Wednesday, June 19, 2013

GIỚI HÀNH THỨ NHẤT: NÓI LỜI KHÔNG THÀNH THẬT

Muốn đạt được một đời sống giới luật nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu, tu tập và sống đúng giới đức, giới hạnh và giới hành. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành là gì?
Giới đức là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh mạng.
Giới hạnh là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua những hành động sống như: đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh ấy được gọi là Chánh nghiệp.
Giới hành là những lời dạy cách thức tu tập đạo đức và oai nghi chánh hạnh của một tu sĩ Phật giáo trọn đầy đức hạnh làm người, làm Thánh không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh, tức là Chánh nghiệp.
Như trong bài kinh Giáo Giới La Hầu La ở rừng Am Bà La, bài kinh này chỉ có một giới cấm duy nhất là “Vọng Ngữ”. Không vọng ngữ là một giới luật quan trọng nhất trong các giới khác, giới này thuộc về giới trọng (Ba La Di). Ai tu theo Phật giáo mà vi phạm giới này thì được xem như người tử tội. Cho nên một giới này vi phạm thì tất cả các giới khác đều vi phạm. Do đó Đức Phật đã xác định: “Này La Hầu La, đối với ai biết mà nói láo không có tàm quý, thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm. Do vậy này La Hầu La, Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi”.
Nói láo là một giới luật quan trọng nhất trong các giới luật khác của đạo Phật như trên đã nói. Giới cấm nói láo không riêng cho những người tuổi trẻ mà ngay cả những người lớn tuổi, không riêng cho tín đồ Phật giáo mà ngay cả cho tất cả mọi người cũng phải giữ gìn nghiêm chỉnh. Nếu tu theo Phật giáo mà còn nói láo thì không bao giờ tu tập đi đến giải thoát được, dù nói láo để mà chơi. Trong Giới Bổn người tu sĩ nào nói láo là phạm vào giới đứt đầu, có nghĩa là một tu sĩ Phật giáo còn nói láo thì không thành là một tu sĩ nữa. Xin các bạn đọc lại Giới Bổn Ba La Đề Mộc Xoa, giới thứ tư Giới Thánh Đức Thành Thật thì các bạn sẽ rõ. Ở đây, tôi xin giải thích sơ lược về giới luật này. Vậy nói láo nghĩa là gì?
Nói láo là nói không thành thật, chuyện có nói không, chuyện không nói có; những người nhiều chuyện lắm mồm thường hay nói láo, chuyện ít xít ra nhiều, đặt điều nói xấu người khác. Đó là những người nói láo. Người nói láo không biết xấu hổ thì không có việc ác nào mà họ không làm được, như lời Phật xác quyết trên đây. Trong cuộc sống chung đụng với mọi người, sự chung đụng ấy đã dạy cho chúng ta biết điều này rất rõ ràng: “Những người nói láo là những người không tốt, hãy dè dặt cẩn thận khi gặphọ hoặc nên tìm cách tránh xa, không nên làm thân với những người này”.
Ở đời, người ta xem thường vấn đề nói láo, nên mọi người không ai tránh khỏi, dù nói láo không làm hại ai, nói láo chơi; nhưng đối với những người tu theo Phật giáo không nên nói láo.
Có người nói láo quá lộ liễu, khi nói xong người ta phát hiện ra liền, nhưng lại có người nói láo rất khéo léo khiến cho mọi người khác không thể phát hiện ngay liền được. Nhưng nói láo với ai thì được, chứ không thể nói láo với chính mình. Vì vậy người nói láo không biết xấu hổ thì luôn luôn sẽ nói láo và khi nói láo được thì họ sẽ làm bất cứ việc ác nào họ cũng không từ chối. Vì thế, ta nên tránh xa những hạng người này. Họ là những người nguy hiểm các bạn ạ!
Trong cuộc đời này người nào nói láo sớm muộn gì người ta cũng phát hiện ra được. Khi bị phát hiện ra thì uy tín của người ấy không còn nữa. Cho nên Giới Kinh và Giới Bổn đều dạy người Sa Di (người mới vào tu tập) không được nói láo. Người nào nói láo sẽ không được chấp nhận cho vào tu tập tại tu viện.
Muốn biết sự quan trọng của sự nói láo như thế nào, xin các bạn vui lòng đọc lại bản giới kinh mà đức Phật đã dạy La Hầu La:
“Vào một buổi chiều sau khi xả thiền đức Phật đi đến khu rừng Am Bà La chỗ La Hầu La đang cư trú.
Tôn giả La Hầu La thấy Thế Tôn từ xa đi đến liền sửa soạn chỗ ngồi và nước rửa chân, Thế Tôn rửa chân và ngồi xuống chỗ đã soạn sẵn, Tôn giả La Lầu La đảnh lễ và ngồi xuống một bên Thế Tôn.
Khi rửa chân Thế Tôn để lại một ít nước trong chậu và bảo La Hầu La:
- Con có thấy một ít nước rửa chân còn lại trong chậu không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn!
- Này La Hầu La, Sa môn hạnh là không được nói láo, người nào biết mà nói láo không có tàm quý thì chẳng khác nào như một ít nước rửa chân còn lại trong chậu. Như vậy này La Hầu La nước ấy còn dùng để uống được không?
- Thưa không, bạch Thế Tôn”.
Đọc đoạn kinh trên chúng ta nhận xét thấy rất rõ ràng: người nào nói láo, nói không thật là người không còn dùng được nữa. Đó là cuộc sống thường tục mà còn không dùng được những người như vậy thì trong đạo những người này không bao giờ tu chứng quả giải thoát được. Tại sao vậy?
Vì đức Phật đã xác định người nào nói láo mà không biết xấu hổ là người ấy sẽ làm tất cả các ác pháp. Như các bạn đã biết đạo Phật chủ trương lấy thiện pháp làm nền tảng giải thoát cho đường tu tập của mình. Vì thế, một người nói láo mà không biết xấu hổ thì sẽ làm tất cả các ác pháp khác. Do thế khi phát hiện một người nói láo trong đạo là người ác, người ấy sẽ không bao giờ tu hành đi đến giải thoát được.
“Sau khi đổ đi nước rửa chân còn lại trong chậu đức Phật dạy:
- Này La Hầu La con có thấy nước rửa chân bị đỗ đi không?
- Thưa vâng, bạch Thế Tôn.
- Nói láo nên bỏ đi, cũng như nước rửa chân trong chậu không thể dùng vào việc gì được, nó phải đổ bỏ. Hạnh Sa Môn không thể chấp nhận người tu sĩ nói láo, nói láo mà không biết xấu hổ, không biết bỏ đi, nói láo là làm hại mình, hại người cũng giống như nước rửa chân dơ bẩn mà không đổ bỏ, để cũng chẳng ích lợi gì”.
Lấy một giới vọng ngữ tượng trưng cho mười giới đức Thánh Sa Di. Một giới vi phạm thì 10 giới kia đều vi phạm. Dựa theo bài kinh này mà xác định thì tu sĩ Phật giáo hiện giờ, trong mười giới đức Thánh Sa Di họ đều không giữ trọn vẹn.
Ví dụ: Chúng ta chỉ phát hiện ông sư A phạm giới nói vọng ngữ, chỉ vọng ngữ nói chơi thì phải biết rằng: Một giới vọng ngữ tuy nói chơi vẫn vi phạm, mà đã vi phạm thì chín giới kia đều vi phạm cả. Giới vọng ngữ thuộc về giới đứt đầu (Ba La Di) cho nên các Tổ sợ đứt đầu, nên khéo lý luận để che đậy khi mình vi phạm giới này cho nhẹ bớt tội nên bảo rằng: “Kẻ nào tu hành chưa chứng Thánh quả mà nói mình chứng Thánh quả là kẻ đại vọng ngữ thuộc về tội Ba La Di, còn nói dối chơi thì tội nhẹ”. Theo lời Phật dạy dù nói vọng ngữ chơi cũng phạm vào tội Ba La Di.
Như trong kinh Giáo Giới La Hầu La đã xác định rõ ràng: “Kẻ nào nói láo mà không biết xấu hổ là sẽ làm bất cứ những điều ác khác. Do vậy này La Hầu La, Ta quyết không nói láo, dầu nói để mà chơi”.
Ví dụ: ông sư B phạm giới ăn phi thời thì nên biết rằng: “Chín giới kia ông cũng đều vi phạm hết”. Tại sao vậy?
Tuy rằng chúng ta không thấy không bắt gặp, nhưng trong ý thức của ông đều vi phạm cả, chính ông là người biết mình hơn ai hết. Che dấu ai chứ không thể che dấu mình được. Phải không các bạn?
Đức Phật đã xác định những điều này, xin lặp lại: “Cũng vậy, này La Hầu La, đối với ai biết mà nói láo, không có xấu hổ thời Ta nói rằng người ấy không có việc ác gì mà không làm”.Ý của câu này nếu ai hiểu biết giới luật mà còn vi phạm, lại không biết xấu hổ thời người ấy sẽ phạm tất cả giới, đó là người không tốt, người xấu, cần tránh xa.
Do thế, chúng ta xét thấy tu sĩ Phật giáo thời nay không có giới luật nào mà không vi phạm.
Qua những lời dạy trên đây của đức Phật rất thấm thía. Người phạm giới giống như nước rửa chân; nước rửa chân còn dùng vào được những gì, phải không các bạn? Chỉ còn đổ bỏ đi mà thôi.
Trong Phật giáo Nguyên Thủy không chấp nhận những tu sĩ phạm giới, chỉ có Phật giáo phát triển Đại thừa mới dung chứa những tu sĩ này.
Đối với Phật giáo, những tu sĩ phạm giới thường làm hại Phật giáo, làm cho Phật giáo suy đồi, làm cho Phật giáo mất gốc, làm cho Phật giáo trở thành tôn giáo mê tín, làm cho Phật giáo trở thành tôn giáo lừa đảo dối gạt người để ngồi mát ăn bát vàng, làm cho Phật giáo trở thành một môn học triết học luận lý suông, làm cho Phật giáo trở thành một loại thiền định tưởng, làm cho Phật giáo trở thành một thế giới ảo tưởng, làm cho Phật giáo trở thành một nghề nghiệp nuôi sống những người lười biếng lao động.
Đức của giới này là Đức Thành Thật, nếu ở đời ai cũng thành thật đối xử với nhau trong cuộc sống này thì gia đình hạnh phúc biết bao, xã hội thì có trật tự an ninh, đất nước thì phồn vinh thịnh trị.
Hạnh của giới này là trực hạnh. Nếu mọi người ai cũng thẳng thắn sống đúng trực hạnh sai nói sai, đúng nói đúng, không nịnh bợ a dua, không thêm bớt nói xấu người khác thì cuộc đời này là Thiên đàng, Cực Lạc.
 Hành của giới này là chánh ngữ. Trước khi muốn nói ra điều gì phải tư duy suy nghĩ chín chắn rồi mới nói; nói ra không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai; nói ra lời nói êm dịu, ôn tồn, nhã nhặn, từ tốn, thanh lịch, dịu dàng, v.v..
Tóm lại, giới luật là pháp môn có đầy đủ đức, hạnh, hành, khiến cho những ai chấp nhận nó, lấy nó làm khuôn vàng thước ngọc, lấy nó làm chỗ nương tựa vững chắc, lấy nó làm ngọn đuốc soi đường, lấy nó làm Thầy của mình thì chắc chắn người ấy sẽ đi đến bờ giải thoát hoàn toàn an ổn.
---
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 1.
Link sách: http://

No comments:

Post a Comment