Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống GIỚI XẢ HÀNH nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành giới xả hành là gì?
Giới đức giới xả hành là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh nghiệp.
Giới hạnh giới xả hành là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua giới xả hành như: nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh nghiệp.
Tu tập Giới xả hành cũng giống như tu tập Giới hỷ hành. Vậy muốn biết cách thức tu tập chúng ta nên lắng nghe đức Phật dạy La Hầu La: “Này La Hầu La, hãy tu tập sự tu tập về tâm xả, này La Hầu La, do tu tập sự tu tập về tâm xả, cái gì thuộc về hận tâm sẽ được trừ diệt”.
Như đã nói ở trên tu tâm xả cũng giống như tu tâm hỷ. Muốn hiểu rõ nghĩa thì chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy Gia chủ Dasama: “Này gia chủ Dasama Tỳ Kheo an trú biến mãn một phương, 2 phương, 3 phương, 4 phương, phương trên, phương dưới, bề ngang hết thảy phương xứ cùng khắp vô biên giới, câu hữu với tâm xả và an trú vững chắc nơi trạng thái này quảng đại vô biên không hận, không sân”. Do ở trạng thái không hận, không sân tâm sẽ được đoạn trừ các lậu hoặc... nhờ đó tâm giải thoát hoàn toàn. Cho nên kinh dạy: “Vị ấy vững trú ở đây, đoạn trừ được các lậu hoặc... chưa chứng đạt, được chứng đạt”.
Cách thức tu tập tâm xả cũng giống như cách thức tu tập tâm hỷ phải dùng pháp như lý tác ý “đứng trước các ác pháp và các cảm thọ: thọ lạc, thọ khổ, thọ bất lạc bất khổ, ta đều xả hết”. Khi xả phải luôn luôn tác ý như sau: “Thọ lạc ta không nên ưa thích, không dính mắc theo chúng; thọ khổ ta không hề sợ hãi, không hề dao động, đó là tâm xả”.
Xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh tức là dùng năng lực Xả Giác Chi để nhập Tứ Thiền. Năng lực Xả Giác Chi là năng lực cuối cùng của tâm xả. Đầu tiên chúng ta tu tập tâm xả là tu tập ý thức xả. Ý thức xả là tu tập xả tâm vô lượng. Tu tập xả tâm vô lượng có nhiều cách thức, có từ thấp lên cao:
1- Xả Tâm Vô Lượng là tu tập xả tâm câu hữu với hơi thở, tức là nương hơi thở để tác ý xả tâm.
2- Trên Tứ Niệm Xứ để khắc phục tham ưu tức là quét các chướng ngại pháp trên bốn chỗ: thân, thọ, tâm, pháp.
3- Ngồi quét tâm như ông Châu Lợi Bàn Đặc.
4- Mọi sự tham muốn, mọi sự giận hờn phiền não. Mọi sự lo toan sợ hãi, mọi sự khổ đau tai nạn, mọi bệnh tật, v.v.. chúng ta đều giữ tâm bất động bằng phương pháp Định Niệm Hơi Thở. Đó là cách thức xả tâm vô lượng.
5- Giữ gìn tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ thì đó là xả tâm vô lượng.
Ví dụ 1: Ta muốn xả tâm tham ăn thì nên tác ý: “Phải từ bỏ tâm tham ăn tôi biết tôi hít vô, xả tâm tham ăn tôi biết tôi thở ra” hay tâm đang sân dữ dội, thì ta nên tác ý: “Xả tâm sân tôi biết tôi hít vô, xả tâm sân tôi biết tôi thở ra”. Cứ năm hơi thở tác ý một lần; tác ý đều như vậy một lúc sau là tâm tham ăn hay tâm sân liền biến mất.
Ví dụ 2: Có một trạng thái tưởng nào xuất hiện trong thân tâm ta, muốn xả trạng thái đó thì ta nên nương vào hơi thở mà tác ý ngay trạng thái đó: “Trạng thái tưởng này phải xả ra, ta không chấp nhận, hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”.Khi tác ý như vậy xong thì ta tiếp tục hít thở ra vô năm hơi thở như vậy rồi tiếp tục tác ý như câu trên. Phương pháp tác ý cho thân tâm trở lại bình thường hoặc tác ý chừng nào trạng thái ác tưởng không còn nữa. Khi trạng thái tưởng đã hết thì nên tác ý: “Tâm thanh thản an lạc và vô sự, hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”.
Khi tâm đã thanh thản bình thường thì nên tác ý câu khác, “Tâm phải xả tất cả các ác pháp và lòng ham muốn, hít vô tôi biết tôi hít vô; tâm phải xả tất cả các ác pháp và lòng ham muốn, thở ra tôi biết tôi thở ra”.
---
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 1.
Link sách:
No comments:
Post a Comment