Tuesday, June 25, 2013

ĐIỀU LỢI ÍCH THỨ BA CỦA GIỚI LUẬT: ƯỚC NGUYỆN CHO NGƯỜI KHÁC

Người Phật tử tu theo Phật giáo không phân biệt tu sĩ hay cư sĩ đều có thể ước nguyện cho người khác được toại nguyện, nhưng đều phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh. Cho nên điều ước nguyện thứ ba là điều ước nguyện cho người giúp đỡ mình có cơm ăn, áo mặc, nhà ở đầy đủ để tu hành được lợi ích lớn, được đầy đủ phước báu, như lời đức Phật dạy dưới đây: “Này các Tỳ Kheo, nếu có Tỳ kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta nay hưởng thụ các vật dụng như y phục, các món ăn khất thực, sàng tọa và các dược phẩm trị bệnh! Mong rằng các hành động của những vị tạo ra các vật dụng ấy được quả báo lớn, được lợi ích lớn!”, Tỳ kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên) trú xứ không tịch”.
Theo lời dạy trên đây người tu sĩ phải giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì mới ước nguyện cho người đàn na thí chủ được nhiều lợi lạc lớn. Khi giới luật nghiêm chỉnh thì sự ước nguyện mới được viên mãn, còn giới luật không nghiêm chỉnh mà nhận lãnh của đàn na thí chủ thì không bao giờ ước nguyện cho ai được mà còn mang nợ cơm ăn, áo mặc của đàn na thí chủ và kiếp sau phải làm tôi tớ, người hầu kẻ hạ cho người khác v.v..
Theo như lời dạy trên đây các bạn nên hiểu không riêng người tu sĩ và cư sĩ Phật giáo mà bất cứ một người nào khác có tôn giáo hay không tôn giáo hoặc ở giai cấp nào, nếu giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, không những điều ước nguyện cho mình mà còn ước nguyện cho những người khác đều được như ý.
Như các bạn đã thấy rõ ba điều ước nguyện trên đây đều phải sống đúng giới luật nghiêm chỉnh. Điều ước nguyện thứ ba này đức Phật dạy cho người tu sĩ khi nhận sự cúng dường của người khác thì phải ước nguyện cho người cúng dường nhiều lợi ích lớn. Điều ước nguyện này chính nó mới là xứng đáng nhận của cúng dường. Người tu sĩ giới luật nghiêm chỉnh thì mới xứng đáng là ruộng phước để mọi người cúng dường, mới xứng đáng là người khất sĩ đệ tử của đức Phật.
Ba điều ước nguyện trên đây chúng ta thấy rất rõ, mỗi điều đều lấy giới luật làm Thánh hạnh trên đường giải thoát, nếu không giới luật thì không thể nào đi trên đường giải thoát và cũng không thể nào xứng đáng làm người tu sĩ chân chánh của Phật giáo.
---
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 2.
Link sách: http://

No comments:

Post a Comment