Trước khi muốn quán xét Diệt Đế để thực hiện Định Vô Lậu thì chúng ta phải hiểu Diệt Đế là gì?
Diệt tức là tiêu diệt, trừ diệt, diệt ở đây tức là diệt lòng tham muốn của mình và diệt các ác pháp.
Đế có nghĩa là lý lẽ chắc thật, đúng đắn do trí tuệ sáng suốt soi thấu một cách rõ ràng không có mờ mịt, trừu tượng, ảo tưởng bằng tưởng tri.
Diệt Đế là một trạng thái tâm đã đoạn diệt lòng ham muốn và các ác pháp, người sống trong trạng thái này được xem là đã giải thoát hoàn toàn tức là người đã làm chủ sự sống chết của mình, người làm chủ sự sống chết của mình là người hạnh phúc nhất trên thế gian này.
Người ta thường bảo Diệt Đế là Niết Bàn như thế này, như thế nọ, đó là tưởng tri của các nhà học giả, nhất là các nhà học giả phát triển thì lại bịa ra đủ loại Niết Bàn
Diệt Đế không phải là một cảnh giới siêu hình như các nhà Đại Thừa thường tưởng tượng và cho đó là nơi chư Phật thường trú. Nếu một người đoạn diệt lòng tham muốn và các ác pháp thì cuộc sống của họ là Niết Bàn, chứ không phải ở nơi đâu cả.
Đức Phật gọi Diệt Đế là một chơn lý thật sự, một trạng thái tâm lý thật sự không còn khổ đau của kiếp người, chứ không giống như các nhà học giả phát triển xây dựng những cảnh giới Niết Bàn mơ hồ, trừu tượng, ảo tưởng. Những loại Niết Bàn này không được gọi là chân lý, vì nó là những cảnh giới tưởng tượng của con người, cho nên nó không thật có, chỉ duy nhất có Diệt Đế của đạo Phật mới được gọi là chơn lý của loài người mà thôi vì nó có thật.
Khi chúng ta quán xét Diệt Đế rõ thấu trạng thái thật sự giải thoát của đạo Phật là chỗ đoạn diệt lòng ham muốn và các ác pháp. Rõ thấu được như vậy chúng ta mới có phương hướng nhắm vào từng giây, từng phút đẩy lui toàn bộ lòng tham muốn và các ác pháp trong ta. Khi đẩy lui lòng tham muốn và các ác pháp trong ta thì đó là Diệt Đế; thì đó là chúng ta đã đạt được chơn lý của kiếp sống làm người.
Chơn lý của kiếp sống con người không phải là thần thông phép thuật, thế mà người đời nói đến tu hành là nói đến thần thông pháp thuật, thần thông pháp thuật chỉ là một điều huyễn hóa lừa đảo thiên hạ bằng cách làm trò ảo thuật hoặc nói láo truyền miệng, mà Ngài Thường Chiếu nói: “Một con chó sủa một bầy chó sủa theo”. Dù nếu có thần thông thật sự đi nữa thì đó cũng chỉ là một trò ảo thuật giải trí cho những người thừa thì giờ nhàn rỗi, chứ chẳng ích lợi gì cho loài người trên hành tinh này. Từ xưa đến nay, chúng ta đã từng nghe tin tức qua báo chí hoặc phim ảnh có nhiều đạo sĩ tu tập rất vất vả, nhưng lại thị hiện làm trò ảo thuật cho mọi người xem chơi, tạo danh cho cá nhân của mình, lợi dụng lòng ham mê thần thông của con người, nên mở ra rất nhiều thiền đường, giảng đường để lừa đảo thiên hạ làm hao tốn biết bao nhiêu tiền của và công sức của mọi người nhưng nhìn lại có ích lợi gì cho ai đâu.
Niết Bàn của Phật giáo chân thật như vậy, với trí hữu hạn của chúng ta đều nhận biết rõ ràng thực tế và cụ thể, không có một sự tưởng tượng nào trong trạng thái này. Vì Chân lý của đạo Phật rất thực tế trong đời sống của chúng tôi, nên chúng tôi chọn đạo Phật, lấy đạo Phật làm những bài học để xây dựng cho mình trở thành những con người có một đạo đức không làm khổ mình, khổ người và như vậy có lợi ích cho mình và cho người, đó là nguyện vọng của chúng tôi khi đến với đạo Phật và tu tập Định Vô Lậu câu hữu Diệt Đế.
Diệt Đế là một chân lý thật sự, có thật, mà con người thực hiện được, làm được, sống được chứ không phải là một lý luận suông, như những lý luận của các tôn giáo và các tông phái khác.
(Trưởng lão Thích Thông Lạc - Đường Về Xứ Phật - Tập 2, bài Định vô lậu câu hữu Tứ diệu đế - Nxb. Tôn giáo, 2012)
(Trưởng lão Thích Thông Lạc - Đường Về Xứ Phật - Tập 2, bài Định vô lậu câu hữu Tứ diệu đế - Nxb. Tôn giáo, 2012)
No comments:
Post a Comment