Wednesday, June 5, 2013

THIỀN ĐỊNH


LỜI PHẬT DẠY:

“Này Sandha, hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục, chớ có Thiền định của con ngựa chưa thuần thục”.

(Tăng Chi Bộ Kinh, tập 4, trang 655)

CHÚ GIẢI:

Người tu thiền định cần phải lưu ý lời khuyên dạy trên đây của đức Phật: “Hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục, chớ có Thiền định của con ngựa chưa thuần thục”.

Hầu hết, người tu thiền định thời nay không quan tâm đến vấn đề này, nên muốn tu thiền định là đi học thiền, tu thiền, chứ họ đâu biết rằng tu thiền định như vậy là sai, tu như vậy không bao giờ nhập được thiền định. Tại sao vậy?

Vì thân tâm họ chưa thuần thục, còn đắm nhiễm dục và ác pháp, tức là chưa ly dục ly ác pháp có nghĩa là giới luật chưa nghiêm túc. Bởi vậy, đức Phật dạy: “Hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục”.

Thưa các bạn! Con ngựa thuần thục và con ngựa chưa thuần thục nghĩa như thế nào?

Con ngựa thuần thục là chỉ cho tâm đã ly dục ly ác pháp, tâm đã lìa tham, sân, si, mạn, nghi. Khi tâm đã ly dục ly ác pháp thì lúc bây giờ chúng ta mới tu tập Thiền định. Cho nên, đức Phật dạy: “Hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục”. Thân tâm đã thuần thục trong giới luật thì tâm định tỉnh, nhu nhuyễn dễ sử dụng. Lúc bấy giờ, chúng ta mới bắt đầu tu tập Thiền Định. Tu như vậy mới đúng như lời Phật dạy. Phải không các bạn?

Cho nên, nền tảng thiền định của Đạo Phật là giới luật mà giới luật thì phải nghiêm chỉnh; giới luật có nghiêm chỉnh thì tâm mới ly dục ly ác pháp hoàn toàn.

Do lời dạy trên đây của đức Phật mà chúng ta xét thấy những người tu theo thiền định của Phật giáo thời nay đều tu sai pháp, vì giới luật chưa nghiêm chỉnh, hạnh ly ăn, ly ngủ, hạnh sống độc cư chưa trọn vẹn mà đòi nhập thiền định thì làm sao nhập được. Các bạn chỉ tu tập thiền tưởng, chứ chánh định chánh thiền thì không thể tu tập như vậy được.

Đoạn kinh trên đây cho chúng ta thấy tu sĩ Phật giáo hiện giờ chưa có ai nhập Chánh định được, chỉ nhập vào Tà định của ngoại đạo mà thôi. Giới luật không tu tập, mà lại còn phá giới, phạm giới, tu như vậy cho phù hợp với thời đại thì chỉ có các nhà Sư Đại Thừa và kinh sách Đại Thừa dạy, chứ kinh sách Nguyên Thủy thì không có dạy như vậy.

Xét qua lời dạy trên, thì thấy giáo lý Đại Thừa xem nhẹ giới luật, hướng dẫn tu sĩ đi đến con đường sai lệch: cúng bái, cầu siêu cầu an, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, bắt ấn, ngồi thiền ức chế tâm, v.v..

Thưa các bạn! Chúng ta là những tu sĩ và cư sĩ Phật giáo sao lại không sáng suốt phân biệt pháp môn nào của Phật, pháp môn nào của ngoại đạo, của các Tổ, để tu hành tránh khỏi lầm lạc. Và như vậy, vô tình chúng ta lại cố ý tiếp tay diệt sạch Phật giáo theo mưu đồ của Bà La Môn. Phải không hỡi các bạn?

Nhìn thấy các bạn tu theo kinh sách Đại Thừa, chúng tôi dựa theo lời dạy Nguyên Thủy của Phật trên đây mà khẳng định rằng: Các bạn tu tập như vậy là sai, chỉ uổng công, chẳng bao giờ nhập được Chánh định, làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Các bạn tin hay không tin là quyền ở các bạn, nhưng điều chúng tôi quyết chắc là các bạn sáng suốt nhận định rõ ràng những gì các bạn tận mắt thấy, tai nghe và những gì chúng tôi nói. Đó là những điều chứng thực để các bạn tin hay không tin.

Thiền định của con ngựa chưa thuần thục nghĩa là gì? Con ngựa chưa thuần thục có nghĩa thân tâm của các bạn còn tham, sân, si, mạn, nghi, còn chưa ly dục ly ác pháp. Khi tâm còn tham, sân, si, mạn, nghi, chưa ly dục ly ác pháp thì đừng có tu thiền định, vì có tu thiền định cũng chỉ mất công phí sức chẳng bao giờ nhập được định, bởi vì nền tảng tu thiền định của Đạo Phật là Giới luật. Có nền tảng giới luật thì tu thiền định mới bảo đảm. Tâm phải thanh tịnh ly dục ly ác pháp thì mới nên tu tập thiền định. Cho nên, các bạn về tu viện Chơn Như mà không dọn mình cho trong sạch thì về đây tu hành cũng chẳng ích lợi gì.

Hạnh ăn, hạnh ngủ, hạnh độc cư chưa tròn mà về đây tu tập là tu tập cái gì? Thưa các bạn! Các bạn còn tham mê ăn, tham mê ngủ, còn thích sống nói chuyện mà các bạn về đây tu tập thì chỉ uổng công và vô ích. Ở đây, không có dạy tu ăn, tu ngủ, tu nói chuyện các bạn ạ!

Các bạn cứ nghĩ rằng cúng dường tiền bạc nhiều là để tu viện Chơn Như phục vụ về ăn uống cho các bạn, đó là các bạn đã nghĩ sai. Dù các bạn có cúng dường bao nhiêu tiền thì tu viện cũng vẫn giữ lập trường giúp các bạn ăn uống đơn giản vừa đủ sống để ly dục ly ác pháp, chứ không phải phục vụ các bạn ăn uống như trong khách sạn, nhà hàng.

Khi các bạn về đây tu hành mà còn mang theo thực phẩm để ăn uống, không thực hiện đời sống bình đẳng về ăn uống trong tu viện, thì chúng tôi nói rằng các bạn chỉ tu cho có hình thức chơi, chứ kỳ thực chẳng có kết quả lợi ích gì cho các bạn.

Tu mà còn tham đắm ăn uống, ngủ nghỉ; tu mà còn thích hội họp nói chuyện khoe khoang sự tu tập của mình với mọi người. Vậy thì nền tảng ly dục ly bất thiện pháp là ở chỗ nào? Xin các bạn chỉ cho.

Các bạn chỉ sống trong tưởng, nói thiền định tưởng, chứ kỳ thực các bạn chưa có nếm được mùi vị ly dục ly ác pháp.

Đây, các bạn hãy nghe tiếp lời dạy của đức Phật để mà suy ngẫm con đường tu hành của mình: “Này Sandha, ở đây có hạng người tâm chưa được thuần thục, khi đi đến ngôi rừng hay khi đi đến gốc cây, hay khi đến ngôi nhà trống, trú với tâm bị dục tham ám ảnh, bị dục tham chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên. Người ấy tàng trữ dục tham trong tâm (ức chế), rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán, trú với tâm bị sân ám ảnh, bị sân chi phối ... trú với tâm bị hôn trầm thùy miên ám ảnh, bị hôn trầm thùy miên chi phối ... trú với tâm bị trạo hối ám ảnh, bị trạo hối chi phối ... trú với tâm bị nghi hoặc ám ảnh ... trú với tâm bị nghi hoặc chi phối, không như thật biết ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên. Người ấy tàng trữ nghi hoặc vào trong (ức chế), rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán. Người ấy Thiền tư y chỉ vào đất, Thiền tư y chỉ vào nước, ... vào gió, ... vào Không vô biên xứ, ... vào Thức vô biên xứ, ... vào Vô sở hữu xứ, ... vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, ... vào đời này, ... vào đời sau. Phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, đều y chỉ vào đấy người ấy thiền tư. Như vậy này Sandha là người tu Thiền tư không thuần thục (không kết quả)”.

Đọc đoạn kinh này các bạn tự quan sát sự tu tập của mình là sẽ biết ngay liền sai hay đúng.

Thường các bạn trình pháp đều chứng tỏ mình tu rất tốt, nhưng gặp chuyện thì biết ngay liền các bạn chưa xả tâm. Chưa xả tâm mà có thiền định gì mà thưa hỏi. Phải không hỡi các bạn?

Để thấy sự tu hành của chúng ta sai như thế nào, vậy chúng ta hãy quán xét lại đoạn kinh trên cho kỹ.

Chúng ta nên xét câu thứ nhất: “Này Sandha, ở đây có hạng người tâm chưa được thuần thục”. Vậy, tâm chưa thuần thục là thuần thục cái gì?

Ở đây đức Phật muốn nói giới luật chưa nghiêm chỉnh, tâm chưa ly dục ly ác pháp.

Chúng ta xét đến câu thứ hai: “Khi đi đến khu rừng hay khi đi đến gốc cây, hay khi đến ngôi nhà trống”. Vậy, khu rừng, gốc cây, ngôi nhà trống là nghĩa gì?

Ở đây có nghĩa là chọn lấy một nơi thanh vắng để sống độc cư, một mình trong cảnh cô đơn.

Chúng ta quán xét đến câu thứ ba: “Trú với tâm bị dục tham ám ảnh, bị dục tham chi phối”. Vậy, dục tham ám ảnh, dục tham chi phối nghĩa là gì?

Dục tham là lòng ham muốn; ám ảnh là hiện ra lởn vởn trong trí day dứt không yên; chi phối là tác dụng điều khiển. Nghĩa chung của câu tham dục ám ảnh là lòng tham muốn hiện ra lởn vởn trong trí day dứt không yên, nghĩa câu tham dục chi phối là lòng tham muốn tác dụng điều khiển, sai khiến.

Nghĩa chung của đoạn này là khi ngồi lại một mình nơi thanh vắng thì lòng tham muốn khởi lên day dứt, tác động điều khiển sai khiến chúng ta làm theo ý muốn của tâm, làm cho ta mất tự chủ. Người đời không biết tu hành nên dễ bị tâm tham dục sai khiến, khiến cho cuộc đời vốn khổ đau lại càng khổ đau hơn.

Chúng ta quán xét đến câu thứ tư: “Không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên. Người ấy tàng trữ dục tham trong tâm (ức chế)”. Vậy xuất ly và tàng trữ nghĩa là gì?

Xuất ly là lìa ra, bỏ ra; tàng trữ là giữ lại, nén lại. Ý nghĩa của câu này là không biết cách xuất ly dục tham, nên dục tham thường khởi lên chỉ còn có giữ gìn trong tâm nên gọi là nén tâm. Do đó, dù có tu thiền định gì đi nữa thì vẫn bị sân, hôn trầm thùy miên, trạo cử, trạo hối và các loại tưởng định khởi lên như trong đoạn kinh này dạy: “Rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán, trú với tâm bị sân ám ảnh, bị sân chi phối ... trú với tâm bị hôn trầm thùy miên ám ảnh, bị hôn trầm thụy miên chi phối ... trú với tâm bị trạo hối ám ảnh, bị trạo hối chi phối ... trú với tâm bị nghi hoặc ám ảnh ... trú với tâm bị nghi hoặc chi phối, không như thật biết ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên. Người ấy tàng trữ nghi hoặc vào trong (ức chế), rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán. Người ấy Thiền tư y chỉ vào đất, Thiền tư y chỉ vào nước, ... vào gió, ... vào Không vô biên xứ, ... vào Thức vô biên xứ, ... vào Vô sở hữu xứ, ... vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ, ... vào đời này, ... vào đời sau. Phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, đều y chỉ vào đấy người ấy thiền tư. Như vậy này Sandha là người tu Thiền tư không thuần thục (không kết quả)”.

Theo lời dạy trong kinh này: Khi giới luật không nghiêm chỉnh thì dù có tu tập cách gì cũng không có kết quả.

(NHỮNG LỜI GỐC PHẬT DẠY – TẬP I - Trang 150) - Trưởng Lão Thích Thông Lạc 

No comments:

Post a Comment