Tuesday, July 23, 2013

BÀI HỌC THỨ 12: DŨNG CẢM ĐỐI ĐẦU VỚI TÊN CƯỚP NGUY HIỂM

Chị Trần Thị Khánh Hà từ xe buýt xuống đường Lê Quang Sung, định đi bộ về hướng Phạm Đình Hổ (P2Q6). Bất ngờ bị một thanh niên đi xe gắn máy áp sát giựt dây chuyền. Theo phản xạ, chị Hà đưa tay giữ lại mặt dây chuyền và ú ớ la cướp, cướp!
Đang trên đường chở vợ đi công chuyện, nghe tiếng la thất thanh của người phụ nữ yếu đuối, bất bình trước hành động bất nhân của tên cướp, anh Trương Linh Cường (37 tuổi, ngụ Nguyễn Đình Chí, P9, Q6) liền phóng xe đuổi theo “đua nóng” một đoạn, anh Cường đuổi kịp tên cướp và buông xe lao vào bắt giữ. Do đã chuẩn bị trước, tên cướp liền rút con dao dấu sẵn trong người ra đánh trả. Không ngại nguy hiểm, bằng ý chí và sự quyết tâm cao, anh Cường lùi lại né tránh, rồi bất ngờ lao đến quật ngã tên cướp, giựt lấy dao quăng ra xa. Cùng lúc này nhiều quần chúng ập đến hỗ trợ anh Cường bắt gọn tên cướp. Tại đội cảnh sát điều tra thành phố về TNXH, tên cướp khai tên là Lâm Trường Giang (21 tuổi, ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai). Tuy đang độ tuổi đẹp nhất của đời người, nhưng Giang không chịu học hành mà sớm bỏ gia đình, sống lang thang ở thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 6- 2004, Giang từng bị CAPQ6 bắt đưa đi tập trung tại Đồng Hoà vì sống lang thang và gây rối. Hết thời gian quản thúc.
Giang lại ngựa quen đường cũ. Giang hiện là một con nghiện héroin nặng. Sáng 6-1- 2007, trước khi ra đường làm ăn, Giang xuống bếp nhà thuê trên đường Tạ Quang Bửu (Q8) lấy một con dao dấu trong người và phóng xe rảo quanh các con đường thành phố để tìm “mồi”. Khi phát hiện chị Khánh Hà, Giang chạy xe theo một đoạn và ra tay giựt dây chuyền, nhưng xui cho hắn là đã gặp phải người dũng cảm như anh Cường nên đành thúc thủ.
Tin ảnh: H.M Báo Công An số 1511. thứ ba 9-1-2007
NHỮNG CÂU HỎI
1- “Chị Trần Thị Khánh Hà từ xe buýt xuống đường Lê Quang Sung, định đi bộ về hướng Phạm Đình Hổ (p2Q6). Bất ngờ bị một thanh niên đi xe gắn máy áp sát giựt giây chuyền. Theo phản xạ, chị Hà đưa tay giữ lại mặt dây chuyền và ú ớ la cướp, cướp! ”. Đoạn này dạy đạo đức gì?.
2- “Đang trên đường chở vợ đi công chuyện, nghe tiếng la thất thanh của người phụ nữ yếu đuối, bất bình trước hành động bất nhân của tên cướp, anh Trương Linh Cường (37 tuổi, ngụ Nguyễn Đình Chí, P9, Q6) liền phóng xe đuổi theo “đua nóng” một đoạn, anh Cường đuổi kịp tên cướp và buông xe lao vào bắt giữ. Do đã chuẩn bị trước, tên cướp liền rút con dao dấu sẵn trong người ra đánh trả. Không ngại nguy hiểm, bằng ý chí và sự quyết tâm cao, anh Cường lùi lại né tránh, rồi bất ngờ lao đến quật ngã tên cướp, giựt lấy dao quăng ra xa. Cùng lúc này nhiều quần chúng ập đến hỗ trợ anh Cường bắt gọn tên cướp ”. Đoạn này dạy đạo đức gì?.
3- “Tại đội cảnh sát điều tra thành phố về TNXH, tên cướp khai tên là Lâm Trường Giang (21 tuổi, ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai). Tuy đang độ tuổi đẹp nhất của đời người, nhưng Giang không chịu học hành mà sớm bỏ gia đình, sống lang thang ở thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 6- 2004, Giang từng bị CAPQ6 bắt đưa đi tập trung tại Đồng Hoà vì sống lang thang và gây rối. Hết thời gian quản thúc. Giang lại ngựa quen đường cũ. Giang hiện là một con nghiện héroin nặng ”. Đoạn này dạy đạo đức gì?.
4- Sáng 6-1-2007, trước khi ra đường làm ăn, Giang xuống bếp nhà thuê trên đường Tạ Quang Bửu (Q8) lấy một con dao dấu trong người và phóng xe rảo quanh các con đường thành phố để tìm “mồi”. Khi phát hiện chị Khánh Hà, Giang chạy xe theo một đoạn và ra tay giựt dây chuyền, nhưng xuôi cho hắng là đã gặp phải người dũng cảm như anh Cường nên đành thúc thủ ”. Đoạn này dạy đạo đức gì?.
TRẢ LỜI NHỮNG CÂU HỎI
1- “Chị Trần Thị Khánh Hà từ xe buýt xuống đường Lê Quang Sung, định đi bộ về hướng Phạm Đình Hổ (p2Q6). Bất ngờ bị một thanh niên đi xe gắn máy áp sát giựt dây chuyền. Theo phản xạ, chị Hà đưa tay giữ lại mặt dây chuyền và ú ớ la cướp, cướp!”. Đoạn này dạy THIẾU ĐẠO ĐỨC LY THAM THÂN HÀNH.
Cướp giựt thường xảy ra là một hiện tượng xã hội đạo đức đang xuống cấp, khi bước chân ra khỏi nhà phải đề cao cảnh giác:
1- Không nên đeo đồ trang sức bằng vàng, ngọc ngà, châu báu, tiền bạc mang theo phải cất giữ kỹ lưỡng, đừng để kẻ gian thấy, chỉ để một ít tiền lẽ trong túi để trả tiền xe cộ, khi di chuyển trên đường đi.
2- Khi ra khỏi nhà phải cẩn thận khóa cửa nẻo trong ngoài kỹ lưỡng và căn dặn người nhà, khi có người lạ mặt nên khéo từ chối không nên mở cửa, đừng ỷ ban ngày không sao. Đạo đức đang xuống cấp dễ biến người tốt trở thành người xấu dễ dàng.
Vòng vàng, tiền bạc sẽ làm người ta mê mờ không còn sáng suốt, nên cẩn thận cất giữ kỹ càng.
Khi thấy xã hội đạo đức đang xuống cấp thì chúng ta hãy cố gắng học và áp dụng đạo đức vào đời sống hằng ngày. Nhất là đạo đức hiếu sinh và đạo đức ly tham.
Hiếu sinh là thương yêu hết mọi người dù người thiện cũng như người ác chúng ta đều thương như nhau, có áp dụng đạo đức được như vậy thì tâm chúng mới có sự bình an, yên ổn; có như vậy tâm chúng ta mới thanh thản, an lạc và vô sự; có như vậy mới thấy nền đạo đức nhân bản – nhân quả của Phật giáo tuyệt vời.
Chỉ cần sống với đức ly tham thì mới thấy sự giải thoát của Phật giáo từ nơi đó.
Tâm không tham lam, ham mê vật chất tiền bạc danh vọng, sắc đẹp v.v… thì con người không tu tập vẫn thấy mình sống an ổn vô cùng, nhất là tâm luôn luôn sống với trạng thái tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
Cuộc đời tu hành chúng ta chỉ cần sống được như vậy là giải thoát, chứ đâu cần phải tu tập chi cho nhiều. Chỉ bây nhiêu cũng giúp chúng ta làm chủ sinh, già, bệnh, chết, chấm dứt luân hồi. Mục đích tu hành của Phật giáo đến đây đã hoàn thành. Chúng ta đừng nói Cực Lạc Tây Phương, đừng nói thiền định kiến tánh thành Phật. Phật không có dạy tu làm Phật mà dạy tu để để không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh, để làm bốn sự đau khổ: sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Phật không dạy ngồi thiền nhập định 5, 7 ngày hoặc 1, 2, 3 tháng không ăn uống; Phật cũng không dạy tu tập ngồi thiền để thị hiện thần thông biết chuyện quá khứ vị lai của người khác để trở thành ông thầy bói, thầy chiêm tinhv.v… Hạnh phúc cho những ai sống được với đức hiếu sinh và đức ly tham là cũng đủ đền bù công sức tu tập và sẽ không phí bỏ những công phu học tập và rèn luyện nhân cách. Bởi giới luật giúp chúng ta ly dục ly ác pháp, khiến cho tâm ta thanh tịnh. Đó chính là thiền định của Phật giáo ( Ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền do ly dục sinh hỷ lạc).
2- “Đang trên đường chở vợ đi công chuyện, nghe tiếng la thất thanh của người phụ nữ yếu đuối, bất bình trước hành động bất nhân của tên cướp, anh Trương Linh Cường (37 tuổi, ngụ Nguyễn Đình Chí, P9, Q6) liền phóng xe đuổi theo “đua nóng” một đoạn, anh Cường đuổi kịp tên cướp và buông xe lao vào bắt giữ. Do đã chuẩn bị trước, tên cướp liền rút con dao dấu sẵn trong người ra đánh trả. Không ngại nguy hiểm, bằng ý chí và sự quyết tâm cao, anh Cường lùi lại né tránh, rồi bất ngờ lao đến quật ngã tên cướp, giựt lấy dao quăng ra xa. Cùng lúc này nhiều quần chúng ập đến hỗ trợ anh Cường bắt gọn tên cướp”. Đoạn này dạy ĐỨC DŨNG CẢM HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Trong một xã hội đạo đức đang xuống cấp thì người dân trong nước cần phải học võ để tự vệ sinh mạng và tài sản của mình, để đương đầu với những người hung ác đầu trộm, đuôi cướp, để trợ giúp người công an nhân dân giữ gìn trật tự an ninh cho xóm làng, xã ấp. Nếu anh Cường không có võ nghệ thì làm sao dám đuổi theo bọn cướp. Nhờ có võ nghệ anh Cường mới quật ngã và bắt giữ tên cướp giao cho công an.
Trong các võ đường là nơi trau dồi rèn luyện mỗi người có một cơ thể khoẻ mạnh, cường tráng; võ đường cũng còn là một nơi để rèn luyện nhân cách tinh thần đạo đức nhân bản của người võ sĩ biết thương mình, thương người và thương tất cả các loài chúng sinh; võ đường là nơi để cho các thanh niên và thanh thiếu niên nam nữ học tập võ nghệ và trau dồi đạo đức nhân bản – nhân quả, không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai.
Vậy những võ đường cần phải soạn thảo những bộ sách dạy về tinh thần thượng võ của người võ sĩ bằng đạo đức NGŨ GIỚI thì võ đường là nơi đào tạo các cháu trở thành những công dân tốt để xóa những tệ nạn xã hội đang là một nỗi đau của đất nước.
Nếu một võ đường chỉ biết đơn thuần dạy võ và như vậy còn thiếu trách nhiệm, bổn phận của người truyền đạt đức võ nghệ, truyền đạt võ nghệ như vậy không đúng là một môn phái võ được truyền thừa của một dân tộc anh hùng. Một võ đường dạy võ là phải dạy đạo đức trước tiên. Người học võ phải lấy đức hạnh hiếu sinh làm đầu, nếu học võ mà thiếu đức hạnh hiếu sinh thì võ nghệ chỉ còn là một môn học để đánh nhau, làm trò giải trí cho người khác. Không học đức hiếu sinh, người võ sinh nhiều khi sử dụng võ nghệ để cướp của giết người. Và học võ như vậy là một tai hại vô cùng cho xã hội đất nước.
Người học võ phải biết lấy đạo đức hiếu sinh làm đầu sự sống của mình, nhất là năm đức trong NGŨ GIỚI, dù học võ có giỏi bao nhiêu chúng ta cũng nên lấy đạo đức mà đối xử với nhau. Cùng cực chẳng đã đối với những người hung dữ, chẳng biết phục thiện thì mới dùng đến võ nghệ dạy cho họ một bài học . Riêng đối xử với nhau bình thường thì dùng lời nói ái ngữ, khuyên mọi người đừng tham lam, trộm cắp, cướp của người khác, nhất là cướp tài sản của phụ nữ thì còn hèn hạ và xấu xa vô cùng. Cho nên , học võ nghệ là phải hiểu trách nhiệm, bổn phận của người võ sĩ là tự vệ cho mình và bảo vệ cho người thế cô sức yếu . Vì thế phải học hai môn:
1- Đạo đức hiếu sinh đa hướng trong tinh thần võ sĩ đạo.
2- Võ nghệ tinh thông trong tinh thần đạo đức võ sĩ đạo.
Tất cả võ đường nào trong nước cũng như ở khắp nơi trên thế giới. Dù bất cứ môn võ học nào: Judo, Vovinam, Taykinhdo, Quyền Anh, Bình Định, Thiếu Lâm Hồng Gia, Thiếu Lâm Tự, Võ Đương, Không Động, Nga Mi v.v… cũng đều lấy đạo đức nhân bản - nhân quả làm đầu cho sự học võ của mình. Học võ không có nghĩa là để đấu đá ăn tiền như hai con gà đá độ; học võ không có nghĩa là để đụng đâu đánh đó như người điên; học võ là học tinh thần đạo đức hiếu sinh cứu trợ phò nguy, giúp người trong cơn hoạn nạn, giúp người trong lúc bị kẻ dùng quyền lực, sức mạnh hiếp đáp. Học võ không có nghĩa là để lên võ đài đấu đá ăn tiền như hai con bò mộng, làm trò giải trí cho mọi người xem; học võ là để rèn luyện cơ thể có một sức lực cường tráng mạnh khỏe, ít bệnh tật, ít ốm đau trong một tinh thần lành mạnh với lòng yêu thương rộng lớn vô bờ bến đối với sự sống của muôn loài vật trên hành tinh này. Họ võ như vậy mới chính là người học võ; học võ như vậy mới là người xây dựng cho mình có một tinh thần võ sĩ đạo cao thưọng và đẹp đẽ.
Chúng tôi ước mong sao các võ đưòng khắp nơi trong nước cũng như trên thế giới đều lấy đạo đức hiếu sinh làm tinh thần võ sĩ đạo. Người võ sĩ có tinh thần yêu thương sự sống của muôn loài đang sống và luôn luôn bảo vệ sự sống bình an, yên vui của hành tinh thì mới xứng đáng là một võ sĩ. Một võ sĩ không phải vì danh, vì lợi mà đi học võ; một võ sĩ vì thương yêu mọi người, vì thương yêu các loài vật mới đi học võ.
Học võ là để bảo vệ sự sống của mình, của người khác và của các loài vật khác khi bị người có sức mạnh, có thế lực, có đông người hiếp đáp người yếu đuối, thế cô, người không thế lực hoặc những con vật mạnh ăn hiếp những con vật yếu thì lúc bấy giờ chúng ta mới can thiệp vào và cứu giúp. Học võ như vậy mới xứng đáng là người học võ biết thương yêu sự sống .
Trong giai đoạn xã hội đạo đức nhân bản đang xuống cấp, tất cả thanh niên hay thanh thiếu niên nam nữ hãy đi học võ trong tinh thần đạo đức võ sĩ để giúp mình, giúp người, đem lại sự bình an cho mình cho người, thì tệ nạn xã hội: trộm cắp, cướp giựt, móc túi, cờ bạc, mãi dâm, hút chích, xì ke, ma tuý sẽ chấm dứt.
3- “Tại đội cảnh sát điều tra thành phố về TNXH, tên cướp khai tên là Lâm Trường Giang (21 tuổi, ngụ xã Xuân Đông, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai). Tuy đang độ tuổi đẹp nhất của đời người, nhưng Giang không chịu học hành mà sớm bỏ gia đình, sống lang thang ở thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 6- 2004, Giang từng bị CAPQ6 bắt đưa đi tập trung tại Đồng Hoà vì sống lang thang và gây rối. Hết thời gian quản thúc. Giang lại ngựa quen đường cũ. Hiện là một con nghiện heroin nặng”. Đoạn này dạy NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO THIẾU ĐỨC MINH MẪN HIẾU SINH THÂN HÀNH.
Đời người sinh ra thời gian quá ngắn 70, 80 năm thoáng qua như giấc mộng, thế mà có những người ngu si, cứ mãi mê chạy theo ảo ảnh của dục vọng thế gian để tìm sự an vui trong đó, thì đó chẳng phải là những người ngu si, người vô minh sao? Cháu Trường Giang này cũng vậy ngu si chạy theo dục lạc thế gian bị nghiện ngập héroin, bây giờ mới dỡ chết, dỡ sống, tiền bạc không có lấy đâu chu cấp cho bệnh nghiện, chỉ còn nước đi cướp giựt móc túi, trộm cắp, thật là hèn hạ xấu xa vô cùng.
Trong khi những bạn trang lứa tuổi như cháu, có cháu đã tốt nghiệp đại học có nghề nghiệp hẳn hoi, có cơ sở làm việc và làm ra tiền để sống bằng trí óc và sức lực của mình. So sánh với các bạn đồng trang lứa tuổi thì cháu Giang chỉ là là cây chùm gửi ăn bám vào xã hội một cách nhục nhã, ê chề. Là một thanh niên Việt Nam sống như cháu Giang không xứng đáng là thanh niên Việt Nam. Bởi dân tộc Việt Nam là một dân tộc anh hùng có đâu như cháu Giang đầu trộm đuôi cướp, giựt tiền của phụ nữ tay yếu chân mềm, đó là một hành động hèn nhát xấu xa không xứng đáng là thanh niên Việt Nam, nếu cháu Giang là thanh niên Việt Nam thì không bao giờ dám nhìn những bậc anh hùng, anh thư của dân tộc Việt Nam như: Hai bà Trưng, Triệu Ẩu, Lý Thường Kiết, Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi, Bác Hồ….
Hỡi các cháu thanh niên và thanh thiếu niên nam nữ Việt Nam! Hãy học tập đạo đức hiếu sinh, đạo đức ly tham, đạo đức chung thủy, đạo đức thành thật và đạo đức minh mẫn để rèn luyện nhân cách của mình, để xứng đáng là con cháu của những bậc anh hùng, anh thư của dân tộc Việt Nam, của đất nước quê hương thân yêu này.
Hỡi các cháu thanh niên và thanh thiếu niên nam nữ Việt Nam! Đừng có la cà những quán bia ôm, những nơi bài bạc, hút xách, những nơi ấy sẽ đưa các cháu trở thành những con người mất nhân tính, mất đạo đức làm người, biến các cháu trở thành những người xấu ác, những người trộm cắp cướp của giết người, biến các cháu trở thành những người dối trá gian xảo …mà mọi người rất ghê sợ.
Các cháu có thấy không? Những tệ nạn xã hội đều do những quán bia ôm, những nơi bài bạc…Các cháu sẽ không còn xứng đáng được gọi là con Tiên cháu Rồng. Các cháu đã làm cho các anh công an ngày đêm cực nhọc truy tìm thủ phạm cướp của giết người, phải tra xét những ổ mại đâm, những nơi cờ gian bạc lận… Các cháu có thấy chăng? Các cháu đã làm mang tiếng chung cho quê hương xứ sở này, cho dân tộc Việt Nam “móc túi, trộm cắp, cướp giựt, mãi dâm, xì ke, ma túy, hút chích”. Các cháu hãy tránh xa những nơi thiếu đạo đức, những nơi vui chơi không lành mạnh, thiếu văn hóa. Đó là các cháu đã bảo vệ danh dự quê hương xứ sở mình. Phải không các cháu? Các cháu hãy tránh xa những nơi không lành mạnh, những nơi đưa các cháu vào vòng tội lỗi, phạm pháp luật mang bản án tù chung thân hoặc tử hình. Các cháu có biết không?
4- Sáng 6-1-2007, trước khi ra đường làm ăn, Giang xuống bếp nhà thuê trên đường Tạ Quang Bửu (Q8) lấy một con dao dấu trong người và phóng xe rảo quanh các con đường thành phố để tìm “mồi”. Khi phát hiện chị Khánh Hà, Giang chạy xe theo một đoạn và ra tay giựt dây chuyền, nhưng xui cho hắn là đã gặp phải người dũng cảm như anh Cường nên đành thúc thủ”. Đoạn này dạy NHÂN QUẢ NGHIỆP BÁO HIỆN TIỀN THIẾU ĐỨC LY THAM THÂN HÀNH.
Theo luật nhân quả “ăn hiền ở lành” sẽ gặp may mắn, nếu chị Khánh Hà không ăn hiền ở lành thì làm gì gặp anh Cường truy đuổi cướp giúp chị không mất của cải tài sản.
Biết bao nhiêu người cũng bị cướp giựt của cải tài sản mà không lấy lại được. Đó chẳng qua là may rủi ư! Không đúng đâu các tu sinh ạ! Trên đời này không có may rủi mà do hành động thiện ác của mọi người. Nếu chị Khánh Hà không có lòng thương yêu, không biết bố thí công sức hay bát cơm manh áo của mình cho người bất hạnh thì ngày bị cướp đâu có anh Cường đồng thời đi trên một địa điểm thì làm sao giúp chị lấy của lại được.
Luật nhân quả rất công minh, chúng ta hãy sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh, luôn luôn sống biết thương yêu người khác, biết tha thứ mọi lỗi lầm của người, không bao giờ nói xấu, nói thêu dệt, nói li gián chia rẽ ai hết, không bao giờ vu khống, nói dối, nói oan ức cho ai hết, thì đời sống của chúng ta sẽ an lành.
Thân tâm chúng ta sẽ thanh thản, an lạc và vô sự, không có một ác pháp nào tác động và làm chúng ta đau khổ được, vì thế chúng ta nên lấy đạo đức nhân bản – nhân quả làm cuộc sống cho mình.
Thấu rõ được qui luật nhân quả như vậy, chúng ta hãy siêng năng học tập và rèn luyện nhân cách đạo đức NGŨ GIỚI. Hằng ngày luôn luôn áp dụng vào đời sống năm đức: Đức hiếu sinh, đức ly tham, đức chung thủy, đức thành thật và đức minh mẫn.
Người nào áp dụng vào đời sống hằng ngày bằng năm đức hạnh này thì cuộc đời sẽ hạnh phúc biết bao và sự sống trên hành tinh này như là Thiên đàng, Cực lạc.
(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC, - Giáo án rèn nhân cách lớp ngũ giới: Đức ly tham, Nxb Tôn giáo, 2012, tập 1)
Link sách: http://bit.ly/12arItx

No comments:

Post a Comment