Friday, June 21, 2013

GIỚI HÀNH THỨ MƯỜI SÁU: TỪ GIỚI HÀNH

Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống TỪ GIỚI HÀNH nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của từ giới hành là gì?
Giới đức từ giới hành là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh nghiệp.
Giới hạnh từ giới hành là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua từ giới hành như: nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh nghiệp.
Muốn tu tập từ giới hành thì phải tu tập như thế nào? Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy La Hầu La về giới này: “Này La Hầu La, hãy tu tập sự tu tập về lòng từ. Này La Hầu La, do sự tu tập về lòng từ, thì cái gì thuộc về sân tâm sẽ được trừ diệt”.
Ở đây chúng ta hãy ghi nhận những danh từ này “Tu tập sự tu tập về lòng từ”. Vậy tu tập như thế nào để có lòng từ?
Chúng ta nên trở về bài kinh Bát Thành thì thấy ngay được sự tu tập. Còn ở đây lời dạy quá cô đọng khiến chúng ta không biết pháp hành.
Từ tâm là một pháp môn trong tám pháp môn độc nhất của Phật giáo đưa người tu hành đi đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn mọi sự khổ đau của kiếp làm người. Chúng tôi xin nhắc lại một lần nữa các bạn nên lưu ý: “Pháp độc nhất thì phải được đặt trên một nền tảng đạo đức vững chắc, đó là “GIỚI LUẬT”.
Lời dạy trong kinh Bát Thành, xin các bạn đọc lại: “Lại nữa, này Gia chủ, Tỳ Kheo an trú biến mãn một phương với tâm câu hữu với từ; cũng vậy phương thứ hai; cũng vậy phương thứ ba, cũng vậy phương thứ tư. Như vậy cùng khắp thế gian, trên dưới bề ngang, hết thảy phương xứ, cùng khắp vô biên giới, vị ấy an trú biến mãn với tâm câu hữu với từ, quãng đại vô biên không hận không sân, vị ấy suy tư và được biết: “Tâm từ giải thoát này là pháp hữu vi do suy tư tác thành. Phàm sự vật gì là pháp hữu vi, do suy tư tác thành, thời sự vật ấy là vô thường, chịu sự đoạn diệt”. Vị ấy do vững trú ở đây, đượcđoạn trừ các lậu hoặc, được chứng đạt...”.
Những từ chúng ta cần hiểu: An trú, biến mãn một phương, tâm câu hữu với từ. Vậy an trú nghĩa là gì?
An trú có nghĩa là trú ẩn một nơi an ổn, một nơi được bao bọc an toàn không có pháp nào đến quấy rầy làm mất an, làm khổ đau phiền lụy.
An trú với lòng từ có nghĩa là an trú trong lòng thương yêu của mình đối với tất cả chúng sanh, không có loài vật nào mà không thương yêu. Người nào an trú được với lòng yêu thương như vậy là người ấy có chỗ trú ẩn yên ổn mà không có ác pháp nào xâm phạm được, người ấy là người ở chỗ yên ổn nhất.
Biến mãn một phương là gì? Biến mãn một phương có nghĩa phủ trùm khắp cùng khắp một phương, không có chỗ nào là không có lòng thương yêu nơi phương ấy, hay nói cách khác là lòng thương yêu tất cả chúng sanh không có bỏ sót một loài nào trong phương đó.
Tâm câu hữu với từ nghĩa là gì? Tâm câu hữu có nghĩa là “tâm tập hợp” hay“tâm kết hợp”. Tập hợp hay kết hợp có nghĩa là tập hợp hay kết hợp pháp này với pháp kia. Ở đây tâm câu hữu với lòng từ. Có nghĩa là đem tâm kết hợp với lòng yêu thương. Pháp môn của Phật dạy thường hay có sự kết hợp các pháp môn khác lại để trở thành một pháp môn độc đáo, khi tấn công vào giặc sanh tử với pháp môn ấy chúng không thể tránh né và trở tay kịp đành phải bị tiêu diệt, vì những pháp môn ấy kết hợp quá chặt chẽ.
Ví dụ 1: Tu Định Niệm Hơi Thở và kết hợp với lòng từ bằng cách nương vào hơi thở và tác ý: “Tất cả chúng sanh đều đau khổ cũng giống như ta vậy, ta phải thương yêu chúng như chính thương yêu ta, hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Khi tác ý như vậy và thở đúng năm hơi thở rồi chúng ta tác ý trở lại câu trên. Cách thức tu tập như vậy gọi là lòng từ câu hữu với hơi thở.
Ví dụ 2: Đi kinh hành ta câu hữu với tâm từ “Tất cả chúng sanh đều có sự đau khổ như nhau, cũng sợ chết như ta. Ta phải thương yêu chúng như chính thương ta, tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành”, khi đi kinh hành ta đếm đúng 10 bước, đứng lại, nhắc câu tác ý trên. Khi tác ý xong ta lại bước đi trong im lặng và lắng nghe từng bước đi mà âm thanh tác ý còn vang mãi trong tâm chúng ta với lòng thương yêu chân thật đối với chúng sanh.
Bất cứ làm công việc gì chúng ta cũng đều có thể tu tập và kết hợp với lòng từ qua những hành động đang làm việc. Nhưng các bạn phải nhớ lưu ý một điều là luôn luôn lắng tâm nghe lòng thương yêu lan mãi khắp trong tâm hồn của chúng ta theo từng mỗi bước đi, mỗi hành động làm việc.
 Bền chí tu tập như vậy từ một tháng đến 7 tháng tâm vững trú ở trạng thái thương yêu này thì đoạn trừ tất cả các lậu hoặc..., chưa chứng đạt sẽ được chứng đạt như kinh dạy. “Vị ấy do vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc... chưa chứng đạt được chứng đạt”.
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 1.
Link sách: http://

No comments:

Post a Comment