Thursday, March 28, 2013

Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi


Lời Phật dạy thứ hai: “Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi”. Trong lời dạy này, chúng ta có cơ sở để hiểu biết danh từ tất cả pháp là nghĩa gì? Ở đây, đức Phật đã dạy tất cả pháp là tâm niệm của chúng ta. Tại sao chúng ta lại biết chắc như vậy?
Bởi vì, trong lời dạy thứ hai đức Phật đã xác định rõ ràng: Tác ý làm sanh khởi”. Tác ý là pháp thuộc về ý thức. Pháp thuộc về ý thức, tức là tâm niệm, ý niệm. Mỗi niệm trong tâm là mỗi pháp. Cho nên, mỗi niệm trong tâm đều lấy tác ý làm sanh khởi. Tác ý có hai cách:
1-  Tác ý sinh khởi ác pháp
2-  Tác ý sinh khởi thiện pháp
  • Tác ý sinh khởi ác pháp là tác ý dục tham, dục sân, dục si...
  • Tác ý sinh khởi thiện pháp là tác ý ly dục tham, ly dục sân, ly dục si...

Cho nên, người tu hành theo Phật giáo để cầu sự giải thoát thì không bao giờ tác ý dục tham, dục sân, dục si... Đây là những pháp đau khổ, là con đường dẫn đến khổ đau, là con đường đưa đến địa ngục. Do đó, người tu hành cần phải ngăn chặn và chấm dứt con đường này, chỉ tác ý ly dục tham, ly dục sân, ly dục si... Đây là pháp thiện, là pháp chấm dứt sự đau khổ, đây là con đường giải thoát chân chánh của Phật giáo. Các bạn cứ suy ngẫm, có đúng như vậy không?
Bởi vì, tác ý mà khổ đau sinh khởi đến với chúng ta và cũng do tác ý mà hạnh phúc, an vui, vĩnh cửu đến với chúng ta. Thế chỉ có một pháp tác ý mà sinh khởi hai góc độ như vậy thì chúng ta hãy chọn góc độ nào để tác ý đem đến sự an lạc, yên vui. Phải không các bạn?
Hay nói cách khác theo kinh Pháp Cú:
“Tâm dẫn đầu mọi pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư ô nhiễm
Khổ não sẽ theo ta
Như xe theo vật kéo”.
                           --o0o--
 “Tâm dẫn đầu mọi pháp
Tâm chủ, tâm tạo tác
Nếu nói hay hành động
Với tâm tư thanh tịnh
Hạnh phúc sẽ theo ta
   Như bóng không rời hình”.
   (Kinh Pháp Cú).
Từ một câu kinh ngắn gọn “Tất cả pháp lấy tác ý làm sanh khởi”. Biến thành một pháp tu tập tuyệt vời mà kết quả giải thoát thật sự, như lời đức Phật đã nói: “Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy…”.
Cho nên, người tu hành mà không hiểu nghĩa lý kinh, không thông pháp tu hành thì cũng giống như người mù dò gậy mà đi đường. Nếu thông được pháp như lý tác ý thì các bạn đã chủ động được thân tâm mình, dẫn nó vào sự an ổn và hạnh phúc thì cuộc sống là Thiên Đàng.
Con đường tu hành theo Phật giáo, hạnh phúc giải thoát là như vậy, các bạn còn mong cầu gì hơn nữa. Phải không hỡi các bạn?
(Trưởng lão Thích Thông Lạc. Những Lời Góc Phật Dạy, tập 2, Nxb Tôn Giáo, 2010)

No comments:

Post a Comment