Như vầy tôi nghe.
Một thời, Thế
Tôn ở tại Nàlandà, trong rừng Pāvārikambavana. Lúc bấy giờ, tôn
giảSāriputta (Xá-lợi-phất) đến tại chỗ Thế Tôn ở, đảnh lễ Thế Tôn và ngồi
xuống một bên. Khi ngồi xuống một bên, tôn giả Sāriputta bạch Thế
Tôn.
—Bạch Thế Tôn,
con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở
hiện tại, không thể có một vị Sa môn, một vị Bà-la-môn khác nào có thể vĩ đại
hơn Thế Tôn, sáng suốt hơn Thế Tôn, về phương diện giác ngộ.
- Này Sāriputta, lời nói của Ngươi thật là đại ngôn, thật là
gan dạ. Ngươi thật là rống tiếng rống con sư tử khi Ngươi nói: “Bạch Thế Tôn,
con tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở
hiện tại, không thể có một vị Sa môn, một vị Bà-la-môn nào có thể vĩ đại hơn
Thế Tôn, sáng suốt hơn Thế Tôn, về phương diện giác ngộ.” Này Sāriputta,
có phải Ngươi đã được biết, trong quá khứ, các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác,
với tâm của Ngươi biết được tâm của tất cả các vị Thế Tôn - Giới đức chư vị Thế
Tôn là như vậy, Pháp chư vị Thế Tôn là như vậy, Trí tuệ chư vị Thế Tôn là như
vậy, An trú chư vị Thế Tôn là như vậy, Giải thoát chư vị Thế Tôn là như vậy?
- Bạch Thế Tôn, không!
-
Này Sāriputta, có phải Ngươi đã được biết, trong tương lai, các vị
A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, với tâm của Ngươi biết được tâm của tất cả các vị
Thế Tôn - Giới đức chư vị Thế Tôn là như vậy, Pháp chư vị Thế Tôn là như vậy,
Trí tuệ chư vị Thế Tôn là như vậy, An trú chư vị Thế Tôn là như vậy, Giải thoát
chư vị Thế Tôn là như vậy?
- Bạch Thế Tôn, không!
-
Này Sāriputta, có phải Ngươi đã được biết, trong hiện tại Ta là vị
A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, với tâm của Ngươi biết được tâm của Thế Tôn - Giới
đức chư vị Thế Tôn là như vậy, Pháp chư vị Thế Tôn là như vậy, Trí tuệ chư vị
Thế Tôn là như vậy, An trú chư vị Thế Tôn là như vậy, Giải thoát Thế Tôn là như
vậy?
- Bạch Thế Tôn, không!
-
Này Sāriputta, hãy xem! Ngươi không có trí tuệ biết được tâm tư của chư vị
A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ở quá khứ, ở hiện tại và ở tương lai! Vậy sao,
này Sāriputta, lời nói của Ngươi tuyên bố thật là đại ngôn, thật là gan
dạ. Ngươi thật đã rống tiếng rống con sư tử khi Ngươi nói: “Bạch Thế Tôn, con
tin tưởng Thế Tôn đến nỗi con nghĩ rằng, ở quá khứ, ở tương lai cũng như ở hiện
tại, không thể có một vị Sa môn, vị Bà-la-môn khác nào có thể vĩ đại hơn Thế
Tôn, sáng suốt hơn Thế Tôn, về phương diện giác ngộ.”
Bạch Thế Tôn, con không có trí tuệ để được biết tâm tư của chư vị
A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Bạch Thế Tôn,
nhưng con biết truyền thống về Chánh pháp. Bạch Thế Tôn, như vị vua có một
thành trì ở biên cảnh, có hào lũy kiên cố, có thành quách tháp canh kiên cố và
chỉ có một cửa thành ra vào. Cửa thành có vị giữ cửa thông minh, biệt tài và
giàu kinh nghiệm, ngăn chận những người lạ, chỉ cho vào những ai quen biết.
Người này, trong khi đi tuần tiểu xung quanh thành, có thể không thấy hết các
chắp nối và khe hở của tường, nhỏ cho đến một con mèo có thể đi qua được. Nhưng
người ấy chỉ cần biết rằng các sinh vật to lớn hơn muốn đi vào hay đi ra thành
này, tất cả đều phải đi vào hay đi ra cửa này. Bạch Thế Tôn, cũng vậy con biết
truyền thống về Chánh pháp. Tất cả những vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong
thời quá khứ, tất cả những bậc Thế Tôn này đã diệt trừ Năm Triền cái, những
nhiễm tâm khiến trí tuệ yếu ớt, đã khéo an trú tâm vào Bốn Niệm xứ, đã như thật
tu hạnh Bảy Giác chi, đã chứng ngộ vô thượng Chánh Ðẳng Giác. Tất cả những vị
A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác trong thời vị lai, tất cả những bậc Thế Tôn này sẽ
diệt trừ Năm Triền cái, những nhiễm tâm khiến trí tuệ yếu ớt, sẽ khéo an trú
tâm vào Bốn Niệm xứ, sẽ như thật tu hạnh Bảy Giác chi và sẽ chứng ngộ vô thượng
Chánh Ðẳng Giác. Bạch Thế Tôn, và nay Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác đã
diệt trừ Năm Triền cái, những nhiễm tâm khiến trí tuệ yếu ớt, sẽ khéo an trú tâm
vào Bốn Niệm xứ, đã như thật tu hạnh Bảy Giác chi, đã chứng ngộ vô thượng Chánh
Ðẳng Giác.
Và nay ở đây,
con một thời yết kiến Thế Tôn để nghe pháp. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn thuyết pháp
cho con, mỗi pháp lại cao thượng, thâm thúy hơn pháp trước, hắc pháp và bạch
pháp đều được đề cập, đối chiếu. Bạch Thế Tôn, nhờ Thế Tôn thuyết pháp cho con,
mỗi pháp lại cao thượng, thâm thúy hơn pháp trước, hắc pháp và bạch pháp đều
được đề cập, đối chiếu như vậy, nên trong sự thâm hiểu Chánh pháp, một pháp
được con thâm hiểu trọn vẹn, đó là lòng tin của con vào vị Bổn Sư - Thế Tôn là
bậc Chánh Ðẳng Giác, pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng và chúng Tăng đã khéo
hành trì.
Bạch Thế Tôn,
lại nữa, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết pháp về các thiện pháp. Ở
đây những thiện pháp là Bốn Niệm xứ, Bốn Chánh cần, Bốn Như ý túc, Năm Căn, Năm
Lực, Bảy Giác chi, Thánh đạo tám ngành. Bạch Thế Tôn, ở đây vị Tỷ kheo tận diệt
các lậu hoặc, có thể tự mình chứng tri và chứng ngộ, đạt đến và an trú ngay
trong hiện tại, Tâm giải thoát và Tuệ giải thoát vô lậu này. Bạch Thế Tôn, thật
là vô thượng đối với các thiện pháp. Tất cả điểm này, Thế Tôn đã biết và ngoài
sự hiểu biết của Ngài, không có gì còn lại để hiểu biết hơn nữa. Không có một
ai, một Sa môn hay một Bà-la-môn nào khác có thể chứng biết hơn Thế Tôn về vấn
đề các thiện pháp.
Bạch Thế Tôn, lại nữa, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết
pháp về sự trình bày các Nhập xứ. Bạch Thế Tôn, sáu nội xứ và ngoại xứ, tức là
mắt và sắc, tai và tiếng, mũi và hương, lưỡi và vị, thân và xúc, ý và pháp.
Bạch Thế Tôn, thật là vô thượng về sự trình bày các Nhập xứ. Tất cả điểm này,
Thế Tôn đã biết và ngoài sự hiểu biết của Ngài, không có gì còn lại để hiểu
biết hơn nữa. Không có một ai, một Sa môn hay một Bà-la-môn nào khác có thể
chứng biết hơn Thế Tôn về vấn đề trình bày các Nhập xứ.
Bạch Thế Tôn, lại nữa, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết
pháp về vấn đề nhập thai. Bạch Thế Tôn, có bốn loại nhập thai. Bạch Thế Tôn, ở
đây, có loại không biết mình nhập bụng người mẹ, không biết mình trú trong bụng
người mẹ và không biết mình ra khỏi bụng người mẹ. Ðó là loại nhập thai thứ
nhất.
Lại nữa bạch Thế Tôn, có loại biết mình nhập bụng người mẹ, nhưng
không biết mình an trú trong bụng người mẹ và không biết mình ra khỏi bụng
người mẹ. Ðó là loại nhập thai nhứ hai.
Lại nữa bạch Thế Tôn, có loại biết mình nhập bụng người mẹ, biết
mình an trú trong bụng người mẹ, và không biết mình ra khỏi bụng người mẹ. Ðó
là loại nhập thai thứ ba.
Lại nữa Bạch Thế Tôn, có loại biết mình nhập bụng người mẹ, biết
mình an trú trong bụng người mẹ và biết mình ra khỏi bụng người mẹ. Ðó là loại
nhập thai thứ tư. Ðây là bốn loại nhập thai. Bạch Thế Tôn, thật là vô thượng về
vấn đề nhập thai.
Bạch Thế Tôn, lại nữa, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết
pháp về vấn đề sai khác trong sự ký tâm. Bạch Thế Tôn có bốn loại ký tâm sai
khác như thế này. Bạch Thế Tôn, có hạng tự tỏ lộ bằng hình tướng: “Ý của Ngươi
là như thế này, ý của Ngươi là như vậy, tâm của Ngươi là như thế này. Nếu có tỏ
lộ nhiều đi nữa, thì sự tỏ lộ là như vậy, không phải gì khác.” Như vậy là loại
ký tâm thứ nhất.
Lại nữa bạch Thế Tôn, ở đây có loại không tự tỏ lộ bằng hình
tướng, nhưng tỏ lộ sau khi nghe tiếng phát ra bởi người, phi nhân, hay chư
Thiên: “Ý của Ngươi là như thế này, ý của Ngươi là như vậy, tâm của Ngươi là
như thế này. Nếu có tỏ lộ nhiều đi nữa, thì sự tỏ lộ là như vậy, không phải gì
khác.” Như vậy là loại ký tâm thứ hai.
Lại nữa bạch Thế Tôn, ở đây có loại không tự tỏ lộ bằng hình
tướng, cũng không tự tỏ lộ sau khi nghe tiếng phát ra bởi Người, phi nhân hay
chư Thiên, mà tự tỏ lộ sau khi nghe tiếng rõ ràng và hợp lý, phát ra từ sự suy
tầm, tư duy: “Ý của Ngươi là như thế này, ý của Ngươi là như vậy, tâm của Ngươi
là như thế này. Nếu có tỏ lộ nhiều đi nữa, thời sự tỏ lộ là như vậy, không phải
gì khác.” Như vậy là loại ký tâm thứ ba.
Lại nữa bạch Thế Tôn, ở đây có loại không tự tỏ lộ bằng hình
tướng, cũng không tự tỏ lộ sau khi nghe tiếng phát ra bởi người, phi nhân, hay
chư Thiên, cũng không tự tỏ lộ, sau khi nghe tiếng rõ ràng và hợp lý, phát ra
từ sự suy tầm và tư duy, nhưng khi chứng được định, không tầm, không tứ, có thể
biết được tâm người khác với tâm của mình: “Tùy ước nguyện hợp ý hành của Tôn
giả này, vị này sẽ hướng tâm đến tâm này. Nếu có tỏ lộ nhiều đi nữa, thời sự tỏ
lộ là như vậy, không phải gì khác”. Như vậy là loại ký tâm thứ tư. Bạch Thế
Tôn, thật là vô thượng về vấn đề ký tâm sai khác.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, điểm này thật là vô thượng: lúc Thế Tôn
thuyết pháp về vấn đề kiến định (dassanasamāpatti). Bạch Thế Tôn, có bốn
loại kiến định như thế này: Ở đây bạch Thế Tôn, có vị Sa môn hay Bà-la-môn, nhờ
nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm,
nên tâm nhập định. Với tâm nhập định như vậy, vị ấy quan sát thân này, dưới từ
bàn chân trở lên, trên cho đến đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật
bất tịnh sai biệt: Trong thân này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân,
xương, thận, tủy, tim gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân,
mật, đàm (niêm dịch), mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng,
nước ở khớp xương, nước tiểu. Như vậy là kiến định thứ nhất.
Lại nữa bạch Thế
Tôn, ở đây có vị Sa môn hay Bà-la-môn, nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần
mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định. Với tâm nhập
định như vậy, vị ấy quán sát thân này, dưới từ bàn chân trở lên, trên cho đến
đảnh tóc, bao bọc bởi da và chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: Trong thân
này, đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tủy, tim, gan,
hành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, phân, mật, đàm (niêm dịch), mủ,
máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước ở khớp xương, nước tiểu. Hơn
nữa, vị ấy quán sát bộ xương của người ấy còn liên kết với nhau, còn dính thịt,
máu và da. Như vậy là kiến định thứ hai.
Lại nữa bạch Thế Tôn, … Hơn nữa, vị ấy vượt qua sự quán sát bộ
xương của người ấy còn liên kết với nhau, còn dính thịt, máu và da, quán sát
giòng tâm thức của người ấy, không gián đoạn, như là an trú cả đời này và an
trú cả đời sau. Như vậy là kiến định thứ ba.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, … Hơn nữa, vị ấy vượt qua sự quán sát bộ
xương của người ấy còn liên kết với nhau, còn dính thịt, máu và da, quán sát
giòng tâm thức của người ấy, không gián đoạn, như là không an trú cả đời này và
cả đời sau. Như vậy là kiến định thứ tư. Bạch Thế Tôn, thật là vô thượng về vấn
đề kiến định.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết
pháp về vấn đề phân loại các loại Người. Bạch Thế Tôn, có bảy loại Người như
thế này: Câu giải thoát, Tuệ giải thoát, Thân chứng, Kiến chí, Tín thắng giải,
Tùy pháp hành, Tùy tín hành. Bạch Thế Tôn, như vậy là tối thượng về vấn đề phân
loại loài Người.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết
pháp về vấn đề tinh cần. Bạch Thế Tôn có Bảy Giác chi như thế này: Niệm Giác
chi, Trạch pháp Giác chi, Tinh tấn Giác chi, Hỷ Giác chi, Khinh an Giác chi,
Ðịnh Giác chi, Xả Giác chi. Bạch Thế Tôn, như vậy là tối thượng về vấn đề tinh
cần.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết
pháp về vấn đề tiến bộ trong sự tu hành (Paṭipadā = đạo hành). Bạch Thế
Tôn, có bốn loại đạo hành như thế này: Hành trì khổ chứng ngộ chậm, hành trì
khổ chứng ngộ mau, hành trì lạc chứng ngộ chậm, hành trì lạc chứng ngộ mau.
Bạch Thế Tôn, ở đây, thế này là hành trì khổ, chứng ngộ chậm. Bạch
Thế Tôn, sự hành trì cả hai phương diện đều được xem là hạ liệt, vừa khổ vừa
chậm.
Bạch Thế Tôn, ở đây, thế này là hành trì khổ, chứng ngộ mau. Bạch
Thế Tôn, sự hành trì này vì khổ nên được gọi là hạ liệt.
Bạch Thế Tôn, ở đây, thế này là hành trì lạc, chứng ngộ chậm. Bạch
Thế Tôn, sự hành trì này vì chậm nên được gọi là hạ liệt.
Bạch Thế Tôn, ở đây, thế này là hành trì lạc, chứng ngộ mau. Bạch
Thế Tôn sự hành trì này cả hai phương diện đều được xem là cao thượng, vừa lạc
vừa mau. Bạch Thế Tôn, như vậy là tối thượng về vấn đề đạo hành (tiến bộ trên
đường tu hành).
Lại nữa, bạch Thế Tôn, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết
pháp về vấn đề chánh hạnh trong ngôn ngữ. Bạch Thế Tôn, ở đây, một người không
những không nói những lời liên hệ đến nói láo, mà cũng phải, trong khi tìm cách
thắng cuộc, không dùng lời vu khống, lời ác khẩu và lời ly gián; trái lại,
người ấy nói lời từ hòa, sáng suốt, đáng được giữ gìn, và nói đúng thời. Bạch
Thế Tôn, như vậy là tối thượng về chánh hạnh trong ngôn ngữ.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết
pháp về vấn đề giới hạnh của con người. Bạch Thế Tôn, ở đây, có người chân
thật, thành tín, không dối trá, không lừa gạt, không gợi ý, không chiêm tướng,
không lấy lợi câu lợi; hộ trì các căn, ăn uống tiết độ, hành động ôn hòa, luôn
luôn cảnh giác, không chán nản, tinh cần, trầm tư, chánh niệm, ngôn từ lanh
lợi, hành vi gan dạ, chịu đựng, biết điều, không tham dục, tỉnh giác, cẩn
trọng. Bạch Thế Tôn, như vậy là tối thượng về vấn đề giới hạnh của con người.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết
pháp về sự sai biệt trong sự giảng dạy. Bạch Thế Tôn, có bốn loại giảng dạy.
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn nhờ tự chánh tư duy, biết người khác: Người này theo sự
giảng dạy, hành trì như thế này, sẽ diệt trừ ba kiết sử, sẽ chứng Dự lưu, không
còn bị đọa lạc, chắc chắn sẽ được giác ngộ.
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn nhờ tự chánh tư duy, biết người khác: Người
này theo sự giảng dạy, hành trì như thế này, sẽ diệt trừ ba kiết sử, làm cho
muội lược tham, sân, si, sẽ chứng Nhất lai, phải sanh đời này một lần nữa trước
khi diệt tận khổ đau.
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn nhờ tự chánh tư duy biết người khác: Người
này theo sự giảng dạy, hành trì như thế này, sẽ diệt trừ năm hạ phần kiết sử,
sẽ được hóa sanh và ở tại cảnh giới ấy nhập Niết bàn, không còn về lại đời này.
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn nhờ tự chánh tư duy biết người khác: Người
này theo sự giảng dạy hành trì như thế này, sẽ diệt trừ các lậu hoặc, tự mình
giác tri, chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, vô lậu Tâm giải thoát và Tuệ
giải thoát. Bạch Thế Tôn, như vậy là tối thượng về vấn đề sai biệt trong sự
giảng dạy.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết
pháp về giải thoát trí của người khác. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn nhờ tự chánh tư
duy biết người khác: Người này diệt trừ ba kiết sử, sẽ chứng quả Dự lưu, không
còn bị đọa lạc, nhất định sẽ được giác ngộ.
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn nhờ tự chánh tư duy biết được người khác:
Người này sẽ diệt trừ ba kiết sử, làm cho muội lược tham, sân, si, sẽ chứng quả
Nhất lai, phải sanh đời này một lần nữa, sẽ diệt tận khổ đau.
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn nhờ tự chánh tư duy biết được người khác:
Người này diệt trừ năm hạ phần kiết sử, sẽ được hóa sanh, tự chỗ ấy nhập Niết
bàn, không còn phải trở lại đời này.
Bạch Thế Tôn, Thế Tôn nhờ tự chánh tư duy biết người khác: Người
này, diệt trừ các lậu hoặc, tự tri tự chứng, đạt đạo và an trú ngay trong đời
hiện tại vô lậu Tâm giải thoát, Tuệ giải thoát. Bạch Thế Tôn, như vậy là tối
thượng về vấn đề giải thoát trí của người khác.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết
pháp về vấn đề Thường trú luận. Bạch Thế Tôn, có ba loại Thường trú luận như
thế này. Bạch Thế Tôn ở đây có vị Sa môn hay Bà-la-môn, nhờ nhiệt tâm, nhờ tinh
tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm nên tâm nhập định; khi
tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như một đời, hai đời, ba
đời, bốn đời, năm đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời, trăm ngàn đời, vô số trăm
đời, vô số ngàn đời, vô số trăm ngàn đời, nhớ rằng: “Khi được sanh tại chỗ ấy,
tôi sống với tên như thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn
uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ ấy
chết đi, tôi được sanh đến chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống với tên như thế
này, tuổi thọ như thế này.” Như vậy vị ấy nhớ nhiều đời quá khứ với những đặc
điểm và những chi tiết. Vị ấy nói rằng: “Trong thời quá khứ, tôi biết được thế
giới là trong hoại kiếp hay thành hoại kiếp. Nhưng trong tương lai tôi không
được biết thế giới là trong hoại kiếp hay thành kiếp. Bản ngả và thế giới là
thường trú, bất sanh, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá. Còn những loại hữu
tình kia thì lưu chuyển, luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường
trú.” Ðó là Thường trú luận thứ nhất.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, ở đây, có vị Sa môn hay Bà-la-môn nhờ nhất
tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm nên tâm
nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như một
thành kiếp hoại kiếp, hai thành kiếp hoại kiếp, ba thành kiếp hoại kiếp, bốn
thành kiếp hoại kiếp, năm thành kiếp hoại kiếp, mười thành kiếp hoại kiếp, nhớ
rằng: “Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên như thế này, giòng họ như
thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế
này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ ấy chết đi, tôi lại sanh tại chỗ kia. Tại chỗ
kia, tôi đã sống với tên như thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế
này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ
chỗ kia chết đi, tôi được sanh tại chỗ này.” Như vậy vị ấy nhớ nhiều đời quá
khứ với những đặc điểm và những chi tiết. Vị ấy nói: “Trong thời quá khứ, tôi
biết được thế giới là trong hoại kiếp hay thành kiếp. Trong tương lai, tôi biết
được thế giới sẽ là trong hoại kiếp hay thành kiếp. Bản ngã và thế giới là
thường trú, bất sanh, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn những loại hữu
tình kia thì lưu chuyển luân hồi, chết đi sanh lại, tuy vậy chúng vẫn thường
trú.” Ðó là Thường trú luận thứ hai.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, ở đây, vị Sa môn hay Bà-la-môn, nhờ nhất
tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm nên tâm
nhập định. Khi tâm nhập định vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ, như mười
thành kiếp hoại kiếp, hai mươi thành kiếp hoại kiếp, ba mươi thành kiếp hoại
kiếp, bốn mươi thành kiếp hoại kiếp, nhớ rằng: “Khi được sanh tại chỗ ấy, tôi
đã sống với tên như thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn
uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ ấy
chết đi, tôi lại được sanh tại chỗ kia. Tại chỗ kia, tôi đã sống với tên như
thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc
thọ khổ thọ như thế này.” Như vậy vị ấy nhớ nhiều đời quá khứ, với những đặc
điểm và những chi tiết. Vị ấy nói: “Trong thời quá khứ, tôi biết được thế giới
là trong hoại kiếp hay thành kiếp. Trong tương lai, tôi biết được thế giới là
trong hoại kiếp hay trong thành kiếp. Bản ngã và thế giới là thường trú, bất
sanh, vững chắc như đỉnh núi, như trụ đá, còn những loại hữu tình kia thì lưu
chuyển luân hồi, chết đi sống lại, tuy vậy chúng vẫn thường trú.” Ðó là Thường
trú luận thứ ba. Bạch Thế Tôn, như vậy là tối thượng về vấn đề Thường trú luận.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết
pháp về vấn đề Túc mạng trí. Bạch Thế Tôn, ở đây có vị Sa môn hay Bà-la-môn,
nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng dật, nhờ chánh ức niệm
nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy nhớ được nhiều đời sống quá khứ như
một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi
đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời,
nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại kiếp thành kiếp. Nhớ rằng: “Khi
được sanh tại chỗ ấy, tôi đã sống với tên như thế này, giòng họ như thế này,
giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi
thọ như thế này. Từ chỗ ấy chết đi, tôi lại được sanh tại chỗ kia. Tại chỗ kia
tôi đã sống với tâm như thế này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn
uống như thế này, lạc thọ khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này. Từ chỗ ấy
chết đi, tôi lại được sanh tại chỗ kia. Tại chỗ kia tôi đã sống với tâm như thế
này, giòng họ như thế này, giai cấp như thế này, ăn uống như thế này, lạc thọ
khổ thọ như thế này, tuổi thọ như thế này.” Như vậy, vị ấy nhớ nhiều đời quá
khứ, với những đặc điểm và những chi tiết. Bạch Thế Tôn, có những chư Thiên, mà
tuổi thọ không thể đếm được hay không thể tính được. Nhưng dưới bất cứ ngã thể
nào được có trong quá khứ, hoặc có sắc hay không sắc, hoặc có tưởng hay không
tưởng, hoặc phi tưởng phi phi tưởng, chúng nhớ đến đời quá khứ với các đặc điểm
và chi tiết như vậy. Bạch Thế Tôn, như vậy là tối thượng về vấn đề Túc mạng
trí.
Lại nữa, bạch Thế Tôn điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết
pháp về vấn đề Sanh tử trí của các loài hữu tình. Ở đây, bạch Thế Tôn, có vị Sa
môn hay Bà-la-môn, nhờ nhất tâm, nhờ tinh tấn, nhờ cần mẫn, nhờ không phóng
dật, nhờ chánh ức niệm nên tâm nhập định. Khi tâm nhập định, vị ấy với Thiên
nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống và chết của chúng sanh. Vị ấy biết rõ
rằng, chúng sanh, người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô xấu, người
may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ: “Này các Hiền giả, những chúng
sanh làm những ác hạnh về thân, ngữ và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến,
tạo các nghiệp theo tà kiến. Những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải
sanh vào khổ giới, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Này các Hiền giả, còn những chúng
sanh nào làm những thiện hạnh về thân, ngữ và ý, không phỉ báng các bậc Thánh,
theo Chánh kiến, tạo các nghiệp theo Chánh kiến. Những người này, sau khi thân
hoại mạng chung, được sanh lên các thiện thú, cõi Trời, trên đời này”. Như vậy,
vị ấy với Thiên nhãn thuần tịnh, siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh.
Vị ấy biết rõ rằng chúng sanh người hạ liệt, kẻ cao sang, người đẹp đẽ, kẻ thô
xấu, người may mắn, kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Bạch Thế Tôn, như
vậy là tối thượng về vấn đề Sanh tử trí của các loại hữu tình.
Lại nữa, bạch Thế Tôn, điểm này thật là vô thượng: Thế Tôn thuyết
pháp về vấn đề Thần túc thông. Bạch Thế Tôn, có hai loại thần thông như thế
này. Bạch Thế Tôn, có loại thần thông hữu lậu, hữu dư y, được gọi là “không
phải Thánh”. Bạch Thế Tôn, có loại thần thông vô lậu, vô dư y, được gọi là “bậc
Thánh”.
Bạch Thế Tôn, thế nào là loại thần thông hữu lậu, hữu dư y, được
gọi là “không phải Thánh”? Ở đây, bạch Thế Tôn, có vị Sa môn hay Bà-la-môn, nhờ
nhất tâm, nhờ cần mẫn, nhờ bất phóng dật, nhờ chánh ức niệm, nên tâm nhập định.
Khi tâm nhập định, vị ấy chứng được nhiều loại Thần túc thông sai khác. Một
thân hiện ra nhiều thân, nhiều thân hiện ra một thân. Hiện hình biến hình đi
ngang qua vách, qua tường, qua núi như đi ngang hư không; độn thổ trồi lên
ngang qua đất liền, như ở trong nước; đi trên nước không chìm như trên đất
liền; ngồi kiết già đi trên hư không như con chim, với bàn tay chạm và rờ mặt
trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, đại oai thần như vậy; có thể tự
thân bay đến cõi Phạm thiên. Bạch Thế Tôn, như vậy là loại thần thông hữu lậu,
hữu dư y, được gọi là “không phải Thánh”.
Bạch Thế Tôn, thế nào là thần thông vô lậu, vô dư y, được gọi là
“bậc Thánh?” Ở đây, bạch Thế Tôn vị Tỷ kheo, nếu vị này muốn: “Ðối với sự vật
đối nghịch, ta sẽ an trú với tưởng không đối nghịch”, và ở đây vị ấy an trú với
tưởng không đối nghịch. Nếu vị ấy muốn: “Ðối với sự vật không đối nghịch, ta sẽ
an trú với tưởng đối nghịch”, và ở đây vị ấy an trú với tưởng đối nghịch. Nếu
vị ấy muốn: “Ðối với sự vật đối nghịch và không đối nghịch, ta sẽ an trú với
tưởng không đối nghịch”, và ở đây vị ấy an trú với tưởng không đối nghịch. Nếu
vị ấy muốn: “Ðối với sự vật không đối nghịch và đối nghịch, ta sẽ an trú với
tưởng đối nghịch”, và ở đây vị ấy an trú với tưởng đối nghịch. Nếu vị ấy muốn:
“Loại bỏ cả hai đối nghịch và không đối nghịch, ta sẽ trú xả, chánh niệm, tỉnh
giác”, và ở đây vị ấy trú xả, chánh niệm, tỉnh giác. Bạch Thế Tôn, như vậy là
thần thông vô lậu, vô dư y, và được gọi là “bậc Thánh”.
Bạch Thế Tôn, như vậy là vô thượng về các loại Thần túc thông. Tất
cả điểm này, Thế Tôn đã biết, và ngoài sự hiểu biết của Ngài, không có gì còn
lại để hiểu biết hơn nữa. Không có một ai, một Sa môn hay Bà-la-môn nào khác,
có thể chứng biết hơn Thế Tôn về vấn đề các loại Thần túc thông.
Bạch Thế Tôn, những gì có thể đạt được bởi một thiện nam tử có
lòng tin, có tinh tấn, có kiên trì bởi sự kiên trì của con người, bởi sự tinh
tấn của con người, bởi sự tiến bộ của con người, bởi sự nhẫn nhục của con
người, đều được Thế Tôn chứng đạt. Bạch Thế Tôn, Thế Tôn không có đam mê các
dục lạc, dục lạc này là đê tiện, hèn hạ, thuộc phàm phu, không xứng bậc Thánh,
không có lợi ích. Thế Tôn cũng không đam mê tu hành khổ hạnh, khổ hạnh này là
khổ, không xứng bậc Thánh, không có lợi ích. Thế Tôn có thể đạt được nếu Ngài
muốn, một cách dễ dàng, một cách đầy đủ, sự hạnh phúc ngay trong hiện tại, do bốn
Thiền định đem lại.
Bạch Thế Tôn, nếu có ai hỏi con: “Này Hiền giả Sāriputta,
trong thời quá khứ, có vị Sa môn hay Bà-la-môn nào còn lớn hơn, còn sáng suốt
hơn Thế Tôn về vấn đề giác ngộ?” Bạch Thế Tôn, được hỏi vậy, con trả lời không.
Bạch Thế Tôn, nếu có ai hỏi con: “Này Hiền giả Sāriputta, trong thời vị
lai, có vị Sa môn hay Bà-la-môn nào còn lớn hơn, sáng suốt hơn Thế Tôn về vấn
đề giác ngộ?” Bạch Thế Tôn, được hỏi như vậy con trả lời không.
Bạch Thế Tôn, nếu có ai hỏi con: “Này Hiền giả Sāriputta,
trong thời quá khứ, có vị Sa môn hay Bà-la-môn nào có thể bằng Thế Tôn về vấn
đề giác ngộ?” Bạch Thế Tôn, được hỏi vậy con trả lời có. “Này Hiền
giả Sāriputta, trong thời vị lai, có vị Sa môn hay Bà-la-môn nào có thể
bằng Thế Tôn về vấn đề giác ngộ?” Bạch Thế Tôn, được hỏi vậy con trả lời có.
Bạch Thế Tôn, nếu có ai hỏi con: “Này Hiền giả Sāriputta,
trong thời hiện tại, có vị Sa môn hay Bà-la-môn nào có thể bằng Thế Tôn về vấn
đề giác ngộ?” Bạch Thế Tôn, được hỏi vậy con trả lời không.
Bạch Thế Tôn, nếu có ai hỏi con: “Vì sao, Tôn
giả Sāriputta một mặt thì xác nhận là có, một mặt xác nhận là không
có?” Bạch Thế Tôn, được hỏi vậy con sẽ trả lời: “Này Hiền giả, trước mặt Thế
Tôn, tôi có nghe nói, từ nơi Ngài tôi có ghi nhận: “Trong thời quá khứ, có vị
A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác bằng Ta về phương diện giác ngộ.” Này Hiền giả trước
mặt Thế Tôn tôi có nghe nói, từ nơi Ngài tôi có ghi nhận: “Trong thời vị lai,
có các vị A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác bằng Ta về phương diện giác ngộ.” Này Hiền
giả, trước mặt Thế Tôn tôi có nghe nói từ nơi Ngài tôi có nghi nhận: “Không có
trường hợp, không có sự kiện trong một thế giới, hai vị A-la-hán, Chánh Ðẳng
Giác cùng xuất hiện ở đời, không trước, không sau. Sự kiện như vậy không thể
xảy ra”. Bạch Thế Tôn, có phải khi được hỏi và trả lời như vậy, con đã nói lên
đúng ý với Thế Tôn, không có sai lạc, không có hiểu lầm Thế Tôn? Có phải con đã
trả lời thuận pháp, đúng pháp? Có phải không một đối phương hợp pháp nào có thể
tìm ra lý do để chỉ trích phê bình?
-
Này Sāriputta, được hỏi và trả lời như vậy, Ngươi đã nói lên đúng ý với
Ta, không có sai lạc, không có hiểu lầm Ta. Ngươi đã trả lời thuận pháp và đúng
pháp. Không một đối phương hợp pháp nào có thể tìm ra lý do để chỉ trích, phê
bình.
Ðược nghe nói vậy, Tôn giả Udāyi bạch Thế Tôn
—Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Thật là kỳ diệu, bạch Thế Tôn! Như
Lai thiểu dục như vậy, tri túc như vậy, nghiêm túc như vậy; trong khi Như Lai
có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy, mà không tự mình tỏ lộ. Bạch
Thế Tôn, nếu có một du sĩ ngoại đạo nào, tự thấy mình chứng được dầu chỉ có một
pháp, họ đã dương cờ (gióng trống) lên rồi. Thật là hy hữu, bạch Thế Tôn! Thật
là kỳ diệu, bạch Thế Tôn! Như Lai thiểu dục như vậy, tri túc như vậy, nghiêm
túc như vậy; trong khi Như Lai có đại thần lực như vậy, có đại uy lực như vậy,
mà không tự mình tỏ lộ.
- Hãy ghi nhận, này Udāyi! Như Lai thiểu dục như vậy, tri túc
như vậy, nghiêm túc như vậy; trong khi Như Lai có đại thần lực như vậy, có đại
uy lực như vậy, mà không tự mình tỏ lộ. Này Udāyi, nếu có một du sĩ ngoại
đạo nào, tự thấy mình dầu chỉ có một pháp như vậy, họ đã dương cờ (gióng trống)
lên rồi. Này Udāyi hãy ghi nhận! Như Lai thiểu dục như vậy, tri túc
như vậy, nghiêm túc như vậy; trong khi Như Lai có đại thần lực như vậy, có đại
uy lực như vậy, mà không tự mình tỏ lộ.
Rồi Thế Tôn bảo tôn giả Sāriputta
—Vậy Sāriputta, Ngươi phải luôn luôn thuyết pháp phân biệt
này cho các Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, các Nam cư sĩ và các Nữ cư sĩ.
Này Sāriputta, nếu có những kẻ ngu nào còn nghi ngờ hay ngần ngại đối với
Như Lai, nếu họ được nghe pháp phân biệt này, nghi ngờ hay ngần ngại của họ đối
với Như Lai sẽ được diệt trừ.
Như vậy, tôn giả Sāriputta nói lên lòng hoan hỷ của
mình đối với Thế Tôn. Do vậy, danh từ “Sam pasàdaniyam, Tự hoan hỷ” được dùng
cho câu trả lời này.
No comments:
Post a Comment