Friday, June 28, 2013

HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH

HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH” là một hành động đạo đức thuộc về tâm làm Người, làm Thánh, nó không phân biệt giai cấp nào trong xã hội, có tôn giáo hay không tôn giáo, mọi người sống chung nhau trên hành tinh này đều cần phải học để biết lối sống của những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni và Thánh cư sĩ, họ luôn sống bằng tất cả giới hạnh buông xả, từ bỏ lối sống thế gian, từ bỏ những thân hành ác, từ bỏ lời nói ác, từ bỏ những ý hành ác, bằng lòng tối thiểu về ăn uống, về y áo, hoan hỉ sống an tịnh để đi vào lối sống Thánh thiện.
GIỚI ĐỨC HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH
Muốn hiểu nghĩa của giới luật này thì trước tiên chúng ta phải hiểu nghĩa của những từ: hoan hỉ và an tịnh. Vậy hoan hỉ và an tịnh nghĩa là gì?
Hoan hỉ nghĩa là vui mừng.
An tịnh nghĩa là yên ổn và thanh tịnh, trong sạch.
Giới này dạy chúng ta lúc nào sống trong cảnh thuận hay cảnh nghịch đều phải giữ gìn tâm vui vẻ, nhờ có giữ gìn tâm được vui vẻ nên tâm an ổn và thanh tịnh. Người giữ gìn được giới này thì lúc nào các bạn cũng đang tu tập tâm hoan hỉ, Kinh Bát Thành có dạy: “Lại nữa này gia chủ, Tỳ kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với hỷ: cũng vậy phương thứ hai, cũng vậy phương thứ 3, cũng vậy phương thứ 4, như vậy cùng khắp thế giới trên dưới, bề ngang, hết thảy phương xứ, này khắp vô biên giới, vị ấy an trú, biến mãn với tâm câu hữu với hỉ, quảng đại vô biên, không hận, không sân, vị ấy suy tư và được biết“Hỷ tâm giải thoát này là pháp hữu vi do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”, vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ các lậu hoặc,... chưa được chứng đạt được chứng đạt”.
Như vậy “GIỚI ĐỨC HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH” tức là Đức Phật dạy các bạn tu tập tâm hoan hỉ. Tu tập tâm hoan hỉ tức là tu Bốn vô lượng tâm. Bốn pháp vô lượng tâm đó là từ, bi, hỉ, xả. Ở đây tu tập tâm hoan hỉ tức là tu tập hỉ vô lượng tâm. Tu tập hỉ vô lượng tâm là giữ gìn nghiêm chỉnh “GIỚI ĐỨC HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH”.
Chỉ có một giới luật này thôi, nếu các bạn sống nghiêm chỉnh không hề vi phạm thì nó cũng đem đến cho các bạn một sự giải thoát an lạc và hạnh phúc chận thật như trong trạng thái cảnh giới Niết Bàn.
Có một đời sống hoan hỉ an tịnh như vậy là vì biết sống đúng giới đức hoan hỉ nghiêm chỉnh. Sống đúng giới đức hoan hỉ nghiêm chỉnh này thì các bạn sẽ tìm thấy sự an vui chân thật của Phật Giáo thật là tuyệt vời.
GIỚI HẠNH HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH
Thưa các bạn! “Giới hoan hỉ sống an tịnh” còn có một nghĩa khác nữa đó là Thánh hạnh của Phạm Thiên. Thánh hạnh của Phạm Thiên tức là vui vẻ sống an ổn một mình, sống cho mình. Bởi vì chỉ có sống một mình mới sống cho mình. Sống cho mình tức là sống độc cư cô đơn, nhưng độc cư thì có mà cô đơn thì không các bạn ạ! Khi chúng ta biết sống một mình thì trong ta có một người đang đàm thoại với ta. Như vậy đâu phải ta sống cô đơn. Phải không các bạn?
Do hiểu biết sự thanh thản, an lạc như vậy nên những người nào muốn tu theo Phật giáo đều phải tự nguyện chấp nhận sống vui vẻ, an ổn một mình. Sống vui vẻ và an ổn một mình, tức là đời sống của người tu sĩ Phật giáo biết hoan hỉ sống an tịnh như giới thứ chín này đã dạy.
Chính giới hạnh này là một pháp môn tuyệt vời, giúp cho người tu sĩ phòng hộ sáu căn, để không dính mắc sáu trần, nhờ đó tâm hành giả không còn phóng dật. Tâm không phóng dật là một trạng thái Niết Bàn đấy các bạn ạ!
Thưa các bạn! Chữ an tịnh trong giới luật này có nghĩa là thân an ổn và tâm thanh tịnh, vì thân được an ổn, tâm được thanh tịnh nên người tu sĩ Phật giáo tìm cầu sự giải thoát, ra khỏi bốn sự khổ đau của kiếp người, thì dù bắt buộc hay không bắt buộc các bạn cũng phải chấp nhận sống một mình (độc cư). Vì chỉ có sống một mình thì thân tâm mới an ổn và thanh tịnh. Phải không các bạn?
Một người muốn sống thân tâm an ổn và thanh tịnh mà lại sống nơi ồn náo, nơi thường tụ tập đông người, nơi thường tập họp nói chuyện, thì làm sao sống hoan hỉ an tịnh được? Cho nên chỉ có nơi thanh vắng, yên lặng, không có người nói chuyện ồn náo thì mới chính là nơi thanh tịnh, nơi sống độc cư, nơi hoan hỉ sống an tịnh trong giới luật Phật.
Dù ngoại cảnh được thanh tịnh vắng lặng nhưng nội tâm chưa hoan hỉ sống an tịnh (độc cư) thì giới luật này được xem là vi phạm.
Những giới luật trên đây các bạn còn vi phạm mà muốn sống làm Thánh Tăng, Thánh Ni thì chỉ là giấc mộng mà thôi.
Đối với những giới luật này các bạn sẽ không bao giờ giữ gìn được trọn vẹn và như vậy những đức hạnh này không bao giờ thành hiện thực được trong đời sống của các bạn. Muôn đời ngàn kiếp con đường tu tập để tìm cầu sự giải thoát của các bạn đang theo chỉ là con đường dài vô tận.
Khi các bạn bước chân vào đạo Phật thì các bạn phải tự nguyện chấp nhận vui vẻ sống an tịnh một mình, có chấp nhận sống vui vẻ an tịnh một mình là các bạn nên biết đó là Thánh hạnh Phạm Thiên như đã nói ở trên. Thánh hạnh Phạm Thiên là những hành động sống ra khỏi sự chi phối của qui luật nhân quả. Ra khỏi sự chi phối của qui luật nhân quả thì tái sanh luân hồi chấm dứt. Vì thế, đạo Phật không bắt buộc ai phải sống như Phật: “HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH”. Chỉ có những người thấy rõ đời người khổ đau như thật, thì mới tự nguyện chấp nhận sống đời Phạm hạnh, sống vui vẻ một mình như Phật. Do ý thức tự nguyện của mọi người chấp nhận sống đời Phạm hạnh, do đó đức Phật không có chế giới cấm mà chỉ dạy giới hạnh, giới đức, giới hành trong tạng kinh, không có một bài kinh nào mà đức Phật không dạy về giới luật đức hạnh làm Người, làm Thánh. Ngài đã dạy rất đầy đủ, không thiếu, không thừa. Còn giới cấm của các Tổ sau này chế ra rồi gán cho Phật thuyết, chứ sự thật đức Phật không chế giới cấm. Chế giới cấm là đi sai lòng tự giác tự nguyện của mọi người đến với đạo Phật. Bởi vì, giới luật là đức hạnh của con người đã sẵn có trong mỗi con người. Đức Phật chỉ cần khơi dậy, làm sống lại để con người nhận ra, chứ đức Phật không có dạy giới luật đức hạnh mới. Cho nên, nói Phật chế giới luật là sai. Có đúng như vậy không các bạn?
“HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH” là giới hạnh độc cư. Người ở đời ít ai dám sống một mình, vì sống một mình rất cô đơn, tâm thường buồn bã khổ sở, nhớ nghĩ lung tung và thường hay sợ hãi, sợ bóng đêm âm u, sợ rừng núi, sợ sấm sét mưa gió, sợ ma, sợ quỉ thần, sợ mọi vật v.v.. Chỉ có những người quyết tâm tìm cầu sự giải thoát ra khỏi khổ đau của thân phận làm người, của qui luật nhân quả, nên mới chấp nhận sống độc cư cô đơn một mình như vậy. Sống độc cư cô đơn một mình là sống Phạm hạnh của những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni như đã nói ở trên.
Cho nên, muốn làm những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni thì phải tự nguyện chấp nhận vui vẻ đời sống như vậy, chứ chẳng có ai bắt buộc mình cả. Còn nếu bị bắt buộc, thì chẳng bao giờ có ai sống được giới này cả. Do giới cấm của các Tổ bắt buộc tu sĩ phải sống đúng giới luật mà không giải rõ nghĩa đức hạnh của nó nên tất cả tu sĩ đều phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới v.v..
Giới thứ chín đã xác định điều này rất rõ ràng: “Nếu Thánh Tăng, Thánh Ni thích hội họp nói chuyện, thích chỗ đông người là phạm giới”. Người tu sĩ nào phạm giới là không phải Thánh Tăng, Thánh Ni mà chính họ là những Ma Ba Tuần trong đạo Phật. Họ chẳng tu được gì mà còn phá hoại Phật giáo. Cho nên, quý Phật tử cần phải tránh xa những hạng tu sĩ này.
Khi vua A Xà Thế nghe Phật thuyết chín giới cụ túc đầu tiên của Tỳ Kheo Tăng và Tỳ Kheo Ni như vậy, nhất là giới thứ chín này thì nhà vua quá kính phục và tôn trọng, Ngài biết rằng: những người nào sống được như vậy, là những bậc phi phàm, những bậc Thánh, những bậc ra khỏi nhà sanh tử và chấm dứt luân hồi. Cho nên, dù vua quan hay những nhà tỷ phú giàu nhất thế gian này cũng không thể đem ra so sánh được với những bậc này. Những bậc này là những con người có được lối sống vượt ra ngoài dòng thế tục. Những người sống vượt ra khỏi dòng thế tục ở trên đời này thì không có một vật quý báu gì đem ra so sánh với họ được. Tại sao vậy?
Tại vì họ là những người biết sống an vui một mình, biết sống cho mình. Người biết sống an vui một mình, đó là những người có một lối sống mà ít ai trên thế gian này làm được. Một nếp sống ít ai làm được là một nếp sống đúng giới luật Phạm hạnh của Phật giáo, một nếp sống ly dục ly ác pháp tuyệt vời mà chỉ Phật giáo mới có những Thánh hạnh này. Ngoài Phật giáo đi tìm nếp sống này thì không bao giờ có.
 “HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH” là một nếp sống tuyệt vời của những bậc tu hành chân chánh. Đây là một giới luật cụ túc trong chín giới luật đầu tiên của đạo Phật. Giới luật này không bắt buộc một ai hết, nhưng những ai muốn trở thành một tu sĩ Phật giáo thì người ấy phải tự bắt buộc mình, khép mình trong khuôn khổ Phạm hạnh. Từ đó các bạn mới nhận ra được sự giải thoát chân thật của những giới đức này.
Trước khi bước chân vào đạo các bạn phải chấp nhận đời sống này, nếu không chấp nhận các bạn sẽ không thành tu sĩ Phật giáo.
Nếu dựa vào giới luật này mà xét nét những tu sĩ Phật giáo hiện giờ thì chúng ta biết rất rõ người tu sĩ nào là tu sĩ Phật giáo và người tu sĩ nào là tu sĩ ngoại đạo một cách dễ dàng. Chỉ cần nhận xét người tu sĩ nào vi phạm những giới hạnh này thì họ là những người tu sai pháp, có nghĩa là họ sống không nổi với những giới luật này, họ là tu sĩ ngoại đạo mượn danh Phật giáo.
Những người về chùa Am tu tập đụng đến những giới hạnh này thì càng thấy rõ giới này rất khó giữ gìn, phần đông họ đều vi phạm. Vi phạm nên họ tu tập không kết quả, do tâm chưa thanh tịnh nên nội lực chưa có. Nội lực chưa có thì không bao giờ nhập thiền định được.
“HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH” giới luật đức hạnh này nghe thì dễ dàng, rất tầm thường, nhưng có sống với nó mới thấy khó vô cùng. Chỉ có những người quyết tâm cao, tha thiết tìm cầu sự giải thoát chân thật thì mới sống nổi. Còn những người đời không muốn bỏ mà đạo lại muốn thêm thì chỉ sống được ít hôm, liền cuốn gói về đời.
Tu tập giới này mà vi phạm thì con đường tu của các bạn không bao giờ đến đích.
Tóm lại, chín giới luật đầu tiên của Tỳ Kheo Tăng và Tỳ Kheo Ni này, nếu vị nào muốn tu theo Phật giáo giữ gìn trọn vẹn thì vị ấy mới trở thành đệ tử của Phật, còn ngược lại là đệ tử của ma. Đó là một sự xác định chắc chắn như vậy. Nếu tu sĩ phạm chín giới này, họ chỉ là cây chùm gửi ăn bám vào Phật tử để sống thật là nhục nhã.
Thưa các bạn! Người tu hành theo Phật chỉ cần giữ gìn tu tập sống đúng chín giới đầu tiên này thì người ấy cũng đã trở thành những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni. Có đúng như vậy không các bạn?
Bởi vì chín giới này là chín giới buông xả. Giới thứ nhất và giới thứ hai là buông xả vật chất. Giới thứ ba, giới thứ tư, giới thứ năm, giới thứ sáu, giới thứ bảy, giới thứ tám và giới thứ chín là giới buông xả tinh thần. Vật chất và tinh thần đều buông xả thì kết quả giải thoát ngay liền chỗ buông xả. Chỗ buông xả là tâm vô lậu.
Bởi vậy, khi nghe đức Phật trình bày kết quả của chín giới này quá cụ thể, rõ ràng và thực tế, sự trình bày không có một kẽ hở sai sót khiến cho người nghe dù có ác ý cũng không lý luận bẻ gãy được chín giới hạnh này. Khi được nghe lời dạy này xong vua A Xà Thế quá thán phục và cho rằng dù người đó là nô bộc của mình, mình cũng phải cung kính tôn trọng. Bất cứ người nào tu tập và sống đúng chín giới này thì nhà vua khi gặp họ cũng phải đứng dậy trước chào hỏi và mời người ấy ngồi.
Đây là chín giới vô lậu đầu tiên, là pháp thực tế, cụ thể hiện tại, không có thời gian của Phật giáo đến để mà thấy Thánh quả ngay liền, chứ không phải như kinh sách Đại Thừa, tu nhiều kiếp mới có giải thoát. Thật ra giáo pháp Đại Thừa và Thiền Tông mơ hồ trừu tượng không đáng cho chúng ta tin tưởng và kính trọng.
GIỚI HÀNH HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH
Các bạn giữ gìn giới đức hoan hỉ là các bạn đã tu tập tâm hỉ vô lượng. Tu tập tâm hỉ vô lượng là giữ gìn tâm lúc nào cũng hoan hỉ vui vẻ khi gặp ác pháp cũng như gặp thiện pháp. Muốn tu tập tâm hoan hỉ như vậy thì tất cả pháp đến với các bạn. Các bạn phải chia ra làm ba loại.
1.  Pháp ác
2.  Pháp thiện
3.  Pháp không thiện không ác
Ba pháp này đến với các bạn khiến cho thân tâm bất an. Muốn cho thân tâm được an ổn khi gặp các pháp này thì các bạn chỉ còn cách theo pháp như lý tác ý: “TÂM HÃY HOAN HỈ TRƯỚC TẤT CẢ CÁC PHÁP”, dù các pháp ấy có cay đắng như thế nào; có ngọt ngào như thế nào; có đau khổ như thế nào, các bạn cũng nên xem nó là pháp hữu vi vô thường không đáng cho các bạn phải bận tâm. Các bạn hãy luôn luôn phải giữ gìn tâm vui vẻ, thanh thản, vô sự v.v.. xem như các pháp ấy không có mặt ở đây. Nếu các bạn có hoan hỉ được như vậy thì mới thấy giải thoát thật sự.
Muốn được như vậy hằng ngày các bạn nên tu tập tâm hoan hỉ. Tu tập tâm hoan hỉ thì các bạn phải có lòng tha thứ và yêu thương, dù các pháp ấy có cực ác tột cùng, nhưng các bạn cũng nên mở rộng lòng yêu thương và tha thứ thật sự. Có mở rộng lòng thương yêu và tha thứ thật sự thì phải có một phương pháp để giữ gìn tâm luôn luôn được hoan hỉ. Phương pháp ấy là pháp “NHƯ LÝ TÁC Ý”.Nhờ pháp như lý tác ýtâm các bạn luôn luôn được hoan hỉ sống trong cảnh nghịch cũng như cảnh thuận của đời người; nhờ pháp như lý tác ý mà tâm các bạn luôn được vui sống an tịnh.
Muốn được sống giải thoát như vậy nên Đức Phật đã cô đọng sự sống hạnh phúc ấy bằng một cái tên “HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH” rất đầy đủ ý nghĩa giải thoát. Cho nên, các bạn thường tác ý câu này và như vậy các bạn sẽ thấy ngay sự giải thoát.
“HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH”. Đúng vậy, giới thứ chín này có một cái tên rất tuyệt vời trong giáo pháp của đức Phật. Bởi vậy, những đệ tử nào đã thọ cụ túc giới đều phải sống đầy đủ những đức hạnh giới luật giải thoát này.
Ở đây, các bạn thấy rõ ràng mỗi giới luật của Phật đều mang tên đúng nghĩa giải thoát của nó. Giới luật là những phương pháp sống trực diện với kiếp sống của con người đầy sóng gió bão bùng.
Nếu các bạn sống không đúng giới luật thì các bạn sẽ bị sóng gió danh, lợi, sắc, thực, thuỳ nhận chìm xuống tận đáy biển khổ đau.
“HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH”. Cái tên hoan hỉ sống an tịnh, đẹp làm sao! Phải không các bạn? Cuộc đời này có những vật gì đáng cho các bạn bận tâm. Vì tất cả các pháp trên thế gian này đều vô thường, đều khổ đau. Nếu các bạn biết buông xả, bỏ xuống hết, sống đúng như tên của giới luật này thì thế gian đâu còn đau khổ nữa. Chính nơi đây là Thiên Đàng tại thế gian. Phải không các bạn?
“HOAN HỈ SỐNG AN TỊNH” là phương pháp tu tập hỉ tâm vô lượng như trên đã nói, đấy các bạn ạ! Giới luật của Phật chính là những phương pháp để các bạn học tập và rèn luyện thân tâm các bạn từ phàm phu trở thành Thánh nhân, từ xấu xa trở thành tốt đẹp, từ khổ đau trở thành hạnh phúc, từ hung ác trở thành thiện lành, từ sân hận trở thành thương yêu, v.v..
---
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 2.
Link sách: http://

1 comment: