Thursday, July 18, 2013

BÀI HỌC THỨ 6: HUYNH ĐỆ TƯƠNG TÀN VÌ MẢNH ĐẤT HƯƠNG QUẢ

Đứng trước vành móng ngựa là người đàn ông tuổi ngoài bốn mươi, da đen thân hình gầy gò với khuôn mặt khắc khổ. Bị cáo đưa mắt nhìn hai đứa cháu ruột như muốn van xin sự tha thứ về tội lỗi mình đã gây ra khiến chúng vốn mồ côi mẹ nay lại mất cha trong nỗi đau đớn ê chề .
Cách đây 25 năm, Nguyễn Văn Bê và cô thôn nữ Trần thị H. cưới nhau và sinh được hai người con là Nguyễn Văn T và Nguyễn Thị N hạnh phúc gia đình họ đang ấm êm thì chị H qua đời (năm 1993), ông B dắt hai con về gởi bên ngoại để các dì nuôi dưỡng rồi bỏ đi biền biệt. Đầu tháng 8 – 2005, ông B quay về quê và tạm trú tại nhà anh ruột duy nhất là Nguyễn Văn M, Nguyễn văn M cũng có vợ và một con trai. Nhưng với bản tính hung bạo, thường “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nên bà S (vợ ông M) cùng đứa con trai đã ra ở riêng, chỉ còn ông M sống một mình trong ngôi nhà của cha mẹ để lại, hàng ngày kiếm sống bằng nghề chài lưới trên sông. Theo như lời khai nhận của Nguyễn Văn M. trước cơ quan Công An, thì sau khi về quê ông B đến ở chung với M và hai lần có đề cập đến chuyện dựng nhà trên mảnh đất hương quả nhưng M. không đồng ý. Chừng 7 giờ tối ngày 13- 9- 2005 hai anh em họ lại có cuộc tranh luận, rồi dẫn đến cãi vã gay gắt cũng lại về chuyện đất đai. Không kiềm chế được bản thân, ông M chạy ra ngoài lấy chiếc rựa sắt, quay vào nhà chém ông B lúc đó đang ngồi quay lưng ra cửa cho đến chết .
Ngay đêm đó Nguyễn Văn M, dùng dây buộc nạn nhân kéo ra sông cách nhà 40m.
Sau đó dùng ghe chở qua bên kia sông gò bồi để phi tang. Nguyễn Văn M nghĩ rằng thủy triều lên để kéo xác nạn nhân ra biển. Sự mất tích của Nguyễn Văn B cũng chẳng có gì quan trọng, bởi trước đây 12 năm B cũng từng bỏ đi, chắc sẽ chẳng có ai thắc mắc gì.
Khoảng 5 giờ chiều ngày 16 -9- 2005 một chiếc vỏ lãi chở đám cưới trên sông gò bồi thuộc địa phận huyện Tuy Phước đã phát hiện một xác chết nổi lềnh bềnh trên sông và trôi dạt vào bờ, nên nhờ dân địa phương báo tin cho Công An kịp thời có mặt tại hiện trường tổ chức vớt xác lên bờ. Tử thi là một người đàn ông, ngoài 40 tuổi chết trước đó khoảng 3-4 ngày. Trên thi thể có 12 vết thương , trong đó có vùng đầu 5 nhát. Nhận định đây có khả năng là vụ giết người nhằm phi tang chứng nên cơ quan điều tra đã kết hợp cùng các cơ quan có chức năng nhanh chống làm rõ vụ việc. Bước đầu cơ quan điều tra nhận định nguyên nhân vụ án là vì mâu thuẫn cá nhân gay gắt, không loại trừ khả năng giết người cướp tài sản, giữa nạn nhân và hung thủ có thể có mối quan hệ thân thiết, cũng trong ngày hôm đó, hàng trăm người dân đứng chật trên dòng sông gò bồi bàn tán xôn xao. Tin đồn thất thiệt cũng được lan ra khắp nơi. Nhưng tựu trung lại vẫn là nỗi xót xa cho người đàn ông đáng thương là sự căm phẩn về hành vi phi nhân tính của hung thủ.
Công An huyện Tuy Phước phối hợp cùng các địa bàn lân cận rà sát kỹ xem có trường hợp người nào bị mất tích không, đồng thời chỉ đạo phòng nghiệp vụ khẩn trương truy tìm tung tích nạn nhân, bởi đó là mấu chốt để tìm ra đầu mối vụ án. Do tử thi hoại tử và biến dạng nên việc nhận diện không thể tiến hành được, chỉ biết rằng trên xác chết có một số vết xăm rất lạ mắt. Tuy nhiên, đó lại chính là manh mối để tìm ra tung tích nạn nhân. Khi biết được tin này, ông Nguyễn Văn C. (47 tuổi) ở Phước Hoà đã đến gặp trực tiếp trinh sát, ông nói rằng: nếu nơi ngực nạn nhân có xăm hình 3 ngọn núi và đùi bên trái có xăm hình cổ quan tài có 3 ngọn nến và hai câu thơ .. thì đó chính là Nguyễn Văn B, bạn ông trước kia, ông B, có nhờ ông xăm những hình trên để làm kỷ niệm, như vậy xác chết trên được khẳng định là của ông Nguyễn Văn B, sau khi xác nhận được tung tích nạn nhân, cơ quan điều tra tiến hành rà sát các mối quan hệ mâu thuẫn cá nhân và nhận định, có khả năng đây là vụ án có liên quan đến tình cảm gia đình. Và hung thủ sa lưới.
Trong đám tang ông B, thân nhân hàng xóm đều tỏ vẻ thương xót, duy chỉ có một người vẫn ráo nước mắt và luôn có nhiều biểu hiện bất thường, đó là ông Nguyễn Văn M, là anh ruột nạn nhân được biết nơi phát hiện xác nạn nhân chỉ cách nhà ông M chừng 100 mét, nhưng ông ta vẫn dững dưng, bàng quan như không có chuyện gì xảy ra. Thời gian trước và sau khi phát hiện xác ông B, Nguyễn Văn M đã án binh bất động trong nhà, cửa nẻo luôn được khóa chặt. Chính vì thế Nguyễn Văn M là đối tượng có nhiều nghi vấn liên quan đến vụ án dã man trên. Sau khi tổng hợp nhiều nguồn tin và tài liệu, cơ quan điều tra khẳng định: Nguyễn Văn M chính là hung thủ đã giết ông Nguyễn Văn B. Tuy nhiên, quá trình bắt giữ tiến hành rất khó khăn, bởi Nguyễn Văn M đã tử thủ trong nhà và luôn cầm thuổng nhọn để hăm dọa lực lượng làm nhiệm vụ. Nhưng bằng mưu trí và các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng trinh sát đã khống chế được Nguyễn Văn M khám xét nhà M, cơ quan Công An thu giữ được số hung khí và tang vật liên quan đến vụ án. Qua đấu tranh khai thác, bước đầu Nguyễn Văn M đã khai nhận hành vi giết em ruột mình. Mặc dù đã che dấu hành vi phạm tội một cách tinh vi nhưng tội ác dã man cuối cùng cũng đã bị lôi ra ánh sáng. Hành vi phạm tội của M đặc biệt nghiêm trọng, không còn tính người, ra tay giết hại đứa em ruột máu mủ của mình chỉ vì lợi ích cá nhân. Mới đây Nguyễn Văn M đã phải ra trước vành móng ngựa để lãnh nguyên bản án cho những hành động của mình.
(Báo Công An Thành Phố Hồ Chí Minh) Trần kim Anh.
NHỮNG CÂU HỎI
1- “Cách đây 25 năm, Nguyễn Văn B và cô thôn nữ Trần thị H cưới nhau và sinh được hai người con là Nguyễn Văn T và Nguyễn Thị N hạnh phúc gia đình họ đang ấm êm thì chị H qua đời (năm 1993) ”. Câu này dạy đạo đức gì?
2- “Ông B dắt hai con về gởi bên ngoại để các dì nuôi dưỡng rồi bỏ đi biền biệt. Câu này dạy đạo đức gì?
3- “Đầu tháng 8 – 2005 Ông B quay về quê và tạm trú tại nhà anh ruột duy nhất là Nguyễn Văn M Nguyễn Văn M cũng có vợ và một con trai. Nhưng với bản tính hung bạo, thường “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nên bà S (vợ ông M) cùng đứa con trai đã ra ở riêng ”. Câu này dạy đạo đức gì?
4- “Chỉ còn ông M sống một mình trong ngôi nhà của cha mẹ để lại, hàng ngày kiếm sống bằng nghề chài lưới trên sông ”. Câu này dạy đạo đức gì?
5- “Theo như lời khai nhận của Nguyễn Văn M. Trước cơ quan Công An, thì sau khi về quê ông B đến ở chung với M và hai lần có đề cập đến chuyện dựng nhà trên mảnh đất hương quả, nhưng ông M không đồng ý ”. Câu này dạy đạo đức gì?
6- “Chừng 7 giờ tối ngày 13- 9- 2005 hai anh em họ lại có cuộc tranh luận, rồi dẫn đến cãi vã gay gắt cũng lại về chuyện đất đai. Không kiềm chế được bản thân, ông M chạy ra ngoài lấy chiếc rựa sắt, quay vào nhà chém ông B, lúc đó đang ngồi quay lưng ra cửa cho đến chết ” . Câu này dạy đạo đức gì?
7- “Ngay đêm đó Nguyễn Văn M dùng dây buộc nạn nhân kéo ra sông cách nhà 40m. Sau đó dùng ghe chở qua bên kia sông gò bồi để phi tang. Nguyễn Văn M nghĩ rằng thủy triều lên để kéo xác nạn nhân ra biển. Sự mất tích của Nguyễn Văn B cũng chẳng có gì quan trọng, bởi trước đây 12 năm B. cũng từng bỏ đi, chắc sẽ chẳng có ai thắc mắc gì ” . Câu này dạy đạo đức gì?
8- “Khoảng 5 giờ chiều ngày 16 -9- 2005 một chiếc vỏ lãi chở đám cưới trên sông gò bồi thuộc địa phận huyện Tuy Phước đã phát hiện một xác chết nổi lềnh bềnh trên sông và trôi dạt vào bờ, nên nhờ dân địa phương báo tin cho Công An kịp thời có mặt tại hiện trường, tổ chức vớt xác lên bờ. Tử thi là một người đàn ông, ngoài 40 tuổi chết trước đó khoảng 3-4 ngày. Trên thi thể có 12 vết thương, trong đó có vùng đầu 5 nhát. Nhận định đây có khả năng là vụ giết người nhằm phi tang chứng, nên cơ quan điều tra đã kết hợp cùng các cơ quan có chức năng nhanh chống làm rõ vụ việc ”. Câu này dạy đạo đức gì?
9- “Bước đầu cơ quan điều tra nhận định nguyên nhân vụ án là vì mâu thuẫn cá nhân gay gắt, không loại trừ khả năng giết người cướp tài sản. Giữa nạn nhân và hung thủ có thể có mối quan hệ thân thiết. cũng trong ngày hôm đó, hàng trăm người dân đứng chật trên dòng sông gò bồi bàn tán xôn xao. Tin đồn thất thiệt cũng được lan ra khắp nơi. Nhưng tựu trung lại vẫn là nỗi xót xa cho người đàn ông đáng thương là sự căm phẩn về hành vi phi nhân tính của hung thủ ”. Câu này dạy đạo đức gì?
10- “Công An huyện Tuy Phước phối hợp cùng các địa bàn lân cận rà sát kỹ xem có trường hợp nào bị mất tích không, đồng thời chỉ đạo phòng nghiệp vụ khẩn trương truy tìm tung tích nạn nhân, bởi đó là mấu chốt để tìm ra đầu mối vụ án. Do tử thị hoại tử và biến dạng nên việc nhận diện không thể tiến hành được, chỉ biết rằng trên xác chết có một số vết xăm rất lạ mắt. Tuy nhiên, đó lại chính là manh mối để tìm ra tung tích nạn nhân ”. Câu này dạy đạo đức gì?
11- Khi biết được tin này, ông Nguyễn Văn C. (47 tuổi) ở Phước Hoà đã đến gặp trực tiếp trinh sát, ông nói rằng: Nếu nơi ngực nạn nhân có xăm hình 3 ngọn núi và đùi bên trái có xăm hình cổ quan tài có 3 ngọn nến và hai câu thơ .. thì đó chính là Nguyễn Văn B bạn ông trước kia, ông B có nhờ ông xăm những hình trên để làm kỷ niệm, như vậy xác chết trên được khẳng định là của ông Nguyễn Văn B ”. Câu này dạy đạo đức gì?
12- Sau khi xác nhận được tung tích nạn nhân, cơ quan điều tra tiến hành rà sát các mối quan hệ mâu thuẫn cá nhân và nhận định, có khả năng đây là vụ án có liên quan đến tình cảm gia đình. Và hung thủ sa lưới”. Câu này dạy đạo đức gì?
13- “Trong đám tang ông B thân nhân hàng xóm đều tỏ vẻ thương xót, duy chỉ có một người vẫn ráo nước mắt và luôn có nhiều biểu hiện bất thường, đó là ông Nguyễn Văn M là anh ruột nạn nhân được biết nơi phát hiện xác nạn nhân chỉ cách nhà ông M chừng 100 mét, nhưng ông ta vẫn dững dưng, bàng quan như không có chuyện gì xảy ra. Thời gian trước và sau khi phát hiện xác ông B ”. Câu này dạy đạo đức gì?
14- “Nguyễn Văn M đã án binh bất động trong nhà, cửa nẻo luôn được khóa chặt.
Chính vì thế Nguyễn Văn M là đối tượng có nhiều nghi vấn liên quan đến vụ án dã man trên ”. Câu này dạy đạo đức gì?
15- “Sau khi tổng hợp nhiều nguồn tin và tài liệu, cơ quan điều tra khẳng định:
Nguyễn Văn M chính là hung thủ đã giết ông Nguyễn Văn B. Tuy nhiên, quá trình bắt giữ tiến hành rất khó khăn, bởi Nguyễn Văn M đã tử thủ trong nhà và luôn cầm thuổng nhọn để hăm dọa lực lượng làm nhiệm vụ. Nhưng bằng mưu trí và các biện pháp nghiêp vụ. Lực lượng trinh xác đã khống chế được Nguyễn Văn M khám xét nhà M, cơ quan Công An thu giữ được số hung khí và tang vật liên quan đến vụ án. Qua đấu tranh khai thác, bước đầu Nguyễn Văn M đã khai nhận hành vi giết em ruột mình ”. Câu này dạy đạo đức gì?
16- “Mặc dù đã che đấu hành vi phạm tội một cách tinh vi nhưng tội ác dã man cuối cùng cũng đã bị lôi ra ánh sáng. Hành vi phạm tội của M đặc biệt nghiêm trọng, không còn tính người, ra tay giết hại đứa em ruột máu mủ của mình, chỉ vì lợi ích cá nhân. Mới đây Nguyễn Văn M đã phải ra trước vành móng ngựa để lãnh nguyên bản án cho những hành động của mình ”. Câu này dạy đạo đức gì?
NHỮNG CÂU TRẢ LỜI
1- “Cách đây 25 năm, Nguyễn Văn B và cô thôn nữ Trần thị H cưới nhau và sinh được hai người con là Nguyễn Văn T và Nguyễn Thị N hạnh phúc gia đình họ đang ấm êm thì chị H qua đời (năm 1993)”. Câu này dạy HẠNH VÔ THƯỜNG THEO QUI LUẬT NHÂN QUẢ.
Điều mà người ta gọi là hạnh phúc gia đình, thì ở đây chúng ta thấy vợ chồng anh B có hạnh phúc không? Lập gia đình suốt 25 năm, sinh ra hai đứa con: một trai, một gái, nhưng rồi vợ chết, anh không nuôi con mà đem con gửi cho bên ngoại nuôi, rồi bỏ đi biền biệt 20 năm.
Hạnh phúc của thế gian thật là đau khổ, khi chồng hoặc vợ chết còn lại một mình với bao kỷ niệm vui buồn cay đắng và còn một gánh nặng trên vai là phải nuôi con đó là bổn phận, trọng trách gánh vác gia đình và như vậy là hạnh phúc sao? Trong bài này chúng ta thấy anh B sống chỉ toàn là một cuộc sống đau khổ, vợ chết bỏ con cho người khác nuôi và như vậy là một người cha thiếu đạo đức , đành bỏ con mình giao cho người khác nuôi, trong khi chúng nó được sinh ra bằng máu thịt của mình, bằng tình yêu thương của mình, thế mà anh B nỡ tâm bỏ chúng cho người khác nuôi thật là đáng trách.
Thật đáng thương cho hai trẻ mất mẹ lại mất cha, cuộc đời của chúng làm sao biết được tình yêu thương âu yếm của mẹ lẫn cha như thế nào? Riêng chúng ta đến tuổi này (50, 60 tuổi) mà có người cha mẹ vẫn còn sống. Cha mẹ còn sống tại tiền là một điều phước báu vô cùng, chúng ta là những đứa con có hạnh phúc rất lớn, sống trong tình yêu thương của cha mẹ. Vì vậy chúng ta hãy làm sao cho cha mẹ được vui lòng. Muốn cha mẹ được vui lòng chúng ta hãy tu hành sống đúng đức hạnh và giới luật của Phật giáo để ước nguyện và dạy lại cho cha mẹ những điều mình đã học và tu tập, nhờ đó mới đem lại cho cha mẹ một hướng đi đúng đắn, để cha mẹ tự làm chủ sự sống chết và chấm dứt tái sinh luân hồi. Ấy là làm vui lòng cha mẹ.
Cho nên cuộc đời sinh ra là một chuỗi thời gian đau khổ, người ta lầm tưởng có vợ có con, có gia đình là hạnh phúc. Sự thật không có gia đình nào có hạnh phúc chân thật họ chỉ nương tựa vào nhau để mà sống, chịu đựng vì con cái, vì danh dự sợ người ta cười chê v.v...
Tóm lại những điều người ta cho là hạnh phúc, đó là những điều mà người ta đang chạy theo dục, tìm cầu dục. Dục ví như cục xương, bỏ thì tiếc nhưng ôm nhai hoài chẳng có lợi ích gì. Càng nhai, càng lúc lại càng khổ đau hơn.
2- “Ông B dắt hai con về gởi bên ngoại để các dì nuôi dưỡng rồi bỏ đi biền biệt.”  Câu này dạy THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH TRÁCH NHIỆM BỔN PHẬN.
Trong xã hội loài người có biết bao trẻ mồ côi, khi cha mẹ sinh ra sợ tai tiếng xấu xa, trong khi mình đã làm những điều xấu xa mà còn tránh xấu xa là tránh cái gì? Nỡ lòng nào đem ném bỏ con mình như ném bỏ một món đồ phế thải trong thùng rác. Có một em bé cũng được mẹ ném bỏ trong thùng rác, đàn chó đã gặm nát đôi chân của em, mai nhờ có người phát giác kịp thời đem em bé vào bệnh viện cứu chữa thật là đáng thương!
Làm cha mẹ sống không thương con cái của mình thì còn ai thương con cái của mình bằng cha mẹ. Thời đại của chúng ta là một thời đại đạo đức đang xuống cấp, tình thương yêu đã mất. Tình thương yêu đã mất thì con người còn thua xa loài thú vật. Có đúng như vậy không quý vị? Ngay chính con họ sinh ra mà họ còn bỏ được huống là những người khác thì làm sao họ thương yêu ai. Họ thương chỉ là đầu môi chót lưỡi mà thôi.
Những trẻ mồ côi sống bằng tình thương của những nhà từ thiện, của những người xa lạ, có những nơi nuôi trẻ mồ côi người đứng ra tổ chức nuôi trẻ là những người cùng có những hoàn cảnh sống mồ côi, nhờ đó họ cảm thông nhau nên rất thương trẻ mồ côi như chính bản thân họ.
Hỡi các bậc làm cha mẹ ! Phải lấy đạo đức hiếu sinh trách nhiệm bổn phận làm người, làm đầu cuộc sống. Làm cha mẹ không được quyền bỏ con cái của mình cho người khác nuôi. Trên cuộc đời này đau thương nhiều lắm, đừng gây thêm những đau thương nữa. Hỡi các bà mẹ trẻ! Đừng nạo thai, móc bỏ thai nhi tội lắm! Các thai nhi có tội tình gì mà phải chịu chết một cách oan uổng từ trong trứng nước. Một em bé ra đời, nó có quyền sống như mọi người, không ai có quyền ném bỏ các em, hãy yêu thương che chỡ và đùm bọc các em, hãy nuôi dưỡng các em như chính nuôi dưỡng thân mình.
Ai gây ra tội lỗi, chứ các em có làm tội lỗi gì đâu? Mà xã hội xua đuổi các em? Các em có biết gì đâu? Có làm nên tội gì đâu trong hiện kiếp này? Hỡi các bà mẹ trẻ! Sao lại nỡ tâm đem ném bỏ các em bên bờ ao, bờ sông, dòng suối hoặc trong thùng rác, tiếng kêu khóc của các em thật là thảm thiết. Danh dự mà chi, quyền lợi để làm gì đây? Hỡi các bà mẹ trẻ! Khi sinh con ra không có danh dự nào bằng danh dự đạo đức hiếu sinh trách nhiện và bổn phận làm mẹ là phải yêu thương nuôi dưỡng các em, không có ai có quyền ném bỏ các em. Phải không quý vị?
3- “Đầu tháng 8 – 2005 Ông B quay về quê và tạm trú tại nhà anh ruột duy nhất là Nguyễn Văn M. Nguyễn Văn M cũng có vợ và một con trai. Nhưng với bản tính hung bạo, thường “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” nên bà S (vợ ông M) cùng đứa con trai đã ra ở riêng”. Câu này dạy VÔ ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN, KHẨU, Ý HÀNH.
Người hung dữ là người sống vô đạo đức hiếu sinh, họ chẳng biết thương ai. Chính ngay bản thân của họ, họ còn không thương. Người hung dữ là người luôn làm khổ thân họ nhiều nhất, nhưng họ làm khổ họ là họ đã làm khổ mọi người. Họ là người vô minh, là người ngu si không trí tuệ chỉ biết hung dữ do lòng tham lam điều khiển, cho nên họ mất hết tính người, họ là một tên nô lệ luôn luôn làm theo nghiệp lực của nhân quả ác, nên tạo ra vô vàn sự đau khổ, cho mình, cho người.
Như ông M giết người em ruột thịt của mình để giành đất hương quả, khiến cho hai đứa trẻ mồ côi mẹ, bây giờ lại mồ côi cha, thật là tội nghiệp vô cùng. Cha mẹ không còn nương tựa với dì biết có bằng tình thương yêu của mẹ không? Ai có mồ côi cha lẫn mẹ mới thấy sự đau khổ này; mới cảm thông với các em mồ côi cha lẫn mẹ; mới thấy tình yêu thương của cha mẹ là quan trọng nhất. Ông M hung dữ, ngay cả vợ con ông còn không ở với ông được thì còn ai sống với ông n ổi. Cho nên ông B về ở chung với ông anh hung dữ mà không cảnh giác, cho nên ông B phải chịu chết một cách oan uổng và đau thương.
Trong đời sống hằng ngày, nếu chúng ta sống gần với những người hung dữ thì nay không có chuyện này thì mai sẽ xảy ra chuyện khác, mà có chuyện xảy ra là có sự đau khổ, vì vậy chúng ta nên tránh xa họ. Tránh xa họ là để họ không làm khổ chúng ta, nhờ đó chúng ta không trở thành đối tượng của họ, vì thế cuộc sống mới được an vui.
Xưa bà Mạnh mẫu vì muốn giáo dục con mình để trở thành người lương thiện, người có đạo đức, nên nhiều lần bà thay đổi chỗ ở, nhờ đó đất nước Trung Hoa mới có ngài Mạnh Tử, một người Hiền mà đất nước này thường nhắc đến như một bậc Thánh.
Tránh xa người hung dữ là một điều phòng ngừa tốt cho cuộc sống được bình an; Tránh xa người hung dữ là để gạn lọc tâm tư của mình cho thật sạch tâm tham, sân, si, mạn, nghi. Người trí tuệ bao giờ cũng thấy điều này, vì thế, tránh xa người hung dữ là thượng sách.
4- “Chỉ còn ông M sống một mình trong ngôi nhà của cha mẹ để lại, hàng ngày kiếm sống bằng nghề chài lưới trên sông”. Câu này dạy NGHỀ NGHIỆP THIẾU ĐẠO ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Ông M tính tình đã hung dữ lại thêm làm nghề chài lưới cá tôm trên sông, đó là làm một nghề ác giết hại chúng sinh. Làm nghề như vậy làm sao không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh. Vì thế ông trở thành người hung ác bậc nhất là đúng. Khi cầm rựa chém người em ruột của mình cho đến chết mà không chút lòng thương xót thì thật là một con người mất nhân tính.
Đối với chúng ta là những người tu theo Phật giáo lấy đức hiếu sinh làm sự sống cho mình. Vì thế gặp ai hung dữ thì nên tránh xa. Tránh xa chính vì biết mình chưa đủ năng lực thiện pháp để chuyển hóa hay nhiếp phục ác pháp nơi những người đó; tránh xa không phải chúng ta hèn nhát sợ hãi không dám đương đầu với họ; tránh xa là điều cần thiết tốt nhất. Vì chúng ta là những người sống ngăn ác, diệt ác pháp trong tâm, chứ không phải ngăn ác diệt ác pháp bên ngoài, nên cần tránh xa là điều tốt nhất trên bước đường tu hành theo Phật giáo. Nhất là chúng ta đang thực hiện đức hiếu sinh. Chúng ta biết rằng: Chúng ta tránh xa họ là gì chúng ta không đủ sức cảm hóa được họ được, nhưng lòng chúng ta luôn luôn thương yêu họ chứ không phải thấy họ hung dữ, ác hại; tránh xa họ không phải là vì ghét họ. Người đệ tử Phật chỉ biết có thương yêu, chớ không có quyền ghét ai hết. Người đệ tử Phật nói ghét người khác là không phải người đệ tử của Phật. Chúng ta tránh xa họ vì chúng ta không cảm hóa chuyển đổi họ thành người lương thiện. Không cảm hoá được họ thì nên tránh xa như đức Phật đã dạy:
“Những gì cần phải tránh xa thì nên tránh xa”.
Tránh xa người hung dữ cũng là một pháp môn tu tập trong Phật giáo, chứ không phải tránh xa là trốn tránh như trốn tù tội, như hèn nhát sợ hãi.
Tránh xa có nghĩa đối với những người này không nên qua lại chơi thân với họ, giao tiếp, nhưng khi giao tiếp thì phải luôn luôn dè dặt cẩn thận từng lời nói, từng hành động đừng để va chạm đến họ, đừng xem thường họ, đừng khi chê họ, nhưng đừng thân thích với họ như trên đã nói.
5- “Theo như lời khai nhận của Nguyễn Văn M. Trước cơ quan Công An, thì sau khi về quê ông B, đến ở chung với M và hai lần có đề cập đến chuyện dựng nhà trên mảnh đất hương quả, nhưng ông M không đồng ý”. Câu này dạy THIẾU ĐỨC LY THAM HIẾU SINH KHẨU HÀNH Ý HÀNH.
Ông M rất tham lam, đất hương quả là đất của cha mẹ, là đất của chung, thế mà ông muốn giành cho riêng mình. Cho nên khi người em tức là ông B xin anh chia ra cho chút ít để cất nhà ở thì tai họa đến mà không lường trước được.
Lòng tham của con người không đáy, cho nên không biết bao nhiêu của cải tài sản tiền bạc lắp đầy lòng tham. Chính trong xã hội loài người trộm cắp, cướp giựt giết người đều do chính lòng tham mà ra. ông M giết ông B cũng chính lòng tham quá lớn.
Lòng tham ghê gớm lắm! Vì thế, người tu hành lúc nào cũng cảnh giác thường quan sát tâm mình, khi thấy nó mống khởi lòng tham lam dù bất cứ nó tham lam một việc nhỏ nhặt nào chúng ta cũng đều phải phát hiện để ngăn chặn và nhất định phải diệt trừ lòng tham. Muốn diệt trừ lòng tham thì chỉ có đức ly tham, đức ly tham là một đức hạnh tuyệt vời, nó giúp chúng ta không còn tham ăn, tham ngủ, tham tiền, tham bạc, tham danh, tham lợi, tham sắc v.v…Nó giúp chúng ta không trở thành người hung ác.
Chúng ta là đệ tử của Phật, chúng ta phải làm sao để dứt trừ tâm tham, sân, si, mạn, nghi. Đó là những tâm ác độc khiến chúng ta trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, chịu biết bao nhiêu sự khổ đau từ kiếp này sang kiếp khác. Vì thế, chúng ta phải sáng suốt đừng để tâm tham đắm mà giặc sinh tử luân hồi sẽ cướp mạng sống của chúng ta, mà chính tâm tham đắm biến chúng ta trở thành người hung ác. Những người nô lệ cho giặc nhân quả luân hồi.
6- “Chừng 7 giờ tối ngày 13- 9- 2005 hai anh em họ lại có cuộc tranh luận, rồi dẫn đến cãi vã gay gắt cũng lại về chuyện đất đai. Không kiềm chế được bản thân, ông M chạy ra ngoài lấy chiếc rựa sắt, quay vào nhà chém ông B lúc đó đang ngồi quay lưng ra cửa cho đến chết”. Câu này dạy THIẾU ĐỨC LY THAM KHÔNG KIỀM CHẾ HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Cho nên lòng tham không đáy làm cho ông M mờ mắt người, mờ lương tri, làm cho đức hiếu sinh biến mất và đức ly tham không còn, nên ông M mới nỡ nhẫn tâm chém người em cho đến chết.
Ghê gớm thật, cầm cái rựa mà chém đến chết người thì thật là hãi hùng, không biết làm sao mà họ làm được. Nhưng tại sao ông B không cảnh giác, khi thấy anh mình vác rựa thì chạy trước đi có phải hơn không? Ngồi lại chống cự là một cách dại dột ngu si, con người làm ra của cải, chứ đâu phải của cải làm ra con người, thế mà người em ngồi lại đó chống cự để giành nhau chia miếng đất hương quả, cho nên tai họa mới xảy đến. Đó là ông B cũng vì lòng tham, chứ nếu không có lòng tham khi thấy ý người anh không bằng lòng chia đất hương quả liền bỏ đi nơi khác làm ăn thì có đâu cái chết oan uổng xảy ra như thế này.
Lòng tham của con người ghê thật biến con người trở thành những tên sát thủ hung ác. Bởi vậy con người cần phải học đạo đức, vì chính đạo đức mới đem lại cho loài người lòng thương yêu, lòng tha thứ; chính đạo đức mới đem lại đức ly tham khiến con người không còn tham đắm những vật chất thế gian, khiến con người mới trở thành thánh hiền, khiến con người mới đem lại sự bình an cho con người. Chính nhờ đạo đức mà con người mới biến cuộc sống trên hành tinh này trở thành cõi Cực Lạc , Thiên Đàng.
Đức kiềm chế hiếu sinh là một đức hạnh dùng để ngăn và diệt các ác pháp. Cho nên người nào kiềm chế được tâm hung ác của mình là tránh đi những việc làm khổ đau sẽ mang lại cho mình, cho người.
Tóm lại đức kiềm chế hiếu sinh thân hành là một đức hạnh rất cần thiết trong giai đoạn người mới học đạo đức hiếu sinh và đức ly tham trong NGŨ GIỚI.
7- “Ngay đêm đó Nguyễn Văn M, dùng dây buộc nạn nhân kéo ra sông cách nhà 40m. Sau đó dùng ghe chở qua bên kia sông Gò Bồi để phi tang. Nguyễn Văn M nghĩ rằng thủy triều lên để kéo xác nạn nhân ra biển. Sự mất tích của Nguyễn Văn B cũng chẳng có gì quan trọng, bởi trước đây 12 năm B cũng từng bỏ đi, chắc sẽ chẳng có ai thắc mắc gì ?”. Câu này dạy MẤT NHÂN TÍNH THIẾU ĐỨC HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Sau khi giết chết người em, người anh mất nhân tính lại nhẫn tâm thật đáng trách, đó là dùng dây cột xác người em lôi đi 40m như lôi một con chó. Người ta nuôi chó mèo khi chết người ta còn không lôi như vậy mà còn khiên đi chôn cất tử tế với lòng yêu thương trìu mến.
Hình ảnh cột xác người em lôi đi như lôi xác một con thú, thật là xót dạ vô cùng.
Đức hiếu sinh của con người ở đâu, hỡi loài người? Ông B là người em ruột thịt của ông M, vậy mà khi ông giết chết lại không được ông cho nguời em một chiếc chiếu rách để gói xác thân cuối cùng hay sao? Ông M đã mất hết nhân tính.
Khi lòng tham ngự trị trong tâm thì tình nghĩa cha con, anh em ruột thịt như không còn nữa, chỉ còn có biết đất đai, ruộng vườn, tiền bạc, của cải là trên hết.
Nếu lòng tham ngự trị trong tâm, thì có ai xâm chiếm đến của cải, tài sản của mình thì lòng tham trỗi dậy ngay liền, biến ra ngôn ngữ cãi cọ, chửi mắng nhau kịch liệt; biến ra thành hành động đánh nhau và có thể giết nhau mà lúc bây giờ không hề sợ pháp luật và tù tội. Lòng tham không đáy biến anh em chị em cha mẹ trở thành những người thù oán, vì thế có thể giết nhau mà không chút lòng thương xót.
Lòng tham lam ghê gớm thật nó thường mang đến tai họa cho mình, cho người. Vì vậy chúng ta phải thường xuyên nhắc nhở tâm mình, lúc nào cũng sống với đức ly tham, muốn sống với đức ly tham thì phải tận tâm tận lực dùng đức hiếu sinh để quét sạch lòng tham lam, ham muốn của mình.
Nếu mọi người đã học đức ly tham thì hằng ngày phải cố gắng sống với đức ly tham, đừng bao giờ xa lìa nó, vì xa lìa đức ly tham thì muôn ngàn sự đau khổ sẽ đến với chúng ta ngay liền.
Một hình ảnh người anh ruột thịt, vì tranh nhau miếng đất hương quả mà nỡ tâm giết chết người em rồi lôi đi và ném bỏ ngoài sông Gò Bồi chẳng chút lòng yêu thương, thật là ghê gớm, lòng tham lam hung dữ của con người thật là ác độc.
8- “Khoảng 5 giờ chiều ngày 16 -9- 2005 một chiếc vỏ lãi chở đám cưới trên sông Gò Bồi thuộc địa phận huyện Tuy Phước đã phát hiện một xác chết nổi lềnh bềnh trên sông và trôi dạt vào bờ, nên nhờ dân địa phương báo tin cho Công An kịp thời có mặt tại hiện trường, tổ chức vớt xác lên bờ. Tử thi là một người đàn ông, ngoài 40 tuổi chết trước đó khoảng 3-4 ngày. Trên thi thể có 12 vết thương, trong đó có vùng đầu 5 nhát.
Nhận định đây có khả năng là vụ giết người nhằm phi tang chứng, nên cơ quan điều tra đã kết hợp cùng các cơ quan có chức năng nhanh chống làm rõ vụ việc”. Câu này dạy NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO, NHÂN GIẾT NGưỜI QUẢ TÙ TỘI TỬ HÌNH. Ông M giết người không thể nào tránh khỏi nhân quả nghiệp báo, cho nên người ta phát hiện ra tử thi, thay vì thủy triều lên lôi xác ông B sẽ theo dòng nước cuốn ra biển như ông M dự định trong trí. Nhưng trái lại xác ông B không trôi ra biển mà lại trôi loanh quanh trong khúc sông Gò Bồi đó. Nhờ vậy nhân dân phát giác thi người chết, công an nhập cuộc truy quét những tội phạm.
Báo chí thường đăng tin tức những vụ giết người cướp của đôi khi phi tang còn chặt ra từng khúc đem bỏ chỗ này một khúc, chỗ kia một khúc để đánh lạc hướng điều tra của cơ quan an ninh. Nhưng những hành động hung ác giết người không bao giờ trốn khỏi dù bỏ xứ đi nơi nầy nơi khác, nhưng cuối cùng Công an vẫn tìm ra thủ phạm. Luật nhân quả không thể tránh khỏi, nhân giết người thì quả phải bị tù tội và án phải thọ tử hình.
Ông M tội giết người đã nặng mà tội giết em ruột của mình còn nặng hơn, cho nên đạo đức hiếu sinh và đạo đức ly tham cần phải được giáo dục cho mọi người ngay trong lúc này, nhờ mọi người có hiểu biết đạo đức và pháp luật thì mới mong chặn đứng những bàn tay hung ác đẩm máu; để chặn đứng những con người hung dữ chỉ biết của cải tài sản, chẳng biết thương mình thương người.
Trước cảnh hằng ngày xảy ra biết bao nhiêu người bị trộm cắp cướp của giết người, chết một cách thật oan uổng, mà chúng ta không cách nào ngăn chặn được sao? Dường như những người dân họ không sợ pháp luật, trước mắt họ đều nghe thấy biết có pháp luật, có trại giam, có tòa án, nhưng khi lòng tham lam trỗi dậy họ chẳng sợi gì cả. Những tội lỗi xảy ra như vậy, xét lại họ là những người đáng thương hơn là đáng ghét, vì họ không hiểu biết đạo đức nhân bản - nhân quả; họ đâu hiểu biết đức hiếu sinh và đức ly tham nên tình trạng cướp của giết người thường xảy ra, những vụ án mạng mang đến con người chết một cách xót xa và thương đau vô cùng. Mọi người ai cũng có ý thức, phải thấy trách nhiệm trước những cái chết bi thảm ấy. Những người có khả năng chúng ta phân công đồng tâm hợp lực để biên soạn sách đạo đức nhân bản – nhân quả để giáo dục từng hành động, từng ngôn ngữ lời ăn tiếng nói, từng sự suy nghĩ như thế nào đúng và như thế nào sai để mọi người không còn vì của cải tài sản mà giết hại lẫn nhau chết một cách thảm thương.
9- “Bước đầu cơ quan điều tra nhận định nguyên nhân vụ án là vì mâu thuẫn cá nhân gay gắt, không loại trừ khả năng giết người cướp tài sản. Giữa nạn nhân và hung thủ có thể có mối quan hệ thân thiết. Cũng trong ngày hôm đó, hàng trăm người dân đứng chật trên dòng sông Gò Bồi bàn tán xôn xao. Tin đồn thất thiệt cũng được lan ra khắp nơi. Nhưng tựu trung lại vẫn là nỗi xót xa cho người đàn ông đáng thương là sự căm phẩn về hành vi phi nhân tính của hung thủ”. Câu này dạy ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH.
Đứng trước cái chết do trộm cắp cướp của giết người ai mà không căm phẩn trước những hành vi phi nhân tính của hung thủ. Nhờ đó người dân họ sẽ cung cấp những điều cần thiết cho cơ quan Công an để tiến hành vụ điều tra, làm sáng tỏ vụ án mạng lôi ra ánh sáng.
Ông M cũng không sao tránh khỏi, khi cơ quan an ninh bắt tay vào thì việc gì cũng làm sáng tỏ, nhưng dù sao muốn truy ra được một tội phạm cũng phải vất vả gian nan chứ không phải dễ dàng, nhiều khi các anh Công an phải đương đầu với những hung thủ một mất một còn, cho nên có nhiều người Công an phải hy sinh vì nhân dân, vì nước để giữ gìn trật tự an ninh, thật đáng ca ngợi đức hy sinh cao cả ấy của những người thi hành giữ gìn an ninh.
Một hình ảnh đau thương khi các anh Công an hy sinh để lại một vợ hai con đứng trước áo quan của các anh, làm sao ai không xúc động đau thương. Đọc tin tức hy sinh của các anh Công an và hình ảnh đăng trên báo chí khiến cho chúng tôi không cầm giữ được những giọt nước mắt thương đau. Do đâu mà ra những nỗi thương đau như thế này. Chính lòng tham lam là thủ phạm, vậy muốn triệt tiêu lòng tham lam thì chỉ có đức hiếu sinh và đức ly tham.
Chúng tôi ước mong sao Nhà nước sớm thực hiện chương trình giáo dục đào tạo nhân dân học đạo đức nhân bản - nhân quả, không làm khổ mình, khổ người để sớm chấm dứt nạn cờ gian, bạc lận, cá cược, cướp giựt, hiếp dâm, mãi dâm, rượu chè, xì ke, ma túy v.v…, nói chung là tất cả tệ nạn xã hội. Nhưng hiện nay tin tức báo chí cho biết tệ nạn ngày không thấy giảm mà còn gia tăng nhiều hơn nữa.
10- “Công An huyện Tuy Phước phối hợp cùng các địa bàn lân cận rà sát kỹ xem có trường hợp nào bị mất tích không, đồng thời chỉ đạo phòng nghiệp vụ khẩn trương truy tìm tung tích nạn nhân, bởi đó là mấu chốt để tìm ra đầu mối vụ án. Do tử thi hoại tử và biến dạng nên việc nhận diện không thể tiến hành được, chỉ biết rằng trên xác chết có một số vết xăm rất lạ mắt. Tuy nhiên, đó lại chính là manh mối để tìm ra tung tích nạn nhân”. Câu này dạy ĐỨC NGHIỆP VỤ HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Nghiệp vụ ngành Công an là phải truy quét những tội phạm, những tệ nạn xã hội, nó đã gây rối loạn, làm mất trật tự an ninh và thường xảy những án mạng.
Một án mạng xảy ra biết bao nhiêu công sức của ngành Công an mới lôi ra được ánh sáng. Như vậy chúng ta thấy các anh Công an phải đem hết sức mình ra làm việc , theo dõi từng dấu vết nơi xảy ra án mạng, có nhiều án mạng tưởng chừng như không thể tìm ra manh mối. Như bài báo trên đây, nếu trên thân ông B không có những vết xăm thì làm sao biết được ông B, mà không biết được ông B thì không thể nào tìm ra hung thủ.
Đó chúng ta thấy truy tìm thủ phạm không phải là một chuyện dễ, đòi hỏi trí óc làm việc của người công an rất nhiều.
Một lần nữa chúng tôi kêu gọi mọi người hãy đi học đạo đức nhân bản – nhân quả và chính ngành Công an phải trực tiếp giúp đỡ cho những nhà giáo dục để đạo đức nhân bản - nhân quả này được triển khai và đi sâu rộng vào từng lớp nhân dân trong cả nước, thì chúng tôi tin rằng những tệ nạn xã hội sẽ chấm dứt ngay liền , và ngành Công an các anh cũng đỡ vất vả hơn nhiều.
11- Khi biết được tin này, ông Nguyễn Văn C. (47 tuổi) ở Phước Hoà đã đến gặp trực tiếp trinh sát, ông nói rằng: Nếu nơi ngực nạn nhân có xăm hình 3 ngọn núi và đùi bên trái có xăm hình cổ quan tài có 3 ngọn nến và hai câu thơ .. thì đó chính là Nguyễn Văn B, bạn ông trước kia, ông B có nhờ ông xăm những hình trên để làm kỷ niệm, như vậy xác chết trên được khẳng định là của ông Nguyễn Văn B”. Câu này dạy DẤU VẾT ĐI TÌM TỘI PHẠM THUỘC VỀ ĐẠO ĐỨC NHÂN QUẢ.
Qui luật nhân quả rất tuyệt vời, trong mọi án mạng dù thủ phạm có khéo léo che đậy tội ác của mình đến đâu để tránh tội như thế nào, nhưng cũng không thể tránh khỏi những sơ sót bỏ lại những vết tích phạm pháp, tuy rất nhỏ như: Cọng rau muống đã ăn, như những sợi tóc, như những vết xăm mình, như mùi nước hoa v.v… Nhờ đó mà những kẻ hung ác giết người sẽ không thoát khỏi lưới pháp luật, và pháp luật sẽ dành riêng cho họ những bản án chung thân hay tử hình thật là đúng người đúng tội.
Bởi vậy, những người hung ác giết người đừng xem thường luật nhân quả; đừng cho rằng trên đời này mọi việc xảy ra đều do sự ngẫu nhiên, không có đâu quý vị ạ!
Một hành động ác, một lời nói ác quý vị đừng tưởng nó bay mất, nó không bay mất đâu quý vị ạ! Nó đang theo quý vị từng giây, từng phút như hình với bóng. Nó đang chờ quý vị khi duyên phước báu hết là nó xử phạt quý vị ngay liền. Một hành động ác mà quý vị đã làm cho người khác khổ đau thì quý vị phải trả gắp 10 lần. Quý vị có thấy một cây cam hay cây mít không? Có bao giờ chúng cho một trái hay cho nhiều trái? Quý vị cứ lấy đó mà suy ra thì sẽ biết? Một trái đu đủ hay một trái mít có bao giờ có một hạt không? Cho nên, luật nhân quả vay 1 trả 10, trả trăm lần quý vị có biết không?
12- Sau khi xác nhận được tung tích nạn nhân, cơ quan điều tra tiến hành rà sát các mối quan hệ mâu thuẫn cá nhân và nhận định, có khả năng đây là vụ án có liên quan đến tình cảm gia đình. Và hung thủ sa lưới”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO.
Công an đã rà sát biết ngay thủ phạm là ông M, người anh ruột của ông Nguyễn Văn B. Bây giờ ông M đi ở tù, vay một trả 10, chắc ông M bị tòa kêu nặng nhất về tội giết người, mà lại giết em ruột của mình. Ông M không thể nào thoát khỏi án tử hình.
Đây, quý vị xét thấy ông M giết em mình thì phải đền tội tử hình, và như vậy miếng đất hương quả ông có mang theo được đâu, thế mà tranh giành làm gì để đi đến một hậu quả vô cùng đau đớn:
1- Tù tội
2- Tử hình
3- Vợ đau khổ vì mất chồng
4- Mang tiếng đời là người hung dữ.
5- Con đau khổ vì mất cha.
6- Hai đứa cháu đã mồ côi mẹ nay lại mồ côi cha có đau lòng không?.
7- Nỗi đau khổ của vợ con suốt đời có chồng, người cha giết người.
8- Hai cháu khổ đau suốt đời không có tình thương cha lẫn mẹ
9- Gia đình vợ hay con cái đau ốm lấy ai chăm sóc dạy dỗ.
10- Suốt đời ôm hận làm sao giải tỏa.
Hãy buông xả cơn sân xuống bằng con đường đạo đức ly tham thì mới mong có được sự bình an yên ổn và an vui, nếu không buông xả thì cuộc đời không bao giờ có được phút bình an.
Ông M sau khi giết người em xong hằng ngày đâu phải ông sống an ổn được sao? Lúc nào cũng lo sợ Công an và mọi người phát giác ra mình thì liệu ăn nói ra làm sao với mọi người, rồi tù tội rồi án tử hình, rồi vợ con ra làm sao đây? Rồi của cải tài sản, rồi ngôi nhà và khu đất hương quả ai ăn? Bao nhiêu sự suy tư làm cho kẻ giết người sống bất an.
Quý vị có thấy khi giết người cướp của thì luôn luôn ở trong tâm sợ hãi, bất cứ thấy bóng dáng ai đều tưởng chừng như họ đã biết mình giết người. Ban đêm ngủ thường nằm mơ thấy người bị giết khóc than và dùng sức lực bóp cổ mình. Mộng mỵ như vậy khiến người giết người quá sợ hãi nên thức giấc không dám ngủ lại, đêm nào cũng nằm mơ toàn là những cơn ác mộng.
Khi giết người hình ảnh kẻ bị giết dường như cứ theo sát một bên nhìn đâu cũng thấy máu và những vết chém, hình ảnh người chết luôn luôn ám ảnh họ như vậy. Cho nên người giết người đâu có hạnh phúc gì? Đâu có sự an vui gì? Đâu có sự sống an ổn được, Phải không quý vị? Khi giết người lúc nào cũng sợ Công an, hể thấy chính quyền đi đâu hay đến nhà đều lo lắng và sợ hãi. Ban đêm nghe tiếng xột xoạt tưởng chừng như ai theo dõi mình, như đang thấy những hành động hung dữ, ác độc giết người của mình.
Khi giết người tâm hồn rất sợ mọi người, cho nên thường bộc lộ lối sống khác thường như: Không muốn tiếp ai, thường đóng cửa im lìm, làm giống như đi đâu v.v… Cách thức sống có nhiều sự thay đổi như vậy đó cách thức sống trong đau khổ. Nhờ thay đổi sự sống như vậy khiến người chuyên nghiệp truy tìm thủ phạm dễ phát hiện. Vì thế tội giết người sớm muộn gì Công an cũng truy tìm đưa tội phạm ra ánh sáng.
13- “Trong đám tang ông B, thân nhân hàng xóm đều tỏ vẻ thương xót, duy chỉ có một người vẫn ráo nước mắt và luôn có nhiều biểu hiện bất thường, đó là ông Nguyễn Văn M là anh ruột nạn nhân được biết nơi phát hiện xác nạn nhân chỉ cách nhà ông M chừng 100 mét, nhưng ông ta vẫn dững dưng, bàng quan như không có chuyện gì xảy ra. Thời gian trước và sau khi phát hiện xác ông B ”. Câu này dạy THIẾU ĐỨC HIẾU SINH Ý HÀNH.
Trong đám tang mọi người đi dự đám ai nấy cũng đều tỏ ra thương xót, chỉ có người anh ruột, ông M thì dững dưng như người bang quan không liên can gì cả.
Như vậy rõ ràng lòng tham đã đánh mất tình thương yêu của con người; lòng tham lam của con người đã biến ông M thành người thù hận đứa em của mình. Ôm hận trong lòng giết chết đứa em ruột của mình mà lòng còn chưa nguôi cơn giận hờn. Ông B này có lẽ cũng không phải là con người hiền lương, dám bỏ con đi biền biệt như vậy cũng không phải là tay vừa. Cho nên mới trở về với mục đích đòi chia đất hương quả, khiến ông M căm tức. Vì bấy lâu nay ai chăm giữ mới còn được như vậy, bây giờ mới về mà đòi chia đất thật là thằng em tham lam chẳng ra gì.
Ông M không giả vời để đánh lạc hướng điều tra của công an như những kẻ giết người khác. Lòng căm tức của ông để lộ ra rất rõ ràng: “Dững dưng, bàng quan” Từ lòng tham chuyển thành lòng sân hận biến ông M trở thành người hung dữ giết người. Thấy gương hung ác này chúng ta hãy soi lại mình để nỗ lực sống với đức ly tham thì cuộc đời mới thanh thản, an lạc và vô sự; thì cuộc đời mới có được sự bình an yên ổn.
Đúng vậy, của cải tài sản vàng bạc ruộng vườn là rắn độc nó sẽ giết chết mọi người và giết chết cả dòng họ anh em ruột thịt nữa. Người có trí hiểu biết họ đều buông xuống sạch. Hình ảnh của đức Phật ngày xưa, Ngài buông bỏ ngai vàng của báu, vợ đẹp con xinh không hề tiếc rẻ một chút xíu nào cả, vì Ngài biết nó là rắn độc. Ngài buông xuống như ném bỏ đôi giày rách . Ngài đã hiểu cung vàng điện ngọc vợ đẹp con xinh là rắn độc. Lịch sử đã chứng minh điều này: Biết bao nhiêu triều đại anh em tranh giành ngôi báu mà giết hại lẫn nhau không gớm tay… Gương hạnh đức Phật buông xả rất tuyệt vời, thế gian này ít ai làm được. Từ một hoàng tử sắp lên làm vua mà Ngài từ bỏ hết để trở thành người ăn xin nuôi thân sống qua ngày. Bởi vậy từ kinh nghiệm bản thân nên Ngài dạy chúng ta đức ly tham. Ai sống với đức ly tham thì cuộc đời sẽ được bình an yên ổn .
14- “Nguyễn Văn M đã án binh bất động trong nhà, cửa nẻo luôn được khóa chặt. Chính vì thế Nguyễn Văn M là đối tượng có nhiều nghi vấn liên quan đến vụ án dã man trên”. Câu này dạy NGHIỆP BÁO NHÂN QUẢ THÂN HÀNH.
Luật nhân quả là một đạo luật rất công minh. Ai làm điều ác dù cố ý che dấu như thế nào thì cũng không sao che đấu được, càng che dấu lại càng có những hành động bộc lộ tội ác của mình, khiến cho mọi người nhìn vào là biết ngay kẻ gây ra án mạng.
Hành động của ông M án binh bất động trong nhà, cửa nẻo luôn khóa chặt, đó là một hành động tố cáo ông M là thủ phạm, người gây ra án mạng.
Luật nhân quả là luật của tòa án lương tâm của mỗi người, cho nên tự nó làm ra những hành động để tố cáo tội ác, để mọi người phát giác ra kẻ giết người dễ dàng. Nhờ đó nhân nào phải trả quả nấy, sớm muộn gì kẻ làm ác cũng sa lưới pháp luật.
Đúng là đạo Phật ra đời đã vạch cho chúng ta thấy rất rõ qui luật của nhân quả, nó không hề bỏ sót một lỗi lầm nào, dù lỗi lầm đó rất nhỏ nhặt. Cho nên những kẻ làm ác luôn luôn thọ quả khổ đau, mặc dù luật pháp thế gian chưa bắt tội, nhưng không ai trốn thoát luật nhân quả này được, nó luôn luôn xử tội mọi người khi mọi người đang làm những điều ác. Mọi người đang bị luật nhân quả xử phạt những có mấy ai thấy biết được đâu.
Ví dụ: Kẻ giết người thì luật pháp thế gian sẽ kêu án tù chung thân hay tử hình, còn kẻ giết một con bò hay một con chó hoặc giết một con cá thì luật pháp thế gian không bắt tội lỗi gì cả, nhưng luật nhân quả không tha thứ cho một ai . Người giết một con cá tội cũng bằng giết một người đối với luật nhân quả là vậy. Giết một con cá thì nghiệp tái sinh sẽ là con cá. Con cá sẽ bị người khác giết lại như khi mình đã giết con cá vậy.
Cho nên luật nhân quả xử phạt công minh, hễ kẻ nào tham lam thì nghèo khó thiếu trước hụt sau, hoặc những tai họa khiến cho tiền bạc tham lam trộm cướp tiêu ra như mây khói. Còn kẻ nào giết loài vật ăn thịt thì cơ thể bệnh đau, nay bệnh này mai bệnh khác, còn giết người thì có pháp luật Nhà nước trừng trị tù tội hay tử hình. Cho nên những kẻ làm ác thì luôn luôn phải chịu quả khổ đau mà người đời không biết gọi là luật trời.
15- “Sau khi tổng hợp nhiều nguồn tin và tài liệu, cơ quan điều tra khẳng định: Nguyễn Văn M chính là hung thủ đã giết ông Nguyễn Văn B. Tuy nhiên, quá trình bắt giữ tiến hành rất khó khăn, bởi Nguyễn Văn M đã tử thủ trong nhà và luôn cầm thuổng nhọn để hăm dọa lực lượng làm nhiệm vụ. Nhưng bằng mưu trí và các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng trinh xác đã khống chế được Nguyễn Văn M khám xét nhà M, cơ quan Công An thu giữ được số hung khí và tang vật liên quan đến vụ án. Qua đấu tranh khai thác, bước đầu Nguyễn Văn M đã khai nhận hành vi giết em ruột mình”. Câu này dạy THIẾU ĐỨC THÔNG MINH HIẾU SINH Ý HÀNH.
Đứng trước một lực lượng Công an đã điều tra vụ án ra sự thật, mà ông M dám tử thủ, chống đối pháp luật thì thật là một người không trí tuệ, kém trí thông minh, lấy trứng chọi đá thì quá ngu si . Chúng ta đọc lại đoạn này: “Bởi Nguyễn Văn M đã tử thủ trong nhà và luôn cầm thuổng nhọn để hăm dọa lực lượng làm nhiệm vụ”. Đó thật là người vô minh không chỗ nói. Người có tội biết ra đầu thú nói rõ tội mình thì tội còn nhẹ, còn được ân giảm.
Một người đã lỡ gây ra tội ác giết người thì nên ra đầu thú tại cơ quan an ninh để khai rõ những điều mình làm sai. Trong cuộc đời có lúc vì quá tức giận, không còn trí sáng suốt, gây ra tội ác thì nên đến cơ quan an ninh, khai báo rõ ràng, để cơ quan quan này khỏi phải cực nhọc vất vả điều tra. Hành động như vậy cũng là hành động đạo đức biết ăn năng hối cải, ngược lại tránh né trốn chạy và chống lại người thi hành pháp luật.
Đó là tạo thêm tội lỗi nữa.
Ông Nguyễn văn M đã không ra đầu thú mà còn tử thủ chống lại người thi hành pháp luật. Tội giết người là tội rất nặng mà tội chống lại pháp luật còn nặng hơn. Tại sao vậy? Pháp luật là khuôn phép giữ gìn cương thường đạo đức con người để xã hội có trật tự an ninh. Người chống lại pháp luật là người chống lại đạo đức .
Ví dụ: Người không chấp hành luật lệ giao thông là người chống lại đạo đức giao thông. Người có đạo đức giao thông là người chấp hành luật lệ giao thông nghiêm chỉnh.
Cá nhân ông M bé nhỏ như hạt bụi mà chống lại cơn bão tố thì chỉ là một người liều mạng, một người ngu si, không biết lượng sức mình, tạo thêm tội lỗi nữa. Khi tòa kêu án thì bảng án của họ phải ghi rõ hai tội: Tội giết người và tội chống lại pháp luật Nhà nước.
Dù như thế nào, tội ông M rất nặng, đó là tội giết người, nhưng lại nặng hơn là tội giết em ruột của mình.
Những tội lỗi trên đây mà con người phạm phải đều do nguyên nhân là lòng tham lam của con người.
Nguyên nhân lòng tham lam này là gốc từ vô minh. Vô minh là không hiểu biết, thường lầm chấp cho rằng các pháp là thường hằng, bất biến, là của mình, là mình, là bản ngã của mình. Sự hiểu biết lầm chấp sai lệnh như vậy mới sinh ra bảo thủ trộm cắp cướp của giết người.
Sự hiểu biết sai lầm là các pháp có thật, nên từ đó lòng tham lam các pháp mới có.
Họ đâu biết rằng: Các pháp đều do các duyên hợp tạo thành. Cho nên các pháp thường xảy ra bốn trạng thái liên tục, nếu chúng ta lưu ý thì thấy rất rõ: “Thành, hoại, diệt, không”. Một người đã hiểu rõ các pháp vô thường không có pháp nào là ta, là của ta, là bản ngã của ta thì buông xả rất dễ dàng và sống đời đạo đức không mấy khó khăn. Nếu ai cũng thấu hiểu được như vậy thì thế gian này đâu còn đau khổ nữa ; đâu còn có những người tạo nên tội trộm cắp cướp giựt của cải giết người nữa.
16- “Mặc dù đã che đấu hành vi phạm tội một cách tinh vi nhưng tội ác dã man cuối cùng cũng đã bị lôi ra ánh sáng. Hành vi phạm tội của ông M đặc biệt nghiêm trọng, không còn tính người, ra tay giết hại đứa em ruột máu mủ của mình, chỉ vì lợi ích cá nhân. Mới đây Nguyễn Văn M đã phải ra trước vành móng ngựa để lãnh bản án nghiêm khắc cho những hành động của mình”. Câu này dạy ĐẠO ĐỨC NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO.
“Ác lai ác báo” làm ác phải đền tội ác, giết người phải lãnh án tử hình, đó là luật nhân quả: “nhân nào quả nấy ”.
Luật nhân quả rất công minh, một người làm tội ác, không bao giờ tránh né và trốn đâu cho khỏi, dù bay lên trời hay chung xuống đất cũng không thoát khỏi.
Ông M chết đi cũng như bao nhiêu người khác chết, nhưng những người khác chết không để tiếng xấu muôn đời, còn ông M chết đi để tiếng xấu muôn đời „Tranh giành đất đai giết em mình chết”.
Ông M chết là đáng tội, nhưng những nỗi đau của những người thân trong gia đình, biết chừng nào những nỗi đau ấy xóa được. Làm sao xóa được. Phải không quý vị? Đáng thương nhất cho các cháu khi tiếp xúc với mọi người, nếu bình thường không có việc gì xảy ra thì thôi mà có việc gì chống đối xảy ra thì người ta sẽ dùng câu: “Cha mầy là đồ giết người”. Một hậu quả cay nghiệt cho đời này đến đời khác.
Chúng ta đã sinh ra làm người, cần phải lưu ý và cân nhắc cho kỹ, những hành động tham lam trộm cắp cướp của giết người là những hành động hung ác, là những hành động xấu xa, đê tiện, hèn hạ v.v…Làm người chúng ta đừng để xảy ra những điều đáng tiếc như vậy.
Được sinh ra làm người, được giáo dục trong nền giáo dục đạo đức làm người, đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai, thì hạnh phúc biết bao.
ước mong sao những nhà lãnh đạo Đất nước: Vì lợi ích của nhân dân; vì trật tự an ninh của xã hội; vì sự phồn vinh thịnh vượng của Đất nước và vì sự hòa bình chung của cả thế giới mà những nhà lãnh đạo Đất nước hãy sớm đưa nền đạo đức nhân bản – nhân quả vào chương trình giáo dục của Bộ giáo dục quốc gia và của Bộ văn hóa thông tin thì tệ nạn xã hội may ra sẽ chấm dứt.

(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC, - Giáo án rèn nhân cách lớp ngũ giới: Đức ly tham, Nxb Tôn giáo, 2012, tập 1)
Link sách: http://bit.ly/12arItx

No comments:

Post a Comment