Điều ước nguyện thứ hai là ước nguyện cho đời sống của mình về thức ăn, về vải mặc, về chỗ ở và về thuốc thang trị bệnh được đầy đủ thì giới luật phải sống nghiêm túc không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, luôn sợ hãi những lỗi nhỏ nhặt.
Trong cuộc đời này làm người ai cũng mong cầu cơm ăn, áo mặc, nhà ở được khang trang, được đầy đủ tiện nghi, nhưng chúng ta ai cũng biết sự ước nguyện ấy là cả một cuộc đời, một cuộc đấu tranh không ngừng, chiến đấu để bảo vệ sự sống cơm ăn, áo mặc, nhà ở cho được đầy đủ hơn. Nhưng các bạn cũng biết, sự ước nguyện được đầy đủ ấy có bao giờ đạt được như ý muốn đâu! Cho nên sự ước nguyện ấy mãi đến khi các bạn xuôi tay trở về với lòng đất cũng cảm thấy chưa được đầy đủ. Phải không các bạn?
Do sự ước nguyện sống có một cuộc đời được đầy đủ và sung sướng hơn, nên mọi người tạo ra nhiều ác pháp, do tạo ra nhiều ác pháp nên phải gánh chịu nhiều sự khổ đau. Do đó người ta bảo: “Sống là tranh đấu”. Vậy tranh đấu với ai? Tranh đấu với mình hay tranh đấu với mọi người? Sống là tranh đấu tức là muốn bảo vệ cuộc sống của mình. Muốn bảo vệ cuộc sống của mình là phải đấu tranh với mọi người, tranh đấu với thiên nhiên, với thời tiết nắng, mưa, gió, bão v.v.. tranh đấu với vạn vật từ loài cầm thú to lớn cho đến những loài côn trùng. Tranh đấu chính là phải vật lộn với cuộc sống của mọi người, mọi vật để mưu sinh cho mình. Do sự tranh đấu như vậy nên con người ước nguyện được đầy đủ và hạnh phúc thì chẳng bao giờ có đầy đủ và hạnh phúc được. Cuộc tranh đấu như vậy là cuộc tranh đấu bên ngoài, cuộc tranh đấu đó gây ra nhiều ác pháp và khổ đau cho mình, cho người. Ngược lại, cuộc tranh đấu mà đức Phật đã dạy cho chúng ta là cuộc tranh đấu nội tâm. Cuộc tranh đấu nội tâm là sự ngăn ác diệt ác pháp trong tâm của mình.
Hãy lắng nghe đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, nếu Tỳ Kheo có ước nguyện. Mong rằng ta được các vật dụng, như y phục các món khất thực sàng tọa và các dược phẩm trị bệnh, Tỳ Kheo ấy phải thành tựu viên mãn giới luật, kiên trì, nội tâm tịch tĩnh, không gián đoạn thiền định, thành tựu quán hạnh, thích sống tại các trụ xứ không tịch”.
Đọc đoạn kinh trên đây cho chúng ta biết rất rõ ràng muốn có cơm ăn, áo mặc và thuốc thang trị bệnh được đầy đủ thì không phải là cuộc đấu tranh với mọi người bên ngoài mà là cuộc đấu tranh với nội tâm của mình.
Mục đích của đạo Phật dạy chúng ta ở đây, nếu muốn có cơm ăn, áo mặc và thuốc thang trị bệnh được đầy đủ thì phải chiến đấu với nội tâm của mình. Chiến đấu với nội tâm của mình là giữ gìn giới luật nghiêm túc, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, nhờ đó sự ước nguyện ấy sẽ thành tựu viên mãn, không có mệt nhọc, không có phí sức, không có đau khổ. Đó là cuộc đấu tranh nội tâm của chúng ta.
Còn ngược lại càng đấu tranh với mọi người để đạt được vật chất bên ngoài, thì càng vất vả và gặp khổ đau nhiều hơn. Cho nên muốn đạt được vật chất bên ngoài bằng cuộc đấu tranh với mọi người thì tinh thần và sắc thân đều rất mỏi mệt, chứ đâu có sự an lạc, hạnh phúc.
Đường lối đạo Phật ứng xử vào cuộc sống rất kỳ diệu không đấu tranh với mọi người để tìm vật chất, của cải, tài sản mà chỉ có cách buông xả vật chất, của cải, tài sản ở nội tâm của mình tức là giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả thì của cải, tài sản, vật chất lại đầy đủ như lòng ước nguyện.
Vì thế, giới luật đức hạnh là một vấn đề quan trọng trong cuộc sống của con người. Nó quyết định được những điều ước nguyện của mình để đạt được kết quả đầu tiên trong cuộc sống, đó là ước nguyện cơm ăn, áo mặc nhà ở, của cải, tài sản được đầy đủ như trên đã dạy.
Tóm lại, chỉ có giới luật đức hạnh là một phương pháp giúp cho con người đạt thành ý nguyện sự sống đầy đủ an vui và hạnh phúc. Vậy các bạn phải lưu ý về đạo đức thân hành, khẩu hành và ý hành của mình, đừng để chúng sống phi đạo đức thì tai họa sẽ đến với mình muôn vàn sự khổ đau trùng trùng duyên khởi.
---
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 2.
Link sách:
No comments:
Post a Comment