Wednesday, June 19, 2013

GIỚI THIỆU BỘ GIỚI HÀNH SA DI

Bộ Giới Hành Sa Di này tôi dựa vào ba bài kinh sau đây:
1- Giáo Giới La Hầu La ở rừng Am Bà La.
2- Tiểu Giáo Giới La Hầu La.
3- Đại Giáo Giới La Hầu La.
Nhờ ba bài kinh này chúng tôi biên soạn thành bộ giới. Đây là một bộ Giới hành hết sức quan trọng cho người mới vào tu tập theo Phật giáo.
Theo tôi nhận xét những lời đức Phật dạy La Hầu La trong ba bài kinh này có giá trị rất lớn cho sự tu tập của mọi người từ sơ cơ đến chứng đạo, nên tôi quyết tâm soạn thảo thành phần 2 của bộ Văn Hóa Truyền Thống Đạo Đức Việt Nam, cho trọn vẹn đầy đủ: Giới Cấm, Giới Đức, Giới Hạnh và Giới Hành.
Dựa theo đoạn sử trên, La Hầu La là đứa con trai duy nhất của đức Phật, cũng là người Sa Di đầu tiên trong đạo Phật, vì vậy những điều đức Phật dạy cho La Hầu La rất căn bản và quan trọng đối với những người mới bước chân vào đạo Phật. Do nhận xét kỹ ba bài kinh này tôi thấy rằng: những giới luật này mới chính là giới luật của đạo Phật, nó rất căn bản trong sự tu hành theo Phật giáo của bao nhiêu thế hệ sau này, nhất là dạy tu hành cho những thế hệ trẻ.
Theo kinh nghiệm tu hành của tôi thì những lời giáo giới này là nền tảng vững chắc của đạo Phật, nó được lưu giữ để lại cho bao nhiêu thế hệ người sau. Những người sau muốn chấm dứt sanh tử luân hồi đều phải nương theo những lời giáo giới này để tu tập thì mới có thể chứng quả A La Hán giải thoát hoàn toàn.
Nếu ai chịu khó nghiên cứu kỹ về Phật giáo, đều phải công nhận rằng: Phật giáo lấy thiện pháp làm gốc; nhờ thiện pháp mà ta nhận ra được ác pháp; nhờ thiện pháp mà tìm được sự giải thoát: sanh, già, bệnh, chết; nhờ thiện pháp mà chứng được đạo quả A La Hán; nhờ thiện pháp mà có đủ Tam Minh, Lục Thông; nhờ thiện pháp mà tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ; nhờ thiện pháp mà có một đời sống cao thượng không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh; nhờ thiện pháp mà nhập được bốn thiền làm chủ được sự sống chết, tự tại trong sinh tử; nhờ thiện pháp mới thực hiện được cảnh giới an lạc Niết bàn.
Nhưng thiện pháp thì có vô lượng, vô biên, làm sao chúng ta biết hết được? Đúng vậy, do thiện pháp có vô lượng vô biên, nên đức Phật lần lượt vạch ra cho chúng ta thấy những thiện pháp gốc. Những thiện pháp gốc này đều nằm trong tạng kinh Nikaya; những bài kinh ấy được gọi giới kinh, như kinh Phạm Võng, kinh Sa Môn Quả và những bài kinh giáo giới khác cho các vị Tỳ Kheo trong thời bấy giờ. Dựa theo những bộ giới kinh mà các Tổ biên soạn thành bộ giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa, nhưng lại gán cho Phật chế giới luật. Giới bổn Ba La Đề Mộc Xoa gồm có:
- 348 giới Tỳ Kheo Ni.
- 250 Tỳ Kheo Tăng.
- 10 Giới Sa Di.
- 10 Thiện Pháp tiêu chuẩn của cõi Trời.
- 5 giới cấm tiêu chuẩn của loài Người.
Bảng liệt kê giới bổn trên đây chúng ta nhận xét giới cấm quá nhiều lại còn thêm giới kinh cũng không phải là ít. Do đó, tu sĩ hay cư sĩ không có giới hành tu tập thì không còn cách nào không vi phạm giới luật. Phải không các bạn?
Vì thế, bộ Giới hành cần phải được biên soạn và cho ra đời càng sớm càng tốt để giúp cho Phật giáo chấn chỉnh lại những điều tu sĩ vi phạm giới luật và những chỗ sai lệch do ảnh hưởng tưởng giải của các Tổ, của tà giáo ngoại đạo và của những phong tục mê tín lạc hậu của dân gian.
Muốn hoàn thành bộ Giới Luật này xin các bậc tôn túc đức cao, trí rộng góp ý cùng với tôi để làm thành bộ Giới Luật có giá trị thiết thực, cụ thể, chỉ rõ đạo đức làm người, làm Thánh và con đường tu tập đạt được kết quả tốt đẹp xứng đáng là những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni và Thánh Cư sĩ.

Kính ghi,
Tu Viện Chơn Như.

No comments:

Post a Comment