Thursday, June 27, 2013

ĐIỀU LỢI ÍCH THỨ MƯỜI HAI CỦA GIỚI LUẬT: ƯỚC NGUYỆN CHO MÌNH

Điều ước nguyện thứ mười hai là điều ước nguyện cho mình chứng các loại thần thông: Một thân các bạn hiện ra nhiều thân, nhiều thân các bạn hiện ra một thân; các bạn hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, quathành, qua núi như đi ngang hư không; các bạn độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; các bạn đi trên nước không chìm như trên đất liền; các bạn ngồi kiết già đi trên hư không như chim; với bàn tay các bạn chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, có đại oai thần như vậy; các bạn có thể, thân có thần thông bay cho đến Phạm Thiên.
 Đây là những loại thần thông mà người tu sĩ nào tâm vô lậu đều thực hiện được cả, nhưng Phật giáo Nguyên Thuỷ xem nó là những trò ảo thuật lừa đảo mọi người. Còn Phật Giáo Đại Thừa xem những thần thông này rất quan trọng, nên kinh sách Đại Thừa lúc nào đức Phật bắt đầu thuyết pháp đều phóng hào quang và hiện Phật hoá thân hoặc có khi đức Phật xuống Long Cung giảng đạo hoặc bay lên Trời Đầu Xuất thuyết pháp.
Mục đích trong đoạn kinh này dạy các bạn ước nguyện có những thần thông thì giới luật phải sống nghiêm chỉnh, chứ không phải đức Phật nêu ra thần thông để cám dỗ các bạn. Vậy các bạn hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ kheo, nếu Tỳ kheo có ước nguyện: “Mong rằng ta chứng được các loại thần thông! Một thân ta hiện ra nhiều thân, nhiều thân ta hiện ra một thân; ta hiện hình, biến hình đi ngang qua vách, qua thành, qua núi như đi ngang hư không; ta độn thổ trồi lên ngang qua đất liền như ở trong nước; ta đi trên nước không chìm như trên đất liền; ta ngồi kiết già đi trên hư không như chim; với bàn tay ta chạm và rờ mặt trăng và mặt trời, những vật có đại oai lực, có đại oai thần như vậy; ta có thể, thân ta có thần thông bay cho đến Phạm Thiên!”, Tỳ kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật… (như trên) trú xứ không tịch”.
Tóm lại, tu hành muốn có thần thông thì các bạn hãy giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh. Giới luật không nghiêm chỉnh thì sự tu hành của các bạn là con số không, chẳng bao giờ ước muốn một điều gì được huống là thần thông. Các bạn có biết không? Nếu giới luật không nghiêm chỉnh các bạn tu tập có thần thông cũng chỉ là thần thông tưởng hay là những mánh khoé gian xảo như các nhà ảo thuật để lừa đảo mọi người. Đó là tu tập không giới luật, thường chạy theo tâm danh lợi mà thôi.
Kính thưa các bạn! Người tu sĩ Phật giáo không chọn thần thông mà chỉ chọn lấy sự giải thoát làm chủ sự sống chết của mình. Cho nên, giới luật là nền tảng vững chắc cho việc thực hiện con đường làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người. Còn thần thông không quan trọng trong vấn đề làm chủ sanh tử và chấm dứt luân hồi. Nhưng khi tâm thanh tịnh, chúng ta không muốn có thần thông nhưng thần thông vẫn có trong ta. Chúng ta chỉ xem chúng như một trò ảo thuật lừa đảo người. Cho nên, người nào tu theo Phật giáo mà thị hiện thần thông là không phải đệ tử Phật.
Một hôm đức Phật và Tăng đoàn đi đến bờ sông trời đã tối không còn ghe xuồng đưa sang sông, nên tất cả Tăng đoàn đều nghỉ lại trên bờ sông. Đêm hôm đó nước sông dâng tràn làm cho tất cả Tăng đoàn không ngủ được. Đức Phật sai một vị Tỳ kheo ông hãy ra cản nước sông lại để chúng Tỳ kheo ngơi nghỉ mai sẽ lên đường. Vâng lệnh Phật vị Tỳ kheo dùng thần thông ngăn nước lại. Sáng hôm sau người ta không thấy vị Tỳ kheo ấy nữa.
Thưa các bạn! Tu sĩ Phật giáo là như vậy, nếu đã lỡ thị hiện thần thông thì liền ẩn bóng, không để lộ tung tích của mình cho một ai biết được nữa.
Chúng tôi nguyện đời tu hành của mình cũng vậy, khi chúng sanh còn duyên thì hết lòng dạy đạo, còn hết duyên thì ẩn bóng và âm thầm thị tịch, không lưu lại một dấu vết gì để lừa gạt đời.
Danh làm chi, lợi làm chi? Đời người còn có gì đâu, chỉ là một tuồng kịch trên sân khấu nhân quả. Những người còn vô minh không thấu suốt nhân quả mới đắm chìm trong danh lợi mà thôi.
Mọi người cứ nghĩ rằng: người tu hành theo Phật giáo có thần thông là tu chứng đạo, điều này không chắc các bạn ạ! Các bạn đã lầm, mục đích của đạo Phật là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, chứ không phải thần thông các bạn.
---
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 2.
Link sách: http://

No comments:

Post a Comment