Thursday, June 27, 2013

ĐIỀU LỢI ÍCH THỨ MƯỜI BẢY CỦA GIỚI LUẬT: ƯỚC NGUYỆN CHO MÌNH

Điều ước nguyện thứ mười bảy là điều ước nguyện cho mình tu tập diệt trừ các lậu hoặc tự tri tự chứng, các bạn chứng đạt và an trú ngay trong hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát không có lậu hoặc, đây là sự ước nguyện của người tu. Đây là giai đoạn rốt ráo cuối cùng của con đường tu tập Phật giáo. Nó giải thoát hoàn toàn ra khỏi nhà sanh tử. Chấm dứt luân hồi.
Thưa các bạn! Quả cuối cùng của con đường tu tập giải thoát cũng phải nhờ đến giới luật. Vậy giới luật là một pháp môn quan trọng đệ nhất như đã nói ở trên.
Sự ước nguyện được giải thoát hoàn toàn này không ngoài giới luật mà có được. Cho nên, chúng ta hãy cố gắng giữ gìn giới luật cho nghiêm chỉnh, đừng để vi phạm, thà chết trong trong giới luật, chứ sống mà phạm giới còn mặt mũi nào nhìn ngó Phật tử. Phải không các bạn?
Tóm lại, mười bảy điều lợi ích lớn trên đây đều do giới luật mà đạt thành sự giải thoát chân chánh. Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật đã nhắc nhở. Xin các bạn lưu ý: “Này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo có ước nguyện mong rằng ta đạt được một điều gì đó thì hãy sống đầy đủ giới hạnh, đầy đủ giới bổn, đầy đủ oai nghi chánh hạnh thấy sự nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt, chân chánh lãnh thọ và tu học các học giới”.
Đức Phật lại nhắc nhở chúng ta một lần nữa: “Này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo có ước nguyện: “Với sự diệt trừ các lậu hoặc, sau khi tự tri tự chứng, ta chứng đạt an trú ngay trong hiện tại, tâm giải thoát tuệ giải thoát, không có lậu hoặc!”, Tỳ kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên) trú xứ không tịch”.
Giới luật là một pháp môn quan trọng như vậy, nhưng tại sao Giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa lại quá ít ỏi chỉ có 250 giới cấm nam và 384 giới cấm nữ. Xem thế mới biết thời nay tu sĩ xem thường giới luật, chỉ biết những tông phái ảo tưởng, mê tín như: Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông, Pháp Hoa Tông v.v.. Hiện giờ tu sĩ học giới chỉ học giới cho biết, chứ không phải học để tu tập giải thoát, để tâm được vô lậu, để sống một đời sống Phạm hạnh. Thật là quá uổng.
Trên đây mười bảy điều ước nguyện từ những điều ước nguyện trong cuộc sống thế gian hằng ngày, đến những điều ước nguyện vượt ra khỏi cuộc sống thế gian tức là cuộc sống xuất thế gian.
Theo đúng nghĩa của bài kinh này thì mọi người nên đứng trên lập trường nhân quả mà ước nguyện thì mọi việc sẽ thành tựu như lòng ước nguyện của mình. Chính đứng trên lập trường nhân quả mà ước nguyện tức là lấy thiện pháp chuyển ác pháp thành ra cuộc sống giải thoát. Đúng vậy đạo Phật lấy thiện pháp chuyển ác pháp biến cuộc sống thế gian thành Thiên Đàng Cực Lạc. Vì thế, đạo Phật sống không mê tín, không ảo tưởng, không cầu tha lực. Phải tự lực, phải tự thắp đuốc lên mà đi. Có đúng như vậy không các bạn?
 Ở đây có nghĩa là lấy giới luật làm sự sống của mình. Lấy giới luật làm sự sống tức là sống đời Phạm hạnh. Vì thế đức Phật đã dạy “Phạm hạnh đã thành”. Phạm hạnh đã thành là giới luật nghiêm chỉnh không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, nên sự tu tập đã viên mãn, chấm dứt tái sanh luân hồi nên kinh dạy: “Những gì nên làm đã làm sau đời này sẽ không có đời sống nào khác nữa”.
Đọc bài kinh này chúng ta mới nhận ra giá trị giới luật là đệ nhất pháp trong Phật giáo. Thế mà người tu sĩ lại xem thường giới luật thì sự tu tập của họ sẽ đi về đâu và về đâu ?
Chúng tôi biên soạn bài kinh này với mục đích chỉnh đốn lại giới luật của Phật giáo, khiến cho người tu sĩ Phật giáo ghi nhớ mãi trong tâm giới luật là pháp môn hàng đầu trong tất cả các pháp ly dục ly ác pháp. Xin các bạn nên lưu ý về điều này, nó chính là cơ bản của sự giải thoát của Phật giáo.
---
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 2.
Link sách: http://

No comments:

Post a Comment