Đây là bài học giới luật thứ hai trong NGŨ GIỚI: “CẤM GIAN THAM TRỘM CẮP”. Nhưng đạo Phật là đạo tự nguyện, tự giác không bắt buộc và không dùng quyền lực cưởng chế ai cả, nên đức Phật dùng lời khuyên: “KHÔNG NÊN LẤY CỦA KHÔNG CHO” hay “TỪ BỎ LẤY CỦA KHÔNG CHO”.
Chúng tôi cảm thấy đức Phật là một nhà tâm lý học tuyệt vời. Khi bước vào học giới thứ nhất thì đức Phật khuyên: “KHÔNG NÊN GIẾT HẠI CHÖNH SINH” rồi dạy chúng ta RÈN LUYỆN NHÂN CÁCH ĐỨC HIẾU SINH. Thấm nhuần được lòng yêu thương tâm hồn chúng ta vô cùng sung sướng, buông xả rất nhiều những ác pháp thô.
Tất cả những pháp ác thô chúng ta đã ly sạch chỉ còn những pháp ác vi tế, nhưng đến giới thứ hai thì đức Phật dạy chúng ta xa lìa những tâm tham lam bằng giới luật TỪ BỎ LẤY CỦA KHÔNG CHO.
Từ bỏ lấy của không cho là một lời khuyên nhẹ nhàng của đức Phật, khiến cho chúng ta nghe đến từ LY THAM rất thắm thía, nhưng nó là một hành động ĐẠO ĐỨC LY THAM rất tuyệt vời.
Vốn con người sinh ra là do duyên ái dục của cha mẹ, cho nên từ khi còn trứng nước, nằm trong bụng mẹ đã có tâm tham, sân, si, mạn, nghi rồi. Chứ không như đức Khổng Phu Tử nói: “Nhân chi sơ tính bổn thiện”. Lời nói này chứng tỏ đức Khổng Tử không hiểu nguồn gốc nhân quả nghiệp báo. Không hiểu nguồn gốc nhân quả nghiệp báo thì không thể hiểu thế giới quan vũ trụ của Phật giáo được. Không thể hiểu thế giới quan vũ trụ của Phật giáo thì không thể hiểu 12 nhân duyên tạo nên vũ trụ này. Theo Phật giáo xác định rất rõ: Vạn vật được sinh ra trong vũ trụ này có nhiều hình tướng và tâm tính khác nhau là do nhân quả thiện ác nghiệp báo khác nhau. Chứ không phải do một đấng vạn năng, hay một đấng tạo hóa, hoặc một vị Ngọc Hoàng Thượng Đế nào tạo ra vạn vật, tạo ra sự sống trên hành tinh này được, mà chính theo qui luật nhân quả vận hành tạo ra các duyên, khi các duyên hội đủ điều kiện tác dụng vào nhau hợp thành sinh ra vạn vật. Cho nên vạn vật có mặt trên hành tinh này đều do 12 nhân duyên hợp lại thành.
Mười hai nhân duyên gồm có:
1- Duyên vô minh
2- Duyên hành
3- Duyên thức
4- Duyên danh sắc
5- Duyên lục nhập
6- Duyên xúc
7- Duyên thọ
8- Duyên ái
9- Duyên thủ
10-Duyên hữu
11- Duyên sinh
12- Duyên ưu bi, sầu khổ, bệnh chết.
Một lần nữa chúng ta khẳng định tất cả vạn vật đều sinh ra là do 12 nhân duyên này. Do 12 nhân duyên này mới tạo tác hợp lại thành vạn vật trong vũ trụ. Đất đá núi sông cũng đều do 12 nhân duyên này tạo ra. Thế giới quan của Phật giáo đơn giản thiết thực cụ thể như vậy, chứ không phải trong thế giới quan có thế giới siêu hình như các nhà tôn giáo và các nhà ảo tưởng nghĩ ra cho rằng: Trong thế giới quan có một thế giới siêu hình, trong thế giới siêu hình có một đấng tạo hóa đang sáng tạo và sinh ra loài người và muôn loài vật. Và đấng tạo hóa đó đang cầm quyền sinh sát xử phạt muôn loài vạn vật trên hành tinh này.
Chúng tôi là những người ưa chuộng sự thật, bằng những chứng minh khoa học cụ thể. Cho nên những điều ảo tưởng viễn vong chúng tôi bỏ ngoài tai. Vì chúng tôi biết rõ qui luật nhân quả thiện ác thường làm thay đổi chuyển biến, không có một pháp nào đứng yên một chỗ bất di bất dịch thường hằng không thay đổi trong vũ trụ này. Do sự vô thường này đã làm cho muôn loài sống trên hành tinh đau khổ , nhất là loài người lại còn đau khổ hơn các loài vật khác. Muốn cho loài người thoát ra mọi sự đau khổ này, nên đức Phật xây dựng cho loài người nền đạo đức nhân bản – nhân quả để chuyển đổi qui luật nhân quả hay nói cách khác là làm chủ nhân quả, có nghĩa là nhân quả không còn chi phối điều khiển được con người. Nhờ đó con người mới làm chủ nhân quả hoàn toàn tức là làm chủ sự sống chết, chấm dứt tái sinh luân hồi.
Vì thế, giáo lý thiện pháp của nhà Phật ra đời với toàn bộ giới luật đức hạnh nhân bản. Hôm nay chúng ta đang học Ngũ giới tức là đang học năm đức hạnh của người đệ tử cư sĩ Phật đầu tiên mới bước chân vào con đường rèn luyện nhân cách .
Đức ly tham là giới luật thứ hai trong ngũ giới, nếu một người giữ trọn giới luật này là đã thấy tâm mình giải thoát không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa.
Đời người khổ đau là vì tâm tham, nếu chúng ta lìa tâm tham thì làm sao còn đau khổ được nữa, Phải không quý vị? Chúng ta thấy trộm cắp, cướp của giết người là do gốc tâm tham mà xảy ra, từ gốc tham lam mang đến biết bao nhiêu sự khổ đau cho con người. Bởi vậy tâm tham là một pháp cực ác, từ khi con người có mặt trên hành tinh này thì họ đã mang theo lòng tham lam vì thế mọi sự đau khổ đều do nó.
Do đó chúng ta thấy rất rõ đường đi của Phật giáo là con đường mang đến sự an vui giải thoát cho loài người. Con đường đó là con đường thiện. Con đường thiện là con đường đạo đức nhân bản – nhân quả; con đường đạo đức nhân bản – nhân quả là con đường đạo đức ly tham.
Trong xã hội loài người nếu người nào cũng được học đức ly tham thì làm sao có những tệ nạn xã hội như: Cướp của giết người, trộm cắp móc túi, ăn hối lộ, gian tham lừa đảo lường gạt người bằng đủ mọi ngành nghề : Cờ gian, bạc lận, cá cược, mãi dâm, rượu chè hút xách, buôn thần bán thánh tạo dựng cảnh mê tín cướp giựt tiền giữa ban ngày ban mặt mà không ai bắt bớ họ được.
Từ bỏ lấy của không cho là đức hạnh ly tham rất tuyệt vời. Ta nên suy nghĩ: Ta mất của ta cũng khổ đau và người mất của người cũng khổ đau, cớ sao ta lại nỡ nhẫn tâm lấy của người khác. Cho nên nhất định ta sẽ không lấy của không cho dù cây kim sợi chỉ chẳng đáng là bao nhiêu nhưng ta cũng không lấy khi người ta không cho.
Khi lấy của người không cho là mang tiếng suốt đời “Ăn cắp, ăn trộm” còn nếu không lén lấy mà xông vào cướp giựt tiền bạc của cải của người khác thì mang tiếng là “Bọn ăn cướp” .
Ăn không ngồi rồi mà đi ăn trộm, ăn cướp của cải tài sản của người khác là những người vô đạo đức, những người xấu xa, hèn hạ v.v… Làm con người cần phải tránh xa những hành động lấy của không cho, vì những hành động trộm cắp, cướp giựt của cải tài sản là làm cho mọi người đều chán ghét, đều ghê tởm, đều sợ hãi v.v...
Nhất định làm người chúng ta phải sống với đức ly tham, vì đức ly tham làm cho chúng ta trở thành con người cao thượng. Trong đức ly tham nó mang đầy đủ lòng yêu thương đa hướng đối với mọi người và mọi loài, nó đem lại cho chúng ta một lòng yêu thương nhau chan hòa. Cho nên người ly tham là người sống hạnh phúc nhất trần gian.
Tại sao vậy? Tại vì đức ly tham giúp chúng ta không còn dính mắc các pháp trên thế gian này.
Khi đức ly tham ngự trị trong tâm chúng ta thì các pháp trên thế gian này không còn pháp nào đủ sức cám dỗ lôi cuốn chúng ta được. Cho nên khi chúng ta nhận xét tâm mình còn ham thích điều gì thì chúng ta biết ngay đức ly tham sẽ không còn trong tâm nữa. Vì vậy chúng phải tác ý ngay: “Tâm không được ham thích phải chấm dứt ngay liền”. Nhờ có tác ý như vậy thì đức ly tham mới trở lại trong tâm ta. Cho nên người tu tập phải siêng năng khi thấy một niệm mống khởi ưa thích thì chúng ta phải mau mau tác ý dừng lại. Có siêng năng tu tập như vậy thì chúng ta mới sống trọn vẹn với đức ly tham.
Một người tu theo Phật giáo mà lười biếng thì không thể nào thành tựu sự giải thoát. Thành tựu giải thoát của Phật giáo là phải siêng năng hằng ngày diệt trừ lòng tham, sống với đức ly tham và đức hiếu sinh.
---
Link sách: Giáo án rèn nhân cách - Lớp ngũ giới: Đạo đức ly tham
http://bit.ly/137ynXX
No comments:
Post a Comment