không dạy phải lấy ngôi chùa, tịnh xá, tu viện nào cụ thể để làm nơi nương tựa mà đức Phật dạy chúng ta quy y Tam Bảo.

Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy được nơi nương tựa là CHÍNH MÌNH, tự mình lấy Chánh Pháp làm nơi nương tựa.

“Vậy nên, này Ananda, hãy TỰ MÌNH là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình NƯƠNG TỰA CHÍNH MÌNH, CHỚ NƯƠNG TỰA MỘT GÌ KHÁC. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, DÙNG CHÁNH PHÁP làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác.”

Chánh pháp được Đức Phật di chúc lại là:

“Này Ananda, thế nào là vị Tỷ-kheo hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác?

Này Ananda, ở đời, vị Tỷ-kheo, đối với thân quán thân, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời; đối với các cảm thọ... đối với tâm... đối với các pháp, quán pháp, tinh tấn, tỉnh giác, chánh niệm, nhiếp phục mọi tham ái, ưu bi trên đời.

Này Ananda, như vậy vị Tỷ-kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một gì khác.

Này Ananda, những ai sau khi Ta diệt độ, tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình nương tựa chính mình, không nương tựa một gì khác, dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa vào một pháp gì khác, những vị ấy, này Ananda, là những vị tối thượng trong hàng Tỷ-kheo của Ta, nếu những vị ấy tha thiết học hỏi.”

(Kinh Ðại Bát-Niết-Bàn – Trường Bộ Kinh)

Đức Phật dạy chúng ta nương tựa vào CHÍNH MÌNH, và hóa giải ĐAU KHỔ (khổ đế) và đẩy trừ nguyên nhân của khổ (tập đế) ở 4 nơi thân, thọ, tâm, pháp của mình! Chứ không phải chạy đi đâu để tu tập, hay nương tựa.

Đến đây, những câu hỏi của các bạn ở trên đã phần nào được giải tỏa rồi?

Sài-gòn, 31.08.2020

No comments:

Post a Comment