Sunday, September 6, 2020

NHÌN ĐỜI BẰNG ĐÔI MẮT NHÂN QUẢ LÀ GIẢI THOÁT




Nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả đó là nhìn mới đôi mắt Chánh kiến.

Khi Chánh kiến có mặt thì Si được đoạn trừ, tâm tham, sân không có cơ hội sanh khởi; nếu nó sanh khởi thì sẽ đoạn diệt.

Để nhìn đời bằng đôi mắt nhân quả thì trước tiên chúng ta phải hiểu về nhân quả. Muốn hiểu về nhân quả thì chúng ta phải thân cận người thiện tri thức (người có tri thức thiện) như chúng tôi đã trình bày trong Món Ăn Giải Thoát 

Nhân quả là một sự thật hiển nhiên ở đời này, người nào, khi nào có khởi lên tâm tham, sân, si, mạn, nghi thì ngay đó có khổ. Khổ và nguyên nhân của khổ luôn đi liền với nhau, ngay tức thời. Cũng vậy, tâm thanh thản an lạc đi liền với trí tuệ, với lòng khoan dung, từ ái, hỷ, xả, đi liền với những điều thiện của thân, khẩu, ý chúng ta.

Nhân quả là xuất phát từ chính mỗi hành động 3 nơi của chúng ta: thân hành, khẩu hành, ý hành; trong đó ý làm chủ. Nếu ý thức chúng ta có Chánh kiến, Chánh tư duy thì ngay đó chúng ta mới làm chủ được thân hành, khẩu hành. Hay nói cách khác, nhận thức đúng thì mới điều chỉnh hành vi tốt được.

Nhìn đời bằng nhân quả là nhìn thấy đường đi của nhân quả do thân khẩu ý mang lại. Có các đường đi của nhân quả:

- Nhân A tu la, quả a tu la.

- Nhân ngạ quỷ, quả ngạ quỷ.

- Nhân súc sanh, quả súc sanh.

- Nhân địa ngục, quả địa ngục.

- Nhân người, quả người

- Nhân trời, quả trời.

- Nhân vô lậu, quả vô lậu!

A tu la là trạng thái tâm sân, giận, bất như ý, bất toại nguyện.

Ngạ quỷ là trạng thái tâm thèm khát, khát khao những vật chất (thức ăn, đồ uống, của cải vật chất, danh tiếng, v.v..) mà không được thỏa mãn.

Địa ngục là trạng thái tâm đau khổ khi ở những hoàn cảnh như bệnh tật, tai họa, sợ hãi, khiếp đảm, v.v..

Súc sanh là trạng thái tâm ích kỷ, nhỏ mọn, hẹp hòi, ham thích ăn uống đồ bất tịnh, hôi thối, rượu chè say sưa quậy phá, v.v..

Người là trạng thái tâm của người sống 5 giới thiện pháp, sống có tàm quý, phản tỉnh sửa những sai lầm của bản thân để đưa đến không khổ mình, không khổ người.

Trời là trạng thái tâm của người sống thiện, sống trên Bát Chánh Đạo, đời sống 5 giới, 8 giới, 10 giới Sadi, tu tập 10 điều lành, cộng trú tâm từ bi hỷ xả, có an lạc. Trong các cõi trời này có chia ra nhiều cảnh giới như cõi trời dục giới, cõi trời sắc giới, cõi trời vô sắc giới; cõi trời đấu suất, sơ thiền, nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, v.v.. nhưng gọi chung là cõi trời. Đây là những trạng thái tâm hạnh phúc.

Niết bàn là trạng thái tâm vô ngã với các thế giới, hoàn toàn không chấp thủ, trói buộc vào các thế giới, xả ly hoàn toàn các kiết sử, đoạn trừ tham sân si mạn nghi.

Những người hay sân giận thì đó là sống trong trạng thái a tu la, và đưa đến quả là: có khuôn mặt xấu xí, dung mạo không được đẹp.

"Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, phẫn nộ, nhiều phật ý, bị nói đến một chút thời bất bình, phẫn nộ, sân hận, chống đối, và tỏ lộ phẫn nộ, sân hận, bất mãn. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy... cõi dữ... xấu sắc. Con đường ấy đưa đến xấu sắc, này Thanh niên, tức là phẫn nộ... bất mãn.'

(Kinh Tiểu nghiệp phân biệt - MN.135)

Người hay sát sanh, giết hại chúng sanh đưa đến quả địa ngục là thân bệnh đau, yểu tử:

"-- Ở đây, này Thanh niên, có người đàn bà hay người đàn ông, sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loại chúng sanh. Do nghiệp ấy, thành đạt như vậy, thành tựu như vậy, sau khi thân hoại mạng chung, bị sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục. Nếu sau khi thân hoại mạng chung, người ấy không sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục, nếu được đi đến loài Người, chỗ nào người ấy sanh ra, người ấy phải đoản mạng. Con đường ấy đưa đến đoản mạng, này Thanh niên, tức là sát sanh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, tâm không từ bi đối với các loài hữu tình."

(Kinh Tiểu nghiệp phân biệt - MN.135)

Tương tự như vậy, chúng ta đọc thêm trong bài kinh Tiểu nghiệp phân biệt  để hiểu đường đi nhân quả hay sách SỐNG MƯỜI ĐIỀU LÀNH - Thầy Thích Thông Lạc dạy.

Chúng ta vào đạo Phật là học về Nhân Quả, do học về nhân quả nên chúng ta biết được thiện - ác. Khi chúng ta hiểu thiện - ác là chúng ta có Chánh kiến.

"-- Chư Hiền, khi Thánh đệ tử tuệ tri được bất thiện và tuệ tri được căn bổn bất thiện, tuệ tri được thiện và tuệ tri được căn bổn thiện, chư Hiền, khi ấy Thánh đệ tử có chánh tri kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin Pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này." (Kinh Chánh tri kiến - MN.09)

Khi chúng ta biết được thiện - ác thì chúng ta tinh tấn đoạn trừ các việc ác để đừng có bị tương ưng vào các quả khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chúng ta tinh tấn thực hành 5 giới 10 điều lành là hướng đến cõi lành, cõi người trời. Từ đây chúng ta xả các chấp thủ bằng các pháp quán vô lậu để cộng trú niết bàn ngay hiện tại.

Tri kiến nhân quả, tri kiến nghiệp báu là tri kiến cốt lõi mà đức Phật thành đạo Ngài nhận ra:

"Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu."

"Nhờ có tri kiến về TƯỚNG nên chúng ta sống trong chánh nghiệp thường làm những điều thiện và tăng trưởng những điều thiện.

Đây là tri kiến về NGHIỆP TƯỚNG, nhờ hiểu biết về NGHIỆP TƯỚNG nên thân tâm không làm điều ác. Đó là tri kiến giải thoát thứ hai trong đạo Phật." (Tri kiến giải thoát thứ 2 - sách Ba Mươi Bảy Phẩm Trợ Đạo - Trưởng lão Thích Thông Lạc).

Khi chúng ta hiểu nhân quả - đường đi nhân quả rồi thì đi về hướng nào là do nơi chúng ta chọn. ĐỨC PHẬT như người đứng chỉ đường, hãy đi về chỗ này, an toàn, không có kẹt xe, không có tai nạn; đi đường kia có tai nạn, v.v.. Ngài chỉ là người chỉ đường, còn lại là do mỗi chúng ta tự chọn lấy con đường cho chính mình: đau khổ hay hạnh phúc. Đức Phật không có quyền năng ban phát hạnh phúc cho bất cứ người nào, do vậy, chúng ta không có thể cầu khấn mà được.

Nhìn đời bằng nhân quả chúng ta câu hữu với pháp từ, bi, hỷ, xả để thương yêu và tha thứ lỗi lầm của mọi người, và chính mình. Do chúng ta trong quá khứ, hiện tại vô minh sinh ra nhiều hành động đưa đến khổ mình khổ người.

🌳 Ngăn ác - diệt ác - sanh thiện - tăng trưởng thiện

Khi chúng ta đã hiểu đường đi nhân quả, hiểu khổ và nguyên nhân đưa đến khổ, hiểu trạng thái tâm thanh thản, an lạc và phương cách sống để có được sự bình an, thanh thản đó thì chúng ta phải hộ trì tâm thanh thản bằng chính đời sống hiện tại của chúng ta, đó là sống 5 giới, 10 điều lành.

Trong 10 điều lành có Ý LÀNH, ý lành là ý không tham sân si. Để hộ trì được ý lành thì chúng ta hãy:

☘ Bước 1: Đọc tâm mình, xem tâm khởi lên niệm gì?

☘ Bước 2: Phân tích xem tâm mình khởi niệm đó là thiện hay ác? Đó là niệm hoan hỷ hay sân, giận, gièm pha, tật đố, khen mình chê người, hiềm hận, ích kỷ, vô ơn, vv...?

☘ Bước 3: Xả niệm ác (sân, mạn, nghi, gièm pha, tật đố, v.v..), vì đó là TẬP ĐẾ, đưa đến khổ đế (cầu bất đắc, oán tắng hội, v.v..)

☘ Bước 4: Tinh tấn xả, triển khai tri kiến, câu hữu với pháp từ bi hỷ xả để xả các niệm bất thiện này, xả xong là trú ở tâm thanh thản. Còn nếu niệm thiện: hoan hỷ, từ bi, hỷ xả, tri kiến về vô thường, khổ, vô ngã, v.v.. thì tiếp tục suy tư để hiểu sâu sắc hơn.

Khi chúng ta xả xong niệm ác như vậy gọi là nhiếp tâm, là nhiếp phục tham ưu. Khi chúng ta nhiếp phục được tham ưu thì đó là an trú tâm (nghĩa là sống với tâm an lạc trở lại).

Pháp như vậy là nhiếp tâm, an trú tâm, là HỘ TRÌ CHÂN LÝ.

Khi chúng ta nhìn ra khổ, nguyên nhân của khổ và từ đó nhiếp tâm, an trú tâm như vậy là chúng ta SỐNG TRONG GIẢI THOÁT NGAY HIỆN TẠI, chấm dứt đau khổ ngay hiện tại.

Cứ như vậy, chúng ta sống ngày qua ngày, bình an và thanh thản.

Cứ như vậy, chúng ta sống mỗi ngày mỗi vui hơn, an lạc hơn trước mọi diễn biến nhân quả.

Sài-gòn, 17.7.2020

No comments:

Post a Comment