Saturday, June 22, 2013

GIỚI HÀNH THỨ HAI MƯƠI: GIỚI BẤT TỊNH

Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống GIỚI BẤT TỊNH HÀNH nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của giới bất tịnh hành là gì?
Giới đức giới bất tịnh hành là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh nghiệp.
Giới hạnh giới bất tịnh hành là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện qua giới bất tịnh hành như: nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh nghiệp.
Chúng ta thường tu tập Định Vô Lậu. Trong Định Vô Lậu có pháp dạy quán thân này bất tịnh. Từ đó, chúng ta quán xét thân bất tịnh, thuần biết thân chúng ta hoàn toàn là những chất thứ bất tịnh hôi thối không có vật gì trong đó là quý báu, chỉ toàn là các duyên bất tịnh hợp thành. Do nhiều đời lầm chấp cho thân này là tốt đẹp, là quý báu là của ta, là ta, là bản ngã của ta. Do sự lầm chấp như vậy nên có những việc xảy ra xúc phạm đến thân tâm của ta thì ta lại phát sân hận, tức tối, phiền não khổ đau. Sự sân hận, tức tối, phiền não khổ đau là do tâm tham ái thân này vậy. Vậy chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy La Hầu La: “Này La Hầu La, hãy tu tập sự tu tập về bất tịnh, này La Hầu La, do tu tập sự tu tập về bất tịnh cái gì thuộc về tham ái được diệt trừ”.
Như lời Phật dạy trên đây chúng ta quán thân bất tịnh thì sẽ diệt trừ được tâm tham ái. Vậy muốn quán thân bất tịnh thì xin các bạn vui lòng đọc lại kinh Thân Hành Niệm dạy về cách thức quán thân bất tịnh: “Này các Tỳ Kheo, Tỳ Kheo nên quán sát thân này dưới từ bàn chân trở lên trên cho đến đỉnh tóc bao bọc bởi da chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt: “Trong thân này đây là tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, thận, tuỷ, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, phân, mật, đàm, miên dịch, mủ, máu, mồ hôi, nước ở khớp xương, nước tiểu, v.v.. Này các Tỳ kheo, cũng như một bao đồ, hai đầu trống đựng đầy các loại hột như: gạo, lúa, đậu xanh, đậu lớn, mè, gạo đã xay rồi. Một người có mắt và đổ các hột ấy ra và quán sát: “Đây là hột gạo đây là hột lúa, đây là đậu xanh, đây là đậu lớn, đây là mè, đây là hột lúa đã xay rồi”. Cũng vậy này các Tỳ Kheo, một Tỳ Kheo quan sát thân này dưới từ bàn chân trở lên, trên chỗ đến đỉnh tóc, bao bọc bởi da chứa đầy những vật bất tịnh sai biệt”.
Trên đây là lời Phật dạy quán thân bất tịnh. Khi quán sát thân thấu suốt thân này bất tịnh như thật thì còn đâu tham ái thân này nữa. Phải không các bạn?
Thấy biết như thật những chất trong thân này quá dơ bẩn, không thể che dấu được chúng ta nhìn thấy thật sự trên thân ta và mọi người: phân phẩn, mồ hôi, nước tiểu, đờm dãi, ghèn, nước mũi, nước miếng đều có mùi hôi thối, nếu ai nghe, thấy, ngửi đều ghê tởm, đều muốn tránh xa. Ai ai cũng biết nó bất tịnh dơ bẩn thì còn ai dám sờ mó, đụng chạm đến những đồ bất tịnh đó. Phải không các bạn?
Còn những người nào chưa quan sát xem xét thấy thân này bất tịnh, dơ bẩn, hôi thối, thì tâm còn ưa thích. Tâm còn ưa thích thân này là còn tâm sắc dục; tâm sắc dục còn là còn thấy sắc dục là hạnh phúc, là khoái lạc; còn thấy sắc dục là hạnh phúc, là khoái lạc là tâm còn tham ái. Cho nên khi tu tập giới bất tịnh hành thì đối trị tâm tham ái. Tâm tham ái diệt là tham, sân, si diệt. Tham, sân, si, diệt là giải thoát. Vậy các bạn hãy tu tập và giữ gìn giới bất tịnh hành này nghiêm chỉnh thì tâm tham ái của các bạn sẽ được diệt trừ.
Vì thế hằng ngày chúng ta phải chuyên tu tập đúng pháp như lý tác ý nương thân hành nội ngoại.
Câu tác ý thứ nhất: “Sắc dục chỉ là tâm tham ái nên không thấy thân này bất tịnh, uế trược, bẩn thỉu, hôi thối phải từ bỏ, phải xa lìa chúng, tâm phải luôn luôn thanh thản, an lạc và vô sự”.
Câu tác ý thứ hai: “Thân này bất tịnh, uế trược, hôi thối chúng ta phải từ bỏ tâm sắc dục, tôi biết tôi hít vô, tôi biết tôi thở ra”.
Câu tác ý thứ ba: “Thân này là thân bất tịnh hôi thối ta phải xa lìa, đừng tham ái nó tôi biết tôi đang đi kinh hành”.
Pháp như lý tác ý quá cụ thể rõ ràng, hằng ngày phải siêng năng tu tập một cách nhiệt tâm, nhiệt tình thì mới có hiệu quả làm chủ được cuộc sống sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi.
Chúng ta lại tiếp tục quán xét thân bất tịnh như trong kinh Tứ Niệm Xứ hay kinh Thân Hành Niệm. Nếu thân này chết khoảng 4, 5 ngày thì trương phồng lên, xanh đen, lại nứt nẻ, nước vàng chảy ra, mùi hôi thối xông lên rất khó chịu, khiến cho mọi người không ai dám lại gần, nếu đem thân này quăng bỏ trong nghĩa địa đừng chôn thì các loại chim như: quạ, diều hâu, chim kên, chó, gà và tất cả các loại côn trùng ăn. Thân này tánh chất là như vậy, không có cách nào vượt khỏi tánh chất ấy, dù ta đem phơi khô hay ướp một thứ thuốc nào thì thân bất tịnh vẫn là bất tịnh, tính vô thường hoại diệt thì không thể nào thoát ra qui luật vô thường hư hoại được.
Chúng ta hãy đọc lại đoạn kinh Tứ Niệm Xứ mà đức Phật đã dạy: “Lại nữa này các Tỳ kheo, Tỳ kheo như thấy một thi thể bị quăng bỏ trong nghĩa địa một ngày, hai ngày, ba ngày thi thể ấy trương phồng lên, xanh đen lại nát thối ra. Tỳ kheo quán thân ấy như sau: “Thân này tính chất là như vậy, bản tính là như vậy không vượt khỏi tính chất ấy”.
Nhìn thấy xác thân bất tịnh, tính chất hôi hám trương phồng rữa thối bất tịnh khiến ta không còn chấp trước cho thân này là đẹp đẽ cao quí; cho thân này là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Mọi người lầm chấp thân này tốt đẹp, trong sạch, sự thật chỉ là tấm thân bất tịnh hôi thối tan rã hoại diệt. Khi tư duy như vậy nhiều lần khiến ta nhàm chán thân tứ đại, nhàm chán đến mức độ ghê tởm không còn xem thân là vật quý trọng nữa.
---
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 1.
Link sách: http://

No comments:

Post a Comment