Wednesday, July 3, 2013

LỜI NÓI ĐẦU


Bất cứ một người nào mới bước chân vào đạo Phật đều phải học hỏi năm giới, tức là phải thọ Tam quy và Ngũ giới. Tam quy xin quý vị hãy đọc bộ sách Tam Quy do tu viện Chơn Như ấn hành. Còn ở đây là bộ sách Ngũ Giới.
 Năm giới của đạo Phật là năm giới dạy về đạo đức nhân bản - nhân quả sống không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sinh.
 Đạo đức này nói lên được những hành động nhân cách con người về thân, miệng, ý. Cho nên những lời nói và những hành động lúc nào cũng nhẹ nhàng, ôn tồn, nhã nhặn, cung kính, tôn trọng, lễ độ, v.v...
 Những hành động đạo đức ấy đầy đủ văn hóa và đạo đức rất cụ thể rõ ràng. Cho nên mọi người cần phải học hiểu và áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, thì mới đem lại sự bình an, yên ổn và hạnh phúc cho mình, cho người, cho gia đình và xã hội. Nhưng nói đến đạo đức nhân bản - nhân quả thì ít ai hiểu biết và lưu ý đến nó, vì chính nó từ xưa đến nay chưa có người triển khai thành đạo đức nhân bản - nhân quả.
 Người ta biết đến năm giới cấm này là nhờ các giảng sư, thầy Nam tông, Bắc tông hay Thiền tông giảng dạy. Hầu như năm giới này được giảng dạy nghĩa lý một cách chung chung, tổng quát trong giới cấm chứ không thể đi sâu vào nội dung đạo đức nhân bản - nhân quả.
 Vì thế, biến năm giới chỉ là pháp luật (giới cấm) bắt buộc mọi người phải tuân thủ và giữ gìn như thế này, như thế khác để không vi phạm.
 Đem năm giới cấm này bắt buộc người tu sĩ cũng như người cư sĩ tại gia phải giữ gìn nghiêm túc, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, thì đó là một điều làm trái ngược với đạo Phật. Đạo Phật là đạo tự giác, tự nguyện, cho nên không cấm ai, không bắt buộc ai và cũng không khuyến dụ ai cả.
 Đạo Phật chỉ có khuyên mọi người nên giữ giới luật, vì giới luật là đức hạnh nhân bản - nhân quả, nó có công năng giúp cho thân tâm mọi người được thanh thản, an lạc và vô sự. Vì thế, nếu ai sống đúng giới luật “Ly Dục Ly Ác Pháp” này thì có giải thoát ngay liền. Cho nên người sống đúng giới luật - đức hạnh nghiêm chỉnh là người đem lại lợi ích rất lớn, không những chỉ cho cá nhân mà còn cho mọi người xung quanh mình.
 Bộ giới cấm mà các nhà Đại thừa đang giảng dạy trong các trường Phật học và trong các trường hạ, đây chỉ là một việc làm vô ý, chính vì không hiểu rõ lời dạy của Phật, nên các tổ Đại thừa mới biên soạn thành giới cấm mà thôi.
 Trong khi đức Phật muốn chấp nhận một người nào để trở thành người đệ tử của mình, thì người ấy phải tự nguyện tập sống biệt trú trong 4 tháng với những giới luật.
 Sau khi sống đúng 4 tháng, thấy mình thích nghi được với giới luật, và lúc bấy giờ người đó tự nguyện tự giác sống đời khất sĩ thì đức Phật mới cho xuất gia làm tỳ kheo.
 Cho nên các tổ làm một việc làm thiếu tĩnh giác, biến giới luật đức hạnh tự nguyện, tự giác của Phật giáo thành một giáo điều, vì thế không một người tu sĩ nào của Phật giáo phát triển sống đúng giới luật được, chỉ sống có hình thức giới luật, thường nói ngoài đầu môi chót lưỡi, khéo che đậy tín đồ Phật giáo, chứ không thể gạt ai được cả. Có đúng như vậy không quý vị? Giới cấm thì có đó, nhưng tu sĩ Phật giáo từ tu sĩ già cho chí tu sĩ trẻ, không một người nào không vi phạm giới luật. Khi vi phạm giới ăn phi thời, họ còn tìm mọi cách để lý luận khoác lác, che đậy và bẻ vụn giới (chư Thiên ăn buổi sáng, Phật ăn giờ ngọ, chúng sinh ăn sau giờ ngọ và ngạ quỉ ăn đêm). Chư tăng  sống  thiếu  đức hạnh  giải thoát, thường chạy theo dục lạc thế gian, khiến cho hàng tín đồ không thấy việc vi phạm giới luật tội lỗi của họ.
 Cho nên đem giới luật cấm người tu sĩ Phật giáo không được vi phạm là một điều “không tưởng”.
 Như đã nói ở trên, giới cấm là một điều đi ngược lại đạo Phật.
 Bởi đạo Phật là một tôn giáo tự nguyện, tự giác, chứ không ai có quyền bắt buộc ai phải giữ gìn giới luật. Cho nên đạo Phật không có giáo điều, mà chỉ có lời khuyên, và giảng dạy để truyền đạt những sự lợi ích của giới luật vào đời sống của mọi người.
 Giới luật của người cư sĩ tại gia thì có Năm Giới, nhưng năm giới chỉ có nghi thức lễ thọ năm giới, chứ không có bài học đức hạnh năm giới. Sau khi thọ năm giới xong, người cư sĩ ra người cư sĩ, còn năm giới ra năm giới, chẳng có lợi ích gì cả, cũng giống như người làm bánh, bánh không thành, cho nên bột ra bột, đường ra đường.
 Người cư sĩ tại gia thọ năm giới cho có hình thức, chứ không ai giữ gìn năm giới trọn vẹn. Chính họ cũng không hiểu năm giới là đức hạnh thâm sâu của một đời sống con người, và chính năm giới sẽ mãi mãi đem lại sự bình an và hạnh phúc.
 Đạo đức của năm giới luật là đức hạnh nhân bản - nhân quả của mọi người trên thế gian này. Vì thế nó không phân biệt người có tôn giáo hay không có tôn giáo, người phàm phu hay người cao sang, người bình dân hay người trí thức, người có học hay người vô học đều cần phải học hiểu nhiều hơn nữa, vì nó là một nền đạo đức làm lợi ích chung cho mọi người, cho mọi gia đình và cho tất cả xã hội của loài người.
 Mang danh là phật tử nhưng không hiểu nghĩa lý đạo đức nhân bản - nhân quả Năm Giới này là gì. Khi không hiểu, họ làm sao biết đạo đức đâu mà áp dụng vào đời sống. Vì thế, những người theo Phật giáo mà vẫn khổ đau như người bình thường. Đời sống không thoát khổ, tâm không hết tâm tham, sân, si, mạn, nghi... Phiền não, tai nạn, bệnh tật khổ đau... vẫn ngút ngàn.
 Theo Phật giáo mà chỉ biết cúng tế cầu siêu, cầu an, cầu phước báu, tụng kinh niệm Phật cầu tha lực, đó là một việc làm đầy mê tín, mù quáng, vô tình biến mình trở thành những người dân lạc hậu của thời bộ lạc xa xưa.
 Như quý tu sinh tại tu viện Chơn Như vừa đã học và áp dụng hai giới luật đầu tiên xong. Đó là Giới đức “Hiếu Sinh” và giới đức “Ly Tham”, một kết quả đạo đức đã trở thành những hành động sống hằng ngày, nó đem đến sự an vui thanh thản cho tâm hồn mọi người một cách tuyệt vời. Có đúng như vậy không quý tu sinh? Bây giờ quý tu sinh học đến giới luật đức “Chung Thủy”. Đây là giới thứ ba dạy về đạo đức gia đình. Một đạo đức nhân bản - nhân quả dạy về nhân cách sống của mọi người trong gia đình để đem lại một tình thương yêu chan hòa và chân thật, một tình thương đem lại sự an vui hạnh phúc của mọi người trong gia đình; một đạo đức mang đến lòng chung thủy giữa vợ chồng đối xử với nhau như nước với sữa; một đạo đức mang đến thân thương chia sẻ nhau những lúc nặng nhọc, khó khăn; những lúc ngọt bùi, cay đắng như tay mặt và tay trái.
 Đúng thật là một đạo đức gia đình này rất tuyệt vời.
 Muốn có một cuộc sống gia đình hạnh phúc trong ấm ngoài êm, thì bất cứ một người nào có tôn giáo hay không tôn giáo cũng đều phải học giới luật đức hạnh này. Vì nó là một đạo đức duy nhất của mỗi gia đình trên thế gian này; nó là một vị thần hộ mệnh và bảo vệ cho mỗi gia đình đều được yên vui, người người trong gia đình đều biết thương nhau; đều biết chia sẻ ngọt bùi cay đắng với nhau như trên đã nói. Tình nghĩa vợ chồng sống với nhau rất chung thủy, không bao giờ ngoại tình với người này, người khác.
 Nếu mọi người không học đạo đức gia đình thì bạo lực gia đình không thể nào tránh khỏi. Những trường hợp bạo lực gia đình đã xảy ra khiến nhiều gia đình li dị, vợ chồng chia rẽ, con cái li tán, theo mẹ mất cha, theo cha mất mẹ, thật là đau thương xót xa vô cùng.
 Phải không quý vị? Bạo lực gia đình thường xảy ra trong gia đình không ít thì nhiều, gia đình nào cũng có cơm chẳng lành canh chẳng ngon, nhưng rồi mọi người chịu đựng bỏ qua vì còn thấy bổn phận trách nhiệm với con cái, cha mẹ đôi bên...
 Bạo lực gia đình nhiều khi gây ra án mạng mà báo chí thường đăng tin tức xảy ra khắp nơi trong nước, không tỉnh thành nào mà không có nạn bạo lực gia đình.
 Người có học đạo đức chung thủy gia đình thì cuộc sống luôn luôn tràn đầy niềm yêu thương chân thật, vợ chồng sống có tình, có nghĩa, biết nhường nhịn lẫn nhau, biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng trước mọi hoàn cảnh nghịch ý trái lòng, biết tha thứ mọi lỗi lầm của nhau khi lời qua tiếng lại; biết chia sẻ ngọt bùi, cay đắng khi gặp phải những cảnh gian nan thử thách, v.v...
 Rèn luyện sống đạo đức gia đình là một việc làm rất khó, nó đòi hỏi phải bền chí, và mỗi người còn biết cách học tập nhân cách Hiếu Sinh, Ly Tham cho bản thân riêng của mình để trở thành một thói quen đạo đức. Trong khi rèn luyện đạo đức nhân bản - nhân quả, nó đòi hỏi chúng ta phải có ý chí cương quyết, mạnh mẽ dứt khoát nói một là một, nói hai là hai, không được nói ba, nói bốn, tức là không được nói qua, nói lại.
 Đây, quý vị nghe một người mẹ, người Tây phương dạy con: “Một hôm, có người mẹ ngoại quốc nhận lời mời dùng cơm trong một gia đình của người Trung Quốc ở Sơn Đông. Bà mang theo một đứa con gái tám tuổi. Nữ chủ nhân Trung Quốc nấu ăn rất giỏi, bà nói:
“Hôm nay tôi sẽ làm món ăn Tây mời các bạn. Các bạn ăn để xem người Trung Quốc nấu món ăn Tây có ngon không nhé!”. Bé gái 8 tuổi nghĩ người Trung Quốc làm món ăn Tây không ngon, bèn nói không ăn. Sau khi làm xong các món ăn, nữ chủ nhân bưng kem lên.
 Cô bé ngoại quốc mắt sáng lên. Ôi trông đẹp quá! Nhìn đẹp như vậy chắc chắn ăn rất ngon, bé nói:
“Mẹ ơi con muốn ăn kem”. Nữ chủ nhân làm kem theo số người, vì bé nói không ăn, nên không làm phần của bé. Không ngờ mẹ cô bé nói: “Không. Con gái tôi đã nói không ăn là không ăn kem thì hôm nay không được ăn”. Bé gái rối lên vội nói: “Mẹ ơi, hôm nay con rất thích ăn kem, hôm nay nhất định con phải ăn kem”. Người mẹ vẫn không đồng ý. Bé gái òa khóc, nước mắt giàn giụa, nhưng người mẹ vẫn không cho ăn. Nữ chủ nhân Trung Quốc bèn nói: “Cho bé ăn đi, trẻ con mà, tính gì đến lời nói của chúng”. Nhưng người mẹ ngoại quốc vẫn cương quyết không cho con ăn”. (Giáo dục nhân cách cho tuổi trẻ, tập 1, Phan Hà Sơn biên soạn) Chúng ta hãy nghĩ xem, nếu như gặp trường hợp như vậy bạn sẽ làm gì? Làm như người mẹ Trung Quốc hay làm như người mẹ ngoại quốc? Nếu đã quyết tâm giáo dục con mình giữ gìn đức tín thì nên giáo dục theo người mẹ ngoại quốc. Hầu hết các người mẹ không quan tâm lưu ý vấn đề giáo dục đức tín cho con em mình, thường xem thường chữ tín nên làm theo người mẹ Trung Quốc.
 Một mẩu chuyện tuy nhỏ trong gia đình, nhưng vấn đề giáo dục đạo đức nhân bản - nhân quả cho con em không được xem nhỏ, xem thường, nó ảnh hưởng xấu đến xã hội không ít ở ngày mai.
 Cho nên sự giáo dục gia đình rất cần thiết cho mỗi người, vì thế mọi nhà và mọi người đều phải đi học và rèn luyện đạo đức nhân cách gia đình, đừng nên xem thường đạo đức gia đình là một điều nhỏ mọn.
 Như vậy rất sai. Bạo lực gia đình thường xảy ra là do những người trong gia đình thiếu học tập rèn luyện đạo đức nhân bản - nhân quả về gia đình.
 Đạo đức gia đình là sự sống của mỗi cá nhân trong gia đình, nó là một đạo đức cao cả và đẹp đẽ, thường mang lại hạnh phúc cho mỗi gia đình và đem lại một trật tự an toàn cho xã hội.
 Theo chúng tôi thiết nghĩ, đạo đức xã hội xuống cấp, tệ nạn xã hội càng ngày càng gia tăng là nguyên do gia đình và học đường xem thường sự giáo dục đạo đức nhân bản - nhân quả. Cho nên ngay từ khi đứa bé mới chào đời, mà không được dạy về đạo đức nhân bản - nhân quả thì con cái trong nhà khó trở thành người tốt; khó trở thành người có đức, có tài toàn diện.
 Vấn đề giáo dục đạo đức trẻ con trong gia đình rất quan trọng, nên phải được giáo dục từ thuở ban đầu khi chúng có mặt trong gia đình, và cũng như ngay từ buổi cắp sách đến trường đầu tiên mà được nhà trường giáo dục đạo đức nhân bản - nhân quả, thì xã hội đâu có những tệ nạn như ngày nay.
 Nếu gia đình và học đường thấy trách nhiệm và bổn phận giáo dục đạo đức nhân bản - nhân quả đem lại lợi ích to lớn cho gia đình, cho xã hội và đất nước như vậy, thì đừng xem thường những hành vi thiếu đạo đức nhỏ nhặt ban đầu của các cháu. Ngay từ lúc các cháu còn bé thơ, hằng ngày phải được uốn nắn, rèn luyện nhân cách đạo đức Ngũ Giới, thì xã hội đâu còn là một gánh nặng. Phải không quý vị? Vì lợi ích rất lớn của mỗi gia đình nên chúng tôi khuyên mọi người trong gia đình hãy cố gắng học tập và rèn luyện đức hạnh này, để gia đình mãi mãi là nơi tổ ấm của mọi người.
 Kính ghi
Trưởng lão Thích Thông Lạc

---
Link sách: Giáo án rèn nhân cách - Lớp ngũ giới - Đạo đức gia đình - tập 1
http://

No comments:

Post a Comment