Friday, July 12, 2013

Bài 5: Nâng Bát Ngang Mi (phần 2)

ĐOẠN 9:“Nhưng trong suốt 7 ngày liền, Lương Hồng không hề đoái hoài đến cô. Cô gái không biết vì sao chồng mình như vậy, nàng quỳ trước mặt Lương Hồng với v   ẻ xấu hổ, thưa rằng: “Thiếp mong chàng đừng bỏ thiếp, trong lòng thiếp vô cùng cảm kích chàng. Nhưng có ai ngờ được tình duyên mới bắt đầu mà chàng đã xem thiếp như người xa lạ. Không biết có việc gì đã làm mạo phạm đến chàng, cầu xin chàng rộng lòng chỉ bảo”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN: Đức Lễ Cầu Xin Chỉ Lỗi Khẩu Hành, Thân Hành.
GIẢI TRÌNH ÁN:
Nàng họ Mạnh tưởng trang điểm là được Lương Hồng yêu thương nhiều, không ngờ Lương Hồng là người chọn đạo đức, thấy nàng trang điểm là biết người không đạo đức nên chẳng đoái hoài đến cô suốt 7 ngày liền từ ngày cưới. Trên đời rất hiếm người như Lương Hồng. Sắc đẹp không làm lay chuyển con người của Lương Hồng, chàng chọn người vợ đức hạnh, thế mà người vợ đức hạnh gì lại trang điểm, chỉ là tiếng đồn chứ người con gái nào cũng vậy, thích trang điểm làm đẹp thì đạo đức còn gì cho nên chàng chẳng màng tới.
 Người có đạo đức thì không ăn mặc hở hang, còn những người vô đạo đức thì ăn mặc hở hang, sửa sang sắc đẹp để quyến rũ người khác phái, để làm chuyện dục lạc bất tịnh đồi bại giống như gái mãi dâm. Nhìn những phụ nữ ngày nay thì chúng ta nhận thấy rõ ràng đạo đức đang xuống cấp, người phụ nữ chỉ biết làm đẹp chứ không biết rèn luyện nhân cách đạo đức làm người; chứ không biết để làm nên một con người thanh cao đẹp nết tinh thần, sống đúng hồn nhiên trong trắng, thanh tịnh cao thượng đối với mình, với mọi người.
 Người có đạo đức sống không lừa đảo dối gạt ai, tuy xấu mặt, xấu mày chứ tinh thần không xấu. Tinh thần lúc nào cũng nêu cao lối sống chân thật, khi cha mẹ sinh ra như thế nào thì vui lòng chấp nhận như thế nấy, không đến mỹ viện sửa sang sắc đẹp, không tạo sắc đẹp giả tạo. Vì trang điểm giả tạo như vậy là đã chuyển đổi nhân quả bằng khoa phẫu thuật ngoại hình, nhưng chúng tôi e rằng quý vị sẽ không tránh khỏi nhân quả chồng lên nhân quả, gương mặt xấu lại càng trở nên xấu hơn. Cho nên báo chí thường loan tin tức các bà, các cô đi mỹ viện hoặc thoa kem này, kem kia để làm cho mình đẹp hơn, nhưng không tránh khỏi da mặt sần sùi, trở thành người bệnh tật. Người có gương mặt xấu lúc nào nó cũng xấu, dù có làm gì nó cũng xấu.
 Muốn thay đổi gương mặt xấu, không gì bằng là nên tạo duyên nhân quả thiện. Tạo duyên nhân quả thiện thì không nên chê cười người có gương mặt xấu, mà hãy tập nhìn cái xấu, cái đẹp của cơ thể con người qua cái đẹp của tâm hồn đạo đức.
 Đối với cái nhìn của con người thì sắc đẹp của người phụ nữ có tuyệt trần đến đâu, có trở thành hoa khôi thế giới thì nó vẫn là cái xấu của những loài vật khác. Bởi cái nhìn của tất cả loài thú vật thì sắc đẹp phụ nữ chỉ là con quái vật hay ít nhất cũng là một hung thần, vì bàn tay của người phụ nữ thường giết hại các loài chúng sinh làm thực phẩm để ăn.
 Trong lịch sử Trung Hoa, người đẹp như Tô Đắc Kỷ, Bao Tự, Võ Tắc Thiên, Dương Quý Phi, v.v.. những sắc đẹp ấy toàn là những người hung ác giết người không gớm tay. Cho nên hữu nhan sắc hữu ác đức. Vì thế Lương Hồng thấy vợ mình sửa sang trang điểm làm đẹp là ông không vui lòng. Trong những ngày động phòng hoa chúc ông chẳng ngó ngàng gì đến nàng, khiến cho nàng không biết mình phạm lỗi gì mà chồng chẳng ngó ngàng tới.
 Bất cứ hoàn cảnh nào, người có đức hạnh LỄ NGHĨA đều biết hạ mình quỳ xuống xin mọi người chỉ cho mình biết những lỗi lầm để tự khắc phục sửa sai, để trở thành những người tốt sau này. Còn những người thiếu đức hạnh thì nghênh ngang, lên giọng kẻ cả, lại còn dùng lời lẽ ác ngữ chỉ trích, chê người khác có lỗi hoặc nói nặng nhẹ nhau.
 Người con gái nhà họ Mạnh thật là người có đạo đức, khi thấy chồng buồn bã không nói thì dùng lễ quỳ xuống xin chỉ dạy những điều sai.
 Đó là đức tôn kính trên đời này ít có ai làm được, vì vợ chồng ở đời này họ thường xem nhau ngang hàng, nên không bao giờ quỳ xuống xin lỗi, đó là họ hiểu nghĩa bình đẳng không đúng nghĩa. Bình đẳng là biết tôn trọng và cung kính sự sống của nhau; bình đẳng trong đạo đức lễ nghĩa mới thật là bình đẳng. Vì đạo đức lễ nghĩa dạy chúng ta phải cung kính và tôn trọng mọi người.
 Như chúng ta đã biết: người nào cũng có sự sống bình đẳng như nhau, dù đó là một đứa bé, nhưng chúng cũng có sự sống bình đẳng như mọi người. Vì vậy dù làm cha hay mẹ, chúng ta cũng không nên đánh con cái hay nói lời chửi mắng chúng, hoặc gọi chúng bằng “mày” và xưng hô với chúng là “tao”, đó là chúng ta không tôn trọng quyền sống của chúng, tức là chúng ta thiếu đức lễ. Hầu hết mọi người trong xã hội đều ỷ mình là cha và mẹ, là người sinh nó ra nên không tôn trọng sự sống của con cái, do đó mới có những cái tát tay.
 Con cái còn phải tôn trọng như vậy, huống là tình nghĩa vợ chồng thì phải cung kính và tôn trọng lẫn nhau hơn nữa. Khi muốn nói một điều gì mà cảm thấy mình có lỗi thì nên quỳ xuống xin lỗi, đó là lễ nghĩa của người có đạo đức. Còn những người thiếu đạo đức, khi có sự bất toại nguyện hoặc có sự gây cấn nhau thì họ lộ ra vẻ khinh khi hoặc xem người khác (đối tượng) còn thua con thú vật. Do không tôn trọng và cung kính người khác nên dùng lời lẽ thô lỗ, tiếng nói cộc cằn không êm dịu, thường dùng lời nói to tiếng la lối, mạt sát nhau như kẻ thù địch. Lúc bấy giờ đức lễ không còn nữa, chỉ còn lại là những hành động và lời nói của giới lưu manh, du côn, du đãng.
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Đức cầu xin chỉ lỗi cho mình là một hành động tốt đẹp cao quý biết tôn trọng mình, tôn trọng người, đó là điều cần thiết cho cuộc sống con người, vì làm người có ai không lầm lỗi, nhưng biết cầu xin người chỉ lỗi để mình sửa sai là một hành động tự giác cao đẹp tuyệt vời.
 Chúng ta là những người tu theo Phật giáo, lấy giới luật đức hạnh làm cuộc sống, vì thế ĐỨC CẦU XIN CHỈ LỖI cho mình là một việc làm cần thiết và lợi ích rất lớn cho mình, để mỗi ngày mình lại thêm tiến bộ về đời sống đạo đức nhiều hơn nữa.
 Đức cầu xin chỉ lỗi để mình sửa sai đâu có gì hèn hạ, nó là một hành động cao thượng dám xin người chỉ lỗi, dám nhận lỗi để sửa sai thì đó là một hành động đáng khen. Các con hãy nhớ lời dạy này: “Xin người chỉ lỗi cho mình là một hành động cao quý vô cùng”.
ĐOẠN 10: “Lương Hồng thấy vợ mình quỳ dưới đất, trong lòng không kìm được nữa, vội vàng đỡ nàng dậy và nói: “Từ lâu đã nghe nàng là người hiền đức lễ nghĩa, có ai ngờ rằng nàng là một người thích hư danh. Nhìn nàng phấn son, đầy mình gấm vóc, đó chẳng lẽ lại không làm cho ta thất vọng ư!”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN: Đức Cung Kính Thẳng Thắn Chỉ Lỗi.
GIẢI TRÌNH ÁN: Lương Hồng là một người có đầy đủ đạo đức lễ nghĩa, khi thấy vợ mình biết quỳ dưới đất xin chỉ cho thấy những lỗi lầm của mình thì chàng biết ngay chỉ những người có đạo đức mới quỳ dưới chân chồng như vậy. Thật trên đời này rất hiếm thấy có một người phụ nữ nào như vậy. Biết tôn trọng cung kính chồng, chưa biết mình có lỗi gì mà gan dạ dũng cảm quỳ dưới chân chồng xin chỉ lỗi thật đáng khen, đáng ca ngợi. Nếu cuộc đời này ai ai cũng đều có đức lễ như người con gái nhà họ Mạnh thì cuộc sống gia đình hạnh phúc biết bao, là thiên đàng. Trên đời này nếu mọi người ai cũng biết giữ gìn đức lễ với nhau, tức là biết cung kính và tôn trọng lẫn nhau thì đã mang lại sự bình an vô cùng vô tận.
 Nếu một người có đức hiếu sinh mà không đức lễ thì đức hiếu sinh ấy chỉ là đức hiếu sinh nhất hướng. Đức hiếu sinh đa hướng là đức hiếu sinh mang đầy đủ đức lễ cung kính và tôn trọng mọi người. Khi cung kính và tôn trọng mọi người bằng một lòng yêu thương chân thật thì người ấy phải am tường sự sống của mọi người trên thế gian này là rất quý báu. Vì sự sống rất bình đẳng ai cũng như ai, thậm chí như những loài động vật khác đều có sự sống cũng như nhau. Vậy sao chúng ta không tôn trọng sự sống của nhau, lại lợi dụng uy quyền thế lực hoặc tiền của hoặc sức mạnh để cướp đoạt sự sống của người khác và vật khác, đó là công bằng sao? Hằng ngày chiến tranh đã cướp đi hàng trăm, hằng vạn sinh mạng sống của con người mà lịch sử loài người đã chứng minh và xác định điều ấy. Xương máu của con người đã chồng chất trên hành tinh này như núi, như sông. Con người không biết tôn trọng sự sống của nhau như vậy thì sự sống của những loài động vật khác còn có nghĩa lý gì đối với con người. Cho nên họ giết hại các loài động vật để làm thực phẩm. Tiếng kêu la thảm thiết của loài gia súc như gà, vịt, heo, dê, bò, chó và cá tôm hằng ngày chết biết bao nhiêu vì bàn tay độc ác của loài người thật là ghê rợn. Ôi! Sao con người không biết thương sự sống. Mà sự sống của muôn loài còn quý hơn vàng, bạc, châu báu, kim cương, v.v...
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Người vợ quỳ xuống xin chồng chỉ lỗi cho mình để sửa sai thì trên đời này thật là hiếm thấy, đó là người vợ biết cung kính và tôn trọng chồng, còn riêng người chồng thì sao? Lương Hồng thấy vợ mình quỳ dưới đất, trong lòng không kìm được nữa nên vội vàng cúi xuống đỡ nàng dậy. Hành động cúi xuống đỡ dậy cũng là một hành động cung kính và tôn trọng.
 Những hành động vợ chồng cung kính và tôn trọng nhau như vậy thật là hạnh phúc vô cùng.
 Vậy các con nên nhớ những lời dạy này: Suốt đời luôn luôn phải biết cung kính và tôn trọng mọi người. Dù ai có làm những điều hung dữ hay làm những điều ác thì để tự họ phải gánh chịu những hành vi ác, còn riêng các con nên tôn trọng và cung kính sự sống của mọi người.
 Dù người đó lớn tuổi cũng như người đó trẻ tuổi, cho đến một em bé, các con đều nên tôn trọng và quý mến như nhau. Sự quý mến và tôn trọng sẽ mang lại sự bình an, yên vui cho các con.
ĐOẠN 11:“Cô gái họ Mạnh nghe chồng nói vậy, trong lòng rất vui mừng, mỉm cười mà rằng: “Thì ra là như thế. Việc trang điểm của thiếp chẳng qua để thử ý và nguyện vọng của chàng. Từ nay về sau thiếp chỉ ăn mặc đơn sơ, uống trà bần, ăn cơm tẻ, thề sẽ sống suốt đời với chàng!”. Nói xong lập tức tháo cặp tóc, bỏ nữ trang, thay áo vải”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN: Đức Thiểu Dục Tri Túc Ý Hành, Thân Hành, Khẩu Hành.
GIẢI TRÌNH ÁN: Một người sống có đạo đức ai nhìn vào cũng biết ngay liền, vì cách sống của họ rất đơn giản, đời sống luôn luôn thiểu dục tri túc, ăn cũng như mặc luôn luôn giữ gìn cách sống tự nhiên, không cầu kỳ trang điểm làm vẻ đẹp giả tạo. Khi cha mẹ sinh ra như thế nào thì luôn luôn giữ gìn như thế nấy và sống giản dị, nhất là những hành động đối xử với mọi người đều tỏ ra cung kính và tôn trọng, dù là một em bé vẫn đối xử như người lớn như trên đã nói, dùng lời nói xưng hô rất ngọt ngào, êm ái.
 Ở đây, khi nghe Lương Hồng không chấp nhận sự làm đẹp của nàng, thì ngay đó nàng con gái nhà họ Mạnh liền dẹp những đồ trang điểm, chỉ còn ăn mặc đơn sơ, uống trà bần, ăn cơm tẻ thanh bần, chi tiêu ít tốn kém, biết tiết kiệm giành dụm khi đau ốm, đó là lối sống của người có đạo đức. Còn những người sống thiếu đạo đức thì khoe khoang sự giàu sang bằng cách ăn mặc trang điểm, vàng đeo đầy tay, trâm cài lược giắt, chuỗi ngọc đeo đầy cổ, nay ăn mặc quần này, mai ăn mặc áo kia hoặc chạy theo các “mode” thời trang. Đó là những người thiếu đạo đức, người thiếu đạo đức thì không bao giờ sống đơn giản.
 Lương Hồng là người đạo đức, nên khi thấy người con gái nhà họ Mạnh trang điểm sống theo kiểu giả tạo không thành thật thì rất buồn, từ ngày cưới cho đến suốt 7 ngày chàng không hề nói một lời nào với nàng. Người con gái nhà họ Mạnh thấy chồng đối xử với mình rất lạ như thế nên quỳ xuống đảnh lễ chồng, xin cho biết mình có lỗi gì? Khi được chồng cho biết sự thiếu đạo đức của mình như vậy nên nàng vui mừng, dẹp hết trang điểm, sống đơn giản như trước kia nàng đã sống.
 Đấy, các con xét thấy rất rõ, sống đơn giản không trang điểm, không đua đòi hơn thua với ai cả, đó là nếp sống đạo đức thiểu dục tri túc.
 Người sống thiểu dục tri túc thì tâm hồn thảnh thơi, an lạc và vô tư. Đó là hạnh phúc chân thật của loài người.
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG: 
Người sống ít muốn biết đủ là người sống an vui hạnh phúc nhất trên đời. Bởi đức thiểu dục tri túc là một đức hạnh cao thượng, biến con người trở thành những người không tham lam, trộm cắp, cướp của, giết người; biến con người trở thành những người liêm chính, chí công, vô tư và không tiêu cực ăn lo lót, hối lộ, v.v...
 Đức thiểu dục tri túc rất cần thiết cho đời sống khoa học công kỹ nghệ hiện đại hóa, bởi nó giúp chặn đứng lòng tham dục của loài người đang tăng theo vật chất tiện nghi của thời đại.
 Đức thiểu dục tri túc tạo cho con người có một đời sống thanh cao, an ổn mà không bị vật chất lôi cuốn trong dòng danh nẻo lợi.
 Đời sống thiểu dục tri túc là đời sống của những bậc ly trần thoát tục thanh thoát và cao thượng. Vậy các con nên nhớ lời dạy này mà tập sống một đời người biết thiểu dục tri túc. Đấy là chân hạnh phúc các con ạ!
ĐOẠN 12:“Lương Hồng thấy thế, ngắm một hồi lâu và khen rằng: “Thực ra nàng không hề xấu chút nào, rất giống một viên ngọc bích ánh sáng rực rỡ. Ta sẽ đặt cho nàng một cái tên gọi là Mạnh Quang”. Từ đó về sau, vợ chồng thương yêu nhau ngày một đậm đà hơn. Lương Hồng luôn luôn yêu thương vợ mình, còn Mạnh Quang chăm sóc hết mình người chồng yêu quý”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN: Đức Lễ Vợ Chồng Cung Kính Tôn Trọng Lẫn Nhau Thân Hành, Khẩu Hành, Ý Hành.
GIẢI TRÌNH ÁN: 
Đức lễ là sự tôn kính lẫn nhau, tức là tôn kính sự sống của nhau trên hành tinh này. Nếu trên đời này ai cũng biết giữ gìn đức lễ thì thế gian này đâu có sự khổ đau. Phải không quý vị? Người sống với đức lễ đối với bản thân mình thì phải sống đơn giản thiểu dục tri túc, không tranh đua hơn thiệt, không làm sang làm đẹp, không trang điểm lòe loẹt, không khoe khoang sự giàu sang danh lợi của mình. Bởi vì nếu có tâm tỏ vẻ hơn người là đã đánh mất đức lễ. Đức lễ luôn luôn tỏ ra khiêm hạ đối với bất cứ người nào. Đức khiêm hạ không phải là sự luồn cúi để cầu xin một điều gì. Đức khiêm hạ là hạ mình cung kính và tôn trọng mọi người, đó là cách sống không làm đau khổ người khác hay loài vật khác; không nói lời nói hung dữ với người khác, chứ không phải luồn cúi dạ dạ vâng vâng trông rất sợ hãi. Người luồn cúi người khác là không có đức lễ với bản thân mình.
 Đức lễ đối với gia đình là phải cung kính và tôn trọng mọi người trong gia đình, cung kính và tôn trọng mọi người không phải luồn cúi khúm núm sợ hãi mà là không làm cho những người trong gia đình buồn bã như nói lời thô lỗ cộc cằn, hung dữ, chửi thề hay nói tục tĩu, la hét, mạt sát, mạ lị chửi mắng nhau, v.v... Cũng như không làm những hành động vụt chạt quăng ném, xô đẩy, múa tay, múa chân, xỉa xói, v.v...
 Không làm những hành động thiếu văn hóa đó là cung kính và tôn trọng người khác.
 Trong gia đình mà biết tôn trọng và cung kính mọi người như vậy thì xã hội không bao giờ có lớn tiếng với những người khác, cho nên cái khó nhất là đức lễ đối xử với những người thân trong gia đình.
 Đức lễ được mọi người áp dụng vào đời sống hằng ngày thì con người biết tôn trọng và cung kính với nhau, như vậy thì thế gian này rất hạnh phúc, mọi người sẽ không còn ai làm khổ cho ai.
 Và bởi vậy thế giới sẽ hòa bình, không còn có chiến tranh. Nếu con người ai cũng biết lễ nghĩa tôn trọng và cung kính sự sống của con người, cũng như sự sống của tất cả loài thú vật thì thế gian này không còn ai ăn thịt chúng sinh nữa.
 Bởi vì tất cả muôn loài đều có sự sống bình đẳng như nhau nên mọi người đều phải tôn trọng cung kính sự sống, không còn ai dám chà đạp lên sự sống của loài vật khác. Và như vậy mới thật sự là tôn trọng và cung kính sự sống.
 Còn nếu làm sai thì tự mình đánh mất sự công bằng của nhau, và như vậy là chúng ta đã đánh mất đức lễ. Đức lễ rất cần thiết cho sự sống trên hành tinh này, nên chúng ta phải cố gắng rèn luyện sống cho được với đức lễ để mang lại sự bình an cho nhau trên hành tinh, không phân biệt người hay tất cả loài vật.
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Như trên đã nói, đức lễ là một hành động khiêm hạ, luôn luôn cung kính và tôn trọng sự sống của muôn loài, nhờ đó mà chúng ta sống không bao giờ giận hờn phiền não với bất cứ một người nào, một vật nào khi họ làm trái ý chúng ta, khi họ làm cho chúng ta đau khổ. Đức lễ mà đạt được như vậy là nhờ lòng cung kính và tôn trọng thật sự trong tâm của chúng ta. Còn ngược lại, nếu đức lễ chỉ mang hình thức bên ngoài thì chúng ta không thể nào tránh khỏi phiền não khổ đau trong tâm mình cả.
 Đức lễ là một phương pháp diệt ngã xả tâm tuyệt vời, vậy các con nên nhớ lời dạy này mà luôn luôn sống với đức lễ thì cuộc đời chấm dứt khổ đau.
ĐOẠN 13:“Lương Hồng và Mạnh Quang ở ẩn trong núi. Một hôm, Lương Hồng đi qua Lạc Dương, nhìn thấy cung điện nguy nga mà nhân dân chịu mỗi nỗi khổ của sưu dịch, chàng viết một bài hát tên là: “Ngũ ý chi ca”. Bài hát này truyền tận đến triều đình, nhà vua lệnh bắt Lương Hồng. Lương Hồng không còn cách nào khác, phải cùng vợ trốn sang nước Tề rồi đi về phía Nam xuống đến Tô Châu. Đến nơi đây, hai người phải dấu tên và đi làm thuê để kiếm sống”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN: Thiếu Đức Cẩn Trọng Không Thức Thời.
GIẢI TRÌNH ÁN: Đức cẩn trọng rất quan trọng trong đời sống con người, nếu thiếu đức cẩn trọng con người sẽ gặp nhiều tai nạn và thất bại trong việc làm ăn.
 Cẩn có nghĩa là cẩn thận; trọng có nghĩa là thận trọng. Do cẩn trọng đối với mình và người khác nên lời nói hay hành động phải dè dặt. Khi nói ra phải suy tư lời nói có đem đến tai họa cho mình, cho người hay không? Nếu nói ra mà đem đến tai họa cho mình và cho người thì nhất định không nói; thì nhất định là không làm. Nói đến những người có quyền cao chức trọng thì coi chừng tai họa đến mình. Đừng vì bất mãn một vài điều của dân, của nước mà nói ra không đúng lúc, không đúng thời điểm, thì cũng có thể xảy ra những điều chẳng lành, mang lấy tai họa vào thân. Lương Hồng thiếu cẩn trọng, thấy nỗi khổ của nhân dân sưu cao thuế nặng nên nói ra mới gánh chịu hậu quả vào thân. Thật là không biết sức mình không lượng sức người, đó là do thiếu đức cẩn trọng.
 Đức cẩn trọng về bản thân thì ít khi nói chuyện với người khác ngoài lề, hoặc nói chạm tự ái của người khác nên không làm phiền lòng mọi người, nhờ đó cuộc sống được bình an yên vui.
 Đức cẩn trọng giúp cho những người trong gia đình không có lời qua tiếng lại, vì lời nói dễ gây phiền lòng. Còn lời nói làm vui lòng mình, vui lòng người thì rất khó chứ không phải dễ.
 Cho nên không nói là tốt nhất, còn nói thì phải cẩn trọng lời nói, khi nói ra phải làm cho gia đình mọi người đều được yên vui và hạnh phúc.
 Về xã hội, chung đụng với mọi người mà biết giữ gìn đức cẩn trọng thì không làm ai oán ghét thù hận mình, nên xã hội có trật tự an ninh, không ai gây rối cho ai cả.
 Lương Hồng thiếu đức cẩn trọng với xã hội, do đó phải bỏ xứ trốn đi đến xứ khác thật là vất vả trăm bề.
 Đây quý vị xem, chỉ thiếu đức cẩn trọng lời nói mà phải chịu trăm bề cay đắng. Do thấu hiểu như vậy thì mọi người nên lấy đức cẩn trọng làm đầu cuộc sống.
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Đức cẩn trọng là một đức hạnh giúp chúng ta thành công trong mọi lãnh vực. Người có đức cẩn trọng lái xe trên đường không xảy ra tai nạn giao thông; người có đức cẩn trọng làm mọi công việc không bao giờ thất bại và cũng không bao giờ xảy ra tai nạn lao động.
 Đức cẩn trọng gồm có hai đức ghép lại, đó là ĐỨC CẨN THẬN và ĐỨC THẬN TRỌNG.
 Người có đức cẩn trọng không bao giờ to tiếng chửi mắng mạt sát một ai; người có đức cẩn trọng không bao giờ gian xảo, dối trá, lừa đảo; người có đức cẩn trọng không bao giờ uống rượu say xỉn chửi vợ mắng con, chửi xóm mắng làng; người có đức cẩn trọng nói năng ôn tồn nhã nhặn, không bao giờ vội vàng hối hả, khi đi đứng nằm ngồi đều nhẹ nhàng, khoan thai, kỹ lưỡng.
 Đức cẩn trọng lợi ích như vậy, các con hãy siêng năng tập luyện đức cẩn trọng để lúc nào tâm cũng ở trong chánh niệm tĩnh giác. Các con có nhớ chưa?
ĐOẠN 14:“Sau đó, hai vợ chồng làm công cho một địa chủ tên là Phụ Bá Thông ở trong một gian nhà rất chật hẹp. Một lần Phụ Bá Thông có việc đến gian nhà nhỏ tìm Lương Hồng, vào lúc đang có bữa cơm trưa. Ông thấy Mạnh Quang từ dưới bếp bê mâm cơm lên.
 Nàng nâng mâm cơm lên ngang tầm mắt của mình, ân cần nói với chồng: “Thiếp mời chàng dùng bữa”. Lương Hồng vội đón nhận bát cơm rất cung kính, nói rằng: “Nàng vất vả quá, cảm ơn nàng! Cảm ơn nàng!”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN: Đức Lễ Vợ Chồng Cung Kính Tôn Trọng Lẫn Nhau Thân Hành, Khẩu Hành.
GIẢI TRÌNH ÁN: Vợ biết tôn kính chồng và chồng biết tôn kính vợ thì không bao giờ vợ chồng nói đùa, nói giỡn chơi. Nói lời nào cũng phải nghiêm trang đúng đắn. Nhất là không đem chuyện xấu tốt của những người khác, của những gia đình người khác nói ra. Nói ra có vẻ so sánh chồng hay vợ trong gia đình mình, làm cho chồng hay vợ bị tự ái. Khi đã thành vợ thành chồng đừng có nhìn lên cao rồi sinh tính ích kỷ hẹp hòi, thường chê bai chồng hay vợ mình. Khi chê bai thường nói thẳng mặt hoặc trước mặt có những người khác khiến cho chồng hay vợ bị mất mặt.
 Câu chuyện Lương Hồng trên đây để chúng ta dễ nhận ra đó là cách cung kính và tôn trọng trong bữa ăn. Vợ Lương Hồng chịu khó nấu cơm canh thành bữa ăn rồi bưng lên để ngang tầm mắt mời chồng ăn cơm. Trên đời này khó thấy có người vợ nào cung kính chồng như nàng Mạnh Quang, nâng mâm cơm để mời cha mẹ còn chưa có huống là chồng. Chỉ có dọn cơm lên bàn xong rồi mới mời cha mẹ đến dùng bữa cơm chứ chưa có ai nâng mâm cơm mời ăn bao giờ đâu. Một việc làm này hy hữu ít có trong thế gian này.
 Cách thức tôn trọng và cung kính của nàng Mạnh Quang đối với chồng trong xã hội này chưa bao giờ có, và cách thức của Lương Hồng tôn kính đối với vợ cũng chưa từng có người.
 Chàng nâng mâm cơm trên tay vợ và rất lễ độ nói với vợ: “Nàng vất vả quá, cảm ơn nàng! Cảm ơn nàng!”. Trên đời này, chưa có người chồng nào nói lời biết ơn vợ lo bữa ăn như Lương Hồng.
 Đúng là đức lễ sẽ mang lại hạnh phúc gia đình trọn vẹn. Nếu con cái được sinh ra trong gia đình như vậy thì không bảo sao: “Ông bà, cha mẹ mẫu mực con cháu ngoan hiền” là rất đúng. Cho nên những ai đã có gia đình hoặc sắp lập gia đình thì hãy lấy đức cung kính và tôn trọng làm sự sống gương mẫu cho con cháu sau này. Đó là trách nhiệm của cha mẹ phải làm gương tốt cho con cháu.
 Đức lễ thật tuyệt vời, nó giúp cho mỗi người đều có sự sống đối xử bình đẳng với nhau. Nhờ có đối xử bình đẳng với nhau mới chứng minh sự tôn trọng sự sống của mình thật sự là tôn trọng sự sống của những người khác. Và như vậy mới được gọi là bình đẳng trong cuộc sống.
 Ngoài đức lễ ra chúng ta khó tìm, khó thấy sự cung kính bình đẳng sự sống của nhau.
 Người ta nói được sự sống bình đẳng như nhau, nhưng chưa ai nói ra được cách thức làm như thế nào để có sự sống bình đẳng như nhau.
 Trong bài Tâm Hồn Cao Thượng có câu nói rất hay: “Kỳ thực mọi người đều có sự sống bình đẳng như nhau trước mọi người, mọi người đều có sự tôn nghiêm của riêng mình, không ai có quyền cướp đoạt sự tôn nghiêm ấy”. Câu nói suông thì dễ, nhưng biến ra hành động sống thì phải làm như thế nào để nói lên được sự bình đẳng thì ít ai biết được.
 Trong những bài học trên đây, các con đã nhận ra đức gì để chứng tỏ mọi người đều có sự sống bình đẳng như nhau trước mọi người, và mọi người đều có sự tôn nghiêm của riêng mình, không ai có quyền cướp đoạt sự tôn nghiêm ấy.
 Đó là đức lễ cung kính và tôn trọng, ngoài đức lễ thì không thể nào tìm thấy sự bình đẳng.
 Trên đời này chỉ có đức lễ cung kính và tôn trọng thì mới có sự sống bình đẳng như nhau trước mọi người, mọi vật. Đó là điều xác quyết không còn có một đức hạnh nào khác được xem là tiêu chuẩn để xác định rõ nét sự sống của mọi người bình đẳng như nhau.
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Đức lễ như trên đã nói là một hành động khiêm hạ tuyệt vời mà trong kinh Phát triển thường gọi là thường bất khinh Bồ tát, có nghĩa là một vị Bồ tát thường giữ gìn đức hạnh không khinh khi, khinh rẻ ai cả. Gặp ai cũng đảnh lễ cung kính và tôn trọng như Phật. Đối với đức lễ gặp ai cũng cung kính và tôn trọng, vì thế nó là một hành động ai cũng quý trọng và thương mến. Vậy các con hằng ngày nên sống với đức lễ để diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp, để tâm bất động, để bảo vệ chân lý thanh thản, an lạc và vô sự. Nhờ đó khi chết các con sẽ vào chỗ bất sinh, bất diệt.
ĐOẠN 15:“Phụ Bá Thông nhìn thấy cảnh này vô cùng cảm động. Sau đó thông qua nhiều người, ông ta biết được rằng vợ chồng Lương Hồng từ trước tới nay đều đối xử lễ nghĩa, tôn trọng như vậy từ lúc ở trong làng. Trong lòng ông rất khâm phục đôi vợ chồng này và nói với họ rất thành khẩn: “Tôi không ngờ rằng cả hai người đều là bậc quân tử tôn trọng lễ nghĩa đến như vậy. Để ông bà ở trong một gian nhà nhỏ bé như vậy thì quả là hổ thẹn. Ngày mai xin đến nhà tôi ở để người nhà và đầy tớ của tôi đều được học tập hai vị”. Lương Hồng và Mạnh Quang sau khi dọn đến nhà Phụ Bá Thông rất tôn kính vợ chồng Phụ Bá Thông, giống như đối với ân nhân”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN:Nhờ sống ĐỨC LỄ được mọi người quý mến.
GIẢI TRÌNH ÁN:Nhờ biết giữ gìn đức lễ vợ chồng cung kính và tôn trọng lẫn nhau mà cảm hóa được một người giàu sang nhất vùng là Phụ Bá Thông, đã mến phục và mời vợ chồng Lương Hồng về ở gần bên mình để được học những đạo đức.
 Từ đây vợ chồng Lương Hồng được sống trong cảnh đầy đủ, không còn lo đói lo no. Cho nên đạo đức đã chuyển nghiệp khổ đau để trở thành một cuộc sống an vui.
 Về bản thân, người biết cung kính tôn trọng người khác là tự mình đã diệt ngã, xả tâm. Cứ mỗi lần cung kính tôn trọng người khác là mỗi lần mài mòn bản ngã của mình. Cho nên đức lễ trong đạo Phật rất quan trọng về việc ly dục ly ác và diệt ngã xả tâm để thực hiện tâm vô lậu hoàn toàn.
 Bởi đức lễ làm lợi ích rất lớn cho cuộc sống tu hành giải thoát của chúng ta, giúp chúng ta ra khỏi những phiền não khổ đau; giúp chúng ta ra khỏi những hành động cống cao ngã mạn, phách lối ngang tàng, du côn du đãng, v.v...; giúp chúng ta ra khỏi những lời hung dữ, thô lỗ kém văn hoá, v.v...
 Về gia đình, đức lễ sẽ giúp mọi người cung kính và tôn trọng lẫn nhau, nhờ đó trong gia đình không bao giờ có những tệ nạn bạo lực gia đình, không bao giờ có cảnh ông ăn chả bà ăn nem; nhờ đó gia đình rất đầm ấm, vợ chồng luôn luôn sống hòa thuận, vợ tôn kính chồng, chồng tôn kính vợ. Tục ngữ Việt Nam có câu “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”. Đức lễ có lợi ích như vậy, các con hãy cố gắng tập luyện sống cho được, vì đức lễ có một hành động và một hình dáng rất đẹp khi đối xử với mọi người. Nó mang sự an vui cho bản thân và gia đình rất hạnh phúc.
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Như trên đã nói, người giữ gìn đức lễ đối với mọi người đều được mọi người quý trọng, mến yêu. Vì con người giữ gìn đức lễ luôn luôn lời nói nhẹ nhàng, ngọt ngào, êm dịu, do đó được lòng mọi người thương yêu. Vậy các con nên nhớ lời dạy này mà tu tập và rèn luyện đức lễ, lúc nào cũng biết tôn trọng và cung kính mọi người như cung kính tôn trọng mình vậy.
ĐOẠN 16:“Câu chuyện Lương Hồng và Mạnh Quang được mọi người ca ngợi đến nay.
 Điều mà họ mang tới chính là sự thanh cao, trong sạch về ý trí, sự hòa hợp về tình người và sự tương đồng về tư tưởng. Câu thành ngữ “Quý nhau như khách, nâng bát ngang mi” tương truyền đến ngày nay cũng từ đó mà ra”.
 Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN:Đức Lễ được ca ngợi và truyền tụng đến ngày nay.
GIẢI TRÌNH ÁN: Đức lễ giúp cho con người sống thanh cao, ý chí trong sạch, sự sống hòa hợp về tình người và tương đồng về mọi tư tưởng với mọi người. Cho nên trong đời sống con người không ai mà không ca ngợi và yêu chuộng đức lễ, vì nó mang một sự lợi ích rất lớn cho con người.
 Về bản thân, đức lễ giúp cho con người có một đời sống thanh cao, một tâm hồn trong sạch không chút bợn nhơ vì sự cung kính, tôn trọng chân thành, chứ không phải hình thức máy móc làm màu mè che đậy lớp áo nịnh bợ cầu cạnh.
 Về gia đình, đức lễ giúp mọi người có sự sống hòa hợp, biết thương yêu nhau chân thật hơn; biết tha thứ mỗi lỗi lầm của nhau; không bao giờ to tiếng mắng chửi, mạt sát, la rầy; nhất là không bao giờ có cảnh ghen tuông, có cảnh bạo lực gia đình, vợ chồng nặng nhẹ nhau. Bởi đức lễ lợi ích lớn như vậy, chúng ta nên áp dụng thực hiện vào đời sống hằng ngày để gia đình yên vui và hạnh phúc.
 Về xã hội, đức lễ giúp cho mọi người có sự tương đồng về tư tưởng, vì thế mọi người trong xã hội đều yêu thương nhau nhiều hơn. Do yêu thương nhau nên xã hội lúc nào cũng có trật tự, mọi người sống rất gần gũi và an ổn, không có ai xâm chiếm và cướp đoạt tài sản vật chất và công lao của nhau.
 Cho nên đức lễ rất cần thiết cho xã hội loài người, nó luôn luôn mang lại sự an ninh trật tự; mang lại một cuộc sống của người này đối với người kia được tôn trọng, yên vui và quý mến nhau.
 Câu chuyện Lương Hồng và Mạnh Quang là một điển hình đức lễ. Trong thời đại phong kiến trọng nam khinh nữ, thế mà vợ cung kính tôn trọng chồng, và chồng cung kính tôn trọng vợ, thật là một khung cảnh hiếm có trong xã hội phong kiến. Nhất là thời ấy người ta xem rẻ người phụ nữ: “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”. Thế mà lại có người sống với đức lễ như vậy, không phải đây là một cuộc cách mạng tư tưởng “Chồng chúa vợ tôi” sao? Một cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa, xây dựng lại một đời sống bình đẳng không riêng nam nữ mà cho tất cả muôn loài, vì mọi sự sống trên hành tinh này đều phải được sống bình đẳng như nhau, không có ai cướp đoạt quyền sống của ai, dù là loài vật nó cũng có sự sống như con người thì sự sống phải bình đẳng, cớ sao lại cướp mạng sống của chúng làm thực phẩm để ăn uống.
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Người giữ gìn đức lễ trọn vẹn sẽ được mọi người ca ngợi. Ở đây vợ chồng Lương Hồng vì biết cung kính tôn trọng lẫn nhau nên tấm gương lễ nghĩa được lưu lại sử xanh để mọi người thường nhắc nhở cho con cháu noi theo gương đó mà sống để được an vui và hạnh phúc.
 Đức lễ là một đức hạnh giúp cho chúng ta biết cách nhẫn nhục, tùy thuận và vui lòng đối với tất cả mọi người, luôn luôn đem lại sự bình an cho nhau, không bao giờ làm khổ nhau dù một ly hào nào. Vậy các con hãy cố giữ gìn đức lễ luôn luôn tôn trọng mọi người. Đó là trách nhiệm và bổn phận làm người. Khi chúng ta là con người thì không nên trốn tránh bổn phận và trách nhiệm này. Các con có nhớ lời dạy này không? Phải ghi khắc lời dạy này các con ạ! 
ĐOẠN 17:“Trong xã hội phong kiến, với tư tưởng trọng nam khinh nữ đã thành lề luật của xã hội, mà vợ chồng Lương Hồng và Mạnh Quang có thể yêu thương quý mến nhau, bình đẳng với nhau thật là một điều hiếm có. Hình ảnh nâng bát ngang mi đã thể hiện lễ nghĩa và tình yêu đã trung hòa làm một”. Câu này dạy đạo đức gì?
ĐÁP ÁN:Trong xã hội phong kiến, Đức Lễ vợ chồng đối xử nhau thật là hiếm có.
GIẢI TRÌNH ÁN:
Dù bất cứ một chế độ nào, một tôn giáo nào hay một hệ phái, hoặc một đảng phái nào, một triết học nào, khi đạo đức nhân bản - nhân quả đến nó sẽ đập tan những sự bất công, những sự mê tín lạc hậu, những sự bất bình đẳng, những sự hung ác, những sự đồi trụy bê tha, những sự chia rẽ ly gián để dựng lại những sự bình đẳng trong sáng, thanh cao, hòa hợp đầy lòng cung kính tôn trọng sự sống của con người và muôn loài trên hành tinh này. Cho nên trí tuệ đạo đức nhân bản - nhân quả đi đến đâu thì ánh sáng thanh bình, yên vui và hạnh phúc sẽ soi chiếu đến đó, vì vậy loài người rất cần thiết cần phải có một nền đạo đức như vậy.
 Trong bài học trên, vợ chồng Lương Hồng và Mạnh Quang đã dùng đức lễ đối xử với nhau, trong khi ấy mọi người sống giữa lòng chế độ phong kiến giai cấp con người có cao, có thấp, có thế lực quan liêu rõ ràng. Thế mà nó đập tan tành khiến cho mọi người phải hướng và noi theo gương hạnh trong sáng của vợ chồng Lương Hồng và Mạnh Quang. Một tấm gương đức lễ rất tuyệt vời đem lại hạnh phúc gia đình rất cụ thể.
 Đúng vậy, đức lễ thật tuyệt vời, mang lại cho mọi người có một sự sống bình đẳng nhau trên hành tinh này. Thật không có phương pháp nào tuyệt vời hơn bằng đức lễ cung kính và tôn trọng mình và người, đó là đức khiêm hạ của Phật giáo. Bởi vậy sự sống của con người và muôn loài trên hành tinh này phải bình đẳng, không có ai có quyền cướp sự sống của người và vật khác. Đức lễ cung kính và tôn trọng là những hành động cao thượng, chứng tỏ cho mọi người thấy rằng đó mới thật sự; đó là những hành động vì sự sống của người và loài vật khác. Nếu không có đức lễ thì chúng ta chỉ nói suông “vì sự sống mọi người”, chứ thực ra vì sự sống của mình và luôn luôn chà đạp lên sự sống của người khác. Những điều này các con có thấy đúng không?
KẾT LUẬN VÀ ÁP DỤNG:
Đức lễ là một hành động rõ nét vì sự sống của người và loài vật khác nên lúc nào cũng tôn trọng và cung kính, không vi phạm vào sự sống của người và vật, có như vậy mọi sự sống mới thật sự có bình đẳng như nhau. Sự sống bình đẳng như nhau nên không ai có quyền cướp đoạt sự sống của người khác hoặc loài vật khác. Nếu xã hội mọi người đều áp dụng đức lễ tôn trọng và cung kính với nhau như vậy thì cuộc sống trên hành tinh này đẹp biết bao. Phải không các con? Các con nên nhớ lấy lời dạy này để sống trọn vẹn trong tình yêu thương chân thật.
 Vì lợi ích cho loài người cũng như cho muôn loài vật thì các con nên rèn luyện nhân cách và tập sống với đức lễ, để thật sự mang lại lòng cung kính và tôn trọng lẫn nhau thì hạnh phúc lắm các con ạ!
1- Đức lễ có một hình ảnh rất đẹp, hai tay chắp lại cúi đầu chào với đầy vẻ cung kính và tôn trọng.
 2- Đức lễ có một hình ảnh rất đẹp, khi chúng ta cho người khác một vật gì đều nâng hai tay đưa trao cho người ấy, với vẻ cung kính và tôn trọng, chứ không phải đưa một tay. Dù là đối với một em bé, khi cho em một cái bánh hay một vật gì đều phải đưa hai tay. Có hành động làm như vậy thì mới thấy có sự sống bình đẳng như nhau.
 3- Đức lễ là một hình ảnh tuyệt vời, khi đón nhận một món quà hay bất cứ một vật gì, dù là một bức thư nhỏ nhẹ, nhưng đều đưa hai tay ra đón nhận với vẻ trịnh trọng biết ơn và với lời nói “Cảm ơn!”.
 4- Đức lễ là một hình ảnh đẹp tuyệt vời, khi nói ra lời xưng hô lúc nào cũng có tiếng “Kính thưa!”, rồi sau đó mới nói một điều gì.
 Ví dụ: Kính thưa Ba! Kính thưa mẹ! Kính thưa chú! Kính thưa Thầy! Kính thưa anh! Kính thưa chị! Nhưng với những người nhỏ tuổi hơn như em, con hay cháu thì xưng hô như thế nào? Không thể dùng chữ “Kính thưa!”, mà phải dùng chữ:
- “Con ạ! Lại đây mẹ nói điều này” - “Cháu ạ! Lại đây cô nói điều này” - “Liên ơi! Em lại đây, chị cho cái này” Khi xưng hô gọi như vậy thì các con phải có những hành động nhẹ nhàng, âu yếm thân mật, hai tay ôm con hoặc ôm cháu vào lòng, đặt một nụ hôn trên trán.
 Lời nói và hành động luôn luôn phải đi đôi với vẻ đầy tình thương yêu và cung kính tôn trọng...
 Đức lễ các con còn phải học tập và rèn luyện cho thành một thói quen lễ nghĩa cung kính và tôn trọng hẳn hoi, chứ không thể nói suông được.
 Về đức lễ, lần lượt Thầy sẽ dạy cho các con mỗi hành động và mỗi lời nói phải lễ nghĩa như thế nào cho đúng và như thế nào là không đúng.
 Bởi vậy về đức lễ các con cần phải học nhiều hơn nữa, chứ không thể nói một vài hành động là đủ.
HẾT
---
Link sách: Giáo án rèn nhân cách - Lớp ngũ giới - Đạo đức gia đình - tập 1

No comments:

Post a Comment