Wednesday, March 20, 2013

Thể Nhập



1-2) ...
3) -- Thành tựu bốn pháp, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không có thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ. Thế nào là bốn?

4) Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật (1): "Ðây là bậc Ứng cúng,... Phật, Thế Tôn".

5-6) Ðối với Pháp (2)... Ðối với Tăng (3)...

7) Vị ấy thành tựu các giới (4) được các bậc Thánh ái kính... đưa đến Thiền định.

8) Thành tựu bốn pháp này, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử là bậc Dự lưu, không còn bị thối đọa, quyết chắc chứng quả giác ngộ.

9) Thế Tôn thuyết như vậy, Thiện Thệ thuyết vậy xong, bậc Ðạo Sư lại nói thêm:


Ai có tín và giới,
Tịnh tín và thấy pháp,

Ðến thời chúng chín muồi,

Nhập Phạm hạnh, được lạc.
(Tương Ưng Bộ - Samyutta Nikaya Tập V - Thiên Ðại Phẩm,  Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt)


Sau đây là lời dạy của Trưởng lão Thích Thông Lạc:



Khi chúng ta đến với đạo Phật là phải đến với lòng tin. Vậy đến với lòng tin là đến như thế nào?
DỰ LƯU THỨ NHẤT - TIN ĐỨC PHẬT
1.-/ Thứ nhất, chúng ta tin Phật là tin một người có đầy lòng yêu thương tất cả vạn vật, không làm tổn thương chúng sanh, không bao giờ Ngài ăn thịt chúng sanh.
2.-/ Thứ hai, chúng ta tin Phật là người không bao giờ tham lam lấy của không cho, luôn luôn khi có được những gì Ngài sẵn sàng bố thí, giúp đỡ người khác.
3.-/ Thứ ba, chúng ta tin Phật là tin người không bao giờ có tâm dâm dục trần tục, Ngài là người sống với thân tâm thanh tịnh trong sáng, không bao giờ để dâm dục làm nhơ bẩn thân tâm. Ngài xem tâm dâm dục là một thứ dục lạc nhơ nhớp uế trược, sinh ra nhiều thứ khổ đau của kiếp người.
4.-/ Thứ tư, chúng ta tin Phật là người không bao giờ nói dối, không lường gạt dù bất cứ một việc nhỏ nhặt nào với ai. Ngài luôn luôn là người thành thật.
5.-/ Thứ năm, chúng ta tin Phật là người không bao giờ uống rượu, dù một giọt nhỏ cũng không bao giờ nếm...
Lấy năm giới đức hạnh làm tiêu chuẩn cho một người đức hạnh như Phật, thì đức Phật là một người không hề vi phạm trong năm giới luật này, vì thế mọi người đều phải tin đức Phật. Vả lại, đức Phật là con vua cháu chúa, mà bỏ sự giàu sang của mình để đi tu thật là vĩ đại. Nhất là khi đi tu Ngài là người có đủ khả năng làm chủ được sinh, già, bệnh, chết. Ðó là một điều mà mọi người trên thế gian này không ai làm được, vì thế mọi người càng tin đức Phật nhiều hơn nữa.
Ðức Phật là một con người thật, có cha mẹ, sinh ra và lớn lên trên hành tinh này, người Ấn Ðộ, con của một nhà vua, lớn lên đi tu làm chủ được sự sống chết, cho nên mọi người ai cũng đầy đủ lòng tin bất di, bất dịch đối đức Phật. Ðây là lòng tin thứ nhất mà mọi người theo Phật giáo không thể nào thiếu khuyết được, như trong kinh Tương Ưng dạy: “Ðầy đủ lòng tin bất động đối với Phật”. (S.ii,68)
DỰ LƯU THỨ HAI: TIN PHÁP PHẬT
Khi đã tin Phật thì tất cả những gì đức Phật dạy chúng ta đều tin tròn đầy. Vả lại, những lời dạy của đức Phật rất thiết thực và lợi ích rất lớn cho những ai đã có duyên được nghe, dù chỉ một lần cũng tìm thấy sự an vui trong sự sống. Nhờ nghe những lời dạy ấy, mà mọi người chủ động làm chủ được tâm mình, không bị các ác pháp chi phối làm khổ mình, khổ người.
Do được nghe những lời dạy của đức Phật, nên lòng ham muốn giảm dần và sự an vui tăng dần lên một cách rất rõ ràng, cụ thể.
Tuy rằng chưa tu tập gì cả, nhưng đã có lợi ích như vậy, bởi vì pháp của Phật là đạo đức nhân bản - nhân quả, dạy sống không làm khổ mình, khổ người và tất cả muôn loài chúng sanh. Pháp đem lại lợi ích cho tất cả chúng sanh nhưvậy, nên mọi người phải đầy đủ lòng tin, vì thực tế ai không tu theo Phật pháp thì thôi, mà đã tu theo Phật pháp thì lòng tin tuyệt đối không thể có ai làm thối chuyển lòng tin ấy được, như lời Phật đã dạy: “Ðầy đủ lòng tin đối với Pháp, do đức Phật khéo thuyết”. (S.ii,68)
Pháp của Phật là một phương pháp cải tạo sự sống, từ sự sống đau khổ chuyển đổi thành sự sống an vui và hạnh phúc, giúp cho loài người thoát khổ bằng sức tự lực của mình.
DỰ LƯU THỨ BA:  TIN CHÚNG THÁNH TĂNG
Còn chúng đệ tử Phật là những bậc Lạc Thiện Hạnh, những bậc Lạc Trực Hạnh, những bậc Lạc Chánh Hạnh, những bậc Lạc Như Pháp Hạnh. Những bậc tu hành như vậy làm sao chúng ta không tin? Phải không quý vị?
Nhìn những gương mặt của những bậc này lúc nào cũng thấy một niềm vui hân hoan, không thấy có một xíu nào phiền não, buồn rầu trên gương mặt của các Ngài. Thật là vi diệu thay cho pháp Phật, đã đem lại cho loài người một niềm vui chân thật, vì thế chúng ta làm sao không tin những đệ tử của đức Phật, phải không quý vị?
Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Ðầy đủ lòng tin bất động đối với Chúng Tăng là đệ tử Thế Tôn, là bậc LẠC THIỆN HẠNH, là bậc LẠC TRỰC HẠNH, là bậc LẠC CHÁNH HẠNH, là bậc LẠC NHƯ PHÁP HẠNH”. (S.ii,68)
Ðúng vậy, những bậc mà đầy đủ những đức hạnh này thì làm gì chúng ta không tin.
Nghe những tên đức hạnh này chúng ta đã hình dung được những bậc giải thoát như thế nào rồi.
DỰ LƯU THỨ TƯ:  TIN GIỚI LUẬT ĐỨC HẠNH
Giới luật đức hạnh của Phật giáo là một sự sống mang lại sự an vui cho mình, cho người và cho tất cả các loài chúng sanh. Vì thế, so với giới luật đức hạnh của Phật thì không có một phong cách sống làm người có văn hóa và đạo đức nào hơn, vì vậy chúng ta hãy tuyệt đối tin vào giới luật đức hạnh của Phật. Chúng ta hãy theo như lời Phật dạy mà thực hiện một đời sống giới luật nghiêm chỉnh, một lòng tin tuyệt đối không bao giờ thay đổi: “Ðầy đủ lòng tin đối với GIỚI LUẬT ÐỨC HẠNH được các bậc Thánh quý mến, không bị bể vụn, không bị hủy hoại, không có tỳ vết, không có vết nhơ, đưa đến tự do, được người trí tán thán, không bị nhiễm trước, đưa đến thiền định”. (128 Tương Ưng tập 2) (S.ii,68)
Ðúng vậy, nếu ai tin tưởng vào giới luật đức hạnh của Phật, mà thực hiện đời sống của mình thì sẽ được giải thoát như lời đức Phật đã dạy: “Giới luật còn là đạo Phật còn, giới luật mất là đạo Phật mất”.

(Trưởng Lão THÍCH THÔNG LẠC, trích 12 Cửa Vào Đạo, TG. 2012, tr.100-104)

No comments:

Post a Comment