Sunday, June 23, 2013

GIỚI HÀNH THỨ HAI MƯƠI BA: GIỚI HÀNH NHÃN CĂN

Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống GIỚI HÀNH NHÃN CĂN nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của giới hành nhãn căn là gì?
Giới đức, giới hành nhãn căn là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh nghiệp.
Giới hạnh, giới hành nhãn căn là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua giới hành nhãn căn như: nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh nghiệp.
Mỗi con người sanh ra trên đời này đều phải có đủ sáu căn đó là:
1/ Nhãn căn
2/ Nhĩ căn
3/ Tỷ căn
4/ Thiệt căn
5/ Thân căn
6/ Ý căn
Sáu căn này tức là mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý.
Hôm nay chúng ta tu học về giới hành nhãn căn. Chúng tôi xin giảng dạy về phần này. Vậy tu tập về giới hành nhãn căn như thế nào?
Trước khi muốn học về giới hành nhãn căn thì chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy La Hầu La: “Này La Hầu La, con nghĩ thế nào? Con mắt là thường hay là vô thường?
-    Bạch Thế Tôn là vô thường.
-    Cái gì vô thường là khổ hay lạc?
-    Bạch Thế Tôn là khổ.
-    Cái gì vô thường, khổ chịu sự biến hoại thời có hợp lý chăng, khi quán cái ấy: “cái này là của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”.
-    Thưa không vậy, bạch Thế Tôn”.
Cuộc vấn đáp giữa đức Phật và La Hầu La, chúng ta đã rút ra được một bài học, từ sự quán xét và tư duy của mình về giới hành nhãn căn tức là con mắt. Con mắt của ta là chất duyên hợp: đất, nước, gió, lửa cấu hợp thành; khi con mắt tan rã thì đất trả cho đất, nước trả cho nước, gió trả cho gió, lửa trả cho lửa; khi trả xong ta chẳng còn cái gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta nữa. Phải không các bạn?
Đủ các duyên hợp lại thành mắt; hết duyên tan rã nó chẳng còn gì. Như vậy mắt đâu phải là ta, của ta, bản ngã của ta; mắt chỉ là một dụng cụ của nhân quả duyên hợp để nhân quả dùng nó tiếp xúc và thấy mọi vật; do tiếp xúc và thấy mọi vật mới sinh ra các cảm thọ; từ các cảm thọ mới sinh ra dục ái, dục ái tức là lòng ham muốn dính mắc chấp trước của ta. Do sự dính mắc chấp trước của ta nên ta mới hiểu lầm lạc con mắt là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Do sự lầm chấp như vậy mới sinh ra vô số lậu hoặc; lậu hoặc tức là sanh, già, bệnh, chết ưu bi sầu khổ từ kiếp này đến kiếp khác.
Mục đích của giới hành tu tập này là để giúp ta hiểu đúng mọi sự vật như thật. Như vậy con mắt là vật vô thường là khổ đau. Đó là điều hợp lý mà không thể có ai chối cãi phủ nhận được. Phải không các bạn?
Khi học tu giới hành con mắt ta nên in đậm trong trí và quyết chắc, tin chắc con mắt là vật vô thường là sự khổ đau, không phải của ta, là ta, là bản ngã của ta.
---
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 1.
Link sách: http://

No comments:

Post a Comment