Bây giờ không thể nào mà đi ngay được, bây giờ chỉ tùy theo, tùy theo cái căn cơ của mấy con tu tập tới đâu hướng dẫn tới đó chứ chưa phải có trường học, trường lớp gì hết. Mấy con đã có theo Phật Pháp rồi, mà bây giờ mình đưa ra một cái giáo trình để tu tập từ thấp đến cao thì nó phải có một cái thời gian soạn thảo. Còn bây giờ mà ngay từ cái chỗ mà mấy con biết tu tập, thì tùy theo cái căn cơ sự tu tập đó mà linh động uyển chuyển cho các con tu tập nó không có phí, mà nó cũng có những cái kết quả cho cái sự tu tập của các con và những cái sai giúp cho các con biết để mà dừng lại, đừng có tu tập cái sai nữa mà hãy sửa lại cho được đúng để có được cái sự giải thoát nơi thân tâm của mình.
Đó là những cái điều kiện mà hôm nay mấy con về, được Thầy nhắc lại cái pháp mà Đức Phật tu chứng đạo và biết cách thức mà từ lâu tới giờ mấy con đã được theo Thầy tu tập, được đọc kinh sách Thầy viết. Rồi có những cái sai nào để mình vạch ra cho hết, để thấy được cái sai. Rồi thấy được cái sai rồi mình mới biết được cái đúng, chứ còn mình chưa thấy được cái tu sai của mình thì mình nói mình tu đúng chứ sự thật ra mình chưa có biết được cái sai. Mà hễ biết được cái sai thì mình mới biết được cái đúng. Do như vậy, cho nên vì vậy hôm nay Thầy mới chỉ cho mấy con biết cách thức mà tu.
Như hồi nãy Thầy dạy, hồi sáng Thầy dạy các con biết là mình tu cái pháp nào thì mình tập cái pháp đó cho nó nhuần nhả cái Pháp đó, rồi mình bỏ cái pháp đó đi, rồi mình tập cái pháp khác. Bởi vì cái pháp đó nó sẽ giúp cho mình tu tập cái pháp kế, chứ không phải là muốn tu tập cái pháp thứ hai mà cái pháp đầu tiên mình chưa tu tập được pháp thứ hai mà tu tập kết quả đâu. Cho nên mình phải tu tập cái pháp đầu tiên, rồi bắt đầu mình mới từ tập cái pháp thứ hai, cái pháp thứ hai được rồi mới tu tập tới cái pháp thứ ba, nó đi từng lớp lang như vậy chứ không phải có một cái pháp mình tu từ đầu cho đến cuối mình giải thoát hoàn toàn đâu, không có đâu, không có cái pháp như vậy.
Cho nên vì vậy chúng ta biết Phật pháp nó có nhiều pháp. Mà trong một cái pháp vậy mà tu tập thì nó có những cái câu hữu, tức là có sự kết hợp với nhau để mà tu tập, chứ không phải là tu tập độc đáo có một cái pháp nào riêng biệt một pháp nào. Thí dụ như mình chuyên nhất niệm Phật thì cái đó nó không đúng, mà mình phải tu tập nhiều cái pháp để mà kết hợp nhau lại, để mục đích của nó nhắm vào cái mục đích phải giải quyết được cái tâm, được cái tâm phiền não đau khổ.
Đó, thì hôm nay thì mấy con rõ được như vậy thì trong cái sự tu tập mấy con thấy có cái điều gì cần hỏi thì mấy con cứ hỏi, để từ cái chỗ hỏi đó nó mới lòi ra những cái, nó mới hiện ra những cái sai của mình, mới biết được những cái đúng sau này mà tập (2:48)...
Con ngồi đi, con đừng quỳ con. Con yếu con cứ ngồi đi, con hỏi Thầy cũng được, đừng quỳ, cái thân nhọc nhằn.
Thầy sẽ trả lời cái Cận Tử Nghiệp. Cận Tử Nghiệp là cái nghiệp cuối cùng, cái nghiệp mà mình sắp sửa mình chết, cái nghiệp cuối cùng mà mình tạo ra, cái nghiệp cuối cùng đó mình chết.
Thí dụ như bây giờ mình vừa chửi người ta, rồi mình tắt thở mình chết, cái đó gọi là Cận Tử Nghiệp.
Do cái chỗ mà nghĩ cái Cận Tử Nghiệp đó, cho nên trong cái Tịnh Độ đó người ta mới tổ chức cho Hộ Niệm. Hộ Niệm để giữ cho cái tâm mình nó luôn luôn nó ở trong cái câu niệm Phật, để khi mà bỏ cái thân này nó luôn luôn được giữ cái niệm Phật đó, cái câu niệm Phật đó thì nó sẽ được Phật đưa Thánh chúng đến rước cái linh hồn mình về cõi Cực Lạc, rồi mình vãng sanh.
Vì vậy như trong Tịnh Độ thì nó có tổ chức cái Ban Hộ Niệm. Khi một cái người thân của mình sắp sửa chết thì người ta đưa cái Ban Hộ Niệm đến người ta niệm Phật, người ta tụng kinh rồi người ta niệm Phật để làm cho cái người sắp sửa chết người ta duyên theo cái câu niệm Phật đó người ta giữ, người ta tạo được cái nghiệp, cái nghiệp đó là cái nghiệp thiện, cái nghiệp Niệm Phật, để khi mà người ta chết thì người ta ở trong cái câu niệm Phật đó mà được đức Phật Di Đà rước người ta về cõi Cực Lạc đó là cái ý nghĩa như vậy.
Cho nên vì vậy thường thường cái Cận Tử Nghiệp là cái nghiệp cuối cùng khi chúng ta sắp chết thì cái cơ thể chúng ta nó mòn mỏi, người ta nói nó trăn trở đó, cái người mà sắp chết nó trăn trở. Gọi là khi mà ai có nuôi người bệnh người chết mới biết nó trăn trở, nó đau nhức từ trong khúc xương của cái người bệnh, cái người đang sắp chết thì cái người đó họ nằm xuống họ cũng không yên, rồi họ muốn ngồi dậy, đỡ họ ngồi dậy; rồi vừa ngồi dậy thì họ bảo để họ nằm xuống, cứ đỡ lên, nằm xuống vậy gọi là trăn trở, đau nhức trong người khắp cùng hết. Lúc bây giờ tâm họ nó khổ sở vô cùng, nó đau nhức họ khổ lắm. Cho nên ai có chết, ai mà có chết rồi thì mới biết, chứ ai chưa chết thì chưa có biết trong lúc cái Cận Tử Nghiệp.
Cho nên trong lúc cái tâm nó bị đau đớn quá, nó tán loạn, vì vậy mà nó bất an, nó lo lắng, nó thương nhớ rồi nó khổ sở nó đủ cách hết, nó làm cho người ta rối loạn hết,. thì lúc bấy giờ cái cơ thể bắt đầu nó mòn mỏi quá nó không có chịu đựng nổi nữa. Cho nên cái người đó sau cái rối loạn đó thì họ bị mê, họ mê đi trong cái mê đó thì nó thể hiện trong một cái giấc mộng. Cái giấc mộng đó, nếu mà cái tâm mà cái người đó họ làm ác, họ làm những cái điều ác thì họ sẽ thấy trong giấc mộng đó những cái ác.
Thí dụ như bây giờ họ nằm yên đó, họ hết trăn trở rồi, họ nằm yên, thế nhưng mà lúc bấy giờ họ nằm yên đó họ chưa chết đâu, họ sẽ thấy mộng, họ thấy giấc mộng. Thì cái giấc mộng đó nếu mà họ là cái người giết trâu, giết bò, giết chó, giết mèo rồi đó, thì bắt đầu trong cái giấc mộng đó họ sẽ thấy bò, trâu, chó, mèo đến cắn, đến xé họ, họ la. Cho nên những cái người mà họ làm cái nghề sát sanh, họ giết bò, trâu, heo, dê họ đâm giết đó, tới chừng họ chết họ thấy những loài vật đó lại cắn họ, đó là cái Cận Tử Nghiệp. Tại vì cái trạng thái mà sợ hãi cắn sợ hãi đó thì trong lúc đó họ sợ quá đó, thì khi mà họ thay vì như mình nằm mộng, mình thấy ác mộng mình sợ quá mình giựt mình, mình thức dậy; còn trái lại họ giựt mình cái thì họ đi tiếp tục họ tái sanh, họ tái sanh là cái thân họ tắt thở, họ thở cái hơi thở cuối cùng. Đó gọi là cái Cận Tử Nghiệp.
Cận Tử Nghiệp nó có hai cách: Cái cách mà mình còn tỉnh táo để mình gieo cái duyên đó, một cách thì nó mê man nó thực hiện ở trong giấc mộng. Cho nên người ta muốn cho cái người mà tu theo cái Tịnh Độ đó, người ta lấy cái Cận Tử Nghiệp để mà người ta tạo cho họ cái duyên để cho khi người ta thiếp ở trong giấc mộng đó họ thấy họ cứ niệm Phật, họ thành cái thói quen họ niệm Phật. Cho nên nó không có cái mộng mà thấy những cái ác mộng mà thấy cái thiện mộng. Cho nên có nhiều người tu tập như mình ngủ mình cũng thấy mình niệm Phật, thì họ nói tốt, thì như vậy mình không Niệm nhưng mà nghe luôn luôn lúc nào cũng là ở trong đầu mình nghe tiếng niệm Phật vang ở trong đó, đó là cái tưởng của mình nó Niệm như vậy. Cho nên vì vậy chiêm bao mình cũng thấy niệm Phật, mình ngồi mình không niệm Phật mà nó cũng niệm Phật cái đó gọi là nhất tâm, niệm Phật được Nhất Tâm.
Đó là tạo cái thế để sau khi mà mình sắp sửa chết cái nghiệp niệm Phật nó vẫn luôn luôn hoài còn cái nghiệp mình niệm Phật nó được tái sanh. Nhưng mà sự thật ra, trong khi mà người ta niệm Phật mà người ta làm thiện thì nó tốt. Sợ mình niệm Phật mà mình không làm thiện, do đó mà niệm Phật cho được, khi mà tới cái giờ mình ngồi mình niệm Phật, mình lần chuỗi mình niệm Phật nhưng hết giờ ra thì những cái chuyện ác tham sân si của mình thì vẫn đầy đủ. Thì như vậy cái Niệm Phật đó nó gọi là mình sống ở trong một cái ảo chứ nó không có thật có, bởi vì có cái cõi Cực Lạc Tây Phương thật sự, mà bây giờ mình tưởng ra nó có, rồi mình tưởng ra nó có Di Đà, cho nên mình sống ở trong cái tưởng của mình. Cho nên vì vậy nếu mà mình niệm Phật được nhất tâm bất loạn như vậy thì mình cũng rơi vào cái trạng thái Tưởng, khi chết đi nó cũng sanh ở trong cái trạng thái tưởng, chứ nó cũng không hoàn toàn ở trong cái coi nào được bởi vì đó là cái trạng thái tưởng của mình mà.
Cho nên ở đây Đức Phật đã thấy được cái điều đó, cho nên Đức Phật nói 33 cõi Trời đều là tưởng tri chứ không phải Liễu tri, cho nên cái cõi Cực Lạc đó cũng là cái cõi tưởng tri chứ không phải là Liễu tri. Nhưng mà cõi Cực Lạc đó cũng Bà La Môn nó đã xây dựng trước kia nhưng mà một cái tên khác, sau này Đại Thừa nó xây dựng thì nó lấy cái tên của cái coi Trời đó nó đặt cho cái cõi Cực Lạc thôi chứ không phải là cái gì, nó thay đổi cái tên. Bây giờ mình nghe là Cực Lạc Tây Phương, trước kia thì Bà La Môn nó đặt cho nó là cái cõi Trời. Thì những cái tên như vậy nó chỉ sai khác nhau mà thôi chứ còn cái tưởng thì nó giống nhau.
Còn cái Phương pháp như vậy, cái phương pháp Cận Tử Nghiệp là cái phương pháp làm cái chuyện giả dối. Đời sống mình cứ làm ác đi, rồi tới chừng đó mình nhờ nhiều người tụng kinh, niệm Phật, rồi do đó mình cứ ráng cái tâm mình nương theo cái câu đó đi thì mình cũng được Vãng Sanh Cực Lạc. Cho nên coi như là mình giả dối mình tạo, mình lừa đảo những bậc thí dụ như có ông phật Di Đà thực sự cũng là cách thức để mình lừa đảo ông Phật Di Đà thôi.
Bây giờ tôi làm ác tất cả những cái sự kiện tôi sống tôi làm ác, nhưng mà tới giờ phút đó tôi chỉ cần tôi niệm Phật, niệm Phật nhất tâm đi, mọi người xúm với nhau mà niệm Phật, để cho tôi nghe cái tiếng niệm Phật đó mà tôi nương theo tôi tạo cái Cận Tử Nghiệp đó thì tôi cũng được vãng sanh Cực Lạc. Cho nên cuối cùng thì cái đời sống người đó làm đều những điều ác, chứ không phải điều thiện vì vậy mà cái Cận Tử Nghiệp không phải là chúng ta tạo Cận Tử Nghiệp mà là chúng ta sống đúng, sống đúng cái nghiệp thiện, thì chừng chúng ta chết nó cũng vẫn niệm thiện.
Nghĩa là bây giờ chúng ta biết Phật pháp rồi thì chúng ta biết ngăn ác, diệt ác. Cho nên đến khi mà chúng ta sắp sửa bỏ cái thân này trước cái đau đớn của cái cơ thể mà nó sắp hoại diệt thì nó sẽ có những cái quả của nó nó đau khổ nhưng mà chúng ta vẫn thấy bình thường bởi vì chúng ta đã hiểu rằng nó là cái thọ là vô thường, nó khổ vậy chứ nó không có cái gì đâu mà sợ, cho nên cái tâm mình nó an ổn, nó không có lo lắng, cho nên nó không bận tâm, nó thanh thản, an lạc, trước cái đau khổ đó mà nó thanh thản.
Thì như vậy rõ ràng là từ cái chỗ tu mà cho đến khi mà mình thành tựu cái chỗ Cận Tử Nghiệp này nó vẫn là duy nhất một chứ không hai.
Còn cái kia mình tạo cuộc sống mình những cái ác pháp mà tới chừng này chỉ giả tạo trong cái thời gian mà sắp sửa chết, hoàn toàn giờ nhiều người để mà hộ niệm cho mình, tụng niệm cho mình niệm Phật cho mình để mình duyên theo đó thôi, mình duyên theo đó để niệm Phật để rồi trong lúc đó Cận Tử Nghiệp của mình hoàn toàn nó tốt, nó Thanh Tịnh, nó không có ác pháp . Nhưng mà cuối cùng cái đời sống của mình từ lâu đến giờ mình tạo thành cái nhân quả ác đó thì nó không bao giờ, khi đó người ta bị hôn mê người ta không có tỉnh táo được, người ta hoàn toàn trong khi mà người ta tạo những cái ác, tới chừng cái chết người ta sắp sửa chết thì cái Cận Tử Nghiệp đó nó cũng thể hiện qua cái ác pháp chứ nó không thể nào mà nó thiện được
Mặc dù chúng ta cố gắng gắng hết sức để mà tạo cái Cận Tử Nghiệp đó, Cận Tử Nghiệp là cái hành động, cái suy nghĩ, cái cảm thọ trong cái lúc đó toàn thiện thì gọi là tạo cái Cận Tử Nghiệp tốt. Còn không thì chúng ta cái Cận Tử Nghiệp đó nó hiện ra, như bây giờ đầu tiên là cái Cận Tử Nghiệp nó hiện ra chắc ai cũng biết rằng nó trăn trở rồi, cái nghiệp cuối cùng của mình cái Cận Tử Nghiệp cái nghiệp cuối cùng thì nó đau, nó nhức, nó rã rời từng cái thớ thịt của mình.
Cho nên vì vậy mà cái người mà sắp chết người ta nói trăn trở lắm, phải đỡ lên, nằm xuống; đỡ lên, nằm xuống cả một tiếng, hai tiếng đồng hồ vậy họ mới được nằm yên phải không. Mà khi mà họ nằm yên rồi thì họ lại thể hiện qua giấc mộng, chứ không phải họ nằm yên rồi họ chết đâu. Họ nằm yên rồi bắt đầu họ mê trong giấc mộng, còn có nhiều người họ tỉnh, họ không có mộng, họ không mộng, họ trăn trở vậy. Rồi đến khi mà chết, đến khi chết tới đâu họ biết tới đó. Có nghĩa bây giờ thí dụ cái chân họ chết, họ nói bây giờ đó: mẹ đã chết tới cái chân chỗ này rồi, người ta lạnh tới đâu người ta biết được cái chân người ta chết, mấy người đó tỉnh lắm. Mấy người đó tỉnh là tại vì mấy người đó đã tu con, mấy người có tu tỉnh thức đó, nghĩa là bây giờ mình đi mình biết mình đi, mình ngồi mình biết mình ngồi, rồi sau đó cái thân của mình mà tới khi nó hoại diệt nó không bị mê đó, thì nó có sức tỉnh thì nó không có mê, cho nên thân mình chết tới đâu mình biết tới đó, chết tới chỗ nào là mình biết chỗ đó. Bây giờ nó chết ở đây rồi thì cái người chết họ nói lần lần, lần lần cho mình biết, hễ họ nó chết chỗ nào thì mình rờ chỗ đó nó lạnh.
Cho nên, khi mà Thầy nuôi mẹ Thầy, thì mẹ Thầy nói: Bây giờ mẹ Thầy cái chân nó đã chết tới đây rồi, Thầy rờ ở dưới cái chân nó lạnh rồi, mẹ Thầy nói nó tới chỗ bắp đùi rồi,Thầy rờ ở dưới này, mẹ Thầy nói tới đâu, tới đâu thì Thầy rờ tới đó, Thầy nghe lạnh. Thầy biết Thầy có nuôi mẹ; ông thân Thầy, Thầy nuôi Thầy ẵm bồng Thầy nuôi Thầy biết. Tất cả những người mẹ hay hoặc ông thân Thầy người nào cũng có sự trăn trở, nhưng một người nhanh và một người mau. Cái nghiệp, Cận Tử Nghiệp mà. Khi mở cái nghiệp nhanh thì nó chỉ Thầy đỡ lên chừng, khoảng chừng đỡ lên, ngồi xuống như vậy nó khoảng độ chừng năm, mười phút. Còn cái người lâu cả tiếng đồng hồ lận nó làm cho khổ sở nó kéo dài. Còn có nhiều người còn lâu hơn, nhưng mà ông thân Thầy thì lâu hơn, còn mẹ Thầy thì nhanh hơn bà chỉ có chừng khoảng độ Chừng 5 phút đỡ lên, nằm xuống 5 phút rồi bà nằm yên, rồi bà tỉnh táo bà không có mê. Mà tiếng nói của bà ngọng, không có ngọng nghịu, còn nói được, còn nói chết tới đây nó rõ ràng lắm: Chân của mẹ chết tới đây rồi, rồi tới chừng mà hết nói thì tức là nó đã… thì khi mà hết nói thì toàn bộ cái cơ thể đều lạnh hết, thì đó là cái Cận Tử Nghiệp của chúng ta, cái nghiệp cuối cùng, cái nghiệp cuối cùng là cái thọ cái sự đau khổ của cái người đó trước mấy con. rồi cái trạng thái mà nó sanh ra rối loạn, hôn mê nó là cái nghiệp cuối cùng. Rồi cái giấc mộng nó thể hiện ở trong lúc sắp sửa chết, cái giấc mộng nó cuối cùng thì đó là cái Cận Tử Nghiệp.
Vì vậy mà cái người đời mà chúng ta cái tôn giáo mà nó không hiểu thì tạo ra cái giả dối. Thay vì mình biết Phật pháp mình ráng mình tu thì đó là mình tạo cái Cận Tử Nghiệp sau đó nó sẽ nhẹ hoặc là hoàn toàn nó không có đau đớn nữa,nó không có đau đớn khổ sở nữa.
Cho nên trong khi mà Thầy dặn các con, như hồi nãy Thầy đã dặn khi mà các con muốn thấy Phật, muốn gặp Phật, muốn gặp Thầy thì bất kỳ; bởi vì Thầy nói bây giờ chúng ta gặp nhau nhưng ngày mai cái tuổi tác của chúng ta nó đâu có định cho chúng ta còn sống dai nữa được đâu, nó sẽ mất. Bây giờ khi chúng ta muốn gặp nhau thì phải cố gắng giữ cái tâm mình thanh thản mấy con, dù nó có đau nhức cách gì, dù nó như thế nào chúng ta vẫn thanh thản và khi tâm được thanh thản mà cái thân này nó vừa chết chúng ta cũng vẫn biết rõ ràng, chết bỏ không tiếc, không có hề mà nuối tiếc nó chút gì hết vẫn giữ tâm thanh thản. Còn khi mà chúng ta sợ chết cái bắt đầu nó mất cái thanh thản liền, chúng ta thấy đau khổ quá chúng ta mất thanh thản liền, chúng ta sợ hãi, chúng ta thương nhớ, chúng ta tiếc của là chúng ta sẽ mất thanh thản liền. Tất cả những cái này các con đã từng tu tập rồi, cho nên vì vậy mà các con biết tới chừng đó các con thấy nó là ác pháp hết các con cứ đuổi nó đi, quán xét nó đuổi đi để giữ cho cái Tâm bất động của mình trước cái đó, thì lúc bấy giờ các con có bỏ thân này đi thì các con cũng hoàn toàn là các con sẽ về Niết Bàn chứ không có đi đâu chỗ nào.
Cho nên có một vị tỳ kheo theo Đức Phật tu hành, hôm đó bị đau sắp sửa chết thì Đức Phật đến thăm.
Đức Phật hỏi: Vậy chứ ông thấy thân tứ đại ông như thế nào, có vô thường hay không?
Ông nói: Con thấy vô thường, thật sự là con thấy vô thường.
Rồi Đức Phật hỏi: Thọ như thế nào, hỏi tâm như thế nào rồi hỏi các pháp như thế nào?
Ông nói: Vô thường
Thì Đức Phật nói: Vô thường có khổ không?
Ông nói: khổ
Thì như vậy ông nói được rồi, bây giờ ông đã là nhận được như vậy là ông muốn đi hồi nào đó tự ông ông đi.
Thì lúc bấy giờ bị Tỳ kheo đi, thì các vị Tỳ kheo khác mới hỏi. Ông chết thì các vị tỳ-kheo khác mới hỏi. Vậy chứ ông ta tái sinh ở đâu?
Đức Phật nói: Không có tái sinh đâu hết. Bởi vì cái tâm mà đã thấy thân vô thường, thọ vô Thường, Khổ vô thường, không có còn chướng ngại gì hết, đã thấy nó rõ ràng là nó như vậy thì cái người đó sẽ ở trong cái trạng thái thanh thản, an lạc. Thấy nó vô thường khổ đâu còn dính mắc nó nữa.
Cho nên đối với đạo Phật Thầy thấy đơn giản, quá đơn giản, chỉ còn mình có cánh niệm mình thương nhớ, mình tiếc, mình sợ chết hay hoặc này kia nó làm cho mình rối loạn, khi mình thấy nó là vô thường hết rồi.
Cho nên hỏi đến Pháp có vô thường không? Nói vô thường, mà hễ vô thường là khổ rồi thì còn chấp nó làm gì nữa, thì buông hết rồi còn gì. Khi mà nhận thấy các pháp đều vô thường thì chúng ta còn cái gì mà thương nhớ nữa. Thì cái Cận Tử Nghiệp của chúng ta nó quán thanh thản an lạc rồi chứ gì. Như vậy là rõ ràng chúng ta vào Niết Bàn chứ còn gì nữa. Bây giờ mấy con tu không có tới đâu hết, bây giờ mấy con xả chưa hết đâu, mà tới giờ phút đó mấy con giữ được? Không giữ được.
Cho nên con đọc lại cái bức thư mà Thầy gửi cho cô Liễu Kim, chắc ở đây mấy con có ai đọc bức thư cô Liễu Kim rồi chứ gì. Cô Liễu Kim, Thầy gửi cho cô Liễu Kim, cô bị ung thư cô đau khổ lắm, nhưng mà cô vẫn dùng cái pháp hướng đến Thầy mà cô chuyển được. Bẩy lần cô đi mổ mà cô vẫn thấy thản nhiên, cho nên vì vậy mà cuối cùng một ngày nào mà cô chết thì chắc chắn là cô sẽ được thanh thản an lạc không có gì đâu. Cô trở về với cái trạng thái mà Chư Phật đang ở đó. Thì như vậy là rõ ràng cô cũng tu chưa hoàn toàn, cô cũng là cư sĩ, cũng có chồng có con, cũng bao nhiêu cái nợ nần của thế gian cô cũng đủ như mọi người hết, nhưng mà chỉ biết pháp của Thầy, chỉ giữ được cái tâm thanh thản trước cái cảm thọ mà của cái bệnh ung thư, các con biết nó đau ghê gớm lắm, nhưng mà cô vẫn thản nhiên. Một cái người nữ mà có cái sức chịu đựng cái phương pháp Như Lý Tác Ý của Thầy dạy, mà cô chịu đựng vượt qua từng những cái đau khổ đó thì các con biết rằng nó không thường đâu. Vậy mà người ta kiên trì, người ta vẫn thản nhiên trước cái sự đau khổ đó để rồi người ta giữ được cái tâm thanh thản của người ta thì đó gọi là tạo Cận Tử Nghiệp đó mấy con. Cách thức Thầy hướng dẫn cho cô Liễu Kim đó.
Rồi cô Diệu Liên, thì cô cũng vừa mất ở đây, cũng ở ngoài Hà Nội đó con, khi mà cô mất thì cô cũng xin Thầy một bức thư, Thầy nói Thầy đã viết bức thư đại diện chung cho cô Liễu Kim thì mấy con cứ dựa vào đó thì mấy con sống như vậy là các con sẽ gặp Phật và có thể gặp Thầy không có xa Thầy đâu.
Thì hôm nay về Cận Tử Nghiệp Thầy trả lời cho mấy con thấy đó là một vấn đề quan trọng của tuổi tác mấy con, mấy con hãy hiểu nó, để mà tạo cho cái Cận Tử Nghiệp của mình. Mặc dù cái đời của các con, trước cái đời của các con có làm nhiều tội lỗi chứ không phải, vì nuôi con chó lớn khôn các con làm các con chưa biết Phật pháp thì ít ra các con cũng phải có làm những cái tội lỗi, mà những cái tội lỗi đó thì cái quả, cái Cận Tử Nghiệp của các con, các con phải lãnh nó chứ không phải là các con trốn chạy đâu. Nhưng mà các con biết pháp rồi thì tâm các con bất động trước cái nghiệp quả đó các con không có dao động, không có sợ hãi, không còn nuối tiếc nữa thì ngay đó các con sẽ được giải thoát hoàn toàn. Cho nên chỉ có cái tâm bền chí và kiên cường của mình thì ngay đó là mình sẽ vào Niết Bàn chứ không mất đi đâu, vì cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự là cái duyên nó không thể nào mà tái sanh luân hồi được. Nó không có cây nhân quả ở trong đó được mà làm sao tái sinh luân hồi
Bởi vì chúng ta biết rằng khi một cái người mà đi tái sanh luân hồi là vì còn cái nhân quả, mà trong cái tâm thanh thản an lạc thì không có nhân quả thì không có tái sanh luân hồi. Đạo Phật nó đơn giản để mà chấm dứt luân hồi, chứ đâu phải là đợi phải tu nhập Tứ thiền, hay là Tam Minh nó mới hết sao, không phải đâu. Bất động trước các pháp bất động, cho nên Bất Động Tâm Định là một cái Định làm cho tâm mình không có dao động, không có động thì ngày đó chúng ta đã thành tựu đạo giải thoát rồi.
Nhớ cái bài hôm nay là cái bài Cận Tử Nghiệp các con nhớ kỹ để mà giữ cái Cận Tử Nghiệp của mình hoàn toàn tốt đẹp là ngay bây giờ, ngay bây giờ các con tu để giữ được tâm thanh thản, an lạc, vô sự cho đến khi Cận Tử Nghiệp đó là tại vì các con tu nó mới có, chứ còn thật sự ra không có người nào mà không tu mà tới đó mà các con giữ được cái tâm này, không thế nào các con giữ thanh thản, an lạc, vô sự được .
Cho nên hàng ngày các con cứ giận, tức, rồi lo, thương, rồi ghét đủ thứ tới chừng đó làm sao các con giữ thanh thản được, các con hiểu không? Ngay bây giờ các con tập, ngay bây giờ thì tới đó các con sẽ giữ được, bất động được. Đó là cái phương pháp cuối cùng cứu con người thoát khỏi cái sự tái sanh luân hồi mà, nhưng mà chúng ta không biết chúng ta cứ lơ lỏng.
Cho nên từ ngay bây giờ các con biết Phật pháp rồi thì các con đừng có lơ lỏng mà phải giữ gìn cái tâm thanh thản, an lạc, vô sự; nó đâu phải là cái pháp gì mà tôi cực khổ đâu. Mỗi một cái chướng ngại, một cái gì phiền não trong lòng của các con thì các con đẩy lui nó đi thì nó thanh thản an lạc trở lại chứ có gì, đơn giản đến đơn giản như vậy. Cho nên Đức Phật gọi là ngăn ác, diệt ác; các pháp ác không nên làm nên làm các pháp thiện. Rõ ràng là lời Đức Phật dạy mà, chứ Thầy đâu có dạy cái gì khác đâu, để làm gì để cho tâm mình thanh thản, an lạc, vô sự chứ gì, để cho mình trở về với Niết Bàn chứ gì cái chỗ mà không tái sanh luân hồi, có phải thực tế không. Các con thấy ai cũng biết hết rồi, nhưng bây giờ chúng ta cố gắng để chúng ta làm để chừng mà chúng ta bỏ thân nhận chúng ta có đủ cái sức nó bất động Tâm chứ còn nếu không có từ bây giờ thì tới chừng đó chúng ta không đủ sức mà giữ nó đâu.
Bài ghi chép từ pháp âm, Trưởng lão Thích Thông Lạc giảng. Quý bạn quan tâm mời nghe pháp âm từ phút 00: 20':53" theo link https://archive.org/details/ThayDayCanTuNghiep
Đánh máy: bạn Nguyễn Thị Ngọc
No comments:
Post a Comment