Tuesday, June 25, 2013

LỜI BẠT

Làm người ai cũng biết khen và chê, nhưng phải hiểu rõ, khen chê như thế nào đúng và như thế nào sai?
Cho nên vấn đề khen chê rất quan trọng trong cuộc sống chung đụng và va chạm với mọi người.
Người ở đời không mấy ai lưu ý đến vấn đề này, cho nên khi được khen không cần biết đúng sai, phải trái như thế nào, nhưng tâm họ vẫn hân hoan, vui mừng ra mặt và còn tỏ ra thiện cảm, ưa thích người khen mình; ngược lại khi bị chê bai hoặc bị nói xấu, thì tỏ lộ nét mặt căm tức, giận hờn khổ đau, thù ghét, mất thiện cảm… không ưa thích người đó. Lúc bấy giờ họ không cần biết người khác chê đúng hay chê sai, chỉ biết tức giận và cố trả thù là trên hết.
Người tu sĩ Phật Giáo không nên để tâm bị chi phối bởi lời khen hay tiếng chê như vậy, mà phải hiểu cho rõ ràng: khen như thế nào là khen đúng và khen như thế nào là khen sai. Chê cũng vậy, chê như thế nào là chê đúng và chê như thế nào là chê sai.
Do sự hiểu biết rõ ràng như vậy, cho nên khi được khen không vội mừng vui, khi bị chê không vội buồn bã. Theo như lời đức Phật đã dạy: “Này các Tỳ Kheo, nếu có người hủy báng Phật, hủy báng Pháp, hủy báng Tăng, các ngươi chớ có vì vậy mà sanh lòng công phẫn, tức tối, tâm sanh phiền muộn, thời như vậy sẽ có hại cho các ngươi, làm cho các người đau khổ, không ích lợi gì? Các ngươi phải nói rõ những điều không đúng sự thật là không đúng sự thật: “Như thế này, điểm này không đúng sự thật; như thế này, điểm này không chính xác; việc này không có giữa chúng tôi, việc này không xảy ra giữa chúng tôi”.
Lời dạy trên đây của đức Phật, chúng ta nên nhớ cho thật kĩ để khi gặp những ai khen hay chê mình thì chớ có vui mừng hay công phẫn, tức giận, đó là tự mình làm cho mình đau khổ. Phải không các bạn?
Khi chúng ta bị chê bai, bị chỉ trích, bị nói xấu, v.v.. Chúng ta đừng vội căm tức, mà nên xem xét người chê bai nói xấu mình hay người khác, họ là người như thế nào? Lời chê của họ có đúng hay sai. Chê họ có dựa đúng vào những tiêu chuẩn đạo đức làm người hay không (giới luật)?
Nếu khen, chê mà không đúng tiêu chuẩn đạo đức này (giới luật) là khen, chê sai. Khen chê sai là người không có chánh tri kiến, người không có chánh tri kiến là người hay làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai, người như vậy rất tội nghiệp chúng ta nên tha thứ và thương yêu họ.
Khi được khen hay bị chê thì chúng ta muốn biết rõ đúng hay sai thì cần phải dựa vào giới luật đức hạnh của Phật giáo như trên đã nói. Phải sáng suốt nhận định nếu lời khen kia đúng giới luật, đó là họ khen đúng, còn ngược lại khen không đúng giới luật là khen sai. Chê cũng vậy chê người phạm giới là chê đúng, chê người không phạm giới là chê sai. Chê người phạm giới mà người ta không phạm giới là mình nói xấu người ta, là mình chê sai, mình sẽ bị tội lỗi, phải trả nhân quả tội ác mà không tránh khỏi. Chúng ta hãy lắng nghe lời Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, nếu có người tán thán khen Ta, thời các người không nên hoan hỉ, vui mừng, tâm không nên thích thú vì hoan hỉ vui mừng thích thú thời sẽ có hại cho các người”.
“Này các Tỳ Kheo, các người hãy công nhận những gì đúng sự thật là đúng sự thật. Như thế này, điểm này đúng sự thật, như thế này, điểm này chính xác, việc này có giữa chúng tôi, việc này đã xảy ra giữa chúng tôi”.Đây là lời khuyên của đức Phật, chúng ta cần phải lưu ý những lời dạy này, vì nó có một giá trị lợi ích rất lớn đối với đời sống của chúng ta.
Khi chúng ta muốn khen hay chê ai cũng phải dựa vào giới luật, vì giới luật là tiêu chuẩn đạo đức, đúng đắn cho lối sống Thánh thiện của mọi con người. Cho nên người phạm giới luật là người đáng chỉ trích, đáng khinh chê, còn ngược lại người nghiêm trì giới luật là người đáng được khen, đáng được ca tụng: “Này các Tỳ kheo, đấy là những vấn đề không quan trọng nhỏ nhặt, chỉ thuộc giới luật, mà kẻ phàm phu dùng để tán thán Như Lai”.
Đúng vậy, muốn khen hay chê ai chúng ta đều dựa vào giới luật thì sự khen chê mới đúng nghĩa. Vậy giới luật là gì?
Giới luật là thiện pháp như trên đã nói, giới luật là đạo đức làm Người, làm Thánh; giới luật là pháp môn vô lậu, thường mang đến những kết quả giải thoát thực tế, cụ thể, rõ ràng hiện tại, không có thời gian chờ đợi cho những người tu sĩ Phật giáo, đến để mà thấy kết quả ngay liền.
Giới luật gồm có nhiều giới, mỗi giới đều có tính chất đặc thù riêng về đức và hạnh của nó. Vì thế, nó mới được mang tên là “Giới Vô Lậu”, nó mới được mọi người cung kính và tôn trọng, chính nó mới đem lại sự an vui hạnh phúc cho cá nhân của mọi người; chính nó mang lại sự êm ấm hạnh phúc cho từng mỗi gia đình; chính nó cũng mang lại trật tự, an ninh cho xã hội và phồn vinh thịnh trị cho đất nước quê hương xứ sở.
Bởi vậy, giới luật là một pháp môn rất quan trọng và vô giá đối với đời sống của con người. Người không có giới luật là người vô đạo đức, thường sống làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Vì thế, mọi người ai ai cũng cần phải học hiểu giới luật, vì học hiểu giới luật thông suốt là cả một sự lợi ích rất lớn, nó sẽ giúp cho mọi người vượt lên mọi sự khổ đau của kiếp làm người và nó chuyển hóa luật nhân quả, khiến cho nhân quả không còn tác dụng trên thân tâm của chúng ta nữa. Nhờ thế, chúng ta đã biến cảnh sống thế gian thành cảnh giới Thiên Đàng, Cực Lạc, một cảnh sống mà mọi người đều ước mơ.
 Kính ghi
    Tu Viện Chơn Như

Nguồn: Sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, tập 2.
Link sách: http://

No comments:

Post a Comment