Thursday, June 20, 2013

GIỚI HÀNH THỨ MƯỜI MỘT: GIỚI HÀNH TÂM NHƯ ĐẤT

Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống GIỚI HÀNH TÂM NHƯ ĐẤTnghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành tâm như đất là gì?
Giới đức giới hành tâm như đất là những lời dạy đạo đức về đời sống của con người tức là Chánh mạng.
Giới hạnh giới hành tâm như đất là những lời dạy về Phạm hạnh tức là oai nghi tế hạnh thường thể hiện giới hành tâm như đất qua như: nói, nín, tiếp giao với mọi người, v.v.. Những oai nghi tế hạnh như vậy được gọi là Chánh mạng.
Như chúng ta đã học địa giới nội ngoại không phải là ta, là của ta, là bản ngã của ta. Đó là học giới hành phá chấp để có cái thấy về địa giới nội ngoại như thật không còn bị mê lầm điên đảo, v.v.. cho là ngã.
Khi học về tính của địa giới thì khác hơn, nó ngược lại bản chất của địa giới, vì bản chất địa giới là địa giới, chứ không phải của ta, là ta, là bản ngã của ta. Khi học về tính của địa giới thì chúng ta phải hiểu tính của địa giới là dung chứa, dù dơ bẩn bất tịnh hay trong sạch thanh tịnh thì tính địa giới không có phân biệt phiền hà than trách, không có vui mừng hay khen chê. Cho nên khi học về tính của địa giới thì có sự ước mong tâm mình như tính địa giới, như đất.
 Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy Tôn Giả La Hầu La cách thức để rèn luyện tâm mình tính như đất:“Này La Hầu La, hãy tu tập sự tu tập tánh như đất. Này La Hầu La, do tu tập sự tu tập tánh như đất. Khi các xúc khả ái, không khả ái khởi lên. Không có nắm giữ tâm, không có tồn tại, Này La Hầu La, ví như trên đất ta quăng đồ tịnh, quăng đồ bất tịnh, như quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu, tuy vậy đất không lo âu, không dao động, không nhàm chán, cũng vậy này La Hầu La, hãy tu tập như tính của đất”.
Do tu tập tính như đất thì tâm ta sẽ không còn phiền não, sân hận, lo âu, sợ hãi nữa. Muốn hành địa giới tâm như đất, vậy cách thức tu tập như thế nào?
Theo như lời Phật dạy: “Hãy tu tập sự tu tập như đất”, lời dạy này quá cô đọng khiến ta không biết cách thức nào tu tập. Phải không các bạn?
Chúng ta nên lưu ý những chữ: “Tu tập sự tu tập”. Vậy tu tập và sự tu tập như thế nào?
Chúng ta ai cũng rõ tính của đất là không tham, không sân, không phiền não, không lo âu, sợ hãi, không màng danh lợi, chê khen, v.v.. Tính của đất như vậy mọi người ai cũng đã rõ. Vậy chúng ta nên theo tính của đất như lý tác ý, biến thành phương pháp tu rất tuyệt vời. Các bạn cứ tu tập đi thì các bạn sẽ thấy kết quả rất là vĩ đại.
Đức Phật thường nhắc nhở chúng ta tu tập như lý tác ý nên nói: Do không như lý tác ý mà lậu hoặc chưa sanh sẽ khởi sanh, lậu hoặc đã sanh sẽ tăng trưởng lớn mạnh. Do hằng ngày tu tập như lý tác ý mà lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, đã sanh thì bị diệt”.
Như vậy, ở đây đức Phật dạy: “Hãy tu tập sự tu tập như đất” tức là dạy hằng ngày phải thường như lý tác ý: “Tâm như đất từ bỏ tham, sân, si; tham, sân, si là ác pháp, là đau khổ.” Hay tác ý như thế này: “Tâm như đất phải xa lìa tham, sân, si; phải diệt cho thật sạch gốc”.
 Hay tác ý như thế này: “Ai khen không mừng, ai chê không giận, cho vàng không ham, cho đồ bất tịnh không buồn phiền”.
Hoặc chúng ta dùng hơi thở tác ý: “Tâm như đất, tôi biết tôi hít vô, tâm như đất, tôi biết tôi thở ra”. Thở vô, thở ra 5 hơi thở rồi lại tiếp tục tác ý như câu trên. Nhưng khi thở ra, thở vô đều đều tâm phải lắng nghe toàn thân tâm mình như đất. Khi tu tập như vậy thì tâm phải dang rộng đôi tay đón nhận tất cả ác pháp đến với mình trong sự hân hoan; đón nhận những vật bất tịnh cũng như những vật thanh tịnh với thân, thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự.
___
Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 1.
Link sách: http://

No comments:

Post a Comment