HỎI: (N.D) Kính thưa sư cô, hôm qua con đã đọc kỹ lời khuyên của cô, con đã biết nên làm gì tiếp theo rồi ạ. Con cảm ơn sư cô nhiều lắm. Con còn một câu hỏi nữa, mong sư cô từ bi chỉ dạy. Con có đọc nhiều sách và xem video giảng pháp của Trưởng lão thì được biết rằng, mỗi ý nghĩ, hành động của chúng ta đều phát ra từ trường thiện hoặc ác, đồng thời, từ trường này vây quanh chúng ta giống như một khối hào quang. Nghiệp lực này độc lập với thân và tâm, nó lôi kéo, thúc đẩy chúng ta làm các việc ác hoặc thiện. Nếu chúng ta làm ác thì hành động ác đó sẽ lại phát ra từ trường ác và cứ thế nghiệp lực ngày càng mạnh thêm, ngược lại nếu chúng ta làm thiện (không làm khổ mình, khổ người) thì từ trường thiện phát ra, và khi siêng năng sinh thiện tăng trưởng thiện thì từ trường thiện này sẽ mạnh lên và lấn át từ trường ác. Đến đây thì con đã hiểu tương đối, con cũng hiểu thân ngũ uẩn là gì, tuy nhiên "TÂM" cụ thể là gì con vẫn chưa phân biệt thật rõ. Tâm có phải là ý thức không ạ? Nó là một thức trong 6 thức hay là gì khác ạ? Con mong cô từ bi chỉ dạy. Con xin cảm ơn ạ.
...TRẢ LỜI:
Kính gửi chị N.D!
Câu hỏi của chị có mấy phần sau: Nghiệp là gì và tâm là gì? Nghiệp nằm ngoài hay trong thân ngũ uẩn này? Tâm có phải là ý thức không? Mối quan hệ giữa nghiệp và tâm.
Trước hết ta xác định về NGHIỆP là gì.
Con người chúng ta hàng ngày luôn hoạt động theo tâm tham sân si của mình, mỗi hành động từ thân miệng ý luôn phóng xuất ra từ trường thiện ác khắp nơi trong không gian này, thì từ trường đó gọi là nghiệp.
Ở đây có khái niệm là “từ trường”, Trưởng lão Thích Thông Lạc đã nói rằng: Thầy mượn danh từ vật lý là “từ trường” để chỉ cho trường hành động thiện ác của con người phát ra trong không gian, và Thầy nói rằng từ trường này cũng chưa đúng hẳn.
Đức Phật đã xác định ý thức con người dẫn đầu các pháp, cho nên tất cả các hành động của chúng ta do ý thức điều khiển. Khi chúng ta làm một hành động thì nó tạo ra một từ trường, hành động ác sẽ tạo ra từ trường ác, hành động thiện sẽ tạo ra từ trường thiện. Từ trường này chính là nghiệp lực của chúng ta, nó bao quanh và theo chúng ta để tác động vào thân tâm làm cho chúng ta khổ đau hay an vui, cho nên đức Phật dạy trong kinh Pháp cú:
"Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ tạo tác
Nếu với ý nhiễm ô (ác)
Nói năng hay hành động
Khổ não bước theo sau
Như chiếc xe theo chân con vật kéo"
...
"Ý dẫn đầu các pháp
Ý làm chủ tạo tác
Nếu với ý thanh tịnh (thiện)
Nói năng hay hành động
An lạc bước theo sau
Như bóng không rời hình"
Cho nên, nghiệp sẽ theo chúng ta, tức là nó ở bên ngoài chứ không phải ở trong thân chúng ta. Nói một cách rõ ràng hơn: nghiệp và thân ngũ uẩn là hai chứ không phải là một. Nghiệp nằm ngoài thân ngũ uẩn và tác động vào thân ngũ uẩn để chúng ta trả quả khổ hoặc hưởng quả an vui. Như Trưởng lão Thích Thông Lạc dạy thì chúng ta không nhìn thấy từ trường nghiệp ác và từ trường nghiệp thiện đang bao quanh chúng ta, nhưng chúng ta biết sự tác động của nó, ví dụ như tai nạn, bệnh tật, đau khổ, đó là để trả những nhân quả ác đã gieo.
Đức Phật dạy, con người là thừa tự của nghiệp, nghiệp là thai tạng của con người. Cho nên nghiệp nằm ngoài thân ngũ uẩn. Nếu nghiệp ở trong thân chúng ta thì khi chết là hết nghiệp, hết nghiệp là hết tham sân si, hết tham sân si là chấm dứt tái sanh. Nhưng không phải như vậy!
Khi thân ngũ uẩn chết thì vẫn còn nghiệp tương ưng tái sanh, chứ nghiệp không mất đi. Chỉ khi nào không còn tham sân si thì nghiệp thiện bất động không tương ưng tái sanh mà thôi. Vì thế đức Phật dạy: “Nghiệp tái sanh luân hồi”, chỉ cho nghiệp tham sân si tương ưng tái sanh luân hồi.
Chúng ta có thể xem một ví dụ trực quan như sau:
Chúng ta có một chiếc điện thoại như iPhone, chúng ta tạo một tài khoản và đăng nhập vào để sử dụng. Hằng ngày ta dùng điện thoại để gõ văn bản, quay phim, chụp ảnh, điện thoại, tin nhắn, chơi game, ... tất cả những dữ liệu này chúng ta đều lưu trên đám mây điện toán (cloud storage), gọi là iCloud. Khi chiếc điện thoại bị hỏng hoặc không dùng được nữa, chúng ta có thể mua một điện thoại (iPhone) mới, và chúng ta đăng nhập bằng tài khoản cũ, tải toàn bộ dữ liệu từ đám mây điện toán về, sử dụng bình thường.
Thì ở đây iPhone tượng trưng cho thân ngũ uẩn của chúng ta, dữ liệu lưu trữ trên đám mây điện toán của chúng ta giống như là nghiệp lực vậy. Dữ liệu trên đám mây điện toán nằm ngoài điện thoại cũng như nghiệp lực của chúng ta nằm ngoài thân ngũ uẩn. Khi điện thoại mất thì dữ liệu lưu trên đám mây điện toán vẫn còn, cũng như thân ngũ uẩn tan hoại thì nghiệp vẫn còn và tương ưng tái sanh.
Cho nên Đức Phật dạy: “Nghiệp tương ưng tái sanh luân hồi” chứ không phải nghiệp đi luân hồi, vì từ trường hành động thiện ác của chúng ta bao phủ không gian, đủ thời tiết nhân duyên là tương ưng tái sanh. Ví dụ: từ trường thiện ác chúng ta tương ưng với từ trường tham sân si của cha mẹ nào đó, hợp duyên sẽ sanh ra bào thai, từ đó phát triển thành con người hoàn chỉnh.
Như vậy, nghiệp của chúng ta là những từ trường hành động thiện ác được xuất phát từ thân khẩu ý và nghiệp NẰM NGOÀI thân ngũ uẩn.
Cái gì mà chúng ta thường hay làm lặp đi lặp lại nhiều lần trở thành thói quen thì đó gọi là nghiệp lực.
Nghiệp là từ trường, nên nó vô hình, nhưng chúng ta vẫn biết được sự tác động của nó.
Ví dụ 1: Nhiều khi mình muốn thức nhưng cơn buồn ngủ cứ ập tới mà không chống lại được thì đó là nghiệp si tác động vào ý thức gây buồn ngủ.
Ví dụ 2: Khi có một món ăn ngon, ta cảm thấy thèm thì đó là nghiệp tham đã chi phối.
Ví dụ 3: Thấy trái ý nghịch lòng thì ta nổi sân lên thì đó là nghiệp sân chi phối tác động vào thân (nóng mặt, tim đập nhanh) và ý thức để sinh cơn tức giận.
Ví dụ 4: Có người có thói quen đi nhanh, có người có thói quen đi chậm thì đó là nghiệp thân hành của họ.
Ví dụ 5: Có người ngồi là cựa quậy không chịu ngồi yên mà hay bẻ ngón tay, ngón chân cũng là nghiệp thân của họ, đang bị trạo cử thân hành.
Ví dụ 6: Cùng học một vấn đề nhưng có người học nhanh, có người học chậm là vì người học nhanh họ đã huân tập sự hiểu biết về lĩnh vực đó từ đời trước, nên khi gặp lại thì họ dễ tiếp thu hơn, gọi là năng khiếu, năng khiếu chính là nghiệp.
Ví dụ 7: Có việc gì xảy ra trong gia đình hoặc ngoài xã hội làm ta lo lắng, buồn phiền đó chính là nghiệp tác động làm cho ta lo lắng, buồn phiền.
Ví dụ 8: Trưởng lão Thích Thông Lạc dạy rằng: Những người có thói quen sát sanh thì đã huân tập thành một nghiệp sát, nên khi nóng giận họ có thể giết người rất dễ dàng.
...
Nếu chúng ta hành động ác làm khổ mình khổ người thì sẽ tạo ra nghiệp ác, nghiệp ác là từ trường ác, từ trường này sẽ luôn luôn theo chúng ta và tác động vào thân chúng ta làm cho chúng ta bị tai nạn, bệnh tật, giận hờn, phiền não, bất an, ... để trả quả khổ.
Nếu chúng ta hành động thiện không làm khổ mình khổ người thì sẽ tạo ra nghiệp thiện, nghiệp thiện là từ trường thiện, từ trường này sẽ luôn luôn theo chúng ta, tác động vào thân tâm chúng ta, làm cho chúng ta hạnh phúc, no đủ, an vui, thanh thản để ta hưởng phước thiện.
Những hành động của chúng ta đều xuất phát từ thân khẩu ý do TÂM điều khiển.
Vậy TÂM là gì?
Tâm chính là cái biết của 6 căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Trong 6 căn này, ý căn làm chủ điều khiển 5 căn còn lại.
Cái biết của mắt, tai, mũi, miệng, thân gọi là các giác quan, còn ý thức là trung ương để tổng hợp và ra quyết định.
Chúng ta hãy hình dung về trạng thái của tâm và so sánh như sau:
Cơ thể con người cũng giống như một đất nước vậy, một đất nước có Trung ương và các bộ ngành như: Bộ Giáo dục, Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh, Bộ Y tế, Bộ Giao thông, Bộ Kinh tế, Bộ Phòng chống thiên tai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, … Trạng thái của đất nước đó phụ thuộc vào “cái biết tổng hợp” của Trung ương và các bộ ngành. Từ cái biết tổng hợp này thì Trung ương mới ra quyết định hành động cho các đơn vị trực thuộc thực thi.
Ví dụ 1: Bộ Phòng chống thiên tai thông báo là cơn bão số 4 sẽ tới các tỉnh miền Trung vào tháng 9 thì Trung ương ra lệnh phải phòng chống bão lụt để ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Ví dụ 2: Bộ Kinh tế báo cáo là tình hình giá cả leo thang, hàng hóa xuất khẩu tồn đọng, … thì Trung ương đánh giá tình hình và chỉ thị hành động để mục đích là đảm bảo ổn định kinh tế, đời sống nhân dân.
Ví dụ 3: Tình hình an ninh trật tự có bất ổn do Bộ An ninh báo cáo là Trung ương chỉ thị các đơn vị liên quan phải xử lý để đem lại sự bình an cho nhân dân.
…
Vì vậy, trạng thái của đất nước là do sự phân tích, đánh giá của các bộ ngành và quyết định của Trung ương, trạng thái đó gọi là “tâm”.
Đối với con người thì cũng như một đất nước, tâm là tổng hợp của 6 cái biết: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, trong đó ý thức là Trung ương, quan trọng nhất; mắt, tai, mũi, miệng, thân đóng vai trò như các bộ ngành.
Vậy cái biết của TÂM phụ thuộc vào điều gì?
Ta xét một số trường hợp sau:
Ví dụ 1: Có một người tập uống rượu, ban đầu thì một chén, sau 2 chén, và cứ thế thành một thói quen nghiện rượu. Thói quen này chính là nghiệp lực nghiện rượu. Thỉnh thoảng, nghiệp lực này sẽ tác động vào ý thức của anh ta để gây cảm giác thèm rượu, lúc này cái biết của anh ta là cái biết thèm uống rượu. Nếu anh ta làm theo tâm ham muốn uống rượu của mình là bị nghiệp nghiện rượu dẫn dắt thì anh ta tiếp tục thực hiện hành vi uống rượu và nghiệp lực nghiện rượu sẽ được huân dày thêm, nghĩa là anh ta sẽ nghiện rượu nhiều hơn.
Ngược lại nếu khi khởi tâm thèm rượu mà anh ta suy tư: “Mình không ăn cơm, không uống nước mới chết chứ đâu phải chết vì không uống rượu? Nếu mình cứ tiếp tục uống rượu thì sẽ say xỉn không làm chủ được bản thân, vừa hao mòn sức khỏe, nhân cách suy đồi, lại hao tiền tốn của, khi say thì làm khổ mình khổ người”. Nghĩ như vậy thì anh ta nhắc tâm: “Nhất định không được uống rượu, phải từ bỏ thói quen nghiện ngập ác pháp này!”, lúc này tâm của anh ta là cái biết triển khai tri kiến ly dục uống rượu, lúc này nghiệp nghiện rượu sẽ bị giảm xuống, nhẹ hơn.
Ví dụ 2: Có người hàng ngày hễ ai nói trái ý nghịch lòng thì tức giận, lâu ngày thành một thói quen giận hờn, gọi là nghiệp sân. Đến một ngày, có người tới chửi anh ta. Nếu anh ta thiếu bình tĩnh thì nghiệp sân tác động vào ý thức khiến anh ta tức giận, nóng mặt, mắng chửi lại người đó thì lúc này anh ta bị nghiệp sân dẫn và cái biết lúc này là cái biết sân hận, như vậy tâm sân anh ta đang khởi lên và như vậy nghiệp sân của anh ta sẽ được tăng cường độ.
Nếu anh ta bình tĩnh, cố nén cơn sân nhưng không chửi lại người đó thì nghiệp sân của anh ta không được xả, vẫn tích tụ trong tâm. Nếu tâm sân đó dồn nén lâu ngày quá sức chịu đựng của bộ não thì sẽ phát khởi ra hành động sân như mắng chửi, phá đồ đạc và có thể giết người được.
Trên báo chí có đăng tải trường hợp anh giết cả nhà em ruột là do sự tích tụ tâm sân dồn nén, không giải tỏa được, nên khi có duyên là một mâu thuẫn nhỏ cũng bộc phát thành hành động rất là hung ác, gây hậu quả bi thảm.
Đúng là “một đốm lửa sân thiêu cháy cả rừng công đức”, “nhất niệm tâm sân khởi, bách vạn chướng môn khai”.
Nếu anh ta bình tĩnh và suy tư: “Người đang khổ đau mới chửi mắng mình, còn hạnh phúc thì làm sao mà chửi người khác được. Mặt khác họ chửi mình cũng chỉ là duyên để ta trả nhân quả từng chửi người khác. Do vậy ta không được sân, mà hãy tha thứ cho họ.”, lúc này tâm của anh ta chính là đang triển khai tri kiến để xả tâm sân. Sau khi triển khai và tác ý xả tâm sân, thì cường độ nghiệp sân của anh ta sẽ giảm xuống.
Ví dụ 3: Có người lái xe trên đường, anh ta chú ý quan sát đường để điều khiển xe đúng luật giao thông và lưu thông an toàn. Nhưng đến một đoạn đường, đột nhiên trong ý của anh khởi lên vọng tưởng về một chuyện buồn trong quá khứ, khiến anh ta bị chi phối và mất tĩnh giác, thất niệm, thế là anh ta không quan sát phía trước có một hố sâu, chính vì vậy anh ta không kịp đánh lái tránh hố sâu đó, kết quả là một tai nạn giao thông thương tâm xảy ra, thì như vậy cái tâm của anh bị nghiệp chi phối, dẫn dắt nên quên đi cái biết hiện tại (không quan sát đường).
Ví dụ 4: Cùng một vấn đề xảy ra ngoài xã hội, nhưng nhà kinh tế sẽ nhìn ở góc độ lợi ích kinh tế; nhà khoa học sẽ phân tích ở khía cạnh khoa học; nhà môi trường sẽ phân tích ở khía cạnh ảnh hưởng môi trường; nhà an ninh sẽ suy nghĩ về vấn đề an toàn, an ninh; nhà làm luật sẽ nhìn ở góc độ luật pháp, … có nghĩa là mỗi người sẽ nhìn vấn đề theo sự hiểu biết kinh nghiệm của họ, nên cùng một sự vật hiện tượng, nhưng tâm mỗi người khác nhau.
Ví dụ 5: Có người ăn chay vì sức khỏe, có người ăn chay vì sắc đẹp, có người ăn chay vì giáo điều tôn giáo, có người ăn chay vì Đức Hiếu Sinh, … Cho nên, cũng là ăn chay nhưng tâm mỗi người mỗi khác.
Ví dụ 6: Có người hiểu Phật pháp ở góc độ tôn giáo thì họ sẽ hiểu sự tu hành theo cấp bậc từ người cư sĩ tới tu sĩ, trong giới tu sĩ thì chia ra Sadi, Tỳ kheo, Đại đức, Thượng tọa, Hòa thượng, … theo hạ lạp (thâm niên tu hành); có người hiểu Phật pháp ở đạo đức thì họ sẽ áp dụng tu tập theo từng cấp độ Đạo Đức Nhân Bản Làm Người 5 giới, Đạo Đức Nhân Quả 10 điều lành và Đạo Đức Làm Thánh là giữ tâm bất động trước ác pháp và áp dụng pháp tu đúng theo hoàn cảnh sống. Như vậy, cũng là Phật pháp, nhưng sự hiểu biết mỗi người khác nhau, tức là tâm khác nhau, nên kết quả sẽ khác nhau.
Ví dụ 7: Trưởng lão Thích Thông Lạc kể lại rằng: thời đức Phật mặc dù có nhiều người tu chứng, nhưng cũng có nhiều vị Tỳ kheo vẫn còn kiến chấp vì trước khi đến với đức Phật đầu óc của họ đầy ắp những tà kiến của Lục sư ngoại đạo, vì thế họ vẫn hiểu lệch lạc giáo pháp của đức Phật.
Ví dụ 8: Có người khi còn trẻ, sức khỏe tốt, răng chắc, hệ tiêu hóa ổn định thì thường thích ăn những đồ ăn giòn, tươi, không quá mềm. Còn lúc về già, sức khỏe kém răng yếu, hệ tiêu hóa suy giảm thì thường thích ăn những thức ăn mềm, dễ tiêu hóa. Thì như vậy cái biết về ăn uống bị nghiệp thân chi phối, tức là phụ thuộc vào nghiệp thân mình.
Ví dụ 9: Khi vào thất tu, sống độc cư không giao tiếp, tự nhiên thấy buồn chán, nên gặp ai cũng thích nói chuyện. Tâm thích nói chuyện là tâm đời bị nghiệp thế gian chi phối, nếu không ngăn và diệt tâm này thì tâm sẽ phóng dật, đó là kẻ hở cho nhân quả xen vào phá vỡ con đường tu hành của mình, khiến cho mình không thể đi tới rốt ráo được.
Ví dụ 10: Có người biết chánh pháp, nỗ lực thực hiện Đức Hiếu Sinh nên ăn thực vật, nhưng do chưa xả sạch nghiệp thèm thức ăn động vật nên dù ăn chay nhưng thỉnh thoảng vẫn mơ thấy đi nhậu nhẹt với bạn bè ăn thịt chúng sanh. Thì như vậy, nghiệp thèm thịt động vật của người này tác động vào tưởng thức sanh chiêm bao.
Nếu người này đủ sức tĩnh giác thì người đó sẽ tỉnh thức và tác ý diệt trừ nghiệp thèm thịt chúng sanh trong giấc mơ liền.
Khi xả tâm chưa sạch thì nghiệp lực của chúng ta sẽ tác động sanh chiêm bao để thực hiện lòng ham muốn của nó.
Ví dụ 11: Trưởng lão Thích Thông Lạc kể rằng: Thầy là người tu từ thời Đức Phật, cho nên gần 10 năm tu hành sai pháp cho đến cuối cùng Thầy lấy cuốn kinh Trung Bộ ra đọc, đọc đến những câu như: “Khi tác ý một tướng khác thì tướng kia sẽ bị diệt” hoặc “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”, thì lúc này năng khiếu tu hành đúng chánh pháp từ kiếp xưa trỗi dậy, tức là nghiệp tu đúng sống lại khi gặp duyên là đọc cuốn Trung Bộ kinh, nên 6 tháng nỗ lực tu tập xả tâm, Thầy đã chứng đạo, làm chủ hoàn toàn sanh, già, bệnh, chết.
…
Như vậy, sự NHẬN THỨC và hành động của chúng ta đối với nhân sinh quan và vũ trụ quan, tức là môi trường sống, phụ thuộc vào thói quen và kinh nghiệm bản thân, nghĩa là cái nhìn của chúng ta thường qua LĂNG KÍNH NGHIỆP LỰC.
Cũng như cùng là một bức tranh, nhưng người đeo kính màu đen sẽ nhìn bức tranh theo một kiểu, người đeo kính màu đỏ sẽ nhìn bức tranh theo một kiểu, người đeo kính không màu sẽ nhìn bức tranh theo chân thực hơn.
Chính vì cách nhìn nhận các sự việc, hiện tượng của chúng ta thường qua lăng kính kinh nghiệm cá nhân, nên nó không giống nhau, tức là tâm sẽ khác nhau, do tâm khác nhau nên có chướng ngại dễ dẫn tới xung đột về quan điểm, lối sống, lợi ích, … từ đó chúng ta mới sanh ra những hành động làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai.
Mục đích của đạo Phật ra đời là giúp cho con người thoát khổ, muốn vậy phải xây dựng cho con người sự hiểu biết không có khổ đau, để luôn luôn nhìn nhận mọi sự việc hiện tượng như thế nào để tâm không đau khổ. Cách thức tu tập để có được sự hiểu biết không khổ đau gọi là Định vô lậu.
Do đó lớp đầu tiên của đạo Phật là lớp Chánh Kiến, tức là cái nhìn chân chánh đối với các pháp xảy ra trong thế gian, vũ trụ này. Bài học căn bản nhất của lớp Chánh kiến là tri kiến về nhân quả, để biết rằng tất cả mọi vật, mọi việc và rộng ra là mọi pháp trên thế gian này đều diễn ra theo quy luật nhân quả. Mà nhân quả thì nếu làm thiện sẽ được hưởng quả thanh thản, an vui, hạnh phúc, no ấm; nếu làm ác sẽ bị quả báo khổ đau, bất hạnh, bệnh tật, tai nạn, oan trái, …
Vì thế Trưởng lão Thích Thông Lạc dạy chúng ta: “Hãy nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả thiện ác, không nhìn đúng sai phải trái” tức là xây dựng cho chúng ta “lăng kính hiểu biết” để nhìn nhận mọi sự vật, hiện tượng, nếu thấy thiện không làm khổ mình khổ người thì làm, còn ác làm khổ mình khổ người thì không làm, tức là ngăn ác diệt ác sanh thiện tăng trưởng thiện pháp. Do ngăn ác diệt ác sanh thiện tăng trưởng thiện pháp nên tâm không đau khổ, tức là tâm được giải thoát, hạnh phúc và an vui.
Bình thường, ý thức chúng ta tự nhiên khởi niệm vọng tưởng là do nghiệp tham sân si tác động vào ý thức sanh những niệm này. Cho nên, tu hành theo đạo Phật thì mình không diệt vọng tưởng, mà từ vọng tưởng mình phải truy ra gốc nghiệp của nó, tức là tham sân si, sau đó triển khai tri kiến và tác ý diệt trừ tham sân si thì tâm sẽ thanh thản, an lạc, vô sự.
Thân chúng ta như cây thảo mộc, nghiệp tham sân si chúng ta giống như chất dinh dưỡng tác động vào cây sanh cành lá ví như là vọng tưởng. Nếu chúng ta ức chế cho hết vọng tưởng cũng như vặt trụi cành lá, nếu vẫn còn chất dinh dưỡng nuôi cây thì cành lá sẽ mọc lại, thậm chí còn xanh tốt hơn nữa. Do vậy, ta nhận thức rằng cây còn cành lá tức còn chất dinh dưỡng, nên chỉ cần chúng ta rút hết chất dinh dưỡng của cây thì tự động cành lá không còn, đó chính là xử lý cái gốc khổ đau.
Đạo Phật nhắm vào gốc nghiệp ham muốn, tham sân si là nguyên nhân gây ra đau khổ để ngăn và diệt, khi ngăn và diệt tham sân si thì tự động vọng tưởng sẽ thưa dần và không còn nữa, lúc này tâm sẽ thanh thản, an lạc và vô sự, một trạng thái giải thoát sáng suốt vô cùng. Ở trạng thái không có tham sân si, chúng ta luôn nhìn mọi sự vật hiện tượng rất là đúng đắn, chính xác không bị lòng ham muốn chi phối. Cho nên, người ta nói: “Bình thường tâm thị đạo”, chỉ cho trạng thái tâm bình thường không tham sân si thì trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự hiện bày.
Thầy Thông Lạc thường dạy chúng ta xả tâm như cục đất, bằng cách triển khai tri kiến giải thoát và tác ý: “Tâm như cục đất, ly tham sân si cho thật sạch”, tức là xả ly nghiệp khổ, tạo nghiệp giải thoát, nghiệp giải thoát tức là tâm giải thoát.
Tâm giải thoát là tâm không dính mắc các pháp thế gian, tâm không dính mắc các pháp thế gian là tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm quay vào định trên thân, tâm định trên thân là trạng thái tâm toàn thiện, vì thế Đức Phật dạy: “Ta thành chánh giác là nhờ tâm không phóng dật, muôn pháp lành từ đó mà sanh ra”.
Như đã nói ở trên, TÂM là cái biết của 6 căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, trong đó ý căn dẫn đầu, điều khiển 5 căn còn lại, “ý làm chủ, ý dẫn đầu các pháp”.
6 căn này thường tiếp xúc với 6 trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Tâm vốn dính mắc 6 trần nên tâm hay bị động, tâm bị động thì các hành động do tâm điều khiển sẽ tạo nghiệp tham sân si.
Và chính nghiệp tham sân si sẽ tác động vào tâm khi nhận thức và ứng xử với các pháp giống như là một kinh nghiệm hay quán tính của tâm.
Vì vậy ta tác ý bảo vệ tâm bất động có nghĩa là tâm không bị dính mắc, không chạy theo và không dao động. Tâm bất động không phải là tâm không niệm, không biết, không ngơ vì tâm luôn có 6 cái biết, nên nó luôn sáng suốt và hiểu biết đầy đủ.
Ta thấy rằng nghiệp sẽ tác động vào tâm và ngược lại tâm sẽ tạo nghiệp. Nếu tâm bị nghiệp chi phối thì sẽ hành động theo lòng ham muốn và tiếp tục tạo nghiệp tham sân si để thọ khổ. Nếu tâm được trang bị tri kiến hiểu biết Định vô lậu thì sẽ ngăn và diệt nghiệp ác để tạo nghiệp không khổ đau, tức là nghiệp giải thoát.
Thầy Thông Lạc thường dạy: “Sống là sự trả nghiệp, chứ không phải là sự tham đắm” để nhắc chúng ta xả tâm ly dục ly ác pháp, nhờ tâm ly dục ly dục ly ác pháp nên chúng ta sẽ sống một đời đạo đức không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh.
Tóm lại, nghiệp là từ trường của hành động thân khẩu ý do tâm điều khiển, nghiệp nằm ngoài thân ngũ uẩn và tác động vào thân ngũ uẩn và tâm là cái biết tổng hợp của 6 thức trong thân ngũ uẩn.
Như vậy, nghiệp do tâm tạo và tâm là thể hiện của nghiệp lực khi tác động vào thân ngũ uẩn, nên Trưởng lão Thích Thông Lạc đã xác định tâm và nghiệp là một (Đường Về Xứ Phật - Tập 1). Do đó để có một cuộc sống thanh thản, an vui thì tâm phải ngăn và diệt nghiệp ác, tăng trưởng nghiệp thiện, vì nghiệp ác đem lại sự đau khổ còn nghiệp thiện thì không làm khổ mình khổ người.
Thay mặt BBT,
Sc. Nguyên Thanh
…
P/s: Bài viết được BBT Thư viện Thầy Thông Lạc đăng tải trên trang TRIỂN KHAI TRI KIẾN GIẢI THOÁT. Quý bạn đọc vui lòng nhấp vào liên kết hình dưới để tham khảo:
https://www.facebook.com/
#trienkhaitrikiengiaithoat
No comments:
Post a Comment